Giải pháp tổ chức nhà ở trong doanh trại quận đội tại hải đảo

​MTXD - Biển đảo là vùng chịu nhiều yếu tố tự nhiên khắc nghiệt, các điều kiện về kinh tế gặp nhiều khó khăn; yếu tố xã hội như tạo tâm lý cho quân nhân xa nhà yên tâm công tác, đòi hỏi cần có một môi trường phù hợp, vừa tuân thủ tính đặc thù Quân đội vừa phải chịu được các tác động khắc nghiệt của thiên nhiên, phù hợp với địa hình, tâm lý tình cảm của cán bộ, chiến sĩ xa nhà.

MTXD - Biển đảo là vùng chịu nhiều yếu tố tự nhiên khắc nghiệt, các điều kiện về kinh tế gặp nhiều khó khăn; yếu tố xã hội như tạo tâm lý cho quân nhân xa nhà yên tâm công tác, đòi hỏi cần có một môi trường phù hợp, vừa tuân thủ tính đặc thù Quân đội vừa phải chịu được các tác động khắc nghiệt của thiên nhiên, phù hợp với địa hình, tâm lý tình cảm của cán bộ, chiến sĩ xa nhà. Việc tổ chức không gian kiến trúc nhà ở doanh trại tại các đảo là vô cùng khó khăn, luôn đặt cho người kiến trúc sư một bài toán khó. Trên thực tế, kiến trúc doanh trại thường thiết kế theo mẫu chung, dùng cho hải đảo và đất liền, chưa thể hiện rõ đặc trưng của doanh trại miền biển đảo, chưa xứng tầm là công trình chiến lược phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu.

Nhà ở cán bộ và nhà khách – Bộ Tư Lệnh Vùng cảnh sát biển

Phạm vi bài viết nghiên cứu giải pháp kiến trúc nhà ở doanh trai quân đội, đây là cơ sở định hướng cho các công trình còn lại trong doanh trại quân đội tại các đảo Việt Nam.

Trước khi đưa ra giải pháp, cần hiểu rõ khái niệm về doanh trại cũng như doanh trại ngoài hải đảo.

Doanh trại quân đội: là nơi thực hiện các chức năng riêng biệt về quân sự và không được xâm nhập bất hợp pháp. Hệ thống doanh trại được thiết kế, xây dựng theo tính đặc thù, đáp ứng mọi nhu cầu về ăn, ở, sinh hoạt, thể thao, huấn luyện, đặc biệt là tính cơ động sẵn sàng chiến đấu [1]

Doanh trại quân đội tại hải đảo: là hệ thống các doanh trại quân đội được tổ chức, đóng quân tại các vị trí đảo trên biển, nơi có diện tích nước mặn bao bọc xung quanh, chỉ có thể kết nối với đất liền bằng đường thủy hoặc đường hàng không và có vị trí nằm trên thềm lục địa hoặc ngoài khơi xa.

Trên cơ sở nghiên cứu doanh trại quân đội ngoài hải đảo, nhằm vừa đáp ứng được yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, vừa đảm bảo được nhu cầu ăn, ở với điều kiện vi khí hậu tốt nhất. Đề xuất một số giải pháp như sau:

Quy hoạch

Các hạng mục công trình trong doanh trại với tầng cao từ 1-2 tầng, nằm xen kẽ những tán cây xanh bao quanh một sân rộng, nơi diễn ra các hoạt động tập thể của toàn doanh trại. Đây cũng là một nét đặc trưng trong doanh trại quân đội.

Cùng với khu nhà làm việc, hạng mục nhà ở chiến sĩ được ưu tiên hướng tốt, hạng mục nhà vệ sinh được đẩy về phía sau và thường cuối hướng gió, tạo nên một tổng thể hài hòa, thống nhất cao.

Sơ đồ một doanh trại điển hình

Mặt bằng phát triển theo modul

Hướng của công trình cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chống nắng, chống gió. Hướng Nam luôn được coi là hướng đón gió tốt, khi làm công trình theo hướng này có thể tránh được những tia nắng trực tiếp của mặt trời bởi mặt trời mọc đằng Đông và lặn đằng Tây. Chính vì vậy, khi nhắc đến các giải pháp chống nóng hiệu quả thì đây chính là giải pháp đầu tiên cần quan tâm.

Phương án quy hoạch doanh trại điển hình

Hình thức kiến trúc đáp ứng tính đặc thù 

Xuất phát từ hình ảnh những con sóng vỗ, những bờ đá gập ghềnh như những tiếng vọng của đại dương bao la và sâu thẳm, công trình nhà ở chiến sĩ vùng biển đảo hiện lên mang dáng vẻ của sự bền bỉ, vững chãi, kiên cường nhưng cũng rất năng động. Công trình sử dụng hệ thống mái vòm vừa mang hình thức hiện đại, mới lạ, vừa phù hợp với môi trường chịu nhiều gió bão như vùng biển đảo.

Phương án hình thức công trình

Mẫu Nhà ở chiến sỹ 1 tầng

Mẫu Nhà ở chiến sỹ 2 tầng


Phối cảnh phương án 2 nhà ở 1 tầng, mái vòm được cách điệu

Từ ý tưởng hình thức kiến trúc, mặt bằng được chia theo block 3,6m truyền thống, đảm bảo các không gian chức năng theo yêu cầu, thuận tiện bố trí nội thất theo mẫu thống nhất toàn quân. Mặt bằng được tổ chức linh hoạt tùy theo quân số của từng đơn vị, thuận tiện để phát triển khi có nhu cầu biến động về quân số trong từng giai đoạn thời bình cũng như thời chiến.

Kiến trúc nhà ở chiến sĩ luôn gắn liền với công năng. Yêu cầu công năng rành mạch, hợp lý, gắn với mục đích sử dụng, quân số và nhu cầu của đơn vị. Đặc biệt, trong doanh trại Quân đội cần gắn với quy định của Bộ Quốc phòng về tiêu chuẩn diện tích dành cho từng đối tượng cán bộ chiến sỹ; căn cứ thiết kế mẫu đã ban hành, đã được tính toán về quy mô, công năng phù hợp để từ đó đưa ra giải pháp kiến trúc hợp lý và tùy theo đặc điểm công năng, đặc điểm khu đất sẽ chọn hướng hợp khối, phân tán hay kết hợp. Ví dụ, khu đất diện tích nhỏ sẽ lựa chọn phương án nhà ở chiến sĩ hai tầng thay mẫu nhà ở chiến sĩ một tầng và ngược lại.

Cả hai mẫu nhà này đều phù hợp với tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Ngoài ra, trong quân đội do tính đặc thù huấn luyện nên các công trình thường xây thấp tầng, đặc biệt, trên đảo để đáp ứng thời tiết khắc nghiệt và đảm bảo an ninh quốc phòng. Bài viết đề xuất chiều cao một số hạng mục công trình trong doanh trại như bảng sau

Bảng 1. Lựa chọn số tầng cho các hạng mục trong doanh trại

Kiến trúc nhà ở chiến sĩ là kiến trúc linh hoạt cơ động

Do đặc thù cơ động sẵn sàng chiến đấu nên công trình doanh trại thường thiết kế theo modun lắp ghép để dễ dàng thêm bớt các bước gian, phù hợp với nhiệm vụ thực tế của đơn vị.

Lắp ghép modun là giải pháp hợp khối, làm không gian trở lên linh hoạt. Các hình màu cam minh họa 1 gian nhà, mỗi hình là một modun, cần không gian rộng hơn dễ dàng ghép các modun lại với nhau. Giải pháp này hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhanh linh hoạt cả trong quá trình xây dựng và thi công.

Yếu tố xanh, sinh thái trong nhà ở chiến sĩ. Công trình giải quyết tốt mối quan hệ kiến trúc với hệ sinh thái thiên nhiên (cây xanh, mặt nước, địa hình…)

Thông gió, chiếu sáng, giải pháp giảm bức xạ nhiệt: Trổ cửa cả hai mặt trước và sau công trình tạo gió xuyên phòng là một giải pháp tạo điều kiện vi khí hậu tốt nhất mà ông cha ta đã sử dụng trong kiến trúc nhà ở truyền thống.

Hệ ô thoáng kết hợp với hệ thống chớp lật của các cửa sổ cửa đi, để điều tiết ánh sáng vào phòng, thông thoáng vào mùa hè, nhưng lại kín đáo vào mùa đông đây cũng chính là tác dụng của tấm Liếp trong kiến trúc truyền thống.

Hệ mái 2 lớp: Lớp tôn, Lớp mái BTCT ở giữa là lớp không khí lưu thông. Nhằm hạn chế tối đa bức xạ nhiệt vào bên trong công trình.

Hành lang xung quanh tạo ra một không gian đệm giữa trong và ngoài nhà. Tác dụng giảm bức xạ nhiệt vào bên trong công trình.

Kết cấu chắn nắng: Ô văng, mái hắt hay tấm chắn dọc nhằm mục đích giúp công trình tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Từ đó, công trình không cần phải hấp thụ quá nhiều tia bức xạ mặt trời, gây nên hiện tượng oi bức, nóng nực quá mức. Hiện nay, trong thiết kế kiến trúc công trình doanh trại quân đội, chủ yếu sử dụng kết cấu che nắng cố định, bao gồm kết cấu che nắng đứng, che nắng ngang và che nắng hỗn hợp. Một số không gian còn sử dụng kết cấu che di động như bạt che, rèm, tuy nhiên, loại này thường không lâu bền theo thời gian và ảnh hưởng đến hình thức kiến trúc công trình. Việc sử dụng các kết cấu che nắng chủ yếu theo thiết kế chung công trình, chưa nghiên cứu kỹ về mặt vật lý kiến trúc theo khí hậu và biểu đồ mặt trời của vùng đảo. Các kết cấu che nắng cố định được thiết kế trong công trình doanh trại quân đội chủ yếu là các lam chắn nắng bằng bê tông hoặc đầu hồi một số công trình có thiết kế ô văng cửa sổ để che chắn nắng. Bê tông luôn là vật liệu phổ biến trong xây dựng và là vật liệu được sử dụng trong nhiều loại công trình kiến trúc. Ưu điểm của lam che nắng bằng bê tông đó là nguyên liệu sẵn có, dễ sản xuất và sử dụng, khả năng chịu lực nén tốt, kết cấu bê tông vững chắc và tuổi thọ cao. Tuy nhiên tồn tại một số nhược điểm như dưới tác động của nước, nhiệt độ có thể gây hư hại đến vật liệu và khi kết cấu che nắng có tải trọng lớn sẽ gây khó khăn cho việc thi công, lắp đặt.

Với đặc thù môi trường ngoài đảo, có thể đề xuất công trình kiến trúc sử dụng loại lam chắn nắng bằng nhôm bởi khả năng chịu nhiệt, chịu độ ẩm tốt, không bị oxy hóa. Hơn thế nữa, lam chắn nắng bằng nhôm có trọng lượng nhẹ, siêu bền dễ dàng thi công, lắp đặt. Việc thiết kế tạo hình cũng đơn giản hơn nhờ vào công nghệ sơn phủ màu, dễ dàng bảo dưỡng, thay thế hoặc tái sử dụng.

Phân tích ý tưởng biến đổi không gian

Hnh thức kiến trúc linh động khi ứng dụng kiến trúc modun lắp ghép

Linh động các cách tổ hợp modul mặt bằng công trình

Vật liệu sử dụng: Sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường như tường gạch không nung, hệ thống cửa gỗ đã được thay thế bằng cửa nhựa lõi thép, và cửa thép kính vừa bền đẹp lại không gây tổn hại đến những cánh rừng bảo vệ, tấm lợp sinh thái, bê tông nhẹ…

Cây xanh, mặt nước: Là những yếu tố không thể thiếu, song hành cùng công trình kiến trúc.

Thiết kế mái xanh và mặt đứng xanh: Mái xanh giảm hấp thụ bức xạ mặt trời, giảm nhiệt độ không khí vùng xây dựng, tăng chất lượng môi trường không khí, tạo thêm không gian giao tiếp cộng đồng và tăng tính thẩm mỹ nhờ việc công trình kiến trúc gắn kết với thiên nhiên. Mặt đứng xanh hay còn gọi cảnh quan chiều đứng (Vertical landscaping) là phát triển tiếp theo của mái xanh cũng đem lại hiệu quả tương tự.

Vấn đề về sử dụng hiệu quả năng lượng: Ngoài những giải pháp về thông gió, chiếu sáng và giảm bức xạ nhiệt cho công trình, có thể đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến khác nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng. Nồi hơi xuất hiện tại các hạng mục như bếp, khu vực tắm nhằm cung cấp hơi nóng để nấu chín thức ăn, và cung cấp nước nóng cho bộ đội sinh hoạt. Mặt khác còn tích hợp hệ thống năng lượng mặt trời, pin năng lượng mặt trời tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo.

Hệ mái BTCT kết hợp giữa cấu kiện đúc sẵn và đổ tại hiện trường, tường vách sử dụng hệ panel đúc sẵn đảm bảo giảm tối đa thời gian thi công. Không gian hành lang hai bên với hệ thống ô thoáng lớn, vừa đảm bảo thông gió chiếu sáng nhưng cũng tham gia vào giải pháp che mưa chắn nắng cho các không gian bên trong.

Không gian hành lang kết hợp khu vườn trồng thuốc nam, vườn trồng các loại rau mang từ đất liền ra không chịu được nắng gió khắc nghiệt của biển đảo, góp phần tăng gia sản xuất phục vụ nhu cầu của bộ đội.

Hệ thống thu nước mưa được bố trí hai hàng rãnh dọc theo hai bên cạnh vòm, thu vào bể ngầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Bể nước được đặt trên sàn mái, đảm bảo áp lực sử dụng. Hệ mái hai lớp chống nóng, kết hợp với các không gian kho lưu trữ. Chiều cao công trình đạt 3.9m thông thủy, đảm bảo phù hợp với kích thước kê giường tầng cho bộ đội.

Đề xuất một số giải pháp cụ thể:

Nhà ở chiến sỹ 1 tầng

Phương án 1:

Sử dụng hình thức kiến trúc với hệ mái vòm được thu gọn, hệ hành lang hai bên che nắng mưa, đảm bảo thông gió chiếu sáng. Hệ seno thu nước mưa được chạy dọc hai bên mái và thu nước vào bể ngầm phục vụ sinh hoạt.

Đường ống thu nước được đi ngầm trong hệ tường:

Ưu điểm

  • Đáp ứng tiêu chí linh động, sẵn sàng chiến đấu;
  • Sử dụng các hệ block cấu kiện sẵn có, chi phí xây dựng giảm;
  • Diện tích xây dựng nhỏ.

Nhược điểm:

  • Hệ mái cuốn vòm phức tạp trong thi công, đòi hỏi trình độ thợ kỹ thuật cao, khó khăn khi mở cửa thông gió trên mái;
  • Không có không gian trồng cây xanh trong công trình.
  •  

Phương án 2:

Là phương án được nâng cấp từ phương án 1 với hệ mái vòm được cách điệu thành các cấu kiện phẳng. Cấu kiện này có thể sử dụng BTCT đúc sẵn từ đất liền đưa ra để lắp ghép triển khai.

Chiều cao thông thủy của phương án đảm bảo tối thiểu 3,9m theo yêu cầu về tiêu chuẩn vật chất Hậu cần đối với quân nhân tại ngũ.

Hệ mái kiên cố, đảm bảo chịu nắng gió và mưa bão tại các vùng hải đảo. Tại một số vị trí có thể mở cửa mái để thông gió cho công trình dễ dàng và thuận tiện.

Ưu điểm

  • Đáp ứng tiêu chí linh động, sẵn sàng chiến đấu;
  • Thông gió cho công trình tốt;
  • Giảm thiểu thời gian thi công với các cấu kiện đúc sẵn, chi phí xây dựng thấp.

Nhược điểm:

  • Hệ mái cuốn vòm phức tạp trong thi công, đòi hỏi trình độ thợ kỹ thuật cao, khó khăn khi mở cửa thông gió trên mái;
  • Không có không gian trồng cây xanh trong công trình.

Phối cảnh phương án 2 nhà ở 1 tầng, mái vòm được cách điệu

Phương án 3:

Là phương án kết hợp phương án 2 với hình thức mái dốc truyền thống của các kiến trúc doanh trại, không gian mái thiết kế linh hoạt như một kho chứa đồ, vừa để bể nước mái, góp phần làm mát cho công trình trong những ngày nắng nóng. Phần chóp mái thiết kể mở rộng đủ để dùng như một kho chứa đồ nhưng lại rộng rãi hơn và vẫn giữ nguyên chiều cao như mái nhà truyền thống.

Hệ thống thu nước mái bố trí hợp lý với các phễu thu, ống thoát và được dẫn trực tiếp vào bể ngầm, phục vụ sinh hoạt và nhu cầu PCCC, tưới tiêu… Kết cấu mái phẳng dễ thi công, sử dụng cấu kiện BTCT đúc sẵn giảm thiểu thời gian và chi phí xây dựng. Hai bên mái kéo thấp xuống, đảm bảo hiệu ứng che mưa chắn nắng cho công trình nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu thông gió chiếu sáng tự nhiên.

Ưu điểm

  • Hình thức kiến trúc vừa gần gũi với kiến trúc doanh trại truyền thống, chi phí xây dựng thấp, hệ số chiếm đất nhỏ;
  • Thời gian thi công nhanh, tiết kiệm nhân lực và chi phí sản xuất, không yêu cầu tay nghề thợ mang tính kỹ thuật cao;
  • Không gian dễ dàng mở rộng quy mô theo nhu cầu mục đích sử dụng;
  • Hệ thống hành lang kết hợp với bệ kê súng đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Nhược điểm:

  • Không có không gian cây xanh trong công trình.
  • Hình thức công trình vẫn chưa mang tính đặc thù.

Phối cảnh phương án 3 nhà ở 1 tầng, mái dốc truyền thống

Phương án nhà ở chiến sỹ 2 tầng

Là phương án với hai tầng chức năng phục vụ cho nhu cầu ở của bộ đội với hệ không gian và kết cấu tương tự với phương án 1 tầng.

Phương án được sử dụng tại các vị trí đóng quân có diện tích xây dựng nhỏ, hệ số sử dụng đất cao.

Thực tế thiết kế công trình kiến trúc doanh trại quân đội cho thấy, chiều cao tối đa 2 tầng vẫn đảm bảo tốt cho quá trình cơ động tập trung, huấn luyện và cả trong sẵn sàng chiến đấu.

Nhà ở Hải Đội 401 – BTL Vùng Cảnh sát biển 4- Phú Quốc

Thay lời kết

Phối cảnh phương án 1 nhà ở 2 tầng, mái vòm

Phối cảnh phương án 1 nhà ở 2 tầng, mái dốc

Giải pháp Thông gió chiếu sáng cho công trình

Bài viết đưa ra một số giải pháp tổ chức không gian nhà ở trong doanh trại quân đội tại các đảo Việt Nam theo hướng đặc thù. Đã giải quyết được bài toán về hình thức, công năng đáp ứng yêu cầu huấn luyện của người chiến sĩ. Bên cạnh đó, yếu tố sinh thái, vật liệu, mặt nước, cây xanh, thông gió, chiếu sáng tự nhiên cũng được đề cập. Đối với vùng nhiều gió bão, khí hậu khắc nghiệt thất thường hơn bao giờ hết cần có những giải pháp sống chung hợp lý. Trong phạm vi bài viết, tác giả mong muốn đóng góp một phần ý tưởng quy hoạch doanh trại quân đội nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của người chiến sĩ, từ đó giúp họ yên tâm công tác tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ths.KTS. Bùi Thị Kim Dung

(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Hậu cần (2010), Giáo trình nguyên lý thiết kế kiến trúc và quy hoạch doanh trại, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội. 

2. Viện Thiết kế/TCHC (2014), Thiết kế mẫu Tiểu đoàn bộ binh đủ quân 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.