Bản sắc địa phương trong xây dựng nông thôn mới

MTXD - Khai thác các yếu tố bản sắc địa phương sẽ đem lại cho kiến trúc nông thôn sự hài hòa với môi trường tự nhiên, sẽ phát huy các giá trị truyền thống địa phương và phù hợp với các hoạt động văn hóa – xã hội của người dân. Điều đó cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung và xây dựng Nông thôn mới nói riêng ngày nay.

MTXD - Khai thác các yếu tố bản sắc địa phương sẽ đem lại cho kiến trúc nông thôn sự hài hòa với môi trường tự nhiên, sẽ phát huy các giá trị truyền thống địa phương và phù hợp với các hoạt động văn hóa – xã hội của người dân. Điều đó cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung và xây dựng Nông thôn mới nói riêng ngày nay.

Đặt vấn đề

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề có vị trí và tầm quan trọng chiến lược trong sự phát triển của nước ta. Ngày 05/8/2008 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Sau thời gian triển khai Nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có ảnh hưởng sâu rộng và có tác dụng lớn trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Sau hơn mười năm triển khai, bộ mặt nông thôn nói chung và kiến trúc nông thôn nói riêng đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, kiến trúc nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu. 

Quy hoạch và kiến trúc nông thôn mới còn nhiều hạn chế, kiến trúc truyền thống chưa được coi trọng, kiến trúc mới thì theo kiểu “dập khuôn”, thiếu đặc trưng và “phố hóa” làng với kiểu nhà ống đô thị. Nhà ở nông dân không được quan tâm, không bảo lưu được cấu trúc truyền thống, thân thiện với thiên nhiên và nếp sinh hoạt của nông dân. Tất cả điều đó đã làm mất đi bản sắc văn hóa, bản sắc địa phương trong kiến trúc nông thôn của từng vùng miền.

Để giải quyết được vấn đề trên, cần có những nghiên cứu cơ bản về bản sắc địa phương nói chung và vấn đề bản sắc địa phương trong kiến trúc nông thôn nói riêng. Nghiên cứu kiến trúc nông thôn dưới góc độ về văn hóa, bản sắc địa phương để tìm ra nét đặc trưng vùng miền. Truyền tải những đặc trưng địa phương, khu vực vào kiến trúc để thể hiện được bản sắc địa phương trong kiến trúc nông thôn, tạo nên đặc trưng kiến trúc vùng miền là hết sức cần thiết cho kiến trúc nói chung và kiến trúc nông thôn nói riêng.

1. Bản sắc và bản sắc địa phương

“Bản sắc” được giải nghĩa là “tính chất, dung mạo của một sự vật, một con người để phân biệt với sự vật khác, con người khác”. Trong sự tiếp nối vấn đề bản sắc, thì “bản sắc địa phương” là những đặc trưng để nhận diện một địa phương mà trong đó một phần có nguồn gốc tự nhiên, còn phần lớn là do con người ở đó tạo ra. Đó là những nét đặc trưng phản ánh cốt cách tinh thần của cộng đồng dân cư tại một vùng miền xác định, được nhận biết thông qua cách thức họ tổ chức cuộc sống (cư trú, sinh hoạt, lao động sản xuất) và ứng xử với những điều kiện tự nhiên và văn hóa - xã hội cụ thể của địa phương. Bản sắc địa phương là sự biểu hiện bản sắc chung (của dân tộc hay tộc người) trong bối cảnh của một vùng miền cụ thể. 

Như vậy, các khái niệm “bản sắc địa phương” đề cập những đối tượng có nguồn gốc tự nhiên và văn hóa gắn với địa bàn cụ thể của một địa phương. “Bản sắc địa phương” hàm ý một sự liên hệ hay đối chiếu với cái gốc là bản sắc văn hóa của tộc người cư trú tại đó (ứng với góc nhìn của chủ thể, tạm gọi là nhìn “từ bên trong”). 

Trong phạm vi một địa phương có sự thống nhất hữu cơ giữa các cấu trúc vật chất tự nhiên và nhân tạo với các hoạt động của con người (hợp thành môi cảnh), tạo nên những cảm xúc và nhận thức tương ứng về kiến trúc tại đó. Địa phương bao gồm các môi trường tự nhiên và nhân tạo hợp thành và tạo nên môi cảnh đặc trưng của nó. Các tính chất của môi trường được tiếp nối trong kiến trúc để tích hợp công trình vào môi cảnh chung. Bản sắc địa phương phản ánh các nhân tố nguồn, là sự gắn kết 3 thành phần, 3 đặc trưng cơ bản: Không gian, Con người và Ý nghĩa. 

Đặc trưng vật chất là môi trường không gian - gồm các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, phối hợp hài hòa các khía cạnh vật liệu, hình dạng, cấu trúc, màu sắc. 

Đặc trưng văn hóa - xã hội là con người và hoạt động của họ - nó quyết định sức sống của không gian, tạo nên ý nghĩa (meaning) như là phần hồn của tinh thần bản địa. 

Đặc trưng tinh thần là cảm xúc và nhận thức về ý nghĩa của môi cảnh - bắt nguồn từ môi trường vật chất (cảnh quan, hình ảnh) và hoạt động của con người. Từ các thành phần nêu trên, có thể tiếp tục trích xuất ra các khía cạnh, các yếu tố cụ thể hơn để tạo lập bản sắc địa phương (hình 1): 

Hình 1. Các đặc trưng và khía cạnh tạo lập Bản sắc địa phương.

Bản sắc địa phương là những giá trị cốt lõi, những đặc trưng nổi trội và đặc sắc của môi cảnh, có thể cảm nhận được rõ ràng, giúp phân biệt nơi này với nơi khác. Các đặc trưng vật chất và văn hóa - xã hội có thể quan sát được, còn đặc trưng tinh thần thuộc về cơ chế trải nghiệm và cảm nhận của con người nên thường khó nắm bắt và xác định. Trong đó, các cấu trúc vật chất là độc lập với con người, còn hoạt động và ý nghĩa thì phụ thuộc vào con người và nhận thức của họ. Hình ảnh có thể gây ấn tượng thị giác, nhưng thiếu sự hiện diện và hoạt động của con người thì cũng chỉ là những cảnh vật, hình khối vô hồn. Hoạt động và ý nghĩa có vai trò quan trọng tạo nên bản sắc - song phải cộng hưởng với cấu trúc không gian của công trình, của địa điểm, của địa phương

Sự cảm nhận là cơ chế của trải nghiệm tâm lý. Cảm nhận của mỗi người mang tính cá nhân và có thể khác nhau, nhưng bản sắc là những đặc điểm chung, được đồng cảm và ghi nhận bởi số đông. Vì thế bản sắc địa phương là sự tương đồng và thống nhất trong cảm nhận của mọi người về một địa bàn xác định. Hiện tượng học chỉ ra mối quan hệ giữa cảm xúc và nhận thức của con người (thuộc lĩnh vực tinh thần) với những biểu hiện vật chất - hình thể của không gian xung quanh. 

2. Vai trò của bản sắc địa phương trong kiến trúc nông thôn

2.1. Kiến trúc thích ứng với môi trường sinh thái tự nhiên

Một cách tổng quát thì địa hình, khí hậu, chế độ mưa, nắng, gió bão, độ ẩm,.. luôn là những yếu tố quyết định hình thái và cấu trúc của kiến trúc dân gian, kiến trúc bản địa ở mọi địa phương trên thế giới. Kiến trúc thích ứng với các điều kiện của môi trường sinh thái tự nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tiện nghi mà con người cảm nhận khi ở trong công trình, và trải qua nhiều thế hệ thì con người đã biết cách làm nhà như thế nào để đạt được điều đó một cách tốt nhất.

Các yếu tố về địa hình (độ cao, độ dốc, địa mạo, hình thể) trong phạm vi lớn của một vùng miền sẽ trực tiếp quyết định điều kiện thuỷ văn của các địa phương nhỏ hơn - dẫn tới sự hình thành các điểm cao (đồi, núi), các đường phân thủy, các dòng chảy (sông, suối...) và các vùng trũng tụ nước (ao, hồ, đầm, phá…). Điều kiện địa hình (kèm theo là thủy văn và thảm thực vật) có tác động điều tiết các yếu tố cụ thể của khí hậu vùng, miền (làm thay đổi hướng gió, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm...), tạo thành những tiểu khí hậu khác biệt trong phạm vi địa phương - rồi từ đó con người mới tiếp tục xử lý bằng các giải pháp thích ứng thụ động để tạo thành vi khí hậu trong kiến trúc. 

Kiến trúc ở các vùng khí hậu đặc trưng cũng luôn có những giải pháp đặc thù phù hợp. Xưa nay con người vẫn có thể cư trú ổn định và lâu dài tại những vùng khí hậu khắc nghiệt nhất - chính là nhờ kiến trúc ở đó đã thích ứng được với các yếu tố tự nhiên bất lợi.

2.2. Kiến trúc phù hợp với môi trường sinh thái nhân văn

Các nhân tố văn hóa - xã hội và vật chất - kỹ thuật được hình thành và tích lũy trong quá trình con người chung sống và tương tác với môi trường sinh thái tự nhiên xung quanh; kiến trúc theo đó cũng dần dần định hình các nguyên mẫu, từng bước hoàn thiện các kiểu mẫu - rồi được sử dụng phổ biến trong việc tạo dựng môi trường cư trú của cộng đồng mà hình thành các cảnh quan kiến trúc và cảnh quan đô thị, hòa vào cảnh quan văn hóa của địa phương. Kiến trúc liên quan chặt chẽ với môi trường sinh thái nhân văn tại địa phương. Với chức năng tạo dựng không gian cho con người thì kiến trúc là thành phần văn hóa vật chất phản ánh trung thực đời sống của cộng đồng. 

Kiến trúc là bằng chứng vật chất cụ thể hóa các đặc trưng của văn hóa địa phương, đồng thời cũng biểu hiện những ý nghĩa giá trị tinh thần của cộng đồng ở đó. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần trong kiến trúc luôn hòa quyện với nhau như tính hợp lý và tính tư tưởng. Văn hóa là tiền đề nảy sinh kiến trúc, kiến trúc lại tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động văn hóa - xã hội và phát triển kinh tế - kỹ thuật. Vì thế thông qua kiến trúc có thể thấy được các đặc trưng văn hóa - kinh tế - xã hội của địa phương. 

Môi trường văn hóa - xã hội của địa phương (với những ràng buộc cụ thể về tập quán, tín ngưỡng, quan hệ, sở hữu, quy hoạch, xây dựng...) hợp thành bối cảnh đặc thù quyết định kiểu kiến trúc tại đó - và kiến trúc đặc trưng ở nơi này thì có thể không phù hợp ở nơi khác. Các điều kiện văn hóa - xã hội và vật chất - kỹ thuật của địa phương là môi trường thực tiễn để kiểm chứng kiến trúc môt cách trực tiếp, thiết thực và hiệu quả nhất. Những gì không đáp ứng nhu cầu hàng ngày, không phù hợp với hoàn cảnh sẽ bị đào thải. Trong quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa, các yếu tố giá trị mới phát sinh từ nơi khác cũng phải thích hợp với dân cư địa phương thì mới được tiếp thu và áp dụng trong kiến trúc.

Các môi cảnh (môi trường + cảnh quan) tự nhiên và văn hóa - xã hội có sự thống nhất và chi phối lẫn nhau trong một phạm vi nhất định, hợp thành bối cảnh hay ngữ cảnh đặc trưng của địa phương. Các yếu tố sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn của địa phương quyết định giải pháp kiến trúc trên cả phương diện chức năng, hình thức và cảm nhận, giúp tạo nên sự khác biệt và bền vững cho kiến trúc. Sự phản ánh bối cảnh địa phương trong kiến trúc là nội dung lý luận cơ bản của các chủ nghĩa Khu vực (Regionalism) và Khu vực mới (Critical Regionalism), cũng như của trào lưu được gọi là chủ nghĩa bản địa (Vernacularism), chủ trương khai thác kinh nghiệm từ kiến trúc bản địa được xây dựng bằng các nguồn vật liệu, kỹ thuật và nhân lực tại chỗ, phù hợp với các môi trường tự nhiên và văn hóa - xã hội của địa phương. 

2.3 Kiến trúc phản ánh tinh thần của bản sắc địa phương

Trong hiện tượng học kiến trúc, “nơi chốn” là vấn đề cốt lõi của mối liên hệ hữu cơ giữa công trình với con người và môi trường. “Thiết kế kiến trúc là làm cho tinh thần nơi chốn được hiển thị và nhiệm vụ của kiến trúc sư là tạo ra những nơi chốn đầy ý nghĩa để giúp cho con người sống hạnh phúc” (Christian Norberg-Schulz). Nơi chốn, ở quy mô công trình đơn lẻ - nó hướng đến tính cá thể, tính độc đáo. Ở quy mô vùng miền thì kiến trúc và cảnh quan có một tinh thần chung, một bản sắc chung. 

Theo E.Relph (“Place and Placelessness”) thì “nơi chốn” cấu thành bởi 3 yếu tố: Môi trường không gian (là đặc trưng cấu trúc vật chất); Con người và hoạt động của họ trong không gian (là đặc trưng văn hóa - xã hội); Ý nghĩa và cảm nhận của con người tại không gian đó (là đặc trưng tinh thần). 

Nơi chốn là địa điểm có các sự kiện, đối tượng và hoạt động trong không gian, là vị trí địa lý có liên hệ chặt chẽ với không gian thực thể và không gian văn hóa – xã hội được phản ánh qua cảm xúc và nhận thức của con người. Các đặc trưng vật thể và văn hóa - xã hội tạo nên ngữ cảnh và ý nghĩa của nơi chốn, được cảm nhận thông qua trải nghiệm và quan sát để mô tả không gian vật chất diễn tả các đặc điểm của con người và hoạt động của họ trong không gian đó.

Nơi chốn là địa điểm có ý nghĩa, có cảm xúc. Qua trải nghiệm, con người có cảm xúc sẽ thấy mình gắn bó với địa điểm - cảm nhận về “hồn nơi chốn”.

Khi cảm nghiệm rõ nét và sâu sắc (con người nhận thức và hiểu được các tầng ý nghĩa) thì có được “ý nghĩa của nơi chốn”, hay “tinh thần của địa điểm”. 

Khi cảm xúc mạnh mẽ, được nhận thức sâu sắc và ghi nhận bởi số đông (đồng cảm và đồng thuận trong cộng đồng) thì có “bản sắc của địa điểm”, bản sắc của địa phương. 

Hình 2. Vai trò của bản sắc địa phương trong kiến trúc.

3. Bản sắc địa phương trong kiến trúc nông thôn

Như đã trình bày ở trên, kiến trúc cần mang được bản sắc địa phương nơi nó được kiến tạo để tạo ra đặc trưng khu vực, vùng miền. Để truyền tải được bản sắc địa phương vào kiến trúc khu vực thì cần xem xét các yếu, nhận diện các đặc trưng của bản sắc địa phương và thành phần của kiến trúc, qua đó lựa chọn, truyền tải bản sắc địa phương vào kiến trúc. 

Như ta đã biết, công trình kiến trúc nói riêng và kiến trúc nông thôn nói chung đều có các thành phần là: Cấu trúc vật chất (thành phần vật chất và mối quan hệ giữa các thành phần vật chất); Cấu trúc chức năng (các thành phần chức năng và mối quan hệ giữa chúng); Ý nghĩa biểu đạt (ý nghĩa tinh thần mà kiến trúc thể hiện). Các thành phần trên tạo nên công trình kiến trúc. 

Để công trình kiến trúc mang được bản sắc địa phương thì các thành phần kiến trúc cần có mối liên hệ chặt chẽ với các yếu tố đặc trưng của địa phương (bản sắc địa phương). Cụ thể: 

Cấu trúc vật chất của kiến trúc cần thích ứng với môi trường tự nhiên; Tiếp nối ngữ cảnh, địa hình; hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên; 

Cấu trúc chức năng của kiến trúc cần đáp ứng nhu cầu sử dụng (con người); Tích hợp được tính thời đại với truyền thống (truyền thống, lịch sử); Phù hợp với các hoạt động (xã hội); 

Ý nghĩa/ cảm nhận của kiến trúc: cần liên hệ được với các nguyên tắc của kiến trúc truyền thống, chi tiết đặc trưng của địa phương; tạo được ấn tượng về bản sắc của địa phương.

Hình 3. Định hướng giải pháp truyền tải bản sắc địa phương trong kiến trúc nông thôn

Kiến trúc cần thích ứng với môi trường sinh thái tự nhiên: Kiến trúc tôn trọng các điều kiện tự nhiên vốn có của địa phương (địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn...); thích ứng với khí hậu địa phương (kể cả với sự biến đổi khí hậu đang diễn ra); ứng xử có trách nhiệm, góp phần cải thiện môi trường, chung sống với các yếu tố bất lợi; thích ứng toàn diện và bền vững - với các mức độ hiệu quả về năng lượng, về môi trường và về sinh thái. 

Kiến trúc cần hòa nhập với cảnh quan: Hình thức công trình có các yếu tố và thành phần tạo cảm nhận tương đồng về thị giác với cảnh quan xung quanh. Có thể tạo quan hệ hòa nhập bằng cách tương tự (dùng các yếu tố giống nhau để hòa đồng), tương hợp (dùng các yếu tố phù hợp với đặc trưng môi cảnh), tương tác (bổ sung các yếu tố còn thiếu để cân bằng môi cảnh), kể cả tương phản (dùng các yếu tố đối lập ràng buộc nhau để ổn định môi cảnh).

Kiến trúc cần phù hợp về vật chất và kỹ thuật: Kiến trúc phù hợp với mức thu nhập và khả năng kinh tế của người dân địa phương; sử dụng các vật liệu đặc trưng quen thuộc và phổ biến có nguồn gốc địa phương; phù hợp với trình độ kỹ thuật và các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực tại chỗ; sử dụng các kỹ thuật xây dựng đặc thù, các công nghệ thích hợp với điều kiện thực tế địa phương. 

Kiến trúc cần tích hợp với yếu tố đương đại: Tái lập hình thức địa phương bằng vật liệu mới và kết cấu mới (tạo hình thức địa phương mới); lồng ghép yếu tố phi vật thể của văn hóa truyền thống địa phương với một yếu tố hình thể mới và hiện đại; kết hợp khía cạnh tinh thần của thời đại với hình thức địa phương (tạo cảm nhận tinh thần địa phương mới)... Sự tích hợp với yếu tố đương đại là điều kiện để hiện đại hóa biểu hiện của tính địa phương. 

Kiến trúc cần tiếp nối ngữ cảnh văn hóa - xã hội: Kiến trúc có sự tương đồng về tính chất và nội dụng hoạt động với môi trường văn hóa - xã hội địa phương; đáp ứng các nhu cầu thiết thực, tôn trọng lối sống và tập quán sinh hoạt của người dân, không gây đột biến và xáo trộn; phục vụ hỗ trợ các hoạt động cộng đồng, phát triển các quan hệ cộng đồng; tiếp nối truyền thống văn hóa, khai thác và phát huy tri thức bản địa, các kinh nghiệm xây dựng và ứng xử dân gian... 

Kiến trúc cần có liên hệ với các kiểu mẫu bản địa: Kiến trúc khai thác các nguyên tắc truyền thống trong bố cục tổng thể, tổ chức không gian, cấu trúc tạo hình; hình thức có liên hệ trực tiếp với các dạng thức dân gian, các kiểu mẫu địa phương (trích đoạn /mô phỏng /cách điệu thành các mã biểu trưng); sử dụng các chi tiết kiến trúc đặc trưng về vật liệu, kết cấu, cấu tạo và trang trí...

Kiến trúc cần truyển tải được tinh thần địa điểm/ địa phương: Kiến trúc gợi lại những ấn tượng và cảm xúc quen thuộc liên quan đến tinh thần địa điểm/ địa phương (vô thức); gợi liên tưởng đến những hình ảnh được lưu giữ trong ký ức về các yếu tố và giá trị bản sắc địa phương (tiềm thức); biểu trưng hóa ý niệm và nhận thức của cộng đồng về tinh thần địa phương (ý thức); chuyển hóa tinh thần địa phương từ môi cảnh vào kiến trúc (hành động). 

4. Kết luận

Có thể nói, qua nghiên cứu về bản sắc, bản sắc địa phương trong kiến trúc, ta thấy các yếu tố của bản sắc địa phương phản ánh đầy đủ và toàn diện các mặt của môi trường tự nhiên (hệ sinh thái tự nhiên) và môi trường văn hóa (hệ sinh thái nhân văn), từ đó thấy rõ vai trò của bản sắc địa phương trong việc xây dựng, tổ chức không gian kiến trúc nói chung và kiến trúc nông thôn mới nói riêng. 

Xác định rõ các đặc trưng của bản sắc địa phương, thông qua các mối quan hệ của chúng là cơ sở để khai thác, duy trì, tiếp nối các yếu tố đó tổ chức không gian kiến trúc nông thôn mới. Qua đó, kiến trúc nông thôn mới sẽ thống nhất hữu cơ với địa điểm, không mất đi bản sắc của địa phương vì những đặc trưng đấy vẫn được duy trì, củng cố và làm rõ nét trong từng không gian.

Xác định vai trò và mối quan hệ giữa bản sắc địa phương với kiến trúc nông thôn sẽ góp phần trong việc xây dựng kiến trúc nông thôn mới có bản sắc, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nông thôn nói chúng và trong chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng.

TS.KTS Vũ Đức Hoàng 

 

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Thái Hoàng (2013), Hiện tượng học kiến trúc, Trang thông tin điện tử Kiến Việt, Hội KTSVN.

2. Ngô Đức Thịnh (2003), Văn hóa vùng và Phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, NXB Trẻ, Hà Nội, Tr. 216-261.    

3. Nguyễn Đức Thiềm (2000), Một số kết quả nghiên cứu về nhà ở dân gian Việt Nam. Góp phần tìm hiểu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam. NXB Xây dựng, Hà Nội.

4. Vũ Đức Hoàng (2016), Khai thác yếu tố địa điểm trong kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng ven biển Bắc trung bộ, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

5. Phạm Hùng Cường (2017), Văn hóa bản địa trong xây dựng môi trường cư trú truyền thống, Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Số 05/2017

6. Trần Mạnh Cương (2021), Biểu hiện tính bản địa trong kiến trúc đương đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

7. Vũ Đức Hoàng (2021), Vai trò của “Nơi chốn” trong kiến trúc nông thôn mới, Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Số 02/2022.

8. Amos Rapoport (1969) “House Form and Culture”.

9. Norberg-Schulz (1980), Genius Loci: Towards a Phenomenology of Architecture, Rizzoli, New York.USA

 

Các tin khác

Cho sông Hàn khoác áo mới
Cho sông Hàn khoác áo mới

MTXD - Dòng sông Hàn với những cây cầu bắc ngang sẽ được khoác lên tấm áo mới với những sản phẩm du lịch mới, đẳng cấp và hứa hẹn mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm đầy hấp dẫn khi đến với Đà Nẵng.

Kiến tạo bản sắc đô thị Đà Lạt để phát triển du lịch bền vững
Kiến tạo bản sắc đô thị Đà Lạt để phát triển du lịch bền vững

MTXD - Trong hệ thống các đô thị Việt Nam, thành phố (TP) Đà Lạt (Ảnh 1) có lịch sử 130 năm hình thành và phát triển khá đặc biệt (1893 – 2023). Bên cạnh những yếu tố “cơ hội” của đặc điểm nơi chốn, còn không ít “thách thức” trong quá trình quản lý và phát triển đô thị “sau quy hoạch”.

Đà Nẵng phát triển nhà ga sân bay thông minh đầu tiên ở Việt Nam
Đà Nẵng phát triển nhà ga sân bay thông minh đầu tiên ở Việt Nam

MTXD - Đà Nẵng phát triển nhà ga sân bay thông minh đầu tiên ở Việt Nam không chỉ muốn mang tới những tính năng mới, liên tục cập nhập để tối ưu trải nghiệm hành khách mà còn góp phần thúc đẩy nền công nghệ nước nhà.

Thái Nguyên: Dự án Khu đô thị số 4 xã Yên Lãng (Đại Từ) được chấp thuận chủ trương đầu tư
Thái Nguyên: Dự án Khu đô thị số 4 xã Yên Lãng (Đại Từ) được chấp thuận chủ trương đầu tư

​MTXD - UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị số 4. Đây là dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở nằm trong quy hoạch đô thị thuộc khu vực cửa ngõ phía Tây của huyện.

Di sản nhà vườn truyền thống Huế trong bối cảnh hiện tại và giải pháp bảo tồn thích ứng
Di sản nhà vườn truyền thống Huế trong bối cảnh hiện tại và giải pháp bảo tồn thích ứng

​MTXD - Nhà vườn truyền thống Huế (NVTTH) được biết là một trong những yếu tố không thể...