Định hướng bảo tồn không gian Hồ Gươm trong sự phát triển

MTXD - Nghiên cứu hướng tới việc đánh giá lại những đặc điểm của không gian Hồ Gươm, Hà Nội và tiềm năng bảo tồn của nó, từ đó đề xuất định hướng bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối.

MTXD - Nghiên cứu hướng tới việc đánh giá lại những đặc điểm của không gian Hồ Gươm, Hà Nội và tiềm năng bảo tồn của nó, từ đó đề xuất định hướng bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối.

Ảnh Internet

1. Mở đầu

Hồ Gươm hay còn được gọi là Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, giữa khu phố cổ và khu phố cũ. Đây cũng là không gian linh thiêng gắn liền với những sự tích huyền thoại của người Việt trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. 

Hồ Gươm được đề cập khá nhiều trong các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Đáng chú ý trong số đó là cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội mười thế kỷ đô thị hoá” của Trần Hùng và Nguyễn Quốc Thông, “Lịch sử Hà Nội” của P. Papin, “Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc” của Trần Quốc Bảo và Nguyễn Văn Đỉnh, “Hà Nội chu kỳ của những đổi thay” của P. Clément và N. Lancret, “Khu phố tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính” của Phan Phương Thảo, các luận án tiến sĩ “Mô hình và phương pháp quy hoạch cải tạo, phát triển khu phố trung tâm cũ TP Hà Nội” của Nguyễn Quốc Thông, “Đặc điểm và sự biến đổi cấu trúc không gian khu phố cũ Hà Nội” của Vũ Hoài Đức, “Fabrication de la ville de Hanoi entre planification et pratiques habitantes - Conception, production et réception des formes bâties” của E. Cerise, đề tài NCKH “Cải tạo, bảo tồn, nâng cấp các khu phố cổ, cũ trong các đô thị Việt Nam” của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội…

Tuy nhiên, trong phần lớn các nghiên cứu, Hồ Gươm chỉ được đề cập đến như một cấu trúc thành phần của Khu phố cũ Hà Nội, mà chưa được nghiên cứu một cách cụ thể để chỉ ra các vấn đề nội tại của nó. Số lượng nghiên cứu tập trung vào không gian Hồ Gươm và coi nó như một đối tượng có nội hàm riêng là không nhiều.

Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu của Nguyễn Phú Đức về hình thái và sự chuyển hóa hình thái không gian kiến trúc Hồ Gươm và quản lý công trình cao tầng Khu vực Hồ Gươm và phụ cận, hay phân tích của Vũ Hoài Đức về sự biến đổi cấu trúc không gian khu vực Hồ Gươm với tư cách là “gạch nối’ giữa Khu phố cổ và Khu phố cũ.

Cho đến nay, Hồ Gươm mặc nhiên được công nhận là “viên ngọc quý” của Thủ đô Hà Nội với rất nhiều giá trị về văn hóa - lịch sử, quy hoạch - kiến trúc, cảnh quan, môi trường… Tuy nhiên phần lớn những giá trị đó chủ yếu được đánh giá một cách định tính và được nhìn nhận trong trạng thái “tĩnh”. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu này hướng tới việc vận dụng phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn để định lượng hóa các giá trị cụ thể của không gian Hồ Gươm và phụ cận, từ đó nhận diện những nguy cơ và đề xuất định hướng bảo tồn cho không gian này. Các giá trị được định lượng này cũng có tính “động” hơn bởi chúng sẽ thay đổi khi bối cảnh của khu vực nghiên cứu thay đổi.

2. Tổng quan về hồ gươm

2.1. Vị trí

Hồ Gươm nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, có diện tích 10,7 ha, được bao bọc bởi phố Đinh Tiên Hoàng ở phía đông và phía bắc, phố Lê Thái Tổ ở phía tây, và phố Hàng Khay ở phía nam. Đây cũng chính là không gian chuyển tiếp kết nối Khu 36 phố phường - còn được gọi là Khu phố cổ Hà Nội, vốn được hình thành từ rất lâu đời, ở phía bắc và Khu phố cũ (còn gọi là Khu phố Pháp) được hình thành từ cuối thế kỷ 19 ở phía nam (Hình 1, 2). 

 Toàn cảnh không gian Hồ Gươm : Ảnh Internet

2.2. Lịch sử hình thành và phát triển của không gian Hồ Gươm

Vốn là một nhánh của sông Hồng, Hồ Gươm đã được hình thành từ lâu và từng mang nhiều tên gọi khác nhau: Hồ Lục Thủy (do màu nước xanh quanh năm), Hồ Tả Vọng, Hồ Thủy Quân...

Tên gọi Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm có từ đầu thế kỷ 15, gắn liền với truyền thuyết trả gươm cho rùa thần của vua Lê Thái Tổ sau khi đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Đây cũng là tên gọi chính thức của Hồ hiện nay.

Trước đây Hồ có quy mô rộng hơn rất nhiều, kéo dài từ bên trong khu vực phố cổ, phía sau phố Hàng Đào cho đến tận phố Hàng Chuối. Đầu thế kỷ 18, chúa Trịnh Giang đã làm đường ngăn đôi hồ thành Hồ Tả Vọng và Hồ Hữu Vọng. Hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi duyệt quân thuỷ chiến của triều đình nên đến thời Nguyễn còn được gọi là Hồ Thủy Quân [20, tr.21]. Trải qua quá trình đô thị hóa, Hồ Hữu Vọng dần bị lấp cho mục đích phát triển, còn Hồ Tả Vọng (Hồ Gươm ngày nay) được người Pháp cải tạo, chỉnh trang, bổ sung, hoàn thiện các tuyến giao thông xung quanh và có diện tích ổn định cho đến tận ngày nay.

Có lẽ ngay từ thời Lý, Hồ Gươm đã được coi là danh lam thắng cảnh của đất Thăng Long. Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, trên hòn đảo nhỏ giữa hồ đã có một ngôi đền, vua đặt tên cho hòn đảo là Ngọc Tượng Sơn còn ngôi đền là đền Ngọc Tượng. Ở khu vực ven hồ, năm 1056 vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng chùa Báo Thiên (Sùng Khánh Báo Thiên Tự). Đây là ngôi quốc tự quan trọng bậc nhất thời Lý Trần với tòa tháp cao 20 trượng (khoảng 70m) - được coi là một trong An Nam tứ Đại khí. Ngay gần đó, chùa Bà Đá (phố Nhà Thờ ngày nay) cũng được khởi dựng trong thời kỳ này. 

Đến thời Hậu Lê, một số công trình quan trọng tiếp tục được xây dựng hoặc thay thế những công trình đổ nát trong khu vực Hồ: to lớn và hoành tráng bậc nhất là Lầu Ngũ Long được xây dựng ở vị trí bưu điện ngày nay, Chùa Phổ Giác (hay còn gọi là chùa Tàu Tượng) được xây dựng ở vị trí UBND TP Hà Nội hiện nay, Đền Bà Kiệu được xây dựng ở chếch lối vào đền Ngọc Sơn. Vào đầu thế kỷ 18 trên đảo Rùa giữa hồ, chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng làm nơi ngắm cảnh [19, tr.34], [20, tr.27].

Trên đảo Ngọc chúa Trịnh Giang đã dựng cung Khánh Thụy làm nơi hóng gió, đồng thời đắp 2 gò núi Đào Tai và Ngọc Bội ở bờ hồ phía đông. Sau khi cung Khánh Thụy bị phá hủy vào cuối thời Lê, một nhà từ thiện đã xây dựng chùa Ngọc Sơn thờ Phật tại vị trí đó [21, tr.241-142]. Cuối thế kỷ 18, Đình Nam Hương được xây dựng ở vị trí khách sạn Apricot hiện nay (trước là khách sạn Phú Gia). Cũng vào thời kỳ này, ven hồ còn được dựng nhiều kiến trúc như Nguyệt đài, Thủy tạ. Phương đình… [20, tr.27].

Sang thời Nguyễn, xung quanh và bên trong không gian Hồ Gươm, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng vẫn tiếp tục được bổ sung hoặc tôn tạo/thay thế các công trình cũ đã bị hư hại. Chùa Liên Trì (Báo Ân) - một ngôi chùa lớn với kiến trúc và điêu khắc độc đáo được xây dựng tại vị trí Lầu Ngũ Long. Năm 1843 chùa Ngọc Sơn được xây dựng lại và đổi thành đền Ngọc Sơn, thờ Tam Thánh. Đến năm 1865 đền Ngọc Sơn được Phương đình Nguyễn Văn Siêu vận động xây dựng lại và bổ sung một số hạng mục như đình Trấn Ba, Cầu Thê Húc cùng Tháp Bút và Đài Nghiên ở lối vào đền [21, tr.139], [1, tr.88] và có hình thức ổn định cho đến ngày nay. 

Vào thời Pháp thuộc, người Pháp đã ngay lập tức nhận ra vẻ đẹp và giá trị của Hồ Gươm. André Masson viết: “Nó là một vòng trang sức của Hà Nội, là cái gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp” [14, tr.122]. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong cuốn hồi ký của mình cũng cho rằng, đây là hồ rất duyên dáng, làm nên sự quyến rũ của toàn thành phố [8, tr.229]. Và ngay từ năm 1883, một trong những thú vui của đất kinh kỳ là dạo chơi quanh hồ hay chèo thuyền trên mặt nước [3, tr.39].

Cùng với quá trình cải tạo, chỉnh trang và mở đường vòng quanh hồ, người Pháp đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc quan trọng ở khu vực quanh hồ, đáng chú ý trong số đó là nhà Thờ Lớn, tòa Đốc Lý, Bưu điện, Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, ngân hàng Đông Dương, tòa nhà Godard, trụ sở báo Avenir du Tonkin, Sở Cảnh sát, nhà Thủy Tạ… Tiếc rằng để thực hiện điều này, một số công trình kiến trúc đặc sắc ở ven hồ như chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân , chùa Phổ Giác… đã bị phá hủy.

Với vẻ đẹp và những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi trội, Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn dã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2383/QĐ-TTg, ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính Phủ. Theo Hồ sơ xếp hạng di tích (Tư liệu Cục Di sản Văn hóa), cụm Di tích này bao gồm 3 thành phần chính: Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn và Khu Tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ. 

2.3. Đặc điểm quy hoạch và kiến trúc

Các nhà nghiên cứu lịch sử và quy hoạch kiến trúc đều thống nhất rằng Hồ Gươm là không gian chuyển tiếp giữa Khu phố cổ ở phía bắc và tây bắc với Khu phố cũ ở phía nam và đông nam. Những dấu vết quy hoạch và kiến trúc cho thấy rất rõ điều đó.

Về quy hoạch, các tuyến đường xung quanh hồ thể hiện rõ sự giao nhau giữa hình thái có phần tự do, ngẫu phát của Khu 36 phố phường với mạng lưới chặt chẽ hình ô cờ của Khu phố Pháp ở phía nam. Sự “va chạm” này tạo ra các không gian khá thú vị như Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường Chí Linh, Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, vườn hoa Diên Hồng, vườn hoa đền Bà Kiệu, vườn hoa Tây Sơn…, đồng thời xuất hiện những điểm nhấn kiến trúc có tầm nhìn xa do án ngữ ở cuối trục cảnh quan như Nhà hát lớn, Ngân hàng Đông Dương.

 Cấu trúc không gian và các điểm nhấn cảnh quan của Hồ Gươm và khu vực phụ cận. (Nguồn: [11])

Hồ Gươm cũng là không gian kết nối các khu vực chức năng xung quanh: ở phía bắc Hồ là không gian buôn bán truyền thống theo kiểu phố hàng đặc trưng của người Việt, phía tây là trung tâm tôn giáo với sự góp mặt của nhà Thờ Lớn, phía đông là trung tâm hành chính và phía đông nam và nam là trung tâm thương mại, dịch vụ kiểu phương Tây. Cách thức tổ chức này làm cho Hồ Gươm trở nên đặc biệt hấp dẫn, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.

Đây cũng được coi là nơi có sự đối thoại và giao thoa rõ rệt nhất giữa 2 nền văn hóa Việt và Pháp trên khía cạnh kiến trúc đô thị [11] như Arnauld Le Brusq đã viết “sự chuyển hóa những chuẩn mực về đô thị được du nhập từ phương Tây thể hiện qua việc kết hợp tính hợp lý kiểu phương Tây với nét duyên dáng Á châu” [18, tr.24] (Hình 3). 

Về kiến trúc, đó là sự hòa hợp giữa kiến trúc truyền thống Việt mà tiêu biểu là cụm di tích đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu với các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp như nhà Thờ Lớn, Bưu điện, Tòa Đốc lý..., trong đó dù có quy mô tương đối khiêm tốn, nhưng do có vị trí đắc địa nên Đền Ngọc Sơn đóng vai trò là công trình chi phối cảnh quan và môi trường kiến trúc. 

Việc bổ sung các công trình kiến trúc đa dạng trong và sau thời kỳ Pháp thuộc  đã làm phong phú thêm quỹ kiến trúc trong khu vực Hồ Gươm và làm gia tăng chất lượng đô thị. Ngay trong thời Pháp thuộc, người Pháp đã liên tục bổ sung hoặc thay thế những công trình kiến trúc khu vực quanh Hồ và tạo ra sự đa dạng về phong cách kiến trúc: từ phong cách Tiền thực dân (Tòa Đốc lý - 10 Lê Lai, nay là Sở Ngoại vụ Hà Nội), Neo-Gothic (nhà Thờ Lớn), Đế chế thứ hai (Nhà hát thành phố - nay là Nhà hát lớn Hà Nội), Tân cổ điển Pháp (Dinh Thống sứ Bắc kỳ - nay là Nhà khách Chính phủ, Khách sạn Métropole - nay là Khách sạn Sofitel Métropole, Sở Bưu điện - nay thuộc Bưu điện Hà Nội, Trụ sở báo Avenir du Tonkin - nay là Tòa soạn Báo Hà Nội mới, Sở Cảnh sát - nay là Công an quận Hoàn Kiếm…), đến phong cách Art Deco (Ngân hàng Đông Dương - nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ Tín dụng bất động sản - nay là Nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Phòng Thương mại và Nông nghiệp - nay là Bưu điện Quốc tế), và phong cách Đông Dương (Bảo tàng Louis Finot - nay là Bảo tàng Lịch sử, Nhà Thủy tạ Bờ Hồ). Rất nhiều công trình kiến trúc trong số đó biểu hiện sự hòa nhập của 2 nền văn hóa, với xu hướng “tạo ra một nền văn hóa pha trộn giữa chủ nghĩa duy lý của phương Tây với triết học của phương Đông” [15, tr.159].

Tiếp theo, một số công trình kiến trúc giai đoạn sau 1954 được bổ sung vào khu vực ven Hồ Gươm đã khẳng định được giá trị và tạo thêm cảm nhận về tính liên tục của lịch sử. Tòa Bưu điện Hà Nội xây dựng năm 1978 tạo ra một điểm nhấn mới trong không gian kiến trúc Hồ Gươm và trở thành một hình ảnh thân quen đối với người Hà Nội. Cũng trong thời kỳ này, Cung Thiếu nhi Hà Nội - một công trình có thể được coi là di sản kiến trúc hiện đại của Thủ đô đã được xây dựng ở gần đó, khẳng định sự tiếp nối kiến trúc truyền thống Việt theo hướng vừa dân tộc vừa hiện đại.

Tuy nhiên, cũng không hẳn là công trình nào cũng thành công khi tham gia vào không gian hồ Gươm, chẳng hạn như Trụ sở UBND TP Hà Nội (1987) với sự nhấn mạnh theo phương đứng bằng những mảng, khối đặc chắc tạo ra sự tương phản quá mức với không gian cảnh quan ven hồ, tòa nhà “Hàm cá mập” tỏ ra lạc lõng trong không gian chuyển tiếp giữa Hồ Gươm và Khu 36 phố phường, hay tòa nhà Bảo Việt trên phố Lê Thái Tổ có chiều cao đến 8 tầng nhưng vẫn không thoát được cái vỏ bọc “nệ cổ”…

3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị

Trước đây, việc đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị chủ yếu dựa trên cơ sở định tính, tạo ra cảm nhận rằng việc đánh giá đó phụ thuộc quá nhiều vào những suy luận chủ quan của người đánh giá. Để khắc phục điều đó, năm 1999 nhà nghiên cứu Nahoum Cohen (Israel) đã đề xuất phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị. Phương pháp này tìm ra những nét khác biệt độc đáo của di sản và đánh giá giá trị lịch sử và thẩm mỹ của nó dựa trên 5 tiêu chí:

1. Đặc điểm và ranh giới của khu vực đô thị nghiên cứu 

2. Sự độc đáo của địa điểm và cảm nhận về địa điểm

3. Tỉ lệ và các mối quan hệ nội tại (không gian, hình khối…) 

4. Phong cách và các đặc trưng kiến trúc của khu vực

5. Vật liệu và phương pháp xây dựng đặc thù

Các tiêu chí nói trên được đánh giá là quan trọng như nhau và điểm số cao nhất cho mỗi tiêu chí là 20 [6]. Thang điểm này khi tổng hợp lại thì số điểm đạt được (so với tổng mức 100) sẽ phản ánh trạng thái chung của khu vực dưới dạng tỉ lệ % một cách tương đối định lượng. Khi tổng số điểm đạt >50 thì khu vực đô thị đó là có giá trị và có tiềm năng di sản đáng kể để bảo tồn, và tổng điểm càng cao thì giá trị cũng như tiềm năng bảo tồn càng lớn.

Có thể dễ dàng nhận thấy, phương pháp của N. Cohen chủ yếu đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị trên cơ sở phân tích và đánh giá những khía cạnh vật thể của các thành tố cấu thành di sản đô thị đó. Trong khi đó khía cạnh phi vật thể - vốn là phần quan trọng không thể tách rời của di sản đô thị, nhất là đối với các đô thị phương Đông lại ít được đề cập đến [13]. Ngoài ra phương pháp này chủ yếu vận dụng cho các di sản đô thị không có sự hiện diện của các yếu tố tự nhiên như mặt nước, cây xanh… - vốn là những thành tố đóng vai trò quan trọng làm nên đặc trưng của nhiều di sản đô thị, trong đó có các đô thị Việt Nam.

Do đó, để phù hợp với điều kiện thực tế của địa điểm nghiên cứu, các tiêu chí đánh giá tiềm năng bảo tồn của N. Cohen được điều chỉnh như sau:

1. Đặc điểm tổng thể và ranh giới của khu vực di sản đô thị. 

2. Sự độc đáo của di sản đô thị trong mối quan hệ với các khía cạnh tinh thần và phi vật thể của địa điểm.

3. Tỉ lệ và các mối quan hệ nội tại của di sản đô thị.

4. Phong cách và các đặc trưng kiến trúc trong khu vực.

5. Vật liệu và phương pháp xây dựng đặc thù.

Trong đó tiêu chí 1 và tiêu chí 3 sẽ bao hàm cả khía cạnh tự nhiên như cây xanh, mặt nước…, tiêu chí 2 được bổ sung các yếu tố phi vật thể để nhấn mạnh tinh thần nơi chốn của địa điểm, còn tiêu chí 4 và 5 về cơ bản vẫn được giữ nguyên,

Dựa trên đặc điểm và tính chất của địa điểm nghiên cứu, để gia tăng độ chính xác và tính ứng dụng của kết quả đạt được, mỗi tiêu chí được chia thành 4 chỉ tiêu cụ thể như được trình bày trong Bảng 1, trong đó số điểm tối đa của mỗi chỉ tiêu là 5. Việc chia nhỏ thành 20 chỉ tiêu cũng giúp việc đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. 

Bảng 1: Bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị phù hợp với đô thị Việt Nam (Nguồn: tác giả)

3.2. Các phương pháp nghiên cứu khác
Để có thể đánh giá và cho điểm đối với từng chỉ tiêu cụ thể, các phương pháp nghiên cứu bổ sung sau đã được sử dụng:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: nghiên cứu các tài liệu của các tác giả trong và ngoài nước về khu vực Hồ Gươm và phụ cận (lịch sử hình thành và phát triển, sự biến đổi cấu trúc không gian, đặc điểm kiến trúc, cảnh quan, các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị…).
- Phương pháp chồng lớp bản đồ: Sử dụng các bản đồ được vẽ trong thời Pháp thuộc để phân tích sự biến đổi về cấu trúc khu vực Hồ Gươm 
- Phương pháp khảo sát hiện trạng: Được thực hiện vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bao gồm các hoạt động: quan sát và phân tích cấu trúc cảnh quan tại chỗ, nhận diện, chụp ảnh, và đánh giá các công trình kiến trúc quan trọng trong khu vực, hòa nhập vào các hoạt động văn hóa, lễ hội và ngày thường tại các không gian quan Hồ.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: Phân tích các dữ liệu thu thập được và tổng hợp theo các tiêu chí đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị.

4. Kết quả nghiên cứu 

4.1. Tiềm năng bảo tồn của không gian Hồ Gươm và phụ cận

Trên cơ sở Bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng bảo tồn đã được xác định trong Bảng 1, Tiềm năng bảo tồn chung của không gian Hồ Gươm được tổng hợp trong bảng 2 dưới đây:

Bảng 2: Đánh giá tiềm năng bảo tồn không gian Hồ Gươm và phụ cận (Nguồn: tác giả)

Với số điểm lên tới 76/100, có thể thấy không gian Hồ Gươm có tiềm năng bảo tồn rất cao, trong đó tiêu chí 1 được điểm tuyệt đối (20/20), tiêu chí 2, 3 và 4 đạt điểm cao, chỉ có tiêu chí 5 được đánh giá tương đối thấp (9/20) (Hình 4). Kết quả này khẳng định giá trị độc đáo và sự hấp dẫn của không gian Hồ Gươm. 

   

Biểu đồ tương quan điểm số giữa các tiêu chí đánh giá tiềm năng bảo tồn không gian Hồ Gươm

 

4.2. Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị không gian Hồ Gươm

Từ bảng đánh giá trên đây, bên cạnh những chỉ tiêu làm rõ giá trị của không gian Hồ, cũng có thể xác định được những chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu hoặc có thể được cải thiện trong tương lai. Như vậy định hướng bảo tồn và phát huy giá trị không gian Hồ Gươm cũng chính là việc làm sao để gia tăng tiềm năng bảo tồn của nó. Đề xuất cụ thể như sau:

- Bảo tồn và lưu giữ những đặc điểm đã làm nên giá trị nổi trội của không gian Hồ Gươm, tương ứng với các chỉ tiêu đạt điểm tuyệt đối (chỉ tiêu 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 2.1, 2.2, 3.4, và 4.1)

- Trong phạm vi 600m tính từ điểm quan sát tại Hồ Gươm, xác định cụ thể những vị trí có thể xây dựng nhà cao tầng và chiều cao tối đa của chúng sao cho không ảnh hưởng đến tầm nhìn và không gian cảnh quan hồ. Đối với những nhà cao tầng đã được xây dựng, cần có biện pháp cải tạo mặt đứng bằng vật liệu hay màu sắc sao cho ít tác động nhất đến cảnh quan hồ (chỉ tiêu 3.1, 3.2).

- Cải tạo, chỉnh trang một số công trình ven hồ quá tương phản với bối cảnh hoặc có khối tích quá lớn (Tòa nhà Bảo Việt) (chỉ tiêu 3.3). 

- Gia tăng cảm nhận về “hồn nơi chốn” cho không gian Hồ Gươm bằng việc bổ sung những các hoạt động sinh hoạt truyền thống, lễ hội… (chỉ tiêu 2.3), đồng thời tổ chức và phân khu lại các không gian chức năng cộng đồng sao cho vừa tôn trọng và phát huy được ý nghĩa của địa điểm cụ thể, vừa có tính sáng tạo để gia tăng sự độc đáo và tính hấp dẫn (chỉ tiêu 2.4).

- Khi cần bổ sung hoặc thay thế công trình cũ, tránh những đề xuất theo hướng “phục cổ”, “nệ cổ” mà lựa chọn những giải pháp có thể bổ sung giá trị cho khu vực thông qua phong cách kiến trúc tiêu biểu, đại diện cho thời đại (chỉ tiêu 4.1), tổ chức hình khối và không gian sáng tạo, độc đáo (chỉ tiêu 4.2, 4.3), khai thác và sử dụng vật liệu hiệu quả và bền vững, công nghệ xây dựng tiên tiến (chỉ tiêu 5.1, 5.2, 5.3, 5.4), nhưng vẫn đàm bảo hài hòa với không gian cảnh quan, trong đó ưu tiên những công trình có chức năng công cộng, có thể dễ dàng hòa nhập với các hoạt động ngoài trời trong khu vực để gia tăng giá trị của không gian Hồ Gươm (chỉ tiêu 4.4).

5. Bàn luận

Để thực hiện nghiên cứu này, phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị do N. Cohen đề xuất đã được sử dụng. Tuy nhiên phương pháp này đã không được sử dụng theo nguyên bản mà được điều chỉnh để dễ thực hiện hơn thông qua việc chia mỗi tiêu chí thành 4 chỉ tiêu. Với tổng cộng 20 chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu tối đa 5 điểm, việc đánh giá trở nên dễ dàng và cụ thể hơn. Việc điều chỉnh và bổ sung yếu tố cảnh quan, cây xanh và các yếu tố phi vật thể cho Bộ tiêu chí đánh giá khá phù hợp để đánh giá các di sản đô thị ở Việt Nam, trong đó có Hồ Gươm.

Tuy nhiên do chủ yếu dựa trên các dữ liệu định tính nên để đảm bảo độ tin cậy cao, phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị cần được thực hiện hoặc góp ý bởi những chuyên gia hàng đầu có nền tảng kiến thức toàn diện về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, xã hội, môi trường cảnh quan, di sản và bảo tồn di sản, công nghệ và vật liệu xây dựng.  

Kết quả đánh giá tiềm năng bảo tồn cho thấy không gian Hồ Gươm và phụ cận có giá trị và tiềm năng bảo tồn rất lớn. Thực chất, giá trị của Hồ Gươm đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, tuy nhiên đây là lần đầu tiên giá trị đó được định lượng bằng số điểm cụ thể. Từ số điểm đánh giá cho từng tiêu chí và chỉ tiêu, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận diện được các giá trị nổi bật của không gian hồ, những tồn tại và cả những nguy cơ mà nó đang đối diện để từ đó có các giải pháp ứng xử phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nó.

6. Kết luận và khuyến nghị

Không gian Hồ Gươm và phụ cận chứa đựng những giá trị nhiều mặt rất đặc sắc và hấp dẫn cần được lưu giữ và chuyển tiếp cho các thế hệ mai sau. Đồng thời cần nghiên cứu khắc phục những tồn tại và bổ sung những giá trị mới để nâng cao tiềm năng bảo tồn của nó. 

Hiện nay không gian Hồ Gươm được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa, nhưng do tầm nhìn rất rộng từ Hồ nên không gian này có phạm vi ảnh hưởng lớn. Do vậy cần xây dựng quy chế cụ thể bảo vệ không gian cảnh quan hồ từ những tác động không đáng có của các công trình cao tầng ở xung quanh, trong đó chỉ rõ khu vực/vị trí nào có thể xây dựng nhà cao tầng, chiều cao tối đa cho phép, cùng những gợi ý về hình thức kiến trúc phù hợp.

PG.TS Khuất Tân Hưng, TS.KTS Đặng Hoàng Vũ 

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Chỉ đạo 1000 năm Thăng Long, Di tích lịch sử - văn hóa trong Khu phố cổ và xung quanh Hồ Gươm. Nhà xuất bản Hà Nội, 2002.
[2] Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh, Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, 2011.
[3] Bourrin, C., Bắc kỳ xưa. Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, Hà Nội, 2007.
[4] Cerise, E., Fabrication de la ville de Hanoi entre planification et pratiques habitantes - Conception, production et réception des formes bâties. Thèse de doctorat - Discipline: Architecture, École Nationale supérieure d’Architecture de Paris-Belleville, 2009.
[5] Clément, P., Lancret, N., Hà Nội chu kỳ của những đổi thay. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2005.
[6] Cohen, N., Urban conservation. The MIT Press, 1999.
[7] Đại học Quốc gia Hà Nội, Với Thăng Long Hà Nội. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2011. 
[8] Doumer, P., Xứ Đông Dương. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2016.
[9] Nguyễn Phú Đức, Hà Nội vui sao... Nhà xuất bản Hà Nội, 2005.
[10] Nguyễn Phú Đức, Quản lý công trình cao tầng Khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Tạp chí Xây dựng, 2005.
[11] Vũ Hoài Đức, Đặc điểm và sự biến đổi cấu trúc không gian khu phố cũ Hà Nội. Luận án TS, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, 2020.
[12] Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông, Thăng Long - Hà Nội mười thế kỷ đô thị hoá. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, 1995.
[13] Khuất Tân Hưng, Phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị - lấy khu Phố cổ Hà Nội làm ví dụ nghiên cứu. Tạp chí Kiến trúc số 08/2013
[14] Masson, A., Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888. Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003.
[15] Nacinovic, C., “Kiến trúc của các công trình công cộng thời thuộc địa ở Hà Nội và ảnh hưởng đối với quá trình phát triển đô thị”, Hà Nội chu kỳ của những đổi thay. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2005.
[16] Papin, P., Lịch sử Hà Nội. Nhà xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội, 2009.
[17] Phan Phương Thảo, Khu phố tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính. Nhà xuất bản Hà Nội, 2017.
[18] Nguyễn Quốc Thông, “Lịch sử Hà Nội: thành phố trong lòng mỗi khu phố”, Hà Nội chu kỳ của những đổi thay. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2005
[19] Hoàng Đạo Thuý, Người và cảnh Hà Nội. Nhà xuất bản Hà Nội, 2004.
[20] Trịnh Xuân Tiến, Thăng Long thời Lê Trịnh. Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2010.
[21] Nguyễn Đăng Vinh, Dấu tích ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2005.

 

1 Dấu vết còn lại duy nhất của Chùa Báo Ân là tháp Hòa Phong nằm ven Hồ Gươm, đối diện Bưu điện Bờ Hồ

2 Sau khi bị sập vì quá tải, cầu đã được trùng tu nhưng phần cọc đỡ gỗ đã bị thay bằng bê tông cốt thép

(Tít bài do TS đặt)

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.