Đô thị “ xốp”

​MTXD – Đô thị ở Việt Nam chịu sự chi phối của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ cao rõ nét. Tác động của đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, đầu tư bất động sản…làm cho tính ổn định của các nhân tố kinh tế tạo thị khá mong manh.

MTXD –  Đô thị ở Việt Nam chịu sự chi phối của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ cao rõ nét. Tác động của đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, đầu tư bất động sản…làm cho tính ổn định của các nhân tố kinh tế tạo thị khá mong manh. Công nghệ cao thâm nhập vào một nền kinh tế vốn là tiểu nông lạc hậu tạo nên bức tranh đa dạng và phức tạp của các mô hình phát triển.

Về cơ bản quá trình đô thị hóa của giai đoạn công nghiệp hóa ở Việt Nam vẫn đang theo chiều tập trung dân cư vào đô thị lớn với dòng dịch cư nghề nghiệp, nông thôn – đô thị là chủ yếu, đô thị đang liên tục mở rộng ra vùng ngoại ô, các mâu thuẫn kinh tế, xã hội giữa đô thị- nông thôn, đô thị - vùng ven, giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường đang ngày càng gay gắt. (1)

Đô thị càng phát triển thì hy vọng tạo lập tính ổn định và trật tự của đô thị dường như ngày càng khó khăn. Kiến trúc lộn xộn, giao thông tắc ngẽn và môi trường suy giảm đang đặt ra câu hỏi liệu những đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể tìm ra lối thoát ở tương lai?

Hơn lúc nào hết, đô thị phản ánh rõ những quyền lực khách quan của bối cảnh lịch sử, nền tảng văn hóa -kinh tế- xã hội tác động tới đô thị, vượt lên trên mong muốn hay những ý tưởng cho dù được thiết lập công phu nhất của các nhà quy hoạch .

Chính trong bối cảnh này và qua hơn 25 năm phát triển sau Đổi mới của đô thị lớn ở Việt Nam, thực tiễn cho thấy xu thế đô thị đang ngày càng buộc phải “xốp” hơn và dường như tính chất “xốp” ấy phần nào đã thích ứng được với bối cảnh kinh tế xã hội.

“Đô thị xốp” (porous urban) là đô thị mà các thành tố với các chức năng khác nhau có sự biến đổi và dung nạp ngay bên trong bản thân các thành tố và được đặt cạnh nhau trong mối tương tác mềm. Tính đặc trưng nội dung là sự dung nạp và đặc trưng hình thái là các khoảng rỗng phân bố tương đối đều trong hệ thống.

Khả năng dung nạp nhiều thành phần, nhiều chức năng (tính xốp chức năng) trong một khu vực đô thị đang trở thành một nhu cầu, một xu thế tất yếu. Nếu như các đô thị hiện đại phương Tây có sự rạch ròi về chức năng bao nhiêu thì các đô thị châu Á tính hỗn hợp lại nổi trội bấy nhiêu. Sản xuất- ở- dịch vụ đã ngày càng gần nhau tới mức hòa trộn. Chính công nghệ cao và công nghệ thông tin hiện đại đã tạo nên cơ hội cho các ngành sản xuất tồn tại bên cạnh khu dân cư bởi văn phòng điều hành xuyên quốc gia đôi khi đơn giản chỉ trong một chiếc máy tính.

Sự thay thế, chuyển đổi tính chất chức năng là xu thế phổ biến trong các khu vực đô thị. Các nhân tố tạo thị như công nghiệp, dịch vụ thay đổi chóng mặt, khoảng thời gian ổn định của các khu chức năng đô thị ngày càng ngắn hơn. Thành phố Hà Nội mặc dù được quy hoạch bài bản từ năm 1977 cũng đang chịu các tác động này. Những năm 1986-1990 những ngôi nhà tự xây mặt phố mới chỉ là 2 tầng, hiện nay đã được cơi nới hoặc xây mới với tầng cao trung bình phổ biến 4-5 tầng và trở thành những tuyến phố sầm uất. Thậm chí ở một số khu vực trung tâm Hà Nội các tòa nhà 5 tầng mới xây năm 1995 giờ đây đã bị đập đi để xây các tòa nhà 20-30 tầng, thường là các tổ hợp đa chức năng.

Tính hỗn hợp chức năng và thay thế, chuyển đổi đang phổ biến trong các khu chung cư cũ. Các căn hộ ở tầng trệt bao giờ cũng kiêm luôn chức năng dịch vụ. Cũng trong khu vực này khi một sô toà nhà được xây dựng lại các căn hộ đã được mua và cho thuê làm văn phòng. Tiêu biểu là khu tập thể cũ Kim Liên, Giảng Võ và ngay cả trong tòa nhà ở mới như tòa chung cư M3,M4 cao 19-25 tầng tại đường Nguyễn Chí Thanh- Huỳnh Thúc Kháng.

Khả năng dung nạp đa dạng các thành phần xã hội (tính “xốp xã hội”) cũng là một đặc điểm khá đặc trưng của các đô thị Việt Nam. Với Hà Nôi, khu vực có khả nạp xã hội lớn nhất chính là các làng xã đô thị hoá, làng ven đô. Với cấu trúc chặt chẽ và một truyền thống văn hóa lâu đời của lối sống cộng đồng, mật độ khá dày khoảng 1,5 km2/ làng, không làng nào bị xóa bỏ trong quá trình đô thị hoá mà nó chỉ biến đổi theo hướng mật độ cao hơn, dung nạp nhiều hơn với khả năng đáng kinh ngạc. Mật đô dân số khu vực từ khoảng 150ng/ ha có thể lên tới 300-500ng/ha, gấp khoảng 2,5-3 lần so với  khi chưa bị đô thị hóa và điều quan trọng hơn nó chứa đựng đa dạng các thành phần: Những người dân làng cũ, dân mới nhập cư, lao động thời vụ, sinh viên trọ, bán hàng rong và cả những người thu nhập trung bình như các kỹ sư, cán bộ viên chức. Điều đáng mừng là không có những xung đột xã hội nào đáng kể dù có đa dạng các thành phần như vậy trong cùng một khu vực. (2)

Làng xã đô thi hóa như một miếng bọt biển với khả năng hấp thụ lớn. Có thể thấy hiện tượng này cả ở các đô thị nhỏ hơn như Hải Phòng, Hải Dương.
Có một câu hỏi là tại sao Hà Nội không xuất hiện các khu ổ chuột trong khi chính sách nhà ở xã hội chậm chạp và sự đầu tư về nhà ở đang phạm sai lầm là chỉ tập trung cho các căn hộ quy mô lớn giá hàng trăm ngàn USD?. Câu trả lời là chính các làng xã đô thị hóa đã dung nạp tất cả các thành phần bị đặt ngoài các chính sách phát triển về nhà ở và cho họ một môi trường tạm được chấp nhận và khả dĩ nhất với điều kiện kinh tế của mỗi người. Đây là thuận lợi của Hà Nội mà không nhiều thành phố lớn châu Á có được.

Tính “xốp xã hội” thể hiện cả về sự hỗn hợp trong lối sống và thói quen. Những khu đô thị mới hiện đại với các siêu thị và những người dùng thẻ tín dụng đi mua sắm cũng không thể thay thế hoàn toàn chợ truyền thống. Nếu không có chợ thì sẽ có hiện tượng các dịch vụ bán lẻ hình thành tự phát ngay ở chân cầu thang của các toà nhà, từ dưa cà tới rau, trái cây, gà vịt từ vùng ven mang tới.

Rõ ràng những khu làng xã cũ như Định Công, Gíap Bát, khu tập thể cũ như Kim Liên, Gỉang Võ (Hà Nội)...với khả năng dung nạp chức năng, xã hội đa dạng đang là những nhân tố quan trọng để góp phần tạo nên sự cân bằng trong phát triển đô thị chứ không chỉ là những khu đô thị mới như Trung Hòa - Nhân Chính hay Ciputra.

Những mô hình phát triển “cứng” về xã hội (chỉ cho một tầng lớp xã hội nhất định, số dân ổn định theo tính toán), “đóng” về không gian không phải là mô hình duy nhất cần nhân rộng trong đô thị của các nước đang phát triển. Thậm chí chính những người dân tại các khu vực được cho là cao cấp đó lại ghen tỵ và thấy lẻ loi khi nhìn về các khu tập thể cũ với đầy ắp sức sống cho dù có bề bộn.

Như vậy tính “xốp” chức năng và xã hội trong thực tế đã chứng minh là đô thị cần phải có những khoảng rỗng để các chức năng khác có thể đan xen, có thể chuyển đổi, thay thế, các thành phần xã hội đa dạng cùng sinh sống. Sự thay thế, đan xen này không tĩnh, phần đặc này sau một thời gian lại có thể trở thành phần rỗng và cấu trúc đó sẽ liên tục biến đổi.

Điều này đặt ra một cách nhìn về quy định chức năng và mật độ dân cư cho một khu vực trong công tác quy hoạch. Không có một chức năng nào thuần tuý tuyệt đối mà chỉ có thể là một khu vực có tính hỗn hợp với các tỷ trọng các thành phần, được biến thiên cho phép trong một khoảng nào đó, có một chức năng chủ đạo và các chức năng phụ trợ. Cũng như mật độ, quy mô dân cư cần có sự dao động nhất định, kể cả trong quy hoạch và quá trình hình thành nên nó.

Có thể dự báo là ngay cả các khu đô thị mới đang được xây dựng rất bài bản theo quy hoạch của Hà Nội cũng sẽ phải điều chỉnh trong tương lai. Một lý do là quy mô căn hộ quá lớn, đa phần từ 100 m2- 150 m2 và gía cả gấp 20-30 lần thu nhập của người dân hàng năm. Sẽ chỉ có khoảng 30% người dân thực sự có khả năng ở đó, vậy phần còn lại chắc chắn sẽ phải có điều chỉnh về kiến trúc để phù hợp với sức mua.

Lập luận này có vẻ cổ suý cho sự thiếu trật tự về chức năng và mâu thuẫn với mục tiêu quy hoạch. Tuy nhiên quy hoạch không phải chỉ là việc lập trật tự mà còn phải chứng minh khả năng kiểm soát sự trật tự đó. Không thể hy vọng có một chính quyền “bàn tay sắt” để xếp đặt mọi thứ theo đúng quy hoạch. Bản thân chính quy hoạch không thể dự báo hết các biến đổi chỉ trong 5-10 năm tới và phải chấp nhận điều chỉnh bởi đó là nhu cầu thực tiễn. Cho dù nó không hoàn toàn như mong muốn nhưng nó được dự báo trước, được điều chỉnh và kiểm soát để giảm thiểu các xung đột khác thì cũng đã là một quy hoạch tốt.

Đô thị “xốp” cần hiểu rất khác với tính chất “nén” hướng tới một thực thể cô đặc. Mặc dù mật độ tăng nhưng nó không hề tĩnh. Có lẽ trong vòng 20 năm tới, các khu vực đô thị này vẫn thay đổi, các chức năng mới liên tục thay thế các chức năng cũ, (các khoảng rỗng luôn tồn tại và được thay đổi) hịên tượng thu gom- tái phát triển vẫn diễn ra và có thể đây lại là cơ hội để các khu vực có thể được cải thiện mật độ xây dựng khi nó đã đạt đến mức nào đó. Tức là tính chu kỳ mật độ thấp – cao- thấp liên tục xảy ra chứ không hoàn toàn theo xu thế kín đặc hiểu theo nghĩa “ nén”.

Tính xốp không gian 

Sự dung nạp xã hội nhiều cũng có thể dẫn đến mật độ dân cư quá cao, mật độ xây dựng cao, các không gian công cộng thiếu, chất lượng môi trường giảm sút. Như vậy tính “xốp xã hội” cũng cần đi kèm với tính “xốp không gian”. Đó là đô thị cần có các khoảng xanh, không gian mở, không gian công cộng phân bố nhiều và đều hơn là sự tập trung theo một khu vực nhằm đáp ứng sự biến động của các chức năng chính, chức năng cứng.

Trong các đồ án quy hoạch chung (master plan) cấu trúc và các khu vực chức năng đều được định hình (các không gian cứng), thực tế cho thấy trong bối cảnh này đô thị càng cứng bao nhiêu khả năng bị phá vỡ cấu trúc càng lớn bấy nhiêu. Tính biến động của các nhân tố tạo thị luôn làm thay đổi các hình thái phát triển và các dự kiến về hệ thống cấu trúc có thể biến đổi bất cứ lúc nào.

Thành phố Hà Nội có một thực tiễn là nhiều lần lập quy hoạch nhưng quy hoạch chưa được thực hiện hoàn chỉnh đã lại thay đổi, dẫn đến nhiều thành phần quan trọng trong cấu trúc chưa được định hình như mong muốn. Có rất nhiều lý do trong đó có tăng trưởng kinh tế, đô thị hoá tăng tương ứng, sự thay đổi của các xu hướng đầu tư nước ngoài, sự mở rộng địa giới hành chính…và các quan điểm chính trị kinh tế khác.

Các trung tâm thương mại hình thành khá ngẫu nhiên ở mọi tuyến phố. Các khu công nghiệp bố trí trong giai đoạn trước đang trở thành lọt vào nội đô và phải di chuyển ra khỏi vị trí cũ. Sự thay thế các khu vực nhà máy cũ thành các trung tâm thương mại cũng tạo nên những cực trung tâm thương mại ngoài dự kiến trong cấu trúc.

Trên các tuyến phố, sự thu gom các ngôi nhà mặt tiền nhỏ thành trung tâm dịch vụ lớn hơn chưa có trong quy hoạch. Ví dụ sự hình thành của tuyến phố thương mại Chùa Bộc, Trung tâm thương mại VINCOM đều là những sự hình thành mới chưa từng được xúât hiện trong các bản quy hoạch chung của Hà Nội trước đó. Cho đến nay chưa có trung tâm quận nào của Hà Nội được định hình ổn định như quy hoạch chung dự kiến.

Các khu đô thị mới hiện đại ngoài vành đai 3 đang được quảng cáo hàng ngày đều hướng tới những trung tâm đa chức năng, hệ thống dịch vụ có quy mô lớn mong muốn phục vụ cho cả đô thị chứ không riêng cho các khu đô thị đó. Rõ ràng với mục tiêu như vậy mỗi chủ đầu tư đang kiểm soát từng khúc riêng lẻ của mạng lưới công trình công cộng chứ không hòan tòan theo một hệ thống chung.

Nhận định một cách cô đọng, cơ bản Hà Nội là thành phố phi cấu trúc, hay có cấu trúc “mờ” tức là sự hướng tới chứ chưa đạt được trong thực tiễn. (3)

Như vậy tính hỗn hợp và biến đổi chức năng hình thành nên tính “xốp” về cấu trúc đô thị, biểu hịên chính là cơ cấu phi tầng bậc và cấu trúc luôn biến động. Đặc điểm này hình thành có tính khách quan trong bối cảnh kinh tế thị trường mới chuyển đổi, đa dạng các thành phần kinh tế. 

Đó cũng là một đặc điểm chung của các đô thị châu Á. Sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, sự phân tán của hệ thống trung tâm (trung tâm đa cực- phi tầng bậc) có ưu điểm tạo sự thuận lợi cho người dân, cuộc sống cộng đồng đô thị gần gũi, sôi động và chúng chỉ gây bất tiện khi không có hệ thống hạ tầng và giao thông tĩnh tương ứng song hành. Vì vậy vấn đề không phải là cố xếp đặt chúng lại theo như hình mẫu của các nước phát triển mà cần sự thích ứng của hệ thống giao thông hỗ trợ tương ứng để không làm tắc ngẽn các dòng luân chuyển.

Chính vì xu hướng phi cấu trúc, cấu trúc mờ của đô thị hiện nay đòi hỏi một tính xốp không gian để dung nạp. Đó cũng là yêu cầu của sự cân bằng không gian giữa đặc- rỗng, âm- dương, mềm -cứng. Phần cứng là các khu vực xây dựng và phần mềm là các không gian mở. Các không gian mở thường trực trong cấu trúc xốp chính là sự hỗ trợ tốt nhất cho dạng phát triển phi cấu trúc này. (4)

Thực tế cho thấy một số làng xã đô thị hóa còn giữ lại được các không gian mở như đình, chùa, ao làng, đài liêt sỹ...đã trở thành những không gian mở lý tưởng và góp phần nâng cao chất lượng sống của khu vực. Những không gian mở này do lịch sử để lại được phân bố đều theo từng thôn từ 500- 1000m và có hiệu quả sử dụng rất cao, đó là nơi thờ cúng, giao tiếp cộng đồng, sinh hoạt văn hóa và cả một cảnh quan đặc sắc.

Từ thực tiễn của các làng xã đô thị hóa và các khu tập thể cho thấy  không phải một đô thị có diện tích cây xanh, sân chơi trên đầu người bao nhiêu là quan trọng mà quan trọng là chỉ số nó được phân bố như thế nào. Nếu diện tích của 100ha cho cây xanh được chia thành 20 miếng 5 ha phân bố đều thì hệ thống đó thực sự có hiệu quả hơn là chỉ có 1 công viên 100 ha cho cả khu vực.

Nếu như được các khoảng mở kề cận hỗ trợ thì mô hình trung tâm dịch vụ phân tán vẫn hoạt động tốt với việc bố trí giao thông tĩnh bằng giải pháp không gian xanh kết hợp bãi đỗ xe ngầm. Các bãi đỗ có thể lùi sâu hơn miễn là có một lối vào và khoảng cách 5-10 phút đi bộ. 

Với các khu đô thị mới, sự mở và nhu cầu tiếp cận vùng biên quan trọng hơn là sự hướng tâm của từng khu đô thị. Trong khi các dịch vụ hướng ra vùng biên thì bên trong rất cần các khoảng mở trong tư thế dự trữ để đảm bảo môi trường và cũng là không gian để hỗ trợ hạ tầng cho các phát triên của các công trình dịch vụ vùng biên.

Khoảng mềm luôn được duy trì bên cạnh khoảng cứng là nguyên lý không gian của cấu trúc “xốp”. Các khoảng đệm tạo nên không gian cho các mối tương tác, giảm xung đột giữa các thành phần, tạo khoảng mở giữa chúng để chúng có thể hòa trộn và thích ứng.



 
Hình vẽ: Cấu trúc tầng bậc trong đồ án thực tế đã biến thành cấu trúc mạng, phi tầng bậc và cần các khoảng mềm (không gian mở) để tạo sự cân bằng trong chức năng hoạt động và chất lượng môi trường : Cấu trúc lý thuyết - tầng bậc (trái) / Cấu trúc xốp – phi tầng bậc (phải)

Khoảng mềm là cây xanh, là ao hồ, mặt nước, là các khu sân chơi, sinh hoạt cộng đồng… với ý nghĩa công cộng tuyệt đối. Chúng cần được đặt ở các vị trí kề giữa các khu vực chức năng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động chính và liên kết không gian. Sự liên kết rất tốt giữa khu Đô thị mới Linh Đàm và làng Đại Từ (Hà Nội) kế cận chính là thông qua tuyến đường ven làng cạnh hệ thống ao hồ và chợ. Qua đây cũng cho thấy việc lấp ao hồ của Hà Nội thời gian qua là hết sức đáng tiếc. Lẽ ra nó đã được sử dụng để tạo một môi trường và cấu trúc cân bằng tốt hơn cho đô thị.

Tương quan khoảng mềm và khoảng cứng thay đổi từ khu vực trung tâm ra đến ngoại ô. Khu vực trung tâm là tương quan giữa các tuyến phố với các công viên, vườn hoa, ao hồ. Tương quan vùng giáp ranh nội đô là khu vực làng xã, nhà vườn với đất nông nghiệp, các đô thị sinh thái, tương quan vòng ngoài là các đô thị vệ tinh và các công viên rừng, khu nghỉ cuối tuần…(5)

Tính hỗn hợp cũng khác biệt trong từng khu vực, khu vực lõi trung tâm tính chất chủ đạo là thương mại, văn phòng, yêu tố phụ là  ở, khu vực vùng ven tính chất cơ bản là đất nông nghiệp, công viên sinh thái, nghỉ dưỡng, tính chất đô thị sinh thái, nhà vườn là  thứ yếu.

Hình vẽ bên: Tương quan khoảng mềm và cứng thay đổi từ khu vực trung tâm ra ngoại ô 

Giao thông trong đô thị “xốp” 

Nhược điểm cấu trúc đô thị lớn hiện nay là sự gượng ép giữa hệ thống giao thông liên kết kiểu cứng, tầng bậc với thực thể cấu trúc chức năng lại ở dạng xốp, phi tầng bậc.

Cấu trúc "xốp" cần một hệ thống giao thông dạng mạng, thiên về liên kết đa chiều hơn là bị định dạng theo một số khung, tuyến kiểu vành đai và hình tia nhất định. Trong khi giao thông của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi vào giải quyết xây dựng các khung, trục chính, có phần coi nhẹ liên kết nội bộ và  các điểm kết nối thì việc mở rộng các tuyến đường trục (rất tốn kém) càng khuyến khích sự gia tăng vào các trục chính và làm cho các trục chính, đường vành đai trở nên các tuyến đường thường xuyên bị áp lực giao thông tắc ngẽn, không thể mở rộng kịp.

Tuyến vành đai xuyên suốt đô thị nên sử dụng đúng vai trò đường chạy nhanh của đô thị, tránh tiếp cận trực tiếp các chức năng sử dụng 2 bên và chỉ kết nối với mạng đường đô thị ở các điểm đầu, cuối của tuyến và tới các khu công nghiệp vùng ven đô. Các tuyến đường trên cao xuyên qua khu vực không cần bám theo đường chính mà theo các không gian mở. Thực tế đã thấy những công trình như bến xe khách Mỹ Đình, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghi Quốc gia đặt cạnh đường vành đai 3 Hà Nội là sự cản trở rất lớn đến sự lưu thông của tuyến đường chính này.

Giao thông công cộng:

Cũng tương tự là hệ thống giao thông công cộng phải được hình thành đúng với tính chất “xốp” của đô thị. Đặc điểm của cấu trúc ‘xốp” chính là sự liên kết mạng và đa chiều. Điều này dẫn tới phương tiện giao thông cá nhân chưa thể giảm trong thời gian tới vì các khu mật độ cao giao thông công cộng (GTCC) khó hoạt động. Một hệ thống GTCC thống nhất sẽ khó khả thi vì tính tiếp cận kém.

Đặc điểm của đô thị Hà Nội cho thấy cần tồn tại 2 hệ thống giao thông công cộng: Hệ thống nhỏ như các xe cỡ 5-12 chỗ và hệ thống thông thường. Chúng kết nối với nhau tại vùng đệm. Những hệ thống nhỏ có thể dùng các phương tiện tiết kiệm năng lượng như  điện, xăng sinh học để giảm giá thành. Và đây cũng có thể huy động các cá nhân và xã hội hóa dịch vụ giao thông công cộng trong phạm vi khu vực nhất định .

Các tuyến đường sắt trên cao sẽ đóng vai trò tích cực quan trọng bởi chúng không nhất thiết phải song hành với giao thông chính trong các khu vực tập trung và nó đảm bảo được tính chất kết nối giữa các điểm quan trọng của đô thị, duy trì được tốc độ dòng vận chuyển mà không bị tác động của các giao cắt.

Hình thái kiến trúc của đô thị "xốp" 

Không thể có một hình thái trật tự như các nước đã phát triển, kiểu như là tập trung cao tầng ở trung tâm và thấp dần ra ngoại ô. Đô thị "xốp" châp nhận sự đa dạng hình thái ở mọi khu vực cũng như không có tính đồng nhất, độ mịn trong một phạm vi lớn. Thực tế hình thái đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang chấp nhận một hình thái này.

Sự trật tự chỉ có thể tạo ra từ độ đặc – rỗng trên toàn cảnh. Các không gian mở chính là yếu tố định dạng hình thái tổng thể. Bù lại các không gian mở trên các tầm nhìn thông thường khi đi bộ, ô tô…mới là yếu tố đạt hiệu quả thẩm mỹ không gian tốt. Đô thị cũng không nên quá chú trọng các điểm nhấn, nút hoành tráng. Sự phân tán của không gian theo mô hình xốp đặt các công trình điểm nhấn ở vị trí tương đối nhỏ hơn nhưng nó lại có cơ hội để tiếp cận với cộng đồng hơn.

Dùng yếu tố thiên nhiên, yếu tố mềm để dịnh dạng không gian toàn đô thị mới là triết lý phát triển và kiểm soát hình thái không gian phù hợp cho đô thị trong bối cảnh hiện nay.

 Kết luận:

Mô hình kinh tế, đặc điểm văn hoá, xã hội, bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ cao... tác động đến các nước đang phát triển, tới các đô thị lớn, chi phối cấu trúc quy hoạch và các dạng phát triển đô thị . Cấu trúc đô thị ‘xốp” đã manh nha hình thành trên thực tế của Hà Nội như một sự ứng xử có tính thích nghi cho các đô thị châu Á có tính chất tương tự. Đây không phải là lý luận về một mô hình lý thuyết  mà là sự nhận diện đô thị trên một quan điểm động. Từ việc nhận diện những mô hình, xu thế hình thành khách quan này có thể điều tiết lại các chính sách phát triên cũng như các phương án quy hoạch phù hợp.

PGS.TS Phạm Hùng Cường  

Trường Đại học Xây dựng  

Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Hùng Cường. Đô thị hoá với những tác động của công nghệ cao và toàn cầu hoá. Tạp chí Quy hoạch xây dựng. Số 26 (2). Tr 39-41. Năm 2007
2. Phạm Hùng Cường. Những vấn đề về sự chuyển biến cấu trúc khu ở trong các làng xã vùng ven Hà Nội. Tạp chí Kiến trúc. Số 1. Tr.38-39. Năm 2000.
3. Phạm Hùng Cường. Thành phố phi cấu trúc. Tạp chí kiến trúc Việt Nam. Số 2. Tr 30-34. Năm 2007.
4. Phạm Hùng Cường. Đơn vị cộng đồng và việc áp dụng mô hình cấu trúc: Đơn vị ở có ranh giới là không gian mở. Tạp chí Kiến trúc. Số 2. Tra 38-40. Năm 2000.
5. Vũ Thị Hồng. Xây dựng mô hình phát triển cho làng xã truyền thống trong khu vực hành lang xanh theo quy hoạch thành phố Hà Nội mở rộng 2030 tầm nhìn 2050. Luận văn thạc sỹ ĐHXD. 2011 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.