Đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế miền Trung

​MTXD - Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, tuy nhiên quy mô nền kinh tế vùng còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam.

MTXD - Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, tuy nhiên quy mô nền kinh tế vùng còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam.

Thống kê trong năm 2001, quy mô GRDP toàn vùng này chỉ chiếm khoảng 5% GDP cả nước; đến năm 2019 cũng chỉ chiếm 7,09%. Xuất phát điểm của kinh tế vùng KTTĐ miền Trung còn thấp, đóng góp kinh tế của vùng trong nền kinh tế quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế động lực.

Đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kinh tế vùng KTTĐ miền Trung chưa bền vững là do vùng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, lũ lụt, hạn hán; địa hình hẹp, trải dài, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đi lại còn khó khăn, nên việc liên kết phát triển rất hạn chế, vì vậy các tỉnh trong vùng chưa khai thác và phát huy tốt hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Ngoài ra, các dự án trọng điểm về giao thông liên tỉnh, liên vùng như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây Nguyên, phát triển các sân bay quốc tế còn chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng so với các vùng KTTĐ phía Bắc và phía Nam.

Một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn, tăng trưởng theo các năm nhưng về cơ bản kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao…

 

Cảng Chân Mây, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế)_Nguồn: baodautu.vn

Các chuyên gia cho rằng, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động liên kết Vùng KTTĐ miền Trung. Cụ thể như: Các thỏa thuận liên kết trong vùng còn mang tính hình thức, hành chính, chưa có sự phối hợp thực chất. Thời gian qua, hợp tác nội vùng, hợp tác song phương phát triển, nội dung ngày càng toàn diện hơn nhưng các văn bản hợp tác mới chỉ mang tính chất đồng thuận về nguyên tắc, còn việc triển khai cụ thể chưa được quan tâm đúng mức.

Liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu và thiếu hiệu quả. Trên thực tế, đã có những quy định pháp lý mang tính bắt buộc liên kết trong một số nội dung như: xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cho thấy, một mặt các địa phương đều rất ít chú ý tới ý kiến của các địa phương liền kề đối với bản quy hoạch của tỉnh mình, mặt khác các địa phương ít quan tâm đến bản quy hoạch của địa phương khác và cũng e ngại động chạm tới lợi ích của nhau nên các góp ý không mang tính thực chất, trừ khi có sự đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của địa phương mình.

Các hoạt động liên kết theo ngành, lĩnh vực sản xuất chưa phát huy hiệu quả. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa có sự kết nối chặt chẽ với các giá trị văn hóa trong vùng, kết nối các chương trình và các điểm đến với các địa phương trong vùng còn hạn chế, sự phối hợp giữa du lịch với các ngành liên quan chưa chặt chẽ; ngành nông nghiệp chưa có sự liên kết theo từng khâu đoạn sản xuất. Nhiều nông sản chủ lực vẫn chưa được sản xuất theo chuỗi liên kết giữa sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế...

Liên kết trong phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng chưa cao. Đối với hệ thống cảng biển, mỗi tỉnh đều muốn phát triển tối đa cảng của mình. Vùng có hệ thống cảng biển nhiều nhất nước nhưng lượng hàng thông qua các cảng còn hạn chế, chủ yếu hoạt động dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn ở Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh để xuất đi các nước. Do chưa có một “nhạc trưởng” điều tiết, quy hoạch, nên việc đầu tư xây cảng biển ở miền Trung thiếu trọng tâm, hiệu quả kinh tế không cao, khiến nhiều cảng chỉ hoạt động 20% - 30% công suất.

Kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn nhiều bất cập, chưa phát huy lợi thế, thúc đẩy giao thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng. Về tổng thể, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, cấu trúc không gian phát triển Vùng KTTĐ miền Trung chủ yếu tập trung phát triển dải ven biển, trong khi các khu vực miền núi phía Tây chưa được phát triển cân đối hài hòa.

Kết nối về đào tạo và sử dụng lao động chưa có trọng tâm, chưa đáp ứng quy mô của vùng. Ngành nghề đào tạo còn chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Một số ngành nghề được tập trung đào tạo nhiều nhưng nội dung, chương trình đào tạo chưa mang tính đột phá và chất lượng đào tạo còn thấp nên dẫn đến tình trạng thiếu lao động, mất cân đối cung cầu trong phân bổ nguồn lao động và hiệu quả đào tạo còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc có tay nghề thấp còn lớn. Nhất là nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo, chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của toàn vùng.

Giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững

Để giải quyết các tồn tại nêu trên, theo các chuyên gia, cần sự chủ động hợp tác của các địa phương trong vùng. Tiềm năng của vùng KTTĐ miền Trung còn rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển của các vùng là những thể chế có tính đột phá, cho phép khai thác được những tiềm lực này một cách hiệu quả, làm nổi bật lẫn nhau thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Để làm được điều này, các địa phương trong vùng cần sự thống nhất về mặt chủ trương, kinh phí và có đầu mối cụ thể để tính toán giải pháp phối hợp hằng năm, đưa ra các hướng, cách thức xử lý tốt nhất và tương tự nhau cho mỗi vấn đề phát sinh, từ đó tạo thành không gian kinh tế thống nhất, hạn chế các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Ở mỗi tỉnh, thành phố, các cơ quan lãnh đạo, quản lý phải hình thành, trao đổi các bản tin, chương trình hoạt động, đặc biệt là báo cáo về các chủ đề doanh nghiệp quan tâm, thúc đẩy quá trình hợp tác công tư, cùng nhau giải quyết các vấn đề không nhất quán. Đây là điều mà hiện nay vẫn chưa thấy trong kế hoạch triển khai ngành du lịch của từng tỉnh, thành phố miền Trung; chưa kể đến các ký kết hợp tác phát triển du lịch nội vùng, liên vùng.

Sớm giải quyết vấn đề cân bằng giữa thực lực và chức năng của Hội đồng vùng. Về tổ chức bộ máy, Hội đồng vùng hiện tại chủ yếu làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm, rất cần thành lập thêm các bộ phận giúp việc chuyên nghiệp có nhiệm vụ tư vấn để Hội đồng vùng đưa ra những quyết sách hiệu quả. Thực tế, chỉ riêng việc thực hiện nhiệm vụ quản lý trên địa bàn đã chiếm phần lớn thời gian của các cán bộ, nhân viên tổ điều phối cấp tỉnh. Do đó, ngoài các thành viên là đại diện ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng, ủy viên của Hội đồng vùng cần bổ sung đội ngũ tư vấn, chuyên gia, đặc biệt là các doanh nghiệp, sẽ giúp cho việc huy động sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn. Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn eo hẹp, việc huy động nguồn đóng góp từ các tổ chức ngoài nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của vùng nói riêng.

Phát triển ngành kinh tế du lịch làm một trong những mũi nhọn

Đồng thời, phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Vùng KTTĐ miền Trung) phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với các quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; với định hướng phát triển Vùng KTTĐ miền Trung và của các địa phương trong Vùng, thống nhất với các quy hoạch ngành khác có liên quan trên địa bàn; phù hợp tình hình thực tế và thế mạnh của các địa phương trong Vùng.

Phát triển đồng thời du lịch biển, đảo; du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái, trong đó lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn và du lịch di sản văn hóa làm trọng tâm để phát triển các loại hình du lịch đặc thù cho Vùng và cho từng địa phương trong Vùng. Đặt việc khai thác và sử dụng các tài nguyên du lịch địa phương, vùng trong tầm nhìn quốc tế, trong khuôn khổ quốc gia, trong sự liên kết vùng và liên vùng. Phát triển du lịch nhanh và bền vững, vận hành theo cơ chế thị trường, là động lực góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, tạo nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Phát triển du lịch chuyển từ “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”; từ số lượng” sang “chất lượng”, có trọng tâm, trọng điểm; lấy nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch; ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh, xây dựng môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và văn minh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong Vùng để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh về du lịch chung cho toàn Vùng.

Theo đó, đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch Vùng KTTĐ miền Trung trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành khác, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản săc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vùng KTTĐ miền Trung trở thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam về du lịch biển, đảo. Tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm du lịch gắn với đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực; các tổ hợp và khu du lịch quốc gia đẳng cấp quốc tế. Góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam. Trong đó, du lịch Đà Nẵng không chỉ là trung tâm lan tỏa, hội tụ mà còn là trung tâm vào - ra của toàn Vùng KTTĐ miền Trung và cả nước. Đà Nẵng trở thành điểm đến có giá trị nổi bật toàn cầu, thuộc nhóm thành phố phát triển du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có sức cạnh tranh cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Định hướng phát triển du lịch Vùng KTTĐ miền Trung thời gian đến là phục hồi và duy trì các thị trường du lịch truyền thống của Vùng, đặc biệt là các thị trường khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày để nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch và tránh hiện tượng quá tải ở một số điểm đến. Đồng thời, tiếp cận, mở rộng thêm các thị trường khách cao cấp mới như Trung Đông, Bắc Âu, Ấn Độ...

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường và xu thế phát triển du lịch. Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của điểm đến. Tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo mang tính đặc trung của Vùng. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Kết nối các sản phẩm du lịch của các địa phương tạo thành một chuỗi sản phẩm du lịch chung của Vùng, trong đó mỗi địa phương lại có một sản phẩm đặc thù riêng.

Trong giai đoạn đầu, tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa ba địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam để đảm bảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung” đi vào thực chất; đồng thời kết nối 3 di sản văn hóa thế giới với các giá trị văn hóa tiêu biểu của Vùng là văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn và văn hóa dân cư vùng biển. Mở rộng kết nối “Con đường di sản miền Trung” với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ đó, phát huy lợi thế tuyệt đối của tọa độ kết nối quốc tế của Đà Nẵng, hình thành ba tuyến du lịch thuộc loại đặc sắc và đẳng cấp cao lấy Đà Nẵng làm tọa độ xuất phát.

Cụ thể gồm: dọc biển, theo đường bộ Bắc - Nam, tạo thành chuỗi du lịch cánh gà phía Bắc Hải Vân, nối Đà Nẵng với Huế (di sản văn hóa) - Quảng Trị (di sản lịch sử - chiến tranh) - Sơn Đoòng, Quảng Bình (di sản thiên nhiên); dọc duyên hải phía Nam, tạo thành chuỗi du lịch cánh gà phía Nam Hải Vân, nối Đà Nẵng với Hội An - Mỹ Sơn (di sản văn hóa), Lý Sơn (di sản lịch sử - tự nhiên); xác lập tuyến liên kết phát triển Đà Nẵng - Măng Đen (Kon Tum), kết nối thành phố du lịch biển với du lịch núi.

Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng liên kết giữa Vùng KTTĐ miền Trung với Tây Nguyên để két nối “Con đường di sản văn hóa miền Trung” với ‘‘Con đường xanh Tây Nguyên” và liên kết giữa Vùng với Lào và Campuchia để kết nối “Con đường di sản miền Trung” của Việt Nam với Di sản văn hóa thế giới Cố đô Luang Prabang (Lào) và Quần thể Angkor Wat (Campuchia) để tạo thành sản phẩm du lịch “Con đường di sản Đông Dương” trong khuôn khổ hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia “Ba quốc gia - Một điểm đến”.

Phát triển Vùng KTTĐ miền Trung trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với các sản phẩm du lịch đặc thù và có sức cạnh tranh cao. Tập trung phát triển 6 khu du lịch quốc gia là: Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên Huê), Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định); 5 điểm du lịch quốc gia là: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định); 3 đô thị du lịch là: Huế, Đà Nẵng, Hội An.

Bên cạnh đó, xúc tiến quảng bá du lịch Vùng tại các hội chợ, sự kiện du lịch trong nước và quốc tế với vai trò là điểm đến thống nhất thay vì riêng lẻ của từng địa phương, từng điểm đến. Xây dựng thương hiệu du lịch Vùng thể hiện rõ được lợi thế du lịch biển, đảo, du lịch di sản văn hóa. Đẩy mạnh E-marketing du lịch trên nền tảng ứng dụng internet, điện thoại thông minh với các công nghệ thực tế ảo.

Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, đảm bảo sự kết nối thuận lợi giữa các địa phương trong Vùng, đặc biệt giữa các trung tâm du lịch Vùng; kết nối giữa Vùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và với vùng Tây Nguyên; kết nối với khu vực và quốc tế. Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ lao động gián tiếp để đáp ứng được những yêu cầu dịch vụ du lịch tối thiểu cung cấp cho khách du lịch.

VŨ LAM

 

Các tin khác

Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa
Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa

MTXD - Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho hay thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cao điểm hè
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cao điểm hè

​MTXD - Ngày 16/4, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hanoi) tổ chức Hội nghị: Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cao điểm hè - phát động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm
Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

MTXD -Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng
Dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng

MTXD - Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng, vay tiêu dùng 1,79 triệu tỷ đồng.

Bí thư huyện ủy Sóc Sơn yêu cầu Xuân Thu nâng cao hiệu quả  trật tự xây dựng, đất đai
Bí thư huyện ủy Sóc Sơn yêu cầu Xuân Thu nâng cao hiệu quả trật tự xây dựng, đất đai

​MTXD - Tại chương trình làm việc của Ban Thường vụ huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) với ban...