Cơ hội phát triển đô thị Hà Nội bản sắc - bền vững

MTXD - Nếu đánh giá nhận diện cụ thể các các đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, có thể thấy việc tổ chức mô hình rừng trong trung tâm thành phố cũng không phải là quá khó, cũng như sẽ đóng góp nhiều giá trị thiết thực cho Thủ đô cả ở hiện tại cũng trong tương lai.

MTXD - Nếu đánh giá nhận diện cụ thể các các đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, có thể thấy việc tổ chức mô hình rừng trong trung tâm thành phố cũng không phải là quá khó, cũng như sẽ đóng góp nhiều giá trị thiết thực cho Thủ đô cả ở hiện tại cũng trong tương lai.

Thời gian gần đây, trong kỳ thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, một nội dung được đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu đưa vào trong nhiệm vụ quy hoạch lần này chính là nghiên cứu mô hình nhà xây nén, đô thị nén, nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng ở khu vực trung tâm. Sau khi được đưa ra, đã có nhiều ý kiến luận bàn về nội dung này, đặc biệt băn khoăn về tính khả thi và lợi ích của định hướng trên.

Hình 1. Công viên Central Park rộng 321 ha tại trung tâm TP New York (Hoa Kỳ) đóng vai trò không gian rừng cây xanh và sinh thái, vui chơi giải trí, luyện tập thể thao cho người dân đô thị.

Tuy nhiên, nếu xem xét đồng bộ các định hướng của nhiệm vụ quy hoạch, nắm rõ bản chất nội hàm của định hướng và các đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Hà Nội thì có thể đánh giá đây là một định hướng tuy táo bạo. Nếu được triển khai và hoàn thành các mục tiêu, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và hoàn toàn có tính khả thi.(Hình 1,2)

Như đã biết, ý tưởng tổ chức không rừng trong đô thị có thể hiểu đơn giản là tổ chức những khoảng không gian cây xanh rất lớn với quy mô rộng từ một đến một vài chục ha tại khu vực trung tâm đô thị.

Tại nhiều đô thị trên thế giới, đặc biệt là thủ đô của nhiều quốc gia phát triển, không gian rừng trong trung tâm thành phố đã xuất hiện từ khá lâu đóng góp nhiều cho thương hiệu và tính nhận diện, giá trị tiện ích sống sinh thái đô thị như: khu công viên Millenium tại TP New York (Hoa Kỳ), công viên Sparrow Hills và khu bảo tồn hoang dã Setun River Valley (Thủ đô Moscow, CHLB Nga), công viên rừng Boulogne và Vincennes (thủ đô Paris, CH Pháp)…

Tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), từ những năm 1980, các nhà quy hoạch đô thị còn đề cập hẳn thành một khái niệm riêng là “Lâm nghiệp đô thị - Urban Forestry”, trong đó hệ thống các công viên rừng trong vùng Thủ đô Tokyo được quy hoạch thành một hệ thống kết nối liên thông để mang đến cho Tokyo một diện hấp dẫn đặc trưng riêng, giúp tạo ra thế cân bằng sinh thái với các khu ở đô thị cao tầng mật độ cao.(Hình 3)

Đặc biệt, cần xem xét mô hình quy hoạch “rừng trong đô thị” với một số các mô hình quy hoạch cơ sở trước đây như: mô hình “Thành phố vườn - Garden City” được đưa ra lần đầu tiên từ năm 1898 của quy hoạch gia Ebenezer Howard (Vương quốc Anh) có cấu trúc đơn tuyến (khi là tổ hợp cấu trúc các hình tròn đồng tâm của 1 thành phố mẹ có 58 nghìn dân và 6 thành phố con, mỗi thành phố con là không gian xanh phụ trợ có cấu trúc hình tròn với khu trung tâm rộng khoảng 2,2 ha là vườn hoa và hệ thống các công trình công cộng bố trí xung quanh).

Hình 3. Mô hình nghiên cứu tổ chức hệ thống không gian cây xanh theo lý thuyết “Lâm nghiệp đô thị - Urban Forestry” tại Tokyo (Nhật Bản).

Hoặc mô hình Đô thị sinh thái - Ecology City với mật độ cây xanh cao tại Singapore rất phù hợp với các đô thị trẻ, hiện đại, quy mô diện tích vừa và nhỏ, được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, diện tích các khu vực lịch sử và đô thị hiện hữu ít và có tính dàn trải cả chiều rộng và chiều cao với nguồn lực đầu tư lớn [2]. (Hình 4)

Hình 4. Quy hoạch đô thị Singapore đến năm 2030 với hệ thống công viên cây xanh công viên diện tích lớn tại khu vực trung tâm và giải pháp tổ chức cây xanh theo các tầng tán thúc đẩy tái phát triển hệ sinh thái tự nhiên cho đô thị.

Tại Việt Nam, ý tưởng về quy hoạch tổ chức không gian xanh mật độ cao hay rừng trong đô thị cũng không phải là mới. Cụ thể, với đô thị Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã từng lần lượt áp dụng ý tưởng "chuỗi hồ sinh học" của KTS. Hébrad trong đồ án quy hoạch đầu tiên được duyệt (năm 1923), và quy hoạch bố trí khu vực Đồi Cù bên cạnh hồ Xuân Hương thơ mộng ở khu vực trung tâm trong đồ án quy hoạch (năm 1943) của KTS Lagisquet và tiếp tục được kế thừa trong ý tưởng quy hoạch “Thành phố trong rừng - rừng trong thành phố” trong đồ án Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gần đây nhất. (Hình 5)

Với riêng Thủ đô Hà Nội, trong thời gian trước đây ý tưởng tổ chức các không gian xanh tiện ích tai khu vực trung tâm cũng đã được nung nấu thực hiện khi lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm, tạo cơ hội sử dụng các không gian đất nông nghiệp hai bên bờ sông thành các khu công viên cây xanh quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng bản sắc sinh thái, cũng như tổ chức các không gian công cộng tiện ích cho người dân.

Tuy nhiên, do điều kiện rất khác biệt giữa Hà Nội với các đô thị khác trên thế giới và trong nước (như Đà Lạt), nên việc áp dụng mô hình rừng trong đô thị với khu vực trung tâm Hà Nội cũng phải có nhiều khác biệt phù hợp với cả mục tiêu định hướng phát triển đô thị cũng như điều kiện đặc trưng thực tiễn.

Hình 5. Quy hoạch đô thị Hà Nội năm 2000 đến 2020 và Quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm trong đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm.

Nhưng, nếu đánh giá nhận diện cụ thể các các đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, có thể thấy việc tổ chức mô hình rừng trong trung tâm thành phố cũng không phải là quá khó, cũng như sẽ đóng góp nhiều giá trị thiết thực cho Thủ đô cả ở hiện tại cũng trong tương lai. 

Với nhiệm vụ phê duyệt quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, một ý tưởng quy hoạch tổ chức rừng trong trung tâm đô thị, về bản chất, đối với Hà Nội nói riêng định hướng ý tưởng quy hoạch hình “Rừng trong trung tâm thành phố” sẽ mang đến đồng thời một hiệu quả và mục tiêu “kép” bao gồm: (1) Tạo dựng tính nhận diện về đô thị xanh/ sinh thái trong xây dựng thương hiệu đô thị toàn cầu góp phần phát triển kinh tế xã hội đô thị, xây dựng đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế;

(2) Gia tăng vẻ đẹp cảnh quan theo hướng sinh thái cho đô thị với mục tiêu phát triển đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”;

(3) Đồng thời gia tăng chất lượng tiện nghi sống cho người dân theo hướng Đô thị vị nhân sinh (Cities for People)/ đô thị đáng sống (Livable City) khi các khu rừng trong đô thị đồng thời đóng vai trò công viên cây xanh phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghỉ ngơi thư giãn, luyện tập thể thao... có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi [2].

Một số cơ sở cho tính khả thi và giải pháp thực hiện để có thể thực hiện điều này bao gồm:

(1) Theo Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực nội đô lịch sử Hà Nội hiện có diện tích 3.800 ha. Một số các nghiên cứu đánh giá hiện trạng cũng nhận diện trong khu vực nội thành Hà Nội bao gồm nội đô lịch sử, có 10 công viên, 32 vườn hoa; 20 hồ nước có đường dạo.

Dù có diện tích trên tổng diện tích toàn đô thị theo quy hoạch là khá thấp (chiếm 1,92%), bình quân 2,43 m2/người cho dân số 1,8 triệu của năm 2030, nhưng đa số vườn hoa công viên có vị trí khá tập trung có thể dễ dàng tổ hợp kết nối thành hệ thống không gian cây xanh diện tích lớn tại khu trung tâm đô thị như kinh nghiệm tại Nhật Bản [1]. 

(2) Một số các khu công viên có diện tích lớn và rất lớn như Công viên Thống Nhất - xấp xỉ 51 ha, công viên Bách Thảo - trên 33 ha, một số không gian hồ nước tự nhiên có đường dạo lớn như Hồ Tây - 500 ha, hồ Trúc Bạch - 9 ha, hồ Hoàn Kiếm - 12 ha. Đây là cơ sở rất tốt nếu phương án quy hoạch đô thị Hà Nội tới đây vừa bảo tồn tối đa các không gian xanh này, không cho phép san lấp, xâm hại dưới bất kỳ mục đích và phương thức nào, đồng thời có giải pháp thiết kế đô thị với riêng từng khu vực để gia tăng mật độ cây xanh theo các tầng/ tán cây một cách khoa học (có sự kết hợp giữa cây xanh bóng mát và cây xanh trang trí, đồng thời kết nối thành một mạng lưới tổng thể [1].

(3) Các mục tiêu quản lý phát triển đô thị, đẩy mạnh việc bảo tồn các giá trị bản sắc và làm mới đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu các tác động quá tải về hạ tầng ở khu vực các quận trung tâm nội đô cũng là cơ sở để bản quy hoạch xây dựng đô thị mới của Hà Nội tập trung thúc đẩy nhanh và quản lý đồng bộ khoa học các định hướng chính sách di dời nhà máy, văn phòng… ra khỏi trung tâm đô thị theo kế hoạch đã có.

Các khu đất còn lại sau di dời ngoài được sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình hạ tầng đô thị (đường giao thông, trường học, dịch vụ thương mại…) đang thiếu trầm trọng còn là điều kiện dễ dàng để tạo những không gian cây xanh lớn, kết nối đồng bộ với hệ thống cây xanh trên toàn đô thị. 

(4) Đối với các khu dân cư cũ, với các mục tiêu điều chỉnh và kiểm soát mật độ theo hướng phù hợp tối ưu với khả năng chịu tải thực tế của hạ tầng đô thị tại chỗ cũng là cơ hội để tái phát triển đô thị theo hướng chuyển đổi từ các công trình thấp tầng sang các công trình cao tầng với chiều cao phù hợp, dành các diện tích đất trống trong các khu dân cư để gia tăng diện tích không gian cây xanh.

Đồng thời, với số lượng 1.579 khu chung cư cũ trên phạm vi toàn thành phố, chủ yếu ở các quận nội thành cũ [3], bản quy hoạch mới cũng là cơ sở để tái cấu trúc, hạ thấp mật độ xây dựng, tối ưu tầng cao theo mô hình đô thị nén, dành tiện ích để xây dựng các công viên cây xanh - dịch vụ - tiện ích quy mô lớn tại khu vực trung tâm đô thị, đồng thời tái xây dựng các khu chung cư cao tầng theo các mô hình khu ở xanh - sinh thái của Singapore.

(5) Đặc biệt, với định hướng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong thời gian tới tiếp nối các ý tưởng đã có tạo dựng sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm đô thị sẽ tạo ra một không gian sinh thái ấn tượng cho đô thị. Trong đó, các không gian bãi giữa, không gian đệm hai bên sông tại một số quận/ huyện hiện nay như Gia Lâm, Đông Anh… (hiện nay đang chủ yếu là diện tích đất canh tác nông nghiệp) sẽ được quán lý chặt chẽ, hạn chế xây dựng công trình để trở thành không gian cây xanh trung tâm quan trọng, có thể quy hoạch là các khu công viên sinh thái với mật độ cây xanh cao, đóng vai trò không gian công viên rừng trong trung tâm đô thị” - một điểm nhấn sinh thái cho cảnh quan đô thị đồng thời là không gian vui chơi, du lịch nghỉ dưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, luyện tập thể thao… thú vị cho người dân.

ThS KTS Phạm Hoàng Phương 

Viện Kiến Trúc quốc gia- Bộ Xây dựng

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Hoàng Phương, chuyên đề Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển cây xanh đô thị và cây xanh trong công trình kiến trúc, đề tài NCKH cấp Bộ: Cây xanh trong kiến trúc, 02/2020.

2. Phạm Hoàng Phương, chuyên đề 02, đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu không gian công cộng trong các đô thị Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng KGCC hiệu quả trong các đô thị hiện hữu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”, 5/2023.

3. Phạm Hoàng Phương, Báo cáo tổng hợp, Đề tài NCKH trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam”, 3/2023.

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.