Đề dẫn thực trạng và định hướng phát triển khu vực bãi giữa và bãi nổi Sông Hồng
Thực trạng
Lịch sử phát triển các đô thị ở Việt Nam cũng như thế giới luôn gắn liền với các con sông. Yếu tố mặt nước đã sớm tham gia vào việc hình thành đô thị từ xa xưa, khi mà trong quá trình hình thành đô thị, tụ điểm thương mại hình thành trên cơ sở của đầu mối giao thông thủy. Từ việc đáp ứng các chức năng căn bản của đô thị như lưu thông hàng hóa, đi lại, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước tưới… mặt nước đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong cấu trúc của đô thị, trong đó có cả các yếu tố văn hóa và yếu tố tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, tạo lập môi trường sống xanh – văn minh – thân thiện.
Sự hình thành và phát triển của Thủ đô gắn liền với sự hình thành và phát triển của hệ thống mặt nước, đặc biệt là sông Hồng – hiện nay có vị trí trung tâm của Thủ đô, thiết lập mô hình Thành phố hai bên sông, gắn liền với các ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, không chỉ của riêng thành phố Hà Nội mà còn của cả nước.
Sông Hồng có chiều dài gần 1200km, là con sông lớn thứ 26 trên thế giới, thứ 12 ở Châu Á, được bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trong đó đoạn chảy qua Việt Nam dài khoảng 556km và đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 120km (bắt đầu từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì, kết thúc ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên).
Quy hoạch 6 bãi sông Hồng
Sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Hà Nội tuy chỉ là một đoạn ngắn so với chiều dài của toàn tuyến nhưng đóng vai trò rất lớn đối với sự hình thành nên yếu tố cảnh quan và là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Có thể nói bên cạnh việc tạo nên một vùng đất canh tác màu mỡ để phát triển nông nghiệp thì chức năng của sông Hồng trong việc phát triển giao thông, kinh tế cũng như tạo lập không gian cây xanh, mặt nước, đóng góp hiệu quả cho việc phát triển không gian kiến trúc cảnh quan của Thủ đô là rất rõ rệt.
Bãi nổi sông Hồng (tức Bãi Giữa) là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm, là một không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô, với diện tích khoảng 23 ha. Trước kia, diện tích Bãi Giữa thay đổi theo mùa do sự lên, xuống của nước lũ. Những năm gần đây, sông Hồng không xảy ra lũ lớn, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích Bãi Giữa ít thay đổi hơn. Khu vực Bãi Giữa có cốt cao không bị ngập lụt. Các lạch cạn ven bờ có xu thế bồi khiến việc quản lý, khai thác, sử dụng khu vực Bãi Giữa sông Hồng bị xao nhãng, hàng chục ha để hoang hóa cho cỏ dại mọc, một phần bị chiếm dụng trái phép để canh tác rau màu.
Khu vực Bãi Giữa thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (Tây Hồ); Phúc Xá (Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (Long Biên)… Phần lớn diện tích Bãi Giữa nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong khi Hoàn Kiếm đất chật, người đông, người dân thiếu không gian công cộng thì Bãi Giữa chủ yếu được sử dụng để trồng rau màu và còn nhiều diện tích bỏ hoang là sự lãng phí lớn. Từ lâu, nhiều ý kiến đã đề nghị thành phố khai thác không gian này.
Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển kinh tế xã hội, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nhưng công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực sông Hồng nói chung và khu vực Bãi Giữa nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là các vi phạm an toàn hành lang thoát lũ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường sống trong khu vực. Hiện tượng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng vẫn còn xẩy ra (nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm với kết cấu chủ yếu là nhà khung cột tre, mái lá, vách liếp), một số công trình xây dựng kiên cố như nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, mái và vách lợp tôn, cổng sắt, đường bê tông… đã xuất hiện. Ngoài ra, do quỹ đất trên địa bàn Thành phố rất hạn hẹp, còn thiếu không gian công cộng, tập luyện TDTT, vui chơi, thư giãn nên thời gian gần đây nhiều khu vực đất bãi đã trở thành điểm vui chơi tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường.
Trước kia, có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều giá trị sông Hồng, đồng thời trong các năm 1994 và 2006, có nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng đến nay do nhiều vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện được. Hiện nay, thành phố Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND Thành phố phê duyệt là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa sông Hồng nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan (trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô).
Định hướng
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ đạo: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội;
Tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó: Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Trong đó, mục tiêu đô thị hoá bền vững sẽ bắt đầu từ quy hoạch đô thị và quản lý theo quy hoạch. Theo đó, phải rà soát quy hoạch tổng thể các đô thị từ cách tiếp cận đô thị bền vững (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế…), quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế – sinh thái… Đặc biệt, trong các vị trí đặc thù nhiều tiềm năng như các không gian dọc sông, tính bền vững và hiệu quả kinh tế – sinh thái càng phải được đề cao, trước hết qua việc xác định giá trị và đánh giá những vấn đề tồn tại cần giải quyết;
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, định hướng: Thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố trung tâm gắn với trục Hồ Tây – Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội, trên đó hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch và bổ sung thêm loại hình giao thông thủy cho Hà Nội. Quy hoạch xây dựng công viên ven sông với tổng diện tích 4.200ha trong đó 3.858ha diện tích 9 bãi sông và 342ha diện tích bãi giữa sau khi chỉnh trị sông Hồng, phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các dòng sông có đê được duyệt;
Định hướng Trục cảnh quan sông Hồng theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ
Quy hoạch Phân khu đô thị Sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) được UBND Thành phố phê duyệt năm 2022 đã định hướng khu vực Bãi Giữa và bãi bồi ven sông, ngoài các chức năng sử dụng chính như cây xanh cách ly, đầu mối hạ tầng kỹ thuật… còn được định hướng có chức năng đất cây xanh đô thị, cây xanh chuyên đề… Đồng thời, về tổ chức không gian, Quy hoạch phân khu cũng định hướng:
- Phát triển các mô hình công viên, cây xanh chuyên đề – nông nghiệp đô thị có chất lượng và kỹ thuật cao, nông nghiệp du lịch,…thu hút các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tạo lập các không gian xanh: Các khu công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên sông Hồng phù hợp điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất và khuyến khích tổ chức các cuộc thi ý tưởng để lựa chọn phương án phù hợp;
- Khu vực bãi sông và dòng sông hầu hết là khu vực không ổn định, phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên. Tại một số khu vực tiếp giáp với khu vực nội đô lịch sử được định hướng sẽ kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng văn hóa tiếp giáp với mặt nước;
- Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị: “Trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng tổng hợp. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị kết hợp với các hoạt động du lịch, ngoài trời,….nâng cao hiệu quả sử dụng”.
Định hướng Quy hoạch sử dụng đất và Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực theo QHPK đô thị sông Hồng đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022
Như vậy, có thể thấy Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được UBND Thành phố phê duyệt đã định hướng khá rõ nét việc phát triển khu vực bãi nổi (Bãi Giữa) sông Hồng trở thành một yếu tố cảnh quan quan trọng trong cấu trúc đô thị của Thủ đô nói chung và khu vực sông Hồng nói riêng.
Minh hoạ Thiết kế đô thị theo QHPK đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/202
Triển khai định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND Thành phố phê duyệt nêu trên, việc nghiên cứu “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng” là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, cụ thể hóa định hướng quy hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống lấn chiếm, chống lại các yếu tố gây tác hại cho môi trường đô thị, đồng thời tạo dựng hình ảnh cảnh quan tự nhiên khu vực bãi giữa sông Hồng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, vận tải phát triển kinh tế. Tuy nhiên ”rào cản” lớn nhất trong việc ”hiện thực hóa” Quy hoạch phân khu đô thị nêu trên là các quy định đảm bảo an toàn phòng chống lũ, đê điều… do Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016: Khu vực bãi giữa, bãi bồi không thuộc danh mục được phép xây dựng (phụ lục IV) hoặc được nghiên cứu xây dựng (phụ lục V). Việc sử dụng bãi sông phải đảm bảo các điều kiện: Không gây cản lũ, làm mất không gian chứa lũ; không ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc bị nguy hiểm, mất an toàn; không gây tổn thất về người và tài sản khi có lũ lớn; không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước; tuân thủ các quy định của Luật Đê điều.
Ảnh Internet
Với mong muốn tiếp nhận các thông tin quý báu, làm cơ sở để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án ”Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng” đạt chất lượng, nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo lập được không gian kiến trúc cảnh quan có giá trị cao cho khu vực, tại buổi Hội thảo này rất mong nhận được nhiều ý kiến tham luận, những chia sẻ về kinh nghiệm trong nước và thế giới…. của các chuyên gia, các nhà khoa học, tạo dấu ấn bản sắc riêng cho sông Hồng và Hà Nội phát triển một cách bền vững và sáng tạo.
KTS NGUYỄN BÁ NGUYÊN
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.