Các yếu tố cấu thành kiến trúc cảnh quan tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội
MTXD – Tóm tắt: Hiện nay, vấn đề cải tạo chỉnh trang các tuyến phố trong khu vực nội đô lịch sử gặp nhiều khó khăn. Thực tế, đã xuất hiện những vấn đề trong việc chuyển đổi dự án trong khu vực nội đô lịch sử, như công trình 61 Trần Phú. Trong đó, có việc xác định những yếu tố cấu thành kiến trúc cảnh quan tuyến phố, để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, bài báo nhận diện các yếu tố cấu thành kiến trúc cảnh quan đặc trưng của tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.
Từ khóa: Kiến trúc cảnh quan, cải tạo chỉnh trang, tuyến phố.
Thành phố Hà Nội đã thí điểm xây dựng tuyến: Phố đi bộ trong phố cổ, phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm), tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) và đầu tư cải tạo hệ thống hè đường đô thị tạo diện mạo đô thị văn minh và hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố đã có nhiều quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tuyến phố được UBND thành phố phê duyệt như: tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung, tuyến phố Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ, tuyến đường Phạm Hùng,... Các đồ án quy hoạch, đồ án thiết kế đô thị được phê duyệt là cơ sở quan trọng quản lý không gian tuyến phố đô thị Hà Nội.
Bên cạnh những thành công đã đạt được, việc cải tạo chỉnh trang kiến trúc cảnh quan tuyến phố tại thành phố Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập. Các giải pháp tổng thể kiểm soát không gian cảnh quan hai bên đường thiếu đồng bộ, có sự mâu thuẫn giữa quy hoạch và thiết kế cảnh quan các tuyến phố, đặc biệt là các tuyến đường trong khu vực nội đô lịch sử. Đồ án quy hoạch chung thành phố Hà Nội đã được phê duyệt năm 2011 chưa nhìn nhận giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của một số công trình kiến trúc trong khu vực nội đô lịch sử. Các giải pháp kiến trúc do nhà tư vấn đưa ra vẫn đặt lợi ích của nhà đầu tư là trên hết, mà không có sự tiếp nối được giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị. Dẫn đến, một số dự án công trình sau khi được công bố lấy ý kiến đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia cho đến cộng đồng dân cư.
Bằng những nghiên cứu, tổng hợp tài liệu trong và ngoài nước, tác giả mong muốn nhận diện được các yếu tố cấu thành kiến trúc cảnh quan tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội. Những cơ sở khoa học này là tiền đề quan trọng, để các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà tư vấn thiết kế có những giải pháp quy hoạch và thiết kế phù hợp, tiếp nối được các giá trị kiến trúc cảnh quan tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội. Các yếu tố cấu thành kiến trúc cảnh quan bao gồm:
- Công trình kiến trúc
Công trình kiến trúc lớn:
+ Công trình công cộng - hành chính, thương mại dịch vụ, giáo dục và văn hóa;
+ Các công trình nhà ở hỗn hợp cao tầng, nhà ở thấp tầng và nhà ở kết hợp dịch vụ;
+ Các công trình di tích, tôn giáo tín ngưỡng và công trình kiến trúc cảnh quan có giá trị;
+ Các công trình công viên, vườn hoa.
Các công trình kiến trúc lớn không phải đối tượng mà thiết kế đô thị có thể can thiệp vào. Nhưng tầng cao, hình thức, màu sắc, vật liệu các công trình này có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ không gian tuyến phố. Đây cũng chính là vấn đề phức tạp của khu vực tuyến phố nội đô lịch sử Hà Nội, nó có tính chất giao thoa giữa việc lập quy hoạch, thiết kế công trình và thiết kế cải tạo chỉnh trang tuyến phố. Một số công trình có giá trị kiến trúc cảnh quan đặc biệt như nhà máy cũ, công trình công cộng cũ, biệt thự cũ gắn liền với lịch sử phát triển đô thị cũng tạo ra những dấu ấn cho đô thị có thể được hiểu như là một di sản đô thị, cần được gìn giữ và tiếp nối.
Hình 1. Công trình 61 Trần Phú (trước khi tháo dỡ)
Công trình kiến trúc nhỏ:
+ Chòi bóng mát, nghỉ ngơi, thiết bị chơi cho trẻ em, nhà để xe;
+ Quầy/quán bán hoa, bán báo, đồ lưu niệm, quầy bán giải khát, tủ bày hàng;
+ Dàn hoa, bồn hoa, bể nước, đài phun nước, cầu nối giao thông, cột cờ;
+ Hàng rào, tường chắn, tường trang trí, bảng thông tin, cầu đi bộ; Công trình kiến trúc nhỏ là một thành phần, một yếu tố trang trí môi trường cảnh quan rất phong phú và đa dạng.
Do những đặc trưng riêng về chức năng và hình khối cũng như do kích thước nhỏ, các kiến trúc nhỏ thường làm nhiệm vụ bổ sung, tô điểm cho môi trường cảnh quan tuyến phố thêm sinh động và hấp dẫn. Đôi khi kiến trúc nhỏ cũng có thể được xử lý như một yếu tố bố cục trung tâm hay yếu tố trung gian liên kết kiến trúc công trình với công trình hoặc công trình với phong cảnh thiên nhiên xung quanh. Kiến trúc nhỏ có thể được bố trí độc lập nhưng cũng có thể được bố trí thành những cụm, nhóm, kết hợp với các yếu tố cảnh quan khác để tạo thành một tổng thể cảnh quan tuyến phố thống nhất và hoàn chỉnh.
- Cây xanh, mặt nước
Cây xanh, mặt nước là một yếu tố cảnh quan tự nhiên, một yếu tố sinh thái quan trọng, tồn tại trong không gian trống và có vai trò đặc biệt trọng nghệ thuật tổ chức kiến trúc cảnh quan tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội. Cây xanh được sử dụng trong cảnh quan tuyến phố bao gồm cây bóng mát, cây bụi, thảm cỏ, khóm hoa,.... Hệ thống cây xanh các tuyến phố Hoàng Diệu, Trần Phú cũng tạo thành những đặc trưng đô thị Hà Nội. Sử dụng cây xanh đa dạng về hình khối và phong phú về màu sắc, cây xanh có thể được bố trí theo một trật tự hay quy luật nhất định nhưng cũng có thể được bố trí tự do. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây xanh biến đổi không ngừng và thường tạo nên những cảm giác linh động, kỳ ảo, thông qua sự thay đổi của chiều cao, vòm cây, tán lá, thân, cành, màu sắc, hoa quả,... Cây xanh làm cho môi trường cảnh quan biến hóa theo thời gian và không gian. Do đó, ngoài tác động tích cực về môi trường, vi khí hậu và bảo vệ sức khỏe, cây xanh còn tạo nên những tác động thẩm mỹ hết sức phong phú.
Hình 2. Hàng cây cổ thụ, sông hồ là yếu tố đặc trưng đô thị Hà Nội.
Hồ Gươm, Hồ Tây và Sông Hồng là những yếu tố cấu trúc lên không gian khu vực nội đô lịch sử. Hệ thống sông hồ tạo nên cảnh quan đóng mở, chuyển tiếp giữa tuyến phố và khu vực cư trú, cũng như khu vực công trình lớn. Mặt nước gắn liền quá trình hình thành và phát triển Thủ đô Hà Nội, ẩn chứa trong nó nhiều giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc. Không gian mặt nước giúp không gian tuyến phố có thể mở rộng và biến hóa hơn.
- Địa hình, mặt đất
Theo quan niệm về cảnh quan, địa hình khu vực tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội có thể chia thành 2 nhóm: Cao thấp ven sông hoặc bằng phẳng. Tùy theo địa hình khu đất (tự nhiên hay nhân tạo) mà trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố theo cao độ địa hình, có thể tạo nên những góc nhìn đa dạng và phong phú, tuyến đi bộ hấp dẫn. Sự kết hợp hài hòa các yếu tố địa hình, mặt đất, mặt nước, cây xanh trong tổ chức kiến trúc cảnh quan tuyến phố cũng có thể đạt tới rất nhiều hình thái cảnh quan phong phú, độc đáo và dẫn tới những cảm xúc thẩm mỹ sinh động, tích cực và đầy hấp dẫn. Vỉa hè, dải phân cách, bờ tường, mương, máng, bậc thang... với chất liệu, hình dáng màu sắc khác nhau cũng gây những phản ứng tâm lý khác nhau.
Hình 3. Tuyến cảnh quan mềm mại gắn với sông Tô Lịch
- Trang thiết bị kỹ thuật môi trường đô thị
Các thiết bị kỹ thuật đô thị và kỹ thuật môi trường trong không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội bao gồm: Thiết bị giao tiếp thị giác: biển báo, quảng cáo, ký tín hiệu (phục vụ giao thông, đi lại an toàn,…); Thiết bị chiếu sáng: chung toàn khu, toàn trục đường, cục bộ từng công trình, quảng trường, chiếu sáng quảng cáo, các loại cột đèn, tủ điện; Thiết bị môi trường: bồ đựng giấy, thùng đựng rác, giá để xe… Các yếu tố kỹ thuật đô thị và môi trường ngày càng đóng vai trò quan trọng và càng ngày càng được quan tâm hơn trong thiết kế cảnh quan đô thị Hà Nội nói chung và cảnh quan tuyến phố nói riêng. Cùng với các yếu tố kiến trúc và thiên nhiên khác, các thiết bị kỹ thuật đô thị và môi trường đã được cải tiến, phát triển theo hướng hiện đại hóa, sử dụng năng lượng tự nhiên trên cơ sở những nguyên tắc tạo hình mỹ thuật công nghiệp.
Hình 4. Cải tạo tủ điện bằng sơn thành tranh nghệ thuật
e. Tác phẩm nghệ thuật tạo hình
Trong kiến trúc cảnh quan tuyến phố khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, tác phẩm nghệ thuật tạo hình như: tranh, tượng, phù điêu, chữ viết,…thường được nghiên cứu bố trí kết hợp với các yếu tố kiến trúc, cây xanh, mặt nước nhằm đạt tới những mục tiêu văn hóa – tinh thần và hiệu quả thẩm mỹ, cảnh quan nhất định. Trong thực tế, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, trong đó chủ yếu là tranh, tượng hoành tráng… đã được đưa vào kiến trúc cảnh quan tuyến phố không chỉ là phương tiện trang trí và bố cục không gian có hiệu quả mà còn là một phương tiện gây tác động tinh thần, tình cảm thông qua các nội dung: ca ngợi cuộc sống, vẻ đẹp thiên nhiên, tuyên truyền bảo vệ môi trường, chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông,… Sự phong phú và đa dạng về hình thức và nội dung của nghệ thuật tạo hình thường đem lại hiệu quả trang trí cao trong bố cục không gian quảng trường, không gian mở khác, gây tác động truyền cảm nghệ thuật mạnh và qua đó có tác dụng giáo dục đạo đức và thẩm mỹ to lớn đối với cộng đồng.
Hình 5. Tranh gốm trên đường đê Yên Phụ
g. Màu sắc, chiếu sáng
Màu sắc là một thế giới vô cùng phong phú, được con người cảm nhận bằng mắt nhờ tác động của ánh sáng, nó gắn liền với tính chất vật lý của ánh sáng cũng như với nghệ thuật bố cục màu. Màu sắc xung quanh gây cho con người những cảm xúc và phản ứng tâm lý khác nhau như: vui-buồn, nóng – lạnh, thoải mái – căng thẳng, tích cực – mệt mỏi…Trong môi trường đô thị Hà Nội, màu sắc không những đóng vai trò gây tác động thẩm mỹ - nghệ thuật mà còn gây ra các tác động tâm lý khác nhau đối với con người. Màu sắc trong môi trường cảnh quan đô thị Hà Nội thể hiện qua màu sắc của bầu trời, cỏ cây hoa lá, mặt nước cũng như màu sắc của công trình kiến trúc (vật liệu, kết cấu, các bộ phận nhà,…), các thiết bị kỹ thuật môi trường, chiếu sáng ban đêm…
Hình 6. Chiếu sáng Hồ Gươm tạo ấn tượng cho khách du lịch
Ánh sáng bao gồm ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, cũng mang lại những hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ, ngoài chức năng chiếu sáng đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt, đi lại và các họat động khác của con người. Ánh sáng trang trí được áp dụng để chiểu sáng công trình kiến trúc, biển quảng cáo, vườn hoa – cây xanh,…Việc sử dụng màu sắc ánh sáng thích hợp trong kiến trúc cảnh quan tuyến phố có thể làm tạo lập một hình thức trang trí đô thị hoành tráng về đêm, mang lại cảm giác thẩm mỹ hiện đại và tác động tốt vào tâm lý người sử dụng.
h. Không gian sinh họat cộng đồng (cảnh quan động)
Không gian sinh họat cộng đồng là một thành phần tích cực trong việc mang lại đời sống tinh thần theo xu hướng giao tiếp cộng đồng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội. Trong không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố, không gian sinh hoạt cộng đồng là nơi mọi người có thể vừa sử dụng để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động chung như dịch vụ ăn uống, thể dục thể thao, vui chơi các trò chơi tập thể… Không gian này là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Hình 7. Tổng thống Argentina Mauricio Macri uống cà phê trên một con phố ở Hà Nội
Kết luận
Việc nghiên cứu các yếu tố cầu thành kiến trúc cảnh quan tuyến phố trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội là rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn. Các thành tố cấu thành kiến trúc cảnh quan của tuyến phố bao gồm: Công trình kiến trúc, cây xanh mặt nước, địa hình, trang thiết bị kỹ thuật môi trường đô thị, tác phẩm nghệ thuật tạo hình, màu sắc chiếu sáng, không gian sinh họat cộng đồng. Trong đó yếu tố công trình kiến trúc là yếu tố quyết định đến việc cải tạo chỉnh trang tuyến phố khu vực nội đô lịch sử. Trên cơ sở lý thuyết, kết quả bài báo sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng quản lý, cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố tại khu vực nội đô lịch sử.
TS NGUYỄN HOÀI THU
Tài liệu tham khảo
1.Phan Thị Vân Anh (2016), Thiết kế đô thị và Khung pháp lý quản lý hè phố hiện nay, Tạp chí kiến trúc Việt Nam, số 200 - 2016.
2.Phạm Hùng Cường (2006), Phân tích và cảm nhận không gian đô thị, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
3.Nguyễn Văn Dũng (2020), Chỉnh trang kiến trúc cảnh quan tuyến đường Yên Phụ đoạn từ cầu Long Biên đến nút giao thông đường Thanh Niên quận Ba Đình, TP Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
4.Nguyễn Văn Tuyên (2019), Nghiên cứu nâng cao chất lượng quản lý và xây dựng hè đường đồ thị, Đề tài khoa học cấp Thành phố Hà Nội.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.