Thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững
MTXD - Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, sáng ngày 17/6, các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến về những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.
Hoàn thiện thể chế, chính sách
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, trên thế giới, xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây, thể chế, chính sách về phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện hơn. Nhiều luật về quản lý và phát triển đô thị cùng với hệ thống các văn bản dưới luật đã được ban hành; thể chế hóa cơ bản đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị; tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, đất đai, tài chính đô thị, mô hình chính quyền đô thị. Pháp luật về phát triển đô thị và các cơ chế, chính sách liên quan mặc dù đã có nhiều cải thiện tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chồng chéo; chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn... Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới. Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Các đại biểu tham dự hội thảo chuyên đề thúc đẩy kinh tế đô thị.
Chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới; quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư; tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân chưa được tạo thuận lợi để tham gia đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên liên quan một cách công bằng, toàn diện và bền vững.
Mặc dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có những tiến bộ nhất định trong việc phân biệt sự khác nhau về nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, nhưng trên thực tế, vẫn chưa đủ rõ, cụ thể, chưa hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. Những nhiệm vụ cụ thể của quản lý đô thị, theo quy định của pháp luật hiện hành đang còn khá mờ nhạt, chưa đủ cụ thể và chưa xác định rõ định lượng, định tính của từng nhiệm vụ, chưa rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, cũng như của mỗi cơ quan và mỗi cá nhân trong bộ máy. Việc tổ chức chính quyền ở đô thị có 3 cấp như chính quyền nông thôn dẫn đến nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, thực hiện dự án dân sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập nước, tội phạm,… không được giải quyết kịp thời và cũng chưa phù hợp với nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ, trong đó đô thị do kết cấu hạ tầng thống nhất đòi hỏi phải quản lý theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn là quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên đòi hỏi mỗi chúng ta cần tiếp tục chung tay, tập trung giải quyết, tháo gỡ, nhất là những nút thắt trong thể chế, cơ chế, chính sách về đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
Với chủ đề hội thảo “Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hơn 200 đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận một số vấn đề điển hình được Nghị quyết số 6-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ đạo và đưa ra định hướng về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, như: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các luật đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở,... Sớm xây dựng và ban hành luật về quản lý và phát triển đô thị bền vững”; “Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị phù hợp với đặc điểm vùng miền, các đô thị có tính đặc thù. Sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị bảo đảm tính tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị”; “Hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các địa phương trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng”; “Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở. Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội. Tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích hình thành và phát triển các quỹ cho phát triển nhà ở và bất động sản; có chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp”; “Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, ban hành cơ chế, chính sách đột phá và phân cấp triệt để cho các địa phương để đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng, nhà ở ven kênh rạch, các khu dân cư nghèo trong đô thị”.
Thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị
Cùng với hoàn thiện thể chế, chính sách thì những giải pháp nhằm phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị được nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước quan tâm, chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển các mô hình mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đô thị hóa đã tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hạ tầng phát triển, nguồn lao động dồi dào và thị trường lớn, từ đó tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thu hút FDI và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đô thị hóa nhanh đã kéo theo luồng di cư nông thôn-thành thị và luồng di cư từ các địa phương có tốc độ đô thị hóa thấp về các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, góp phần làm giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và điều tiết hiệu quả lao động. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp–thương mại–dịch vụ... Các mô hình đô thị mới này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.
Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn và khách quan cho thấy, trong thời gian qua, việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị. Các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát. Nhìn chung, việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng quy mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Quá trình xây dựng đô thị thông minh mới trong giai đoạn đầu, chưa có chiến lược phát triển, số lượng các đô thị mới xây dựng theo mô hình đô thị thông minh còn hạn chế. Mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh chưa được chính thức hóa cũng như chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị.
Tại phần tọa đàm của Hội thảo, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau đối thoại, phân tích, thảo luận sâu về các mô hình đô thị mới cũng như phát triển kinh tế đô thị, trong đó chú trọng vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, bất động sản cho phát triển kinh tế đô thị, tài chính cho đô thị và vai trò, xu hướng của các ngành dịch vụ trong quá trình phát triển kinh tế đô thị, từ đó đề xuất các kiến nghị chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các dự án phát triển đô thị...
Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng cần triển khai mạnh mẽ hệ thống các giải pháp mà Nghị quyết 6-NQ/TW đã đề ra như: nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị…
Theo Văn Toản-Nhandan.vn
Các tin khác
Chính thức thông tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò (Nghệ An)
MTXD - Hôm qua 29/8, Sở Giao thông vận tải Nghệ An tổ chức thông xe khai thác Dự án Đường giao thông nối thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò (giai đoạn 2) sau 2 năm thi công.
Thanh Hoá: Hai doanh nghiệp đăng ký làm Dự án Khu dân cư 765 tỷ
MTXD - Danh tính 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư mới thị trấn Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá là Công ty cổ phần Tập đoàn SENTOSA Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn BIRMINGHAM Việt Nam.
Thừa Thiên Huế: Liên danh ba DN đầu tư 1.430 tỷ làm Dự án Nhà ở xã hội tại xã Phong Hiền
MTXD - Liên danh 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Xây dựng DIC Holdings - Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư Thuận An - Công ty cổ phần Bất động sản D.I.C là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Nhà ở xã hội tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chấm dứt dự án Bệnh viện 700 tỷ của TTH Group ở Quảng Trị
MTXD - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, đã đề nghị Công ty Cổ phần TTH Group thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt đồng dự án Bệnh viện quốc tế TTH Đông Hà theo quy định.
Sôi nổi chuỗi hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Công trình xanh Việt nam năm 2024”
MTXD – Bộ Xây dựng vừa thành lập Ban Tổ chức và Tổ công tác tổ chức sự kiện “Tuần lễ Công trình xanh Việt nam năm 2024”.