Đổi mới đào tạo kiến trúc đáp ứng giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0

MTXD - Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những yêu cầu phát triển mới, những phát minh mới về khoa học công nghệ. Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội về kinh tế, văn hóa, thói quen, nhu cầu của con người hiện tại và tương lai tác động tới không gian kiến trúc, đòi hỏi kiến trúc phải tiện nghi hơn, hiện đại hơn và ít gây tác hại tới môi trường.

MTXD - Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những yêu cầu phát triển mới, những phát minh mới về khoa học công nghệ. Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội về kinh tế, văn hóa, thói quen, nhu cầu của con người hiện tại và tương lai tác động tới không gian kiến trúc, đòi hỏi kiến trúc phải tiện nghi hơn, hiện đại hơn và ít gây tác hại tới môi trường.  Phát triển như vũ bão của kỷ nguyên công nghệ số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo … ngày càng tác động mạnh mẽ tới sáng tác kiến trúc. Trong bối cảnh đó, việc nhìn nhận, đánh giá về công tác đào tạo để định hướng những đổi mới, phát triển nguồn lực kiến trúc sư trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại các trường đại học đào tạo kiến trúc ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết.

1. Tổng quan về đào tạo Kiến trúc sư (Kts) tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến 9.2023, Việt Nam có 37 cơ sở đại học đào tạo ngành Kiến trúc, Nội thất và Cảnh quan với số lượng tuyển sinh khoảng 3.800-3.850 sinh viên mỗi năm.

Đào tạo kiến trúc tại Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các trường đại học kiến trúc tại Việt Nam đã chú trọng đến việc đào tạo kiến trúc sư có kiến thức, kỹ năng và tư duy toàn cầu.

Nhìn chung, tại các trường đại học của Việt Nam hiện nay, cả công lập và dân lập đang thực hiện đào tạo theo khung thời gian 5 năm, ra trường cấp bằng Kiến trúc sư (tương đương với trình độ đại học bậc 6 trong khung trình độ quốc gia Việt Nam).

Riêng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có thêm mô hình đào tạo theo 2 giai đoạn: Bậc cử nhân kiến trúc (4 năm) và Bậc KTS (học thêm 1,5-2 năm) tương ứng với trình độ bậc 6 (đại học) và bậc 7 (thạc sỹ) trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. 

Sau khi được cấp bằng đại học ngành kiến trúc, cần có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân và đạt yêu cầu sát hạch thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Quy định cấp chứng chỉ được nêu rõ trong luật Kiến trúc và luật Xây dựng hiện hành.

Qua khảo sát các trường có đào tạo chuyên ngành về kiến trúc, hầu hết hệ thống các học phần được phân bố theo các nhóm, gồm:

  • Nhóm kiến thức giáo dục đại cương: Cung cấp cho sinh viên các kiến thức đại cương với các môn Ngoại ngữ, Tin học, Tư tưởng chính trị xã hội, Pháp luật, …
  • Nhóm Kiến thức cơ sở ngành: Cơ sở kiến trúc, Cơ sở tạo hình, Hình hoạ, Lý thuyết sáng tác kiến trúc, Lịch sử kiến trúc, Vật lý kiến trúc…
  • Nhóm Kiến thức chuyên ngành: Cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành đào tạo đáp ứng hoạt động nghề nghiệp gồm những học phần về Nguyên lý thiết kế kiến trúc cho Nhà ở, Công trình công cộng, Công trình công nghiệp và học phần Đồ án Kiến trúc.
  • Thực tập và đồ án tốt nghiệp.

Chương trình và hệ thống giáo trình giảng dạy về cơ bản mang các nội dung thuộc về bản chất và nguyên lý, có tính dẫn hướng cho sinh viên. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các đồ án chuyên ngành, SV còn được biết đến các hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, … cho từng lĩnh vực chuyên ngành và công trình kiến trúc.

Như vậy, trong mối tương quan so sánh với các nước phát triển trên thế giới thì các chương trình đào tạo kiến trúc tại Việt Nam tập trung nhiều vào khối kiến thức cơ sở ngành. Khối lượng kiến thức giáo dục đại cương các kiến thức về văn hóa, xã hội và con người - cơ sở quan trọng để hình thành các thiết kế kiến trúc phù hợp với địa điểm xây dựng bị thiếu hụt.

Trong giảng dạy của các nước trên thế giới, chương trình đào tạo được cập nhật tương đối nhanh các xu thế phát triển của thế giới. Việt Nam cũng đang mong muốn hướng tới các mô hình về công trình và đô thị thông minh, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng… đồng hành với việc gìn giữ, bảo tồn các sắc thái văn hóa của quốc gia, vùng miền, địa phương nhưng các nội dung này đang ít được cập nhật trong các giáo trình, ít tính liên kết giữa lý thuyết và thực hành

Với nguồn nhân lực đào tạo hiện nay, nhìn chung, lực lượng giáo viên thường chú trọng tới các phần lý thuyết, nguyên lý; đa phần chưa có điều kiện hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ về lĩnh vực kiến trúc nên kinh nghiệm thực tiễn ít. Giáo trình giảng dạy ở các bộ môn, chuyên ngành khác nhau chưa có điều kiện tích hợp chung trong những lĩnh vực có tính tổng hợp, nhất là các đồ án công trình kiến trúc cho sinh viên. Sự phối hợp trong đào tạo giữa trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hội nghề nghiệp và Doanh nghiệp chưa nhiều nên ảnh hưởng một phần tới tính cập nhật thực tế, tính linh hoạt và sáng tạo…

2. Nhận diện một số yêu cầu trong đào tạo kiến trúc giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0

2.1- Thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh toàn cầu hóa đang chi phối mạnh mẽ sự phát triển của thế giới và làm thay đổi sâu sắc quan điểm phát triển kiến trúc. Với các ứng dụng về mô phỏng thiết kế 3D, thực tế ảo VR (Virtual reality), thực tế ảo tăng cường AR (Augmented reality), thiết tham số, trí tuệ nhân tạo, in 3D,... là một số công cụ mới có thể làm thay đổi suy nghĩ của kiến trúc sư khi thiết kế và xây dựng các thành phố của tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc kiến trúc sư chấp nhận và áp dụng các công nghệ mới vào thiết kế là một xu thế tất yếu. Ngoài ra, các vật liệu xây dựng mới, công nghệ xây dựng mới, mật độ đô thị, dữ liệu lớn (Big Data) và hành vi của con người cũng có tác động đến định hướng phát triển kiến trúc tương lai. Điều này sẽ đưa ra các thiết kế thông minh hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của con người. 

Một trong những thách thức lớn nhất là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Các công nghệ mới ra đời ngày càng nhiều, và các kiến trúc sư cần phải cập nhật kiến thức, kỹ năng của mình để có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, công nghệ mới cũng dẫn đến sự thay đổi trong cách thức làm việc của các kiến trúc sư, giúp tự động hóa các công việc thủ công, hỗ trợ thiết kế nhanh hơn. Do vậy ngay từ khi trên giảng đường, sinh viên Kiến trúc cũng cần được trang bị những kỹ năng cơ bản này để có thể thích ứng một cách chủ động với công nghệ.

2.2- Thách thức về kiến trúc với đáp ứng của biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, với những ảnh hưởng tiêu cực như hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng, mực nước biển trung bình tiếp tục dâng cao, thiên tai bão lụt thất thường xảy ra thường xuyên là mối nguy cơ hiện hữu đang đe doạ môi trường sống của con người trên trái đất. Trong khi đó, sự phát triển của kiến trúc chỉ biết khai thác thiên nhiên và môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triên bền vững. Từ đó tạo ra các xu hướng kiến trúc mới như đô thị xanh, sinh thái, đô thị thông mình, kiến trúc xanh … nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại sự cân bằng giữa môi trường thiên nhiên và con người. Hay nói một cách khác, kiến trúc phải thân thiện với môi trường tự nhiên, không làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của môi trường sống trên trái đất. 

2.3- Thách thức về tính bản địa và hội nhập trong kiến trúc

Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế nhanh chóng đưa đến thành công về kinh tế, nhưng cũng tạo ra nguy cơ làm mất đi những giá trị văn hoá địa phương truyền thống, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Giữa văn hoá với kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ, nhân quả. Những kết quả nghiên cứu về văn hoá sẽ giúp các KTS lựa chọn và thể hiện các yếu tố đặc trưng bằng ngôn ngữ tạo hình sao cho không gian thiết kế có giá trị thời đại và dân tộc.

Một khía cạnh khác, khi thị trường mở rộng không còn biên giới quốc gia, các nước phát triển đặc biệt chú trọng ngay từ khâu đào tạo sinh viên của nước họ về văn hoá của nước khác, nhất là các nước đang phát triển. Mục đích nhằm hướng vào khả năng khai thác, chiếm lĩnh thị trường mới còn rất tiềm tàng này.

Qua đó cho thấy tầm quan trọng và lợi thế của đào tạo KTS dựa trên nền tảng cơ sở văn hóa Việt Nam, giúp chúng ta trước mắt chủ động và thành công trong hội nhập tại chỗ, đồng thời từng bước mở rộng thị trường hội nhập kiến trúc ra bên ngoài.

2.4- Thách thức về sự thay đổi nhóm thế hệ người học

Trong giáo dục đại học, chúng ta cần thay đổi mục tiêu đào tạo, không chỉ cung cấp kiến thức cho sinh viên mà cần xác định người học là trung tâm và đáp ứng nhu cầu người học. Trong các tiêu chí đó cần xem xét người học như khách hàng, và chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm của nhóm thế hệ khách hàng.

Khái niệm nhóm thế hệ đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, mỗi nhóm được xác định theo khoảng thời gian mà họ sinh ra. Khác với thế hệ X (1961-1981) và thế hệ Y (1981-1995) chỉ được tiếp cận với kiến thức qua sách vở, thế hệ sinh viên hiện tại (đang ở giai đoạn Gen Z (1996 – 2010) được "tạo hóa" ưu ái cho sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ, hằng ngày được tiếp xúc với internet, tiếp xúc với những nền văn hóa, kiến thức tiên tiến trên thế giới. Nó hình thành nên những đặc điểm của sinh viên thời công nghệ như: Khả năng tự học cao, xác định rõ mục tiêu, có khả năng làm việc đa nhiệm tốt hơn, tạo ra xu hướng mới, tạo ra những ngành nghề mới.

Thế hệ Z được tiếp cận với rất nhiều thông tin từ khi còn bé, điều này làm cách thức học hỏi của họ hoàn toàn khác biệt. Thế hệ Z, … được học tập trực quan thông qua các video hướng dẫn, ứng dụng thực hành như tiến hành thí nghiệm, làm dự án thực tế, thậm chí là sử dụng thực tế ảo nếu điều kiện cho phép. Nhiều ứng dụng học tập được phát triển mạnh trên điện thoại khiến việc học, thu nhận kiến thức không chỉ đơn thuần dừng lại ở các trang giấy trên sách giáo khoa. Do vậy việc học tập chủ động, linh hoạt và đa dạng hình thức hơn thay vì chỉ học hỏi từ bố mẹ hay giáo viên.

Phương thức giáo dục ít cập nhật thường xuyên sẽ không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin từng ngày, từng giờ của thế hệ Z. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính kết nối Internet, mọi người đều có thể truy cập những trang học trực tuyến.

Cũng nhờ có sự phát triển của công nghệ, kiến trúc sư, sinh viên kiến trúc có thể học hỏi và phát mình những công nghệ kiến trúc mới như Kiến trúc tham số parametric, kiến trúc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kiến trúc thuật toán…

Bằng cách này hay cách khác, Gen Z đang dần dần thay đổi ngôi trường đại học của mình theo cách họ muốn. Với sự phát triển của mạng xã hội, Gen Z có đầy đủ thông tin và để so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc sử dụng "dịch vụ" học đại học và ngành học. Vì thế, mỗi trường đại học, chương trình đào tạo ngành Kiến trúc phải thay đổi không chỉ nội dung mà cả cách thức giảng dạy để mang lại sự hấp dẫn và hứng thú cho sinh viên, đáp ứng mô hình “Đại học gen Z”

3.  Đổi mới đào tạo Kiến trúc đáp ứng giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0

Trước đòi hỏi của thị trường và nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng đào tạo kiến trúc giai đoạn 4.0, trên góc nhìn của tác giả với các thông tin tham khảo, các cơ sở đào tạo xem xét một số cải tiến như sau:

  1.  Xây dựng triết lý đào tạo kiến trúc riêng:

Hình thành triết lý đào tạo kiến trúc riêng của cơ sở đào tạo, thể hiện rõ vai trò, vị thế, chiến lược phát triển của trường và nhân lực do mình đào tạo trong bối cảnh xã hội mới. Đây là cơ sở để các trường kiến trúc xây dựng hướng đi riêng cho mình.

 (2)  Đổi mới chương trình đào tạo kiến trúc sư.

  • Sự linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo là một trong những cách thức có thể nâng cao chất lượng đào tạo. Chẳng hạn, các môn học bắt buộc nên giảm bớt, đồng thời các môn học tự chọn nên được tăng lên, đa dạng và liên tục cập nhật theo nhu cầu của xã hội.
  • Cần xây dựng các môn học chuyên ngành mang tính nguyên lý thiết kế, tích hợp với các xu thế mới. Bổ sung hoặc lồng ghép vào các môn học đang có như Vật lý kiến trúc, kết cấu, đồ án…những kiến thức mới về công nghệ, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, về các vật liệu xanh, kiến trúc xanh, đô thị xanh, các xu hướng sáng tác kiến trúc mới… Từng bước cập nhật các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Việt Nam và thế giới về công trình xanh như: LOTUS (Việt Nam), LEED (Mỹ), EDGE (IFC – Ngân hàng Thế giới).
  • Xây dựng lại các giáo trình cấu tạo kiến trúc ứng với các công nghệ và kỹ thuật mới, vật liệu mới, tổ hợp cho các cấu kiện, vật liệu có tính chất bao che, vật liệu tái chế thân thiện với môi trường.
  • Bổ sung các giáo trình về Lịch sử kiến trúc, Di sản Kiến trúc … các yếu tố truyền thống, bản sắc, văn hóa bản địa có yếu tố vùng miền, văn hóa vật thể và phi vật thể được cô đọng thành bản sắc, cần phải được làm rõ về hình thức biểu hiện, phong cách và nghệ thuật, chi tiết cấu tạo, liên kết, có thể áp dụng, vận dụng, khai thác phát huy vào đâu? Ở vị trí nào trong công trình, tác phẩm kiến trúc, chi tiết kiến trúc.
  • Đồ án Kiến trúc cần cải tiến nội dung, đề tài, quy mô, phương pháp dạy để mang lại nhiều lợi ích cho người học và cơ sở đào tạo, gắn với nhu cầu của người tuyển dụng lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và yêu cầu thực tế của xã hội. Có thể áp dụng từng bước cải tiến quy trình giảng dạy đồ án qua cách thức tiếp cận CDIO (CDIO là một đề xướng khuôn khổ giáo dục trong các trường đại học khối các ngành kỹ thuật trên toàn thế giới. Tên gọi CDIO là cụm chữ viết tắt của cụm từ Tiếng Anhː Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành. Đây là một quy trình khoa học để sản xuất sản phẩm kỹ thuật được Viện Công nghệ Massachusetts khởi xướng và áp dụng) để phát triển tư duy thiết kế, phản biện, giúp người học có khả năng phát hiện và đề xuất các giải pháp trên cơ sở những yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội
  • Cần tăng cường giảng dạy đồ án thông qua mô hình trực quan thực tế để giúp SV hiểu kỹ về không gian chức năng, mối liên hệ của công trình với bối cảnh xung quanh, vị trí làm việc của các trang thiết bị, từ đó linh hoạt trong tổ chức sắp xếp, lên phương án cho quá trình thiết kế đồ án môn học.
  1.  Nâng cao chất lượng giảng viên
  • Các cơ sở đào tạo phải đặc biệt chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng như xây dựng thương hiệu đào tạo của mình. Thương hiệu đào tạo bao giờ cũng thông qua đặc trưng của sản phẩm là kiến trúc sư mà trường đào tạo. Thương hiệu tốt là cách tốt nhất để hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu vào hàng năm.
  • Cần phát huy và tăng cường cho đội ngũ giáo viên hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc để cập nhật thực tế và bổ sung lại cho lý thuyết của phần giáo trình giảng dạy.
  • Trong trường đào tạo có thể hình thành các trung tâm nghiên cứu, xưởng, phòng Lab có kết hợp với các doanh nghiệp, công ty tư vấn để có thể trau dồi các công nghệ đang thịnh hành. Giảng viên thông qua đó có thể tạo ra sản phẩm ứng dụng, giải pháp thiết kế và thu nhập.

 (4) Hội nhập và hợp tác đào tạo KTS

  • Hợp tác quốc tế trong đào tạo là vấn đề không mới, nhưng hiện nay đã và sẽ xuất hiện nhiều phương thức hợp tác mới, mang lại nhiều kết quả khả quan trong đào tạo. Sau giai đoạn ảnh hưởng của Covid 19, các hình thức hợp tác quốc tế online mang lại những kết quả tích cực về chuyên môn, hiệu quả về kinh tế, rút ngắn được thời gian và không gian. Đây là một phương thức mà các trường tại Việt Nam có thể xem xét kết nối với mạng lưới các trường đào tạo kiến trúc trên thế giới qua hình thức trực tuyến, cấp chứng chỉ quốc tế.
  • Hợp tác với với các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế có mặt ở Việt Nam là hướng mà các cơ sở đào tạo cần quan tâm để có điều kiện cho sinh viên thực tập, tạo dựng cho SV kỹ năng nghề thông qua học thực tế, thực nghiệm, hướng tới độc lập trong sáng tác, sáng tạo. Hơn nữa đây là điều kiện tốt nhất để sản phẩm đào tạo đáp ứng nhanh nhất yêu cầu của thị trường.
  • Có thể mời thêm các “chuyên gia thực tế” tại các văn phòng tư vấn kiến trúc lên lớp chuyên đề, hướng dẫn ứng với từng loại đồ án. Chuyên gia sẽ chia sẻ thể loại công trình, kinh nghiệm thực tế đã triển khai… qua đó hỗ trợ cho việc lên nhiệm vụ thiết kế đồ án.

 (5) Mô hình “ đại học gen Z” lấy người học làm trung tâm, đáp ứng phù hợp khách hàng là nhóm thế hệ sinh viên thời công nghệ số

  • Không tự giới hạn mình trong bốn bức tường phòng học, không đo đếm thành công bằng điểm số, thế hệ Z nhìn cuộc sống đa dạng hơn rất nhiều. "Đại học Gen Z" chính vì thế là một thế giới mở, đem đến cho sinh viên cơ hội trải nghiệm cuộc sống trên nhiều phương diện hơn, từ việc học hành theo nhiều phương pháp mới mẻ, tham gia các dự án thiện nguyện cộng đồng, các hoạt động năng khiếu biểu diễn... để "khai phá" tiềm năng của bản thân.
  • Trường học cần phải thay đổi để đem lại các giá trị mới cho sinh viên. Các sv hiện nay có thể tiếp nhận kiến thức mọi lúc mọi nơi ngoài trường học. Việc truyền dạy nên theo phương thức gợi mở để sinh viên phát huy tối đa khả năng khám phá, khai thác thông tin. Do vậy cần thay đổi combo giảng đường - giáo trình - nghe và ghi truyền thống, trường đại học thế hệ mới hướng tới đào tạo những sinh viên năng động, không ngừng trải nghiệm để hoàn thiện bản thân mình, trước hết là về mặt chuyên môn. Trường học cần phải cho sinh viên chạm vào công nghệ và ứng dụng công nghệ càng sớm càng tốt. Đồng thời cung cấp một hệ sinh thái, kiến tạo không gian trải nghiệm nghề nghiệp để sinh viên tương tác, kết nối giữa học sinh, giáo viên và các đối tác bên ngoài như doanh nghiệp, viện nghiên cứu,…
  • Mặt khác, do tính đặc thù của đào tạo KTS là sáng tạo nghệ thuật, nên việc tạo môi trường cho hoạt động sáng tạo, nuôi dưỡng niềm đam mê nghề nghiệp của SV là không thể thiếu trong các cơ sở đào tạo. Các hình thức tham quan nghiên cứu, trải nghiệm thực tế, giao tiếp và làm việc nhóm hay tổ chức các cuộc thi trong SV các trường,… là việc làm có ý nghĩa thiết thực để nâng cao chất lượng và khẳng định bản sắc, thương hiệu đào tạo KTS của mỗi trường.

4. Kết luận

Như vậy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và tác động mạnh mẽ tới ngành Kiến trúc. Là một ngành vừa mang yếu tố kỹ thuật, vừa mang yếu tố nghệ thuật và có sự kết hợp nhiều bộ môn để cho ra một công trình nên việc đổi mới đào tạo, phù hợp với yêu cầu của thực tại và tương lai sẽ có nhiều thách thức. Tuy vậy đây là một yêu cầu cần thiết để kiến trúc nước nhà có thể chủ động với hội nhập và thích ứng với công nghệ, tạo dựng sự phát triển bền vững, lâu dài.

Ths.NGUYỄN ĐỨC TOÀN

Khoa Kiến trúc – ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà nội

 

 

Các tin khác

Bảo tồn di sản để phục vụ du lịch: Bài học kinh nghiệm quốc tế
Bảo tồn di sản để phục vụ du lịch: Bài học kinh nghiệm quốc tế

MTXD - Cầu Long Biên với các giá trị đã được xác định và thừa nhận từ rất nhiều nguồn dẫn...

Đã khởi công, triển khai thủ tục 9/29 dự án giao thông lớn liên kết vùng Đông Nam Bộ
Đã khởi công, triển khai thủ tục 9/29 dự án giao thông lớn liên kết vùng Đông Nam Bộ

MTXD - Đến nay, trong số 29 dự án giao thông quan trọng, liên kết vùng Đông Nam Bộ, đã có 4 dự án khởi công, 5 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư và 20 dự án đang được nghiên cứu, trong đó có tuyến Vành đai 4 TPHCM dài khoảng 206 km và dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tổ chức thành 02 tiểu vùng phía Bắc và phía Nam sông Hồng
Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tổ chức thành 02 tiểu vùng phía Bắc và phía Nam sông Hồng

MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày...

Cải tạo đô thị, nhìn từ “chuyện nhỏ xíu”
Cải tạo đô thị, nhìn từ “chuyện nhỏ xíu”

​MTXD - Kể từ đầu tháng 3-2024, du khách đến Nhật Bản có thêm lựa chọn trải nghiệm du lịch đặc biệt: tour tham quan 17 nhà vệ sinh công cộng độc đáo tại phường Shibuya, thủ đô Tokyo.

Thanh Hóa: Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị số 13 Khu kinh tế Nghi Sơn
Thanh Hóa: Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị số 13 Khu kinh tế Nghi Sơn

MTXD - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1759/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị số 13 (DT - 13), Khu kinh tế Nghi Sơn có quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 390 ha.