Doanh nghiệp đẩy mạnh tái chế sau sản xuất
MTXD - Nền kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh mà nước ta đang hướng tới, phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất được xem là nguồn tài nguyên tái tạo.
Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt nhận thức được ưu điểm của nguyên tắc tuần hoàn này và đang đầu tư mạnh cho tái chế chất thải trong sản xuất, giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, giảm chi phí xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Dây chuyền tái chế xỉ hạt lò cao của Tập đoàn Hòa Phát
Thêm vòng đời cho chất thải
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho biết, việc sản xuất hàng triệu tấn thép ở nhà máy của đơn vị tại Dung Quất đã sản sinh ra một lượng nhiệt rất lớn. Không để lãng phí nguồn năng lượng, Hòa Phát đã đầu tư chuyển hóa lượng nhiệt dư khổng lồ này thành đầu vào để sản xuất điện với nhà máy có công suất lên tới 240MW. Từ việc làm này, Hòa Phát đã tự chủ được tới 80% lượng điện cần thiết cho sản xuất thép và chỉ cần mua 20% nhu cầu còn lại của ngành điện. Bên cạnh đó, công ty còn đẩy mạnh tái chế xỉ hạt lò cao thành vật liệu xây dựng. Xỉ hạt lò cao nghiền mịn là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gang thép theo công nghệ lò cao khép kín. Nhờ được làm lạnh cực nhanh bằng nước áp lực cao, xỉ hạt lò cao là một loại phụ gia khoáng hoạt tính rất tốt cho xi măng, bê tông và đã được sử dụng từ rất lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sản xuất được sản phẩm xỉ hạt lò cao không những giúp Hòa Phát bảo vệ môi trường mà còn tạo thêm nguồn thu ổn định cho đơn vị.
Tương tự, ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc Công ty TNHH La Vie, cho biết, hiện gần như toàn bộ bao bì sản phẩm của La Vie có thể tái chế được 100%. Không chỉ có thế, đầu năm 2021, La Vie đã sử dụng chai đựng nước làm từ nhựa tái sinh (rPET) đạt tiêu chuẩn an toàn với thực phẩm. Đại diện đơn vị này còn khẳng định, luôn khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất rPET và sẵn lòng mua sản phẩm đạt chuẩn để làm bao bì sản phẩm cho doanh nghiệp mình. Trước đó, từ năm 2019, La Vie và Nestlé Việt Nam đã chung tay với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bao bì, sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Theo Bộ TN-MT, các doanh nghiệp có thể tự thu gom tái chế, thuê, hoặc ủy quyền cho đơn vị trung gian tái chế chất thải. Trường hợp nhà sản xuất không tự tổ chức tái chế chất thải, sẽ phải đóng góp một phần kinh phí vào quỹ bảo vệ môi trường. Nếu thực hiện đúng, đầy đủ và đáp ứng theo yêu cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể bảo đảm sự tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải đầu ra trong các hoạt động sản xuất.
Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp thực hiện tái chế chất thải trong quá trình sản xuất, nhưng theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đã có sự thay đổi trong tư duy về quản lý chất thải ở không ít doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã coi chất thải là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào cho một quy trình sản xuất mới. Trong nông nghiệp, xơ dừa, rơm, vỏ trấu... thải ra từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đã trở thành nguyên liệu để làm nấm rơm, thảm… Trong công nghiệp, rất nhiều bao bì sản phẩm làm từ giấy, gỗ… đã được thu gom, tái chế, tạo thêm vòng đời cho chất thải.
Tái chế rác thải nhựa thành lọ đựng đồ
Việt Nam nằm trong số 20 nước có lượng rác thải lớn nhất thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa ra môi trường, ước tính lên tới khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Thế nhưng, nước ta lại là nước nhập phế liệu nhựa đứng thứ 2 trên thế giới.
Không chỉ nhựa, mỗi năm, Việt Nam còn nhập khẩu trung bình khoảng 10 triệu tấn phế liệu các loại. Cao điểm năm 2019, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 18 triệu tấn phế liệu gồm sắt, thép, giấy, nhựa… Điều này đã đẩy nước ta đến một nghịch lý là phải nhập khẩu phế liệu về để tái chế, tái sử dụng, nhưng trong nước lại bỏ đi nguồn nguyên liệu dồi dào có thể tái chế từ rác thải, thêm vào đó là rất nhiều chi phí khác để xử lý số rác thải này.
Khắc phục bất cập trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 đã đưa ra quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu mở rộng (EPR) tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm. Có nghĩa là nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải theo đúng tỷ lệ, quy cách bắt buộc. Quy định này là giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tái chế trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu phế liệu, từ đó giảm rác thải nhựa ra môi trường.
Đồng thuận với quy định này, nhưng ông Fausto Tazzi góp ý thêm, để có một cơ chế EPR thực sự hiệu quả, cần xây dựng được chuỗi logistics cho bao bì sau sử dụng với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, đơn vị thu gom rác thải và doanh nghiệp tái chế. Một khi chuỗi này được kiểm soát tốt, sẽ đảm bảo chất lượng rác thải, từ đó bao bì sau sử dụng mới có thể trở thành nguyên liệu có giá trị cao, tiếp tục quay trở lại vòng sản xuất, thay vì thải ra môi trường. Cơ quan chức năng cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các bên liên quan trong mô hình EPR và đấy là những điều kiện cần thiết để hệ thống EPR có thể hoạt động tốt.
Dưới góc độ là đơn vị quản lý, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) đánh giá, EPR là chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Cách tiếp cận này có hiệu quả trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính, hoặc một phần trách nhiệm quản lý chất thải rắn từ chính quyền địa phương sang cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Sự tham gia của các doanh nghiệp dù chưa đông đảo, nhưng với một số đơn vị tiên phong đã cho thấy mọi thứ đang thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.
Theo MINH HẢI- Báo SGGPO
Các tin khác
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường
MTXD - Nhóm bạn trẻ đã sử dụng các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu tạo dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường.
Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép
Hiện nay, tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động rầm rộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường,
Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’
MTXD - Với mong muốn góp phần giúp đỡ các gia đình có con nhỏ giảm nhẹ gánh nặng chi phí tiêm chủng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng hạn cho người dân tại Việt Nam, Tiêm chủng Long Châu cho ra mắt dịch vụ “Mua trọn gói - Trả từng phần” với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum mới ban hành Kết luận thanh tra về việc, giao đất cho Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng ( Nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 26/51994 của UBND tỉnh.