Bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống theo Luật Kiến trúc
MTXD - Một chiến lược quy mô trong bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống là điều cần sớm được triển khai và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Không gian bản Mường truyền thống là nơi lữu giữ rất nhiều các giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan với nhiều yếu tố đặc trưng. Trong giai đoạn vừa qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, khai thác quá mức tài nguyên, đặc biệt là đô thị hóa nóng, đã làm biến đổi và suy giảm nghiêm trọng các giá trị bản sắc kiến trúc của bản Mường truyền thống, dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực không chỉ về góc độ kiến trúc cảnh quan, mà còn là sự suy giảm trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một chiến lược quy mô trong bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống là điều cần sớm được triển khai và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Từ khóa: bảo tồn di sản, bản sắc kiến trúc, bản Mường truyền thống, xây dựng nông thôn mới.
Bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống đặc trưng dưới tác động ảnh hưởng của đô thị hóa "nóng"
Dân tộc Mường là nhóm dân tộc thiểu số quan trọng trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Về phân bố, người Mường sinh sống chủ yếu tại vùng núi và trung du phía Bắc, trong đó tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình
Về văn hóa, theo một số nghiên cứu khoa học trong lịch sử, người Mường cổ có chung nguồn gốc với cư dân Việt cổ nên được giới khoa học xếp trong nhóm cư dân Việt - Mường. Quá trình chia tách Mường - Kinh, xác định theo ngôn ngữ học thì diễn ra bắt đầu từ thế kỷ 7 - 8 và kết thúc vào thế kỷ 12, thời nhà Lý. Trong lịch sử người Mường, không gian cư trú truyền thống được phân chia thành các Mường với quy mô lớn nhỏ tương đương với các khu vực làng - làng truyền thống người Việt cổ. Cùng với các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống cũng có sự truyền tục và kế thừa qua các thế hệ vô cùng đặc sắc, thể hiện rõ đồng thời các yếu tố:
(1) Kiến trúc truyền thống người Mường phù hợp với điều kiện địa hình khí hậu phức tạp (núi cao, trung du bán sơn địa,) của từng khu vực cư trú, nhưng tôn trọng tự nhiên, nương tựa và gắn với tự nhiên. Bản Mường có quy hoạch bố trí quy hoạch mở, phù hợp theo địa hình yếu ở những dải đồng bằng thung lũng hẹp, doi đất ven sông ngòi, dưới chân các dãy núi hay trên các đồi gò thấp, đặc biệt là các vị trí có nguồn nước và diện tích đất thuận tiện canh tác nông nghiệp dồi dào.
Xung quanh bản luôn được bao bọc bởi các không gian thiên nhiên đặc trưng như núi rừng đại ngàn, đồng ruộng, nương rẫy… Mỗi bản có từ 20 - 30 nóc nhà được xây dựng hòa mình với cảnh quan thiên nhiên. Ngoài cách tổ chức các ngôi nhà sàn chính tôn trọng hướng dựa lưng vào núi, các không gian chức năng của bản làng (đường giao thông nội bộ, kênh mương…) đều bố trí nương theo địa hình tự nhiên, hạn chế các tác động như san lấp.
(2) Kiến trúc truyền thống người Mường phù hợp với tập quán sống phân tán, cũng như văn hóa truyền thống gắn với các tập tục, các sử thi của cộng đồng (tiêu biểu như bộ sử thi nổi tiếng Mo đẻ đất đẻ nước) được truyền lại từ bao đời. Đồng thời, kiến trúc truyền thống người Mường thể hiện rõ nét tập quán riêng, vẻ đẹp nghệ thuật vừa tự nhiên khoáng đạt, giản dị, dân dã, vừa khoa học trên cơ sở kinh nghiệm được đúc rút kế thừa và phát huy qua nhiều thế hệ.
Tiêu biểu nhất trong việc quy hoạch bản làng phải tôn trọng tự nhiên, bố trí nhà sàn quy mô lớn - nhỏ theo thứ bậc. Việc xây dựng nhà sàn cũng tuân theo bộ sử thi nổi tiếng Mo đẻ đất đẻ nước trong đó quy định kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống được mô phỏng theo hình tượng Rùa Thần. Hệ khung cột kết cấu chính và sử dụng vật liệu cũng là các vật liệu tự nhiên (gỗ, tre, nứa, mây, cỏ tranh…), được xử lý,chế tạo và thi công lắp dựng theo các phương thức mô đun lắp dựng rất riêng (mộng gác, mộng luồn, chốt tre, dây buộc.
(3) Kiến trúc truyền thống người Mường thể hiện rõ phương thức tự cung tự cấp, sản xuất đa dạng (săn bắt, hái lượm, chăn nuôi, làm nương vùng núi cao, canh tác lúa nước, chăn nuôi vườn rừng, vườn đồi vùng trung du bán sơn địa; canh tác lúa nước) và sản xuất nghề thủ công quy mô nhỏ. Bản Mường truyền thống luôn nằm gần kề với núi rừng hùng vĩ để tiện khai thác các sản vật lâm sản. Các không gian canh tác sản xuất như ruộng, nương… cũng bố trí gần các bản Mường truyền thống.
Trong khuôn viên mỗi ngôi nhà luôn có khu vực chăn nuôi dưới gầm hoặc bên ngoài nhà sàn, ao thả cá, vườn cây ăn trái và rau màu. Một số gia đình trong ngôi nhà sàn còn bố trí không gian sản xuất nghề phụ như dệt thổ cẩm, chế tác đồ gỗ, rèn công cụ lao động.
(4) Kiến trúc truyền thống người Mường có tính thẩm mỹ đặc trưng bởi sự giản dị nhưng gần gũi và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên núi rừng đại ngàn hùng vĩ xung quanh. Kiến trúc bản Mường có nét nhận diện rất riêng, đặc trưng bởi sự đa dạng các không gian xanh tự nhiên hiện diện cả bên ngoài như phông nền tiền cảnh. Không gian trong làng cũng tràn ngập mầu xanh.
Nhà sàn với cấu trúc 2 mái hoặc 4 mái, có tỷ lệ thấp bè, phần diềm mái có khẩu độ nhô lớn ẩn hiện trong khuôn viên cây xanh có sự dân dã cuốn hút rất lớn. Trên mặt sàn nhà chính, phân chia khu vực sinh hoạt khép kín với số gian lẻ và tổ chức các không gian chính phụ từ đầu hồi bên trái vào trong, trong đó gian đầu hồi đặt bếp lửa chính, ban thờ là không gian trang trọng nhất của ngôi nhà.
Gian này cũng được trang trí bằng nhiều dụng cụ lao động (rìu, nỏ…), đồ tạo tác (gùi, rổ…) có tính thẩm mỹ rất lớn. Đặc biệt là các cấu kiện vách, cửa sổ, cửa đi, sàn nhà… được chế tác tinh xảo dưới bàn tay tài hoa của người thợ, đã tạo nên chất cảm đặc trưng cũng như đường nét trang trí độc đáo.
(5) Kiến trúc truyền thống người Mường có tính sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với thiên tai và bất lợi của tự nhiên (gió bão, sạt lở đất, lũ quét) của các khu vực địa hình, khí hậu khác nhau (đặc trưng nhất bởi kiểu kiến trúc nhà sàn, nhà trệt và một số các công trình công cộng có giá trị thích ứng rất cao với khí hậu khắc nghiệt, chống chịu được thiên tai). Không gian bản làng và khuôn viên ngôi nhà luôn là một hệ sinh thái cân bằng hoàn chỉnh, phù hợp với các điều kiện tự nhiên.
Với mật độ cây xanh và mặt nước, không gian đệm lớn, mật độ xây dựng thấp trong ở quy mô bản làng và khuôn viên từng ngôi nhà, môi trường tổ chức vi khí hậu luôn đạt được tính sinh thái tối ưu, điều hòa sự khắc nghiệt khí hậu tự nhiên. Nhà sàn truyền thống với mặt sàn cao từ 1,8 - 2,4 m rất thích hợp với điều kiện giông bão, lũ quét vùng núi và trung du Bắc bộ.
Hệ kết cấu chính ngăn chia theo không gian nhà chiều đứng thành không gian dưới gầm sàn, không gian sinh hoạt trên sàn, không gian mái, luôn tạo dòng khí đối lưu thoáng mát, sinh thái và tiết kiệm năng lượng cho công trình. Diện tích mái lớn, với khẩu độ mái chìa rộng che chắn tối ưu trong điều kiện nắng nóng và mưa nhiều.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và đặc biệt là đô thị hóa nóng trong thời gian vừa qua đã thay đổi hình thái, cấu trúc các khu vực nông thôn truyền thống nói chung và bản Mường cũng không là ngoại lệ. Một số các đóng góp tích cực bao gồm: mở rộng thêm các khu giãn dân, sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ; hệ thống hạ tầng mới phục vụ sinh hoạt và sản xuất như đường giao thông đối ngoại và nội bộ được bê tông hóa; hệ thống công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, chợ…; hệ thống kỹ thuật cấp điện, cấp nước sạch, xử lý nước thải.
Các không gian cộng đồng như không gian sân chơi, họp chợ truyền thống, mặt nước ao hồ, cây xanh trong bản bước đầu được quy hoạch chỉnh trang đồng bộ với nhiều thiết bị chiếu sáng, trang trí, thể dục thể thao.
Hình 2: Tổ chức khuôn viên và không gian nội ngoại thất đặc trưng nhà sàn Mường truyền thống (nguồn ảnh: internet).
Bên cạnh đó, nhiều tác động tiêu cực cũng đã được nhận diện và chỉ rõ trong thời gian vừa qua bao gồm:
Việc thay đổi, biến động mạnh về cấu trúc, tổ chức không gian bản Mường truyền thống do sự mất kiểm soát mở rộng các khu ở và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các không gian công cộng, điểm nhấn truyền thống đặc trưng trong bản Mường truyền thống như không gian cây xanh, không gian mặt nước, không gian sân chơi… bị lấn chiếm thu hẹp, thậm chí biến mất.
Nhiều công trình hạ tầng nông thôn mới được xây dựng bổ sung, nhưng kiến trúc chủ yếu theo mô típ hàng loạt, thiếu tính nghiên cứu về tính đặc trưng - bản sắc kiến trúc vùng miền, thiếu sự tương đồng với bản sắc văn hóa Mường, làm ảnh hưởng đến tổng thể giá trị kiến trúc cảnh quan truyền thống đặc sắc vốn có của bản Mường.
Các khuôn viên nhà ở các hộ gia đình được chia nhỏ thành các nhà chia lô bám ngõ, bám đường với đủ các kiểu hình thức khác nhau, làm biến đổi không gian nhà ở hộ gia đình truyền thống cũng như thay đổi sự cân bằng về sinh thái tự thân vốn có.
Các ngôi nhà sàn truyền thống, với đầy đủ các giá trị lớn về sinh thái, tổ chức vi khí hậu, sử dụng các vật liệu tự nhiên để thân thiện với môi trường bị phá bỏ thay thế bằng các công trình nhà ở với cấu trúc bê tông cốt thép hoặc gạch xây mới, trong đó đa phần là kiểu nhà vùng lô và nhà biệt thự đô thị ở vùng đồng bằng. Thậm chí, nhiều công trình nhà ở xây mới theo kiến trúc đô thị rườm rà rất xa lạ với không gian cảnh quan truyền thống, gây tốn kém và lãng phí nguồn lực đầu tư xây dựng và sử dụng.
Một số các công trình nhà sàn, công trình công cộng xây mới theo kiểu cóp nhặt, nhái theo kiến trúc đô thị vùng đồng bằng, có vị trí xây dựng và kiến trúc không gian tùy tiện, sử dụng hệ kết cấu khung bê tông cốt thép/ gạch xây giả cổ, cùng các vật liệu hiện đại quá khác biệt (vách/ cửa sổ kính bao che, mái tôn/ ngói gạch nung…) càng góp phần tiêu cực làm biến dạng kiến trúc cảnh quan, mai một các giá trị bản sắc bản Mường truyền thống.
Tình trạng gia tăng dân số nhanh, trong bối cảnh hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến có một số lượng đáng kể bản Mường bị quá tải về hạ tầng, thiếu điện, nước sạch, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo dẫn đến tình trạng chất lượng các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, trạm y tế không đảm bảo, kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các bản có nghề tiểu thủ công nghiệp dẫn đến những hậu quả khôn lường về sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân.
Định hướng bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống trong xây dựng nông thôn mới
Luật Kiến trúc 2019 và Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được ban hành có thể xem là cơ hội rất tốt thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc kiến trúc bản Mường trong thời gian tới.
Về mục tiêu chung, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc nông thôn truyền thống nói chung và bản Mường truyền thống nói riêng sẽ không chỉ góp phần xây dựng yếu tố nhận diện về kiến trúc cảnh quan mà còn là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm an sinh - nâng cao chất lượng đời sống người dân đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số - vùng sâu vùng xa.
Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống chính là bảo vệ được các giá trị vật chất lẫn tinh thần vốn có, từ đó là cơ sở để kế thừa và phát huy được trong bối cảnh hiện nay.
Việc bảo vệ kiến trúc bản Mường truyền thống về bản chất là sự kiểm soát được quá trình đô thị hóa, phát triển kiến trúc có bản sắc đồng thời bảo đảm và nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Sự kết hợp giữa các nhân tố của cuộc sống mới và các đặc trưng kiến trúc - cảnh quan vốn có của bản Mường truyền thống mà giá trị đặc trưng là giá trị có tính hữu cơ trong mối quan hệ giữa con người và môi trường sống tự nhiên xung quanh.
Một số giải pháp cụ thể trong bảo tồn và phá huy bản sắc kiến trúc truyền thống người Mường có thể được chỉ ra bao gồm:
(1) Trên cơ sở Luật Kiến trúc và các văn bản pháp hiện hành, đẩy mạnh quá trình nhận diện đầy đủ các hệ thống giá trị về bản sắc kiến trúc truyền thống người Mường ở cả cấp độ không gian tổng thể từng bản Mường truyền thống và từng công trình, đặc biệt là các công trình nhà ở truyền thống còn được lưu giữ. Đẩy mạnh việc rà soát các công trình nhà sàn cũ, cổ trong bản Mường truyền thống, lập danh sách và hồ sơ khoa học cho các công trình kiến trúc có giá trị này theo tinh thần của Luật Kiến trúc với đầy đủ hệ thống đánh giá về các giá trị kiến trúc cảnh quan và văn hóa lịch sử.
(2) Xây dựng các chính sách về quy hoạch bảo tồn đối với các bản làng còn lưu giữ được nhiều giá trị về kiến trúc cảnh quan trên cơ sở bảo tồn tối đa các không gian truyền thống tiêu biểu bao gồm:
- Bảo tồn và phục dựng các không gian tự nhiên xung quanh (như núi, đồi, rừng cây, ruộng bậc thang, nương rẫy…) để bảo đảm môi sinh cũng như bảo tồn và phục dựng các giá trị cảnh quan nền cảnh vốn có của bản Mường truyền thống.
- Bảo tồn cấu trúc và tổ chức không gian của tự thân bản Mường truyền thống, bao gồm cấu trúc hệ thống đường giao thông nội bộ, các không gian công cộng - không gian xanh truyền thống, hệ thống nhà ở truyền thống. Hạn chế việc xâm lấn, biến đổi các không gian công cộng truyền thống vốn có.
- Quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại để góp phần đẩy mạnh giao thương, sản xuất, cũng như đời sống cho người dân. Quy hoạch tổ chức các vùng không gian mới của bản Mường để bố trí xây dựng các hạ tầng nông thôn mới phục vụ nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các công trình nông thôn thiết yếu đã được quy định trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới quốc gia là nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ, sân thể dục thể thao…
- Trong trường hợp cần thiết, công tác quy hoạch mở rộng và xây dựng các khu vực chức năng mới của bản Mường truyền thống cần hạn chế tình trạng san gạt thô bạo vào địa hình tự nhiên, gây nên biến đổi khung cảnh thiên nhiên cũng như tình hình địa chất thủy văn vốn có.
(3) Đối với các công trình nhà sàn truyền thống còn được lưu giữ được nhiều các giá trị đẩy mạnh việc bảo tồn và tôn tạo công trình trên cơ sở bảo tồn nguyên trạng tối đa các công trình kiến trúc có giá trị thuộc loại này. Từ đó làm cơ sở để tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về truyền thống văn hóa lịch sử cho học sinh và người dân, đồng thời từng bước khai thác trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch trải nghiệm tại địa phương - một loại hình kinh tế xanh được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển triển trong thời gian tới.
(4) Trong khuôn viên các hộ gia đình, nghiên cứu và công bố một số mẫu quy hoạch tổ chức khuôn viên theo nhiều quy mô diện tích và phương thức sản xuất/ kinh doanh của hộ gia đình như nhà ở đơn chức năng, thuần nông, sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, homestay…, kế thừa các giá trị bền vững, cân bừng với môi trường tự nhiên, ứng phó hiệu quả với thiên tai và tiết kiệm năng lượng.
(5) Nghiên cứu và công bố các mẫu thiết kế nhà sàn mới, có nhiều quy mô, chức năng sử dụng đa dạng theo định hướng chuyển dịch phương thức sản xuất mới như thuần nông, sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, homestay…, kế thừa các giá trị kiến trúc nhà sàn truyền thống người Mường (như phù hợp với truyền thống văn hóa tín ngưỡng người Mường, tối ưu về tổ chức vi khí hậu, bền vững thân thiện với môi trường, đảm bảo các yêu cầu về tiện nghi sinh hoạt chất lượng (chiếu sáng, thông gió, vệ sinh môi trường), ứng dụng các hệ khung kết cấu, vật liệu xây dựng, phương pháp thi công hiện đại.
(6) Đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy sự tham gia của người dân và cộng đồng tại địa phương. Một mặt, đẩy mạnh việc khai thác các nguồn lực xã hội hóa trong dân để bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống, một mặt đẩy mạnh sự minh bạch và hiệu quả trong công tác quy hoạch bảo tồn, cấp phép xây dựng, quản lý và tôn tạo, cũng như khai thác bền vững các giá trị bản sắc kiến trúc rất đặc trưng của bản Mường truyền thống.
Kết luận
Bên cạnh các bước triển khai đồng bộ về nhận diện hệ thống các giá trị bản sắc kiến trúc, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch, nghiên cứu các mẫu kiến trúc nhà sàn người Mường mới kế thừa các giá trị kiến trúc truyền thống… còn cần có nhiều chính sách đẩy mạnh sự vào cuộc tham gia của người dân và các cộng đồng tại địa phương. Đây chính là những định hướng hữu hiệu để bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc bản Mường truyền thống trong xây dựng nông thôn mới.
THS.KTS Phạm Hoàng Phương
Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng
( Nguồn: Tạp chí Xây Dựng)
Tài liệu tham khảo
[1]. Phạm Hoàng Phương; 2005; Kiến trúc bản làng truyền thống người Mường trong tiến trình phát triển, Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Toulouse (CH Pháp).
[2]. Nguyễn Khắc Tụng; 1994; “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam”; Viện Sử học Việt Nam.
[3]. Viện Kiến trúc Quốc gia, Chuyên đề 1.3, Đề tài NCKH trọng điểm Bộ Xây dựng: Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, 2021.
[4]. Trần Từ; 1996; “Người Mường ở Hoà Bình”; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
[5]. J.Cuisinier; 1948; “Les Muong - Geographie humaine et sociologie; Institue d’Ethnologie, Paris.
[6]. Piere Grossin; 1926;“La province Muong de Hoa Binh”; Revue Indochinoise.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.