Gìn giữ và kiến tạo không gian mang tinh thần nơi chốn cho TP Hạ Long

​MTXD - Tinh thần nơi chốn được hiểu một cách khái quát là hồn của đô thị, cũng như cơ thể con người có cuộc sống thể xác và linh hồn. Hai cái đó phải hòa quyện và cùng tồn tại. Tinh thần nơi chốn của không gian đô thị được tạo nên bởi cuộc sống của con người trong đô thị qua thời gian, hình thành nên ký ức của cộng đồng về không gian đó. Là không gian nơi những cuộc sống, sự kiện, câu chuyện xã hội của mỗi con người, mỗi nhóm, mỗi cộng đồng được tích hợp lại, qua lớp lớp thế hệ.

MTXD - Tinh thần nơi chốn được hiểu một cách khái quát là hồn của đô thị, cũng như cơ thể con người có cuộc sống thể xác và linh hồn. Hai cái đó phải hòa quyện và cùng tồn tại. Tinh thần nơi chốn của không gian đô thị được tạo nên bởi cuộc sống của con người trong đô thị qua thời gian, hình thành nên ký ức của cộng đồng về không gian đó. Là không gian nơi những cuộc sống, sự kiện, câu chuyện xã hội của mỗi con người, mỗi nhóm, mỗi cộng đồng được tích hợp lại, qua lớp lớp thế hệ. Điều đó tạo nên bản sắc văn hóa của đô thị, tạo nên niềm tự hào về quê hương, là nỗi nhớ của người đi xa, tạo nên TP đáng sống không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần. Trách nhiệm của những người làm quy hoạch và xây dựng đô thị là không chỉ tạo nên không gian theo nghĩa vật thể mà còn là không gian sống, vì vậy cũng có một sứ mệnh trong việc tạo dựng hồn nơi chốn hay tinh thần nơi chốn cho đô thị. 

Một góc Hạ Long (Ảnh: Internet)

TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được hình thành trên không gian của thị xã Hồng Gai (còn gọi là Hòn Gai) từ năm 1993. Hồng Gai là thị xã của tỉnh Hồng Quảng từ năm 1955. Nếu tính cả thời kỳ thuộc Pháp thì khu vực có tên Hồng Gai (Hòn Gai hay Hòn Gay) có lịch sử cũng hơn 130 năm.

Thị xã Hồng Gai có kinh tế chủ đạo là khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, đánh bắt hải sản và du lịch, phát triển dọc theo bờ vịnh Hạ Long và các thung lũng, giữa những quả đồi. Trước năm 2006, trọng tâm khu vực phát triển đô thị kéo dài từ Bãi Cháy đến Cọc 8 chỉ khoảng 12km. Sự phát triển chuyển đổi kinh tế thị xã, từ “nâu” sang “xanh” đã tạo nên các biến đổi không gian lớn. Các chức năng liên quan đến khai thác mỏ như các kho than, nhà máy sàng tuyển than, cảng than đã được di chuyển. Từ năm 2006, với sự hình thành của cầu Bãi Cháy, rồi đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long (năm 2018) thúc đẩy sự phát triển đô thị. Hạ Long đã phát triển không gian ra phía biển thành các khu đô thị, khu du lịch, hình thành các đường bao ven biển, xây mới nhiều công trình công cộng. TP nay kéo dài tới hơn 35km.

Chỉ hơn 15 năm gần đây, TP đã thay đổi khá toàn diện. Phần mới phát triển đã tạo cho TP một bộ mặt mới, hiện đại, đẹp, gây ấn tượng với mọi người đến với Hạ Long, nhiều người dân, nhất là thế hệ trẻ cảm thấy tự hào về một TP mới, thay da đổi thịt hoàn toàn, những người lâu lâu mới về Hạ Long vài năm cảm thấy ngỡ ngàng. Hạ Long đã như một cô công nhân trẻ trung, mạnh mẽ ngày nào sau cuộc thi hoa hậu đã trở thành người con gái xinh đẹp, kiêu sa.

Tuy nhiên, dù có là hoa hậu vẫn phải có tâm hồn, tính cách vẫn kế thừa từ quá khứ, từ gia đình, từ thời thơ ấu. Dù trở thành đô thị mới như thế nào thì với lịch sử 60 năm, Hạ Long vẫn còn cần nhiều không gian có tinh thần nơi chốn cho các thế hệ, không thể xóa sạch quá khứ. Đã có nhiều trang mạng xã hội của những nhóm người mang đầy hoài niệm của Hòn Gai xưa, thể hiện sự tiếc nuối về những ký ức của những không gian xưa thân thuộc nay đã bị xóa bỏ, cảm giác trở nên xa lạ trong chính TP mình đang sống.

 

Góc nhìn núi Bài Thơ đẹp, phổ biến trước kia hiện đã bị che khuất, nay chỉ có thể nhìn từ flycam

Núi Bài Thơ hầu như bị che lấp hết khi nhìn từ phía trong TP

Cảnh quan lối lên đồi khu Nhà thờ đã bị che khuất

Núi Bài Thơ chỉ có thể nhìn thấy từ đường ven biển

Bài viết này với góc nhìn của người làm quy hoạch kiến trúc nhận diện các bài học, các vấn đề để gìn giữ và kiến tạo các không gian mang tinh thần nơi chốn cho TP Hạ Long, làm cho TP có nhiều giá trị văn hóa hơn, đáng sống hơn trong giai đoạn tới.

Thay đổi cấu trúc đô thị phải là sự kế thừa, không bỏ cũ, thay mới, nhất là đối với trung tâm đô thị cũ

Khi cầu Bãi Cháy được xây dựng, bến phà Bãi Cháy ngừng hoạt động đã biến cả một khu vực trung tâm cũ, từ phà Bãi Cháy đến rạp Bạch Đằng, dọc đường Lê Thánh Tông dài khoảng 1,5km mất đi vai trò là trung tâm sầm uất nhất của thị xã Hồng Gai xưa do không phải là đường kết nối giao thông chính của đô thị. Các không gian sôi động vốn đã từng gắn vào ký ức với người dân thị xã như Bến phà, rạp Hạ Long, Sân vận động, Cung Văn hóa lao động Việt Nhật, Bách hóa tổng hợp và các tuyến phố thương mại nhộn nhịp trở lên vắng lặng, phần vì đã chuyển đổi chức năng, phần vì thiếu sức hút do tuyến giao thông chính đã thay đổi.

Khu vực trung tâm này đã có quá trình hình thành khoảng 40 năm, từ 1965 đến 2005 với bao ký ức địa điểm với người dân, kể cả trong giai đoạn từ thời thuộc Pháp như giếng Tây Đen, phố Cây Tháp, cầu cao, dốc Ba Đèo…Ký ức về TP mỏ, về những ngày chống Mỹ qua cả 2 thời kỳ rất đậm nét ở khu vực này như nhà tù thời Pháp, mỏ quạ núi Bài Thơ, nơi đặt còi tầm, còi báo động cho người dân thị xã…

Tình trạng vắng lặng này cũng tương tự như khu vực bến phà phía bên bờ Bãi Cháy.

Giải pháp tốt nhất để khôi phục lại cuộc sống cho khu vực này đó là phải nhanh chóng tạo lập lại kết nối giao thông giữa 2 bờ sông Cửa Lục bằng đường hầm kết hợp ca nô hoặc phà du lịch tại vị trí Phà Bãi Cháy cũ. Không chỉ là cho ô tô mà còn kết nối giao thông đi bộ, xe đạp, xe máy giữa 2 bờ sông cho khách du lịch và người dân.

Một bài học nữa đó là không nên thay đổi hoàn toàn cấu trúc của đô thị cũ đã có lịch sử lâu dài. Ví dụ như trường hợp Sân vận động Hòn Gai, vẫn có thể giữ lại vị trí để xây dựng mới, không nhất thiết phải bỏ đi hoàn toàn.

Sân vận động Hòn Gai trước nằm trên phố Lê Thánh Tông, khu vực cũng là một quần thể công trình văn hóa gồm rạp chiếu phim, sân bóng chuyền, thư viện với những cây Đa cổ kính, một bên nhìn ra vịnh, một bên hướng lên phía đồi của Công ty Than. Một quần thể kiến trúc văn hóa không lớn nhưng đầy đủ, đúng là “TP của 15 phút đi lại”. Đây cũng là một không gian mang dấu ấn đối với người dân. Những ngày Chủ nhật có đá bóng, cả thị xã dường như vắng hơn vì hầu hết đàn ông đều đi xem đá bóng, trẻ em cũng háo hức đi. Những trận đấu của tuyển Than Quảng Ninh với đội Sac-chio (Liên Xô cũ), với đội Thể Công, các tuyển thủ như Hùng A, Hùng B, thủ môn Tòng… đã làm nên tên tuổi và niềm tự hào của bóng đá vùng mỏ.

Tinh thần nơi chốn hình thành từ ký ức, nhận diện của cộng đồng đối với cảnh quan đặc trưng

Những hình ảnh thiên nhiên lớn, mang tính đặc trưng được nhìn thấy hàng ngày là thành tố quan trọng tạo nên sự cảm nhận nơi chốn thân thuộc đối với người dân. Bài học từ việc gìn giữ hướng nhìn tới núi thiêng Phú Sĩ (Nhật Bản) hay giữ gìn cảnh quan núi Nam San tại Seoul (Hàn Quốc) rất đáng được tham khảo.

TP Hạ Long là đô thị ven biển, các tổ hợp tạo nên cảnh quan đặc trưng của Hạ Long đó là: Biển – đảo, hoặc núi – biển – đảo và núi – dân cư dưới thung lũng. Việc đô thị lấn biến đã tạo ra không gian tiếp cận biển nhiều hơn và làm cho Hạ Long như được mở ra hướng biển, nhất là tuyến đường Trần Quốc Nghiễn có đoạn hơn 10km ven biển đẹp vào bậc nhất ở nước ta với bên phải là vịnh, đảo, bên trái là hình ảnh các ngọn đồi cao luôn hiện diện trong hình ảnh ven biển. Đây là điểm tích cực của giải pháp quy hoạch. Tuy nhiên còn có nhiều khu vực chưa tốt đối với việc gìn giữ hình ảnh đặc trưng này.

 

Các mảng xanh đồi núi tạo đặc trưng cảnh quan bị che lấp khá nhiều

Nhiều ngọn đồi hầu như đã bị che lấp nhiều bởi kiến trúc nhà xây mới, làm mất đi hình chiếu (Silhouette) vốn có của tự nhiên nó, xu hướng này đang ngày càng phổ biến hơn. Ví dụ núi Ba Đèo, đồi khu Nhà Thờ, đồi Công Đoàn, đồi bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, núi Mắm Tôm…đều có mật độ nhà xây cao, nhà cao tầng dưới chân đã che lấp tầm nhìn về hình ảnh của ngọn đồi. Nhất là góc nhìn từ Cột đồng hồ nhìn lên khu Nhà Thờ, núi Ba Đèo vốn là hình ảnh có siluyet khá đẹp, có cảnh quan cây xanh với hình ảnh nhà thờ vươn cao nay đã bị che khuất hoàn toàn.

Các mảng xanh đồi núi tạo đặc trưng cảnh quan bị che lấp khá nhiều

Núi Bài Thơ là linh hồn của TP, là biểu tượng của tinh thần vùng mỏ với ngọn cờ đỏ luôn tung bay trên đỉnh núi được nhận diện từ 2 phía, phía biển và phía trong TP. Từ phía TP trước đây, điểm nhìn chủ yếu có hình ảnh núi Bài Thơ đẹp và khác nhiều so với khi nhìn từ phía biển. Cũng đáng tiếc là hiện nay chúng ta chỉ có thể nhìn núi Bài Thơ từ phía biển và đường ven biển mới, còn những tầm nhìn từ phía trong, đoạn từ Loong Tòong hay Cao Xanh, là nơi núi Bài Thơ có hình ảnh đẹp nhất đã không còn thấy do bị những ngôi nhà che khuất.

Hình ảnh núi Bài Thơ một phần nằm trong phố, khu vực Chùa Long Tiên, nơi có phố đi bộ có thể nhận diện được chân núi đã bị nhà dân che lấp hoàn toàn, phố đi bộ đã trở thành bình thường như các con phố khác.
Mỏm núi đá trên núi Bà Thơ còn gọi là mỏ quạ, chỗ đặt loa báo động, còi tầm TP nơi gắn kỷ niệm hàng chục năm với những người công nhân, người dân trong chiến tranh chống Mỹ cũng đã bị nhà ở che lấp.

Một cảnh quan khá phổ biến tại Hạ Long trước đây là rừng ngập mặn, có từ Cọc 3, Cọc 8, Cao Xanh, Giáp Khẩu, bến đò Bang…nay đã mất hoàn toàn. Rừng ngập mặn đã gắn bó với nhiều thế hệ dân cư Hòn Gai không chỉ ở hình ảnh mà ở cuộc sống đúng nghĩa của dân ven biển, ký ức về việc đi gõ hà, bắt cua, câu cáy, bắt ốc, cào ngao, vạng…vẫn còn sâu đậm.

Để gìn giữ, kiến tạo các yếu tố cảnh quan đặc trưng có thể thực hiện các giải pháp:

  • Gìn giữ, chỉnh trang đô thị để tạo lập những điểm nhìn trên những tuyến đường quan trọng hướng về núi Bài Thơ, nhất là hướng nhìn từ phía trong đất liền, nơi có nhiều cư dân sinh sống;
  • Cần khống chế việc xây dựng trên các đỉnh đồi của TP, tránh vừa làm mất đi hình ảnh cảnh quan thân thuộc, vừa có nguy cơ gây sạt lở đất. Thiên nhiên từ đồi núi phải được lan xuống dưới chân, kết nối với không gian xanh, không gian công cộng của đô thị. Khu vực đô thị mở rộng sau này từ Bãi Cháy đến Tuần Châu hay từ Cột 8 đến Hà Tu rất cần rút kinh nghiệm của các khu vực nội đô đã biến đổi để gìn giữ những cảnh quan đặc trưng cho đô thị;
  • Khôi phục một mảng cây Sú,Vẹt ven biển để tái hiện một hệ sinh thái vốn đa dạng trong tâm thức người dân.

Gìn giữ và tạo lập những land mark của đô thị (những dấu mốc, điểm hẹn)

Cột đồng hồ TP Hạ Long (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)

“Cột đồng hồ” là một dấu mốc khá nổi tiếng của Hạ Long. Nơi đây từng là điểm xe chờ đón công nhân đi làm trên mỏ nên rất thân thuộc với rất nhiều người. Việc đặt chiếc đồng hồ để công nhân đi làm ca được biết giờ giấc trong thời bao cấp thật là đáng quý, vì mấy ai có đồng hồ riêng, người dân nhìn vào cột đồng hồ là muốn để xem giờ thật sự.

Cột đồng hồ hiện nay được đặt đúng vị trí cột đồng hồ trước đây, xây cao hơn, vật liệu hiện đại phù hợp với không gian kiến trúc công trình xung quanh – Xứng đáng là công trình điểm nhấn trong các trục đường quan trọng của TP. Cột đồng hồ mới là một sự tiếp nối quá khứ, là không gian nơi chốn đáng ghi nhận.

Có một chi tiết có thể cần được xem xét điều chỉnh chính là cái đồng hồ. Tác phẩm mới dường như không quan tâm đến việc người đến đây có xem được giờ hay không vì chiếc đồng hồ đặt ở cao, vượt tầm nhìn quan sát của người đi đường, màu kim chỉ giờ bị lẫn với màu kính vàng, rất khó xem.

Những cột mốc, điểm hẹn này cần hình thành nhiều hơn nữa trong đô thị, với nhiều cách sáng tạo mới.

Gìn giữ, tái hiện những dấu ấn lịch sử

Ngoài những dấu ấn lịch sử như những bài thơ của vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Cẩn trên núi Bài Thơ, Nhà tù của thực dân Pháp, đồi Đặng Bá Hát..cần được gìn giữ theo Luật Di sản, ngoài những hiện vật trong bảo tàng, Hạ Long cũng cần quan tâm tái hiện lại những không gian mang dấu ấn của thị xã vùng mỏ, của thị xã Hòn Gai mà đã xóa bỏ.

  • Khu vực kho than 2, 3 ở Ba Đèo, Giếng Đồn hiện đã không còn nhưng có thể dùng giải pháp tái hiện một đoạn đường ray, toa tàu chở than hoặc tổ hợp tượng người công nhân…để tái hiện ký ức về một vùng đất than, nghề làm than đã từng là nghề nghiệp máu thịt, cuộc sống của nhiều thế hệ người dân Hạ Long hôm nay;
  • Khu vực tuyến phố đi bộ ven chân núi Bài Thơ mới hình thành cũng là một không gian tốt để tái hiện lịch sử thông qua các thiết kế kiến trúc nhỏ, tượng, nghệ thuật công cộng về cuộc sống;
  • Cảng Mới, nơi đã từng là chợ cá tấp nập, hát đối trên bến dưới thuyền cần tái hiện những dấu ấn văn hóa lịch sử, không chỉ là cầu đi bộ ngắm cảnh như hiện nay.

Tăng cường không gian đi bộ trong các đường phố

Bãi tắm Hòn Gai (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)

Hiện nay, ngoại trừ đường Trần Quốc Nghiễn TP Hạ Long ven biển có đường đi bộ rộng rãi, rất nhiều tuyến đường nội đô, khu vực trung tâm có hè đường rất hẹp, chỉ từ 3-4m. Điển hình là đường Trần Hưng Đạo, lòng đường rộng hơn 40m nhưng hè đường chỉ hơn 3 m. Khu phố Giếng Đồn, tập trung nhiều quán ăn, nhất là ăn sáng, ăn tối nhưng hè phố cũng chỉ rộng 3m. Đây là không gian giao tiếp của người dân, tạo nên những đặc tính xã hội đô thị nên rất cần chú trọng thiết lập.

Khu vực dân cư ven đồi

Các khu dân cư ven đồi là khu vực dân cư định cư lâu nhất ở Hạ Long, trước khi hình thành các khu đô thị mới, khu chung cư. Những thế hệ dân cư đầu từ các miền quê như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương… ra Hòn Gai từ năm 1930 đã sống ở đây, cho đến tận khoảng năm 2000 mới chuyển dần ra khu vực có chung cư, dự án lấn biển. Vì vậy, nó đã tạo nên những không gian có tính đặc trưng xã hội cao, người dân quen biết nhau, hình thành các ngõ nhỏ chạy từ dưới chân lên đỉnh đồi, mỗi ngõ có hàng chục hộ gia đình. Người dân ở đây đã chia sẻ không gian, gánh nước, gánh than, tôi vôi, đóng gạch xỉ xây nhà, trồng rau…tạo nên mối quan hệ láng giếng mật thiết.

Không gian ngõ điển hình của các khu dân cư ven đồi

Đây là những không gian mang hồn nơi chốn với đặc trưng rất riêng của Hạ Long. Những khu vực này cần có quy hoạch để đảm bảo đường ngõ, thoát nước được tốt. Một số khu vực có thể cải tạo phát triển dạng du lịch cộng đồng, làm homestay.

Gìn giữ các địa danh

TP phát triển với nhiều tên mới như: Khu Hà Khánh, đường Trần Quốc Nghiễn, đường Lê Thánh Tông… Những tên cũ của Hòn Gai mà người dân thường gọi đã thay đổi như: Bến phà Bãi Cháy, bến Đoan (bây giờ là khu đô thị Vinhomes Dragonbay), Núi Xẻ, Giáp Khẩu, Gốc Gạo, bến đò Bang, cầu Kênh Liêm, Ba Đèo, Bãi Xít, Cọc 3, cọc 5, cọc 8…; vẫn giữ được một số địa danh cũ từ thời Pháp như Loong Tòong, Giếng Đồn. Mỗi một địa danh cũ đều gắn với những ký ức của cả một thế hệ, nếu một khách du lịch hỏi một người lớn tuổi sẽ được kể cặn kẽ về ý nghĩa, những câu chuyện của địa danh này, tức đã là được hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của Hạ Long. Vì vậy, rất cần được gìn giữ và có thể khôi phục nếu có thể.

Còn nhiều không gian có thể mổ xẻ, phân tích hơn nữa trên góc nhìn về tinh thần nơi chốn. Hạ Long cần tăng cường công tác thiết kế đô thị để có thể đưa các ý tưởng tổ chức không gian có tính nhân văn cao vào trong quy hoạch, xây dựng ngay từ đầu cũng như kết hợp thực hiện chỉnh trang lại các tuyến phố, các khu vực phát triển mới.

Bao nhiêu biến động, đổi thay, mới cũ luân chuyển. TP sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều lần, hàng trăm ngàn người mới sẽ đến, cơ hội phát triển kèm theo thách thức… Hy vọng TP Hạ Long trong 10 năm tới sẽ có thêm nhiều không gian mang tinh thần nơi chốn mới…

 PGS.TS PHẠM  HÙNG CƯỜNG 
 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.