Đô thị lấn biển - những bài học trong nước và quốc tế

​MTXD - Việt Nam có lợi thế với hơn 3.200 km bờ biển nên việc xây dựng đô thị lấn biển không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất mà còn chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay. Cần có sự nhìn nhận xa hơn, không chỉ lấn biển sát bờ mà còn cần tính đến cả các dự án cách xa bờ. Những khu vực có điều kiện lấn biển nên tính đến các dự án trong tương lai.

MTXD - Việt Nam có lợi thế với hơn 3.200 km bờ biển nên việc xây dựng đô thị lấn biển không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất mà còn chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay. Cần có sự nhìn nhận xa hơn, không chỉ lấn biển sát bờ mà còn cần tính đến cả các dự án cách xa bờ. Những khu vực có điều kiện lấn biển nên tính đến các dự án trong tương lai.

Đô thị lấn biển của thế giới và Việt Nam

  1. Hà Lan

Là một quốc gia có diện tích, đặc điểm địa lý và lịch sử khai phá rất tương đồng với khu vực Tây Nam bộ của Việt Nam. Quốc gia ở phía tây bắc châu Âu này được biết đến như một đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Khoảng 26% diện tích lãnh thổ của Hà Lan thấp hơn mực nước biển, họ đã sử dụng giải pháp đê biển, kè biển để từng bước sử dụng phần đất thấp và lấn biển phía trong đê/kè. (hình 1) Diện tích Hà Lan rất nhỏ (gần 42.000km²) và dân số khoảng 17,4 triệu người, vậy nên đất là một tài sản vô cùng quý giá. Khoảng 21% dân số Hà Lan hiện đang sinh sống trong những vùng đất “ở dưới mặt biển”. Phần lớn diện tích đất ở Hà Lan hiện nay đều là vùng đất lấn biển.

Hình 1: Đập chắn sóng ngăn nước từ biển Bắc, Hà Lan. Ảnh: Kering huis

  1. Nhật Bản

Một trong những thành tựu lấn biển điển hình của Nhật Bản là sân bay mới được lập ngoài khơi Kansai (TP Osaka). Một kiểu “đảo sân bay” nhân tạo duy nhất trên thế giới với tư tưởng mới không chỉ lấn biển (kiểu bán đảo) mà còn tiến sâu ra biển (kiểu đảo mới).

Ý tưởng về sân bay mới trên một hòn đảo nhân tạo dài 4.000 m và rộng hơn 1.200 m ra đời từ thập niên 1980. Dự án chính thức khởi công vào năm 1987, cách bờ khoảng 5 km. Đội ngũ kỹ sư khởi công dự án bằng cách đào 1,2 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích, nhằm ổn định đáy biển cho đủ vững chãi để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo. Tiếp đó, một bức tường bê tông dài 11 km được hoàn thành trong vòng 3 năm, bao quanh khoảng đất xây sân bay như thành của bể bơi, ngăn nước biển tràn vào. Hệ thống này chứa 48.000 khối bê tông, mỗi khối nặng 200 tấn, được xếp xuống nền móng và 180 triệu mét khối đất lấy từ ba ngọn núi được đổ đầy vào khoảng trống bên trong bức tường cao tới 30 m. Năm 2007, một đảo nhân tạo thứ hai đi vào hoạt động để giảm tác động của máy bay lên đường băng và nhà ga số 1. Đảo nhân tạo này có đường băng dài 4.000 m và nhà ga số 2. Bên cạnh những thành tựu đáng ngưỡng mộ về kiến trúc và kỹ thuật, sân bay Kansai còn là một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất tại châu Á. Bên cạnh đó, sân bay còn sử dụng các phương tiện chạy bằng khí hydro, áp dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải. (hình 2)

Hình 2: Sân bay Kansai được xây dựng trên đảo nhân tạo. Ảnh: Internet

  1. Singapore

Dự án công viên ven biển bên bờ Vịnh Mariana là nguồn tham khảo có rất giá trị cho Việt Nam. Quốc đảo sư tử biển tập trung bồi lấp vùng ven biển, đầm vũng hoặc nối các hòn đảo với nhau. Quy trình lấn biển gồm 5 giai đoạn là nhồi cọc xuống lòng biển có độ sâu không quá 15 m để gia cố nền đáy, dựng tường cát để đẩy nước biển ra xa, đổ cát vào để san bằng và nén cát, xây tường đá granite ngăn cát rửa trôi, phủ xanh cây cỏ để chống xói mòn bền vững. Sau 1 - 5 năm, đất mới đã có thể phục vụ hoạt động xây dựng.(hình 3)

Hình 3: Một dự án lấn biển của Singapore. Ảnh: Singaporesensetravel

Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km² ở thập niên 1960 lên 697,25 km² ngày nay và có thể sẽ tăng thêm 100 km² nữa đến năm 2030. Trong đó, khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands mở cửa vào ngày 27/4/2010 được xây trên diện tích lấn biển với lượng cát được đổ từ những năm 1970. Đây là tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, toạ lạc bên bờ vịnh Marina.

Mặt khác, Singapore đang cố gắng bớt phụ thuộc vào nguồn cung cát từ nước ngoài. Họ dùng đất cát từ các công trình xây dựng ngầm để chuyển sang các công trình lấp biển. Các dự án dưới lòng đất của Singapore sẽ được sử dụng cho mục đích công nghiệp vì hầu hết người dân sẽ không sẵn lòng chuyển xuống sinh sống dưới lòng đất. Phần lớn nguyên vật liệu dùng trong công trình siêu cảng biển là đất đá từ các công trình xây dựng.

  1. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)

UAE có 2 công trình lấn biển nổi tiếng là Palm Jumeirah và Deira Islands ở Dubai. Palm Jumeirah có hình dáng giống một cây cọ với thân vây và 17 cành. Khu tổ hợp này được bao quanh bởi một hòn đảo hình lưỡi liềm dài gần 11 km. Đây là nơi có nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng xa xỉ. Dự án này được khởi công vào năm 2001 bởi Công ty Nakheel Properties. Công trình này có hơn 60 km bãi biển, tiêu tốn 12,3 tỷ USD và 7 năm để hoàn thành. Trong khi đó, Deira Islands là dự án có quy mô lớn gấp 8 lần Palm Jumeirah, được giới thiệu vào năm 2004. Tuy nhiên, tới năm 2013, chủ đầu tư Nakheel Properties đã chuyển sang xây dựng 4 hòn đảo nhân tạo nhỏ hơn thay vì một đảo lớn. Dự án bổ sung thêm 21 km vào đường bờ biển của UAE và trải dài trên tổng diện tích 15,3 km². Đây là công trình lấn biển giúp gia tăng thêm số lượng đảo nhân tạo đáng kể. Quy hoạch tổng thể của công trình bao gồm bốn Quần đảo lớn được kết nối với nhau bằng những cây cầu.(hình 4)

Hình 4: Khu tổ hợp Palm Jumeirah. Ảnh: Gulf News.

Khu vực này từ một làng chài nhỏ bé ven biển đã được đầu tư trở thành một thành phố hiện đại. Tuy nhiên, chính phủ UAE nhận thức rõ sự không bền vững khi phát triển bằng dầu mỏ. Tiểu vương Mohammed, người trị vì Dubai, đã dành hơn hai thập kỷ qua để biến thành phố này thành điểm đến đẳng cấp thế giới, nơi có thể tồn tại mà không cần đến “vàng đen”.

Tuy nhiên, địa lý của nơi này gây cản trở không ít cho dự án phát triển này: Toàn bộ tiểu vương quốc này chỉ có 60 km đường bờ biển. Những tòa cao ốc và khách sạn khổng lồ dọc mép nước tạo thành một bức tường khổng lồ. Bài toán đặt ra là làm cách nào để có thêm hàng trăm cây số bờ biển. Vấn đề này đã được giải quyết bằng cách xây dựng ba đảo nhân tạo lớn nhất thế giới hay còn gọi là quần đảo cây cọ tại đây.

Việc xây dựng các đảo cọ được tiến hành từ 2001. Thợ lặn khảo sát đáy biển và các công nhân dựng một đê chắn sóng hình lưỡi liềm bằng đá. Phần đáy đê chắn sóng là một lớp cát được phủ vải địa kỹ thuật chống nước để tránh xói mòn. Các tảng đá nặng một tấn được đặt lên nền cát. Trên cùng là hai lớp đá tảng, mỗi lớp nặng 6 tấn. Đê chắn sóng sẽ bảo vệ hòn đảo khỏi những cơn bão và thời tiết khắc nghiệp. Bản thân các hòn đảo cọ được xây dựng bằng cát hút từ đáy biển. Palm Jumeirah được xây từ 94 triệu m³ cát biển. Để tạo hình đúng theo thiết kế, các nhà thầu đã sử dụng hệ thống định vị toàn cầu vi sai (DGPS). Cát được nén vào vị trí và cố định bằng hàng triệu tấn đá.

Công ty Nakheel đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động của việc xây dựng đảo nhân tạo với môi trường, nhưng các công trình khồng lồ này vẫn để lại hậu quả không nhỏ. Lượng cát biển khổng lồ được hút lên xây các đảo đã thay đổi sóng, nhiệt độ và đặc trưng xói mòn ở vịnh Ba Tư. Đồng thời, nhiều rạn san hô đã bị phá hủy.

  1. TP Rạch Giá (Kiên Giang)

Sau 20 năm xây dựng, khu lấn biển TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) - khu đô thị lấn biển đầu tiên của Việt Nam - đã trở thành niềm tự hào của người dân Kiên Giang, là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và du khách. Từ vùng đất sình lầy, hoang vắng nay đã thành khu đô thị hiện đại. Sau thành công từ dự án lấn biển đầu tiên vào năm 1999, năm 2015, TP Rạch Giá tiếp tục khởi công dự án lấn biển thành phố tại khu Tây Bắc với diện tích gần 100 ha và khu vực bãi bồi tự nhiên 16 ha.(hình 5)

Hình 5: Khu đô thị lần biển TP Rạch Giá. Ảnh: Zing

Dự án lấn biển xây dựng khu đô thị mới TP Rạch Giá đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt quyết và hoàn thành vào ngày 28/12/2015. Trong đó bao gồm các hạng mục công trình đã hoàn thành cở sở hạ tầng như: xây kè, san lấp mặt bằng, đường điện, nước, cây xanh… với tổng mức đầu tư 481 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là 853 tỷ đồng. Dự án đã bàn giao 69 lô đất với diện tích 620.000 m² cho đất công cộng, khu hành chính và đất quảng trường, bệnh viện, trường học …

Tất cả quỹ đất trên đạt tổng thu khoảng 2.400 tỷ đồng. Sau khi cân đối thu chi là lãi khoảng 1.900 tỷ đồng. Riêng doanh thu từ việc thu tiền sử dụng đất đến khi kết thúc dự án là 850 tỷ đồng. Đó là chưa kể thu thuế tiền chuyển quyền sử dụng đất và xây dựng ước tính hàng chục tỷ đồng. Sau gần 20 năm thực hiện dự án, BQL đã hoàn thành và bàn giao cho TP Rạch Giá quản lý và khai thác sử dụng.

Khu lấn biển hướng ra Vịnh Thái Lan (trên 500 m) và chạy dài trên 7 km, mở rộng thành phố (tăng thêm 2 phường mới) và hình thành những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam bộ. Đây là dự án lấn biển đầu tiên của cả nước, tạo ra quỹ đất 439 ha, giải quyết đất cho 65.000 người dân và các khu công ích, cơ quan ban ngành... Dự án còn tạo công việc làm ổn định cho hơn 10.000 người ở địa phương. Đặc biệt dự án này đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo từ đô thị loại III nâng lên TP Rạch Giá loại II với cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ, tạo ra quỹ đất chiếm 20% diện tích thành phố (4,39 /107,8) là khu vực ở của 25% dân số đô thị với mức sống đô thị loại II đầy đủ tiện nghi, là nguồn thu chủ lực cho ngân sách tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc TP Rạch Giá.

Dự án lấn biển Rạch Giá được coi là công trình độc đáo, đầy sáng tạo của Kiên Giang, bởi đây là lần đầu tiên trong cả nước có dự án “dời non lấp biển” để xây dựng một khu đô thị quy mô lớn. Hơn nữa, Dự án lại được thực hiện chủ yếu bằng phát huy nội lực theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Việc xây dựng tuyến đê biển cho vịnh Rạch Giá - Kiên Giang ngoài việc làm giảm thiểu tác động của lũ sông Mekong kết hợp với triều cao ngoài biển mà còn tạo ra cho khu vực một hồ trữ nước ngọt với dung tích lớn (khoảng 3,5 tỷ m³). Đây chính là điều kiện để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực như: Nuôi trồng thủy hải sản, phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Trong mùa lũ, do áp lực lũ chảy ra biển, trong những năm lũ lớn mặn xâm nhập vào trong hồ không đáng kể. Đối với lũ nhỏ, mặn có khả năng xâm nhập vào trong vịnh nhưng nồng độ mặn tại cửa Rạch Giá vẫn duy trì ở mức 0. Ngoài ra, với thiết kế đê biển sẽ tạo ra một tuyến đường bộ giao thương thuận lợi giữa các điểm Hòn Chông, Hòn Tre, Xẻo Quao của vịnh Rách Giá. Tuyến đê biển mới cũng là tiền đề chuyển đổi sản xuất và phát triển thêm một số ngành kinh tế như: Du lịch, cảng biển và điện gió… tạo quỹ đất để mở rộng TP Rạch Giá; tạo nên một hệ cảnh quan sinh thái mới vùng ven biển để phát triển du lịch.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam  

Các dự án lấn biển của Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc mở mang đất đai, chưa có các mục tiêu khác như: Kiểm soát mực nước triều, chống triều cường, tăng khả năng thoát lũ, hay dùng mặt biển làm không gian chứa nước ngọt cung cấp cho dân sinh và phát triển kinh tế ven biển. Trước diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, việc chinh phục thiên nhiên nhằm chống chọi với thiên tai, cùng với sự tiến bộ của công nghệ và vật liệu mới thì yêu cầu về các tuyến đê biển mới không chỉ là mục tiêu mở mang đất đai mà còn để bảo vệ dân cư, kiểm soát lũ, triều cường và tạo hồ, trữ nước ngọt, giúp đáp ứng sinh kế của người dân và là phương án đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.

Từ kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy việc xây dựng hệ thống đê biển để trữ nước ngọt và kiểm soát hạn mặn là việc làm cần thiết đối với các quốc gia ven biển. Điều này càng trở nên cấp thiết với quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam và khu vực châu thổ ĐBSCL đang có nguy cơ xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu toàn cầu. Bài học của Hà Lan đã xây dựng tuyến đê biển khổng lồ Afsluitdijk để “thuần hóa” vùng đồng bằng châu thổ sông Rhin thuộc Hà Lan, khu vực có điều kiện tự nhiên, thiên tai gần giống với ĐBSCL. Tuyến đê biển khổng lồ này đã cô lập vịnh ngập triều nước mặn Zuiderzee; cải tạo chất lượng nước và hệ sinh thái cửa sông thành “biển hồ” nước ngọt với tổng diện tích 110.000 ha, mở rộng thêm diện tích đất thổ cư và canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải đặc biệt quan tâm lưu ý khi phát triển các dự án lấn biển, đó là sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đất ngập nước, biến đổi dòng chảy ở các khu vực gần cửa sông, đời sống của người dân ven biển và đặc biệt là biến đổi khí hậu trong thế kỉ 21. Trước khi thực hiện lấn biển, cần nghiên cứu kỹ về tác động biến đổi sinh thái, môi trường, khí hậu, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra. Bài học rút ra từ UAE đã cần tới 92 triệu m³ cát để xây dựng Palm Jumeirah, trong đó chủ yếu là hút từ vùng biển lân cận. Công trình đã phá vỡ dòng chảy tự nhiên ngoài khơi, khiến cát bị cuốn khỏi một số khu vực của bãi biển tự nhiên đi nơi khác.

Giải pháp năng lượng xanh, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ cũng cần tính đến. Cần phải có giải pháp để lấy nguyên liệu lấn biển giá thành rẻ, sẵn có và hiệu quả. Ví dụ như ở Quảng Ninh, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc sử dụng xỉ than khi lấn biển ở Cẩm Phả. Việc dùng loại nguyên liệu này không chỉ giải quyết được vấn đề xử lý xỉ than tại chỗ mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có của địa phương.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghĩ đến việc kết nối các đảo nhỏ còn ít người ở, làm kè biển, đê biển, san lấp phát triển thành các điểm dân cư, khu đô thị mở, vừa có thêm quỹ đất vừa đảm bảo công tác an ninh quốc phòng tại các khu vực xa đất liền. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia ven biển có nhiều bài học kinh nghiệm và giải pháp tốt cho các dự án lấn biển để chúng ta học hỏi./.

THS.KTS NGUYỄN KIM ANH

(Viện Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam

- nguồn TC xây dựng số 5-2023)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ý kiến chuyên gia: PGS. TS Phạm Văn Song - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường, Trường Đại học Thủy lợi; PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

2. Bộ TN&MT (2020), Đánh giá sơ bộ một số nội dung đề nghị xây dựng Nghị đinh quy đinh về lấn biển, Dự thảo Báo cáo chính sách, 2020.

3. Bộ TN&MT (2020), Đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị định quy định về lấn biển, Dự thảo Báo cáo chính sách, 2020.

4. Tham luận “20 năm đô thị lấn biển TP Rạch Giá “, Kỷ yếu Gặp gỡ mùa thu 2017 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam

5. Nguyễn Song Tùng, Kiểm soát chặt chẽ những vấn đề môi trường của các dự dự án lấn biển, Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn, số 2 (33) 2021 6. https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-6-pgs-ts-pham-van-song-lanbien-phat-trien-kinh-te-ven-bien-la-con-duong-tuong-lai-cua-viet-nam-629034

7.https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-5-dep-giau-nho-lan-bienkinh-nghiem-the-gioi-va-bai-hoc-cho-viet-nam

8. https://zingnews.vn/cong-cuoc-lap-bien-mo-dat-cua-singapore-post740247.html

9. https://canhquan.net/portfolio/bai-hoc-kinh-nghiem-quy-hoach-tu-halan-1?p=1

10. http://redsvn.net/nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-lich-su-tri-thuy-cua-ha-lan/

11. https://tourdulichdubai.net/cong-cuoc-lan-bien-xay-dung-quan-dao-cayco-tai-dubai-pn.html

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.