Chiếu sáng xanh để phát triển các đô thị bền vững

​MTXD - Trong xu thế phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng xây dựng và phát triển thành phố.

MTXD - Trong xu thế phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng xây dựng và phát triển thành phố.

Trước đây chiếu sáng chỉ nhằm đẩy lùi bóng tối thì giờ đây với sự phát triển vượt bậc của cách mạng khoa học kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần của con người được cải thiện đáng kể, mục đích và yêu cầu của kỹ thuật chiếu sáng đã có sự thay đổi quan trọng. Chức năng chiếu sáng đó là ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện về tiện nghi lao động, tiện nghi sinh hoạt của con người, nâng cao giá trị thẩm mỹ cho các công trình kiến trúc, phục vụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật thì ngày nay chiếu sáng còn phải tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải, chiếu sáng vì sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, các công nghệ chiếu sáng mới cũng như các giải pháp chiếu sáng mới đều phải hướng tới mục đích này.

1.Chiếu sáng xanh (GREEN LIGHTING) và công nghệ chiếu sáng

 Chiếu sáng Xanh: Theo quan điểm của các nhà sản xuất trong nước và thế giới thì Chiếu sáng Xanh được cấu thành bởi 3 thành phần công nghệ: (1) Nguồn sáng LED hiệu suất cao; (2) Hệ thống điều khiển chiếu sáng thông minh và (3) Sử dụng nguồn năng lượng sạch (năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời, năng lượng gió….).

 Đèn LED (Light Emitting Diodes) là một trong những sản phẩm của chiếu sáng xanh, là thiết bị bán dẫn chuyển đổi điện thành ánh sáng. Chiếu sáng xanh - LED hoàn toàn khác biệt so với các nguồn sáng khác (như đèn dây tóc, đèn huỳnh quang…) không chỉ ở kích cỡ, khả năng tái tạo màu mà đặc biệt là ở sự vận hành của loại đèn này.

Công nghệ chiếu sáng xanh đem lại một số lợi ích về kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng đó là:

- Về kinh tế: Các thiết bị chiếu sáng xanh LED chỉ tiêu tốn 10 - 20% lượng điện năng trong tổng nguồn năng lượng được yêu cầu để vận hành các thiết bị chiếu sáng thông thường, khả năng làm việc của đèn LED dao động từ 30 nghìn đến hơn 50 nghìn giờ, do đó chi phí thay thế của đèn LED cũng được giảm xuống mức tối thiểu.

- Về môi trường: Đèn LED hầu như không chứa chất độc hại, có khả năng tái chế và giúp giảm đến 1/3 lượng carbon thải ra môi trường trong quá trình vạn hành trong tương quan so sánh với các loại đèn khác. Thời gian hoạt động lâu dài sẽ đồng nghĩa với việc đèn lED giúp tiết kiệm nguồn vật liệu.

- Về sức khỏe cộng đồng: Chiếu sáng Xanh có thể tác động tích cực đến sức khỏe và hạnh phúc của con người. Việc cải thiện, nâng cao hiệu quả trong chiếu sáng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo mỹ quan đô thị.

 2. Giải pháp chiếu sáng xanh

 Giải pháp chiếu sáng xanh, đó là tổng thể các giải pháp chiếu sáng sử dụng nguồn sáng chất lượng cao, hiệu suất cao, hiệu suất chiếu sáng an toàn và ổn định, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường, được thiết kế hợp lý, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn, qui chuẩn về chiếu sáng, tạo môi trường chiếu sáng tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Giải pháp chiếu sáng xanh đem lại hiệu quả cao về tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Giải pháp chiếu sáng xanh tiết kiệm tối đa lượng điện tiêu thụ trong chiếu sáng, đạt được độ rọi sáng và độ đồng đều ánh sáng cao giúp mắt không bị điều tiết liên tục trong quá trình làm việc gây mỏi mắt, hạn chế tối đa hiện tượng chói lóa gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động thị giác. Đặc biệt sử dụng nguồn sáng chất lượng cao có chỉ số hoàn màu trên 80 cho chất lượng ánh sáng trung thực, tự nhiên, tạo môi trường chiếu sáng tiện nghi, tạo cảm xúc tích cực, hưng phấn trong làm việc, học tập.

H1. Chiếu sáng đường phố.

H2. Chiếu sáng cầu Vĩnh Tuy - Hà Nội.

H3: Chiếu sáng cảnh quan và công trình.

3. Mối quan hệ giữa hệ thống chiếu sáng LED, các giải pháp chiếu sáng và phát triển đô thị

Tiết kiệm năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng chống và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Việc chuyển sang sử dụng hệ thống chiếu sáng LED mang đến một giải pháp đơn giản và hiệu quả trong việc chuyển đổi XANH trong lĩnh vực chiếu sáng bằng khả năng tiết kiệm năng lượng. Trong xu thế phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng xây dựng và phát triển thành phố.

Nhiều thành phố trên khắp thế giới đã và đang triển khai hàng loạt dự án với các giải pháp chiếu sáng Xanh sử dụng công nghệ đèn LED ở các quy mô khác nhau. Việc chuyển sang đèn LED trong các tòa nhà và trên đường phố đã giảm tới 80% mức tiêu thụ năng lượng và khi đó, hệ thống chiếu sáng công cộng trong các thành phố lớn sử dụng các đèn LED được vận hành từ xa bằng một phần mềm quản lý được lập trình sẵn thời gian bật tắt, tăng, giảm độ sáng và các chức năng thông minh khác, gọi là giải pháp IoT.

 Việc triển khai các giải pháp chiếu sáng Xanh không chỉ đảm bảo cung cấp chất lượng ánh sáng tốt hơn, an toàn giao thông được cải thiện mà còn tiết kiệm chi phí điện năng, giảm thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Chiếu sáng IoT kết nối được tích hợp trong cơ sở hạ tầng chiếu sáng giúp cải thiện an toàn cho người dân, làm đẹp không gian công cộng, thu hút khách du lịch và khuyến khích niềm tự hào của cư dân.

Chiếu sáng đô thị đang được đầu tư và đồng bộ trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Hệ thống chiếu sáng được triển khai song song với việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, làm cho thành phố ngày càng hiện đại hơn, đẹp hơn về ban đêm. Đặc biệt vào các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm trọng đại, các tuyến đường phố được trang trí lung linh, lộng lẫy ánh đèn. Nhiều thành phố lớn của nước ta như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Nha Trang… nhiều trục đường phố đã triển khai thay thế đèn cao áp truyền thống bằng đèn LED với các hình thức chiếu sáng khác nhau.

Đồng thời việc với áp dụng các giải pháp chiếu sáng hợp lý, một số nhiệm vụ quan trọng đã được quan tâm như từ xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh trung tâm điều khiển và giám sát chiếu sáng đến tủ điều khiển chiếu sáng thông minh, tự động đóng vai trò quan trọng trong quản lý chiếu sáng đô thị…

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, việc chiếu đèn LED tại một số đô thị hiện nay đang có nguy cơ gây ô nhiễm ánh sáng. Tại Hà Nội, nhiều nhà cao tầng được phủ lớp bóng điện chớp biến toàn bộ tòa nhà thành màn hình khổng lồ, nhấp nháy liên tục chiếu sáng cả một khu vực (Thăng Long Number One; Diamond Town…). Tại tòa nhà Eurowindow... mỗi buổi tối đi qua đây người dân đều choáng ngợp bởi tòa nhà rực sáng ánh đèn chói lòa, quáng mắt, gây mất tập trung, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Ngoài ánh nắng mặt trời thì nhiều thiết bị như đèn LED, tivi, điện thoại… cũng có thể tạo ra ánh sáng xanh (Blue Light). Lượng ánh sáng xanh mà các thiết bị điện tử phát ra chỉ là một phần nhỏ so với ánh sáng từ mặt trời, nhưng lượng thời gian mọi người sử dụng các thiết bị này và khoảng cách giữa màn hình với mắt của người dùng khiến nhiều bác sỹ lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài của ánh sáng xanh đối với sức khỏe.

Thay lời kết  

Một đô thị hiện đại, thông minh không thể thiếu ánh sáng, chiếu sáng LED và các giải pháp chiếu sáng xanh đã, đang và sẽ làm cho đô thị ngày đẹp hơn, khang trang hơn và mang nhiều dấu ấn và bản sắc hơn. Đô thị phát triển tạo tiền đề cho ngành chiếu sáng phát triển. Chiếu sáng đô thị Việt Nam trong thời đại công nghệ chiếu sáng xanh đang thay đổi nhanh chóng với những cơ hội và thách thức rất lớn, ngành chiếu sáng Việt Nam cần nhận thức rõ để có hướng đi cụ thể để từ đó mới tạo nên đột phá mới góp phần thúc đẩy ngành này phát triển./.

PGS.TS NGUYỄN HỒNG TIẾN*

(Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Thao (2018) Chủ biên; “Công nghệ chiếu sáng LED và ứng dụng”. Nhà xuất bản Thanh Niên ISBN 978 604 973 705 3.

2. Thủ tướng Chính phủ (2010); “Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 về phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025”.

3. Chính phủ (2009); Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 “Quản lý chiếu sáng đô thị”.

4. Cty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, “Hệ Thống & Giải pháp Chiếu sáng Xanh góp phần tạo nên những công trình Xanh”.

5. Tập đoàn Philips Lighting (Signify), “Tiên phong chuyển bước Xanh trong chiếu sáng”.

6. Công ty CP Điện tử Hanel, “Giới thiệu về hệ thống chiếu sáng Xanh thông minh”

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.