Bảo tồn và phát huy các giá trị làng truyền thống gắn với du lịch bền vững trong bối cảnh đô thị hóa

MTXD - Huyện Đan Phượng ở ngoại thành Hà Nội có các làng truyền thống với nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Nơi đây có các lễ hội truyền thống, có di sản nghệ thuật biểu diễn, có đặc sản ẩm thực… đó đều là những giá trị đóng vai trò quan trọng trong văn hóa làng. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, làm thay đổi cảnh quan làng truyền thống và ảnh hưởng đến giá trị văn hóa cộng đồng. Điều này cũng ảnh hưởng đến cộng đồng và quan hệ xã hội. Công nghiệp hóa cũng làm thay đổi sản xuất truyền thống và giá trị văn hóa.

MTXD - Huyện Đan Phượng ở ngoại thành Hà Nội có các làng truyền thống với nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Nơi đây có các lễ hội truyền thống, có di sản nghệ thuật biểu diễn, có đặc sản ẩm thực… đó đều là những giá trị đóng vai trò quan trọng trong văn hóa làng. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, làm thay đổi cảnh quan làng truyền thống và ảnh hưởng đến giá trị văn hóa cộng đồng. Điều này cũng ảnh hưởng đến cộng đồng và quan hệ xã hội. Công nghiệp hóa cũng làm thay đổi sản xuất truyền thống và giá trị văn hóa.

Để bảo tồn truyền thống trong bối cảnh đô thị hóa, cần có các giải giá trị văn hóa pháp như phân vùng phát triển, đô thị du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển đô thị hóa kết hợp với bảo tồn, đô thị hoá tích hợp du lịch di sản, và quản lý chuyển di sản thành tài sản. Những biện pháp này giúp duy trì giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch bền vững, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương và phát triển kinh tế địa phương.

1-Làng truyền thống tại huyện Đan Phượng và các giá trị văn hóa.
Theo nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc: Làng vốn là một đơn vị tụ cư, đơn vị kinh tế, đơn vị tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt xuất hiện từ rất sớm. Sau một quá trình phát triển lâu dài, làng dần trở thành và là một đơn vị xã hội cơ bản của nông thôn Việt Nam cho đến ngày nay. Với lịch sử phát triển lâu đời, Đan Phượng hiện có 120 làng với quá trình hình thành và văn hóa tương đồng với các làng ở khu vực Hà Nội và Bắc Ninh. Nét truyền thống của các làng thuộc huyện Đan Phượng tạo nên một hệ giá trị đa dạng, tổng hòa, đã được tích tụ, lưu truyền trong suốt quá trình hình thành, tồn tại của nó.

Các giá trị của quá khứ tạo nên bản sắc, đặc trưng của mỗi ngôi làng, đó là hệ giá trị tổng hợp trong đó có cấu trúc không gian Làng xã truyền thống, những công trình kiến trúc và cảnh quan cùng toàn bộ cuộc sống cộng đồng dân cư với mối quan hệ sinh thái bền vững. Các công trình kiến trúc cổ truyền như đình, chùa, phủ, miếu, nhà cổ, điếm canh, cổng làng, cổng xóm, giếng, đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, ao hồ, địa hình cảnh quan sông, kênh mương, cây xanh, mặt nước tạo nên cảnh quan sinh thái hài hòa với thiên nhiên, đẹp và phong phú. Đặc biệt, Đình, Chùa, Nhà cổ là những công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống hàm chứa giá trị tiêu biểu về việc sử dụng các vật liệu truyền thống trong xây dựng.

Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn

Cổng làng hiện nay hoàn toàn không còn giá trị chức năng mà chỉ còn giá trị tinh thần. Đó là khẳng định ranh giới của làng, một phạm vi của một khu vực cư trú truyền thống, thể hiện cái tôi của làng, sự tự hào về nơi chốn của làng. Không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống chính là cơ sở để cho các giá trị văn hoá phi vật thể tồn tại. Các hoạt động văn hoá truyền thống tại sân Đình như lễ hội hàng năm, hoạt động nghệ thuật biểu diễn...các không gian cổng làng, đình chùa, quán trên đồng là những không gian giao tiếp làm tăng tính cộng đồng làng xã. Làng nào cũng có lễ hội, phần lễ là việc rước lễ vật, lễ nghi cầu mong cho mùa màng, sự may mắn thịnh vượng cho làng, phần hội là các hoạt động vui chơi như đấu vật, đánh đu, đấu cờ, chọi gà… Hội làng không chỉ có ý nghĩa liên kết cộng đồng dân cư trong làng mà còn có ý nghĩa trong cả vùng như lễ hội Chèo tàu ở Lăng Văn Sơn với sự tham gia của bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long thu hút cả các cộng đồng dân cư các làng khác tới tham dự lễ và hội. Lễ hội làng do người dân tự tổ chức nên nó mang ý nghĩa xã hội với cộng đồng rất lớn. Ngoài ra Đan Phượng còn các lễ hội khác như: lễ hội Đền Nhà Bà (xã Liên Hà) vào ngày 8/3 âm lịch, được ghi nhận là lễ hội lớn nhất của huyện Đan Phượng với hội đua thuyền rồng và đánh cờ người nổi tiếng; lễ hội đền Bồng Lai (xã Hồng Hà) nổi tiếng với tục rước nước và hội đua thuyền rồng tổ chức vào ngày 14/3 âm lịch, gắn với Thánh Mẫu Hạo Nương, phi tần của vua Lý Thánh Tông, thân mẫu thái tử Linh Lang; hội thả Diều Làng Bá Giang (xã Hồng Hà) được công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian, tổ chức vào ngày 15/3 âm lịch thu hút nhiều khách trong và ngoài nước tham gia. Văn hóa biểu diễn của huyện Đan Phượng có hai di sản nghệ thuật biểu diễn nổi bật là hát chèo tàu Tổng Gối (phủ Hoài Đức xưa) và ca trù Đầm

Giếng. Hát chèo tàu là loại hình múa hát cổ độc đáo chỉ có ở địa phương Tân Hội, được các ca nhi diễn xướng trên thuyền và voi. Hát ca trù tại đền Đầm Giếng, xã Thượng Mỗ (hội tổ chức vào ngày 2/3 âm lịch) là dòng ca trù nổi tiếng từ rất sớm và gắn với tên tuổi cung phi Nguyễn Thị Hồng, một đào nương ca trù nổi tiếng được vua Lê Hy Tông truyền cho vào cung dạy hát và phong làm cung phi. Chèo tàu Tân Hội và ca trù Thượng Mỗ đều đã được Trung ương Hội văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian.

Khu di tích đình chùa làng Hạ Hội. Ảnh internet

Văn hóa ẩm thực dân gian ở các làng huyện Đan Phượng cũng khá phong phú và có tiếng lâu đời như rượu Bá Giang, giò Tân Hội, kẹo lạc, kẹo dồi Song Phượng. Đặc biệt là Kẻ Phùng xưa, thị trấn Phùng ngày nay là địa danh nổi tiếng với món ăn dân dã được liệt vào hàng đặc sản:
Nem Phùng ăn với lá sung Cho người tứ xứ nhớ nhung một đời. Nem Phùng với nguyên liệu chính từ bì, mỡ, nạc lợn, đỗ tương được chế biến bởi bí quyết gia truyền, là món ăn không chỉ được rất nhiều người Việt Nam yêu thích mà còn gây ấn tượng với du khách nước ngoài.
Những giá trị văn hóa phi vật thể khác như văn hóa truyền miệng, các truyền thuyết, thần tích về danh nhân, lịch sử của làng hay cách đối nhân xử thế, ứng xử trong dòng tộc “kính lão đắc thọ”, “kính trên nhường dưới”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”… quan hệ hàng xóm láng giềng : “bán anh em xa mua láng giềng gần”, quan hệ cộng đồng “lá lành đùm lá rách”… đạo đức, nghĩa tình… cũng là những di sản đặc trưng của làng Việt truyền thống nói chung và các làng ở huyện Đan Phượng nói riêng. Các di sản tư liệu của các làng như hương ước quy định các luật lệ của làng, các bài văn câu đối (đề tại cổng làng) thể hiện quan điểm của người dân hoặc niềm tự hào với làng xã của mình, văn bia đá, khánh thể hiện các dấu ấn, ghi nhận quá trình phát triển của làng. Các phả hệ của các dòng họ cũng là những tư liệu quý giá.

Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) Ảnh: hanoimoi.com.vn

Nghề thủ công ở các làng Việt truyền thống cũng là một trong những di sản có giá trị văn hóa lâu đời. Trong 120 làng truyền thống huyện Đan Phượng, có bảy làng có nghề truyền thống: lâm sản làng Trung, làng Hạ (xã Liên Trung); nghề mộc làng Thượng Thôn (xã Liên Hà); kẹo lạc, kẹo dồi Tháp Thượng (xã Song Phương); đậu phụ, rượu nấu Bá Nội (xã Hồng Hà), Trúng Đích (xã Hạ Mỗ); nem Phùng (thị trấn Phùng).

2. Xu thế “hiện đại hóa” và “đô thị hóa” xâm nhập và phá vỡ cấu trúc làng xã, phần nào gây biến dạng văn hóa làng.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các vùng đô thị lớn và khu vực nông thôn ven đô. Theo dự báo quốc gia, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2035 đạt 50-55% (năm 2017 là 35,03%). Thành phố Hà Nội những năm gần đây có tốc độc đô thị hóa như vũ bão. Sự phát triển về phía Tây của Thủ đô trong những năm gần đây đã tác động đến huyện Đan Phượng từ một huyện thuần túy nông thôn trở thành huyện ngoại thành với quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Trên địa bàn huyện đã có tới bốn Dự án đô thị mới đã và đang thực hiện là các khu Tân Tây Đô (Xã Tân Lập), khu đô thị Vinhome Wonder Park (Xã Tân Hội, Liên Trung) và khu đô thị sinh thái The Phoenix (xã Đan Phượng). Cấu trúc Làng – xã vốn là một cấu trúc tương đối bền vững, nó được hình thành từ xa xưa với những tổ hợp đặc trưng như Mái đình - cây đa – ao làng, Lũy tre – cổng làng – đường làng… được làm bởi những vật liệu truyền thống từ thiên nhiên và gần gũi với thiên nhiên tạo nên sự hài hòa với cảnh quan và điều kiện tự nhiên. Những cấu trúc này tạo nên những hình ảnh mang tính biểu tượng cho làng truyền thống Việt. Sự “hiện đại hóa” các cơ sở hạ tầng trong Làng truyền thống như thay thế đường gạch vỉa nghiêng bằng đường bê tông, xây mới các kiến trúc cao tầng xen lẫn hay thay thế các ngôi nhà cổ, bê tông hóa kiến trúc, “hiện đại hóa” di tích, thu hẹp các không gian xanh, mặt nước… đã phá vỡ cấu trúc và cảnh quan không gian Làng. Sự gia tăng mật độ dân cư do nhiều nguyên nhân, diện tích đất canh tác bị thu hồi chuyển đổi làm các dự án Đô thị làm giá bất động sản biến động là nhân tố thúc đẩy xu hướng xây những ngôi nhà cao tầng kiểu nhà phố khép kín với rất ít sân vườn, cây xanh, không chỉ lạc lõng trong không gian Làng, mà còn mất đi tính cộng đồng và sự gắn bó hữu cơ với môi trường thiên nhiên trong lối sống ở Làng xã.

Sự biến đổi về cấu trúc không gian, hệ thống kiến trúc và các giá trị vật thể khác của làng ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các giá trị tinh thần của cư dân làng xã. Tính cộng đồng với những nền nếp ứng xử như lệ làng, hương ước, sinh hoạt văn hóa truyền thống phần nào bị giảm sút do hạn chế không gian và cả do nhu cầu đổi mới, hội nhập.

Những nét văn hóa bản sắc nền móng của văn hóa Việt dần dần bị các yếu tố văn hóa công nghiệp, lối sống công nghiệp và văn hóa đô thị chiếm ưu thế thậm chí phần nào phá vỡ và thay đổi văn hóa lối sống truyền thống tình nghĩa vốn là đặc trưng của văn hóa làng xã (lối văn hóa ứng xử giữa tính nguyên tắc, kỷ luật và tính xuề xòa tùy tiện; giữa tư duy logic và sự cảm tính; giữa trọng lý với trọng tình…).

Ở các Làng nghề truyền thống, việc tổ chức sản xuất tập trung, cơ khí hóa các công đoạn trong quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công đã làm thay đổi khung cảnh sản xuất truyền thống, làm mất đi những giá trị đặc thù của các sản phẩm, là những giá trị văn hóa hiện hữu của Làng. Bên cạnh đó, việc tập kết vật liệu, xả chất thải sản xuất không được kiểm soát đã gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường của Làng xã.
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn huyện khá mạnh. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%, cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cụ thể đến hết năm 2018: Công nghiệp - Xây dựng đạt 48,40%, Thương mại dịch vụ đạt 43,54%, Nông nghiệp – Thủy sản đạt 8,06%. Các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Đan Phượng gia tăng mạnh mẽ, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh cá thể tức là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ nằm rải rác ở các xã, thị trấn.

Kinh tế phát triển, điều kiện sống đầy đủ vật chất, tính cá nhân được đề cao, nhưng lại khiến cho quan hệ gia đình, sự gắn kết các thành viên trong gia đình, dòng họ lỏng lẻo, ý thức trách nhiệm trong cộng đồng giảm sút, các dịch vụ vui chơi, giải trí phát triển với nhiều mảng tối khó kiểm soát kéo theo lối sống thực dụng, ích kỷ tác động đến một phận người dân, làm nảy sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong, mỹ tục.

3. Từ hạn chế trong nhận thức đến quản lý yếu kém, không kiểm soát được sự phát triển tùy tiện và tự phát.

Các giá trị truyền thống tốt đẹp của Làng xã luôn được các tổ chức có trách nhiệm và các nhà nghiên cứu đánh giá đầy đủ, trân trọng và nỗ lực gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, một số người dân là chủ thể của văn hóa Làng lại không có nhận thức đầy đủ dẫn đến những hành vi vô tình xâm hại đến giá trị truyền thống của chính nơi mình sinh sống. Lối sống thực dụng, chỉ chú trọng lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, dẫn đến các việc như: Lấn chiếm, xâm phạm đất đai của di tích, xây dựng tùy tiện phá vỡ cảnh quan Làng, thương mại hóa các hoạt động văn hóa tín ngưỡng để trục lợi… vừa tác động trực tiếp đến những yếu tố vật thể hiện hữu liên quan đến giá trị truyền thống, vừa làm mất đi những hình ảnh, môi trường văn hóa tạo sắc thái đặc trưng của Làng.

Các hoạt động văn hóa truyền thống trong Làng như lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng có nguy cơ biến đổi, chuyển hóa nếu không có nhận thức đầy đủ. Những cách tổ chức chỉ nhằm mục đích kinh doanh, dịch vụ như khoán thu, đấu thầu tổ chức lễ hội, không những không giữ được những giá trị tinh thần cốt lõi mà còn làm thay đổi, biến dạng những hoạt động truyền thống của địa phương theo hướng thế tục hóa. Kết quả là giá trị truyền thống bị suy giảm, sức hút đối với du khách cũng giảm sút theo. Sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp lỏng lẻo hay chồng chéo đều dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được sự phát triển tự phát, tùy tiện của các cá thể trong cộng đồng và các giá trị truyền thống dễ dàng bị phá vỡ nhanh chóng. Với mỗi loại hình Làng xã khác nhau (Làng nghề, Làng khoa bảng, Làng ven sông, Làng nội đô, Làng cận đô…) cũng lại cần có những chính sách, phương thức, chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tính chất, nét đặc trưng về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương, thì mới giảm thiểu được những nguy cơ thay đổi, biến dạng những giá trị truyền thống vốn có của Làng.

Bên cạnh đó, việc quản lý các di tích hiện nay được giao cho ban quan lý di tích quản lý, bảo vệ, trùng tu song trình độ cán bộ còn hạn chế, dẫn đến tình trạng tự ý thay đổi các công trình kiến trúc tâm linh, ảnh hưởng trực tiếp tới công trình và khó có khả năng cải tạo, phục dựng lại nguyên trạng. Những nguy cơ kể trên, mà có thể vẫn còn nữa, hoàn toàn có thể xảy ra như những điều tất yếu trong sự tồn tại và phát triển của Làng xã hiện nay. Vấn đề quan trọng là nhận thức được những xu thế hiện hữu ấy để có sự can thiệp, điều chỉnh hợp lý sao cho vẫn duy trì được những giá trị truyền thống tốt đẹp mà không cản trở sự phát triển của xã hội đương đại và hướng tới tương lai.

Như vậy, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi văn hóa đã đem lại cho Làng một diện mạo mới, nhiều thay đổi mới về kinh tế và văn hóa nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn như: sự mâu thuẫn về đất đai, sự khủng hoảng về lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường… Để khắc phục và giảm bớt những khó khăn, thách thức trên, rất cần có những giải pháp điều chỉnh cụ thể để cân bằng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Làng trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Đền Văn Hiến (huyện Đan Phượng). Ảnh: Internet

4. Bảo tồn và phát huy các giá trị làng truyền thống huyện Đan Phượng gắn với du lịch bền vững trong bối cảnh đô  thị hóa.
Quá trình đô thị hóa là tất yếu trong bối cảnh phát triển chung của xã hội. Bên cạnh sự hiện đại hóa và đô thị hóa vùng nông thôn, các giá trị văn hóa làng xã truyền thống vật thể và phi vật thể cần có giải pháp bảo tồn tổng thể có tính liên ngành. Trong đó, giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa gắn với du lịch bền vững mang lại lợi ích kép: vừa nâng tầm giá trị, tôn vinh vẻ đẹp và phát triển các giá trị văn hóa đồng thời mang lại nguồn lợi kinh tế cho cư dân và địa phương. Nhờ đó, nâng cao nhận thức trách nhiệm và vai trò quản lý của cộng đồng dân cư làng xã đối với các giá trị văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể.

Trước tiên, để hiện thực hóa giải pháp cần xây dựng các kịch bản bao gồm: Phát triển không gian vùng của huyện theo hướng phân vùng phát triển. Trên cơ sở đánh giá vị thế, tiềm năng, động lực, điều kiện tự nhiên hiện trạng phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện, khớp nối các quy hoạch từ cấp vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và các dự án đang triển khai trên địa bàn huyện Đan Phượng để thực hiện phân vùng theo các nguyên tắc:

- Không gian toàn huyện phát triển trên cơ sở điều kiện không gian, địa hình tự nhiên của sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ cổ…

- Tiếp thu định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp bối cảnh KT-XH và định hướng phát triển

- Duy trì kết nối không gian xanh từ Đông sang Tây

- Kết hợp bảo tồn và phát triển, không làm ảnh hưởng đến yếu tố tự nhiên, cấu trúc Làng xóm truyền thống, các không gian di tích hiện có…

Đô thị du lịch cộng đồng: Xây dựng trọng điểm du lịch trên cơ sở phát huy các tài nguyên lịch sử, tài nguyên thiên nhiên cũng như các khu đô thị mới trên địa bàn huyện Đan Phượng nhằm xây dựng các trọng điểm du lịch - giải trí mới, cụm du lịch sinh thái theo không gian lãnh thổ để nâng cao sức hấp dẫn cho Đan Phượng.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: Củng cố cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch bao gồm các cơ sở lưu trú, dịch vụ, hạ tầng giao thông đồng thời với việc tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản và đào tạo tập huấn cho cán bộ cũng như người dân về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong khai thác du lịch phục vụ kinh tế.

Bước tiếp theo trong giải pháp là hoạch định chiến lược và có chương trình hành động cụ thể để thực thi các kịch bản trên các nguyên tắc cơ bản:
Thứ nhất: Phát triển đô thị song song với bảo tồn các Làng truyền thống, để tránh gây các tổn thương cảnh quan, hệ sinh thái. Tạo điều kiện để các Làng truyền thống phát huy giá trị và thiết lập mối quan hệ hỗ trợ giữa đô thị hiện đại, đô thị sinh thái và Làng truyền thống.

Thứ hai: Đô thị hoá tích hợp du lịch di sản tuân thủ nguyên tắc cân bằng, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch nhưng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hành động có trách nhiệm với môi trường, cảnh quan, kiến trúc Làng xã.

Thứ ba: Quá trình “biến di sản thành tài sản” cần phải có chỉ tiêu và hạn mức nhằm đảm bảo khả năng phục hồi của tự nhiên, cũng như tránh hiện tượng khái thác di sản một chiều. Đặc biệt trong quá trình phát triển xây dựng nói chung và đô thị hóa nói riêng.

TS. KTS. VŨ HOÀI ĐỨC & PHẠM VĂN KHÔ

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Từ (1984). Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền Bắc Bộ. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Toan ánh (1992). Làng xóm Việt Nam (nếp cũ). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đàm Trung Phường. Đô thị Việt Nam. Tập 1. Bộ XD. Chương trình KC11, NXBXD, Hà Nội 1995.
4. Đỗ Thị Thanh Hoa. Di cư tự do vào Hà Nội trong quá trình đô thị hóa và những ảnh hưởng của nó tới một số khía cạnh môI trường xã hội đô thị Hà Nội. Luận án TS . Đại học quốc gia Hà Nội - Trường ĐH sư phạm 1999.
5. Diệp Đình Hoa (2000). Người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Phạm Hùng Cường (2009). Quy hoạch bảo tồn các làng cổ ở Đường Lâm. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 1 năm 2009
7. Phạm Hùng Cường. Di sản làng Viêt, những thách thức trong công tác bảo tồn. Tạp chí Kiến trúc. Tháng 12 năm 2008
8. Phạm Hùng Cường. Làng Việt và những giá trị di sản Kiến trúc cảnh quan. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, tháng 5 năm 2009.
9. Phạm Hùng Cường. “Chuyển đổi cấu trúc làng xã vùng ven đô thị lớn đồng bằng sông Hồng thành đơn vị ở trong quá trình đô thị hóa. ”Luận án TS. Trường đại học xây dựng. Năm 2001.
10. Điều tra quá trình đô thị hóa từ làng xã thành phường của Hà Nội, các tồn tại và biện pháp khắc phục (1999- 2000). Sở khoa học CN và Môi trường Hà Nội.

 

Các tin khác

Giải pháp duy nhất để Hà Nội thoát khỏi ngập lụt khi mùa mưa bão đến (kỳ cuối)
Giải pháp duy nhất để Hà Nội thoát khỏi ngập lụt khi mùa mưa bão đến (kỳ cuối)

​MTXD - Thủ đô Bangkok Thái Lan đã và đang xây dựng năm giếng ngầm lớn có sức chứa lên...

Việt Nam – Trung Quốc “bắt tay” phát triển ngành công nghiệp Điện và Năng lượng
Việt Nam – Trung Quốc “bắt tay” phát triển ngành công nghiệp Điện và Năng lượng

MTXD - Chiều 16/5, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác Phát triển ngành điện lực Trung Quốc – ASEAN Kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc.

Tối ưu hóa hệ thống quản trị trong thời đại số
Tối ưu hóa hệ thống quản trị trong thời đại số

MTXD - Ngày 16/5, tại Hà Nội Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) - Trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Mutosi Việt Nam, IC Việt Nam tổ chức Hội thảo tối ưu hóa hệ thống quản trị trong thời đại số.

Tận dụng thời cơ, triển khai hiệu quả chương trình khuyến công tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc
Tận dụng thời cơ, triển khai hiệu quả chương trình khuyến công tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

MTXD - Chiều 16/5, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII và khai mạc hội chợ triển lãm Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc – Hà Nội năm 2024.

Hướng tới sản xuất xanh, thương mại, năng lượng và công nghiệp xanh
Hướng tới sản xuất xanh, thương mại, năng lượng và công nghiệp xanh

MTXD - Ngày 16/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc “Triển lãm Quốc tế về Máy móc, Thiết bị, Công nghệ và Sản phẩm Công nghiệp lần thứ 19 - VINAMAC EXPO 2024”.