Di Linh - Lâm Đồng: Báo động tình trạng khai thác đất trái phép tại xã Đinh Trang Hòa
MTXD - Trước khi lực lượng chức năng xuống tới hiện trường, các đối tượng đã nhanh chóng thu dọn máy móc, rời khỏi bãi khai thác như thể có ai đó đã ngầm thông báo… Theo một người dân có mặt tại hiện trường thì “binh đoàn” khai thác đất trái phép này thuộc quyền quản lý của một người tên là Đông “Tam”…
Theo quy định của pháp luật, khoáng sản được định nghĩa là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
Như vậy, đất là một loại khoáng sản. Trong quá trình sử dụng thì người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.
Pháp luật quy định rất rõ, nếu hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường mà không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tùy từng hành vi và mức độ sẽ bị xử phạt theo Điều 41 Nghị định 33/2017/NĐ-CP.
Thế nhưng những chế tài mạnh mẽ đó vẫn không đủ làm một số đối tượng trên địa bàn xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng e sợ.
Ngày 25/11/2021, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân thôn 3, xã Đinh Trang Hòa, nhóm Phóng viên Tòa soạn Môi trường Xây dựng điện tử đã bí mật ghi nhận tại hiện trường và thông báo cho chính quyền UBND xã Đinh Trang Hòa.
Khai thác đất rầm rộ, gây tác hại nghiêm trọng đến địa hình và môi trường.
Nhưng khi đoàn kiểm tra có mặt tại hiện trường thì nhóm khai thác trên đã vội vàng rút khỏi hiện trường, chỉ để lại một chiếc máy xúc đất hiệu Sumimoto đã tắt máy, khóa chặt cửa.
Theo biên bản kiểm tra hiện trạng do cán bộ UBND xã Đinh Trang Hòa lập cùng thời điểm thì đây là thửa đất 892 tờ bản đồ 42, thôn 3 xã Đinh Trang Hòa thuộc quyền sử dụng của ông K’Tuấn và K’Meoh (không phải người địa phương).
Cũng theo một người dân có mặt tại hiện trường thì “binh đoàn” khai thác đất trái phép này thuộc quyền quản lý của một người tên là Đông “Tam”, ngoài Đinh Trang Hòa thì đội quân này còn hoạt động rầm rộ trên khắp địa bàn các xã Hòa Bắc, Hòa Nam thuộc huyện Di Linh.
Sau khi ghi nhận hiện trường, phía cán bộ UBND xã Đinh Trang Hòa tỏ ra khá lúng túng trong việc xử lý tang vật bỏ lại. Cán bộ địa chính xã có nói rằng thẩm quyền của xã chỉ có lập biên bản còn xử lý tang vật phải có Công an và UBND huyện.
Cơ quan chức năng xử lý phương tiện vi phạm bỏ lại hiện trường.
Thế nhưng, trao đổi với ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Di Linh thì việc cán bộ xã Đinh Trang Hòa phát ngôn như vậy là không đúng. UBND xã có quyền giám sát, theo dõi hoạt động và nếu cảm thấy hồ sơ vượt thẩm quyền thì lập báo cáo và yêu cầu các cơ quan cấp trên xử lý.
Trong khi hiện nay, nhu cầu sử dụng đất để san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án và nhu cầu dân sinh rất lớn nên tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép đã diễn ra trên địa bàn rất phức tạp. Thông thường, chủ sở hữu đất sẽ thuê các đơn vị khai thác hoặc thuê lái máy xúc, ô tô tải đến để lấy đi lớp đất thịt hay đất thuộc sở hữu của mình đem đi nơi khác phục vụ việc san lấp mặt bằng mà không biết rằng, tình trạng khai thác trái phép này không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến hệ thống các công trình xung quanh, gây ra tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Kính đề nghị các cơ quan chức năng huyện Di Linh vào cuộc xử lý nghiêm minh, chấm dứt tình trạng coi thường Pháp luật đang diễn ra tại xã Đinh Trang Hòa.
Tòa soạn Môi trường Xây dựng điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.
Theo quy định của Luật khai thác khoáng sản 2010 trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ khoáng sản được thể hiện như sau: “a) Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; b) Khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được”. 1. Xử phạt trong trường hợp khai thác khoáng sản không phải xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Nếu hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường mà không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tùy từng hành vi và mức độ sẽ bị xử phạt theo Điều 41 Nghị định 33/2017/NĐ-CP “Điều 41. Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản 1. Đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó thì xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác; b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác. 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó; thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng không đăng ký khối lượng nạo vét, khối lượng cát có thể thu hồi với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch. 3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó mà chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác, cụ thể như sau: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác; cho dự án, công trình khác; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác. 4. Hình thức xử phạt bổ sung Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản nhưng không sử dụng để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân hoặc xây dựng công trình của tổ chức đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này”. |
NHÓM PV
Các tin khác
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường
MTXD - Nhóm bạn trẻ đã sử dụng các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu tạo dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường.
Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép
Hiện nay, tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động rầm rộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường,
Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’
MTXD - Với mong muốn góp phần giúp đỡ các gia đình có con nhỏ giảm nhẹ gánh nặng chi phí tiêm chủng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng hạn cho người dân tại Việt Nam, Tiêm chủng Long Châu cho ra mắt dịch vụ “Mua trọn gói - Trả từng phần” với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum mới ban hành Kết luận thanh tra về việc, giao đất cho Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng ( Nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 26/51994 của UBND tỉnh.