Đô thị nông nghiệp - một con đường đi tới đô thị xanh

​MTXD - Cần bắt đầu từ suy nghĩ lại cách sử dụng đất. Đất cũng như người, cần thở, cần giao tiếp với mưa nắng, cần vi sinh vật cho đất sinh nở cây trái. Chứ đừng tiếp tục vội vã “niêm phong bằng bê tông” vĩnh viễn đất đai màu mỡ của cha ông, đánh cược tất cả sức lực, của cải vào cuộc đô thị hóa không chắc bền vững này.

MTXD - Cần bắt đầu từ suy nghĩ lại cách sử dụng đất. Đất cũng như người, cần thở, cần giao tiếp với mưa nắng, cần vi sinh vật cho đất sinh nở cây trái. Chứ đừng tiếp tục vội vã “niêm phong bằng bê tông” vĩnh viễn đất đai màu mỡ của cha ông, đánh cược tất cả sức lực, của cải vào cuộc đô thị hóa không chắc bền vững này.

Vì sao các thành phố ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn? Thực phẩm ngày càng bẩn, đắt đỏ hơn? Rác thải đô thị ngày càng thiếu đất chôn lấp, phải chở đi xa hơn? Các thành phố vì sao ngày càng nóng bức, lụt lội, tắc đường trầm trọng hơn…? Tóm lại, con người ngày càng khó sống hơn trong không gian các thành phố khổng lồ mà chính nó rất nỗ lực tạo ra. Câu trả lời đơn giản nhất, do con người với máy móc công nghiệp gia tăng tốc độ khai thác các tài nguyên (đặc biệt là đất đai) xây dựng các hệ thống đô thị bê tông cao tầng chồng chất người, ngày càng tự cô lập cuộc sống của nó với thiên nhiên. Vậy, để thoát khỏi thảm trạng đó con người cần quay về thiên nhiên mà nông nghiệp - nông thôn là một con đường lớn.

“Thời gian là một người mẹ ”

Trở về với nông thôn - nông nghiệp ư? Điều này giống như “sự hoang tưởng” bởi nó đi ngược các quy luật cần tích tụ dân số, sản xuất, dịch vụ để đạt hiệu quả kinh tế cao - và đô thị là loại không gian định cư hình thành từ các quy luật đó. Tức là rất có thể sự tiến hóa của đô thị giờ đây lại bằng “chính sự chống lại đô thị hóa kiểu cũ?”. Vì tính phức tạp của chủ đề, nên bài viết chỉ nêu vài nội dung của Chủ nghĩa đô thị nông nghiệp (Agricutural urbanism) để liên hệ với tình hình đô thị hóa ở nước ta với định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng “xanh” hơn.

Từ thời trung cổ, đô thị sinh ra đã được ưu ái, chiếm nhiều miền đất bằng phẳng, chúng tự cách biệt với nông thôn bằng các bức trường thành. Đến thời công nghiệp, nền văn minh đô thị là văn minh của máy móc, môi trường đô thị là môi trường kỹ thuật, vì thế không thể khắc phục được sự đối lập giữa đô thị và nông thôn (môi trường tự nhiên).

Do vậy, bên những thành tựu rất lớn, hiển nhiên không thể phủ nhận do phát triển đô thị mang lại cho toàn xã hội, thì sự xung đột đô thị - nông thôn là toàn diện. Từ kinh tế, đô thị lấy đi đất đai, nhân lực của nông thôn, nông nghiệp, biến những người nông dân hữu sản thành những người làm thuê ở thành phố; đến lối sống đô thị thực dụng phá vỡ các tập quán văn hóa cổ truyền; đô thị bằng sự bành trướng xây dựng không ngừng của nó hủy hoại môi trường, cảnh quan thiên nhiên, các di sản kiến trúc sót lại trong làng xóm…

Trong bối cảnh đó, Chủ nghĩa đô thị nông nghiệp ra đời như một phương cách hóa giải sự xung đột dữ dội này. Nhưng không giống mọi thứ chủ nghĩa sinh ra thường được khởi xướng bởi một ai đó, chủ nghĩa này cần “thời gian là một người mẹ” (thơ của Ocean Vương), giúp nó dần hoàn thiện với sự góp sức của nhiều nhà nghiên cứu từ các lĩnh vực khác nhau (sinh thái, nông nghiệp, kinh tế, kiến trúc...). Có thể thấy, sự không thể hoàn thiện ngay từ đầu bằng các giả định khá “ngây thơ”, thí dụ từng có đề xuất kết hợp công nghiệp với nông nghiệp thông qua một hệ thống điều phối sản xuất luân phiên. Theo đó, người lao động vừa làm việc trong nhà máy vừa làm việc trên cánh đồng... Hoặc rất sớm, từ năm 1927, trong bức phác thảo “Thủ đô như một Thành phố Vườn” đến “Mô hình Vùng Mới” (1949) gồm: Công nghiệp và vườn, xưởng và trang trại như một chiến lược đô thị hóa mật độ thấp của Hilberseimer (1) chống sự tập trung hóa như căn bệnh của thành phố công nghiệp.

Dù trọng nông, những người theo đuổi chủ nghĩa đô thị nông nghiệp không chủ trương tuyệt đối chống lại xu thế đô thị hóa, công nghiệp hóa, mà mong muốn điều chỉnh nó. Vậy điều chỉnh theo hướng nào? Theo Charles Waldheim(2) có thể thấy xu hướng chính của chủ nghĩa này thông qua các dự án của ba kiến trúc sư(3) đồng thời là ba nhà đô thị học theo đường lối phi tập trung. Mặc dù chúng được thực hiện cách nhau hàng chục năm (từ khoảng đầu đến cuối thế kỷ 20) bởi ba tác giả rất khác nhau, những dự án này, nếu xét chung đã minh chứng nhiều tác động của sản xuất nông nghiệp đối với hình thái đô thị và họ đã cùng nhau tạo thành một phả hệ trí tuệ đô thị nông nghiệp mạch lạc. Trong đó, công trình Lãnh thổ cho nền kinh tế mới (1999) của Andrea Branzi được coi là diễn ngôn mới nhất về chủ nghĩa đô thị nông nghiệp. Đại khái chủ nghĩa đô thị nông nghiệp muốn ngăn ngừa sự tập trung dân số với mật độ công trình quá cao vào đô thị, thay số ít đô thị bằng phát triển nhiều đô thị phân tán, đưa canh tác nông nghiệp vào ngay trong đô thị và bảo tồn các khu vực nông thôn, nông nghiệp đô thị cận kề đô thị...

Nhưng như đã nói từ đầu, các mục tiêu này muốn thực hiện phải “phi tập trung hóa”, tức đi ngược các nguyên lý hình thành đô thị. Bởi ít nhất do cần tập trung các loại hình sản xuất vào đô thị cung cấp điện năng mới đạt hiệu quả cao, tập trung dân số cao mới phát triển nền kinh tế bất động sản và các ngành dịch vụ (chưa bàn đến đâu là ngưỡng của sự tập trung dân số và các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của nó...). Nên rất có thể, đó chính là những trở lực khiến chủ nghĩa này rất khó áp dụng, nhất là khi phải đương đầu với các nhà tư bản luôn cần mở rộng thị trường đô thị?

“Đô thị yếu” và nông dân đô thị Nhật

Mặc dầu như vậy, do sự tiến bộ của công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi đã tạo ra phong trào nông nghiệp đô thị ở nhiều nước, giúp nghề nông có thể thực hành ở bất cứ đâu trong đô thị, từ trồng rau trên mái nhà đến nuôi heo trong trang trại cao tầng… Và đại dịch Covid-19 vừa qua cũng là một thời cơ khuếch đại phong trào nông nghiệp đô thị khi các thành phố bị phong tỏa, thị dân khắp thế giới (Việt Nam, Pháp, Đức, Trung Quốc…) tự phát tìm kiếm đất, thuê đất, chuyển đổi các loại đất khác nhau thành đất trông trọt, chăn nuôi.

Rất quan trọng nữa, theo tôi, chính cuộc chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạnh sang năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, địa nhiệt, sinh khối…) đã mở ra khả năng thực thi canh tác nhỏ, phân tán theo hộ, liên gia đình, trang trại… mà không nhất thiết phụ thuộc vào lưới điện chung, cấu trúc năng lượng lớn, đang và sẽ bị vỡ dần theo quy mô nhỏ thích ứng với các mô hình làm nông nghiệp ngay trong lòng đô thị.

Nhưng chủ nghĩa nông nghiệp đô thị đâu chỉ kỳ vọng vào các giải pháp canh tác nông nghiệp dù được sáng tạo tới mức nào. Nội hàm chủ nghĩa đô thị nông nghiệp - Agricultural urbanism, gồm cả đô thị nông nghiệp - Agricultural city và nông nghiệp đô thị - Urban agriculture. Như vậy, chúng ta mới chủ yếu nói đến nông nghiệp đô thị, vậy còn đô thị nông nghiệp thì sao?

Hiểu đơn giản, nó giống như các loại đô thị đặc thù (đô thị công nghiệp, đô thị du lịch, đô thị đại học…), đô thị nông nghiệp lấy nông nghiệp làm nền kinh tế chính, thường có một trung tâm các dịch vụ về khoa học nông nghiệp như viện nghiên cứu giống cây (kiểu Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế ở Los Banos - Philippine), trường đại học, các cơ sở chế tạo máy móc nông nghiệp, chế biến, đóng gói nông sản, hệ thống giao thông vận tải tốt… Nước ta hình như chưa có đô thị loại này, mà Đồng Tháp hay Thái Bình có thể là những lựa chọn(?).

Nhưng, đó cũng chỉ là một mô hình đô thị kinh tế nông nghiệp cụ thể, tham vọng của chủ nghĩa nông nghiệp toàn diện hơn. Nó khẳng định vai trò của nông nghiệp trong việc xác định trật tự bao trùm cả ba nội dung: Kinh tế, Sinh thái và Không gian của thành phố.

Về kinh tế - xã hội: Chủ nghĩa này coi nông nghiệp là yếu tố then chốt hình thành đô thị (quyết định sự sống con người), do vậy, nó phải thuộc về đô thị hoặc ngược lại. Một tính toán cho Paris (Pháp) và Sheffield (Anh) thì một người cần ít nhất 50 m2 diện tích đất nông nghiệp để nuôi sống họ, dân Paris cần 11.000 ha đất trồng để tự túc được rau ăn(4). Vậy, hoạt động nông nghiệp diễn ra bên trong hay kề cận đô thị sẽ làm giảm các chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tăng khả năng tiếp cận các thực phẩm tươi ngon, tốt cho sức khỏe, cung cấp cơ hội cho cư dân đô thị tìm hiểu về dinh dưỡng cách trồng trọt, kết nối họ với người trồng trọt, thậm chí tham dự vào quá trình canh tác.

Điều rất quan trọng nữa, sản xuất và tiêu thụ nông sản tại chỗ giúp hình thành hệ thống thực phẩm địa phương, phát triển nền kinh tế địa phương với mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cư dân địa phương. Nông nghiệp đô thị có thể đóng góp lớn vào an ninh lương thực của các thành phố... Tóm lại, các lợi ích kinh tế tổng thể được tính theo chuỗi tích hợp những giá trị.

Về sinh thái, Michael Sofer(5) khái quát: Nông nghiệp đô thị có thể giúp các thành phố giải quyết các thách thức do suy thoái môi trường. Bởi khi tăng diện tích thảm thực vật sẽ cải thiện khí hậu đô thị do giảm được nhiệt độ trong mùa hè, giảm hiệu ứng đảo nhiệt, giữ nước trong những cơn mưa lớn, giảm nguy cơ lũ lụt… Các khu vườn và công viên đô thị có thể cung cấp nơi trú ẩn cho các loài chim và côn trùng có ích, giúp bảo tồn đa dạng sinh học đô thị. Rất nhiều chất thải hữu cơ, như dư lượng thực phẩm tươi sống tạo ra ở các thành phố có thể được biến thành phân hữu cơ và được sử dụng trong các khu canh tác ở đô thị…

Về không gian: Dù đã có nhiều nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau về tác động của canh tác đô thị đối với sản xuất nông nghiệp, nhưng có lẽ tư duy không gian mới là bước cuối cùng tiến tới hiện thực hóa các quan điểm loại đô thị này. Và đây cũng là bước đột phá “cam go nhất” đối với giới quy hoạch đô thị.

Trước hết, các tác giả của nó đều nhấn mạnh, đề xuất phải tái định nghĩa căn bản về thành phố/đô thị để mở đường cho tái cấu trúc đô thị. Họ cùng cho rằng, sự phân biệt/phân cấp triệt để kiểu cổ điển giữa thành phố và nông thôn là không còn phù hợp. Mà, một hình thái đô thị mới mẻ phải được cảm nhận thông qua sự xâm nhập không gian sinh thái và cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp vào cảnh quan đô thị.

Nói dễ hiểu là đô thị khi ấy gồm cả làng mạc, ruộng đồng, mạng lưới thủy lợi và đất đai nông nghiệp…; không gian nông nghiệp phải là một loại hạ tầng đô thị như các loại hạ tầng khác (giao thông, năng lượng, công trình công cộng…). Mô hình cơ bản này gồm các loại nhà ở và cảnh quan thiên nhiên có quy mô khác nhau được xen kẽ với các khu công nghiệp nhẹ, các trung tâm thương mại nhỏ, chợ, các tòa văn phòng, trụ sở dân sự và đường giao thông lớn…

Có thể lấy một ví dụ cho loại đô thị kiểu này, chúng ta đều biết Hà Nội từng có các làng Láng (trồng rau húng quận Đống Đa), cá rô Đầm Sét (quận Hoàng Mai), đào Nhật Tân (quận Tây Hồ), cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm)... là những làng mạc có các đặc sản/di sản nông nghiệp nổi tiếng, nay đã, đang bị/được san phẳng lập thành khu đô thị mới khổng lồ, hoặc để mặc các dãy phố cao tầng tự phát mọc lên.

Vậy nếu theo đường lối phát triển nông nghiệp đô thị chỉ cần điều chỉnh (cung cấp thêm và chỉnh trang các loại hạ tầng: Giao thông, y tế, thương mại, giáo dục, nước sạch, năng lượng…) theo hướng “đô thị hóa tại chỗ” cho phép các tổ chức định cư cũ tồn tại với quy mô phù hợp, như một thành phần thiết yếu của hệ sinh thái đô thị, chưa kể những tiềm năng kinh tế du lịch mà các khu vực nông nghiệp, bán nông nghiệp đó có thể đem lại cho Hà Nội.

Branzi định dạng chúng là loại “Đô thị yếu - weak urban forms”, hàm ý kế thừa di sản định cư truyền thống, không tranh chấp với cảnh quan tự nhiên bằng quy mô xây dựng, không lấy nhân tạo áp đảo thiên tạo.

Charles Waldheim ghi nhận: “Lời kêu gọi của Andrea Branzi về sự phát triển các dạng “đô thị yếu” và phi hình rõ rệt (hiểu là tùy biến, không hoàn toàn tròn hay trải dài theo tuyến giao thông… mà có thể loang lổ như da báo do xen cấy nông nghiệp vào các cấu trúc đô thị có sẵn, vừa nương vào các cấu trúc nông thôn, nông nghiệp để hình thành hạ tầng đô thị mới…) linh hoạt, sẵn sàng thay đổi, đã ảnh hưởng đến sự hình thành cảnh quan/diện mạo đô thị, làm sôi động các cuộc thảo luận thời sự về đô thị sinh thái”.

Chủ nghĩa này vẫn tiếp tục hoàn thiện bởi nhiều nhiều học giả châu Âu và Mỹ (Andres Duanyn, Steven Clarke, Daniela Poli, Francesco Orsini, Michele D'Ostun…), họ xem nó như “cuộc cách mạng tái cấu trúc đô thị”, ít nhất cũng như một đường lối phát triển đô thị mới.

Nhưng nếu các lý thuyết xây dựng đô thị nông nghiệp đâm chồi, nở rộ ở Âu Mỹ, thì lại ra "trái ngọt" trên đất Nhật Bản(6). Và đúng như các tác giả của nó đã báo trước, khó khăn đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề nông nghiệp đô thị nằm ở định nghĩa và theo đó là các quy định của nó.

 Tại Nhật Bản, nông nghiệp đô thị thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF). Còn cơ quan chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, các chính sách liên quan đến nông nghiệp lại thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch (MLIT). Do hai bộ sử dụng các hệ thống phân loại, phân vùng khác nhau để phân biệt giữa các khu vực ưu tiên đô thị hóa và các khu vực nông nghiệp, nên có nhiều định nghĩa mâu thuẫn nhau về những gì thực sự tạo nên nông nghiệp đô thị, dẫn đến những thách thức chính sách trầm trọng ở các cấp cơ sở…

Sở dĩ phải nói việc này vì nếu không chuyển lối tư duy phân mảnh, phân lĩnh vực, phân cấp, bộ nào biết bộ nấy… sang tư duy tích hợp, liên ngành như ở Việt Nam hiện nay, thì không thể nói tới xây dựng chiến lược hay thực thi loại đô thị nông nghiệp.

 Tất nhiên nước Nhật đã phải vượt qua những trở lực từ bên trong để đạt thành tựu lớn, như:

1, Năm 2010, nông nghiệp đô thị chiếm gần 1/3 sản lượng nông nghiệp cả nước, các cánh đồng đô thị là loại hình nông nghiệp có năng suất cao nhất xét về giá trị kinh tế sản xuất trên một diện tích (hơn 3% so với mức trung bình của cả nước). Ngay tại Tokyo, một trong những thành phố lớn nhất và tắc nghẽn nhất trên thế giới, giữa mạng lưới đường sắt, đường bộ, tòa nhà và dây điện phức tạp, nông nghiệp địa phương vẫn sản xuất đủ rau ăn để cho gần 700 nghìn cư dân thành phố.

 2, Doanh thu của mỗi nông dân đô thị có lợi nhuận cao gấp hai lần so với nông dân miền núi và khoảng 10% so với nông dân ở nông thôn đồng bằng.

3, Thực phẩm sạch hơn, do gần các khu dân cư đông đúc khiến nông dân thành thị giảm sử dụng hóa chất. Điều tra năm 2005, tỷ lệ nông dân thực hành nông nghiệp ít hóa chất hoặc không sử dụng hóa chất ở Tokyo, Osaka và Kanagawa cao hơn so với mức trung bình toàn quốc.

4, Đất nông nghiệp lên ngôi. Hơn 85% cư dân Tokyo muốn thành phố của họ có đất nông nghiệp để đảm bảo tiếp cận với thực phẩm tươi sống và không gian xanh. Trong khi số lượng đất canh tác được giao ở nông thôn không đổi trong suốt thập kỷ qua, thì ở khu vực thành thị, con số này đã tăng 67%. Nhu cầu về đất canh tác vượt cung tới hơn 300% tại các thành phố công nghiệp hóa cao như Kawasaki, Nagoya. Có thể hình dung cấu trúc đất đai đô thị Nhật Bản đang được thay đổi. Theo đó, xuất hiện tầng lớp “nông dân đô thị toàn thời gian hoặc bán thời gian” và quan trọng là nông dân không phải đi khỏi nơi cư trú để dành đất xây dựng loại đô thị “thình lình mọc lên trên các cánh đồng” như ở Việt Nam.

“Niêm phong đất ” và phận nông dân Việt ?

 Nói “mênh mông bể sở” cũng cần quay về câu chuyện quê mình. Với một cái nhìn lướt từ cửa sổ máy bay lúc hạ độ cao, hầu như chúng ta đều thấy, dù đã bị biến dạng nhiều, ngăn nắp nhất vẫn là các khu vực cảnh quan nông thôn với màu xanh làng mạc và các ô thửa ruộng… Còn đô thị lớn, xin lỗi, dày đặc nhà cửa lổn nhổn mái tôn xanh, đỏ tựa “bãi đồ chơi của trẻ hư không chịu dọn”.

Dễ hiểu thôi, vì người Việt có hàng nghìn năm tạo dựng nền văn minh nông nghiệp, còn đô thị hóa ồ ạt vài chục năm qua theo cách tập trung vào vài đại đô thị đã thủ tiêu những lãnh thổ của nền văn minh ấy. Tất nhiên, chủ trương phát triển công nghiệp thì phải dành nhiều đất cho công nghiệp, theo đó là đô thị. Nhưng cũng cần phải hỏi nguồn nhân lực chủ lực cho sản xuất công nghiệp hiện là ai? Và loại công nghiệp nào?

Một dạng đô thị nông nghiệp ở Đài Loan. Ảnh: Trần Trung Chính.

Thành phố loang lổ ruộng đồng như da báo, thành phố thấp tầng và ranh giới đô thị - nông thôn ở Đài Loan được xóa mờ. Ảnh: Trần Trung Chính.

Xin lấy số liệu một tỉnh thuộc số địa phương đi đầu trong công nghiệp hóa và đô thị hóa ở nước ta. Cụ thể: Năm 2002 dân số Bình Dương mới có hơn 900 nghìn người, sau 20 năm (2022) lên gần 2,7 triệu người. Dân số thành thị giai đoạn 2009 - 2019 tăng 15,9%, gấp hơn 3 lần tỷ lệ tăng bình quân năm của cả tỉnh. Tỷ lệ này cao gấp 6 lần so với cả nước và cao hơn 4 lần so với vùng Đông Nam bộ. Nhưng cũng như hầu hết các tỉnh phát triển công nghiệp, hơn một nửa số người nhập cư vào các khu vực đô thị đến từ các vùng nông thôn và phần lớn số họ (77%) không qua đào tạo. Tức là, lực lượng sản xuất công nghiệp chủ yếu là nông dân không nghề nghiệp “bước từ đồng ruộng vào thẳng nhà máy” ở khắp nơi đổ về các tỉnh nhiều khu công nghiệp. Đáng chú ý, tỷ lệ người lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học thường cao hơn trình độ phổ thông(7). Vậy, có thể tạm nhận định các cơ sở công nghiệp cũng chủ yếu thuộc công nghệ thấp, nên hấp thụ phổ biến lao động có trình độ thấp?

Tóm lại, thành tích công nghiệp hóa trong ngắn hạn của Bình Dương cũng như nhiều tỉnh công nghiệp khác, có phần nhờ “ba rẻ”: Giá đất, giá nhân công, phí môi trường. Nhưng trong dài hạn, họ sẽ phải đương đầu với với hàng triệu người lao động và con cái họ thiếu nhà ở, trường học, bệnh viện… Rồi đến lúc các nhà đầu tư bỏ đi sau khi đã khai thác hết vòng đời những nhà máy công nghệ cũ, thì diện tích đất đai công nghiệp mênh mông lại không thể tái sử dụng làm nông nghiệp? Cũng tới lúc đó, những người nông dân sẽ tiếp tục trụ lại hay bồng bế nhau chạy về quê, như trong đại dịch vừa qua? Có cách công nghiệp hóa - đô thị hóa nào tránh bớt xáo trộn đất đai - con người trên một đất nước nhiều tiềm năng nông nghiệp như Việt Nam?

Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) trong khung cảnh không bóng người, tiêu điều, nhếch nhác.

 “Mười năm, thế giới già trông thấy/ Đất bạc màu đi, đất bạc màu” (thơ Tô Thùy Yên). Không chỉ bạc màu, trải mấy chục năm qua, biết bao tỷ khối các loại rác thải, vật liệu phế thải đã trút xuống đất đai nông nghiệp mầu mỡ để nâng cốt nền xây những đô thị, vùng công nghiệp mới, đó là hành trình một đi không trở lại. Và không chỉ "ăn" hết đất nông nghiệp, các thành phố siêu lớn giờ đây hủy hoại chính những người thành phố, nhấn chìm họ trong ô nhiễm khói bụi, lụt lội, tắc đường, tình trạng vệ sinh tồi tệ của nó. Hơn 100 năm trước Emile Verhaeren (nhà thơ Bỉ, 1855 - 1916) thốt lên: Thành phố là nấm mồ của loài người - nó toả rộng ra tứ phía, sự tham lam vô độ với đống xương và bộ khung trang trọng”.

Dưới ngọn cờ chủ chủ nghĩa đô thị nông nghiệp, Michael Sofer kêu gọi sự trở về với thiên nhiên, nơi: “Thành phố gần gũi là thành phố di chuyển tối thiểu, nơi ta có thể đi ngang vườn rau, qua cánh đồng, đưa con cháu đến trường trồng cây ăn quả, là thành phố ngày càng ăn được…”. Vậy thì, trước hết cần bắt đầu từ suy nghĩ lại cách sử dụng đất. Đất cũng như người, cần thở, cần giao tiếp với mưa nắng, cần vi sinh vật cho đất sinh nở cây trái. Chứ đừng tiếp tục vội vã “niêm phong bằng bê tông” vĩnh viễn đất đai màu mỡ của cha ông, đánh cược tất cả sức lực, của cải vào cuộc đô thị hóa không chắc bền vững này./.

TRẦN TRUNG CHÍNH

Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Kiến trúc sư - nhà quy hoạch đô thị Đức.

(2) Charles Waldheim (giáo sư Đại học Harvard, Mỹ): Notes Toward a History of Agrarian Urbanism.

(3) “Thành phố rộng lớn” của Frank Lloyd Wright (1934-1935), “Mô hình khu vực mới” của Ludwig Hilberseimer (1945-1949), “Agronica” của Andrea Branzi (1993-1994).

(4) Urban agriculture: what economic model?

(5) Michael Sofer - Giáo sư địa lý và môi trường, Đại học Bar-Ilan.

(6) Restoring Urban Fringe Landscapes through Urban, Agriculture: The Japanese Experience. (7) Cục Thống kê Bình Dương.

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.