“Bản sắc nơi chốn” trong quá trình phát triển bền vững thị trấn Tiên Yên - Quảng Ninh
MTXD – Tóm tắt: “Bản sắc nơi chốn” là tổng hòa của nhiều yếu tố bao gồm: đặc trưng không gian, đặc điểm tự nhiên, điều kiện văn hoá lịch sử. Là những đặc điểm nội tại, nổi trội, đặc sắc của địa điểm, là yếu tố giúp chúng ta có thể nhận biết, cảm nhận và phân biệt được nơi này với nơi khác. Xác định những giá trị đặc trưng và cụ thể hoá những giá trị này vào công tác quy hoạch và thiết kế đô thị là một trong những nội dung rất quan trọng và cần thiết nhằm đảm bảo tính thực thi của các đồ án quy hoạch. Đưa công tác quy hoạch tiến gần hơn với thực tế, tạo sự thuận tiện cho việc triển khai và quản lý quy hoạch...cũng như khiến cho khu vực xây dựng phát triển một cách bền vững.
Nội dung bài viết xoay quanh vấn đề bản sắc nơi chốn, nhận diện các giá trị đặc trưng của thị trấn Tiên Yên- Quảng Ninh, đồng thời gợi ý một số nguyên tắc “kiến tạo nơi chốn có bản sắc” trong quá trình phát triển đô thị bền vững tại thị trấn Tiên Yên- Quảng Ninh. Coi đó như một công cụ hữu ích trong công tác Quy hoạch xây dựng đô thị, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Từ khóa: Kiến tạo nơi chốn; bản sắc nơi chốn; phát triển bền vững
Đặt vấn đề
Những thành tựu phát triển kinh tế của nước ta trong thời gian qua là cơ sở cho sự ra đời và nâng cấp của hàng loạt các đô thị. Bộ mặt đô thị ngày một đổi thay, điều kiện sống của cư dân trong đô thị đã được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển mạnh mẽ của hoạt động xây dựng dưới sức ép của nền kinh tế thị trường đã khiến cho hình ảnh của đô thị trở nên nhạt nhòa, đôi lúc còn biến dạng và thiếu sự kiểm soát. Việc thiết lập một trật tự đô thị, khai thác, giữ gìn, phát huy và xây dựng những không gian, những đô thị bắt kịp với xu hướng toàn cầu, mang đậm bản sắc là một công việc không hề đơn giản. Làm thế nào có thể tạo dựng nét riêng cho từng đô thị? Làm thế nào để những nơi chốn ấy vừa đáp ứng các nhu cầu hiện tại vừa không làm tổn hại đến nhu cầu phát triển của tương lai? Hay nói cách khác đó là đi tìm lời giải cho bài toán “Bản sắc nơi chốn” trong quá trình phát triển bền vững.
Thị trấn Tiên Yên- Quảng Ninh nổi tiếng với thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cùng bề dày văn hóa lịch sử đặc sắc. Năm 2016, Quy hoạch chung thị trấn Tiên Yên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với mục tiêu xây dựng đô thị Tiên Yên trở thành trung tâm của Tiểu vùng rừng núi phía Bắc (Ba Chẽ, Tiên Yên) cùng các định hướng phát triển cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp phát triển không gian: Khu trung tâm Tiên Yên, phân khu các đô thị, các vùng cảnh quan, các trục cảnh quan, các công trình điểm nhấn…đều ưu tiên bảo tồn các giá trị, phù hợp hài hòa với điều kiện phát triển của khu vực. Trên thực tế để thực hiện tốt các mục tiêu và định hướng Quy hoạch, công tác nhận diện, phân tích và hệ thống
hóa các đặc trưng trong quá trình phát triển thị trấn Tiên Yên là một trong những bước vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo đô thị vẫn giữ được bản sắc riêng. Hơn nữa, việc nhận diện các giá trị đặc trưng cũng góp phần đánh thức tiềm năng “nơi chốn” của thị trấn Tiên, biến đó trở thành những lợi thế phát triển, đồng thời thu hút Thị trấn Tiên Yên- Quảng Ninh nổi tiếng với thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cùng bề dày văn hóa lịch sử đặc sắc. Năm 2016, Quy hoạch chung thị trấn Tiên Yên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với mục tiêu xây dựng đô thị Tiên Yên trở thành trung tâm của Tiểu vùng rừng núi phía Bắc (Ba Chẽ, Tiên Yên) cùng các định hướng phát triển cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp phát triển không gian: Khu trung tâm Tiên Yên, phân khu các đô thị, các vùng cảnh quan, các trục cảnh quan, các công trình điểm nhấn…đều ưu tiên bảo tồn các giá trị, phù hợp hài hòa với điều kiện phát triển của khu vực. Trên thực tế để thực hiện tốt các mục tiêu và định hướng Quy hoạch, công tác nhận diện, phân tích và hệ thống hóa các đặc trưng trong quá trình phát triển thị trấn Tiên Yên là một trong những bước vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo đô thị vẫn giữ được bản sắc riêng. Hơn nữa, việc nhận diện các giá trị đặc trưng cũng góp phần đánh thức tiềm năng “nơi chốn” của thị trấn Tiên, biến đó trở thành những lợi thế phát triển, đồng thời thu hút đầu tư, biến nơi đây trở thành nơi kết nối, hội tụ, nơi lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc Việt Nam.
Hình 1.1. Bản đồ quy hoạch chung mở rộng thị trấn Tiên Yên- tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn 2050
1. Bản sắc nơi chốn và các yếu tố nhận diện
Trước khi bàn về “bản sắc nơi chốn” (place identity), trước hết nên tách nghĩa rõ ràng; “Bản sắc” là nói đến một vấn đề, một sự vật, hiện tượng có tính chất đặc biệt và tạo thành đặc điểm riêng có sự vật, hiện tượng đó mà các sự vật hiện tượng khác không có. Với nơi chốn, “Bản sắc” thể hiện sự kết nối ở tầng lớp sâu hơn- đó là liên kết mang tính “biểu tượng” giữa mỗi cá nhân với một không gian cụ thể (Proshansky, 1978). Sự gắn kết nơi chốn (gắn kết không gian- place attachment) chính là một phần của bản sắc nơi chốn, nhưng bản sắc nơi chốn không chỉ đơn thuần là gắn kết mà bản sắc nơi chốn còn bao gồm quan sát, đánh giá, cảm nhận về không gian của các cá nhân và xã hội. Chúng ta có xu hướng gắn bó hơn với một địa điểm khi đó là nơi ta đồng cảm với những giá trị chung (nhưng riêng biệt) của cộng đồng ta chung sống, có thể thoải mái bộc lộ sự khác biệt của bản thân (self-identity) với mọi người xung quanh (Kyle và cộng sự, 2005). Đôi khi, “Bản sắc nơi chốn” được hình thành mà không đòi hỏi sự tương tác trực tiếp giữa con người với không gian. Đó chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhận diện các giá trị đặc trưng- bản sắc không gian: Cảm xúc- suy nghĩ; sự tương tác- hoạt động và sự ảnh hưởng
(4). Các khía cạnh đặc biệt của bản sắc bắt nguồn từ những nơi chúng ta thuộc về, nảy sinh bởi vì những địa điểm đó có hình ảnh và ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta, đại diện cho ký ức cá nhân và xã hội bởi vì chúng được hình thành trong quá trình vận động của lịch sử xã hội, của các mối quan hệ xã hội đó.
Đặc điểm của những nơi chốn khác nhau cũng khiến “Bản sắc nơi chốn” cũng khác nhau, nó được khẳng định thông qua đánh giá, cảm nhận cuả xã hội và mỗi cá nhân. Để nhận diện những đặc trưng (bản sắc) của nơi chốn không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên cũng có thể nhận diện thông qua việc đánh giá:
- Các giá trị về cảnh quan tự nhiên- đặc trưng không gian.
- Phong cách hình thức các công trình được định vị trong khu vực- đây là phương thức nhận dạng đặc trưng nơi chốn và là phương thức dễ nhận biết do tính biểu tượng.
- Yếu tố văn hóa và con người
Nhận diện nơi chốn địa điểm cũng thay đổi tùy theo từng thời điểm và xảy ra trong suốt cuộc đời của mỗi người (Proshansky và Fabian, 1987). Tóm lại, bản sắc nơi chốn chính là cơ sở dữ liệu nhận thức trải nghiệm mọi môi trường vật chất (không gian- nơi chốn).
2. Nhận diện các giá trị đặc trưng của thị trấn Tiên Yên như một lợi thế trong quá trình phát triển
· Thế mạnh vị trí, cảnh quan và môi trường tự nhiên
Tiên Yên được biết đến là- một vùng “rừng thiêng, nước độc”, mảnh đất ngã ba vùng Đông Bắc, một “trấn lỵ” có lợi thế vị trí đặc biệt về lịch sử văn hóa, kinh tế và an ninh quốc phòng. Cách thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hơn 100km về phía Đông, bên Quốc lộ 18A lối đi ra cửa khẩu Móng Cái. Quốc lộ 18C từ thị trấn Tiên Yên đi cửa khẩu Hoành Mô. Quốc lộ 4 chạy từ Mũi Chùa qua Tiên Yên một đoạn dài khoảng 10Km, nối Tiên Yên với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, là tuyến đường chạy song song với biên
giới Việt Trung. Ngoài ra, giao thông thuỷ cũng khá thuận lợi với các bến cảng sâu và kín như cảng Mũi Chùa, Thác Cối, Bến Châu cùng với quân cảng Vạn Hoa ở phía ngoài cửa biển Tiên Yên.
Hình 2.1. Vị trí huyện Tiên Yên trong bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ninh (trái); Hệ thống giao thông đối ngoại kết nối thị trấn Tiên Yên (phải)
Hình 2.2. Tiên Yên - vùng đất ngã ba sông - huyện có 2 con sông lớn là Tiên Yên và Phố Cũ, hợp nhau tại đầu thị trấn Tiên Yên, đổ ra cửa biển Mũi Chùa.
Địa hình nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối ở Tiên Yên, cũng là một trong các giá trị đặc trưng cần quan tâm khai thác, thúc đẩy và phát huy trong quá trình phát triển. Với hơn 5.000ha bãi triều, trong đó có khoảng 2.000ha rừng ngập mặn (được đánh giá là đa dạng sinh học nhất, nhì miền Bắc với hệ thống động thực vật khá trù phú) đặc biệt khu vực Đồng Rui được xác định có đến 7 hệ sinh thái bao gồm: Hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái đầm nuôi, hệ sinh thái hồ ao, hệ sinh thái nông nghiệp (ruộng lúa, hoa mầu), hệ sinh thái khu dân cư; là khu vực được xác định có mức độ đa dạng loài cao và nhiều loài có giá trị kinh tế
cũng như giá trị trong bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, lợi thế về cảnh quan biển tự nhiên (mũi Lòng Vàng- gần như chưa bị sự tác động của con người vẫn giữ được nét hoang sơ, thiên tạo), hệ thống các thác nước tự nhiên (thác Pạc Sủi1) cũng là ưu thế lớn để phát triển các ngành nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, giao thông, buôn bán, du lịch nghỉ dưỡng...
Hình 2.3. Đồng Rui - với trên 2.800ha rừng ngập mặn, đa dạng về sinh học, là lá phổi xanh bảo vệ môi trường và là điều kiện để phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái [7]
Tiên Yên không chỉ là mảnh đất có nhiều lợi thế về vị trí, tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà còn mang trong mình nhiều giá trị lịch sử giàu có. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ và qua các di chỉ khai quật được, quá trình di cư tới những vùng đồng bằng, ven sông, người Việt cổ đã chọn nơi này để sinh sống và phát triển. Do vậy, Tiên Yên còn có một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc
Hình 2.4. Mũi Lòng Vàng - Thác Pạc Sủi - ruộng bậc thang Đại Dực
· Tiềm năng văn hóa lịch sử (hệ thống giá trị văn hóa vật thể- phi vật thể)
Bên cạnh những giá trị về địa lý, điều kiện tựu nhiên, “Trấn lỵ” Tiên Yên xưa còn là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều luồng văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc như Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Chỉ…Trải qua thời gian, những giá trị văn hóa được kết tinh từ đời sống sinh hoạt của các dân tộc, cùng sự đan xen, giao thoa văn hóa đã hình thành nên những sắc thái văn hóa riêng và làm cho hệ thống các giá trị văn hóa nơi vùng đất nơi ngã ba sông này ngày càng giàu có, đa dạng và phong phú. Có thể thấy, Tiên Yên hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng. Toàn huyện hiện có 41 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 21 di tích, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được UBND tỉnh quản lý, kiểm kê; 39 di tích, 8 công trình kiến trúc cổ, được trùng tu và xếp hạng; 4 di tích lịch sử, văn hoá xếp hạng cấp tỉnh. Một số di tích lịch sử, văn hoá có giá trị như: Di tích lịch sử Khe Tù; Di tích lịch sử Khe Giao, các công trình kiến trúc Pháp cổ (với hơn 80 nóc nhà mái ngói âm dương cổ còn được bảo tồn được hình thành khoảng đầu TKXX) ....
Sự đa dạng về văn hóa còn mang lại cho nơi đây hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống…góp phần tạo nên cho Tiên Yên nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị. Bao gồm 6 loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian; 21 loại hình tập quán xã hội; 14 loại hình tri thức dân gian; 4 loại hình nghề thủ công truyền thống; 5 loại hình lễ hội. Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, phong tục như: Lễ hội lồng
tồng của dân tộc Tày, lễ hội cấp sắc của đồng bào Dao, lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ, lễ hội đua thuyền truyền thống của xã Đồng Rui, lễ đại phan của dân tộc Sán Dìu...các làn điệu dân ca (hát then và đàn tính của dân tộc Tày, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, hát đối của dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán...)
Hình 2.5. Phố cổ Tiên Yên với rất nhiều công trình kiến trúc Pháp và Hoa cổ được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20, theo cấu trúc nhà ống, hai tầng, mái ngói đất nung lợp theo kiểu âm dương
Hình 2.6. Giao lưu hát then - đàn tính- dân tộc Tày - thôn Đồng Đình - Phong Dụ (trái); Các trò chơi dân gian tại Lễ hội dân tộc Sán Chỉ[7](phải)
Những giá trị văn hóa dân gian ẩn chứa trong điệu hát, tiếng khèn, trong trang phục truyền thống chính là sợi chỉ gắn kết đa sắc màu văn hóa dân tộc, làm nên nét riêng, khác biệt của Tiên Yên. Đây cũng chính là những giá trị đặc trưng- là lợi thế của Tiên Yên trong quá trình phát triển bền vững.
3. Nguyên tắc kiến tạo nơi chốn có bản sắc trong quá trình phát triển bền vững tại Tiên Yên- Quảng Ninh
· Các giá trị bản sắc phải được bảo vệ và nâng cao đồng thời phải được coi là một điều kiện tiên quyết trong quá trình Quy hoạch - thiết kế, nhằm tạo cho Tiên Yên một giá trị riêng biệt.
Nguyên tắc này giúp tránh xu hướng các địa điểm ngày càng giống nhau và không có những đặc trưng riêng biệt. Bảo vệ các giá trị đặc trưng, phát triển nâng cao các giá trị này và khiến nó trở nên độc đáo và dễ nhận biết là điều vô cùng cần thiết.
Nhận diện hệ thống các giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng của Tiên Yên, bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc truyền thống chính là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển, xây dựng và tạo nên thương hiệu cho khu vực. Từ đó, góp phần thu hút các nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.
· Tăng tính gắn kết nơi chốn thông qua sự tham gia của cộng đồng trong các giai đoạn của dự án, từ đó phát huy tiềm năng, sức mạnh cộng đồng.
Sự cảm nhận về không gian đô thị luôn có hai mặt: xã hội học và tâm lý học. Con người chỉ nhận diện rõ được giá trị nơi chốn khi họ cảm thấy thực sự hòa đồng với nơi mình sống thông qua việc họ hiểu và góp phần xây dựng. Nhận diện được tinh thần nơi chốn hay bản sắc riêng là cơ sở cho việc duy trì sự liên tục của tiến trình phát triển. Cũng như việc tăng tính gắn kết, tăng mức độ cảm xúc nơi chốn sẽ góp phần nâng cao các giá trị bản sắc không gian.
Để có thể tăng tính kết nối nơi chốn, trước hết Tiên Yên cần có các chiến lược cụ thể để người dân nhiểu được tầm quan trọng cũng như những giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng, các di sản cần được bản tồn, phát huy. Trong quá trình thực hiện các dự án, bên cạnh việc nghiên cứu văn hóa, khai thác đặc trưng, cần phải nghiên cứu lối sống, nhu cầu nguyện vọng thông qua việc phỏng vấn, điều tra, khảo sát. Bởi một không gian được thiết kế tạo cảm giác gần gũi gắn bó sẽ thu hút được sự tham gia của cộng động, bản thân cộng đồng sẽ chính là nhân tố quảng bá cho không gian, từ đó tạo nên thương hiệu cho nơi chốn, không gian. Khi đó sẽ khiến người dân tự nguyện có trách nhiệm với không gian, đây chính là mối quan hệ tương hỗ giữa con người và nơi chốn.
· Sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, cùng chính sách chiến lược tài chính phù hợp
Trong quá trình phát triển, mục tiêu của chính quyền địa phương là phải tạo ra các khu vực thân thiện với mọi người, cũng như bền vững về mặt kinh tế. Đó không chỉ là vấn đề tuân thủ các quy tắc tổ chức không gian, phát huy các giá trị đặc trưng của Tiên Yên để duy trì và tạo ra một không gian hấp dẫn, thu hút phục vụ nhu cầu cộng động đồng, mà đó còn phải là một cách tiếp cận tạo ra quyền sở hữu cộng đồng, từ quy hoạch không gian đến quản lý và vận hành không gian. Cách tiếp cận được áp dụng sẽ tạo ra một không gian mà cả cộng đồng và du khách đều mong muốn được hoạt động. Hay rõ hơn, phải đảm bảo rằng mỗi phát triển hoặc can thiệp mới đều đóng góp tích cực vào việc tạo ra hoặc nâng cao môi trường mà mọi người, cộng đồng, doanh nghiệp và thiên nhiên có thể phát triển mạnh mẽ.
Vì vậy, xây dựng một chiến lược tài chính rõ ràng và đầy đủ là một phần quan trọng nằm trong quá trình kến tạo nơi chốn, cũng như phát huy các giá trị bản sắc nơi chốn. Xây dựng các chính sách phù hợp nhằm huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau: nguồn kinh phí từ ngân sách, kinh phí từ các thỏa thuận quy hoạch và phát triển, kinh phí từ các nguồn lực xã hội khác. Các tổ chức, doanh nghiệp tham giá đầu tư, xây dựng phát triển sẽ có những cơ chế hỗ trợ như: nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ đầu tư phát triển, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp…
· Đảm bảo cân bằng giữa phát triển và giữ gìn bản sắc trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập
Việc tạo ra cá tính bản sắc riêng trong tổng thể chung luôn là một bài toán khó đối với công tác quy hoạch và thiết kế đô thị nhất là trong quá trình vận động và phát triển không ngừng của đô thị.
Bởi sự giao lưu, kết nối là quy luật hết sức tự nhiên, nhưng vấn đề đặt ra: Như thế nào là vừa đủ? Làm thể nào để “hòa nhập” chứ không “hòa tan”? Làm thế nào để hội nhập văn hóa, tạo những không gian có tính thời đại, nhưng vẫn mang đậm hồn “nơi chốn” những nét đặc trưng không trộn lẫn?
Do đó, trong quá trình quy hoạch, thiết kế đô thị, nên tránh máy móc tạo ra các công trình đồng nhất về kiến trúc, tránh sự đơn điệu và lặp lại, kiểu “copy- paste” mặc dù ở một góc độ nào đó, nó lại được nhìn nhận ở sự “ngăn nắp” trong tổng thể không gian. Sự “ngăn nắp” này vô hình chung đang làm mất đi các đặc trưng, bản sắc vốn có để thay vào đó là “tính đồng phục” trong các thiết kế từ công trình làm việc của các cơ quan công quyền cho đến các thiết chế văn hoá, vui chơi, giải trí. Các công trình giống nhau trong các dự án phổ biến, sẽ tạo ra các khu đô thị “Phi nơi chốn - Placelessness”- không có sự khác biệt, thiếu đặc trưng và tiện nghi tương xứng. Vì vậy, bản sắc - những yếu tố tạo nên “sự khác biệt” giữa đô thị này với đô thị khác; khu vực này với khu vực khác; không gian này với không gian khác, về mặt lý thuyết và thực tiễn, có thể được truyền tải, nhìn nhận bằng nhiều cách thông qua công tác quy hoạch và thiết kế đô thị. Đó là:
- Phát triển nhưng cần tôn trọng và quan tâm cả những điểm hạn chế của khu vực; đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương, tránh tình trạng “thiếu sự nhận diện” khi tiêu chuẩn hóa các giải pháp thiết kế.
- Chú ý tới các chi tiết trong thiết kế để thúc đẩy sự phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư và cộng đồng.
- Cơ sở hạ tầng đô thị: cần được nâng cấp và hiện đại hóa, giao thông an toàn, không gian mở tiện nghi, nâng cao tiện ích cộng đồng
- Chú ý kiến tạo không gian khuyến khích, kích thích các hoạt động cộng đồng. Bời những sự kiện này phản ánh sự đa dạng của nhu cầu kinh tế xã hội tạo ra một sức sống mãnh liệt cho môi trường đô thị, cân bằng với định hướng phát triển chung của thành phố.
4. Kết luận
Tóm lại, đảm bảo cân bằng giữa phát triển và giữ gìn bản sắc trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc kiến tạo nơi chốn có bản sắc. Có nghĩa các giá trị đặc trưng phải có khả năng thích ứng và được thừa nhận trong hệ thống giá trị chung để có thể làm điểm tựa, là cơ sở vững chắc để theo kịp sự vận động và phát triển của toàn thế giới.
Luận bàn khái niệm “bản sắc nơi chốn”, nhận diện các giá trị đặc trưng, cụ thể hóa các giá trị này và đề xuất một số nguyên tắc chung trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững thị trấn Tiên Yên với hy vọng đóng góp một số gợi ý giúp Tiên Yên sẽ trở thành nơi kết nối, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời tạo được sự gắn bó cộng đồng cũng như tạo nên sức hấp dẫn, sức hút mạnh mẽ đối với bên ngoài, đặc biệt trong quá trình phát triển bền vững.
TS.KTS NGUYỄN THỊ DIỆU HƯƠNG
GV Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Email: ktsndhuong@gmail.com
Tài liệu tham khảo
1. Placemaking toolkit: Designing people places- A toolkit for communities and designers to design and implement public spaces and bulding in Palestine. Habitat, Un. 2020, p. 6.
2. Principles for place identity enhancement a sustainable challenge for changes to the contemporary city. Sepe, M. s.l. : The sustainable City VII, Vol. Vol.2 . 993.
3. Goverment, Design Commission for Wales for the Welsh. Placemaking Guide. 2020.
4. QAZIMI, Shukran. Senses of place and place identity. s.l. : European Journal of Social Sciences Eduacation and Research, 2014. Volume 1, Issue 1.
5. ThS.KTS Lê Anh Đức. Đặc trưng nơi chốn và tạo lập bản sắc đô thị. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam . 2007, Vol. 5.
6. Vũ Miền, Tiên Yên - Nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc
(https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/tien-yen-noi-ket-noi-sac-maucac-dan-toc-vung-dong-bac-922408.vov)
7. https://www.quangninh.gov.vn/pinchitiet.aspx?nid=79952 (Tiên Yên với nhiều tiềm năng phát triển du lịch)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.