Các yếu tố tác động kiểm soát giá vật liệu xây dựng đối với dự án xây dựng đường bộ cao tốc tại Việt Nam

MTXD - Đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam đang được triển khai với quy mô rất lớn trên khắp cả nước đi qua nhiều địa phương. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là nội dung của dự án xây dựng, tỷ trọng chi phí vật liệu chiếm tới hơn 40% đến 70% tổng chi phí trong dự án.

MTXD - Đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam đang được triển khai với quy mô rất lớn trên khắp cả nước đi qua nhiều địa phương. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là nội dung của dự án xây dựng, tỷ trọng chi phí vật liệu chiếm tới hơn 40% đến 70% tổng chi phí trong dự án. Một khoản tiết kiệm nhỏ về chi phí vật liệu thông qua việc kiểm soát giá vật liệu hiệu quả có thể giúp tiết kiệm đáng kể tổng chi phí của dự án. Hầu hết các tổ chức đều phải đối mặt với những thách thức về việc dự trữ quá nhiều nguyên vật liệu, trùng lặp và lãng phí tài nguyên. Khó khăn là tìm ra các phương pháp cho phép giảm thiểu lãng phí và tổn thất để cải thiện hiệu suất kiểm soát giá vật liệu. Do đó, kiểm soát giá vật liệu có vai trò hết sức quan trọng và chịu tác động của nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Mục đích của bài viết nhằm tổng hợp cơ sở lý luận, nhận diện và chỉ ra các yếu tố tác động chủ yếu. Đánh giá thực trạng công tác kiểm soát giá vật liệu xây dựng đường cao tốc, chỉ ra các tồn tại hạn chế và nguyên nhân từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát giá vật liệu xây dựng đường bộ cao tốc ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Các yếu tốtác động; kiểm soát giá vật liệu; đường cao tốc.

ABSTRACT Investment in highway construction in Vietnam is being deployed on a very large scale across the country, passing through many localities. Managing construction investment costs is a content In a construction project, the proportion of material costs accounts for more than 40% to 70% of the total cost of the project. A small savings in material costs through effective material price control can result in significant savings in the total cost of the project. Most organizations face challenges of over-stocking of materials, duplication and waste of resources. The difficulty is to find methods that allow minimizing waste and losses to improve material price control performance. Therefore, controlling material prices plays a very important role and is affected by many factors both objective and subjective. The purpose of the article is to synthesize the theoretical basis, identify and point out the main influencing factors. Assess the current status of price control of highway construction materials. Point out the limitations and causes, thereby providing some recommendations to improve the quality of price control of highway construction materials in Vietnam today. Keywords: Affecting factors; material price control; highways.

Ảnh minh họa- Internet

1. Các khái niệm cơ bản

1.1. Khái niệm về giá Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Giá cả hay giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá, nghĩa là số lượng tiền phải trả cho hàng hoá đó. Về nghĩa rộng đó là số tiền phải trả cho một hàng hoá, một dịch vụ, hay một tài sản nào đó. Giá cả của hàng hoá nói chung là đại lượng thay đổi xoay quanh giá trị, khi cung và cầu của một hay một loại hàng hóa về cơ bản ăn khớp với nhau thì giá cả phản ánh và phù hợp với giá trị của hàng hoá đó, trường hợp này ít khi xảy ra. Giá cả của hàng hoá sẽ cao hơn giá trị của hàng hoá nếu số lượng cung thấp hơn cầu. Ngược lại, nếu cung vượt cầu thì giá cả sẽ thấp hơn giá trị của hàng hoá đó, giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở cung, cầu và do các yếu tố thị trường quyết định trong một khoảng thời gian, không gian nhất định. Yếu tố hình thành giá bao gồm giá thành toàn bộ thực tế; lợi nhuận (nếu có) hoặc khoản lỗ (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật [9.1]. Theo Luật giá số 16, giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở cung, cầu và do các yếu tố thị trường quyết định trong một khoảng thời gian, không gian nhất định [1].

1.2. Khái niệm về giá vật liệu xây dựng

Theo tổ chức đào tạo CPA (Superfastcpa), giá vật liệu là chi phí nguyên vật liệu được sử dụng để sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ. Là một thành phần thiết yếu trong tổng chi phí của sản phẩm và bao gồm các chi phí liên quan đến việc mua sắm, lưu trữ và sử dụng nguyên liệu thô. Chi phí nguyên vật liệu thường được chia thành chi phí nguyên liệu trực tiếp và chi phí nguyên vật liệu gián tiếp [9.2]. Theo tổ chức nghiệp vụ kế toán (Accountingtools), giá vật liệu là chi phí nguyên vật liệu được sử dụng để sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ. Chi phí nguyên vật liệu thường bao gồm phần lớn chi phí phát sinh để sản xuất một sản phẩm [9.3]. Tóm lại về cơ bản giá vật liệu xây dựng là giá của vật liệu được sử dụng cho mục đích xây dựng công trình tồn tại sẵn trong tự nhiên, chẳng hạn như đất sét, đá, cát, và gỗ.... hoặc vật liệu nhân tạo như gạch, xi măng, sát thép,... đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cong trình xây dựng [1].

1.3. Khái niệm về đường bộ cao tốc

Theo từ điển Collins (Collinsdictionar) đường bộ cao tốc là đường chính nối các thị trấn hoặc thành phố, phương tiện tham gia di chuyển trên đường cao tốc với tốc độ cao không gặp phải chướng ngại vật cần né tránh. Theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đường bộ cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ, dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 04 làn xe chạy (02 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150,00 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50,00 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc). Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 03 cấp như sau: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h. Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 02 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian. [3]. Dự án đường bộ cao tốc thường có quy mô lớn, trải dài, đi qua nhiều địa phận của một hoặc nhiều địa phương. Khi thực hiện có nhu cầu sử dụng vật liệu vô cùng lớn đặc biệt là vật liệu đắp khai thác tại mỏ, yêu cầu và chất lượng vật liệu xây dựng sử dụng có chất lượng cao, mặt khác do đa phần là tuyến mới, chưa có đường vận chuyển vật liệu chủ yếu sử dụng đường công vụ phục vụ thi công với khoảng cách tại nguồn vật liệu rất xa do đó các yếu tố ảnh hưởng tới giá vật liệu xây dựng đến chân công trình cũng nhiều và khó kiểm soát.

1.4. Kiểm soát giá vật liệu xây dựng

1.4.1 Kiểm soát chi phí xây dựng

Theo tổ chức Knowfi Kiểm soát chi phí trong xây dựng là quá trình quản lý chi phí liên tục - chi phí như vật liệu, nhân công, chi phí chung và các biến động giá liên quan đến một dự án nhằm nâng cao hiệu quả. Quá trình kiểm soát chi phí giúp chủ sở hữu và người quản lý dự án thực hiện dự án đúng thời hạn và đúng ngân sách đồng thời tăng hiệu quả được tạo ra từ dự án đó [9.5]. Theo quy định của Luật xây dựng Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng, nguồn vốn sử dụng. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ theo từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng và mặt bằng giá thị trường.

Sau 5 lần đánh giá, quan trắc, nền đường đoạn thí điểm lấy cát biển làm vật liệu đắp đều ổn định, chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.- Ảnh Internet

1.4.2. Kiểm soát giá vật liệu xây dựng

- Kiểm soát giá cả hay biện pháp kiểm soát giá là các chính sách, quy định được áp dụng bởi Chính phủ hoặc các tổ chức chính trị với mục đích ổn định giá cả trên thị trường. Các biện pháp này bao gồm các quy định về giá cả tối đa, giá cả tối thiểu, giá cả định mức, các chương trình giảm giá, thuế và các hạn chế về sản xuất và tiêu thụ. Biện pháp kiểm soát giá cả là việc Chính phủ can thiệp vào thị trường bằng cách áp đặt giá tối đa hoặc giá tối thiểu cho một số sản phẩm hoặc dịch vụ. Mục đích của việc kiểm soát giá cả là để đảm bảo sự ổn định của giá cả và tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ với giá cả phù hợp [9.4].

- Kiểm soát giá cả có vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định nguồn cung cấp vật liệu và giá cả vật liệu, thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất của doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế. Đồng thời phòng, chống hành vi lợi dụng giá tăng cao, làm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng [9.4].

- Kiểm soát giá trong xây dựng là quá trình quản lý chi phí liên tục gồm nhiều thành phần chi phí như chi phí quản lý của doanh nghiệp, chi phí cấu thành giá vật liệu, khả năng cung ứng và nhu cầu vật liệu của các dự án nhằm đảm bảo nằm trong ngân sách hạn định trước. Quá trình kiểm soát chi phí giúp chủ đầu tư và người quản lý dự án thực hiện dự án đúng thời hạn và đúng ngân sách đồng thời tăng doanh thu được tạo ra từ dự án đó [9.5].

- Quy trình mẫu kiểm soát giá có thể gồm các bước như sau: Lập cơ chế vận hành, dự toán chi phí sơ bộ; Phân tích đánh giá các yếu tố chi phí ảnh hưởng tới giá; Thiết lập hệ thông công cụ theo dõi chi phí, theo dõi và đánh giá thường xuyên biến động giá cả; Thu thập dữ liệu, lưu trữ và cập nhật dữ liệu giá thường xuyên, liên tục; Quản lý các yếu tố rủi ro và dự phòng phát sinh ngoài dự kiến, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn và điều chỉnh cho phù hợp. Lập báo cáo và phân tích đánh giá định kỳ [9.5].

- Chủ thể kiểm soát giá tại Việt Nam hiện nay gồm: cơ quan quản lý giá của Nhà nước tại Trung ương (các Bộ cơ quan ngang bộ); cơ quan quản lý địa phương (các Sở); Cấp quyết định đầu tư dự án; Chủ đầu tư; các đơn vị Tư vấn, Nhà thầu thi công; đơn vị hậu kiểm (thanh tra, kiểm toán).

2. Các yếu tố tác động đến kiểm soát giá vật liệu xây dựng đường bộ cao tốc

Có nhiều yếu tố tác động đến kiểm soát giá vật liệu xây dựng theo Tạp chí Procedia Engineering số 164 mối quan hệ giữa thời gian, chi phí và chất lượng công trình và cơ sở dữ liệu để kiểm soát giá vật liệu. Những biến động bất thường về mặt kinh tế, chinh trị, xã hội và biến động giá gây ra đối với của dự án. Trong các dự án xây dựng, thời gian và chi phí là những khái niệm một chiều. Nói cách khác, thời gian và chi phí có thể được thể hiện bởi một giá trị đơn giản tạo ra nhận thức chung giữa những người tham gia dự án. Mặt khác, chất lượng có nhiều chiều và mỗi chiều tạo ra những nhận thức khác nhau giữa những người thực hiện khác nhau. Xem xét các khía cạnh chất lượng nêu trên, có thể khẳng định rằng tính chủ quan đánh giá được đặt lên hàng đầu để xác định chất lượng. Chỉ có chất lượng sản phẩm mới được đánh giá khách quan vì miễn là nó có thể được thể hiện bằng các đặc điểm hoặc thuộc tính kỹ thuật ước tính. Vì chất lượng không phải là thông số định lượng về bản chất nó không thể được biểu thị bằng một giá trị đơn giản như thời gian và chi phí [8]. Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng bao gồm tỷ lệ lạm phát, những thay đổi về tình hình địa chính trị, áp lực trừng phạt, các nguyên tắc kinh tế của toàn cầu hóa và hành động của các quốc gia địa phương và các yếu tố dự đoán quy mô ngành. Các yếu tố khác bao gồm sự biến động của giá tài nguyên, xác định các chỉ số hàng đầu và điều tra độ trễ thời gian tốt nhất giữa các chỉ số này và giá dự đoán. Sự khác biệt trong khu vực về giá nguyên liệu cũng đóng một vai trò, với những hạn chế về giá thông tin nguyên liệu được công bố và sai lệch so với giá thị trường thực tế. Ngoài ra, chi phí và tính chất của vật liệu là những yếu tố then chốt trong việc lựa chọn vật liệu [4]. Với các yếu tố như vậy, trong thực tiễn chúng ta có thể thấy, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, việc kiểm soát chi phí có thể từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, có thể từ phía chủ đầu tư hay việc kiểm soát chi phí của các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng có liên quan tới chi phí vật liệu xây dựng. Từ yếu tố tác động chính là mối quan hệ giữa thời gian xây dựng, yêu cầu về chất lượng vật liệu và chi phí xây dựng đường bộ cao tốc có thể chỉ ra một số các yếu tố thường xảy ra trong thực tiễn đối với mối quan hệ này. Một số yếu tố chủ yếu tác động bao gồm: - Các cơ chế chính sách, pháp luật, hướng dẫn về kiểm soát giá vật liệu xây dựng đặc biệt là vật liệu khai thác tại nguồn còn thiếu và chưa đồng nhất trồng chéo, chưa rõ vai trò của các chủ thể. - Hình thức tổ chức và bộ máy quản lý giá từ trung ương đến địa phương còn bất cập, chồng chéo. - Năng lực, nguồn lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giá vật liệu còn thiếu và yếu. - Vấn đề phân cấp quản lý các nội dung quản lý giá vật liệu xây dựng cho các dự án cao tốc đặc biệt là các dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ còn chưa cao, lúng túng trong thực hiện. - Các hệ thống công cụ để kiểm soat giá vật liệu còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. - Hệ thống cơ sở dữ liệu về giá vật liệu xây dựng sử dụng cho các dự án đường cao tốc còn thiếu và nhiều bất cập. - Nhu cầu vật liệu xây dựng cho các dự án cao tốc rất lớn, tập trung vào một thời điểm dẫn đến thiếu nguồn cung ứng. - Tình hình biến động giá vật liệu thế giới và trong nước không ổn định, bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh (covid 19) và tình hình địa chính trị trên thế giới. Đặc biệt đối với vật liệu, nhiên liệu nhập ngoại. - Sự thay đổi về công nghệ xây dựng, ứng dụng vật liệu mới như cát biển, cát xay,... dẫn đến lúng túng trong xác định giá vật liệu này.

 

3. Thực trạng công tác kiểm soát giá vật liệu xây dựng đường cao tốc thời gian vừa qua

Hiện nay nước ta đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc (đường cao tốc) với quy mô rất lớn phấn đấu đến năm 2025 cả nước đạt 3000 km và đến năm 2030 đạt 5000 km đường bộ cao tốc. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cục kỳ lớn đặc biệt là vật liệu xây dựng làm nền như cát, đá, đất đắp. Các dự án đường cao tốc đã được phân cấp mạnh mẽ cho các chủ thể Ban quản lý dự án chuyên ngành, UBND tỉnh làm chủ đầu tư nhằm đẩy mạnh tính tự chủ trong việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong đó có kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Các Bộ chuyên ngành cùng phối hợp với địa phương và các chủ thể tham gia quản lý dự án tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách và phù hợp với tình hình thực tế, bước đầu đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ, chưa có tiền lệ trong việc xác định, kiểm soát và quản lý giá vật liệu xây dựng sử dụng cho các dự án đường cao tốc từ khâu chuẩn bị đến quyết toán dự án đưa vào sử dụng. Bên cạnh các kết quả đạt được, việc kiểm soát giá vật liệu xây dựng còn một số tồn tại hạn chế chủ yếu như sau:

 - Năng lực và số lượng cán bộ của Nhà nước thực hiện việc kiểm soát giá vật liệu từ Trung ương đến địa phương: Cán bộ là nhân tố mang tính chất quyết định tới chất lượng và hiệu quả công việc. Trong thời gian qua mặc dù đội ngũ các Bộ thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý giá vật liệu không ngừng nâng chất lượng và hiệu quả công việc. Tuy nhiên thực tế cho thấy do tính chất khó kiểm soát, phức tạp và chịu ảnh hưởng nhiều bởi quy luật giá cả có yếu tố cung cầu, cũng như thực trạng các dự án áp dụng cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ dẫn đến việc kiểm soát giá vật liệu còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó là lực lượng cán bộ đôi lúc còn thiếu cả về số lượng và chất lượng trong khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong khi nguồn lực phân bổ không đủ dẫn đến việc thiếu nhất chất lượng kiểm soát giá vật liệu đối với các dự án.

- Mô hình tổ chức quản lý của bộ máy quản lý Nhà nước về giá vật liệu từ Trung ương đến địa phương từ thực tế còn chưa có sự nhất quán, thiếu tương đồng của cơ cầu bộ máy tổ chức quản lý như cơ cấu tổ chức của bộ máy Ban quản lý, các Bộ, ngành, địa phương được giao làm chủ đầu tư dự án, sự đầu tư trang thiết bị dụng cụ, công cụ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu từ đó dẫn đến chất lượng công tác quản lý giá vật liệu ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc.

- Sự chồng chéo của các cơ chế chính sách, pháp luật trong quản lý giá vật liệu xây dựng: Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình là quá trình lâu dài chịu sự điều tiết của rất nhiều nhiều bộ, ngành, nhiều cơ chế chính sách pháp luật luật tư công, luật đất đai, luật xây dựng, Luật PPP, luật Giá v.v... có trường hợp dự án trải qua nhiều luật sửa đổi bổ sung cùng với đó là hàng loạt Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ. Nội dung xác định và kiểm soát giá vật liệu chịu ảnh hưởng bởi nhiều điều khoản có sự chồng chéo thậm chí mâu thuẫn trong các quy định dẫn đến lúng túng, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc quản lý phê duyệt giá vật liệu xây dựng áp dụng cho dự án.

- Các Nghị định về quản lý quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được Chính phủ ban hành, các Thông tư hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng được Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng là công tác kéo dài trải qua nhiều Nghị định, nhiều thông tư hướng dẫn nên việc khó khăn lúng túng trong quản lý chi phí cùng với đó là phát sinh các thủ tục điều chỉnh [2,4,6].

- Các phương pháp và công cụ kiểm soát giá vật liệu còn thiếu hướng dẫn cụ thể để xác định, kiểm soát và quản lý giá một số vật liệu đặc thù không có trong công bố giá của địa phương đặc biệt là vật liệu đắp nền khai thác tại nguồn, mỏ vật liệu; Vật liệu nhập ngoại đối với các công trình cầu. Từ đó dẫn đến khó khăn lúng túng trong phân tích, xác định giá các loại vật liệu này dễ dẫn đến tiêu cực, gây lãng phí thất thoát trong lập và quản lý chi phí cũng như quá trình hậu kiểm, quyết toán dự án.

- Việc thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể việc xác định và kiểm soát giá vật liệu theo từng giai đoạn triển khai dự án như trong giai đoạn tổng mức đầu tư; thiếu phương pháp hướng dẫn khảo sát và thu thập thông tin phục vụ công bố giá vật liệu; chế tài quy định phương thức tổ chức, phối hợp và trách nhiệm của các sở ban ngành tại địa phương, khó khăn về nguồn lực thực hiện. Các hướng dẫn, quy định trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư, Chủ đầu tư và các chủ thể tham gia thực hiện xây dựng và kiểm soát giá vật liệu, phân tích đánh giá lựa chọn giá vật liệu đối với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, các đơn vị nhà thầu thi công xây dựng [6].

- Hệ thống cơ sở dữ liệu về giá xây dựng công trình là một bộ phận của hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng đã được đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống dữ liệu này chưa được cập nhật thường xuyên, liên tục, đầy đủ và còn nhiều bất cập nhiều nguồn thông tin, các chủ thể khó tiếp cận nguồn thông tin về giá.

4. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát giá vật liệu xây dựng đường cao tốc

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm soát giá vật liệu từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý chi phí đầu tưu xây dựng từng bước chuẩn xác hoá nguồn thông tin về giá vật liệu đảm bảo yếu tố khả thi trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số nội dung sau. - Đối với Nhà nước: Cần hoàn thiện mô hình quản lý, năng lực tổ chức và cơ chế chính sách quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hạn chế sự trồng chéo trong chức năng nhiệm vụ và chính sách pháp luật giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý giá vật liệu. Đảm bảo đầy đủ nhân lực, nguồn lực, công cụ quản lý nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư, phòng chống lãng phí trong thực hiện kiểm soát giá vật liệu nói riêng và chi phí dự án nói chung. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi kèm với đó là có cơ chế kiểm tra giám sát, có chế tài xử lý trách nhiệm đối với chủ thể tham gia quá trình quản lý giá. Hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin về giá đáng tin cậy, công khai, minh bạch để các chủ thể có liên quan có thể tham khảo đồng thời cũng là công cụ giúp cho việc quản lý nhà nước đảm bảo tính khách quan thống nhất trên cả nước. - Đối với cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư: cần hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý dự án, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác quản lý, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho vấn đề thực tiễn của dự án với cơ quan quản lý nhà nước từng bước giải quyết khó khăn vướng mắc thực tiễn đề ra. Đồng thời chủ động, quyết liệt đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền xác định giá vật liệu cho công trình, phối hợp chỉ đạo các đơn vị tư vấn hoàn thành trách nhiệm thực hiện thông qua hợp đồng đảm bảo tính đầy đủ, tiết kiệm với giá vật liệu sử dụng cho dự án. - Đối với các đơn vị tư vấn, nhà thầu tham gia dự án: Tuân thủ các quy định của Nhà nước về xác định giá vật liệu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trung thực trong việc khảo sát, thu thập thông tin về giá và xây dựng giá vật liệu sử dụng cho dự án đảm bảo tính đúng tính đủ, lựa chọn giá phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, thực tế của dự án. Cung cấp thông tin dữ liệu về giá cho cấp có thẩm quyền nhằm xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia phục vụ công tác lập và quản lý chi phí xây dựng. Qua thực tế triển khai, phát hiện, tổng hợp tồn tại bất cập (nếu có) đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền cùng bàn bạc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án.

 Kết luận

 Kiểm soát giá vật liệu xây dựng đối với xây dựng đường bộ cao tốc có vai trò hết sức quan trọng và chịu tác động của nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Việc nhận diện và chỉ ra các yếu tố tác động chủ yếu, các tồn tại hạn chế và nguyên nhân, từ đó giúp các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình quản lý, cơ cở dữ liệu công cụ quản lý trong việc quản lý chi phí các dự án đường bộ cao tốc tại Việt Nam hiện nay.

TS TRẦN VĂN KHÔI* , THS NGUYỄN TIẾN BÙI**

*Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng ** Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1]. Luật giá số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV

[2]. Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

[3]. Thông tư 06/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.

[4]. Giáo trình kinh tế vi mô nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

[5]. Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29/12/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng.

[6]. Báo cáo một số giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống công cụ phục vụ xác định chi phí đầu tư xây dựng ngày 5/01/2024 của Viện Kinh tế xây dựng.

[7]. Assessment and modelling the dynamics of building materials prices in the current conditions. Svetlana Uvarova, Svetlana Belyaeva, V. A. Bolgov 30 Mar 2023- Nedvižimostʹ: èkonomika, upravlenie-Iss: 1, pp 27-32.

[8]. Construction Materials-based Methodology for Time-Cost-quality Trade-off Problems, Procedia Engineering 164 ( 2016 ) 35 - 41

[9]. Một số website: [9.1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1_c%E1%BA%A3

[9.2]. https://www.superfastcpa.com/what-is-material-cost/

[9.3]. https://www.accountingtools.com/articles/material-cost

[9.4]. https://luatminhkhue.vn/kiem-soat-gia-ca-bien-phap-price-controls-la-gi.aspx

[9.5]. https://www.knowify.com/blog/construction-budget-project-cost-control/

Các tin khác

Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa
Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa

MTXD – Theo Quyết định số 1710/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, đến năm 2045, có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 1.535,59ha.

Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang
Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang

​MTXD - Biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi văn hóa làng và văn hóa làng nghề nói riêng...

Thủ tướng chỉ thị triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng
Thủ tướng chỉ thị triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Quy hoạch tạo động lực, cơ hội để phát triển xứng tầm Thủ đô
Quy hoạch tạo động lực, cơ hội để phát triển xứng tầm Thủ đô

​MTXD - Thủ đô Hà Nội, đô thị đặc biệt "văn minh - văn hiến - hiện đại" đang trên đà phát triển mạnh mẽ để sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Trong tiến trình phát triển đó, không thể không kể đến vai trò của công tác quy hoạch.

Ngày 3/5/1954: Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308 tiến công làm chủ cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh
Ngày 3/5/1954: Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308 tiến công làm chủ cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh

​MTXD - Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận Ðiện Biên Phủ, ngày 3/5/1954, Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308 tiến công làm chủ cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh.