Chiếm dụng văn hóa trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên Việt Nam
MTXD - Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên Việt Nam vô cùng đa dạng và đặc sắc, thể hiện ở nhiều phương diện trong đó có kiến trúc cộng đồng như Nhà Rông, nhà Dài, và các thể loại công trình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và đời sống khác. Một số biểu hiện đặc sắc này đã và đang được khai thác rộng rãi trong thiết kế xây dựng nhiều thể loại kiến trúc tại khắp cả nước, đặc biệt tại các đô thị khu vực Tây Nguyên. Thực trạng 'chiếm dụng văn hóa' ngày càng trở nên phổ biến, đôi khi làm ảnh hưởng tiêu cực, sai lệch hoặc lu mờ các giá trị văn hóa cốt lõi chính thống. Nghiên cứu này tổng hợp các giá trị văn hóa được biểu hiện trong một số công trình kiến trúc cộng đồng tiêu biểu tại Tây Nguyên, từ đó, đánh giá mức độ sai lệch của các giá trị này trong kiến trúc một công trình văn hóa được xây dựng gần đây tại khu vực Tây Nguyên. Trên cơ sở nhận định các mặt tiêu cực và tích cực của hành vi chiếm dụng này, nghiên cứu bàn luận một số hướng ứng xử phù hợp trong thiết kế và xây dựng công trình văn hóa nói chung và kiến trúc công đồng nói riêng tại khu vực Tây Nguyên và vùng lân cận.
Từ khóa: Chiếm dụng văn hóa; kiến trúc cộng đồng; dân tộc thiểu số; Tây Nguyên Việt Nam.
1-Đặt vấn đề
Đa sắc tộc là một trong những yếu tố tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa Việt Nam và các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng. Hiện nay, các hoạt động khai thác văn hoá các dân tộc nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội ngày càng đa dạng và phổ biến. Khi văn hóa của các dân tộc thiểu số được lan tỏa rộng rãi đến đại chúng thông qua góc độ của cá nhân hay tập thể không thuộc nền văn hóa được khai thác thì những nhận định về nền văn hóa đó có nguy cơ được gắn mác một cách sai lệch, tạo ra những khác biệt so với văn hóa gốc do dựa trên góc nhìn và hiểu biết cá nhân từ ngoài cộng đồng. Kết quả trở thành chiếm dụng văn hóa (CDVH). Trong kiến trúc, CDVH thường xuất hiện ở các khu vực có các nền văn hóa thiểu số, chủ yếu giữa người Kinh và các đồng bào thiểu số tại các vùng cao [1]. CDVH tạo ra nguy cơ tổn hại đến văn hóa cộng đồng, làm lu mờ quyền sở hữu văn hóa của đồng bào. Cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị, hình ảnh những căn nhà sàn, Nhà Dài, Nhà Rông và thậm chí buôn làng nay đã dần trở thành các kiến trúc hiện đại, thích nghi với sự phát triển và nhu cầu của xã hội, hiện diện phổ biến tại các đô thị khu vực Tây Nguyên. Nghiên cứu dựa trên lựa chọn 5 công trình văn hóa trong khu vực Đắk Lắk để làm rõ hơn các yếu tố tạo nên CDVH trong kiến trúc cộng đồng tại đây.
2- Tổng quan về CDVH trong kiến trúc
Theo UNESCO: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỷ, các hoạt động sáng tạo đấy đã cấu thành hệ thống giá trị, truyền thống, thị hiếu, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó, dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình” [2].
Biểu hiện văn hóa trong kiến trúc gồm các yếu tố: con người, tự nhiên và xã hội, thông qua các hoạt động sáng tạo và tương tác xã hội, bản sắc văn hóa dần được hình thành [6]. Trước sự thay đổi của xã hội và giao thoa văn hóa giữa các vùng văn hóa, CDVH đang tác động đến gìn giữ bản sắc văn hóa của các vùng văn hóa yếu thế hơn.
Sơ đồ 1: Sơ đồ khái quát biểu hiện văn hóa trong kiến trúc
Sơ đồ 2: Sơ đồ phản ánh các nhóm yếu tố đặc trưng văn hóa dân tộc
CDVH (Cultural appropriation) hay ‘vay mượn văn hóa’ có nguồn gốc từ các nghiên cứu hậu thuộc địa (post-colonialism) trong giai đoạn những năm 1970-1980 với mục đích phê phán các hành vi thực dân hóa [8], khi phía chiếm ưu thế hơn (phía xâm lược) sử dụng không chỉ tài nguyên thiên nhiên, của cải, vật chất mà còn lấy cả các tài sản văn hóa của nhóm yếu thế để phục vụ cho mục đích riêng [9]. Trong lĩnh vực kiến trúc, CDVH xảy ra khi xây dựng các công trình sử dụng các yếu tố văn hóa mà không có sự chấp thuận hoặc trải nghiệm sâu sắc cuộc sống tại cộng đồng bản địa, dẫn đến việc một số công trình không được sử dụng, bị bỏ hoang hoặc xuống cấp, không còn là niềm tự hào hay biểu tượng cho cộng đồng. Hậu quả còn gây ra nhầm lẫn về văn hóa giữa các dân tộc thiểu số, xâm phạm quyền lợi và chủ quyền văn hóa của đồng bào.
Sau một thời gian theo các xu hướng kiến trúc trên thế giới, tại Việt Nam kiến trúc mang bản sắc văn hóa địa phương đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt thể loại công trình văn hóa. Tại những vùng mà biểu hiện văn hóa càng đặc sắc trong kiến trúc truyền thống, thì hiện tượng CDVH càng phổ biến hơn. Trong khi một hình thức và biểu hiện vật chất được chuyển tải khá thành công ở một số thiết kế kiến trúc hiện đại và đương đại, các yếu tố mang nghĩa và phi vật chất của đặc trưng văn hóa lại thường xuyên bị sai lệch hoặc khiên cưỡng gán ghép.
2.1 Tổng quan về CDVH trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên
Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên. Sự phát triển về kinh tế và xã hội khiến cho văn hóa các dân tộc đồng bào tại khu vực có sự chuyển biến rõ rệt. Bài báo nghiên cứu tập trung vào khu vực Đắk Lắk để có cái nhìn bao quát về CDVH trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Kiến trúc truyền thống các dân tộc thiểu số từ hình thức, công năng đến ý nghĩa đều gắn liền với ngôi làng. Tách biệt một trong các thành phần hoặc làm sai lệch đi mà không có sự đánh giá và xem xét sẽ làm ảnh hưởng đến văn hóa của cộng đồng bản địa. Công trình kiến trúc truyền thống của cộng đồng gồm:
Nhà Rông, Nhà Dài và Nhà Mồ. Mỗi công trình đều có vai trò, chức năng và ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng mỗi nhóm dân tộc thiểu số. Những công trình này được mỗi buôn làng chú trọng xây dựng nhằm gửi gắm niềm tin, giá trị tinh thần và truyền tải văn hóa của dân tộc, cộng đồng. Nhà Rông là linh hồn của buôn làng dân tộc như Gia Rai, Ba Na... ở phía bắc Tây Nguyên. Theo quan niệm của đồng bào, mỗi cá nhân đều gắn với cộng đồng. Chính vì vậy, cần có một nơi để cả cộng đồng cùng nhau gắn kết và sinh hoạt, trong đó Nhà Rông thể hiện đậm nét văn hóa của người làng.
Ở một góc độ khác, khi mà Nhà Rông gắn liền với các dân tộc theo chế độ phụ hệ, nam giới là những người quan trọng trong làng (ở một số buôn theo chế độ phụ hệ, chỉ có nam giới được ngủ lại ở Nhà Rông), thì Nhà Dài lại là biểu tượng đậm nét nhất của các dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Với Nhà Dài, “bà chủ nhà” là người quyết định các việc quan trọng. Nhà Dài vừa là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, lại vừa là nơi sinh hoạt của các gia đình nhỏ.
Kiến trúc Nhà Mồ là mô phỏng hoàn toàn hình dạng ngôi nhà của đồng bào với kích thước nhỏ. Ngoài ra, với người Êđê và Gia Rai thì Nhà Mồ là hình dạng ngôi nhà sàn dài, tuy nhiên kích thước nhỏ hơn.
Nhà Rông của người Xơ Đăng (Nguồn: Internet)
Nhà Dài của người Xtiêng (Nguồn: Internet)
Nhà Mồ cổ người Gia Rai (Nguồn: Internet)
Hình 1. Kiến trúc một số kiến trúc cộng đồng tiêu biểu của các dân tộc Tây nguyên
2.2 Thực trạng công trình cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk
Sự thay đổi trong hình thái kiến trúc các công trình cộng đồng tại Đắk Lắk do các yếu tố nội sinh và ngoại sinh tác động tới văn hóa. Nội sinh ở mặt bản chất của văn hóa: sự chọn lọc của con người và biểu hiện ra các yếu tố văn hóa. Ngoại sinh là tình hình kinh tế, xã hội... tác động. Qua thời gian, từ ảnh hưởng của chiến tranh đến những thay đổi của kinh tế, xã hội, sự ảnh hưởng của hội nhập và toàn cầu hóa đã tạo ra những công trình văn hóa cộng đồng không còn gắn với văn hóa của đồng bào.
Sơ đồ 3: Sơ đồ thể hiện một số biến đổi hình thái các công trình cộng đồng tại Tây Nguyên.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đến hiện tại tỉnh có hơn 1.700 thôn, buôn có nhà văn hóa cộng đồng. Từ năm 2019 đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có 1.723/1.917 thôn, buôn có Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường đạt 89,88%. Số lượng nhà văn hóa cộng đồng đảm bảo trang thiết bị tối thiểu là 1.007 nhà, chiếm 58,44%. Trong đó, có 967 nhà hoạt động mức trung bình, 31 nhà không hoạt động. Hầu như mọi thôn, buôn đều có nhà cộng đồng, các công trình đa số được xây dựng theo kiến trúc hiện đại và có hình thức giống nhau, vị trí xây dựng theo vị trí được quy hoạch [3]. Sự thay đổi trong kiến trúc và văn hóa của đồng bào phần nào dẫn đến thực trạng này. Các công trình với lối kiến trúc xa lạ với kiến trúc truyền thống, không chuyển tải giá trị tinh thần hay văn hóa của cộng đồng.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến CDVH trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên
Trong quá trình hình thành, sự mang nghĩa tạo nên tính truyền thống cho công trình. Biểu tượng là “phần có nghĩa” trong công trình, biểu thị thông qua các giá trị tinh thần. “Biểu tượng có vị trí then chốt trong quá trình “mã hóa” (codify) và giải mã decode)”. Trong kiến trúc, các chi tiết, thành phần kiến trúc là “phần mang nghĩa”, và thông qua các biểu tượng hình thành “phần có nghĩa”. Công trình với các biểu tượng văn hóa biểu thị thông qua các giải pháp không gian kiến trúc [4].
● Yếu tố bối cảnh Yếu tố bối cảnh chiếm vị thế không nhỏ trong việc xác định bản sắc dân tộc. Nghiên cứu trong bài sử dụng bối cảnh là hoàn cảnh, tình huống thực tế có tác động tới con người và là nguyên nhân để xảy ra vấn đề trong một tình huống cụ thể. Bối cảnh văn hóa gồm tình hình lịch sử, văn hóa, xã hội, địa lý, phong tục và thể chế chính trị. Các nghiên cứu và tìm hiểu về bối cảnh từ các thành phần: nơi chốn, không gian, thời gian của đối tượng làm rõ được mối quan hệ giữa đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.
Sơ đồ 4: Sơ đồ bối cảnh lịch sử Tây Nguyên qua các giai đoạn (Nguồn: nhóm tác giả)
Trong suốt tiến trình lịch sử, với vị thế trên vùng núi cao và chưa được khai phá, văn hóa, phong tục và xã hội tạo nên nét đặc trưng của đa số bản, làng tại Tây Nguyên chính là tính cộng đồng, được tổ chặt chẽ và theo nhiều nguyên tắc khác nhau. Sau này, khi thực dân bắt đầu khai phá (1905-1945), xã hội, văn hóa, con người bắt đầu bị tác động và thay đổi. Mặc dù bị tác động bởi chính sách đồng hóa của thực dân và đế quốc, nhưng với tinh thần dân tộc, văn hóa trong trong giai đoạn này có sự hỗn dung và tiếp biến. Kiến trúc kết hợp giữa kiểu kiến trúc Phương Đông và Phương Tây, kiến trúc vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa nhưng không ngừng đổi mới để thích nghi với tình hình đất nước và thời đại.
● Yếu tố Pháp lý liên quan đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào
Quyết định 2558/QĐ-BVHTTDL năm 2022 của Bộ VHTTDL xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa tại thôn đồng bào dân tộc; Luật số 28/2001/QH10 của Quốc hội: Di sản văn hóa; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/ 9/ 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa…
Trong quy chế quản lý kiến trúc đô thị, tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 85/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 07/ 9/ 2020) thì xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc gồm:
- Các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán tại địa phương liên quan đến bản sắc trong kiến trúc.
- Các hình thái kiến trúc đặc trưng; kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu truyền thống của địa phương.
- Lựa chọn phương án, định hướng kiến trúc đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng mới, cải tạo công trình kiến trúc.
Những nghị định và chủ trương của Chính phủ có ảnh hưởng đến xu hướng thiết kế các công trình dành cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng gặp phải không ít thách thức.
4. Cơ sở đánh giá mức độ CDVH
4.1Cơ sở xác định các yếu tố cấu thành kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số
Công trình kiến trúc truyền thống gắn với văn hóa của cộng đồng tại khu vực, với đồng bào, mỗi công trình cộng đồng là biểu tượng của buôn làng. Các yếu tố trong công trình biểu thị ý nghĩa và giá trị văn hóa.
Phương pháp phân tích hình thái học tổng hợp và phân tích một nhóm các đối tượng kiến trúc cần nghiên cứu thông qua các tiêu chí đánh giá về hình thái để hiểu rõ về sự hình thành và các đặc điểm của chúng trong giai đoạn nhất định [5].
Dựa vào phương pháp hình thái học phân tích các thành phần của công trình: vị trí; quy mô; hình thức mặt đứng; khung kết cấu; kỹ thuật xây dựng; vật liệu; chi tiết trang trí; không gian sinh hoạt, bộ nóc cùng với công năng và ý nghĩa gắn với các thành phần này.
4.2 Cơ sở xác định các giá trị văn hóa trong kiến trúc truyền thống
Vấn đề khai thác văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà ở tại các đô thị Việt Nam, luận án Tiến sĩ của TS.KTS Nguyễn Song Hoàng Nguyên đã tổng hợp hệ giá trị văn hóa trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, các nguyên tắc chọn lọc giá trị văn hóa trong kiến trúc nhà ở truyền thống, biểu hiện giá trị văn hóa kiến trúc qua yếu tố hình thức và công năng [5] nghiên cứu đánh giá các biểu hiện văn hóa truyền thống trong kiến trúc qua: tính dung hòa với tự nhiên; tính chân thực; tính linh hoạt/ đa năng; tính cộng đồng; tính tư hữu; tính biểu hình; tính dân gian; tính sinh lợi; tính hiếu khách.
4.3 Cơ sở đánh giá mức độ CDVH trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên
● Nghiên cứu thực hiện các bước nghiên cứu:
- Tổng hợp các biểu hiện văn hóa trong các loại hình kiến trúc truyền thống Tây Nguyên.
- Phân tích biểu hiện công trình cần đánh giá để so sánh tương quan từ đó đánh giá mức độ sai lệch. Sai lệch càng nhiều, mức độ chiếm dụng càng biểu hiện sự tiêu cực.
- Để đánh giá mức độ tiêu cực của chiếm dụng văn hóa, nhóm nghiên cứu dựa trên sơ đồ dạng trục tọa độ. Trục sai lệch văn hóa tương ứng với số lượng các thành phần của công trình đi kèm công năng và ý nghĩa của cộng đồng. Trục lợi ích nền văn hóa được chuyển tải tương ứng các giá trị văn hóa.
● Kết quả nghiên cứu
- Từ số lượng tương tác giữa các biểu hiện kiến trúc ở Nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ và các giá trị văn hóa truyền thống đã chọn để đánh giá được kết quả ở cột ngang và cột dọc, theo đó số lượng tương tác từ cao đến thấp theo thang điểm từ 1-10 thể hiện 04 mức độ bao gồm: Rất quan trọng (>7); Quan trọng (5 - 6); Ít quan trọng (3-4); Không quan trọng (<3), Nghiên cứu loại bỏ được các giá trị không quan trọng và chọn ra được 5 giá trị và 7 thành phần theo thứ tự rất quan trọng đến ít quan trọng (Xem bảng 1, riêng nhà mồ là loại công trình đặc thù về tâm linh và tín ngưỡng nên sẽ được đánh giá ở các nghiên cứu sau).><3). Nghiên cứu loại bỏ được các giá trị không quan trọng và chọn ra được 5 giá trị và 7 thành phần theo thứ tự rất quan trọng đến ít quan trọng (Xem bảng 1, riêng nhà mồ là loại công trình đặc thù về tâm linh và tín ngưỡng nên sẽ được đánh giá ở các nghiên cứu sau).
- Bảng 2, tổng hợp có chọn lọc các biểu hiện văn hóa truyền thống trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên thông qua các kết quả số lượng tương tác và tổng số tương tác của các giá trị văn hóa và thành phần văn hóa đánh giá trong công trình cộng đồng truyền thống. Nghiên cứu đánh giá CDVH trong kiến trúc một công trình với kiến trúc truyền thống các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, xem xét các yếu tố:
- Công trình dùng để đánh giá là thể loại công trình dành cho cộng đồng: công trình văn hóa.
- Lập bảng đánh giá biểu hiện văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên trong công trình cần đánh giá với các thành phần và giá trị tương tự bảng 2
- Từ kết quả số lượng tương tác ở bảng 2 và ở công trình cần đánh giá, đánh giá mức độ chiếm dụng dựa theo mô hình tháp. Kết quả có các mức độ như sau:
Hình 2.Tháp so sánh biểu hiện văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên (Nguồn: nhóm tác giả)
- CDVH tích cực (hay còn gọi là tiếp biến văn hóa): công trình có tổng số lượng tương tác từ 19-29: Công trình chuyển tải nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số.
- CDVH mang tính dung hòa (CDVH nhưng ở mức độ hợp lý): Công trình có tổng số lượng tương tác từ 9-18: Công trình chuyển tải giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số.
- CDVH mang tính tiêu cực: Công trình có tổng số lượng tương tác từ 4-8: Công trình chuyển tải ít giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số.
- CDVH rất tiêu cực: Công trình có tổng số lượng tương tác từ 1-3: Công trình gần như không chuyển tải giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Để đánh giá mức độ tiêu cực của CDVH, nghiên cứu dựa trên sự sai lệch văn hóa và lợi ích cho nền văn hóa được chuyển tải, tương ứng với 7 thành phần biểu hiện và 5 giá trị đã chọn để đánh giá ở trên.
Hình 3. Hệ trục đánh giá mức độ CDVH (Nguồn: nhóm tác giả)
5. CDVH các dân tộc thiểu số trong kiến trúc cộng đồng tại Đắk Lắk
Tại các nước phương Tây, CDVH xác định giữa hai đối tượng văn hóa thuộc hai quốc gia khác nhau thì tại nước ta, CDVH thường xảy ra giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số.
Dựa vào phương pháp đánh giá CDVH trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu áp dụng vào 5 mẫu công trình tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Qua sự đánh giá và xếp loại mức độ, các công trình đưa ra các kết quả tương ứng với các mức độ chiếm dụng khác nhau, từ mức 1, 2, 5 và 8 (Hình 4a), thể hiện đa dạng các mặt tích cực và tiêu cực trong hành vi CDVH.
Hình 4. Sơ đồ thể hiện mức độ CDVH trong kiến trúc 5 công trình hiện nay với kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên (Nguồn: nhóm tác giả)
Hình 5. Biểu hiện văn hóa trong kiến trúc cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung và trong 5 công trình văn hóa tiêu biểu (Nguồn: nhóm tác giả)
Trong đó:
(A)Công trình Bảo tàng Đắk Lắk
Theo bảng đánh giá, công trình đạt mức chiếm dụng 8 trên sơ đồ đánh giá mức độ chiếm dụng. Qua phân tích các thành phần: vị trí; quy mô; vật liệu; hình thức mặt đứng; không gian sinh hoạt; chi tiết trang trí; bộ nóc, có tổng cộng 19 tương tác với 5 giá trị văn hóa: tính cộng đồng, tính dân gian, tính linh hoạt/đa năng, tính dung hòa với tự nhiên, tính biểu hình. Qua đánh giá của nhóm nghiên cứu cho thấy, các giá trị văn hóa được chuyển tải qua các đường nét và biểu tượng mô phỏng kiến trúc truyền thống, mặc dù công trình cũng là biểu tượng cho văn hóa địa phương nhưng hình ảnh nhà Rông, nhà Dài chỉ thể hiện ở hình khối, còn bên trong bố trí công năng như bảo tàng, không còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Tuy nhiên, với các giá trị mà công trình mang lại cho cộng đồng, công trình không CDVH kiến trúc truyền thống mà còn thể hiện sự tiếp biến văn hóa, chuyển tải các giá trị và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa.
(B) Công trình Bảo tàng thế giới Cà phê
Công trình CDVH mức độ ít (mức độ 5). Qua các phân tích trong bảng đánh giá, công trình có 12 tương tác giữa các thành phần với các giá trị văn hóa. Tính dân gian và tính dung hòa với tự nhiên không biểu hiện qua các thành phần văn hóa. Không gian chức năng bố cục kể chuyện theo mục đích của chủ đầu tư. Hình khối được thiết kế “cách điệu” từ kiến trúc truyền thống nhà Dài của đồng bào dân tộc Ê Đê. Với các biểu hiện trên, công trình cân bằng giữa CDVH và chuyển tải văn hóa, gợi mở về dân tộc đông đảo nhất tại địa phương.
(C) Trung tâm lễ hội huyện Buôn Đôn
Công trình thể hiện sự CDVH văn hóa tiêu cực (mức độ 2), là hành vi chiếm dụng gây ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa khu vực. Quy mô và hình thức kiến trúc khác lạ, thiếu sự trau chuốt, so với bảo tàng Đắk Lắk và bảo tàng thế giới cà phê với các biểu tượng văn hóa trong các thành phần kiến trúc, Trung tâm lễ hội huyện Buôn Đôn với công năng là nơi thực hiện các lễ hội cho người dân nhưng kết hợp nhiều biểu tượng văn hóa của đồng bào các dân tộc vào chung một công trình. Công trình tạo sự hòa trộn và nhầm lẫn giữa văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên và văn hóa hiện đại.
(D) Nhà sinh hoạt cộng đồng huyện Buôn Đôn
Trong khi trung tâm văn hóa huyện Buôn Đôn với không gian thoáng rộng để thực hiện các hoạt động cộng đồng của đồng bào, thì Nhà sinh hoạt cộng đồng huyện Buôn Đôn với quy mô nhỏ. Công trình sử dụng các vật liệu hiện đại như tường gạch, mái ngói, kiến trúc dạng nhà sàn nhỏ, ngôi nhà cộng đồng nhỏ bé gần như không mang lại giá trị cộng đồng cho cộng đồng. Công trình gần như không có sự tương tác giữa các thành phần kiến trúc và các giá trị văn hóa.
(E) Nhà văn hóa cộng đồng buôn Pốk A
Giống như Nhà văn hóa huyện Buôn Đôn, Nhà văn hóa cộng đồng buôn Pốk A gần như không biểu hiện giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Qua đánh giá công trình được xếp ở mức độ 1, mức độ tiêu cực nhất của chiếm dụng văn hóa. Công trình không mang đến giá trị văn hóa nào cho cộng đồng, hơn nữa còn bị bỏ hoang do kiến trúc khác lạ, chất lượng công trình kém, không đáp ứng được nhu cầu của sử dụng của đồng bào.
Kết luận
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng: nói đến kiến trúc Việt Nam thì phải hiểu đó là kiến trúc của tất cả các dân tộc trên đất nước này chứ không thể chỉ là kiến trúc của người Việt - dân tộc Việt được. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của từng dân tộc trong kiến trúc là vấn đề cần được quan tâm. CDVH trong kiến trúc cộng đồng đang dần ảnh hưởng tới cộng đồng người dân bản địa, làm lu mờ văn hóa của mỗi dân tộc. Với sự mở rộng, lan tỏa của tình trạng này trong các công trình cộng đồng dành cho đồng bào, sự chấp nhận của chính đồng bào khi văn hóa bị sử dụng cũng như chuyển tải ý nghĩa không còn giống với ý nghĩa ban đầu, sự khai thác văn hóa không kiểm soát tạo ra những kết hợp lạ lẫm, CDVH mang tính chất tiêu cực sẽ càng phổ. Trước thực tế này, người thiết kế kiến trúc cần cẩn trọng và có sự nghiên cứu trải nghiệm, ý kiến, sức lực và kinh nghiệm của đồng bào khi khai thác văn hóa để tránh chiếm dụng văn hóa trong kiến trúc.
Sự kết hợp nhiều yếu tố văn hóa trên một công trình kiến trúc khiến các giá trị văn hóa cần chuyển tải dễ bị sai lệch. Khi sử dụng các biểu hiện văn hóa hiện văn hóa trong kiến trúc truyền thống của các dân tộc thiểu số, kiến trúc sư cần có sự nghiên cứu và am hiểu về cộng đồng sâu sắc. Bài báo đề xuất phương pháp đánh giá mức độ CDVH trong kiến trúc cộng đồng góp phần xác định mức độ CDVH, làm tiền đề cho các nghiên cứu sau về vấn đề khai thác văn hóa trong kiến trúc và hạn chế CDVH tiêu cực.
TS.KTS VŨ THỊ HỒNG HẠNH, NGUYỄN THỊ NGUYỆT DƯƠNG
Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
[1] Hà Yến Chi (2022), Chiếm dụng văn hoá ở Việt Nam, dearourcommunity.com. https://www.dearourcommunity.com/post/mot-bai-viet-cua-ichi-ha-chiem-dung-vanhoa-o-viet-nam-ranh-gioi-sang-tao-hay-cong-cu-phe-phan-p-1, ngày truy cập 11/07/2023.
[2] Hồng Hà (2021), Bản sắc văn hóa của từng quốc gia, dân tộc có vai trò quan trọng trong việc phát triển và xây dựng đất nước, bvhttdl.gov.vn. https://bvhttdl.gov.vn/ban-sac-van-hoa-cua-tung-quoc-gia-dan-toc-co-vai-tro-quantrong-trong-viec-phat-trien-va-xay-dung-dat-nuoc-20220322073013015.htm, ngày truy cập 11/07/2023.
[3] Lê Thanh Sơn (1999), Biểu tượng và không gian kiến trúc - đô thị, Nhà xuất bản Xây dựng.
[4] Vũ Thị Hồng Hạnh, Lê Anh Đức, Trương Thanh Hải (2015-2023), Bài giảng phương pháp hình thái học trong kiến trúc tại trường kiến trúc Laval - Canada, Trường Đại học Xây dựng HN.
[5] Nguyễn Song Hoàng Nguyên (2016), Đặc trưng khai thác văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà ở tại các đô thị Việt Nam, Luận án Tiến sĩ ngành Kiến trúc. Đại học Kiến trúc TP.HCM.
[6] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
Tiếng Anh
[8] Christy, Arthur E (1945), The Asian Legacy and American Life (p.55), Published in cooperation with The East and West Association. New York: John Day Company, Published online by Cambridge University Press: 23 March 2011.
[9] Edward W. Said (1979), Orientalism, Vintage Publisher; 1st Vintage Books ed edition (October 1, 2014).
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.