Đô thị và nước - quy hoạch đô thị trên cơ sở quản lý tổng hợp nguồn nước ứng phó với BĐKH

​MTXD - Sự hình thành các đô thị thường gắn liền với các nguồn nước, những con sông và hồ nước tạo nên đặc trưng của mỗi đô thị. Nước là một yếu tố vô cùng quan trọng và nhậy cảm trong hệ sinh thái tự nhiên, nó có tác dụng rất tích cực cho con người, nhưng cũng có thể gây phiền toái đáng kể mỗi khi úng ngập.

MTXD - Sự hình thành các đô thị thường gắn liền với các nguồn nước, những con sông và hồ nước tạo nên đặc trưng của mỗi đô thị. Nước là một yếu tố vô cùng quan trọng và nhậy cảm trong hệ sinh thái tự nhiên, nó có tác dụng rất tích cực cho con người, nhưng cũng có thể gây phiền toái đáng kể mỗi khi úng ngập. Phát triển đô thị và việc ứng xử của con người với nước cần phải rất thận trọng trong hiện tại để đảm bảo cho tương lai bền vững. Bài viết đề cập việc quy hoạch đô thị trên cơ sở quản lý tổng hợp nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đưa ra các khuyến nghị.

Vai trò của mặt nước trong vùng và đô thị

Hệ thống nước trong một vùng là các sông, suối, hồ ao, đầm, và biển, là một hệ sinh thái huyết mạch từ đầu nguồn (trên các núi cao) đổ dần ra biển.

Nước là nguồn sống cho tất cả các khu vực từ nông thôn đến thành thị, thông qua hệ thống thuỷ lợi của vùng. Nhiều dòng sông là tuyến giao thông thuỷ quan trọng trong vùng và liên vùng, đặc biệt như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước là môi trường cho đa dạng sinh học, vừa cung cấp nguồn thuỷ hải sản cho con người, đồng thời cân đối và thanh lọc môi trường không khí trong lành. Nước là một yếu tố cảnh quan trong vùng và đô thị vô cùng quan trọng  Con người đã biết khai thác nước vào các hoạt động sinh sống của mình vô cùng phong phú, kể cả biết điều tiết hệ thống nước ở các độ cao khác nhau xây dựng Thuỷ điện, điều tiết thuỷ lợi cho cấy trồng nông, lâm nghiệp. Các hoạt động giao thương thông qua các cảng sông, cảng biển, thể thao dưới nước…

Nước trong các khu vực phát triển đô thị chỉ là những phần nhỏ trong vùng, nó không tồn tại một cách độc lập, mà là một phần của cơ thể nước (waterbody) của hệ sinh thái vùng.

Do đó mỗi tác động tích cực hay tiêu cực của đô thị đối với nước trong đô thị đều ảnh hưởng tác động đối với cả một vùng sinh thái. Nhiều khi do việc lựa chọn đất xây dựng đô thị không cẩn thận ở hạ lưu (là những khu vực có cửa sông, ven biển có cảnh quan đẹp, giá trị kinh tế cao…) chính là nguyên nhân gây úng lụt khu vực thượng lưu, (thường là những khu vực nông thôn còn nghèo khó).

Đô thị nước

Với vai trò ưu việt của nước, con người từ xa xưa đã biết xây dựng các đô thị bám vào các con sông, như sông Danuyp- Hungary, sông Sen- Pari, sông Them- London, sông Hồng- Hà Nội, sông Hương- Huế, sông Hàn- Đà Nẵng, sông Tiền- Tiền Giang, Sông Hậu- Cần Thơ… Khai thác các hồ trong việc tạo cảnh quan đặc trưng cho đô thị cũng được đặc biệt quan tâm, tuy nhiên tuỳ điều kiện của địa hình mỗi khu vực đô thị có hồ lớn hay nhỏ. Hà Nội là một thành phố nổi tiểng với hàng trăm hồ lớn nhỏ, hồ Hoàn Kiếm là hồ trung tâm với mang nhiều ý nghĩa truyền thuyết văn hoá lịch sử. Hồ Tây và hồ Trúc Bạch có diện tích mặt nước lớn, hồ cảnh quan của thành phố, vô cùng hấp dẫn, ngoài ra còn rất nhiều hồ nhỏ khắp thành phố (mặc dù trong lịch sử nhiều hồ đã bị san lấp để xây dựng đô thị).
Đô thị biển là đô thị nước với đô thị phát triển dọc theo dải bờ biển, các công trình trước biển được gắn với cảnh quan của biển, và hầu hết các đô

TP. Hạ Long Quảng Ninh

Thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Nha Trang-tỉnh Khánh Hoà


thị biển đều có các con sông gắn với biển, tạo nên một hệ thống mặt nước phong phú như TP biển Nha Trang có sông Cái và sông Cửa bé, thành phố biển Đà Nẵng có sông Hàn, thành phố biển Quy Nhơn có đầm Thị Nại và sông Hà Thanh, hồ Phú Hoà, Bàu Lác, Bàu Sen…

Nhiều thành phố, quá trình phát triển đô thị đã khai thác tốt cảnh
quan mặt nước tạo nên hình ảnh đặc trưng của đô thị nước, như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hạ Long (gắn với hệ sinh thái biển đảo vịnh Hạ Long- di sản thiên nhiên Thế giới).

Hiệu ứng cảnh quan của đô thị nước rất đặc biệt vào ban ngày và ban đêm, các công trình không chỉ đẹp trước mặt nước mà còn có hiệu ứng đổ bóng xuống nước vào ban ngày, và khi đêm xuống ánh đèn trang trí, đèn chiếu sáng đường phố và ánh sáng từ các công trình đổ bóng xuống nước, thêm hiệu ứng vẻ đẹp lung linh của thành phố.

Việt Nam có hơn 3260 km bờ biển với nhiều đảo, bán đảo tuyệt đep, nhiều thành phố biển đã và đang phát triển như những đô thị nước. Thành phố Phú Quốc là một thành phố du lịch biển đảo đặc biệt của Việt Nam, thành phố có bờ biển dài, với nhiều đảo nhỏ, sông và hồ tạo nền tảng cho tương lai một thành phố nước hấp dẫn. Nhiều dự án đang phát triển ở Phú Quốc khai thác mặt nước đặc thù nơi đây để tạo nên những khu đô thị du lịch theo mô hình của Venice, Ý với những công trình hướng biển rất hấp dẫn.

Những năm gần đây các chủ đầu tư dự án nhận thức được giá trị gia tăng của mặt nước đối với việc kinh doanh bất động sản, nhiều Dự án đã xây dựng mô hình khu đô thị nước kiểu “River sides Residence”, “water front”…

Khu đô thị Eco Park ở Hà Nội cũng khai thác hệ thống mặt nước (nước thuỷ lợi Bắc Hưng Hải) trong khu vực Dự án để xây dựng các khu nhà ở kiểu riversides, Khu đô thị phía Bắc sông Hồng thuộc khu Riversides của Tập đoàn VinGroup cũng theo mô hình đô thị nước, theo đó các biệt thực đều được tiếp cận với những nhánh sông nước chảy qua, tạo môi trường hấp dẫn cho dân cư.

Tuy nhiên rất nhiều đô thị có điều kiện mặt biển, không gian nước đầm, phá, cửa sông, chưa thực sự phát huy hết giá trị của tiềm năng mặt nước trong đô thị. Nhiều khu vực mặt nước cảnh quan đẹp vẫn chủ yếu hoạt động nuôi trồng thuỷ hải sản, phục vụ nông nghiệp, thuỷ lợi tưới tiêu. Một số thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có sông và kênh rạch rất thuận lợi để phát triển mô hình đô thị nước, tuy nhiên thực tế nhiều khu vực công trình thường quay lưng với nước, chủ yếu công trình phụ, và xả thải xuống kênh rạch.

Trên Thế giới cũng có nhiều thành phố nổi tiếng là thành phố nước như Venice của Ý, Vancouver của Canada… Venice là thành phố biển với các công trình đô thị bám trên các kênh rạch liên kết như một cấu trục đặc biệt của thành phố, giao thông hầu hết bằng đường thuỷ, các không gian được kết nối bởi các cầu cảnh quan, tạo nên một đô thị nước có sức hút kỳ diệu.
Mặc dù Thành phố được xây dựng rất lâu năm, luôn chịu tác động thuỷ triều của biển, khi thuỷ triều lên, nhiều khu vực gần như bị ngập chìm với nước.
Tuy nhiên, mọi hoạt động của dân và khách du lịch vẫn diễn ra bình thường, thậm chí nhiều khách du lịch còn thấy rất thú vị thưởng ngoạn trên các con kênh và quảng trường ngập nước. Những năm gần đây tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp Thành phố đã có nhiều biện pháp ứng phó để vẫn sống chung với nước.

Vancouver- Canada cũng là một thành phố nước nổi tiếng với biển và các hồ nước. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, từ những năm 1990, Vancouver đã làm việc với cộng đồng để giải quyết những thách thức về môi trường mà thành phố đang phải đối mặt. Ngày nay, thành phố đã được cộng đồng đánh giá là thành phố đáng sống nhất trên thế giới và là thành phố đi đầu trong việc thực hiện các thay đổi. để giúp thành phố trở nên kiên cường khi đối mặt với cuộc khủng hoảng BĐKH.

Chiến lược về nước của thành phố đã được thực hiện rất triệt để “Nước của thành phố được thu thập trong các hồ chứa Capilano, Seymour và Coquitlam. Trung bình mỗi ngày, hệ thống nước cung cấp 360 triệu lít nước chất lượng cao cho toàn thành phố. Giảm tiêu thụ nước và quản lý tốt những gì đi vào cống rãnh của thành phố là những phần quan trọng trong việc hướng tới mục tiêu trở thành thành phố xanh nhất thế giới vào năm 2020”. [1]

Cảnh báo nguy cơ của sự lạm dụng

Quá trình đô thị hoá nóng, vừa qua đã có nhiều đô thị lấp ao, hồ, kênh mương, cống hoá sông tạo quỹ đất phát triển đô thị. Điển hình như Thủ đô Hà Nội, trong những năm 80-90 hàng loạt hồ trong đô thị đã bị lấp để xây dựng đô thị. Thành phố không thể cải thiện được môi trường ô nhiễm của sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, nên nhiều nhánh sông bị cống hoá, để đáp ứng môi trường sạch và tăng thêm quỹ đất và giao thông đô thị trước mắt, nhưng giải pháp này đã để lại hệ luỵ lâu dài, thành phố bị giảm bớt diện tích mặt nước, nước mặt lưu thoát khó, dễ gây úng ngập cục bộ.
Một số khu vực đô thị biển miền Trung có cấu trúc sinh thái tự nhiên, đầm, phá với diện tích mặt nước rất rộng và cảnh quan đẹp như đầm Thị Nại – Quy Nhơn, Đầm Ô loan- Phú Yên, đầm Trâu Đầm Vịnh Vân Phong, đầm Thuỷ Triều – Cam Lâm, Cam Ranh, đầm Nại Phan Rang Tháp Chàm... Đây là những vùng nước tĩnh gần biển, có chức năng điều tiết nước lũ ở vùng cao xuống và thoát dần ra biển, thường là vùng sinh thái nước lợ, môi trường tốt cho nhiều loài đa dạng sinh học phong phú cư trú, nguồn lợi thuỷ sản quý cho khu vực.

Đây cũng là nơi có thể tránh, trú bão của tàu thuyến đánh cá, thuận lợi cho phát triển các bến tàu du lịch. Tuy nhiên hiện nay có một số chủ đầu tư và địa phương đã có ý tưởng san lấp, giảm diện tích mặt nước đầm để phát triển đô thị, kiếm lợi. Mặt khác do việc kiểm soát đất đai không chặt chẽ, nhiều khu vực đầm, phá cũng bị lấn chiếm bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến đầm, hồ, diện tích mặt nước của hồ, đầm bị suy giảm.

Chất lượng mặt nước trong đô thị

Đô thị có sông, hồ, biển đẹp là lợi thế tiềm năng thuận lợi cho đô thị phát triển, tuy nhiên nếu không được quy hoạch và quản lý đô thị hợp lý, có thể có những ao hồ nước đọng, nước thải, rác thải xuống sông, hồ, gây ô nhiễm thành những dòng “sông đen”, “sông chết” tạo nên môi trường phản cảm không chỉ với cộng đồng dân cư địa phương mà còn ảnh hưởng đến khách du lịch. Sông Bangkok Thái Lan đã một thời bị gọi là “sông đen” bởi sự ô nhiễm của thành phố, mặc dù đây là thành phố du lịch, giao thông thuỷ và du lịch trên sông là rất thiết yếu, Thành phố Bangkok đã phải sử dụng rất nhiều biện pháp cải thiện chất lượng dòng sông. Ở TP Hồ Chí Minh cũng phải có dự án hàng trăm triệu đô để cải thiện kênh Nhiêu Lộc thị Nghè bởi sự ô nhiễm năng nề của dòng nước. TP Hà Nội cũng bị nhức nhối với sự ô nhiễm của sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu từ nhiều năm nay. Các hộ sống gần sông không được hưởng lợi như cảnh quan và môi trường nước, mà hầu như phải chịu đựng mùi hôi thối từ dòng sông. Người dân đi qua các sông trên cũng thấy rất khó chịu, dòng sông bị chính con người hại, và nó sẽ hại lại con người bởi sự ô nhiễm bệnh tật của nó.
Mặt nước trong các đô thị vô cùng đáng quý và nhậy cảm như đã nói ở trên, tuy nhiên nếu không quản lý giữ gìn chất lượng nước tốt, nó lại trở thành mối nguy hại cho môi trường sức khoẻ của người dân.

Đầm Thuỷ triều- Cam Lâm, Cam Ranh tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Internet

Thành phố Seoul của Hàn Quốc trước đây đã lấp một con sông ô nhiễm để làm đường và cầu cạn cho giao thông đô thị (giải quyết ô nghiễm và cải thiện về ách tắc giao thông) tuy nhiên gần đây một dự án táo bạo của Thành phố, quyết tâm phục hồi con sông quý giá của đô thị để cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị. “…Suối Cheonggyecheon HQ có tên Việt là Thanh Khê Xuyên, chiều dài 5,8km chảy vào sông Jungnangcheon. Suối nhân tạo Cheonggyecheon vốn là con suối tự nhiên đã tồn tại từ thời Joseon. Tuy nhiên, với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế và tái thiết đô thị Chính quyền thủ đô Seoul đã quyết định lấp con suối này để phát triển cơ sở hạ tầng vào những năm cuối thập niên 1950. Sau hai thập kỷ, con đường cao tốc Cheonggye đã được xây dựng trên chính con suối này. Nhưng dần dần, người ta không chịu nổi sự ngột ngạt và oi bức giữa thành phố, nên đến 2005, dòng suối Cheonggyecheon Seoul đã được cho khôi phục trở lại. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn cũng như nhận lấy sự chỉ trích gay gắt từ phía cộng đồng, nhưng cuối cùng, dòng suối Cheonggyecheon vẫn được tiếp tục hoàn thành.

Suối Cheonggyecheon – Seoul Hàn Quốc, Nguồn: Ảnh ST

Đối với người dân nơi đây, suối Cheonggyecheon như một nguồn sống vô tận, vì đã trải qua bao thăng trầm mà vẫn tồn tại bền vững với thời gian.
Dòng suối Cheonggyecheon không chỉ có ý nghĩa biểu tượng mà còn giúp điều hòa không khí và mang lại sự dịu mát cho người dân thủ đô. Mùa hè nhiệt độ không khí ở đây giảm đến 1.5 độ so với trước. Có tất cả 22 cây cầu nối liền hai bờ trên dòng suối Cheonggyecheon Seoul với cây cối xanh tươi, trồng hoa dọc theo suốt chiều dài con suối. Tổng kinh phí cho cuộc Công cuộc cải tạo này gần 800 triệu USD. Mỗi ngày đêm phải bơm tuần hoàn 300.000m3 nước bổ sung từ sông Hàn để tạo dòng chảy cho suối.

Đổi lại là cảnh quan đô thị tuyệt vời và tiểu khí hậu được cải thiện, khách du lịch tăng đáng kể. Môi trường sống tốt hơn rất nhiều…

Câu hỏi được đạt ra “Liệu sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch của Hà Nội có được như thế và đến bao giờ nhỉ?” [2].

Lấn biển để phát triển đô thị

Biển tiến, biển lùi trong lịch sử, hầu hết theo quy luật tự nhiên, hoặc có những tác động của biến đổi khí hậu trong quá khứ. Ngày nay việc tiến ra biển để phát triển các hoạt động kinh tế biển rất đa dạng do con người ngày càng đông, phương thức càng hiện đại, nhu cầu kinh tế cao. Do đó, cũng có những hoạt động tích cực mang lại hiệu quả tốt cho kinh tế xã hội, nhưng cũng nhiều hoạt động có thể gây ra những hệ luỵ cho tương lai, hoặc những khu vực lân cận.

Khá nhiều địa phương thành công trong việc lấn biển làm đô thị như TP Rạch Giá, TP Hà Tiên- Kiên Giang (thuộc khu vực biển Tây Nam), một số
khu vực thuộc thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh... Tuy nhiên việc lấn biển khá tràn lan ở tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà cần phải được rà soát lại và có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Nha trang vẫn đang đối diện với tình trạng ngập nặng vào mùa mưa

Một số khu vực lấp biển ngay nơi cửa sông (TP Nha Trang – Khánh Hoà) tạo nên một khu đô thị đẹp đắt giá (chủ đầu tư, chủ sở hữu được lợi, nhưng là nguyên nhân gây úng ngập cả một vững, khiến của bao nhiêu người phải chịu khổ và gây hệ luỵ cho tương lai.

Khu vực lấn biển thành phố Cẩm Phả, Vân đồn... cũng cần phải được quản lý và có đánh gía tác động môi trường liên vùng, vì với một quy mô lấn biển liên tục như vậy sẽ làm ảnh hưởng cả một hệ sinh thái vùng biển.

Việc thay đổi hệ sinh thái vùng đới bờ biển làm thay đổi các dòng hải lưu, theo quy luật bồi, lở, có thể sẽ tác động làm lở một vùng lân cận ?.
Biển là mặt nước rất lớn, là tiềm năng rất tốt cho các quốc gia có biển phát triển. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc tiến ra biển để
khai thác cảnh quan và khí hậu trong lành là nguyện vọng hoàn toàn hợp lý
khi có những giải pháp tốt, không làm tác động thay đổi cấu trúc tự nhiên của đới bờ. Nhiều nhà nghiên cứu ở Hà Lan (là quốc gia có những đô thị thấp hơn mực nước biển), Nhật (quốc gia có giới hạn là bờ biển), Singapore (Quốc đảo)… đã có nhiều giải pháp xây dựng thành phố nổi trên biển với các quy mô khác nhau. Việc xây dựng những thành phố nổi trên biển, vừa đáp ứng được diện tích cho đô thị, vừa khai thác được cảnh quan và môi trường của biển, và tạo nên nhưng không gian độc đáo cho đô thị và quốc gia.

Một số khuyến nghị

1-Quy hoạch đô thị cần tuyết đối tôn trọng cấu trúc tự nhiên của hệ thống mặt nước khu vực, không làm giảm diện tích của mặt nước hiện hữu của đô thị, kể cả hồ, ao, đầm, phá. Khuyến khích các dự án tăng thêm diện tích mặt nước.

2-Các khu vực có mặt nước đẹp của đô thị, các công trình xây dựng đô thị dọc theo các trục mặt nước phải có thiết kế đô thị đảm bảo tạo thêm không gian đẹp cho đô thị.

3-Các công trình tác động (thay đổi cấu trúc) đến vùng đới bờ biển, cửa sông phải có luận chứng khoa học đầy đủ, và có đánh giá tác động môi trường cẩn thận.

4-Để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các đô thị cần tăng cường thêm các diện tích hồ. ao, chứa nước mưa, điều tiết nước trong thành phổ, cải thiện môi trường khói bụi trong thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn. Nên có chế tài thu phí nước mưa thải ra đô thị từ các hộ dân cư hay cơ sở dịch vụ.

5-Thể chế, Luật pháp cần phải đổi mới để có chế tài đủ mạnh ngăn chặn việc lấn chiếm, hoặc hợp thức việc lấp diện tích hồ, ao, đầm, phá để xây dựng đô thị.

6-Quản lý và cải thiện triệt để chất lượng nước trong đô thị, đặc biệt là mặt nước ở các khu vực có mật độ dân cư cao.

7-Quản lý tốt đồng thời các khu vực thượng và hạ nguồn nước, không chỉ cho mục đích phát triển đô thị mà còn đảm bảo cho sự cân bằng sinh thái vùng, phát triển hài hoà cả nông thôn và thành thị. Cần sử dụng công nghệ tin học để phân tích về thuỷ văn và thuỷ lực trong vùng và đô thị, hạn chế rủi ro ngập lụt.

8-Nhà nước cần xem xét lại thuế đất ven biển, ven sông, đất lấn biển, cũng như thuế sử dụng mặt nước để phát triển đô thị, vừa là công cụ kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sử dụng mặt nước để xd đô thị, và đánh giá đúng giá trị thực của các không gian tiếp cận nước của đô thị. Đây thực sự là những không gian phải có giá cao tương ứng với giá trị hiếm và đặc biệt của nó.

9-Cần thống nhất cơ quan quản lý mặt nước trong đô thị, có mối quan hệ trực tiếp với các cơ quan quản lý nguồn nước trong vùng và quốc gia.

10-Việc quản lý toàn bộ hệ thống nguồn nước trong vùng và đô thị phải được số hoá đồng bộ diện tích và tình trạng mặt nước trong vùng. Cơ quan quản lý nước trong đô thị cần số hoá và cập nhật thường xuyên về mặt nước, các dự án xây dựng và phát triển có liên quan đến giá trị mặt nước (toàn bộ các công trình kiến trúc, kỹ thuật ven bờ và cả trên mặt nước ( nếu có)

Tóm lại

ĐÔ THỊ và NƯỚC là có sự gắn kết vô cũng hữu cơ, đô thị có nhiều mặt nước đẹp và chất lượng là lợi thế cho sự phát triển môi trường đáng sống, Đô thị không thể thiếu nước và con người cần phải trân trọng bảo tồn vốn quý báu do thiên nhiên ban tặng. Trong quá trình phát triển đô thị, con người cần có ứng xử thông minh với các nguồn nước, không vì lợi nhuận kinh tế trước mặt để làm hại cho môi trường tương lai./.

PGS. TS. ĐỖ TÚ LAN*

* Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị , Bộ Xây dựng
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. City of Vancouver : Water, sewer, and neighbourhood energy systems,
2. Lê Đình Chi, “ Ghi chép Seoul “, 2022
3. Đỗ Tú Lan: Nghiên cứu hệ sinh thái đô thị cho các đô thị ven biển phát triển bền vững, LATS 2004.
4. Kapil Chaudhery & Đỗ Tú Lan: Quy hoạch đô thị trên cơ sở quản lý tổng thể nguồn nước ứng phó với BĐKH
5. UBND tỉnh Khánh Hoà: “Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040” Cổng TTĐT

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.