Định hướng phát triển các đô thị biển đảo tỉnh Kiên Giang gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường
MTXD - Tỉnh Kiên Giang có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh biển đảo, an ninh biên giới và đối ngoại của khu vực Tây Nam vùng ĐBSCL cũng như của cả nước.
I. Đặt vấn đề
Tỉnh Kiên Giang có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh biển đảo, an ninh biên giới và đối ngoại của khu vực Tây Nam vùng ĐBSCL cũng như của cả nước.
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ và đa dạng, tài nguyên với tiềm năng đất đai, đồi núi, khoáng sản, rừng nguyên sinh, biển đảo. Vùng biển với diện tích khoảng 63.290 km2, bờ biển dài khoảng 200 km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, có 40 hòn đảo có dân cư sinh sống. Nằm trong vùng vịnh Thái Lan, Kiên Giang có 12 huyện, 3 thành phố; trong đó có 9 huyện, thành phố có biển, đảo với 68/145 xã, phường, thị trấn; TP Phú Quốc và huyện Kiên Hải là những địa phương hải đảo. Bờ biển trên phần đất liền của tỉnh trải dài từ huyện An Minh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế TP Hà Tiên, qua 7 huyện, thành phố với chiều dài khoảng 200 km. Vị trí và điều kiện tự nhiên đã tạo cho Kiên Giang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội mà đặc biệt là phát triển kinh tế biển, điều kiện giao thương thuận lợi với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường, việc nghiên cứu “Phát triển các đô thị biển đảo tỉnh Kiên Giang gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường”, đảm bảo thống nhất với Quy hoạch vùng ĐBSCL, Quy hoạch không gian biển quốc gia là hết sức quan trọng và cần thiết, làm cơ sở cho phát triển bền vững vùng biển, hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh, thực hiện kết nối 3 trụ cột của quá trình phát triển bền vững đô thị tỉnh Kiên Giang, bao gồm: (1) Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; (2) Phát triển kinh tế biển; (3) Bảo vệ môi trường.
II. Thực trạng đô thị biển, đảo tỉnh Kiên Giang
Trong thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; Kiên Giang hiện có 16 đô thị (Gồm các thành phố: Rạch Giá, Phú Quốc,Hà Tiên; các thị trấn: Kiên Lương, Hòn Đất, Sóc Sơn, Minh Lương, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Thứ Ba, Thứ Mười Một, Vĩnh Thuận; các đô thị mới: Hòn Tre, Tân Khánh Hòa, Thứ Bảy), gồm 02 thành phố đô thị loại II, 01 thành phố đô thị loại III; 01 đô thị loại IV và 12 đô thị lọai V. Tỷ lệ đô thị hóa nội thị tăng từ 26%, năm 2008 lên 28,59%, năm 2022 (Tỷ lệ đô thị hóa ước năm 2022, kể cả ngoại thị và đô thị mới là 35,26%); Quy mô dân số các đô thị là 619.220 người, trong đó dân số nội thị là 502.016 người.
Bảng định hướng phát triển đô thị tỉnh Kiên giang
Kiên Giang là tỉnh có vùng biển rộng khoảng 63.290 km2, với 5 quần đảo, trong đó có 09 huyện, thành phố ven biển, đảo (gồm 1 thành phố đảo Phú Quốc, 1 huyện đảo Kiên Hải và 07 đơn vị hành chính cấp huyện ven biển) có 51/145 xã, phường, thị trấn có đảo hoặc có bờ biển; với hơn 200 km bờ biển, khoảng 137 hòn/đảo nổi lớn, nhỏ, có ranh giới quốc gia trên biển, giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Cửa ngõ thông thương quốc tế của ĐBSCL, có vị thế liên kết đặc biệt với các nước tiểu vùng sông Mekong qua trục xuyên Á.
Vịnh Rạch Giá là một trong 8 vịnh chính dọc theo đường bờ biển Việt Nam, được hình thành theo điều kiện tự nhiên. Vịnh cửa sông duy nhất của Việt Nam ở bờ biển phía Tây, diện tích khoảng 1.226 km2. Tỷ trọng đất xây dựng tại vịnh Rạch Giá ở mức thấp nhất trên toàn bộ 8 vịnh trên lãnh thổ Việt Nam ở cả 3 chỉ số: tỷ trọng năm 1988 (0,3% so với trung bình 4,9%); tỷ trọng năm 2015 (2,8% so với trung bình 12,5%) và tăng trưởng giai đoạn 1988 - 2015 (2,5% so với trung bình 7,6%). Có thể thấy, việc khai thác tiềm năng của vịnh Rạch Giá đang ở mức rất thấp. Đây là một sự lãng phí to lớn trên bình diện vùng, tỉnh và quốc gia.
Năm 2006, Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Đây là Khu dự trữ sinh quyển được công nhận thứ 5 ở Việt Nam (Việt Nam có 8 khu), có diện tích lớn nhất nước và lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1,1 triệu ha.
Về phát triển kinh tế biển, đến nay toàn tỉnh đã thu hút 805 dự án, tổng vốn đăng ký là 390.360 tỷ đồng, trong đó, riêng các địa phương có biển 729 dự án với vốn đăng ký 186.802,97 tỷ đồng. Nhiều dự án, công trình lớn đã được triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt là thành phố Phú Quốc - thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam - được quan tâm đầu tư với nhiều dự án, công trình quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng An Thới, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước; nhiều công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản; các công trình gia cố đê biển; đầu tư phát triển hệ thống điện, nước ngọt, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng ven biến, hải đảo đến nay đạt 99,1%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81%; xây dựng 8 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biển đổi khí hậu, như nâng cấp đê biến từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc.
III. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp
Các vấn đề chung
Trong các phương án quy hoạch ở giai đoạn lịch sử. Giai đoạn “Óc Eo - Vương quốc Phù Nam” với hệ thống kênh rạch vùng ĐBSCL, cảng biển giao thương quốc tế và “Giai đoạn Nam kỳ lục tỉnh” với hệ thống đường giao thông bộ kết nối lục tỉnh với Việt Nam và Campuchia. Đến nay vẫn còn giá trị sử dụng, Tầm nhìn xuyên thế kỷ càng được khẳng định với những khám phá về Hệ thống kênh rạch vùng ĐBSCL thời Óc Eo - vương quốc Phù Nam xưa cho thấy khu vực vịnh Rạch Giá/ Hà Tiên/ Phú Quốc có vị thế đặc biệt trong lịch sử, hiện tại và tương lai với tư cách một cửa ngõ quốc gia bước ra thế giới.
Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt. Hàng không, hàng hải là điều kiện then chốt thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch, kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao (4.0) giải quyết việc làm phi nông nghiệp.
Nếu chỉ tập trung vào Phú Quốc, du lịch Kiên Giang sẽ hạn chế năng lực cạnh tranh và sẽ có trần phát triển không cao. Vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế và thị trường du lịch phải hướng tới đa dạng hóa và mở rông thị trường. Trong đó, việc thiết lập điểm đến độc lập gồm Phú Quốc - Hà Tiên - Rạch Giá theo các phân khúc thị trường khác nhau và có trao đổi, chuyển hóa/liên kết với các trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế là yếu tố cốt lõi. Các nhóm du lịch này có sự phân tách rất rõ ràng và rất ít pha trộn do nhu cầu khác biệt của khách (ví dụ khách muốn hưởng thụ du lịch nghỉ dưỡng có thể hoàn toàn không quan tâm tới sản phẩm du lịch văn hóa), cách lên tour theo nhóm có chủ ý của các hãng du lịch.
Kiên Giang cần trở thành trung tâm du lịch vùng và cả nước/ kéo theo phát triển các ngành kinh tế khác như chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ. Làm tăng giá trị các ngành kinh tế hiện có như nông nghiệp, thủy hải sản.
Là một đô thị di sản có hệ sinh thái ngập nước đặc trưng, khu vực dự trữ sinh quyển đầm Đông Hồ, khu bảo tồn sinh thái biển (quần đảo Hải tặc), Hà Tiên có vị trí trung tâm có khả năng kết nối vùng quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hoá, đô thị và thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long, Việt Nam; Angkor, Campuchia; Công viên Kinabalu, Malaysia; Di sản khảo cổ Lenggong - Malaysia; Phố cổ Hội An, Việt Nam; Vườn quốc gia Komodo; Công viên biển Tubbataha, Philippines; Melaka và George Town, Malaysia; Quần thể di tích Cố đô Huế - Việt Nam; Quần thể danh thắng Tràng An - Việt Nam; Các nhà thờ kiểu Baroque, Philippines. Nếu được quy hoạch tốt, trong tương lai, Hà Tiên hoàn toàn xứng đáng được đề cử công nhận trở thanh một địa chỉ di sản văn hoá thế giới (hỗn hợp).
Ý tưởng chiến lược phát triển đô thị Kiên Giang
1. Phát triển đô thị vùng vịnh Rạch Giá gồm khu vực An Biên và lưu vực sông Cái Lớn gồm Rạch Giá, An Biên, Châu Thành.
2. Kết nối các vịnh Thuận Yên, Cây Dương và Rạch Giá; phát triển đô thị trên biển các quần đảo Thổ Chu, An Thới, Nam Du, Hòn Tre, Kiên Hải và các khu vực lấn biển, để hình thành vịnh kín.
3. Chuyển dịch vị trí các sân bay lấn biển để giải phóng các khu vực đất đai trong đất liền.
4. Phát triển các đô thị ven biển theo hướng lấn biển để bảo tồn các quỹ đất nông nghiệp.
5. Phát triển các khu vực đô thị gắn với chức năng kinh tế, việc làm; tạo cơ sở xoay trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long theo định hướng đa cực, trong đó Cần Thơ và Kiên Giang sẽ là hai cực phát triển chủ đạo.
6. Kết nối Rạch Giá và Cà Mau theo hướng ven biển.
7. Tập trung phát triển nhanh kinh tế hàng không và hàng hải (nội địa, nội vùng và quốc tế).
8. Phát triển kinh tế gắn với phát triển đô thị chuyên đề. Đi đầu xu hướng trong các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, công nghiệp công nghệ cao (4.0), kinh tế biển và kinh tế số.
Mô hình xoay chuyển vị thế, phát triển kinh tế và đô thị vùng vịnh Rạch Giá (từ đơn cực, đơn tuyến đến lưỡng cực, đa tuyến).
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp
Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu
Mục tiêu tổng quát: Tập trung phát triển các đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển - đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; xây dựng TP Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng ĐBSCL; xây dựng TP Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa - du lịch lớn của tỉnh và khu vực; xây dựng thị xã Kiên Lương là đô thị - công nghiệp có quy mô lớn và hiện đại; trung tâm du lịch cấp tỉnh. Hình thành và phát triển các đô thị ở Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo thông qua đó gắn kết với phát triển vùng đất liền. Xây dựng An Biên là đô thị vùng U Minh Thượng; Giồng Riềng là đô thị vùng Tây Sông Hậu.
Mục tiêu cụ thể: Tổ chức thực hiện Chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Triển khai kế hoạch lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Tổ chức lập các Đề án phân loại đô thị, Chương trình phát triển từng đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Tổ chức thực hiện các Kế hoạch về: triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững; kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Các nhiệm vụ, giải pháp:
Tổ chức lập Quy hoạch đô thị, Chương trình phát triển đô thị, đề án phân hoại đô thị đối với hệ thống đô thị tỉnh Kiên Giang.
Thực hiện Dự án quản lý nước bền vững Phú Quốc, dự kiến gồm 5 hợp phần, gồm: Hợp phần 1- Xây dựng hồ chứa đa chức năng Cửa Cạn; Hợp phần 2- Mở rộng mạng lưới truyền tải và phân phối nước sạch; Hợp phần 3- Thoát nước, xử lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường; Hợp phần 4- Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; Hợp phần 5- Quản lý dự án và hỗ trợ kỹ thuật.
Thực hiện dự án "Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (UPIS)" cho TP Phú Quốc;
Tiếp tục đề xuất chủ trương thực hiện dự án Phát triển đô thị thích ứng với BĐKH khu vực Mê Kông, TP Rạch Giá;
Nghiên cứu lập Đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh cấp đô thị đối với các TP Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên;
Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của BĐKH; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại đô thị (gọi tắt là Atlas đô thị và khí hậu); Tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ BĐKH… thí điểm đối với 3 đô thị là các thành phố Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên.
Nghiên cứu lập đề án thực hiện các giải pháp chống ngập cho các đô thị lớn kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Xây dựng báo cáo đô thị tăng trưởng xanh đối với các đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
Tổ chức thực hiện Đề án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025. Tập trung rà soát, tổng hợp diện tích đất, không gian cho phát triển cây xanh trong các quy hoạch xây đựng đô thị (Đất cây xanh đô thị); thực hiện kế hoạch trồng cây xanh đô thị theọ từng năm và giai đoạn 2021 - 2025;
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn về phát triển đô thị thông minh bền vững; về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; về nâng cao năng lực quản lý rủi ro, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
(2) Phát triển đô thị gắn với kinh tế biển
Mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế biển Tây Nam thuộc vùng biển và ven biển Kiên Giang - Cà Mau với trọng điểm phát triển là ở vùng đảo Phú Quốc và khu vực ven biển TP Rạch Giá gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.
Mục tiêu cụ thể: Phát triển TP Rạch Giá thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành; trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng ĐBSCL. Định hướng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cơ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. Xây dựng TP Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, du lịch; ven biển; có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái.
Các nhiệm vụ, giải pháp:
Xây dựng cảng biển du lịch, cảng biển xuất nhập khẩu hàng hóa, trung chuyển trong nước, quốc tế và dịch vụ gắn với cảng biển với trung tâm là khu bến cảng Phú Quốc - Rạch Giá - Hòn Chông.
Xây dựng công nghiệp chế biến thủy sản và thức ăn thủy sản, công nghiệp khai thác dầu khí biển Tây Nam và chế biến khí, điện khí, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu tập trung ở ven biển Nam Kiên Giang - Bắc Cà Mau. Phát triển, liên kết các cơ sở công nghiệp năng lượng tái tạo ở ven bờ và trên biển đảo là trung tâm năng lượng tái tạo lớn của cả nước.
Phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản là trung tâm lớn, hiện đại của cả nước. Hình thành các tổ, đội hợp tác khai thác ngư trường vùng biển Tây Nam với trung tâm dịch vụ nghề cá ở Rạch Giá - An Biên, trung tâm dịch vụ biển, dịch vụ hậu cần trên biển, cơ sở kinh tế lưỡng dụng ở các đảo Phú Quốc, Kiên Hải và căn cứ dịch vụ trên tuyến đảo xa bờ. Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn và liên kết với các dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu.
Du lịch biển đảo, phát triển liên kết mạng lưới du lịch ven biển và tại các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Kiên Hải, Hòn Chông. Hình thành cơ sở du lịch, khu du lịch có mức độ quốc tế hóa cao ở Phú Quốc phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ thương mại, tài chính có tầm quốc tế cao trong khu vực và châu Á Thái Bình Dương.
(3) Phát triển đô thị gắn bảo vệ môi trường
Mục tiêu tổng quát: Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể: Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường; Nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường; Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, góp phần đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa; Tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; duy trì và khôi phục rừng đầu nguồn, nâng cao chất lượng rừng; Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
Các nhiệm vụ, giải pháp:
Xây dựng các Đề án về: Xã hội hóa về bảo vệ môi trường đến năm 2025; Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030;
Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030;
Lập dự án “Xây dựng phần mềm và tạo lập cơ sở dữ liệu môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”;
Tổ chức thực hiện các kế hoạch gồm: Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tự động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
IV. Các đề xuất kiến nghị
Kiến nghị các Bộ ngành hỗ trợ tỉnh Kiên Giang thực hiện:
Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Xây dựng các Đề án phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Đề án phát triển thành phố Rạch Giá thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng ĐBSCL; Đề án phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cơ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
Thực hiện thí điểm dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với BĐKH; Thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh như TP Rạch Giá, TP Hà Tiên thuộc danh mục hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn của Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH.
Xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Phú Quốc.
Hà Văn Thanh Khương* Mai Minh Luân**
Nguồn: xaydung.vn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.