Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong đô thị tại Việt Nam hiện nay

MTXD - Tóm tắt: Bài viết hệ thống các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở khu vực đô thị thành 03 nhóm: (1) các chính sách sản xuất và tiêu dùng, (2) các chính sách quản lý chất thải; và (3) các chính sách phát triển chung kinh tế tuần hoàn tại khu vực đô thị.

MTXD - Tóm tắt: Bài viết hệ thống các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở khu vực đô thị thành 03 nhóm: (1) các chính sách sản xuất và tiêu dùng, (2) các chính sách quản lý chất thải; và (3) các chính sách phát triển chung kinh tế tuần hoàn tại khu vực đô thị. Trên cơ sở đó, phân tích và làm rõ điểm tích cực và hạn chế trong các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại khu vực đô thị nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách kinh tế tuần hoàn ở đô thị; Kinh tế tuần hoàn; Kinh tế tuần hoàn tại đô thị.

Bitexco tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại khu đô thị The Manor Central Park

  1. Đặt vấn đề

Đô thị là trung tâm của các hoạt động kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội. Đô thị là nơi tập trung vốn, lực lượng sản xuất, cũng là trọng tâm của những chuyển đổi kinh tế - xã hội của một khu vực/địa phương. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 12/2020 cả nước có 862 đô thị các loại với sấp sỉ 36 triệu người, chiếm là 36,8% dân số cả nước; tốc độ tăng kinh tế cao hơn 2 - 2,5 lần so với tốc độ trung bình; đồng thời là nơi đóng góp khoảng 70% trong tổng số GDP của cả nước. Những điều này cho thấy công cuộc đô thị hóa tại Việt Nam thời gian qua là rất mạnh mẽ. Khu vực đô thị đã, đang và tiếp tục là vùng động lực, các cực phát triển từ đó lan tỏa sự thịnh vượng ra các khu vực xung quanh(Đức Tuân, 2020).

Bên cạnh những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế, hạ tầng; từ rất sớm Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những bất cập về tình trạng các hệ thống trong cùng một không gian đô thị (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ, dân cư, hạ tầng,…) thiếu sự gắn kết, mức tiêu thụ tài nguyên lớn, mức độ phát thải cao và tác động đồng thời, đẩy tình trạng ô nhiễm ở các đô thị đến mức báo động kéo dài, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung đông dân (Bộ TNMT, 2016). Các giải pháp tình thế ít có hiệu quả trong thực tế, đòi hỏi cần tìm một mô hình phát triển các đô thị thân thiện và hiệu quả hơn về cả kinh tế, môi trường và xã hội. Và mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) với những thành tựu đạt được ở nhiều quốc gia trên thế giới đang trở thành một trong những chiến lược kỳ vọng của nền kinh tế nói chung và khu vực đô thị nói riêng hướng tới sự phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020) là văn bản pháp lý đầu tiên thừa nhận việc phát triển mô hình KTTH. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đối với khu vực đô thị, hoạt động KTTH ở khu vực đô thị có thể hiểu là sự tối ưu hóa các dòng vật chất, năng lượng trong mọi hoạt động ở khu vực đô thị, dựa trên các nguyên tắc của việc tuần hoàn vật chất, năng lượng, nguyên liệu,... trong hoặc giữa các ngành, các lĩnh vực của một đô thị, từ đó giúp đô thị trở thành một chỉnh thể gắn kết, linh hoạt, hỗ trợ nhau và cùng phát triển một cách hài hòa, hiệu quả và bền vững hơn.

Trên thực tế, các khía cạnh của nền KTTH tại các đô thị Việt Nam vẫn được thực hiện trong quá trình phát triển. Những hoạt động này đã được đề cập và nhấn mạnh đến trong nhiều các đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, dưới góc độ của KTTH, quá trình phát triển tại khu vực đô thị của Việt Nam thời gian qua còn chứa đựng nhiều hạn chế với mô hình sản xuất - tiêu dùng chưa hiệu quả; mức hao tổn tài nguyên, năng lượng và phát thải lớn; là nguyên nhân cơ bản của thực trạng ô nhiễm môi trường đô thị; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và mất cân bằng sinh thái. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của những tồn tại này được cho là xuất phát từ chính các bất cập của hệ thống chính sách. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả hướng tới hệ thống các chính sách nhằm thúc đẩy KTTH ở khu vực đô thị; phân tích, và làm rõ điểm tích cực và hạn chế trong các chính sáchh hiện tại, góp phần tăng cường hiệu quả của các chính sách KTTH tại khu vực đô thị trong thời gian tới.

  1. Khung chính sách thúc đẩy KTTH tại khu vực đô thị

Về bản chất, hoạt động của KTTH dựa trên “nguyên tắc R” với vòng lặp cơ bản 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế - reduce, reuse, recycle) và có thể mở rộng đến 6R, 9R (từ chối, thay thế, tân trang, tái sử dụng cho mục đích khác, phục hồi năng lượng, khai thác lại,…- Refuse, Replace, Refurbish, Remanufacture, Repurpose, Recycle Materials, Recover energy, Remine) và thậm chí có thể mở rộng hơn nữa. Ở một số khu vực KTTH đã đạt được được ở mức cao trong duy trì giá trị vòng lặp dài, cũng như đạt đến mức xả thải bằng không, hay nói cách khác là không có rác thải (Reike et al. 2018, Kirchherr et al., 2018; Winans, Kendall, & Deng, 2017) Đối với một đô thị, đặc trưng của khu vực này là điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển; tập trung đông dân cư; tập trung nguồn lực tài chính - kinh tế; hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại dịch vụ phát triển, mức độ phát thải lớn,... .Chính vì vậy, các hoạt động KTTH của khu vực đô thị tập trung ở các hoạt động này là chủ yếu. Các chính sách thúc đẩy các hoạt động KTTH tại khu vực đô thị chính vì vậy cũng được chia thành 3 nhóm chính sách chính là chính sách sản xuất và tiêu dùng đô thị; chính sách quản lý chất thải và nhóm các chính sách hỗ trợ chung (tài chính, công nghệ, nhận thức,..).

  1. Các chính sách sản xuất - tiêu dùng tại đô thị gắn với KTTH

Khu vực đô thị là khu vực tập trung lực lượng sản xuất, vốn sản xuất lớn với các hoạt động sản xuất đa dạng gồm công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ và cả nông nghiệp. Hoạt động xây dựng hạ tầng cơ bản tại các đô thị ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam rất phổ biến do nhu cầu lớn về phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ tại các đô thị liên quan đến hệ thống các cửa hàng, nhà nghỉ, khách sạn, văn phòng đại diện,…Sản xuất nông nghiệp tại các đô thị chiếm tỉ trọng thấp và tập trung vào các loại có nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ trực tiếp cho khu vực dân cư đô thị. Đô thị cũng là trung tâm của hoạt động mua sắm và tiêu dùng; bao gồm cả tiêu dùng cho sản xuất, thương mại dịch vụ và tiêu dùng cá nhân.

Để thúc đẩy mô hình KTTH, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng tại khu vực đô thị tập trung vào các chính sách gồm:

- Chính sách sản xuất và tiêu dùng xanh/ bền vững

- Các chính sách về việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng;

- Chính sách về SXSH; chính sách 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế); ... ü Chính sách xây dựng hạ tầng xanh như khu đô thị sinh thái, thành phố sinh thái, hạ tầng đô thị xanh,..

- Chính sách logicstic và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ

- Chính sách thúc đẩy xanh hóa lối sống.

(2) Các chính sách quản lý chất thải đô thị gắn với KTTH

Các chính sách quản lý chất thải nhằm thúc đẩy KTTH đã và đang được triển khai tại khu vực đô thị gồm:

- Chính sách quản lý chất thỉ rắn (CTR): phân loại chất thải tại nguồn, 3R, cộng sinh, trách nhiệm của nhà sản xuất, ... đối với CTR sinh hoạt, CTR thông thường và quản lý, tiêu hủy,... đối với CTR nguy hại - Chính sách quản lý nước thải: phân loại, thu gom, xả thải, tái sử dụng,... cả đối với nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất.

- Chính sách quản lý khí thải công nghiệp, giao thông,..

(3) Các chính sách hỗ trợ chung gắn với KTTH tại đô thị

Ngoài 2 nhóm chính sách trực tiếp can thiệp vào chu trình vận động của vật chất kể trên; nhóm chính sách thứ 3 tham gia thúc đẩy KTTH của khu vực đô thị là hệ thống các chính sách chung gồm:

  • Chính sách ưu đãi về tài chính như ưu đãi về thuế, phí, tài trợ, thu hút đầu tư,...
  • Chính sách hỗ trợ thay đổi nhận thức cộng đồng,.. Chính sách hỗ trợ về công nghệ,... Các chính sách có tác dụng đồng thời tác động lên các quá trình, các hoạt động của vật chất trong khu vực đô thị, hướng tới mục đích hỗ trợ các dòng chảy vật chất khép kín vòng tuần hoàn, giảm thiểu hoạt động xả thải, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng đầu vào, từ đó giảm dần các tác động bất lợi, hướng tới bảo vệ môi trường tự nhiên, hệ sinh thái đô thị và sức khỏe cộng đồng. Đó chính là mục đích cơ bản nhất của việc áp dụng mô hình KTTH tại khu vực đô thị.

3. Thực trạng chính sách thúc đẩy KTTH tại các đô thị của Việt Nam

3.1. Các chủ trương của Đảng về phát triển KTTH

Như đã nêu, các chính sách nhằm phát triển KTTH tại khu vực đô thị được chia thành 4 nhóm, và các chính sách này đều nằm trong hầu hết trong các cương lĩnh, chủ trương của Đảng cộng sản thời gian qua. Xuyên suốt trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, từ Đại hội Đảng VIII (1996) khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho đến nay, chủ trương phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường luôn được nhấn nhạnh; các khía cạnh, giải pháp liên quan đến KTTH cũng thể hiện rõ như:

Từ năm 2004, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nêu rõ một số nhiệm vụ chung liên quan đến các hoạt động của KTTH đô thị như: Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế,.. Đây là cơ sở quan trọng để Nhà nước xây dựng và hoàn thiện hàng loạt các chính sách quan trọng như Luật BVMT 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật chuyển giao công nghệ 2006,... trong đó có lồng ghép và cụ thể hóa các chính sách ngành theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế xanh, KTTH. Tuy vậy, phải đến Đại hội Đảng XIII (2021), cụm từ “kinh tế tuần hoàn” mới được xuất hiện chính thức trong Nghị quyết Đại hội của Đảng và được thừa nhận làm một trong những mô hình phát triển kinh tế trong thời gian tới. Gần đây nhất, Nghị quyết 50/NQ-CP tháng 5/2021cũng coi việc khuyến khích nền KTTH là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian tới: “Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất,..”. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng hàng loạt các chính sách phát triển KTTH trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

 3.2. Các quy định liên quan đến phát triển KTTH trong khu vực đô thị tại Việt Nam

(1) Chính sách sản xuất và tiêu dùng tại đô thị hướng tới nền KTTH

- Chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững

Từ 2016 đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững gồm 02 giai đoạn: 2016 - 2020 và 2021 - 2030. Các chương trình, chính sách sản xuất tiêu dùng được đưa ra gắn bó chặt chẽ với các chính sách phát triển KTTH nói chung và KTTH ở khu vực đô thị nói riêng. Theo đó, nếu mục tiêu của chính sách trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đề cập đến từng khía cạnh của KTTH thì bước sang giai đoạn 2021 - 2030, việc theo đuổi nền KTTH đã được thừa nhận, và mục tiêu của chương trình trong giai đoạn tới là:”...thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền KTTH ở Việt Nam”.

 Năm 2018 Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành. Ở giai đoạn này, các chính sách về KTTH cũng được gián tiếp thúc đẩy thông qua các mục tiêu là xanh hóa sản xuất; giảm cường độ phát thải khí nhà kính, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Trong giai đoạn 2021-2030 hiện nay, các giải pháp liên quan đến phát triển KTTH được đề cập trực tiếp như:“Xây dựng các chính sách, chiến lược hỗ trợ nền KTTH không chất thải; quản lý tổng hợp CTR và nước thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên”.

-Chính sách khai thác và sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng

 Hoạt động về khai thác, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống hiện được quy định tại nhiều các văn bản luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Thực hành Tiết kiệm chống lãng phí (2013), Luật Thuế tài nguyên (2009), Luật Thuế bảo vệ môi trường (2010), Luật Chuyển giao công nghệ (2017), Luật Đất đai (2013), Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Khoáng sản (2010), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010),... Mục tiêu chung của các chính sách này là phát triển kinh tế song song với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, vật chất, năng lượng và bảo vệ các thành phần môi trường tự nhiên, Sự tích hợp cũng đồng nghĩa với hoạt động sản xuất, tiêu dùng theo xu hướng KTTH đã được bao phủ khá đầy đủ.

- Chính sách về SXSH, cộng sinh công nghiêp,..

SXSH được coi là một trong những giải pháp then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; và được đẩy mạnh thực hiện, triển khai trong hầu hết các văn bản về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như: Chiến lược BVMT quốc gia các giai đoạn 2001-2010, 2011- 2020.Cụ thể, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khuyến khích áp dụng các mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, SXSH, kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, trong đời sống cộng đồng đô thị, nông thôn; đồng thời thúc đẩy phát triển các khu vực công nghiệp, đô thị, ... theo hướng thân thiện với môi trường.

Nghị định 82/2018/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam có quy định về “cộng sinh công nghiệp”, “doanh nghiệp sinh thái” hay khu công nghiệp sinh thái. Đâynhững mô hình phát triển công nghiệp theo hướng tuần hoàn và bền vững. Ngoài ra, việc khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp được quy định như: Nước thải có thể được tuần hoàn, tái sử dụng cho các mục đích khác nhau sau khi được thu gom và xử lý theo quy định (Nghị định số 38/2015/NĐ-CP); hay Chất thải công nghiệp như thải tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, luyện kim có thể được phân loại, sơ chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để làm thành nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP).

- Chính sách xây dựng, quy hoạch hạ tầng xanh như khu đô thị sinh thái, thành phố sinh thái, hạ tầng đô thị bền vững,...

Trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng khu vực đô thị nói riêng cho thấy: Từ 2008 Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 01/2018/TT-BXD Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong đó khái niêm, tiêu chí về đô thị tăng trưởng xanh đã được ban hành. Luật Xây dựng 2014 cũng quy định yêu cầu đối với thiết kế xây dựng phải ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường.. Kế hoạch Tăng trưởng xanh của ngành xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Xây dựng cũng tập trung vào điều chỉnh quy hoạch đổi mới đô thị và quy hoạch theo các tiêu chuẩn phát triển bền vững; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng bền vững tại các thành phố được lựa chọn; đổi mới công nghệ, kỹ thuật xây dựng theo hướng xanh hóa; khuyến khích phát triển ngành vật liệu xây dựng xanh; và (vi) sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong xây dựng. Trong khi đó, Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ cần: Xác định, bảo vệ và duy trì hệ khung thiên nhiên gắn với đặc điểm của điều kiện tự nhiên trong từng vùng và trong mỗi đô thị; Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, v.v…vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị và Quy hoạch cấu trúc đô thị hợp lý, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về chỗ ở, chỗ làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí; bảo đảm tiêu chí đô thị xanh, sạch, đẹp.

 Dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình hoàn thiện cũng đã nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị tăng trưởng xanh”; đồng thời “Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hạ tầng xanh, hạ tầng thông minh ...”(Bộ KHĐT, 2021).

Riêng trong lĩnh vực giao thông đô thị, với mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu thụ bền vững, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đề ra 02 giải pháp: (i) nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực về sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu thụ năng lượng trong các hoạt động sản xuất, vận tải và thương mại; và (ii) thay đổi cấu trúc nhiên liệu trong giao thông vận tải. Trong khi đó, Kế hoạch hành động của ngành giao thông vận tải để ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (2016) đề ra một trong các mục tiêu quan trọng gắn với phát triển KTTH ở đô thị là “tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các phương tiện, thiết bị và công nghệ có hiệu quả năng lượng cao trong giao thông vận tải; đến năm 2020, 5-20% các xe buýt và taxi sẽ sử dụng khí nén thiên nhiên, khí dầu mỏ hóa lỏng và năng lượng mặt trời; ...

- Tất cả các chính sách này cho thấy, KTTH trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị đã được quan tâm phát triển từ rất sớm trong quá trình đô thị hóa thời gian qua. Chính sách logistic và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ và logicstic tại các đô thị đã và đang được quản lý và phát triển theo hướng hạ tầng thông minh và dịch vụ chuyển đổi số. Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ dịch vụ logistic là “yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Phấn đấu hình thành dịch vụ trọn gói 3PL (integrated 3PL); phát triển logistic điện tử (e-logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện. Cùng với đó, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã nêu rõ mục tiêu: Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics,....Doanh nghiệp quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa,...

 (2 ) Các chính sách về quản lý chất thải theo KTTH ở đô thị

Các chính sách đối với chất thải đô thị cũng rất quan trọng trong nền KTTH vì nó quyết định đến việc chất thải giữ được giá trị vật chất và tham gia trở lại vòng tuần hoàn hay hết giá trị đển bị thải bỏ.

- Về quản lý chất thải

Trong Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020, một trong những quan điểm phát triển hệ thống các đô thị quốc gia là “đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh….”. Gần đây nhất, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (2018) thể hiện rõ quan điểm quản lý tổng hợp CTR là quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng.Luật BVMT (2005, 2014, 2020) đều xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý chất thải và dựa trên quan điểm cơ bản về sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT; trong đó mới nhất là Luật BVMT 2020 (hiệu lực từ 01/01/2021) cho thấy các quan điểm: rác thải là tài nguyên, ai gây ô nhiễm phải trả tiền, huy động trách nhiệm của nhà sản xuất, người thải bỏ,.. được nhấn mạnh.

- Về quản lý nước thải

Luật BVMT (2014), Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định, nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ TNMT ban hành. Việc sử dụng nước thải sau xử lý được khuyến khích, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu: Chất lượng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho các mục đích khác nhau; và Trường hợp tái sử dụng nước thải sau xử lý thì nước thải đó phải được phân phối đến điểm tiêu thụ theo hệ thống riêng biệt, đảm bảo không xâm nhập và ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước sạch trên cùng địa bàn, khu vực.

Để khuyến khích các hành vi sử dụng hợp lý, tiết kiệm và tuần hoàn nước thải một số chính sách đã được quy định tại Nghị định 54/2015/NĐ-CP về ưu đãi về các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Các hình thức ưu đãi bao gồm vay vốn ưu đãi hoặc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

- Quản lý khí thải, tiếng ồn tại khu vực đô thị

Các quy định về quản khí thải, tiếng ồn tại khu vực đô thị được quy định tại Luật BVMT năm 2014, 2020; Nghị định 19/2015/NĐ-CP, Thông tư 35/2017 TT-BTNMT. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh khí thải, tiếng ồn phải đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, giảm thiểu tiếng ồn theo quy định. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng.

(3 )Các chính sách chung hỗ trợ phát triển KTTH ở đô thị

 Chính sách ưu đãi về tài chính như ưu đãi về thuế, phí, tài trợ, thu hút đầu tư,... Để hỗ trợ các chính sách thúc đẩy KTTH nói chung, KTTH ở khu vực đô thị nói riêng, các chính sách ưu đãi đã được quy định như sau: Luật BVMT (2014), Nghị định 19/2015/NĐ-CP có các quy định về khuyến khích sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải, BVMT: “Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế đối với hoạt động BVMT; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động BVMT, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải”. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đề cập đến 15 lĩnh vực được ưu đãi, trong đó một số lĩnh vực phổ biến tại khu vực đô thị như: · Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) trở lên đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

 · Thu gom, vận chuyển, xử lý CTR thông thường tập trung.

· Xử lý chất thải nguy hại.

· Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN (2008) có quy định:Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải”; “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực BVMT, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và BVMT; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, CTR; tái chế, tái sử dụng chất thải” được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

-Chính sách hỗ trợ thay đổi nhận thức cộng đồng

Các chính sách nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng; thúc đẩy các lối sống bền vững của cộng đồng nói chung, cộng đồng tại đô thị nói riêng bao gồm như chính sách thay đổi về lối sống, chính sách mua sắm xanh, mua sắm công xanh,..cũng được thúc đẩy từ rất và xuyên suốt trong các chính sách. Từ 2004, trong Định hướng chiến lược bền vững ở Việt Nam (chương trình nghị sự 21) nhiệm vụ xây dựng một lối sống lành mạnh, hài hòa, gần gũi và yêu thiên nhiên đã được lần đầu đề cập. Cho đến hiện tại, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 vẫn tiếp tục khẳng định “...tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền KTTH ở Việt Nam. Nội dung này cũng được thể hiện rõ trong các văn bản pháp quy liên quan.

- Chính sách hỗ trợ về công nghệ, khoa học kỹ thuật

Luật Thuế TNDN và các văn bản liên quan gồm Nghị định 218/2013, Thông tư 78/2014 cũng có những quy định ưu đãi liên quan đến các dự án đổi mới công nghệ sản xuất, cụ thể: như Điều 17, luật Thuế TNDN 2008 quy định Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; và Thông tư 78/2014 ghi rõ các điều kiện, định mức, thời gian ưu đãi thuế TNDN đối với các DN có các hoạt động đổi mới công nghệ.

4. Đánh giá chung về cơ chế chính sách thúc đẩy KTTH tại khu vực đô thị

4.1. Thuận lợi

Khung pháp lý thúc đẩy nền KTTH ở Việt Nam khá toàn diện, bao hàm cả chu trình vận động của vật chất từ sản xuất/thương mại/dịch vụ - tiêu dùng - xả thải; từ góc độ kỹ thuật, thể chế thực hiện đến các chính sách hỗ trợ. Việc thừa nhận chính thức về mô hình KTTH trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là căn cứ quan trọng nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động KTTH trong thời gian tới.

Hệ thống các chính sách, quy định; các mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn trong việc thực hiện liên quan đến sản xuất, tiêu dùng; quản lý chất thải theo hướng bền vững, và các chính sách hỗ trợ kèm theo trong những năm qua cho thấy những nỗ lực và kì vọng của Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện hệ thống các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế xanh, KTTH tại Việt Nam nói chung và tại khu vực đô thị nói riêng

Hệ thống các chính sách thúc đẩy SXSH, xanh hóa sản xuất; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất, tiêu dùng đô thị được triển khai xuyên suốt; tích hợp đa dạng trong các chính sách của các ngành nghề, lĩnh vực tạo ra những chuyển biến quan trọng trong nhận thức các bên liên quan và kết quả sản xuất, mô hình sản xuất, kinh doanh.

Các chính sách tiêu dùng hướng tới KTTH đã bao quát cả tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh thương mại và tiêu dùng cá nhân; bao gồm cả tiêu dùng/ sử dụng tài nguyên, năng lượng đến công cụ/phương tiện lao động sản xuất; nhắm tới thay đổi nhận thức đến thói quen và hành vi của các bên liên quan; đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đô thị

Các chính sách quản lý/xử lý chất thải ngày càng được quan tâm theo hướng khuyến khích/hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu xả thải; ngăn chặn và thắt chặt các hoạt động xả thải hoặc tác động tiêu cực đến môi trường.

 Các chính sách ưu đãi khá đa dạng, bao gồm cả ưu đãi về thuế, phí; tín dụng đầu tư trong hầu hết các hoạt động liên quan đến sản xuất, tiêu dùng cũng như xử lý/quản lý chất thải.

Các khung/mức hỗ trợ, khuyến khích tăng; đồng thời mức độ xử phạt cũng nâng dân tính răn đe

Các chính sách thường xuyên được cập nhật, thử nghiệm, bổ sung như chính sách cộng sinh công nghiệp, KCNST, chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, chính sách về logictic,...nhằm theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển

 4.2. Khó khăn

 Việc vận dụng và chuyển đổi một mô hình phát triển mới thay thế cho một mô hình truyền thống là một vấn đề phức tạp, đối diện với nhiều thách thức về mặt thiếu hụt căn cứ/hành lang pháp lý, nguồn lực thực hiện, cơ chế thực thi cho đến sự tham gia của các bên liên quan. Việc thúc đẩy mô hình KTTH thay thế cho mô hình phát triển tuyến tính truyền thống không nằm ngoài các bất lợi này. Đến hiện tại hầu hết các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến phát triển KTTH mới chỉ điều chỉnh mang tính nguyên tắc, định hướng và chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Việc hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn,thể chế, cơ chế thực thi, giám sát, đánh giá,.. cho từng ngành, lĩnh vực đòi hỏi còn phải đầu tư nhiều nguồn lực và thời gian. Đơn cử như:

· Các nội dung phát triển KTTH trong Luật BVMT 2020 hiện chưa có văn bản hướng dẫn

 · Các nội dung phát triển doanh nghiệp sinh thái, KCNST, cộng sinh công nghiệp,... đề cập trong NĐ 82/2018 về về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế chưa được cụ thể hóa

 · Mua sắm công xanh là một trong những chính sách mục tiêu của sản xuất và tiêu dùng bền vững đến nay vẫn mang tính định hướng tại các Luật BVMT 2014, Luật đấu thầu 2013, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/04/2017,.. chưa có các quy định, chỉ tiêu cụ thể về các yêu cầu xanh hóa trong hoạt động mua sắm công (SWITCH-Asia, 2020) · Đối với giao thông, Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg về việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu tiên để khuyến khích phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt vẫn còn bất cập vì thiếu hướng dẫn, thiếu tiêu chí đánh giá chất lượng,.. Thực tế cho thấy việc thực thi các chính sách này còn rất hạn chế. Các dự án lớn về tăng cường vận tải công cộng đang gặp nhiều khó khăn như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội và Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP. HCM đã được thực hiện với nhiều vấn đề và bị chậm tiến độ. Tuyến ở Hà Nội (SWITCH-Asia, 2020). Một số thể chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo; nội dung chính sách thiếu tính thực tiễn,.. dẫn đến việc tra cứu, vận dụng chính sách khó khăn, việc đáp ứng các mục tiêu chính sách thấp . Điển hình như:

· Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng Bền vững (2016-2020) đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đến 2020 như về tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, CN bền vững đạt 60 - 70%, tỉ lệ đóng góp vào GDP của ngành CN môi trường, CN tái chế đạt 42 - 45%; 85% CTR đô thị được tái chế/thu hồi năng lượng,...Thực tế các chỉ tiêu này đến 2000 đều không đạt được, không đo lường được do thiếu các căn cứ từ thực tiễn về điều kiện thực trạng, mức độ tập trung các nguồn lực,...(SWITCH-Asia, 2020)

· Các chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có các chính sách liên quan đến khu vực đô thị cho thấy chưa đảm bảo tính bền vững cũng tính hợp lý. Cụ thể Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của TTCP về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời có thời hạn thi hành chỉ đến 31/12/2020. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá hỗ trợ, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành. Thêm vào đó, biểu giá hỗ trợ áp dụng chung cho tất cả các khu vực, hạn chế công suất không quá 1 MW, quy định về mua - bán đối với các hộ,... cho thấy những bất cập về vùng miền, về quy mô, về lợi ích.. Nguyễn Văn Vy (2021);

· Quản lý rác thải sinh hoạt đô thị,đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM là một trong những vấn đề nổi cộm kéo dài cả thâp kỷ qua. Đến hiện tại, các chính sách về đầu tư đồng bộ hạ tầng, công nghệ xử lý; phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng đề vẫn còn nhiều nan giải. Các chiến lược 3R đối với quản lý rác thải sinh hoạt đô thị chưa phát huy tác dụng; chính sách phân loại không đồng bộ với hạ tậng thu gom, xử lý; công nghệ xử lý vẫn chủ yếu là chôn lấp; hoạt động tái chế chủ yếu nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát; phân loại, xử lý chất thải nguy hại còn bất cập,... (SWITCH-Asia, 2020; Bộ TNMT, 2019; Bộ TNMT, 2016)

· Hoạt động quản lý CTR công nghiệp cũng gặp khá nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là các DN trong nước, DN vừa và nhỏ như: vi phạm các quy định về phân loại chất thải; lưu trữ, xử lý chất thải nguy hại; bỏ qua khâu kiểm soát quá trình xử lý chất thải cuối cùng, phó mặc hoàn toàn cho đơn vị thu gom; việc thống kê, kiểm soát lượng thải thiếu chuyên nghiệp,... (Bộ TNMT, 2016) Các chính sách hỗ trợ khá đa dạng, nhưng phân bố còn thiếu hợp lý, mức hỗ trợ thấp, thủ tục hành chính rườm rà làm giảm tính hấp dẫn của chính sách

 · Nghị định 54/2015/NĐ-CP về ưu đãi về các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tuy vậy phạm vi ưu đãi của nghị định còn khá nhỏ hẹp, các ưu đãi không được chỉ rõ hay tham chiếu đến quy định cụ thể.

 · Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư quy định đối tượng được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư bao gồm các cơ sở xử lý rác thải, trong đó chỉ quy định danh mục các dự án nhóm A, B, dự án trên 50 tỷ đồng, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho thấy sự thiếu hợp lý. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có 46 dự án do các địa phương đề xuất quy mô dưới 50 tỷ đồng đang tồn đọng, không được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi (Bộ TNMT, 2020)

 · Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý CTR còn thiếu và chưa đồng bộ. Cụ thể như Quyết định số 31/2014/QĐTTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng CTR tại Việt Nam, mặc dù đã ban hành các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng lại ràng buộc các dự án xử lý chất thải theo quy hoạch ngành điện. Điều này dẫn tới việc triển khai của nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành điện

· Nhà nước chưa có cơ chế thực hiện cụ thể, rõ ràng về ưu đãi, khuyến khích…đối với các dự án xử lý CTRSH đô thị, trong khi tính hấp dẫn của các dự án này không cao do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn. Do đó, việc thu hút vốn các nhà đầu tư còn kém hiệu quả. Hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về BVMT ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp (Bộ TNMT, 2020). Chính sách về thuế phí BVMT, khai thác tài nguyên; mức xử phạt vi phạm về BVMT chưa hợp lý, ít có ý nghĩa trong việc điều chỉnh hành vi người xả thải/khai thác.

· Luật BVMT năm 2014 có quy định về bồi thường thiệt hại nhưng chưa có quy định cụ thể xác định thiệt hại về môi trường nước, phục hồi hiện trạng môi trường nước. Kể cả nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xác định thiệt hại môi trường cũng chưa có quy định về xác định thiệt hại môi trường nước nên khó áp dụng trên thực tiễn.

 · Luật BVMT năm 2014, Bộ luật Hình (2005) quy định về trách nhiệm hình sự tội gây ô nhiễm môi trường nếu gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Tuy vậy, việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí... là không dễ dàng, đặc biệt là khó xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường nước và thiệt hại xảy ra. Do vậy, cho đến nay chưa có một cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này (Tạ Thị Thùy Trang, 2019).

· Quy định về xử phạt hành chính với hành vi làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ngày càng hoàn thiện hơn nhưng mức xử phạt với một hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân làm ô nhiễm môi trường nói chung còn thấp so với chi phí xử lý ô nhiễm gây ra. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức (Luật BVMT 2014 ). Thực tiễn cũng cho thấy chưa chủ nguồn thải nào phải chịu mức phạt cao nhất. Điều này dẫn đến mục đích của biện pháp xử phạt chưa đạt được, các doanh nghiệp, cá nhân đánh đổi hình phạt để xả thải sai quy định.

· Chính sách về môi trường không khí ít được quan tâm, đặc biệt đối với khu vực đô thị là nơi chịu áp lực ô nhiễm rất lớn do đông dân cư và các hoạt động sản xuất. Mặc dù Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung các điều khoản quy định về BVMT không khí, tuy nhiên về các cơ chế quản lý, giám sát việc thực thi, xử lý hành vi vi phạm trong thời gian qua chưa chặt chẽ, thiếu công cụ phương tiện đo lường, giám sát,...Mức độ đầu tư các nguồn lực tài chính, công nghệ, thông tin, nhân lực,... trong xây dựng các hạ tầng xử lý chất thải còn thấp, phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách địa phương nên không đồng đều giữa các địa phương. Số liệu cho thấy, trong khi mức đầư tư bình quân của TP Hồ Chí Minh là trên 2.000 tỷ đồng/năm thì một số địa phương còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương như CaoBằng, Quảng Trị, Bắc Kạn thì chỉ khoảng 5 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn đến những khó khăn trong quản lý của các địa phương (Bộ TNMT, 2020).

 5. Kết luận

Với sự phát triển mạnh mẽ của quá trinh đô thị hóa, công nghiệp hóa, các đô thị Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những bất cập về tình trạng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, mức tiêu thụ tài nguyên lớn, mức độ phát thải cao và trạng ô nhiễm ở các đô thị đến mức báo động kéo dài, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung đông dân (Bộ TNMT, 2016). Bằng những quy định chính thức trong các chủ trương, chính sách, Việt Nam đặt kỳ vọng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp nền kinh tế nói chung và khu vực đô thị nói riêng hướng tới sự phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Về mặt lý thuyết, hoạt động KTTH ở khu vực đô thị là sự tối ưu hóa các dòng vật chất, năng lượng trong mọi hoạt động ở khu vực đô thị, dựa trên các nguyên tắc của việc tuần hoàn vật chất, năng lượng, nguyên liệu,... trong hoặc giữa các ngành, các lĩnh vực của một đô thị, từ đó giúp đô thị trở thành một chỉnh thể gắn kết, linh hoạt, hỗ trợ nhau và cùng phát triển một cách hài hòa, hiệu quả và bền vững hơn.

 Trên thực tế, các khía cạnh của nền KTTH tại các đô thị Việt Nam vẫn được thực hiện trong quá trình phát triển và được đề cập và nhấn mạnh đến trong nhiều các đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua.Có thể chia các chính sách KTTH ở khu vực đô thị thành 3 nhóm lớn gồm : (1) các chính sách sản xuất và tiêu dùng, (2) các chính sách quản lý chất thải; và (3) các chính sách phát triển chung KTTH tại khu vực đô thị (tài chính, công nghệ, nhận thức,..). Trong mỗi nhóm gồm nhiều các chính nhóm chính sách khác nhau và cùng hướng tới việc điều chỉnh, kéo dài và khép kín vòng tuần hoàn của các vật chất trong quá trình từ sản xuất - tiêu thụ đến thải bỏ.

Hệ thống các chính sách hướng tới phát triển KTTH ở khu vực đô thị của Việt Nam thời gian qua cho thấy sự đa dạng và khá đầy đủ trong các lĩnh vực, ngành nghề giúp sự phát triển theo hướng bền vững tại khu vực đô thị đạt được những thành tựu nhất định. Tuy vậy, việc hệ thống hóa các chính sách cũng cho thấy nhiều bất cập trong hệ thống các chính sách hiện hành như: (i) sự thiếu hụt các quy định pháp lý về KTTH và các chính sách khác (đặc biệt là đối với những vấn đề mới như chính sách mua sắm công xanh, hạ tầng đô thị xanh, quản lý chất thải tại các đô thị lớn, đẩy mạnh logistic và chuỗi cung ứng đô thị,...); (ii) sự chồng chéo, thiếu logic, thiếu thực tiễn trong các quy định hiện có, và (iii) sự thiếu hụt về tầm nhìn trong việc xây dựng và hoạch định các chính sách;;.... Tất cả những yếu tố này cho thấy, để hoàn thiện cơ chế chính sách và ứng dụng hiệu quả trong tiễn mô hình KTTH tại khu vực đô thị tại Việt Nam đòi hỏi những nỗ lực lớn của các bên liên quan trong thời gian tới.

NGUYỄN THỊ THỤC*

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016). Báo cáo trạng môi trường quốc gia năm 2019. Chuyên đề: Môi trường đô thị.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Báo cáo trạng môi trường quốc gia năm 2019. Chuyên đề: CTR sinh hoạt.

4. Đức Tuân (2020). Cả nước có 862 đô thị, đóng góp 70% GDP. https://baochinhphu.vn/Tinnoi-bat/Ca-nuoc-co-862-do-thi-dong-gop-70-GDP/418044.vgp

5. Kirchherr, J., Piscicelli, L., Bour, R., Kostense-Smit, E., Muller, J., Huibrechtse-Truijens, A., & Hekkert, M. (2018). Barriers to the Circular Economy: Evidence From the European Union (EU). Ecological Economics, 150(December 2017), 264-272. https://doi.org/10.1016/j.ecolecon.2018.04.028

6. Nguyễn Văn Vy (2021). Vướng mắc đối với phát triển năng lượng tái tạo và giải pháp khắc phục. https://vietnamfinance.vn/vuong-mac-doi-voi-phat-trien-nang-luong-tai-tao-va-giai-phapkhac-phuc-20180504224254639.htm

7. Reike, D., Vermeulen, W. J. V., & Witjes, S. (2018). The circular economy: New or Refurbished as CE 3.0? — Exploring Controversies in the Conceptualization of the Circular Economy through a Focus on History and Resource Value Retention Options. Resources, Conservation and Recycling, 135(August 2017), 246-264. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2017.08.027

8. SWITCH-Asia (2020). Xây dựng Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng Bền vững (2021 - 2030) ở Việt Nam: Đánh giá tiến độ triển khai trong giai đoạn 2016-2020 và đề xuất cho giai đoạn 2021-2030

 9. Tạ Thị Thùy Trang (2019). Một số bất cập của pháp luật BVMT về xử lý nước thải. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (399), tháng 12/2019

10. Winans, K., Kendall, A., & Deng, H. (2017). The history and current applications of the circular economy concept. Renewable and Sustainable Energy Reviews, 68(October 2015), 825- 833. https://doi.org/10.1016/j.rser.2016.09.123

Văn bản pháp lý tham khảo

1. Quyết định 256/2003/ QĐ-TTg ngày 23/12/2003 của TTCP về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

2. Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009 của TTCP về Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 3. Quyết định 1419/QĐ-TTG ngày 07/09/2009 của TTCP về Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020

4. Quyết định 175/QĐ-TTg ngày 27/01/2011 của TTCP về Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020

5. Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 05/09/2012 của TTCP về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

6. Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của TTCP về Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020

7. Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của TTCP về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

8. Quyết định 76/QĐ-TTg ngày 11/01/2016 của TTCP về Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn: 2016 – 2020

 9. Quyết định 1456/QĐ-BGTVT ngày 11/05/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT về Kế hoạch hành động của ngành giao thông vận tải để ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh

10. Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/ 2017 của TTCP về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025

11. Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030

12. Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 của TTCP về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030

13. Luật BVMT (2005,2014,2020),

14. Luật Đầu tư (2005)

15. Luật chuyển giao công nghệ (2006)

16. Luật Chuyển giao công nghệ (2017) 17. Luật Đất đai (2013)

18. Luật Khoáng sản (2010)

 19. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010)

20. Luật Tài nguyên nước (2012)

21. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015)

22. Luật Thực hành Tiết kiệm chống lãng phí (2013)

23. Luật Thuế BVMT (2010)

24. Luật Thuế tài nguyên (2009)

25. Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 ngày 15/06/2015 về quản lý chất thải và phế liệu 26. Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 ngày 26/05/2016 về quản lý vật liệu xây dựng

27. Nghị định 54/2015/NĐ-CP ngày 01/08/2015 về Quy định ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

28. Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 10/07/2018 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế RISK GOVERNANCE AN

* Thạc sĩ, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, email: thucnguyenbb@gmail.com.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.