Di sản nhà vườn truyền thống Huế trong bối cảnh hiện tại và giải pháp bảo tồn thích ứng

​MTXD - Nhà vườn truyền thống Huế (NVTTH) được biết là một trong những yếu tố không thể thiếu cấu thành vẻ đẹp tiềm ẩn và di sản văn hóa của “Thành phố Vườn” Huế. Những ngôi NVTTH vẫn luôn hiện hữu và tập trung chủ yếu trong khu vực kinh thành và các làng truyền thống như Kim Long, Vỹ Dạ, Phú Cát và Nguyệt Biều .

MTXD - Nhà vườn truyền thống Huế (NVTTH) được biết là một trong những yếu tố không thể thiếu cấu thành vẻ đẹp tiềm ẩn và di sản văn hóa của “Thành phố Vườn” Huế. Những ngôi NVTTH vẫn luôn hiện hữu và tập trung chủ yếu trong khu vực kinh thành và các làng truyền thống như Kim Long, Vỹ Dạ, Phú Cát và Nguyệt Biều .

Bản đồ phân bố nhà vườn truyền thống Huế (nguồn: tác giả)

Luật lệ triều Nguyễn, lối sống văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, quan điểm chủ nhân, và đặc trưng địa lý, khí hậu Huế đã ảnh hưởng đến sự hình thành, tổ chức không gian, hình khối kiến trúc và môi trường sống của các NVTTH. Các yếu tố này đã tạo nên đặc trưng duy nhất mà các nhà truyền thống ở những địa phương khác không thể có. Trong những năm gần đây, rất nhiều NVTTH đã và đang dần biến mất, biến dạng manh mún dưới tác động của đô thị hóa, sức ép kinh tế, gia tăng dân số, thiên tai lũ lụt… Bài viết này giới thiệu đặc điểm kiến trúc NVTTH, thực trạng và đề xuất một số giải pháp bảo tồn thích ứng.

Phương pháp nghiên cứu gồm (1) Thu thập các tài liệu thứ cấp liên quan đến NVTTH, nhà truyền thống, văn bản pháp luật… nhằm có cái nhìn tổng quát kiến trúc các nhà vườn truyền thống; (2) Khảo sát thực địa kết hợp phỏng vấn các chủ nhân ở các NVTTH tại khu vực kinh thành Huế và khu vực làng Phú Mộng, Kim Long . Ngoài ra, tác giả cũng khảo sát thực địa bằng quan sát và chụp ảnh khoa học một số NVTTH tại khu vực Vỹ Dạ và làng cổ Phước Tích. Phương pháp này thu thập những thông tin biến đổi của nhà, nguyên nhân biến đổi và ý kiến của các chủ nhân trong bảo tồn thích ứng các NVTTH.

Phân bố nhà vườn truyền thống trong khu vực kinh thành và Kim Long (Nguồn: Tác giả)

Đặc điểm kiến trúc và thực trạng các nhà vườn truyền thống Huế

Đặc điểm kiến trúc

Các NVTTH xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17 dưới thời kỳ chúa Nguyễn [8, tr. 137]. Năm 1833, vua Minh Mạng đã ban ngôi nhà vườn làm nơi thư giãn, học tập cho các hoàng tử [3, tr. 95]. Các NVTTH được biết là nhà của tầng lớp hoàng thân quốc thích, quan lại dưới triều Nguyễn. Sau này, dân thường mới có thể sở hữu các ngôi nhà này khi họ đủ khả năng tài chính để xây dựng. Tổng thể một NVTTH gồm có cổng, hàng rào, lối vào, bình phong, bể cạn, yếu tố Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ, nhà Chính (nhà Rường), nhà Phụ, và sân vườn [7].

Tổng thể và không gian mặt bằng một ngôi nhà vườn truyền thống (Nguồn: Tác giả)

Ngôi nhà luôn hòa lẫn vào cảnh quan xung quanh tạo nên kiến trúc hài hòa giữa con người, thiên nhiên, và ngôi nhà.

Nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung (Nguồn: Tác giả)

Nhà vườn Lạc Tịnh viên (Nguồn: Tác giả)

Cái cổng đóng vai trò nhận diện ngôi nhà đầu tiên. Thường cổng NVTTH có mái phía trên tạo điểm nhấn và có thể là không gian che nắng, trú mưa cho thành viên gia đình hay người khách lỡ đường . Bước qua cổng là lối nhỏ đưa người khách đi đến bình phong và bể cạn. Bình phong và bể cạn không chỉ đóng vai trò là yếu tố phong thủy mà còn là thành phần phản ánh nếp sống của gia đình trong ngôi nhà. Người khách khi gặp bình phong thì tạm thời dừng lại và rẽ trái để đi vào nhà. Khoảng thời gian tích tắc ấy đủ để giúp chủ nhân có thể sửa soạn trang phục lịch sự để tiếp đón người khách.

Cổng nhà vườn Lạc Tịnh viên (Nguồn: Tác giả)

Bình phong, bể cạn, yếu tố Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ
(Nguồn: Tác giả)

Theo nguyên tắc phong thủy, bình phong đóng vai trò tiền án chắn các luồng khí xấu, còn bể cạn đóng vai trò là yếu tố Minh đường, đem lại sức khỏe, thịnh vượng cho chủ nhân. Yếu tố Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ như hai người bảo vệ cho ngôi nhà. Thông thường, chúng có thể là hai cây nhỏ hoặc hai chậu cây bonsai nằm trước hai chái của Nhà Chính hoặc nằm hai bên bình phong. Nhà Chính nằm ở trung tâm NVTTH, thường xoay về hướng Nam, được xem là hướng tốt mang lại sức khỏe, thịnh vượng, gió tốt cho ngôi nhà. Tuy nhiên, hầu hết các nhà vườn truyền thống ở Kim Long nằm dọc kênh thì xoay hướng về con kênh hoặc có một số trường hợp ngôi nhà khác xoay về phía mặt nước (yếu tố “Minh đường” trong phong thủy). Nhà Phụ thường nằm vuông góc một bên so với nhà Chính.

Nhà Chính thông thường là nhà Rường, cấu trúc truyền thống ở khu vực miền Trung Việt Nam. Cấu trúc nhà Rường được xem là đặc trưng duy nhất ở miền Trung nói chung và ở Huế nói riêng. Các cấu kiện của nhà Rường đều có một vai trò nhất định trong cấu tạo bộ khung tạo nên sự khác biệt với nhà truyền thống khu vực Bắc bộ khi nhiều cấu kiện có thể không có vai trò gì trong cấu tạo bộ khung và chỉ mang tính trang trí, thẩm mỹ [6]. Bên trong nhà Chính, không gian thờ tự được đặt ở chính giữa phía sau, là không gian trang trọng nhất của ngôi nhà. Bên trái (nhìn từ ngoài vào) là phòng ngủ, không gian của phái nam trong khi không gian bên phải, gần khu vực bếp là nơi dành cho phụ nữ. Nhà Phụ thường có chức năng là không gian bếp, ngủ phụ nữ, ăn, và kho.

Bên trong ngôi nhà Rường, không gian thờ tự thường được gia chủ trang hoàng rất công phu, tỉ mẫn với các bức liễn, câu đối, bức hình cũ của tổ tiên, nhưng bức khảm gỗ trang trí… Đây được xem là nơi kết nối giữa những người đang sinh sống trong nhà với tổ tiên đã khuất, phản ánh những giá trị phi vật thể mà mỗi ngôi nhà là mỗi câu chuyện riêng biệt tạo nên nét hấp dẫn, nét văn hóa truyền thống trong các NVTTH.

Nhà vườn truyền thống Huế trong bối cảnh hiện tại

Trong nhiều năm trở lại đây, các NVTTH đang dần biến mất và biến dạng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Riêng trong khu vực kinh thành Huế, ít nhất 7 NVTTH đã biến mất trong 10 năm trở lại đây và thay thế bằng những công trình mới hiện đại . Hầu hết các NVTTH đều có sự biến đổi từ tổng thể cho đến bên trong ngôi nhà. Việc chia cắt đất để cho con cái khi trưởng thành hoặc bán đi vì lý do kinh tế gần như đều diễn ra trong quá khứ ở các ngôi nhà được khảo sát.

Nhà vườn truyền thống số 34 Nguyễn Trãi hạ giải năm 2019
(Nguồn: Tác giả)

Hiếm có ngôi nhà khảo sát nào giữ nguyên gốc như từ lúc ban đầu mà phần lớn đều đã có ít nhất một lần vài biến đổi, cơi nới, đặc biệt là các NVTTH tọa lạc trong khu vực kinh thành. Tuy nhiên, những biến đổi lớn chủ yếu ở nhà Phụ, hoặc xây thêm nhà Phụ khác, trong khi nhà Chính gần như được giữ nguyên hoặc được chủ nhân cho lắp dựng lại và đưa lên tầng 2 như ngôi nhà tọa lạc số 81 Thạch Hãn và 3/364 Đinh Tiên Hoàng. Các ngôi nhà xây lên 2 tầng hoặc gác lửng ở nhà Phụ đều nhằm mục đích chính là chống lụt, trừ một số ít trường hợp dùng kết hợp làm kho và phòng ngủ khi nhân khẩu gia đình tăng. Đối với những trường hợp cơi nới, xây thêm nhà Phụ, mục đích chính là kinh doanh (bán hàng, nhà trọ sinh viên, homestay…), gia tăng nhân khẩu, hoặc sử dụng nhà Chính thành từ đường và nhà Phụ để ở.

Đối với nhà Chính, mặt đứng rất nhiều trường hợp biến đổi rất nhiều như thay hệ cửa bàn khoa bằng tường gạch và cửa hiện đại (gỗ kính, nhôm kính). Nhiều ngôi nhà thay cột gỗ bằng cột bê tông hoặc nối kết hợp cột gỗ và bê tông do bị mối mọt, nâng cao độ chống lụt. Mái ngói liệt cũng đang dần thay thế bởi các loại ngói khác như tôn, ngói móc. Những hư hại như thấm dột, ẩm mốc cũng thường thấy ở các NVTTH được khảo sát. Một vấn đề khác thường xảy ra ở các NVTTH, đặc biệt ở các làng cổ đó là thiếu người trẻ sống trong nhà mà phần lớn là người già lớn tuổi như ở các ngôi nhà tại làng Kim Long, Phước Tích. Điều này ảnh hưởng một phần tới việc bảo quản, chăm sóc cho ngôi nhà. Những hiện tượng nói trên dẫn đến tình trạng manh mún, xuống cấp, biến dạng của các ngôi NVTTH hiện nay.

Gỉai pháp bảo tồn thích ứng nhà vườn truyền thống Huế

Những ngôi nhà vườn truyền thống Huế có thể nói là “thương hiệu” dành riêng của Huế, tạo nên nét hấp dẫn thu hút bạn bè, khách du lịch khắp mọi miền Tổ quốc và quốc tế ghé thăm Huế, trải nghiệm ngôi nhà vườn. Tuy nhiên, sự suy giảm số lượng và những biến dạng, thay đổi của các NVTTH trong những năm qua là điều đáng lo ngại. Chính vì vậy, một số giải pháp bảo tồn thích ứng được đề xuất như sau:

Khảo sát, thống kê toàn bộ các NVTTH đang hiện hữu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.

Trong những năm 2000, Bộ môn Kiến trúc, (Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế) đã từng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các các tổ chức liên quan làm khảo sát nhà truyền thống trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế và một phần của tỉnh Quảng Trị [4]. Tuy nhiên, kết quả khảo sát này gần như không được lưu trữ và thất lạc. Chính vì vậy, số liệu về nhà truyền thống nói chung và NVTTH nói riêng gần như không có. Tác giả cũng đã khảo sát các NVTTH trong khu vực kinh thành và khu vực Kim Long nhưng cơ bản vẫn không đầy đủ. Muốn nghiên cứu và bảo tồn các NVTTH một cách toàn diện thì cần phải có số liệu đầy đủ về các ngôi nhà này từ vị trí tọa lạc, thông tin cơ bản, phân loại nhà, tình trạng ngôi nhà… Từ đó mới có thể là cơ sở để đề xuất những định hướng bảo tồn thích ứng trong tương lai. Ngoài ra, cần có cơ chế lưu trữ, bảo quản cơ sở dữ liệu để có thể sử dụng một cách có hiệu quả đối với các hoạt động liên quan sau này.

Bảo tồn NVTTH dựa vào cộng đồng.

Đề xuất này không phải là mới nhưng vẫn rất hữu ích đối với bảo tồn NVTTH hiện nay. Chính quyền địa phương luôn quan tâm và có những chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn qua các đề án trong hơn 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, các chủ nhân NVTTH tương đối thụ động chờ đợi chính sách, nhận sự hỗ trợ từ các dự án của chính quyền và các tổ chức khác. Tuy nhiên, họ cần là nhân tố chủ yếu trong bảo tồn ngôi nhà vì họ, hơn ai hết là người hiểu rõ nhất tình trạng ngôi nhà, là người sở hữu và sử dụng trực tiếp những ngôi nhà này. Chính quyền, các nhà khoa học, các tổ chức khác cũng đồng hành và hỗ trợ trong công cuộc bảo tồn NVTTH.

Phương pháp này cũng rất thành công trong việc bảo tồn các di sản văn hóa trên thế giới như trường hợp bảo tồn nhà truyền thống Gassho ở làng Shirakawa, vùng núi Ogimachi, quận Gifu, Nhật Bản, bảo tồn và gìn giữ nhà Machiya, Kyoto, Nhật Bản, bảo tồn phố cổ Pingyao, Trung Quốc, bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Hội An, Việt Nam… ([1], [5], và [7]).
Đối với bảo tồn NVTTH, Hội nhà vườn Huế được thành lập trên cơ sở mục tiêu, quy định hoạt động với sự tán thành của các thành viên trên cơ sở phù hợp với pháp luật và khuyến khích của chính quyền địa phương. Khi ngôi nhà nào cần sửa chữa, cải tạo, Hội sẽ đại diện chủ nhân ngôi nhà đó để thực hiện hồ sơ, đăng ký với chính quyền theo quy định để có giấy phép. Bên cạnh đó, Hội có chức năng hướng dẫn, tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm, vận động các chủ nhân trong việc nâng cao hiểu biết, kiến thức bảo tồn, có trách nhiệm đối với các hoạt động của Hội.

Biến đổi thích ứng NVTTH.

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính từng khẳng định việc chia cắt đất là con đường ngắn nhất dẫn đến sự kết thúc các ngôi nhà vườn Huế [2, tr. 101]. Chính vì vậy, cần có những quy định, chính sách về việc giữ nguyên diện tích đất hiện tại của các NVTTH. Bên cạnh đó, các thành phần quan trọng của ngôi nhà cần được gìn giữ như yếu tố cổng, lối vào, bình phong, bể cạn, nhà Chính, và nhà Phụ. Những biển đổi do các nguyên nhân lũ lụt, dân số tăng, kinh tế… thì cần có những đề xuất phù hợp tùy vào từng trường hợp cụ thể. Đối với lụt, nên ưu tiên xây gác lững, hoặc xây tầng 2 cần tránh ảnh hưởng kiến trúc của nhà Chính. Đối với số lượng thành viên tăng, nên xây dựng mô hình “gia đình hạt nhân” [6]. Đối với mục đích kinh tế, cần có những loại hình kinh doanh phù hợp và ít ảnh hưởng đến môi trường và kiến trúc ngôi nhà như phòng trà, cafe, phòng trọ, lớp học thêm văn hóa…

Tạo ra các mô hình văn hóa, du lịch nhà vườn truyền thống phù hợp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Huế, nhiều chủ nhân ngôi nhà đã và đang áp dụng phương thức “Sống cùng di sản, sử dụng di sản để bảo tồn di sản”. Mỗi ngôi NVTTH là một câu chuyện hấp dẫn về giá trị vật thể và phi vật thể, đó là hình thức kiến trúc, bố trí công năng, mô típ trang trí, đó là câu chuyện nguồn gốc lịch sử ngôi nhà, là nếp sống văn hóa, quan niệm nhân sinh của chủ nhân… Những điều đó tạo nét riêng của từng ngôi nhà và luôn làm khách du lịch cuốn hút vào. Ngôi nhà cũng chính là di sản, lối sống, nếp sinh hoạt trong gia đình cũng là di sản và chúng cần sinh lợi nhuận và cần được bảo tồn. Vì vậy, cần có những đề xuất sử dụng di sản để tạo lợi nhuận và dùng lợi nhuận đó để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Bảo tàng gốm cổ sông Hương ở 120 Nguyễn Phúc Nguyên là một ví dụ điển hình. Tại đây, chủ nhân ngôi nhà đã tạo nên không gian trưng bày đồ gốm do gia đình sưu tầm cùng với những không gian khác rất linh hoạt như triển lãm tranh, triển lãm các sản phẩm truyền thống Huế, không gian tọa đàm, trao đổi học thuật, không gian thư giãn, thưởng ngoạn kiến trúc, cảnh quan xung quanh… Chính quyền nghiên cứu thiết lập những hoạt động, sự kiện, lễ hội văn hóa tại các NVTTH sẽ tạo những hiệu ứng tốt thúc đẩy ý thức bảo vệ giá trị ngôi nhà.

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (Nguồn: Tác giả)

Tạo các sản phẩm ứng dụng liên quan đến nhà vườn truyền thống Huế.

Những sản phẩm ứng dụng liên quan đến NVTTH luôn có ý nghĩa trong quảng bá thương hiệu và góp phần tạo những sản phẩm lưu niệm, du lịch. Một số sản phẩm mang tính khả thi cao như thiết lập bản đồ du lịch NVTTH trên tỉnh Thừa Thiên Huế với đầy đủ các thông tin về ngôi nhà, vị trí, lịch sử xây dựng, tình trạng ngôi nhà… Bản đồ này giúp du khách có thể nắm các thông tin và lựa chọn nhà để tham quan trong lịch trình của mình. Tiến hành số hóa (VR hoặc AR) các NVTTH tiêu biểu và sau đó lan tỏa ra các ngôi nhà còn lại. Công việc này sẽ tạo bộ cơ sở dữ liệu cần thiết để phục vụ các mục đích khác nhau trong bảo tồn NVTTH. Những sản phẩm lưu niệm, mô hình nhà rường kèm hướng dẫn lắp dựng và thông tin ngắn gọn giới thiệu kiến trúc và giá trị NVTTH cũng là sản phẩm độc đáo góp phần phát huy giá trị các ngôi nhà .

Có thể thấy NVTTH không đơn giản chỉ là hình khối cấu kiện kiến trúc mang giá trị vật thể mà bản thân ngôi nhà còn hàm chứ những giá trị tinh thần. Vì vậy, những NVTTH không phải là những vật thể vô tri mà chúng là những “bảo tàng sống”, nơi chứa đựng rất nhiều điều cuốn hút về nề nếp, gia phong, lối sống, môi trường, văn hóa,… được tạo nên từ mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình. Những đề xuất trên, có thể không đầy đủ nhưng góp một phần trong công cuộc bảo tồn thích ứng và phát huy giá trị các NVTTH.

TS.KTS Nguyễn Ngọc Tùng
Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)

Tài liệu tham khảo
[1] Kyoto Center for Community Collaboration (2009) – “Machiya Revival in Kyoto” – Kyoto;
[2] Hoàng Đạo Kính (2002) – “Di sản văn hóa bảo tồn và trùng tu” – NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 101;
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn – “Minh Mạng chính yếu” – NXB Thuận Hóa 1994, Huế;
[4] Trần Bá Tịnh (2005) – “Nhà truyền thống Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, hiện trạng và giải pháp” – Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2004;
[5] Nguyễn Ngọc Tùng, Trần Thị Thùy Hương (2020) – “Thành cổ Pingyao kiến trúc và kinh nghiệm bảo tồn” – Tạp chí Kiến trúc, số 3-2020, tr. 83-85. ISSN: 0866-8617;
[6] Nguyễn Ngọc Tùng, Trần Thị Thùy Hương (2022) – “Nhà vườn truyền thống Huế: nhận diện kiến trúc và định hướng bảo tồn” – Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Di sản & kiến trúc trong phát triển bền vững đô thị du lịch biển”, tr. 44-52;
[7] Nguyen Ngoc Tung, Hirohide Kobayashi, Nawit Ongsavangchai, Miki Yoshizumi (2015). Transformation and Conservation of Traditional Garden Houses in Hue Citadel, Vietnam. ISSN: 978-604-903-581-4, Thuan Hoa Publishers;
[8] Nguyễn Đăng Vinh và Nguyễn Đăng Quang (2008) – “Huế thời nhà Nguyễn (1802-1945)” – “Kinh đô Việt Nam xưa và nay” – NXB Lao Động, Pp. 93-182, Hà Nội.


 

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon
Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Chiến thắng Điện Biên Phủ từ hiệu lệnh trên đồi A1
Chiến thắng Điện Biên Phủ từ hiệu lệnh trên đồi A1

MTXD - Tiếng bộc phá ngàn cân nổ trong đường hầm dưới đồi A1 (Điện Biên Phủ) như tiếng chuông báo hiệu giờ tàn cho tập đoàn cứ điểm của quân Pháp. Nếu chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, thì tiếng nổ trên đồi A1 thực sự là âm thanh đầu tiên của sự kiện ấy.

Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa
Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa

MTXD – Theo Quyết định số 1710/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, đến năm 2045, có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 1.535,59ha.

Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang
Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang

​MTXD - Biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi văn hóa làng và văn hóa làng nghề nói riêng...

Vì một Việt Nam khỏe mạnh
Vì một Việt Nam khỏe mạnh

MTXD - Ngày 3/5, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam. Chương trình do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) chủ trì, Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VietFair) phối hợp tổ chức.