Ba cầu qua sông Hồng chuẩn bị xây dựng
MTXD - Nằm trong lộ trình thực hiện quy hoạch giao thông năm 2023, TP Hà Nội chuẩn bị xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng là Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Vân Phúc.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ, phấn đấu duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong năm 2023.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang triển khai thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến trình trong quý 3.
Về cầu Trần Hưng Đạo, ban đã hoàn thành công tác tổ chức trưng bày, triển lãm và tham vấn ý kiến cộng đồng phương án kiến trúc cầu và được UBND thành phố phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc.
Thành phố đã chấp thuận giao một doanh nghiệp lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để trình thẩm định.
Phương án kiến trúc cầu là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình. Nguồn: Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội
Cầu Tứ Liên, theo quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao quốc lộ 5, tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,8 km. Với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao quốc lộ 5 kéo dài.
Phương án kiến trúc cầu là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.
Cầu Trần Hưng Đạo, cùng với cầu Tứ Liên, dự án này nằm trong khu vực đô thị trung tâm và đã được thi tuyển phương án kiến trúc. Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận.
Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được TP Hà Nội lựa chọn. Nguồn: Ban tổ chức cung cấp
Cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Cầu gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, các khoảng không được tận dụng bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm. Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.
Cầu Vân Phúc và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ, dài 7,7 km. Điểm đầu tại vị trí giao cắt quốc lộ 32, thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối ở ranh giới của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Vị trí xây dựng cầu Vân Phúc và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32. Đồ họa: Tiến Thành
Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Phần đường nối từ quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Theo UBND TP Hà Nội, việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố lân cận trong vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc là 3 trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 7 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu Phú Xuyên. Hiện nay Hà Nội có 8 cầu qua sông Hồng: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.
Theo VnExpress
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.