Bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển đô thị bền vững

​MTXD - Một đô thị được coi là bền vững (Sustainable city) là đô thị đạt được sự thống nhất trong một khuôn khổ bền vững cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

MTXD - Một đô thị được coi là bền vững (Sustainable city) là đô thị đạt được sự thống nhất trong một khuôn khổ bền vững cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

1-Giới thiệu chung

Môi trường đô thị có ảnh hưởng quan trọng tới sự hoạt động, tồn tại và phát triển của đô thị, trong đó có con người là hạt nhân trung tâm, vừa là đối tượng nghiên cứu vừa là người nghiên cứu nhằm giải quyết hợp lí các mối quan hệ phức tạp đó. Phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại một môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của dân cư đô thị.

Một đô thị được coi là bền vững (Sustainable city) là đô thị đạt được sự thống nhất trong một khuôn khổ bền vững cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đô thị bền vững cung cấp đủ điều kiện phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cung cấp một môi trường sống đầy đủ, an toàn, lành mạnh và hấp dẫn, làm giảm thiểu các tác động sinh thái trên lãnh thổ, bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các di sản văn hóa, thiên nhiên và lịch sử.

 Phát triển đô thị bền vững phải có các tiêu chí sau:

+ Đảm bảo và phát triển khả năng cạnh tranh của thành phố.

+ Đảm bảo cuộc sống của cư dân tốt hơn.

+ Nền tài chính lành mạnh (nguồn thu, các chính sách tài chính, nguồn lực).

+ Quản lý đô thị tốt.

Trong những năm gần đây, các thành phố đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng về các vấn đề môi trường do tác động tiêu cực của các hoạt động đô thị. Suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu và áp lực phát triển đối với các mảng xanh đã trở thành mối lo ngại lớn đối với các thành phố. Để giải quyết những vấn đề này, các chính sách quy hoạch đô thị đã chuyển sang trọng tâm bền vững và các thành phố đã bắt đầu phát triển các chiến lược mới để cải thiện chất lượng hệ sinh thái đô thị. Một chức năng cực kỳ quan trọng của hệ sinh thái đô thị là cung cấp môi trường lành mạnh và bền vững cho cả hệ thống tự nhiên và cộng đồng. Vì vậy, quy hoạch sinh thái là một yêu cầu chức năng trong việc thiết lập môi trường xây dựng bền vững. Với quy hoạch sinh thái, nhu cầu của con người được đáp ứng trong khi tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững nhất. Và việc duy trì cân bằng sinh thái được duy trì. Bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, có hệ sinh thái lành mạnh, loại bỏ ô nhiễm môi trường và cung cấp không gian xanh chỉ là một vài trong số rất nhiều lợi ích của quy hoạch sinh thái. Các thành phố tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và có tác động lớn đến môi trường. Trong vài thập kỷ qua, những thay đổi quan trọng đã xảy ra về chất lượng môi trường xây dựng. Do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Trước áp lực phát triển mảng xanh, mảng xanh đô thị trở nên nhỏ bé, phân tán và ô nhiễm. Sự phát triển mạng lưới giao thông vận tải gây ra những tác động tiêu cực như tiêu thụ năng lượng, phát thải chất gây ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông và tiếng ồn.

Mặt khác, sự xuống cấp và cạn kiệt của cảnh quan đô thị đe dọa chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của người dân. Theo nguyên nhân của những vấn đề môi trường này, việc sửa đổi các chính sách đô thị hiện hành và phát triển các mô hình quy hoạch mới để phát triển đô thị bền vững là cần thiết. Để đạt được sự phát triển đô thị bền vững, các thành phố phải được quy hoạch và quản lý để hình thành sự cân bằng giữa con người và bảo vệ môi trường tự nhiên bằng cách sử dụng tài nguyên một cách cẩn thận và chuyển giao chúng cho các thế hệ tiếp theo. Để bảo vệ và nâng cao điều kiện môi trường sinh thái cho các thế hệ tương lai, điều cần thiết là phải mang lại sự bền vững cho hệ sinh thái đô thị. Bảo vệ môi trường sinh thái mang lại những lợi ích cụ thể cho sự bền vững lâu dài bằng cách cải thiện tác động môi trường của các thành phố theo các mục tiêu sau; cải thiện chất lượng không khí, nước và đất, tiết kiệm năng lượng, giảm nước mưa chảy tràn và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, cải thiện thẩm mỹ thành phố và làm giàu đa dạng sinh học đô thị.

Theo kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakata( Indonesia), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc).. hệ thống đô thị đều được quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển theo hướng vừa hiện đại vừa truyền thống nhưng rất thân thiện với môi trường, tạo nên sự cân bằng các hệ sinh thái, đưa sinh thái tự nhiên vào đô thị tạo nên sự cân bằng tự nhiên giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái đô thị.  

2-Vấn đề môi trường và tác động của nó đến phát triển đô thị bền vững
 

Theo báo cáo tổng quan môi trường toàn cầu năm 2000 và 2005 của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) là sản phẩm nghiên cứu của hơn 850 tác giả trên khắp thế giới, của trên 30 cơ quan môi trường và các tổ chức khác của Liên hợp quốc cùng phối hợp tham gia biên soạn đã phân tích 3 xu hướng bao trùm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người thời kỳ hiện đại.

Vấn đề thứ nhất:

Xã hội ngày càng phát triển, trong đó sự phối hợp quản lý môi trường ở quy mô quốc tế luôn bị tụt hậu so với sự phát triển KT-XH. Những thành quả về môi trường thu được nhờ công nghệ và chính sách mới không theo kịp nhịp độ và quy mô gia tăng dân số và phát triển kinh tế tại khu vực đô thị cũng như cả quốc gia.Từ đó dẫn đến những vấn đề môi trường mang tính toàn cầu. Đây chính là những thách thức lớn đối với mỗi quốc gia:


               a) Khí hậu toàn cầu biến đổi và tần suất thiên tai ngày càng gia tăng, trong đó có vấn đề mực nước biển dâng làm ảnh hưởng đến một số lục địa trong đó có Việt Nam.

               b) Sự suy giảm tầng ôzôn (O3).
               c) Tài nguyên bị cạn kiệt và suy thoái. Ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở quy mô ngày càng rộng lớn.
               d) Sự gia tăng dân số và dân số đô thị trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
               e) Sự suy giảm tính đa dạng sinh học trên trái đất.

 Vấn đề thứ hai:

               Đó là các hệ sinh thái và sinh thái nhân văn toàn cầu bị đe dọa bởi sự mất cân bằng sâu sắc trong năng suất và trong phân bố hàng hóa dịch vụ. Một tỷ lệ đáng kể nhân loại hiện nay vẫn đang sống trong sự nghèo khó và dự báo sẽ có sự khác biệt ngày càng tăng giữa người nghèo và người giàu, đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống nhân văn cũng như vấn đề môi trường toàn cầu.

Vấn đề thứ ba:
              Phát triển đô thị bền vững trong quy hoạch xây dựng đô thị ở nước ta  được xem xét ở các khía cạnh sau đây:
              + Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên tại mỗi vùng phục vụ quá trình đô thị hóa quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị:

  • Tài nguyên đất đai và quy hoạch sử dụng đất đai;
  •  Tài nguyên biển, ngoài khơi, ven bờ, đảo và quần đảo;
  • Tài nguyên nước, mặt nước, không gian xanh;
  • Tài nguyên rừng;
  • Tài nguyên văn hoá xã hội và nhân văn: là tài nguyên phi vật thể như phong tục, tập quán, trình độ phát triển…

             + Đảm bảo tính phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác:
          Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quốc gia, của vùng lãnh thổ, của đô thị; Quy hoạch phát triển của các chuyên ngành khác, như quy hoạch các vùng chuyên canh; Quy hoạch và kế hoạch đảm bảo an ninh quốc phòng.

            + Định hướng Quy hoạch Tổng thể đô thị Việt Nam thời kỳ 2000 – 2020:
            Cho đến nay, Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ vẫn đã và đang được triển khai thực hiện. Một số chỉ tiêu chủ yếu theo quyết định này về đô thị Việt Nam thời kỳ 2010 – 2020, tầm nhìn đến 2030 đã và đang được tiếp tục thực hiện.

3.Xây dựng các tiêu chí phát triển đô thị bền vững

Nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được vấn đề sinh thái hóa đô thị là nhiệm vụ sống còn để trái đất giảm bớt ô nhiễm nặng nề. Chính vì thế có rất nhiều các nghiên cứu và thiết kếđô thị ra đời tạo ra các điểm dân cư và đô thị sinh thái nhằm giúp cho môi trường sống lành mạnh mà không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên năng lượng và vật liệu. Thông qua các chính sách:

+ Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nước đảm bảo sự phát triển đô thị bển vững

+ Quản lý hệ thống vệ sinh sinh thái

+ Quản lý đô thị với khí thải cacbon thấp

London xây dựng đô thị có khí thải cacbon thấp

+ Quản lý rác thải đô thị

            Mô hình khu liên hợp xử lý rác trên đảo Semakau của Singapore

+ Quản lý thoát nước và xử lý nước thải bền vững

 

   

Công trình cải tạo kênh Cheonggyecheon, Hàn Quốc – lá phổi của thủ đô Seoul và là hệ thống thoát nước mưa chính của thành phố

+ Xây dựng mô hình các khu đô thị bền vững sinh thái

 
   

Khu hải cảng cũ của Stockholm (Thuỵ Điển) nổi tiếng là đô thị đầu tiên trên thế giới vận hành theo tiêu chuẩn bền vững với môi trường

          Các nước trên thế giới đã đạt được các thành tựu đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề môi trường dưới sự quản chế của các đạo luật chính sách môi trường quốc gia, luật bảo vệ các động vật có nguy cơ tuyệt chủng, luật bảo tồn và khôi phục các nguồn tài nguyên…

Ở Việt Nam, quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định trong đường lối, chính sách của Đảng (Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước) và các văn bản pháp luật của Nhà nước (Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam; Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt bởi Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 2/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ). Khái niệm phát triển bền vững đã được quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Theo đó, phát triển bền vững được hiểu “là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.    
             Theo Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam, tại Quyết định số  45/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050, những yêu cầu của nội dung phát triển đô thị bền vững trong quá trình đô thị hóa gồm:
             Một là, đô thị hoá bền vững phải xuất phát từ quan điểm tổng hòa phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng các hệ sinh thái và bảo đảm cho một cấu trúc liên kết hữu cơ về không gian các chức năng hoạt động của đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, mối quan hệ chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn.

             Hai là, đô thị xét trên tổng thể phải là một cấu trúc chặt chẽ trong hệ thống phân bố dân cư theo xu thế giảm bớt sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Đô thị xét về nội tại, phải phát triển cân đối trên quan điểm cân bằng hệ sinh thái đô thị trong nội thành và hệ sinh thái vùng ngoại thành. Đô thị phát triển bền vững về dân cư, sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và giữ gìn các hệ sinh thái tự nhiên và xã hội.
             Ba là, phát triển đô thị làm cơ sở để lập kế hoạch toàn diện cho xóa đói giảm nghèo, xóa nhà ổ chuột đô thị.
              Trong chuyên đề nghiên cứu về “Phân tích chính sách đô thị hóa trong quá trình đô thị hóa tác động đến phát triển bền vững ở Việt Nam”, thuộc chương trình “Thiên niên kỷ 21” do UNPD tài trợ đã đề xuất 10 nhóm tiêu chí bền vững trong quá trình đô thị hóa như sau:

  • Quy hoạch Vùng và quy hoạch đô thị phù hợp với các vùng địa lý và điều kiện sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường
  • Kinh tế đô thị phát triển ổn định và bền vững tạo nhiều việc làm cho mọi thành phần kinh tế và mọi người dân đô thị.
  • Trình độ dân trí đô thị và nguồn lực phát triển đủ mạnh.
  • Trình độ quản lý quy hoạch và phát triển đô thị bền vững.
  • Dịch vụ đô thị đáp ứng yêu cầu phục vụ đô thị ngày càng cao.
  • Cơ sở hạ tầng xã hội đô thị đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
  • Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng kịp thời và đầy đủ.. Có 5 tiêu chí:

+ Tổ chức không gian xanh, mặt nước vùng và đô thị;

+ Khai thác mặt nước tối đa có thể;

+ Giữ gìn tốt môi trường xã hội;

+ Bảo vệ môi trường, di sản hiệu quả;

  • Lồng ghép quy hoạch môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị.
  • Huy động cộng đồng tham gia công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị.

-      Hợp tác, điều hành và quản lý xây dựng đô thị

4.Kết luận

Để tạo ra môi trường sống lành mạnh mà không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa các hệ sinh thái và môi trường xây dựng là sự quan tâm của toàn xã hội. Phát triển đô thị bền vững trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng là nội dung khoa học hết sức nhức nhối và cấp bách hiện nay cần có sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền và xã hội. Phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam hiện nay được xác định là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, vùng, quốc gia. Tóm lại, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng đô thị nói chung và quy hoạch xây dựng đô thị nói riêng hiện nay đã từng bước hướng tới các yêu cầu về phát triển đô thị bền vững. Vì thế, việc thực hiện quy hoạch, quy hoạch môi trường và phát triển đô thị bền vững theo các nhóm tiêu chí nêu trên là cần thiết. Tuy nhiên, rất cần thiết có một cơ sở pháp lý về bảo vệ môi trường sinh thái cụ thể và chi tiết sau luật Quy hoạch để các nhóm tiêu chí về Phát triển đô thị bền vững có thể áp dụng vào công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng của cả nước một cách hiệu quả nhất.

                                                                                                            Ths.KTS TRẦN THỊ MAI LIÊN

 

Từ khóa: môi trường sinh thái, đô thị sinh thái, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Xây dựng – Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia – Hà Nội 2005.
  2. Định hướng Quy hoạch Tổng thể phát triển Đô thị Việt Nam, thời kỳ 2000-2020 – Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây Dựng.
  3. Định hướng Chiến lược Phát triển Bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21) Việt Nam – Hà Nội, tháng 8 năm 2004 – Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
  4. Phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững trong thời kỳ vông nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Viện Nghiên cứu Môi trường và QHPTBV, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, GS. TS. Lê Hồng Kế.
  5. Kinh nghiệm thế giới về tiếp cận bảo vệ môi trường sinh thái để đô thị phát triển bền vững, PGS.TS Trần Đức Hạ.

 

Các tin khác

Quy định mới về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa
Quy định mới về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa

MTXD - Ngày 20/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Đại diện tăng đoàn Phật giáo Myanmar đến thăm Việt Nam dịp lễ Phật Đản 2024
Đại diện tăng đoàn Phật giáo Myanmar đến thăm Việt Nam dịp lễ Phật Đản 2024

MTXD - Vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài Tăng thống - Tiến sĩ Sayadaw Sandimar Bhivamsa - Bậc Đại Thiện Trí Cao Thượng, Bậc Đại Xiển Dương Chánh Pháp Cao Thượng; cùng Tăng đoàn Myanmar đã đến thăm và chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Phật đản PL.2568 - DL.

Phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội): Hàng loạt công trình xây trên đất nông nghiệp
Phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội): Hàng loạt công trình xây trên đất nông nghiệp

MTXD - Dù được phóng viên thông tin, Báo chí phản ánh về hàng loạt các công trình hiện...

BAC A BANK ưu tiên lãi xuất cho khách hàng doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
BAC A BANK ưu tiên lãi xuất cho khách hàng doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững

MTXD - Chung mục tiêu kiện toàn hoạt động, tối ưu năng lực cạnh tranh để cùng đồng hành thịnh vượng, Ngân hàng TMCP Bắc Á dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất tri ân vô cùng hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình ưu đãi tín dụng "30 năm - Nâng tầm doanh nghiệp Việt”,

TP.HCM: Đề ra 5 giải pháp triển khai Kế hoạch Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 -2030
TP.HCM: Đề ra 5 giải pháp triển khai Kế hoạch Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 -2030

MTXD - UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 trong năm 2024. Theo đó, Kế hoạch đề ra 5 giải pháp để triển khai Chương trình trên.