Bãi giữa sông Hồng – Các kịch bản cho tương lai
MTXD - Workshop Atelier Terrain (WAT) UNESCO là chương trình nghiên cứu nâng cao năng lực thiết kế thông qua hoạt động hợp tác quốc tế và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho vấn đề đô thị ở các thành phố khác nhau trên thế giới dưới sự bảo trợ của UNESCO. Đây là hoạt động liên kết thường kỳ giữa Ban điều hành cảnh quan đô thị UNESCO (UNESCO Chair in Urban Landscape), trường Đại học Montreal với các tổ chức quốc tế, những ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được nhận huy chương của UNESCO. Năm 2023, WAT UNESCO đã lựa chọn địa điểm nghiên cứu là Hà Nội – “Thành phố Sáng tạo” và “Thành phố vì Hòa bình” được công nhận bởi UNESCO. Tập trung vào mối quan hệ lịch sử và tương lai của thành phố với hệ thống mặt nước, đặc biệt là với sông Hồng, WAT UNESCO 2023 với chủ đề “Đô thị và Nước” được tổ chức với sự tham gia của trường Đại học Montreal, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Singapore và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Dưới sự hướng dẫn từ những chuyên gia quốc tế và Việt Nam, năm nhóm nghiên cứu đã đã tiến hành điều tra khảo sát thực địa, khu vực bãi giữa và hai bờ sông Hồng tại Hà Nội, từ đó đề xuất được những ý tưởng hay, những kịch bản tiềm năng cho tương lai bãi giữa sông Hồng, đáp ứng sự phát triển của đô thị hai bên bờ sông và của người dân ven sông Hồng. Dựa trên báo cáo kết quả nghiên cứu của 5 nhóm tham gia, bài báo tổng hợp và giới thiệu 5 kịch bản cho tương lai của Bãi Giữa sông Hồng, hướng tới sự phát triển bền vững về xã hội, không gian và môi trường.
1. Giới thiệu
1.1 Giới thiệu về Workshop Atelier Terrain (WAT) UNESCO
Workshop Atelier Terrain (WAT) UNESCO là chương trình nghiên cứu nâng cao năng lực thiết kế do Hội đồng cảnh quan đô thị UNESCO khởi xướng từ năm 2003. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế dưới sự bảo trợ của UNESCO, WAT sẽ nghiên cứu và làm việc để đưa ra các giải pháp sáng tạo cho vấn đề đô thị ở các thành phố khác nhau trên thế giới. Chương trình quy tụ các chuyên gia khoa học, học viên và sinh viên quốc tế để giải quyết các vấn đề cấp bách của phát triển đô thị bền vững. Các thành viên nhóm nghiên cứu cùng nhau làm việc với chính quyền địa phương và các bên liên quan để xác định nhu cầu của người dân và những thách thức lớn liên quan đến cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và hệ sinh thái. Trong khuôn khổ này, WAT UNESCO giúp chia sẻ các giá trị cốt lõi của UNESCO, đặc biệt là về sự công bằng, đa dạng và hòa nhập ở các thành phố, bình đẳng giới, trao quyền và tiếp cận kiến thức.
Hiện nay, rất nhiều đô thị trên thế giới được hình thành cùng với hệ thống mặt nước và sông hồ, nhu cầu quy hoạch gắn kết phát triển bền vững giữa đô thị và nước là hết sức cấp thiết. Hội đồng cảnh quan đô thị UNESCO đã khởi xướng dự án Fluviality – Một dự án Nghiên cứu Hành động và Nghiên cứu Sáng tạo liên ngành về vấn đề đô thị hóa tại các sông lớn. Dự án tập trung vào các thành phố, thị trấn và làng mạc nằm gần các con sông lớn cũng như những rủi ro và cơ hội có thể gặp phải. Dự án Fluvialities được tiến hành trong khuôn khổ của WAT UNESCO nhằm mục đích chuyển các kiến thức học thuật, văn hóa và xã hội thành các chiến lược quy hoạch bền vững cho các khu vực đô thị kề cận các sông lớn.
Vào tháng 10/2019, Hà Nội đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO chính thức công nhận là Thành phố Sáng tạo, trùng với dịp kỷ niệm 20 năm Thành phố được UNESCO công nhận là Thành phố vì Hòa bình. Với việc tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có cơ hội tuyệt vời để xem xét lại mối quan hệ của thành phố với nước, đặc biệt là với dòng sông chảy qua thành phố – sông Hồng. Do đó, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu toàn cầu về đô thị hóa sông lớn mang tên Fluvialities, Chủ tịch UNESCO về Cảnh quan đô thị đã chọn Hà Nội cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo 2023 của WAT UNESCO.
WAT UNESCO 2023 với chủ đề: “Đô thị và Nước” được tổ chức từ 8/5/2023 đến 19/5/2023, với sự tham gia của các trường đại học: Trường Đại học Montreal, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Singapore và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Chương trình của xưởng thiết kế WAT UNESCO 2023 đã được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền địa phương: Lãnh đạo UBND Quận Hoàn Kiếm, UBND phường Phúc Tân, UBND phường Chương Dương và từ phía các tổ chức trong nước, quốc tế như Think-Play – Ground, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Tổ chức Healthbridge…
1.2 Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của workshop là tập trung vào việc tìm kiếm các chiến lược thiết kế sáng tạo để cải thiện và tăng cường mối quan hệ giữa yếu tố Nước và Đô thị tại khu vực dọc theo sông Hồng, đoạn đi qua khu vực trung tâm, được thể hiện thông qua hình thái đô thị, cơ sở hạ tầng, giao thông, di sản, mối quan hệ của các nhóm cư dân yếu thế …cũng như các động lực xã hội khác cộng hưởng với các giá trị cốt lõi của UNESCO.
2. Tổng quan
2.1 Tổng quan Bãi Giữa sông Hồng
Trên đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội, có một số bãi bồi lớn nhỏ hình thành giữa sông. Nhưng lớn nhất, được sử sách ghi chép đó là Bãi Giữa thuộc địa bàn các phường Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Phúc Xá (quận Ba Đình), Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề (quận Long Biên) và phường Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).
Hình 2 1. Toàn cảnh Bãi Giữa sông Hồng – Khu vực nghiên cứu
Bãi Giữa là tên nôm, tên chữ là Trung Hà, thuộc đất làng Cơ Xá có từ thời nhà Lý. Đến đầu thế kỷ 20, Bãi Giữa bắt đầu có dân ra đây sinh sống. Chính quyền Pháp còn cho làm cầu thang từ cầu Long Biên xuống bãi để biến Bãi Giữa thành điểm du lịch.
Trước kia, diện tích Bãi Giữa thay đổi theo mùa do sự lên, xuống của nước lũ. Những năm gần đây, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích Bãi Giữa ít thay đổi hơn. Các phân tích ảnh vệ tinh cho thấy, tổng diện tích các bãi giữa sông Hồng khoảng 5 km2 ( ). Trong đó, diện tích Bãi Giữa khu vực nghiên cứu vào khoảng 2 km2 (200ha), trong đó khoảng 23ha thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm. Hiện trên Bãi Giữa có một xóm dân ngụ cư với khoảng 28 hộ và 100 người dân, sinh sống chủ yếu trên các nhà phao nổi trên nước. Cây xanh và hệ thực vật tồn tại lâu dài, xen kẽ một vài ruộng rau và vườn tạp của người dân ven sông. Trong khi đó, các lạch cạn ven bờ có xu thế được bồi đắp, cả tự nhiên và nhân tạo.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc CITES Việt Nam, giai đoạn 2011-2016, các khu vực bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có trên 170 loài chim di trú, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ. Ngoài ra, các bãi giữa sông Hồng còn là nơi cư ngụ của một số loài thú gặm nhấm, bò sát, lưỡng cư, côn trùng và là bãi đẻ của một số loài cá nước ngọt. Gần đây, loài mèo gấm do người dân phát hiện cũng được ghi nhận là loài mới tại khu vực bãi giữa sông Hồng, đây là loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ.
2.2 Định hướng phát triển Bãi Giữa sông Hồng
Đinh hướng Quy hoạch phân khu
Căn cứ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000, phê duyệt tại QĐ 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/3022. Khu vực Bãi Giữa thuộc đoạn R3-R4, định hướng thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực Bãi Giữa. Quyết định yêu cầu quy hoạch phải tuân thủ các quy định tại Luật Đê điều, Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ), phù hợp với quy định quản lý và thỏa thuận của các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan.
Hình 2 2. Bản đồ định hướng quy hoạch Bãi Giữa sông Hồng
Khu vực Bãi Giữa được định hướng các chức năng: Đất cây xanh cách ly – phòng hộ và đất cây xanh đô thị (khu vực sát mặt nước là cây xanh cách ly).
- Khu vực bãi sông và dòng sông hầu hết là khu vực không ổn định, phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên. Tại một số khu vực tiếp giáp với khu vực nội đô lịch sử được định hướng sẽ kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng tiếp giáp với mặt nước;
- Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị: Trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng tổng hợp. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị kết hợp với các hoạt động du lịch, ngoài trời… nâng cao hiệu quả sử dụng.
Quyết định cũng yêu cầu quy hoạch phải tuân thủ các quy định tại Luật Đê điều, Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ), phù hợp với quy định quản lý và thỏa thuận của các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan. Theo văn bản của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, khu vực Bãi Giữa, bãi bồi không thuộc danh mục được phép xây dựng hoặc được nghiên cứu xây dựng. Việc sử dụng bãi sông phải đảm bảo các điều kiện: Không gây cản lũ, không làm mất không gian chứa lũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc bị nguy hiểm, mất an toàn; không gây tổn thất về người và tài sản khi có lũ lớn; không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước.
Định hướng Thiết kế kiến trúc cảnh quan
Dựa trên nghiên cứu thực trạng khu vực Bãi Giữa, học tập kinh nghiệm quốc tế, tác giả Doãn Minh Thu và Vương Hải My đề xuất 5 nguyên tắc và 3 chiến lược Thiết kế kiến trúc cảnh quan khu vực Bãi Giữa Sông Hồng – Thích ứng biến đổi khí hậu, bao gồm:
5 nguyên tắc thiết kế
- Thiết kế xem xét đến sự phục hồi của khu vực;
- Đưa ra các giải pháp hiệu quả nhân đôi;
- Tăng cường sự tham gia đóng góp của cộng đồng;
- Xây dựng kế hoạch và quy chế quản lý;
- Lập kế hoạch dài hạn.
3 chiến lược phát triển
Quy hoạch cảnh quan bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn
- Thích ứng với cả mùa lụt và mùa không lụt;
- Phục hồi môi trường tự nhiên;
- Khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên đạt được sử dụng cao.
- Cảnh quan thích ứng
- Phù hợp với quy hoạch thoát lũ ven sông Hồng trong bối cảnh mới;
- Cảnh quan đan xen và thích ứng với địa mạo, thủy văn;
- Tận dụng mảng xanh và điều kiện đất đai gắn liền với thực trạng khu vực;
- Bảo tồn tài nguyên nước, trữ nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, đa dạng
- Kiến trúc lắp dựng linh hoạt, thông minh;
- Hệ thống cảnh quan thích ứng cả 2 mùa;
- Quản lý thông minh.
2.3 Bài học kinh nghiệm
Weiliu Wetland Park – Yifang Ecoscape
Dự án công viên sinh thái ven sông dài 3,2km, rộng 470m với tổng diện tích 125ha. Đây là khu vực ngập nước ven sông Trường An, ngoại ô TP Hàm Dương-Xianyang, Trung Quốc. Dự án là một ví dụ điển hình về việc chuyển thể một không gian bị ô nhiễm, suy thoái, cả về sinh thái và cảnh quan nguyên gốc, thành một công viên sinh thái với hạ tầng xanh. Sự ứng xử thông minh đã tạo nên một không gian cảnh quan thích ứng với BĐKH, loại bỏ các hoạt động của con người làm xáo trộn chu trình sinh thái, trả lại thiên nhiên và các trải nghiệm thiên nhiên cho con người.
Các chiến lược thích ứng bao gồm: Kiểm soát mực nước, kiểm soát những thay đổi về địa hình địa chất, quản lý nước mưa, cải thiện chất lượng môi trường, tái sử dụng nước thải và phục hồi đa dạng sinh học.
Dự án được phân chia thành các khu vực với cao độ khác nhau: Khu đất ngập nước, khu vực cao dành cho các không gian giải trí và thư giãn.
Hình 2 3. Công viên đất ngập nước Weiliu – Weiliu Wetland Park, Hàm Dương, Trung Quốc
Về mặt hạ tầng, dự án chú trọng tới việc cải tạo lại các đường đê hay con đường mòn sẵn có thành các hành lang xanh. Ngoài hệ thực vật hiện có được làm nền cảnh quan, dự án đã bổ sung thêm các cây địa phương, cây bụi và thực vật thủy sinh để khôi phục nơi trú ẩn và môi trường sống cho các loài thủy sinh, động vật lưỡng cư và chim.
Về mặt nhân văn, dự án nghiên cứu trả lại lối sống và trải nghiệm tự nhiên nông thôn. Trong mọi trường hợp, nước được sử dụng như một yếu tố thiết kế chính, được đưa vào công viên có tác dụng làm mềm cảnh quan, và hòa hợp với các yếu tố văn hóa địa phương.
Công viên trung tâm khu dân cư Tanner Spring ở TP Portland, Mỹ
Một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng sinh thái hóa không gian công cộng (KGCC) trong đô thị là công viên trung tâm khu dân cư Tanner Spring ở TP Portland, tiểu bang Oregon tại Hoa Kỳ, được đưa vào sử dụng từ năm 2005. Thay vì chỉ thiết kế một công viên cạn như các khu ở lân cận, đơn vị tư vấn quy hoạch đã quyết định kiến tạo một khu dự trữ sinh quyển đúng nghĩa ngay trong khu dân cư, có một phần diện tích là hồ sinh học để thu gom nước mưa chảy tràn trên bề mặt và nước xám đã qua xử lý kỹ thuật từ các cụm nhà gần đó. Đây chính là “Các giải pháp dựa vào thiên nhiên” (Nature-Based Solutions – NBS), được Liên hiệp Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên định nghĩa là các phương án bảo vệ, quản lý bền vững, phục hồi và sửa chữa hệ thống sinh thái, nhằm thích ứng với các thách thức từ thiên tai đồng thời đem lại lợi ích cho con người và tự nhiên.
Hình 2 4. Công viên trung tâm khu dân cư Tanner Spring, Portland, Mỹ
Công viên được chia thành ba vùng:
- Vùng 1 chủ yếu là cây bụi và một số cây bóng mát cỡ vừa và nhỏ;
- Vùng 2 chuyển tiếp giữa cảnh quan trên cạn và cảnh quan dưới nước, ưu tiên trồng cỏ và các loại lau sậy;
- Vùng số 3 là khu ngập nước hoàn toàn, nơi thả rong, tảo, hoa súng và một số loài thực vật thủy sinh khác có khả năng làm sạch nước bằng cách hấp thụ các chất hữu cơ và vô cơ hòa tan.
Thống kê gần nhất ghi nhận có tới 72 loài thực vật đã hiện diện trong công viên. Sự đa dạng của các loài thực vật và mật độ trồng cây được tính toán hợp lý cung cấp môi trường sống thuận lợi cho một số loài động vật nhỏ trong công viên. Khả năng tiếp cận của người dân để quan sát các loài động – thực vật được tối đa hóa bằng những đường dạo uốn lượn xuyên qua các bãi cỏ và cây bụi, các phiến đá kê trên mặt nước và các bậc ngồi nghỉ trên hai triền dốc dọc theo hai cạnh của công viên.
3. Phương pháp nguyên cứu
Để đạt được mục tiêu đề ra, các phương pháp nghiên cứu đã được áp dụng bao gồm:
Điều tra khảo sát thực địa: 30 sinh viên từ 4 trường đại học, cùng với các giảng viên, nhà quy hoạch đô thị, kiến trúc sư cảnh quan, chuyên gia chính sách và sinh viên tiến hành khảo sát hiện trạng dọc 2 bên bờ sông hồng đoạn đi qua khu vực trung tâm thành phố và khảo sát khu vực Bãi Giữa sông Hồng. Sinh viên được chia thành 5 nhóm, các nhóm đều tham gia khảo sát nhưng mỗi nhóm sẽ khảo sát sâu một số khía cạnh, vấn đề mà nhóm quan tâm. Trong 4 ngày đi thực địa, các nhóm nghiên cứu không chỉ khảo sát các yếu tố vật thể như không gian, cảnh quan, các tuyến đường kết nối hai bên bờ sông và tuyến kết nối từ trung tâm thành phố đến khu vực Bãi Giữa sông Hồng (đảo chuối) mà còn khảo sát các yếu tố liên quan đến hiện trạng kinh tế, xã hội, thu nhập và việc làm của người nhập cư, mối quan hệ cộng đồng, cơ sở hạ tầng xã hội xung quanh khu vực để tìm ra những liên kết về không gian – kinh tế – văn hoá – xã hội tại khu vực này.
Nghiên cứu sáng tạo: Đây là phương pháp tiếp cận thông qua nghiên cứu, phân tích dữ liệu, lập bản đồ và trực quan hóa dữ liệu cũng như lên ý tưởng quy hoạch để tìm ra mối quan hệ giữa yếu tố Nước và các yếu tố như hình thái đô thị tại khu vực nghiên cứu, cơ sở hạ tầng (CSHT) kỹ thuật và CSHT xã hội, giao thông kết nối, di sản, cộng đồng dân cư cũng như các động lực xã hội khác. Trong khoảng thời gian tập trung nghiên cứu trong 2 tuần, sinh viên sẽ được làm quen với khái niệm Nghiên cứu – Sáng tạo, kết hợp nghiên cứu và thực hành sáng tạo, để tạo ra một giải pháp đổi mới hoặc một khối kiến thức mới giải quyết một vấn đề cụ thể và có thể áp dụng cho nhiều khu vực có bối cảnh tương đồng.
Phỏng vấn sâu: Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn sâu một số người dân ngụ cư sống tại Bãi Giữa sông Hồng. Nhóm nghiên cứu đã có buổi nói chuyện với bác Nguyễn Đăng Được, người đã sống tại bãi giữa hơn 40 năm và là thủ lĩnh cộng đồng xóm Phao – nơi quy tụ 28 hộ dân sống trên thuyền đến từ khắp các vùng miền. Các buổi nói chuyện và phỏng vấn sâu cư dân đã giúp nhóm nghiên cứu thu thập được các thông tin hữu ích về đặc điểm khu vực, hiện trạng cuộc sống người dân nhập cư và những nhu cầu, mong muốn của người dân trước những yêu cầu của sự chuyển đổi không gian khu vực Bãi Giữa sông Hồng.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển các kỹ thuật biểu diễn đồ họa rõ ràng và sáng tạo (cả tương tự và kỹ thuật số) để truyền đạt các can thiệp phân tích địa điểm và thiết kế ở các quy mô khác nhau, đồng thời hợp tác làm việc trong bối cảnh đa văn hóa để phát triển các chiến lược sáng tạo trong quy hoạch và thiết kế địa điểm nhằm đáp ứng trực tiếp các nhu cầu đã được xác định trước đó.
4. Kịch bản cho tương lai: Bãi giữa sông Hồng
WAT UNESCO 2023 với chủ đề: “Đô thị và Nước” bao gồm 05 nhóm nghiên cứu hỗn hợp đến từ các Trường đại học của Cananda, Singapore và Việt Nam. Dưới sự chủ trì chuyên môn của UNESCO Chair in Urban Landscape, các nhóm nghiên cứu tập trung vào 3 chủ đề chính “Cảnh quan sinh thái” “Văn hoá” và “Kinh tế -Xã hội” với mục tiêu “Khôi phục lại kết nối bền vững giữa đô thị và dòng sông, hướng tới nền kinh tế sáng tạo – Reclaiming a Sustainable Connection Towards a Creative Economy”. 05 nhóm nghiên cứu đề xuất 05 kịch bản cho tương lai Bãi Giữa sông Hồng:
4.1 Tạo lập kết nối bền vững – Creating sustainable connectivity (Nhóm 1)
Ở kịch bản này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp sáng tạo trong việc khôi phục các kết nối đã bị đứt gãy và tạo lập các kết nối mới tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng, bao gồm các kết nối không gian và các kết nối trên khía cạnh xã hội để giải quyết những vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt như khả năng tiếp cận khu vực, ứng phó với tác động của thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, sự đứt gãy trong liên kết cộng đồng, công tác quản lý hộ dân và việc sử dụng đất.
Các giải pháp đề xuất trong kịch bản:
- Thiết lập tuyến đường Xanh – Sạch – Đẹp;
- Tổ chức không gian hấp dẫn, sáng tạo cho cầu đi bộ Long Biên;
- Thiết lập nhà cộng đồng và các vườn cộng đồng để tăng cường giao tiếp xã hội giữa dân cư và chính quyền địa phương, đồng thời tạo ra các kết nối về mặt không gian tại khu vực Bãi Giữa.
Thiết lập tuyến đường Xanh – Sạch – Đẹp
Tuyến đường Xanh – Sạch – Đẹp giúp giải quyết những thách thức về chất thải và ô nhiễm nguồn nước. Dọc tuyến đường là những trang thiết bị vệ sinh môi trường mang tính tương tác cao để người sử dụng có thể tích cực tham gia và tìm thấy niềm vui trong việc dọn dẹp đường phố và có khả năng nhân rộng dễ dàng để tiết kiệm thời gian và nguồn vốn thực hiện. Ngoài vai trò giảm thiểu ô nhiễm và tăng cường sức khoẻ cộng đồng, tuyến đường Xanh – Sạch – Đẹp còn đưa người dân gần hơn với mặt nước, với sông Hồng, tránh xu hướng quay lưng lại với dòng sông. Qua đó, Hà Nội có thể từng bước phát triển đô thị ven sông, nâng cao chất lượng sống cho người dân ven sông Hồng.
Hình 4 1. Trang thiết bị tuyến đường Xanh – Sạch – Đẹp
Các thiết bị đề xuất sử dụng để thực hiện được giải pháp này bao gồm: Xe đạp tại chỗ, góp phần thúc đẩy quá trình lọc sinh học của nước, tăng cường đa dạng sinh học; máy thu gom rác thải tự động, giúp thúc đẩy công cuộc phân loại chất thải rắn tại nguồn và tái chế hiệu quả, tăng cường nhận thức và khuyến khích sự tham gia của người dân; thùng rác thông minh được lắp đặt với thiết kế màu sắc rực rỡ vui nhộn để lôi cuốn cả trẻ nhỏ tham gia vào việc dọn dẹp đường phố. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đề xuất kết hợp giải pháp ứng dụng thuyền máy trong tự động hoá việc thu gom chất thải rắn trên sông. Tuyến đường chạy thuyền cần đặc biệt gắn với dải sông ven bờ nhằm ngăn chặn nguồn rác thải từ sinh hoạt, sản xuất trên đất liền. Giải pháp này đã được ứng dụng thành công tại nhiều nơi trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan, Hồng Kông, Thái Lan…
Cầu đi bộ Long Biên
Giải pháp đề xuất là chuyển cầu Long Biên thành cầu đi bộ chuyên dụng, cấm xe máy lưu thông. Mục tiêu chính là tăng cường khả năng tiếp cận Bãi Giữa, ưu tiên sự an toàn và thuận tiện cho người đi bộ. Việc chuyển đổi cầu Long Biên thành cầu đi bộ sẽ không làm ảnh hưởng đến giao thông giữa hai bờ sông Hồng bởi Hà Nội đã quy hoạch xây dựng thêm các cây cầu khác nối liền hai bờ sông như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo.
Hình 4 2. Thiết kế tăng khả năng tiếp cận đến Bãi Giữa sông Hồng
Thiết kế hướng đến nâng cao khả năng tiếp cận của cây cầu, đặc biệt là cầu thang dẫn lên cầu. Nhóm tác giả đề xuất đường ramp dốc dài vừa là yếu tố tạo hình, vừa để tăng khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật. Ngoài ra, ramp dốc là con đường đủ dài để có thể ngắm cảnh quan thiên nhiên bãi giữa sông Hồng.
Nhà cộng đồng và Vườn cộng đồng
Nhà cộng đồng giúp giải quyết vấn đề về công tác quản lý và hợp tác giữa các quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ. Nhóm tác giả đề xuất phương án thành lập Uỷ ban Liên Quận (Trans District Committee – TDC), trụ sở đặt tại Nhà cộng đồng. Mục tiêu của việc lập Uỷ ban Liên Quận giữa 4 quận là tạo ra một hệ thống từ dưới lên (bottom-up). Uỷ ban Liên Quận sẽ là đơn vị tập trung giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi Bãi Giữa sông Hồng và thường xuyên họp và thảo luận tại Nhà cộng đồng.
Hình 4 3. Nhà cộng đồng tại Bãi Giữa sông Hồng
Nhà cộng đồng có bố trí phòng họp để Uỷ ban Liên Quận có thể gặp mặt và trao đổi về các vấn đề của Bãi giữa nói riêng và Sông Hồng nói chung. Bên cạnh đó, công năng của Nhà cộng đồng còn bao gồm cả trạm xá phục vụ người dân.
Hình 4 4. Mô hình Vườn cộng đồng
Mục đích chính của việc xây dựng Nhà cộng đồng là để củng cố tiếng nói của người dân, đồng thời giúp cải thiện sức khoẻ cộng đồng và lối sống địa phương. Nhà cộng đồng giúp thúc đẩy tính bao trùm (inclusivity) và có thể trở thành nơi vui chơi mới, an toàn và lạnh mạnh cho trẻ em.
Vườn cộng đồng là những khoảng đất được quản lý bởi Uỷ ban Liên Quận, gắn với Nhà cộng đồng. Người dân có thể đăng kí sử dụng đất theo tỉ lệ quy mô nhất định để sản xuất nông nghiệp và được yêu cầu đóng góp một phần nguồn thu để hỗ trợ tài chính cho Nhà cộng đồng, bao gồm kinh phí duy trì trạm xá và tổ chức các hoạt động, chương trình trong những dịp đặc biệt.
Mục tiêu của giải pháp này là để phát triển và lan toả những phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững hiện đại, giảm tác động đến môi trường và tăng giá trị cho ngành nông nghiệp đang dần mai một. Vườn cộng đồng còn có thể trở thành đầu mối kết nối, nguồn cung cấp thực phẩm uy tín cho người dân sống trên đất liền. Vườn cộng đồng hướng đến đảm bảo công bằng, bình đẳng và bao trùm cho người dân Bãi Giữa có cơ hội được lao động, có quỹ đất để thực hiện tự cung tự cấp, tăng thu nhập gia đình, giảm phụ thuộc vào đất thuê.
4.2 Nắm bắt dòng chảy – Embracing the flow (Nhóm 2)
Với kịch bản này, nhóm nghiên cứu đã nhìn nhận sự vận động, chuyển đổi của Bãi Giữa, được thể hiện qua các dòng chảy – Đó là dòng chảy của nước, dòng chuyển động của giao thông, dòng chảy của năng lượng sạch và dòng chảy kết nối các hoạt động thông qua các không gian công cộng cho dân cư hai bên bờ sông và khu vực bãi giữa. Nếu chúng ta nắm bắt được cái hồn của các dòng chảy này và làm hồi sinh các dòng chảy thì mới tạo nên sức sống hấp dẫn của khu vực Bãi Giữa.
Các giải pháp đề xuất trong kịch bản:
- Khôi phục dòng giao thông kết nối bờ sông và Bãi Giữa, tích hợp với việc kiến tạo dòng năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường đất và nước;
- Kiến tạo các dòng chảy của các hoạt động có ý nghĩa với chuỗi các ngôi nhà tự xây và KGCC thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Cầu kết nối – kiến tạo dòng năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường
Mục tiêu của giải pháp là tạo các tuyến đường di chuyển an toàn cho người dân khi họ đi từ đất liền ra đảo Chuối (Bãi Giữa), tạo thành các tuyến kết nối giúp đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển. Bên cạnh đó, dựa vào vị trí địa lý, với vị trí của đảo Chuối, có thể nhận ra dòng chảy của sông Hồng từ hướng thượng nguồn chảy xuống qua đảo đã cuốn theo rác từ khắp nơi chảy đến qua đảo chuối, cùng với khoảng cách khá nhỏ giữa đảo chuối và ven bờ sông Hồng, đã tạo thành nút thắt chặn rác thải, tích tụ lại khu vực ven sông Hồng.
Hình 4 5. Nghiên cứu quy hoạch các vị trí kết nối bờ nam sông Hồng và Bãi Giữa
Hình 4 6. Cầu dạo kết nối với phương pháp tiếp cận tích hợp, kết hợp hệ thống Turbine nước
Vì vậy, cần xác định các vị trí đặt các cây cầu ven bờ sông hồng kết nối với đảo. Với các vị trí cầu, đi kèm với nó là bố trí vị trí cho các trạm xử lý rác thải, để thu gom rác ven bờ, xử lý, và tái sử dụng cho các công trình trên đảo.
Thiết kế cầu dạo kết nối với thiết kế tích hợp, kết hợp giữa hệ thống tuabin nước giúp tận dụng dòng chảy nước để tạo ra năng lượng để sử dụng trên đảo.
Tùy thuộc vào điều kiện dòng chảy mà cây cầu có thể được tận dụng với nhiều mục đích khác nhau:
- Mùa mưa, nước dâng cao thì cây cầu được sử dụng để kết nối;
- Mùa cạn, nước thấp, nhiều khu vực cạn nước, có thể tạo dựng các tuyến cảnh quan dưới đất, tận dụng cây cầu làm thành mái để che mưa che nắng trên đầu.
Đối với cây cầu, vị trí mặt cầu được xây dựng bằng các vật liệu địa phương đa dạng, vật liệu tự chế của người dân, để họ có thể dễ dàng tự sửa chữa và bảo trì, không cần chờ đến thành phố.
Mô hình kiến trúc tự xây (self built model) thích ứng với BĐKH
Dựa vào lối sống tự do, ít ràng buộc luật định của người dân trên đảo, cũng như để quy hoạch cho người dân có thể xây dựng, trồng trọt có quy củ, trật tự hơn. Nhóm nghiên cứu đề xuất một tập hợp nhiều cây cột thiết kế sẵn, được bố trí thành các cụm, thiết kế theo dạng module, trong đó, mỗi tập hợp cụm sẽ có 1 trụ kỹ thuật được xây dựng sẵn, mà trong đó có các chức năng khó để người dân có thể tự xây dựng như nhà vệ sinh, hệ thống điện và hệ thống kỹ thuật của nhà. Với các cột trụ thiết kế sẵn đó, người dân có thể tự xây dựng cho mình một căn nhà, tùy theo mục đích sử dụng của từng hộ, trong đó có thể bao gồm mở thành các gian hàng, hay làm nhà kho nhu yếu phẩm, nhà tạm trú, nhà ở… và sử dụng các vật liệu được tái chế trong các nhà xử lý rác thải được đề cập bên trên, áp dụng vào trong xây dựng các ngôi nhà trên đảo, giúp giảm thiểu rác thải 2 bên bờ sông.
Hình 4 7. Mô hình kiến trúc tự xây tăng tính kết nối và ứng phó với BĐKH
4.3 Phong cảnh nước – Waterscape (Nhóm 3)
Thông qua điều tra khảo sát thực địa và phỏng vấn sâu người dân địa phương, chuyên gia về hiện trạng và những đặc điểm nổi bật của Bãi Giữa sông Hồng; nhóm nghiên cứu nhận thấy giá trị của khu vực Bãi Giữa giống như một bộ lọc thiên nhiên, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng lũ lụt cho khu vực. Bên cạnh đó, cảnh quan độc đáo của “hòn đảo xanh” với những cánh đồng, khu vườn nằm liền kề khu dân cư đông đúc của thành phố là những tài nguyên độc đáo cần lưu giữ và bảo tồn.
Nhóm nghiên cứu đề xuất tạo dựng cảnh quan mới cho khu Bãi Giữa, dựa trên những giá trị hiện hữu, đó là “Phong cảnh nước”, sẽ làm hồi sinh dòng chảy nhỏ ven khu dân cư. Các giải pháp đề xuất trong kịch bản:
- Đất ngập nước và “Vườn bậc thang”: Khơi thông dòng chảy nhỏ, hai bên ven bờ sẽ tạo thành những vùng đất ngập nước ven bờ, tiếp liền với những khu “vườn bậc thang” tạo cảnh quan sinh thái cho phần tiếp giáp đô thị của Bãi Giữa;
- Canh tác trên những khu đất cao (như những ngọn đồi): Đem lại nguồn cung thực phẩm và cảnh quan nông nghiệp sinh thái ven đô thị;
- Dòng suối: Khơi thông dòng chảy dọc theo Bãi Giữa, ven các khu đất cao, cung cấp nước tưới và tạo “Phong cảnh nước” cho các khu đất cao;
- Hệ thống đường dạo trên cao: Những đường dạo bằng vật liệu sinh thái lắp dựng ở cốt cao, giúp thưởng ngoạn toàn thể cảnh quan khu vực;
4.4 Phát triển đồng hành – Growing together (Nhóm 4)
Nhóm nghiên cứu đặc biệt chú trọng đến môi trường sinh thái và hoạt động nông nghiệp của khu vực Bãi Giữa, đó là một cơ hội về không gian xanh cho khu vực đô thị đông đúc chỉ cách một dải nước ô nhiễm của Hà Nội.
Kịch bản này nhằm mục đích cân bằng giữa KGCC và đất nông nghiệp, đồng thời làm rõ tương lai của hoạt động nông nghiệp. Nó mở rộng cảnh quan nông nghiệp hiện tại thành một hòn đảo kết hợp giữa KGCC và sản xuất cho cư dân Hà Nội thông qua bốn mô hình thử nghiệm được triển khai trong và xung quanh đảo.
- Phục hồi sinh học (Bioremediation)
Vào mùa khô, đất và nguồn nước của hòn đảo thường bị ô nhiễm và nhiễm độc bởi rác thải, đã tích tụ trên đảo suốt nhiều năm. Vì vậy, ô nhiễm đất cùng với kim loại nặng trong nước đang đe dọa chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Mô hình thử nghiệm này sử dụng kỹ thuật làm sạch môi trường sinh học, sẽ đảm bảo một nông nghiệp tốt hơn và lành mạnh hơn, cũng như một quy cách tiếp cận nước sạch hơn cho người dân. Đồng thời, sử dụng cây trồng bản địa Việt Nam nhằm mục đích loại bỏ một số chất ô nhiễm cụ thể như Arsenic (thạch tín), Đồng và Chì có mặt trong các nguồn nước lân cận.
- Thủy điện (Hydroelectricity)
Mô hình thử nghiệm thứ hai đi đôi với mô hình thứ nhất. Theo nguyên tắc củng cố các phương thức nông nghiệp hiện tại, sử dụng turbine Turbulent để sản xuất điện, chúng tôi tạo ra một nguồn điện bền vững cho Bãi Giữa. Điện có thể được sử dụng cho việc canh tác, trong các ngôi nhà trên đảo và trong làng nổi, cho phân phối nước và các mục đích khác. Các mô hình này đã được lắp đặt ở các nước đang phát triển, có điều kiện kinh tế thấp. Turbulent là một công nghệ bền vững cho phép cá, mảnh vụn và trầm tích đi qua hệ thống mà không bị ảnh hưởng.
- Thủy canh (Hydroponics)
Hai mô hình thử nghiệm đầu tiên góp phần tạo ra mô hình, hệ thống thủy canh, một hình thức canh tác để đảm bảo sản xuất thực phẩm trên Bãi Giữa lành mạnh và sạch sẽ hơn.
Lợi ích và sản phẩm
-
- Sức khỏe: Giảm nguy cơ ô nhiễm đất và nước, cung cấp thực phẩm sạch và an toàn;
- Hiệu suất cao: Tăng cường sản lượng cây trồng trong môi trường kiểm soát;
- Tiết kiệm nước: Hệ thống tái sử dụng nước, giảm lượng nước cần thiết so với canh tác truyền thống;
- Không gian công cộng (Public space)
Mô hình này sẽ kết nối với 3 mô hình thử nghiệm khác, biến Bãi Giữa thành một không gian công cộng.
Các hoạt động khác nhau: Sự linh hoạt của con đường chính tạo điều kiện cho các hoạt động nghệ thuật, văn hóa và sáng tạo. Cung cấp không gian cho các hoạt động thể thao và giải trí, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Kết nối với các đường mòn hiện tại ở khu vực đông đúc gần đê, mở rộng không gian xanh và kết nối cộng đồng, và với các đường mòn giải trí hiện tại ở Hà Nội như quanh Hồ Tây, tạo ra một mạng lưới thông tin liên kết và thú vị.
Kịch bản này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của nước trong hệ sinh thái và cảnh quan Bãi Giữa. Việc sử dụng cơ sở hạ tầng như turbine thủy điện và phân phối điện, cùng với hệ thống thủy canh, sẽ cải thiện đời sống và công việc của nông dân và cư dân trên đảo thông qua một cách sống và làm việc bền vững và lành mạnh hơn. Kỹ thuật làm sạch môi trường sinh học, được áp dụng trên các khu vực ô nhiễm của đảo, mang lại nguồn nước sạch hơn cho người dân và đất nông nghiệp. Tất cả những chiến lược này được kết nối thông qua một con đường giáo dục, liên kết với thành phố, đảm bảo một KGCC xanh cho Hà Nội.
4.5 Đô thị học gắn kết – NeedleWork Urbanism (Nhóm 5)
Kịch bản cải thiện kết nối giữa cộng đồng ven sông và thành phố Hà Nội. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy rõ kết nối yếu kém ở một số khu vực nhất định, dẫn đến sự loại trừ giữa các cộng đồng khác nhau. Nhóm nghiên cứu tập trung tăng cường các kết nối về mặt vật chất và văn hóa. Điều này đạt được thông qua việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các cộng đồng địa phương, bao gồm những người sống ở khu vực thành thị và dân ngụ cư tại Bãi Giữa, với những đề xuất cụ thể:
Cảnh quan đường phố – Landscaped street
Cảnh quan đường phố tạo thêm không gian giải trí cho người dân trong khu vực này. đường phố được cải tạo lại để an toàn và thân thiện hơn, có khu vực dọc hai bên đường dành cho không gian công cộng. Trang bị tiện nghi: Ghế dài, sân chơi, thực vật, mái che… đảm bảo an toàn và cải thiện khả năng tiếp cận KGCC cho người dân.
Hình 4 9. Thiết kế Cảnh quan đường phố – Landscaped street
Nhà lưỡng cư – Amphibious houses
- Tạo ra nhà ở giá rẻ có khả năng chịu nước và chịu được thiên tai cho dân cư “làng Phao” trên Bãi Giữa;
- Các tuyến đường cảnh quan dẫn đến các cộng đồng nhà ở thông qua việc mở rộng các tuyến đường và lối đi hiện có;
- Giải pháp: Nhà nổi trên thùng tái chế và được dẫn hướng bằng các cột trụ giúp nhà có thể nâng lên khi lũ lụt mà không bị dòng nước cuốn đi và có thể nhân rộng ở nhiều địa điểm khác nhau.
Hình 4 10. Ý tưởng thiết kế Chợ nổi/Bến tàu nổi
Chợ nổi/Bến tàu nổi – Stilts/Floatable docks
Bến tàu nổi đưa ra giải pháp cho vấn đề vận chuyển qua sông trong mùa mưa, đảm bảo mọi người có thể đi lại an toàn và đáng tin cậy.
Chợ nổi là một phần cơ sở hạ tầng quan trọng khác có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bằng cách kết nối trực tiếp hàng hóa với người dân đô thị, chợ nổi có thể giúp hỗ trợ nông dân địa phương và thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững. Chợ nổi có thể đóng vai trò là nơi tụ tập của cộng đồng, cung cấp không gian để mọi người đến với nhau và xây dựng các kết nối xã hội.
Triển lãm du lịch sinh thái – Ecotourism pavilions
Mô hình này hướng tới 3 mục tiêu chính: Giữ nguyên diện tích đất nông nghiệp, bảo tồn các loài chim di cư, cung cấp việc làm và khuyến khích người dân đến ngắm cảnh.
Cải tạo cánh đồng và cây trồng cũ thành không gian công viên xanh. Mọi người đến đây có thể tham gia trải nghiệm nông nghiệp.
Dọc theo tuyến đi bộ là một số gian hàng. Những gian hàng này rất đa chức năng: là điểm nghỉ chân, ăn uống … Nhưng quan trọng hơn, là cung cấp thức ăn, nơi trú ẩn cho hơn 170 loài chim trên khu vực Bãi Giữa sông Hồng.
5. Kết luận
Có thể nhận thấy sự tương tác không gian và xã hội tại khu vực ven sông và bãi Giữa sông Hồng là những nét đặc trưng của đô thị gắn liền với dòng sông như thành phố Hà Nội. Vì vậy, việc “Khôi phục lại kết nối bền vững giữa đô thị và dòng sông, hướng tới nền kinh tế sáng tạo” nhằm mục đích phát triển bền vững có ý nghĩa hết sức thiết thực. Với cách tiếp cận khác nhau cho những vấn đề cụ thể và cách nhìn nhận thực tế, các nhóm nghiên cứu đã đề xuất được các kịch bản sáng tạo cho tương lai phát triển của khu vực bãi Giữa sông Hồng: “Tạo lập kết nối bền vững”, “Nắm bắt dòng chảy”, “Cảnh quan mặt nước”, “Phát triển đồng hành”, “Đô thị học gắn kết”. Cụ thể là:
- Về mặt chiến lược phát triển không gian: Các nhóm nghiên cứu đều nêu lên tầm quan trọng của dòng chảy nhỏ phía bờ Tây và đề xuất các giải pháp: Hồi sinh mặt nước qua hệ thống lọc (kịch bản nhóm 1,3 và 4), cải tạo cảnh quan ven bờ sông theo nguyên tắc phục hồi tự nhiên (nhóm 3 và 4), hình thành công viên đất ngập nước (nhóm 3 và 4), liên kết khu vực đô thị đông đúc với thiên nhiên xanh của Bãi Giữa;
- Bằng nhiều hình thức khác nhau, các kịch bản tạo ra những phương thức kết nối sáng tạo giữa Bãi Giữa và khu vực đô thị. Từ cây cầu đi bộ Long Biên (nhóm 1), đến những đường đi dạo trên cao (nhóm 2, 3 và 4), đến hệ thống đường mòn kết nối liên thông (nhóm 4), và cảnh quan đường phố sống động (nhóm 5) thu hút sự gắn kết cộng đồng;
- Hoạt động nông nghiệp và đời sống của cộng đồng dân cư “xóm Phao” tại Bãi Giữa cần được ưu tiên và là một phần quan trọng trong mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm xanh trong tương lai (nhóm 1,3,4 và 5);
- Toàn thể kịch bản đều không xây dựng công trình hay hệ thống hạ tầng quy mô như các khu công viên trong đô thị, mà cần những hướng tiếp cận bền vững như: Công trình nổi (nhóm 5), cấu kiện lắp ghép (nhóm 1, 2 và 3), vật liệu bền vững (nhóm 4,5);
- Một số giải pháp kỹ thuật được đề xuất cụ thể trong các kịch bản, như: Xe đạp lọc nước (nhóm 1), turbine phát điện (nhóm 2 và 4) … Hay tiếp cận với “Các giải pháp dựa vào thiên nhiên” (Nature-Based Solutions – NBS) để quản lý bền vững, phục hồi và sửa chữa hệ thống sinh thái Bãi Giữa, nhằm thích ứng với các thách thức từ thiên tai đồng thời đem lại lợi ích cho con người và tự nhiên, như: Công viên đất ngập nước (nhóm 3 và 4) với hệ thống lọc sinh thái.
WAT UNESCO không chỉ đem đến cho các bạn sinh viên một cách tiếp cận đa chiều và đề xuất ý tưởng sáng tạo cho một khu vực hiện hữu trong thành phố gắn liền với dòng sông, xưởng thiết kế còn giúp các bạn sinh viên khám phá và phân tích bối cảnh lịch sử và văn hóa của Hà Nội bằng cách sử dụng nhiều nguồn và kỹ thuật khác nhau như lập bản đồ, phân tích dữ liệu, phương tiện truyền thông, tài liệu lịch sử, tạp chí học thuật và quan sát trực tiếp địa điểm. Xưởng thiết kế giúp các bạn nắm bắt cách tiếp cận Nghiên cứu – Sáng tạo trong quá trình ghi chép và phát triển các giải pháp thiết kế và kiến thức đổi mới liên quan đến sự chuyển hóa – kết nối giữa đất và nước tại con sông đi qua khu vực trung tâm thành phố Hà Nội. Hợp tác làm việc trong bối cảnh đa văn hóa đã giúp phát triển các chiến lược/can thiệp thiết kế và quy hoạch sáng tạo nhằm đáp ứng trực tiếp các nhu cầu đã được xác định trước đó.
PGS.T Tạ Quỳnh Hoa – TS. Lê Nam Phong
Khoa Kiến trúc Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
TS. Nguyễn Thị Thu Phương
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Ghi chú
- PGS.TS. Tạ Quỳnh Hoa (1) ; TS. Lê Nam Phong (2); TS. Nguyễn Thị Thu Phương (3)
- Khoa Kiến trúc Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (1) (2)
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam (3)
- Email: hoatq@huce.edu.vn (1); phongn@huce.edu.vn (2); nguyenthuphuong1978@gmail.com (3)
- Tác giả bài báo là thành viên Ban tổ chức Chương trình WAT UNESCO 2023 (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội)
- Các nhóm tham gia WAT UNESCO 2023
- Nhóm 1: Tạo lập kết nối bền vững – Creating sustainable connectivity
- Các thành viên : Cohen My-Linh, Poulin Julie-Anne, Lecomte Fanny (UdeM); Đặng Thanh Thuỷ, Đinh Thế Dũng, Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Minh Hiền (HUCE); Trần Xuân Đức (HAU).
- Nhóm 2: Nắm bắt dòng chảy – Embracing the flow
- Các thành viên: Charles Circe Kerry, Christine Nguyen, Isabel Painson – Ehler (UdeM); Trần Hữu Trí, Phạm Lương Thịnh (HUCE); Nguyễn Nhật Huy, Lê Thanh Thủy, Nguyễn Thị Nhung (HAU).
- Nhóm 3: Phong cảnh nước – Waterscape
- Các thành viên: Angelo Pesce, Victorian Thibault-Malo (UDeM); Đinh Văn Phú, Bùi Dương Hùng, Lê Thùy Linh, Trịnh Gia Phú (HAU); Hoàng Quốc Bảo, Tran Thi Ngoc Ha, Phạm Việt Bách (HUCE).
- Nhóm 4: Phát triển đồng hành – Growing together
- Các thành viên: Leila Gillespie-Cloutier, Maïté Ligot, Alexandrea-Ioana Vasile (UdeM); Vũ Chúc Linh, Lê Phương Nguyên, Nguyễn Phú Ngọc Nam, Phạm Tuấn Anh (HAU).
- Nhóm 5: Đô thị học gắn kết – NeedleWork Urbanism
- Các thành viên: Marianne Roy, Benoit Madore, Ithia Vincent (UdeM); Nguyễn Văn An, Lương Trần Hưng, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thu Trang, Phạm Thị Khánh Vy (HUCE).
Tài liệu tham khảo
- Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000, phê duyệt tại QĐ 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/3022;
- Văn bản 4316/ UBND-ĐT ngày 02/12/2021 của UBND TP Hà Nội về việc Đề án phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, quận Hoàn Kiếm;
- Văn bản số 3327/SNN-CCPCTT của Sở nông nghiệp và PTNT về việc đề án phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm;
- Văn bản số 1217/QHKT-NĐ-HTKT-BSH ngày 24/3/2023 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội về việc “Lập đề án phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hoá đa chức năng theo đề xuất của UBND 4 quận”;
- World Bank. 2021 – A Catalogue of Nature-Based Solutions for Urban Resilience. © World Bank, Washington, DC;
- Vương Tiến Mạnh – “Giá trị sinh thái của các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng và đề xuất giải pháp bảo tồn” – Tạp chí Môi trường số 6/2016;
- Doãn Minh Thu, Vương Hải My – “Thiết kế kiến trúc cảnh quan khu vực Bãi Giữa Sông Hồng – Thích ứng biến đổi khí hậu – Tạp chí Kiến trúc số 03-2022;
- Báo An Ninh thủ đô – Chuyện về Bãi Giữa sông Hồng – Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Link: https://www.anninhthudo.vn/chuyen-ve-bai-giua-song-hong-post380630.antd
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.