Công trình và quần thể công trình kiến trúc truyền thống trong xây dựng quy chế quản lý kiến trúc nông thôn

​MTXD - Nông thôn Việt Nam là nơi lưu giữ bền vững nhất những giá trị về văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), bao gồm: Văn hóa vật chất, Văn hóa tinh thần và Văn hóa tổ chức xã hội. Mỗi người dân chúng ta, ai cũng có quê hương bản quán với gốc gác chủ yếu từ nông thôn.

MTXD - Nông thôn Việt Nam là nơi lưu giữ bền vững nhất những giá trị về văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), bao gồm: Văn hóa vật chất, Văn hóa tinh thần và Văn hóa tổ chức xã hội. Mỗi người dân chúng ta, ai cũng có quê hương bản quán với gốc gác chủ yếu từ nông thôn.

1. Những vấn đề cần đặt ra với nông thôn Việt Nam

Nông thôn Việt Nam là nơi lưu giữ bền vững nhất những giá trị về văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), bao gồm: Văn hóa vật chất, Văn hóa tinh thần và Văn hóa tổ chức xã hội. Mỗi người dân chúng ta, ai cũng có quê hương bản quán với gốc gác chủ yếu từ nông thôn. 

Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chính sách, mô hình, giải pháp… để song hành phát triển nông thôn đi đôi với bảo tồn, lưu giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa bản địa từ nông thôn, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Hiện đại hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, lại đang có xu hướng nan giải, quá tải, xung đột với những căn cố, những giá trị, những quan điểm và nhận thức… của một nơi, vốn giữ gìn sâu đậm nền văn hóa tinh hoa của dân tộc, nhưng cũng có thể chứa đựng những bảo thủ, trì trệ, thậm chí là cổ hủ… khó xoay chuyển nhất. (Hình 1)

Hình 1: Xung đột giữa những giá trị văn hóa và chính sách, kiến tạo mới ở nông thôn.

Và có lẽ kết quả cho chúng ta thấy, hiệu quả đạt được tuy có nhưng chưa nhiều, nhưng thất bại và mất mát thì có thể nhìn thấy ngay: các di tích, di sản kiến trúc truyền thống đang dần cạn kiệt, không chỉ bởi tàn phá của thời gian, mà còn ở con người; Văn hóa, lối sống… đang bị đô thị hóa xâm lấn, nguy cơ phá vỡ và mất dần gốc rễ văn hóa; Hệ sinh thái và môi trường đang bị phá hủy và ô nhiễm…

Khi mà chúng ta đưa ra các cơ chế chính sách, cụ thể hóa bằng các đồ án quy hoạch hết sức phiến diện, duy ý chí, với việc không coi trọng, không có cách để duy trì những giá trị văn hóa từ các khu định cư truyền thống của làng xóm, chỉ là việc không đụng chạm với thuật ngữ chung “Chỉnh trang”; bên cạnh các khu phát triển mới, đang có xu thế chung của đô thị, một form mẫu chung cho tất cả các vùng nông thôn trên cả nước, phá vỡ và đi ngược lại với sự hình thành vốn có tính thụ động, nhưng đã được chắt lọc qua lịch sử, tạo nên những giá trị với cốt cách văn hóa của nông thôn…

Có thể thấy ngay, với cấu trúc thổ cư truyền thống, gắn liền với hệ sinh thái tự nhiên, đã tạo nên văn hóa vật chất gắn với sinh kế: Mỗi ngôi nhà ở là một đơn vị ở cân bằng sinh thái, tự cung tự cấp, là một đơn vị hạ tầng xanh trong cấu trúc hạ tầng của nông thôn.

Là nơi lưu giữ các giá trị về tổ chức quy hoạch, phong cách nghệ thuật kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng địa phương…

Bên cạnh là kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn như giao thông, các công trình kiến trúc công cộng… có tính cộng đồng, tự quản, tự trị, gắn và thích nghi với điều kiện tự nhiên.

Với cách tổ chức định cư đó, được gắn kết với sinh kế thông qua sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp - phần lớn, nông thôn Việt Nam đã tích tụ những giá trị về Văn hóa tinh thần, như: Văn hóa lối sống mang tính cộng đồng, chia sẻ, đùm bọc… cùng các hệ công trình văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh luôn được gìn giữ bảo vệ, củng cố và lan tỏa để hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ; Văn hóa tổ chức xã hội: Quản lý và quản trị thông qua hương ước, tập tục…

Dùng văn hóa đức trị là chủ yếu, kết cấu ổn định từ cá nhân, gia đình, dòng tộc, làng xóm… có thứ bậc, phân cấp, tôn ti trật tự. (Hình 2).

Hình 2: Những giá trị về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa tổ chức xã hội ở nông thôn.

Tuy vậy, những phẩm chất và giá trị đó đang bị phá vỡ và có nguy cơ tàn lụi, nhường chỗ cho những chính sách và kiến tạo bất hợp lý và thiếu nhân văn, sẽ được phân tích dưới đây.

2. Nguyên nhân của những thất bại không bảo tồn và gìn giữ được đối với quỹ công trình và quần thể công trình kiến trúc truyền thống có giá trị ở nông thôn

Trước hết, cần nói rõ, do chúng ta chưa hiểu đúng, chưa thấy hết được các giá trị về văn hóa của nông thôn - Từ đó chưa đưa ra được các chính sách quản lý, quản trị và vận hành một cách khoa học và hợp lý:

+ Với đô thị và ven đô thị, nhà ở riêng lẻ là một tế bào đất ở, có thể tọa lạc ở các đơn vị ở như nhà liền kề, biệt thự, nhà vườn… Chúng đang có tính chất tế bào đất ở dạng Studio, tùy theo quy mô đất sử dụng, ứng với các hình thức quy hoạch khác nhau.

Hoàn toàn khác xa với tế bào đất ở nông thôn, với sinh kế gắn với nông nghiệp, mỗi khuôn viên nhà ở vừa ở, vừa canh tác vườn, ao, chuồng tuần hoàn hoặc sản xuất tiểu thủ công (thường tính bằng sào Bắc bộ), với lâm nghiệp và ngư nghiệp, có thể bằng héc-ta, bao gồm cả diện tích canh tác sản xuất rừng, cây lâu niên, chăn thả gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển kinh tế du lịch cộng đồng…(Hình 3).

Hình 3: Quy hoạch chia lô đất ở dạng tế bào đất studio giống đô thị, phá vỡ cấu trúc văn hóa và không đảm bảo sinh kế ở nông thôn.

+ Vì không hiểu đúng bản chất đó, sự thất bại được đưa đến bởi 2 lý do: Cho phép việc tách thửa đất trong các khuôn viên nhà ở truyền thống, từ thừa kế, chuyển dịch mua bán… vô tội vạ, dẫn đến không quản lý được, xây cất với nhiều hình thức khác nhau, phá vỡ và làm biến dạng hình thái và cấu trúc không gian kiến trúc làng quê, xâm lấn và phá hủy dần ngôi nhà kiến trúc truyền thống nguyên sơ từ ban đầu, gia tăng mật độ dân số, mật độ cư trú, biến đổi cư dân gốc, du nhập văn hóa ngoại lai…(Hình 4).

Hình 4: Tách thửa và xây cất nhiều nhà khác, làm biến dạng hình thái kiến trúc nông thôn, mất dần kiến trúc truyền thống và kéo theo nhiều hệ lụy về văn hóa lẫn môi trường.

+ Với các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xơ cứng và nhất thể hóa cho tất cả các vùng miền nông thôn; Quy hoạch và cấu trúc các đơn vị ở, tế bào đất ở giống đô thị, mua bán chuyển quyền sử dụng các tế bào đất ở, xây cất không có cấp phép xây dựng hoặc để hoang hóa, đầu tư trục lợi về sự biến động của đất…

Các vấn đề liên quan đến sinh kế của người nông dân không được quan tâm, chỉ chú ý đến vấn đề địa ốc. Đất đai các vùng nông thôn, nhất là các khu vực giáp ranh với đô thị trở thành thị trường bất động sản bất hợp pháp, không thể kiểm soát. (Hình 5).

Hình 5: Các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới rập khuôn theo form mẫu chung về quy hoạch đất ở giống đô thị.

+ Với một số các vùng miền nông thôn, nơi có vốn liếng ít nhiều về quỹ công trình kiến trúc nhà ở có giá trị như nhà sàn, nhà rường… bị thương mại hóa, mua bán và di chuyển về các vùng ven đô thị, mất dần hình thái kiến trúc và quỹ vật chất tiêu biểu có tính bản địa. 
Bên cạnh đó, chồng chéo và hỗn độn các văn bản quy phạm pháp luật. Thiếu tổng kết lý luận và dẫn hướng. Lý luận phê bình yếu kém; Công tác nghiên cứu khoa học ít đóng góp cho kiến tạo nông thôn…

Đặc biệt là trình độ quản lý, quản trị yếu kém của các cấp chính quyền nông thôn - với các cơ chế xin - cho; Lợi ích nhóm và bị chi phối, thao túng bởi thị trường bất động sản và các doanh nghiệp… (Hình 6).

Hình 6: Chảy máu di sản kiến trúc các vùng nông thôn về đô thị và sự chồng chéo các văn bản quy phạm pháp luật lẫn tệ nạn và sự yếu kém trong quản lý của các chính quyền nông thôn.

3. Xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan nông thôn

Nhiều câu hỏi sẽ cần đặt ra: Chúng ta sẽ xây dựng từ đâu? Xây dựng như thế nào? Xây dựng bằng cách nào? Quản lý và quản trị như thế nào? Dựa trên nguyên tắc nào? Lấy mục tiêu nào là trọng tâm?

Trước hết, quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan nông thôn phải được xây dựng dựa trên các đồ án quy hoạch phân khu và chi tiết, với việc xác định các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất, về chỉ tiêu mật độ dân số, mật độ cư trú, mật độ xây dựng, diện tích đất ở tối thiểu; Phân khu bảo tồn, tái phát triển và phát triển…

Với 3 trụ cột nguyên tắc cơ bản, được ưu tiên và sắp đặt theo thứ tự: Bảo tồn giá trị văn hóa - Gìn giữ môi trường - Phát triển.

Mục tiêu cần đặt ra nhằm cân bằng động giữa Văn hóa vật chất, Văn hóa tinh thần và Văn hóa tổ chức xã hội. Trong đó, cần nhấn mạnh tới Văn hóa ứng xử với hệ sinh thái tự nhiên và môi trường, đây là mục tiêu quan trọng nhất, có tính quyết định đến mọi sự thành công.

Cần phải xác định rõ các nguồn lực để triển khai thực hiện, trong đó ngoài các nguồn lực phổ biến như Tài nguyên, Sức lao động, Nguồn vốn, Công nghệ thì cần khai thác và phát huy nguồn lực từ các giá trị văn hóa, bao gồm văn hóa và kiến trúc bản địa. Đi đôi với giải quyết thỏa đáng sinh kế của người nông dân. (Hình 7).

Hình 7: Các nguyên tắc, mục tiêu chính cần xác định và cụ thể hóa trong xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan nông thôn.

Từng bước song hành với hiện đại hóa mô hình sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn, sản phẩm đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, hướng tới phát triển bền vững…

Xác định cụ thể hóa từ đồ án quy hoạch xây dựng chung, phân khu, chi tiết. Cụ thể định lượng bằng các chỉ tiêu quy hoạch: mật độ dân số, cư trú, mật độ xây dựng, khống chế chiều cao công trình cho từng khu vực.

Xác lập các khu ở định cư truyền thống, khống chế tách thửa diện tích khuôn viên ô đất phù hợp với diện tích của ô đất (khuyến khích giữ nguyên và định hình cơ cấu hộ gia đình phù hợp). Khảo sát, đánh giá, lập tiêu chí xác định kiến trúc có giá trị, bao gồm: điều tra, khảo sát, vẽ ghi, lập hồ sơ bản vẽ và đánh giá; Xác định giá trị dựa trên các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, duy nhất…; Phân loại và xếp hạng; Lập danh mục bảo tồn, tu bổ, cải tạo, xây dựng lại mới, chuyển đổi mục đích sử dụng…; Lập quy chế quản lý.

Tiến tới lập quy chế quản lý ở từng khu vực như: xóm, thôn, làng, tổ dân phố, khu vực; đường giao thông liên huyện, xã, thôn; các công trình kiến trúc công cộng (Hiện hữu, truyền thống, tái phát triển; Phát triển: khu trung tâm, điểm dân cư nông thôn mới) (Hình 8).

Hình 8: Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan cần cụ thể hóa từ các chỉ tiêu khống chế của các đồ án quy hoạch.

Mở rộng và tái phát triển mạng lưới giao thông hiện hữu, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Thiết lập sổ tay hướng dẫn và khuyến khích, bảo trợ xây dựng cải tạo và xây mới nhà ở theo các mẫu thức kiến trúc truyền thống của địa phương.

Bảo tồn, tu tạo, phục dựng các công trình công cộng, tôn giáo tín ngưỡng có giá trị văn hóa. Chấn hưng và phục hồi thích ứng các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống. Xây dựng các cơ sở vật chất mới cho các hoạt động văn hóa đương đại kết hợp lễ hội văn hóa truyền thống, trên cơ sở vận dụng các mẫu thức kiến trúc truyền thống (nhà văn hóa thể thao, nhà cộng đồng…) (Hình 9).

Hình 9: Hướng dẫn và khuyến khích xây dựng các công trình trên cơ sở vận dụng, kế thừa mẫu thức kiến trúc truyền thống, địa phương.

Khuyến khích phát triển kinh tế du lịch địa phương, cộng đồng, hộ gia đình trên cơ sở khai thác từ quỹ kiến trúc nhà ở gắn với văn hóa, sản xuất, lễ hội, tập quán…

Dùng sự ảnh hưởng của các khu vực định cư làng xóm truyền thống, có tính chất xanh cả cư trú lẫn hạ tầng, tạo sức lan tỏa và kết nối với các khu vực phát triển mới thông qua các khu ở dân cư mới, các khu sản xuất theo mô hình công nghệ hiện đại…

Với các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Chú ý tránh phát triển bám theo các trục giao thông liên huyện, xã, thôn... Nên phát triển cụm dân cư theo mô hình tập trung với diện tích đủ để ở gắn với kinh tế hộ gia đình.

Khuyến khích phát triển nhà ở riêng lẻ dạng bán kiên cố, gắn với sinh kế và sản xuất ở các trang trại, du lịch cộng đồng… theo mẫu thức kiến trúc truyền thống. (Hình 10).

Hình 10: Các hình thức kiến trúc nhà ở riêng lẻ hoặc ở các trang trại nông nghiệp gắn với kinh tế du lịch, cần được chú trọng tạo dựng và phát triển.

Những giá trị văn hóa ở cả vật thể và phi vật thể được nâng thành truyền thống của quốc gia, địa phương… tụ hội bởi tính ổn định, cộng đồng và lưu truyền - Cần được dung hợp trong quá trình phát triển theo hướng bền vững.

Đồng thời giúp cân bằng và hài hòa giữa Bảo tồn và Phát triển - Truyền thống và Hiện đại - Bản sắc và Tiên tiến. Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa để xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan nông thôn cũng đồng thời góp phần củng cố sự bền vững trong an ninh lương thực quốc gia, bởi “Phi trí bất hưng, phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn”.

Với các vùng nông thôn của Việt Nam, ngoài nhiều sự tương đồng, vẫn có nhiều sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế…

Nên rất cần những nghiên cứu và xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan mang tính thí điểm, để có thể tổng kết, rút kinh nghiệm, trước khi nhân rộng trong cả nước.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng 

Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Kiến trúc Quốc gia 

 

Các tin khác

Cho sông Hàn khoác áo mới
Cho sông Hàn khoác áo mới

MTXD - Dòng sông Hàn với những cây cầu bắc ngang sẽ được khoác lên tấm áo mới với những sản phẩm du lịch mới, đẳng cấp và hứa hẹn mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm đầy hấp dẫn khi đến với Đà Nẵng.

Kiến tạo bản sắc đô thị Đà Lạt để phát triển du lịch bền vững
Kiến tạo bản sắc đô thị Đà Lạt để phát triển du lịch bền vững

MTXD - Trong hệ thống các đô thị Việt Nam, thành phố (TP) Đà Lạt (Ảnh 1) có lịch sử 130 năm hình thành và phát triển khá đặc biệt (1893 – 2023). Bên cạnh những yếu tố “cơ hội” của đặc điểm nơi chốn, còn không ít “thách thức” trong quá trình quản lý và phát triển đô thị “sau quy hoạch”.

Đà Nẵng phát triển nhà ga sân bay thông minh đầu tiên ở Việt Nam
Đà Nẵng phát triển nhà ga sân bay thông minh đầu tiên ở Việt Nam

MTXD - Đà Nẵng phát triển nhà ga sân bay thông minh đầu tiên ở Việt Nam không chỉ muốn mang tới những tính năng mới, liên tục cập nhập để tối ưu trải nghiệm hành khách mà còn góp phần thúc đẩy nền công nghệ nước nhà.

Thái Nguyên: Dự án Khu đô thị số 4 xã Yên Lãng (Đại Từ) được chấp thuận chủ trương đầu tư
Thái Nguyên: Dự án Khu đô thị số 4 xã Yên Lãng (Đại Từ) được chấp thuận chủ trương đầu tư

​MTXD - UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị số 4. Đây là dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở nằm trong quy hoạch đô thị thuộc khu vực cửa ngõ phía Tây của huyện.

Di sản nhà vườn truyền thống Huế trong bối cảnh hiện tại và giải pháp bảo tồn thích ứng
Di sản nhà vườn truyền thống Huế trong bối cảnh hiện tại và giải pháp bảo tồn thích ứng

​MTXD - Nhà vườn truyền thống Huế (NVTTH) được biết là một trong những yếu tố không thể...