Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội gắn kết giữa đào tạo đại học và thực hiện

​MTXD - Bảo tồn khu phố cổ trong giai đoạn mới đối diện với nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều bên liên quan đồng thời cần có sự kết nối và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua các hình thức đào tạo, vận động, tuyên truyền; trong đó, việc đào tạo bậc đại học các chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch giữ vai trò chủ chốt.

MTXD - Bảo tồn khu phố cổ trong giai đoạn mới đối diện với nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều bên liên quan đồng thời cần có sự kết nối và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua các hình thức đào tạo, vận động, tuyên truyền; trong đó, việc đào tạo bậc đại học các chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch giữ vai trò chủ chốt. Bài viết giới thiệu công tác đào tạo kiến trúc sư với bảo tồn di sản đô thị, gắn kết giữa chính quyền đô thị với trường đại học có đào tạo chuyên ngành kiến trúc để hợp tác, giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức cho thế hệ mai sau.

Phố cổ Hà Nội- Ảnh Internet

Giới thiệu

Với tính chất đa dạng, phong phú, Khu phố cổ Hà Nội là mảng đề tài nghiên cứu vô tận cho các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc - nơi cung cấp nguồn nhân lực để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ. Khu phố cổ Hà Nội (khu 36 phố phường) với bề dày lịch sử hơn 1000 năm tuổi, là quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng và sinh động. Đây là khu vực quan trọng bậc nhất góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho thủ đô, cũng là nơi lưu giữ kho tàng các di sản quý báu của Thăng Long - Hà Nội cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, Khu phố cổ Hà Nội và những người dân nơi đây cũng chuyển biến thích ứng theo, tuy nhiên những dấu tích truyền thống, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, lễ hội, ẩm thực và nếp sống thanh lịch - hiện đại… vẫn được duy trì, bảo tồn, là địa điểm hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Từ năm 1985 khi “Khu 36 phố phường” Hà Nội được gọi là “Khu phố cổ” đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu và thí điểm thực hiện một số nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát triển khu phố này. Khu phố cổ đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình khoa học, đề tài luận văn, luận án và dự án hợp tác quốc tế.

1. Những thách thức của bảo tồn khu phố cổ Hà Nội trong giai đoạn mới
Một trong những khó khăn thách thức lớn nhất của bảo tồn Khu phố cổ Hà Nội hiện nay là việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với lợi nhuận kinh tế, yêu cầu tiện nghi của cuộc sống hiện đại là những mâu thuẫn khó có thể dung hòa qua các thời kỳ.

Nằm ở vị trí “đất vàng” tại khu vực trung tâm thành phố nên sức ép, sự quá tải về hạ tầng của quá trình đô thị hóa lên Khu phố cổ cao hơn bất cứ nơi nào. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một là những thách thức lớn đối với của Khu phố cổ. Bên cạnh đó không ít công trình bị rơi vào quên lãng, không được để ý, chăm sóc suốt vài thập niên qua.

Song song với sự biến đổi của không gian vật chất, các giá trị phi vật thể của khu phố cổ cũng có nguy cơ bị đe dọa. Các lễ hội, tinh hoa ẩm thực, nghề thủ công, nề nếp sinh hoạt truyền thống… hoặc đang dần mai một hoặc bị hiểu sai lệch, bị biến tướng, thương mại hóa, phô diễn quá mức và lai tạp. Ngoài ra, Khu phố cổ Hà Nội cũng phải đối diện với các vấn đề khác của một đô thị lớn trong thời đại hiện nay: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự quá tải, xuống cấp của hạ tầng đô thị.

Hình 1. Ranh giới khu Phố cổ Hà Nội

Quan điểm và cách tiếp cận của khoa học nghiên cứu về di sản đô thị ở Việt Nam đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cách tiếp cận đa chiều, liên ngành là xu hướng tất yếu của các nghiên cứu, Chính phủ điện tử, quản trị thông minh, minh bạch và có sự tham gia đông đảo của cộng đồng là xu hướng của quản lý khai thác vận hành đô thị cũng đòi hỏi Ban quản lý Khu phố cổ Hà Nội phải chuyển đổi phương thức làm việc, có các cơ chế phối hợp hành động hiệu quả.

2. Xu hướng bảo tồn di sản đô thị trên thế giới

Băt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 17 đến nay bảo tồn di sản kiến trúc trên thế giới đã có những biến đổi rất rõ nét. Ban đầu chỉ là những hoạt động bảo tồn, trùng tu các công trình đơn lẻ phục vụ một nhóm người thuộc giai cấp thống trị chuyển dần sang bảo tồn các khu vực di sản rộng lớn hơn, phục vụ đông đảo quần chúng hơn. Đặc biệt ngày nay các quốc gia trên thế giới chú trọng tạo ra các cơ chế để huy động người dân cùng tham gia trong hoạt động bảo tồn, được thụ hưởng thành quả của bảo tồn. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị không chỉ quan tâm đến một công trình kiến trúc mà bao gồm cả những yếu tố gắn kết như khung cảnh thiên nhiên, môi trường đô thị, các đặc trưng văn hóa- xã hội của cộng đồng dân cư, bảo tồn và tôn vinh giá trị cả vật thể và phi vật thể của di sản. Từ đó, di sản không chỉ tồn tại mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng các đô thị có bản sắc và giàu văn hóa.

Các tiếp cận của bảo tồn di sản kiến trúc từ chỗ phục hồi, tu bổ nguyên vẹn trạng thái ban đầu của di tích chuyển sang công nhận sự biến đổi của di tích qua các thời kỳ lịch sử. Công nhận dấu ấn của thời đại lên di tích qua các giai đoạn là bình đẳng, như nhau. Các giá trị của di tích cũng được nâng lên, mở rộng hơn, từ giá trị thẩm mỹ sang các giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị kỹ thuật … Các di sản không chỉ được quan tâm
ở mỗi nước mà còn có thể được công nhận là của cả của Nhân loại.

Kiến thức bảo tồn di sản kiến trúc vì vậy cũng được chú trọng giảng dạy
trong các trường đại học trên thế giới. Các quốc gia cùng hợp tác, chia sẻ bài học, kinh nghiệm về bảo tồn di sản và cùng nhau thực hiện các dự án trùng tu nhiều di sản nổi tiếng. Liên kết giữa các quốc gia trong bảo tồn và phát triển các di sản của nhân loại ngày càng chặt chẽ, phong phú và đa dạng hơn. Các tổ chức quốc tế được thành lập để bảo vệ và phát triển di sản kiến trúc đã hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều sự quan tâm và đóng góp, tài trợ của thế giới.

Hình 2: Hình ảnh khu phố cổ Hà Nội (Nguồn: https://hanoitop10.com/anh-pho-co-ha-noi/)

3. Lồng ghép các nội dung bảo tồn di sản đô thị trong giảng dạy đại học
Cho đến nay kiến thức và bài học kinh nghiệm về bảo tồn di sản đô thị được đúc rút tương đối nhiều, bao gồm cả những thành công và thất bại; được bồi đắp, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, không ngừng hoàn thiện để chuyển giao và tiếp nối. Giáo dục, đào tạo là công cụ hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ chuyển giao này bởi đó là gạch nối tri thức giữa các thế hệ.

Các nội dung bảo tồn di sản đô thị luôn được chú trọng trong các trường đào tạo chuyên ngành Kiển trúc ở Hà Nội (Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội). Một phần bởi các trường tọa lạc ngay chính tại nơi có một quỹ di sản đô thị đồ sộ, dễ bị tổn thương, phần khác là bởi những kỳ vọng và nhu cầu ngày càng cao của con người. Các trường đại học luôn xác định nhiệm vụ duy trì mạch kiến thức bảo tồn và phát huy di sản trong cuộc sống đương đại. Đào tạo bảo tồn di sản đô thị dưới nhiều hình thức: chuyên nghiệp và không chuyên nghiêp, ngắn hạn hoặc dài hạn, chính quy hoặc không chính quy.

Đào tạo chính quy: Tùy theo quy mô đào tạo mà các trường có thể thành lập Bộ môn thậm chí có thể thành lập mã ngành đào tạo về bảo tồn, trùng tu di tích, di sản kiến trúc/ đô thị. Đào tạo bảo tồn di sản cả bậc đại học và sau đại học. Đối tượng là các Kiến trúc sư, học viên cao học và NCS. Bộ môn phụ trách các nội dung chính, truyền dạy từ cơ bản đến nâng cao các Bảo tồn di sản kiến trúc. Trang bị cho người học hệ thống kiến thức về di sản kiến trúc/đô thị, khái niệm, nhận diện và phân loại các giá trị di sản đô thị; Chú trọng các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc thiết kế kiến trúc, qui hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị, nông thôn. Nắm vững lý luận bản tồn, có khả năng nghiên cứu lập dự án quy hoạch bảo tồn các khu di sản văn hoá- lịch sử, lập dự án bảo tồn, thi công trùng tu các công trình di tích kiến trúc và tôn tạo cảnh quan di sản.

Ngoài ra còn trang bị những kiến thức nền tảng về di sản kiến trúc Việt Nam, hiểu và áp dụng được phương pháp luận nghiên cứu bảo tồn di sản kiến trúc, tổ chức và thực hiện các dự án nghiên cứu bảo tồn di sản, phát triển học thuật để trở thành những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc, hoặc những nhà quản lý di sản, khai thác và phát huy giá trị di sản trong điều kiện Việt Nam.

Ngoài hình thức đào tạo chính quy còn có các khóa đào tạo ngắn hạn, nâng cao hoặc bổ sung kiến thức, cấp chứng chỉ. Các khóa học này phổ biến các kiến thức, kỹ năng theo những chuyên đề, chủ đề khác nhau, giúp người học cập nhật những xu hướng, thông tin, kiến thức mới nhất về bảo tồn di sản. Đối tượng của các khóa đào tạo cũng đa dạng là các chuyên gia tư vấn, các nhà quản lý, những người quan tâm…

Hình 3: Sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội điều tra, khảo sát hiện trạng khu Phố cổ Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Thị Diệu Hương)

Bên cạnh đào tạo và giáo dục chính quy cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, quảng bá cho đông đảo quần chúng thông qua các kênh thông tin khác nhau. Đối với khu phố cổ Hà Nội, huy động được sự tham gia của người dân là điều kiện mang tính quyết định để bảo tồn và phát huy giá trị của nó – vì người dân là một thành phần quan trọng đồng thời là chủ thể, là đối tượng thụ hưởng giá trị của khu phố cổ.


Gắn kết giữa chính quyền đô thị với trường đại học có đào tạo chuyên ngành kiến trúc để hợp tác, nghiên cứu trong đào tạo, chuyển giao kiến thức cho thế hệ mai sau. Khu phố cổ Hà Nội với tính chất đa dạng, phong phú là mảng đề tài nghiên cứu vô tận cho các trường đào tạo, đồng thời các trường đào tạo là cái nôi để phổ biến, trao đổi kiến thức giữa các chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau: thực hành và lý thuyết, tư vấn và thiết kế để cùng hoàn thiện kiến thức mang ra áp dụng cho Khu phố cổ.

Hình 4. Lũy hoa là tựa đề của bài dự thi của nhóm sinh viên Nguyễn Anh Vũ (ĐH Kiến trúc HN), Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Văn Linh (ĐH Phương Đông), KTS Nguyễn Văn Hạnh (ĐHXD). Workshop "Tái thiết những không gian chuyển đổi trong đô thị"-HAU 2017. (Trần Huy Ánh-2017)

4. Kết luận:

Khu phố cổ là tài sản chung vô cùng quý báu để chia sẻ và là chứng nhân lịch sử của thành phố Hà Nội. Trải qua hơn 1010 năm lịch sử, Khu phố cổ Hà Nội đã tích tụ, khẳng định giá trị của mình bao gồm cả giá trị vật thể cũng như phi vật thể.

Bảo tồn khu phố cổ trong giai đoạn mới đối diện với nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều bên liên quan thông quan các hình thức liên kết, đào tạo, vận động, tuyên truyền; trong đó đào tạo bậc đại học chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch giữ vai trò chủ chốt.

Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội phải đảm bảo sự
hài hoà giữa các mặt, giữa bảo tồn và phát triển, giữa giá trị hữu hình với vô hình, giữa cộng đồng dân cư và các nhà lãnh đạo, quản lý. Song song với hoạt động xây dựng các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện bảo tồn di sản đô thị, phát triển kinh tế du lịch… cần coi trọng công tác giáo dục, đào tạo và tuyên truyền, gắn kết hợp tác trong và ngoài nước để tìm ra hướng đi đúng đắn nhất cho Khu phố cổ Hà Nội.

Từ khóa: Đào tạo, Khu phố cổ Hà Nội, bảo tồn di sản đô thị

PGS.TS. LƯƠNG TÚ QUYÊN*

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hòa An, 2016: Bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Thủ đô Hà Nội
2. Trần Huy Ánh: 24 đề xuất “Tái thiết không gian bị chuyển đổi trong Đô thị “cho phố Phùng Hưng. Tạp chí Kiến trúc Việt nam. 2017.
3. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, 2019: Chương trình đào tạo chuyên ngành Kiến trúc và Quy hoạch vùng, đô thị
4. UBND Thành phố Hà Nội, 2013: Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội.
5. Phạm Đình Việt, 2019: Bảo tồn di sản đô thị một đối trọng trong sự phát triển bền vững. Tạp chí Kiến trúc số 06-2019

 

* Khoa Quy hoạch đô thị- Nông thôn. Đại học Kiến trúc Hà Nội

 

 

Các tin khác

Đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện
Đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện

MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố Nam Định dự kiến mở rộng địa giới hành chính có 36 đơn vị hành chính cấp xã
Thành phố Nam Định dự kiến mở rộng địa giới hành chính có 36 đơn vị hành chính cấp xã

MTXD - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 379/QĐ-TTg công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II.

Đà Nẵng: Nỗ lực xây dựng môi trường lao động an toàn.
Đà Nẵng: Nỗ lực xây dựng môi trường lao động an toàn.

UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024. Tham gia lễ phát động có gần 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn và người dân…

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 6-5-1954, tiếng chuông báo hiệu giờ tàn cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 6-5-1954, tiếng chuông báo hiệu giờ tàn cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

​MTXD - Sáng ngày 6-5-1954, Tiểu đoàn 255 thuộc Trung đoàn 174 phòng ngự suốt 34 ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút qua Đồi Cháy làm lực lượng dự bị. Tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg thuốc nổ trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công tối nay.

Đà Nẵng phấn đấu 90% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả tại địa bàn khu dân cư
Đà Nẵng phấn đấu 90% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả tại địa bàn khu dân cư

MTXD - Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một tăng dẫn đến lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của thành phố tăng nhanh qua từng năm. Việc tổ chức thực hiện phân loại tại nguồn sẽ tăng cường công tác quản lý chất thải rắn của thành phố, phù hợp với chiến lược quốc