Duy trì và phát triển không gian kiến trúc truyền thống dân tộc Thái Đen

​MTXD - Trong 54 dân tộc anh em thì dân tộc Thái có bản sắc văn hóa truyền thống rất đậm nét thể hiện qua các phong tục, tập quán, sinh hoạt hàng ngày tại bản làng và trong các ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái. Nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, 3 bản Son – Bá – Mười là nơi sinh sống của dân tộc Thái đen đã và đang phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ).

MTXD - Trong 54 dân tộc anh em thì dân tộc Thái có bản sắc văn hóa truyền thống rất đậm nét thể hiện qua các phong tục, tập quán, sinh hoạt hàng ngày tại bản làng và trong các ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái. Nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, 3 bản Son – Bá – Mười là nơi sinh sống của dân tộc Thái đen đã và đang phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ). Tuy nhiên, do chưa có sự kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền địa phương và các bên liên quan nên các không gian kiến trúc truyền thống của dân tộc Thái đen đang bị mai một và thay đổi.

Vì vậy để duy trì và phát triển không gian kiến trúc truyền thống của dân tộc Thái đen tác giả đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu các biến đổi không gian nhà ở hiện nay, xác định những yếu tố tác động để từ đó đưa ra hướng phát triển không gian kiến trúc thông qua DLCĐ để vừa gìn giữ, duy trì các đặc điểm văn hóa truyền thống lại vừa phát triển được kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc Thái đen tại 3 bản Son – Bá – Mười tại Thanh Hóa.

Tổng mặt bằng không gian 3 bản Son – Bá – Mười

Đặt vấn đề

Son – Bá – Mười hay Cao Sơn, là tên gọi của 3 bản Son, Bá và Mười nằm ở nơi cao nhất của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ba bản nằm trên đỉnh của các dãy núi: Pha Chiến, Pha Hé, Pòng Mứu, Pòng Pa Có,… chạy song song với dãy núi Pù Luông và tọa lạc ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái Đen và nơi đây được coi như là Sapa của Thanh Hóa. Cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ chưa được khai thác nhiều với những cánh đồng đá tự nhiên như những hòn non bộ trang trí cảnh quan bản làng ngoài ra còn có rừng trúc rộng lớn, suối chảy quanh làng.., cùng với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm đã giúp khu vực bản Son – Bá – Mười bắt đầu thu hút khách du lịch nước ngoài và khách du lịch trong nước lên nghỉ ngơi, lưu trú, ăn uống cũng như khám phá cảnh quan nơi đây. Trong 3 bản Son – Bá – Mười thì bản Bá với homestay Cao Sơn – Làng Bá là bắt đầu từ sớm nhất từ năm 2016, còn tại bản Son bắt đầu làm du lịch cũng từ 2020 với 5 homestays, bản Mười hiện nay chưa có homestays chính thức nào hoạt động. Số lượng những gia đình tham gia làm du lịch tại 3 bản còn hạn chế. Ban đầu, các homestays đơn giản là sử dụng những ngôi nhà sàn truyền thống với những không gian và tiện nghi đơn sơ. Tuy nhiên, để phục vụ du khách, người dân đã biến đổi một số không gian chức năng, vật liệu, tổ chức ngôi nhà… Việc biến đổi tùy tiện này dẫn đến những không gian truyền thống đã bị thay đổi tiêu cực, phá vỡ không gian kiến trúc truyền thống của từng hộ gia đình nói riêng cũng như bản làng nói chung. Như vậy, để có thể vừa phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống mà vẫn duy trì được ngôi nhà truyền thống, phát huy được giá trị về không gian kiến trúc thông qua du lịch cộng đồng để góp phần gìn giữ được văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái đen, bài báo đưa ra những yêu cầu chung, đề xuất những giải pháp chỉnh trang qui hoạch bản, làng, tổ chức không gian kiến trúc nhà ở, hình thức kiến trúc và vật liệu xây dựng không chỉ tại 3 bản Son – Bá – Mười, Bá Thước, Thanh Hóa nói riêng mà còn là bài học cho những bản làng người Thái tại khu vực khác có điều kiện tương tự.

Đánh giá thực trạng không gian kiến trúc truyền thống dân tộc Thái đen thông qua du lịch cộng đồng tại 3 bản Son – Bá – Mười, xã Lũng Cao, Thanh Hóa.

Là một trong 3 dân tộc có dân số đông nhất tại tỉnh Thanh Hóa với lịch sử truyền thống lâu đời nên dân tộc Thái đen có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng. Điều này được thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày, phong tục tập quán, ứng xử, trang phục, ẩm thực, văn nghệ… Nhà sàn truyền thống không chỉ mang ý nghĩa là nơi ngủ, nghỉ sinh hoạt mà còn là giá trị vật thể quan trọng chứa đựng các giá trị phi vật thể bên trong và là niềm tự hào mà cha ông đã để lại cho người Thái.

Quy hoạch bản, làng

Quy hoạch bản của dân tộc Thái đen tại 3 bản Son – Bá – Mười hiện nay gần như vẫn giữ theo cấu trúc truyền thống, gồm có đồng ruộng, nhà ở, bãi cỏ chăn nuôi, rừng, khu mộ địa và nguồn nước. Ngoài ra còn bổ sung thêm trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, nhà văn hóa, sân thể thao và trạm y tế. Cả 3 bản có vị trí bám dọc theo trục đường tỉnh DT 432A nối từ Lũng Vân, Hòa Bình sang bên Phố Đoàn, Thanh Hóa. Có 2 hướng tiếp cận vào bản, một lối từ quốc lộ 6 qua Lũng Vân, Hòa Bình, đường xấu, đèo dốc dài, một lối đi từ Phố Đoàn, Thanh Hóa đi lên, đường rất xấu, độ dốc lớn, quanh co và sạt lở nhiều. Nói chung, việc đi lại tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn nếu như trời mưa trơn trượt, đôi lúc có sương mù dày đặc. Đường liên thôn, bản là đường đã được bê tông hóa tuy nhiên nhiều đường vào các hộ gia đình vẫn là những con đường đất nhỏ hẹp, hệ thống cấp thoát nước phụ thuộc nhiều vào hệ thống suối, ao, hồ tự nhiên.

Tổng cộng 3 bản có 193 hộ gia đình, trong đó bản Son có 103 hộ, bản Mười có 64 hộ và bản Bá có 26. Hầu hết tất cả các nhà sàn đều có hướng nhà lưng tựa núi và mặt hướng ra ruộng lúa, con nước. Các cụm nhà sàn từ khoảng 10 đến 20 nóc phân bố rải rác khắp nơi ở bản. Có 2 dạng qui hoạch cụm nhà: Dạng thứ nhất hình vành khăn với những ngôi nhà từ chân và cao dần lên đỉnh đồi; dạng thứ 2 là những cụm nhà bám sát chân đồi.

Khuôn viên nhà ở

Các ngôi nhà được ngăn chia bởi những bụi cây hay hàng rào thấp với những thanh tre cắm đơn giản. Đa phần các nhà đã có cổng, tuy nhiên những chiếc cổng chỉ mang tính hình thức không có tính chất kiên cố. Với một số nhà làm homestay thì cổng được đầu tư thiết kế trang trí cầu kì với tên biển rõ ràng. Trong khuôn viên mỗi gia đình gồm sân trước, sân sau, nhà sàn, nhà bếp, vệ sinh, tắm có nhà có ao nhỏ nuôi cá. Ngay sát lối vào phía trước nhà thường có một chòi nhỏ là nơi để thờ thổ công. Phần sân trước thường rộng rãi và được dùng cho các hoạt động hàng ngày của gia đình, đây cũng là nơi đón tiếp khách và diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống. Sân sau là nơi gia công chế biến thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài những không gian kể trên thì xuất hiện thêm không gian thể thao, không gian đốt lửa trại, nhà vệ sinh, tắm được xây dựng ngay gần nhà sàn để phục vụ du khách. Chuồng trại chăn nuôi được đưa ra xa khu vực nhà sàn.

Khuôn viên Hà Nhớ Homestay

Khuôn viên Hà Nhớ Homestay

Khuôn viên Hà Nhớ Homestay

Không gian mặt bằng nhà ở

Mặt bằng sàn chính của ngôi nhà hiện nay đã được sử dụng làm không gian phục vụ khách du lịch với chức năng chính là ngủ, đồng thời cũng trở thành nơi phục vụ ăn uống hay không gian sinh hoạt tập thể. Trên không gian sàn chính, bàn thờ tổ tiên hay ảnh Bác Hồ vẫn được treo lên cao gắn với mái được thiết kế nhỏ gọn. Một góc của sàn có thể được quây lại thành một không gian kín để làm kho, cất chăn, màn, gối, ga phục vụ du khách. Cũng có nhà thì chỉ cần những chiếc giá gỗ đơn sơ để chăn màn. Đa phần những ngôi nhà đều còn giữ hai thang khi lên sàn nhà chính. Tuy nhiên, vị trí thang phụ kết nối với sàn phụ hay còn gọi là sàn ướt hiện nay không còn. Thay vào đó, các thang phụ được kết nối trực tiếp với không gian bếp bên dưới. Vật liệu và hình thức thang cũng đã có sự thay đổi. Do nhà nào cũng nâng cao lên để sử dụng gầm sàn vì vậy số bậc cầu thang không phải là 7 hay 9 nữa mà là 11 hay 13 nhưng vẫn đảm bảo là số lẻ. Gầm sàn trở thành không gian đa năng có thể là không gian ăn uống, tiếp khách, trình diễn nghệ thuật, trải nghiệm nghề truyền thống, giao lưu, để nông sản… cũng có thể trở thành một phần không gian sinh sống của chủ nhà được quây lại một góc. Khu bếp chính được coi là linh hồn của ngôi nhà đa phần đã dịch chuyển xuống dưới tầng trệt, họ xây dựng một không gian bếp khác, lúc này bếp có thể sử dụng là bếp củi hoặc bếp ga. Có gia đình thì chuyển không gian bếp sang chái nhà nhưng vẫn trên nhà sàn và gần sàn phơi phóng.

Mặt bằng gầm nhà sàn truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng Homestay Hà Nhớ

Mặt bằng sàn chính phục vụ du lịch cộng đồng

Hình thức kiến trúc

Những ngôi nhà sàn ở đây nhìn chung vẫn giữ được hình dáng của ngôi nhà sàn truyền thống, tuy nhiên có một vài ngôi nhà đã thay đổi với diện mạo mới. Hình thức mái khum rùa lợp lá đã bị biến đổi thành mái lợp fibro xi măng hay mái tôn nhiều màu sắc. Có vài nhà làm dịch vụ DLCĐ thì nỗ lực giữ lại mái truyền thống bằng cách sử dụng lá cọ phủ lên trên mái tôn. Phần gầm sàn được nâng cao bằng các trụ đá hoặc bê tông. Không gian hở vốn có của gầm sàn nhiều gia đình đã xây kín một phần để làm thành không gian bếp, không gian ngủ hay nhà vệ sinh. Ngôi nhà sàn có thêm mái đua rộng bằng tôn hay nhựa ra nhiều phía xung quanh để che nắng mưa cho không gian bao quanh gầm sàn, phần không gian mở rộng này thường được làm bằng kết cấu sắt hoặc tre nứa. Cửa sổ có chiều cao xuống tận sàn nhà, chủ yếu là dạng cửa trượt sang hai bên, có một số ít là dạng cánh mở quay. Hình thức của cửa và song cửa sổ thấp sát sàn gỗ cũng khá đa dạng.

Nội thất

Những vật dụng mới hiện đại đã xuất hiện ở bên trong ngôi nhà như tivi, tủ lạnh, tủ đựng quần áo, bàn học, tủ thờ, quạt treo, quạt trần, rất ít nhà còn bộ cồng chiêng để trang trí, đèn hắt…Nhiều gia đình có sử dụng giường thay vì ngủ nệm ngày xưa, cũng có cả bộ bàn ghế tiếp khách trong nhà giống như nhà của người Kinh. Bếp lửa trước kia đặt trên nhà sàn thì nay không nhà nào còn giữ lại. Không gian ngủ của khách đã được chia thành các không gian độc lập mang tính riêng tư bằng cách sử dụng rèm vải, có đệm, gối, ga và chăn riêng.

Vật liệu xây dựng

Ngôi nhà sàn của người Thái cũng đã có nhiều sự thay đổi về vật liệu xây dựng. Người dân nơi đây đã sử dụng các loại vật liệu mới như là sắt, thép, gạch, tôn, fibroximang… Tuy nhiên những ngôi nhà sàn chính vẫn được làm bằng gỗ từ tổ tiên dòng họ để lại, đều là những cây gỗ quý gỗ hiếm ở sâu trong rừng có độ bền chắc rất cao. Như vậy, có thể tổng hợp lại việc sử dụng vật liệu của homestay ở ba bản Son – Bá – Mười như sau:

  • Nhà sàn chính: Kết cấu chính bằng gỗ, cột được kể bằng chân bê tông, lợp mái lá, sàn bằng ván gỗ hoặc tre nứa, vách gỗ;
  • Không gian mở rộng: Gồm 2 loại. Loại 1: Bằng gỗ, lợp mái tôn, nền được đổ bê tông; loại 2 là tường bao xây bằng gạch một phần có trát vữa và lợp mái lá hoặc mái tôn rồi lợp lá lên trên, nền đổ bê tông hoặc lát gạch hoa;
  • Nhà vệ sinh và nhà tắm: Đa số bằng gạch, lợp mái tôn hoặc mái lá và trang thiết bị cơ bản;
  • Nhà bếp (gồm 2 loại) loại 1: Nhà sàn gỗ và loại 2: Nhà gạch xây, sàn đất, mái tôn.

Đề xuất giải pháp duy trì và phát triển không gian kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Thái đen phục vụ du lịch cộng đồng

Một số yêu cầu chung:

Yêu cầu về bảo tồn và phát triển bản, làng truyền thống: Cần gìn giữ, bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc truyền thống của dân tộc Thái đen, bảo tồn ngôi nhà sàn truyền thống, cần có chính sách phát triển bền vững, cần có sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng địa phương; tăng cường các hoạt động như đào tạo kỹ năng, thực hiện các dự án phát triển, tổ chức các sự kiện văn hóa để giúp nâng cao sự hiểu biết và quan tâm của cộng đồng đối với giá trị văn hóa và kinh tế của không gian kiến trúc truyền thống của người Thái đen.

Yêu cầu về tổ chức không gian chức năng của ngôi nhà: Không gian của ngôi nhà được cấu thành bởi chức năng chính, phụ và giao thông. Chức năng chính gồm không gian ban thờ, khách, bếp chính, ngủ. Chức năng phụ gồm bếp phụ, nhà vệ sinh, tắm, kho, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, sân phơi, không gian để xe, ao nước. Chức năng giao thông gồm thang, hiên, hành lang. Tùy loại hình nhà ở hay nhà ở có phục vụ du lịch sẽ có cách tổ chức cho phù hợp.

Giải pháp chỉnh trang không gian cộng đồng bản: Đường giao thông liên huyện đi qua 3 bản hiện đã bị xuống cấp đi lại rất khó khăn, do vậy cần có chính sách cho việc cải tạo và mở rộng giúp người dân và khách du lịch dễ dàng tiếp cận bản hơn; xây dựng các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái đã từng có trước đây. Hiện tại 3 bản chưa có chợ nên việc xây dựng một ngôi chợ là rất cần thiết giúp người dân có thể trao đổi buôn bán sản vật trong chính cụm bản của mình với nhau cũng như giao lưu, giao thương với các bản khác hay với du khách. Việc mở một trạm y tế giúp cộng đồng địa phương và khách du lịch yên tâm hơn về sức khỏe do hiện nay 3 bản chưa có. Trạm y tế được chọn nên nằm ở vị trí bản Mười (giữa 2 bản Son và bản Bá) sẽ giúp việc di chuyển sẽ thuận tiện hơn. Hệ thống đèn đường cần được bổ sung giúp cả người dân và du khách đi lại dễ dàng hơn và có cơ hội trải nghiệm bản Son – Bá – Mười vào ban đêm cũng như đảm bảo hơn về mặt an ninh.

Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở:

  • Không gian nhà chính: Bổ sung không gian bếp khách – bếp dành cho chủ nhà tiếp khách trên ngôi nhà chính. Được coi là linh hồn của ngôi nhà, bếp lửa có một vị trí rất quan trọng trong tâm trí của từng người dân, do vậy cần khôi phục lại bếp lửa trong ngôi nhà sàn chính để lưu giữ được hình ảnh truyền thống quây quần của người dân tộc bên bếp lửa, hơn nữa giúp du khách có thể hiểu thêm văn hóa sống của người dân tộc Thái đen;
  • Không gian nhà phụ: Như vệ sinh, nhà tắm nên bố trí ngay sát không gian nhà chính để thuận tiện cho khách du lịch. Bếp đun nấu phục vụ du khách nên bố trí sao cho việc phục vụ ăn uống cho du khách được thuận lợi mà không ảnh hưởng bởi khói hay mùi thức ăn tới không gian sinh hoạt. Khu chuồng trại nên bố trí ra xa khu vực nhà chính tránh gây mùi và ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Hình thức kiến trúc: Ngôi nhà sàn truyền thống đã có hàng nghìn năm tuổi đã đi sâu vào trong tiềm thức của người dân tộc Thái đen mà cha ông để lại vì vậy khuyến khích duy trì hình thái cơ bản của ngôi nhà sàn truyền thống với tầng trệt để trống lộ hệ khung cột vuông, tròn, mái dốc lớn. Gầm sàn tầng một trở thành không gian sinh hoạt chung, không gian đa năng cũng là xu hướng phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, về cơ bản, vẫn nên là không gian mở không nên bít kín, điều đó làm mất đi hình thái cơ bản của ngôi nhà. Với những gia đình phục vụ du lịch cộng đồng khi mở rộng không gian làm dịch vụ thì cũng vẫn khuyến khích sử dụng dạng nhà truyền thống. Phương án dựng thêm nhà sàn phụ làm không gian bếp hoặc không gian ngủ chủ nhà nên dùng hai thang trong đó thang phụ là nơi kết nối giữa nhà sàn chính và nhà sàn phụ là yếu tố quan trọng gìn giữ văn hóa trong sử dụng không gian bên trong ngôi nhà. Đối với những nhà có diện tích đất lớn hơn thì bố thêm các cảnh quan dựa theo địa hình, xây dựng thêm các bungalow phục vụ các du khách cần không gian riêng tư hơn. Nên loại bỏ sự kết hợp giữa kết cấu gỗ và kết cấu thép trong nhà sàn truyền thống để có sự đồng bộ vật liệu của ngôi nhà.

Hình 7: Một số hình thức kiến trúc nhà ở dân tộc Thái đen

Vật liệu xây dựng: Khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như dùng các loại cây gỗ ngắn ngày để làm vách hay sàn, cửa sổ, cửa đi. Còn những hệ kết cấu chính trong nhà có thể sử dụng vật liệu mới như bê tông nhưng được xử lý sao cho phù hợp về hình dáng cũng như giả chất liệu gỗ. Với vật liệu mái nên kết hợp giữa vật liệu mái mới như tôn hay panel với mái lá trang trí phía trên cũng tạo được hình thức quen thuộc gần gũi với lối sống của người Thái đen. Xu hướng biến đổi trong ngôi nhà truyền thống người Thái đen phù hợp với quá trình đô thị hóa cần phải được thực hiện với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo tính khả dụng. Việc sử dụng những vật liệu tái chế hay vật liệu thân thiện môi trường là giải pháp hữu hiệu cần thúc đẩy sao cho vẫn thỏa mãn được điều kiện sống mới mà vẫn gìn giữ được văn hóa lối sống truyền thống của người dân tộc Thái đen.

Kết luận

Ngôi nhà truyền thống của người Thái đen tại 3 bản Son – Bá – Mười có giá trị kiến trúc cao thể hiện tinh hoa của dân tộc Thái đen, cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể khác đã tạo nên nét văn hóa độc đáo trong bức tranh đa màu sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Ngôi nhà truyền thống của dân tộc Thái đen ở Son – Bá – Mười xã Lũng Cao tỉnh Thanh Hóa mang lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuy nhiên với xu hướng biến đổi, phát triển hiện nay, thông qua việc đánh giá thực trạng tổ chức không gian ở, thì thấy nổi lên những vấn đề mà ngôi nhà người Thái đang đối diện làm biến đổi hình dáng chung của ngôi nhà, những yếu tố tác động đến sự biến đổi như xu hướng hội nhập, giao lưu văn hóa, tốc độ đô thị hóa, xây dựng đời sống văn hóa mới, nhu cầu sử dụng tiện nghi của người dân… Qua việc phân tích những thực trạng và nguyên nhân, tác giả đã đề xuất các yêu cầu chung cũng như các yêu cầu về kiến trúc, về vật liệu xây dựng cho phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân. Qua đó nhằm nâng cao ý thức, trân trọng giá trị vật thể, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là hỗ trợ công tác, gìn giữ phát huy và lan tỏa được giá trị bản sắc của ngôi nhà người Thái ở Thanh Hóa.

Với đề xuất nghiên cứu của bài báo thì ngoài việc áp dụng cho dân tộc Thái đen tại Son – Bá – Mười, Thanh Hóa thì đây cũng là gợi ý giúp cho các dân tộc Thái ở các vùng khác cũng có thể áp dụng để phát triển du lịch cộng đồng.

Ths. Hoàng Hải Long
Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 11-2023

 

Tài liệu tham khảo
[1] Ban dân tộc Tỉnh Thanh Hóa (2016) – “Tổng hợp dân số- cơ cấu dân tộc miền núi Thanh Hóa”;
[2] Cẩm Trọng (1978) – “Người Thái Tây bắc Việt Nam” – NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội;
[3] Hoàng Nam, Lê Ngọc Thắng (1981) – “Nhà sàn Thái” – NXB Văn Hóa, Hà Nội;
[4] Lương Thị Hiền (2018) – “Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Thái đen phục vụ du lịch cộng đồng tại Pù Luông, Thanh Hóa” – Tạp chí khoa học công nghệ, ĐHXDHN;
[5] Nguyễn Khắc Tụng (2015) – “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam” – NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội;
[6] Phạm Hùng Cường (2015) – “Những biến đổi trong kiến trúc nhà ở dân tộc Thái (tỉnh Yên Bái), từ truyền thống đến hiện đại” – Tạp chí KHCN Việt nam, số 11;
[7]Vương Trung (1997) – “Nhà sàn cổ người Thái Việt Nam” – NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội;
[8] Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa – “Quyết định số 492/QĐ – UBND ngày 09/02/2015 phê duyệt “chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
[9] Rawiwan Oranratmanee (2011). Re-utilizing Space: Accommodating Tourists in Homestay Houses in Northern Thailand. Chiang Mai University, Vol. 8.

 

Các tin khác

Ngày 29/4, 38 người chết và 72 người bị thương vì tai nạn giao thông
Ngày 29/4, 38 người chết và 72 người bị thương vì tai nạn giao thông

​MTXD - Thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông ngày 29/4, ngày thứ 3 của dịp lễ 30/4 - 1/5, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, toàn quốc xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 72 người và đều xảy ra trên đường bộ.

Bức tranh Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" - Kỳ tích của mĩ thuật Việt Nam
Nghi vấn bốc xúc xít thải than trái phép ở Yên Thế- Bắc Giang
Nghi vấn bốc xúc xít thải than trái phép ở Yên Thế- Bắc Giang

MTXD - Theo phản ánh của người dân, tại địa phận thôn Cầu Tiến, xã Hương Vỹ (Yên Thế - Bắc Giang) hoạt động bốc xếp, vận chuyển vật liệu được nghi xít than đang diễn ra cả ngày lẫn đêm gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân sống xung quanh.

Thủ tướng kiểm tra hiện trường, đốc thúc nhiều dự án cao tốc trọng điểm
Thủ tướng kiểm tra hiện trường, đốc thúc nhiều dự án cao tốc trọng điểm

​MTXD - Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi kiểm tra hiện...

Xây dựng quy chuẩn quốc gia về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Xây dựng quy chuẩn quốc gia về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

MTXD - Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn. Bộ cũng sẽ có hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.