Gỡ các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội

MTXD - Để tháo gỡ các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính, ban hành những cơ chế, chính sách phát triển NƠXH đủ mạnh thay cho những quy định cứng nhắc, để cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay tham gia xây dựng NƠXH.

MTXD - Để tháo gỡ các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính, ban hành những cơ chế, chính sách phát triển NƠXH đủ mạnh thay cho những quy định cứng nhắc, để cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay tham gia xây dựng NƠXH.

1. Đặt vấn đề

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề nhà ở xã hội luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, với tốc độ nhanh, tăng trưởng kinh tế phát triển, kéo theo nhu cầu về nhà ở tại các thành phố và đô thị ngày càng lớn, làm cho người có thu nhập thấp khó có khả năng tiếp cận được NƠXH, khiến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nhà ở đô thị ngày càng cao.

Việc bảo đảm sự phát triển NƠXH, ổn định trong cơ cấu nhà ở đô thị thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đã góp phần hạn chế sự mất cân đối cơ cấu nhà ở tại đô thị và các thành phố lớn, tạo chỗ ở ổn định, lâu dài cho người dân, đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp…

Thời gian qua, các dự án NƠXH tại đô thị, nhà ở cho công nhân đã được triển khai xây dựng ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nhà ở cho những người thu nhập thấp, những gia đình chính sách, công nhân và đông đảo các bộ phận dân cư trong xã hội. Người yếu thế, hộ gia đình, cá nhân là người có công với cách mạng, hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai… đã được hỗ trợ cải thiện nhà ở bằng nhiều hình thức, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Sự phát triển của thị trường nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đã thu hút nguồn vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng thu cho ngân sách nhà nước, thu hút lực lượng lớn lao động và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển. Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước như Viglacera, Vinaconex, Licogi, HUD…, mà các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Him Lam, Becamex Bình Dương… cũng đang rất tích cực trong việc tham gia phát triển NƠXH.

Tuy nhiên, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, đa số công nhân hầu như không có khả năng tiếp cận với NƠXH. Mặc dù không có chỗ ở và gặp rất nhiều khó khăn về cải thiện điều kiện ở nhưng đa số cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động lại có mức thu nhập không đủ để trang trải và tích lũy cho chi phí về nhà ở.

Trong thực tế, khi phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch đang có biểu hiện dư thừa, thì phân khúc NƠXH, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá rẻ cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng trên thị trường nhà ở. Với các chính sách về nhà ở, đất đai như hiện nay, đa phần các doanh nghiệp bất động sản vẫn quay lưng với phân khúc này, bởi còn rất nhiều khó khăn xuyên suốt quá trình triển khai NƠXH.

Theo Luật Nhà ở, đất để phát triển NƠXH bao gồm:

a) Đất được Nhà nước giao để xây dựng nhà ở cho thuê, cho thuê mua, bán;

b) Đất được Nhà nước cho thuê để xây dựng nhà ở cho thuê;

c) Diện tích đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chủ đầu tư phải dành để xây dựng NƠXH (20%);

d) Đất ở hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dùng để xây dựng NƠXH.

Theo đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định: "Tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH theo quy định của Chính phủ".

Tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH, nội dung này đã được quy định cụ thể hơn: “Tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng nông thôn; quy hoạch phát triển khu công nghiệp; quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, trường dạy nghề (trừ viện nghiên cứu khoa học, trường phổ thông dân tộc nội trú công lập trên địa bàn), UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào nhu cầu NƠXH trên địa bàn và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt để bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển NƠXH; chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án xây dựng NƠXH đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để phát triển NƠXH”.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị loại đặc biệt và loại I có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên, hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III, chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng NƠXH”.

Các quy định này phù hợp với quyết tâm của Chính phủ trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021): “khi lập, phê duyệt quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội”.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng NƠXH trong cùng dự án. Việc bố trí 20% quỹ đất bên trong dự án đô thị, nhà ở thương mại vô hình chung sẽ phá vỡ tổng thể dự án, làm ảnh hưởng đến cả hai nhóm đối tượng là người có thu nhập cao và người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Ngoài ra, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, hầu hết các dự án đều có quy mô nhỏ, vị trí đất đai lại có giá trị lớn, nên yêu cầu bố trí quỹ đất 20% là rất khó thực hiện.

Điều này cho thấy, Luật Nhà ở đã và đang phần nào bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt cùng với sự xuất hiện của các văn bản Luật và Nghị định sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai, đã khiến cho hàng trăm dự án NƠXH trên cả nước bị vướng mắc, gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích một số những vướng mắc trong quy định pháp luật nhà ở hiện hành liên quan đến quỹ đất phát triển NƠXH.

Ảnh minh họa : Internet

2. Một số hạn chế trong quy định về quỹ đất phát triển NƠXH

Theo quy định, các dự án NƠXH được hưởng một số chính sách ưu đãi như vay lãi suất thấp, tăng 1,5 lần các chỉ tiêu so với quy hoạch chung của khu vực. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã không mặn mà với phân khúc này.

Thứ nhất, mặc dù cho phép tăng 1,5 các chỉ tiêu quy hoạch nhưng quy định lại bị ràng buộc bởi quy định tại NĐ 31/2021NĐ-CP, đó là để được chấp thuận đầu tư phải đánh giá sơ bộ sự phù hợp quy hoạch của dự án với quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu sau đó mới điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Đây thực chất là một vòng luẩn quẩn. Vì theo Sở KH&ĐT ở các địa phương, để được chấp thuận đầu tư thì phải điều chỉnh quy hoạch. Trong khi các Sở ngành khác lại cho rằng khi Sở KH&ĐT chưa ra chấp thuận chủ trương đầu tư thì chưa thể điều chỉnh cục bộ được.

Thứ hai, liên quan đến quy định về phát triển NƠXH trong quỹ đất 20% của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Có nhiều ý kiến cho rằng quy định này trong thực tế không hiệu quả, do việc điều tiết NƠXH thông qua các chính sách hỗ trợ như hiện nay không đủ hấp dẫn và khó thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển NƠXH, dẫn đến nhiều chủ đầu tư giữ đất nhiều năm nhưng vẫn không chịu triển khai xây dựng.

Việc quy định quỹ đất 20% gắn với các khu đô thị, khu dân cư mới đang gây khó khăn trong công tác xây dựng NƠXH cũng như phát triển nhà ở thương mại. Nhiều chủ đầu tư e ngại xây dựng NƠXH đồng thời với nhà ở thương mại trong cùng dự án vì sẽ kéo giá trị của dự án, giá bán căn hộ thương mại xuống thấp. Bởi lẽ, giá trị căn nhà không chỉ xác định trên chi phí xây dựng mà còn ở vị trí của dự án, các tiện ích xã hội đi kèm.

Việc bắt buộc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng NƠXH sẽ khiến kiến trúc, cảnh quan, không gian chung của cả dự án không đồng bộ, thiếu mỹ quan, giảm hiệu quả đầu tư và khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích... Thêm nữa, khi trong dự án nhà ở thương mại, thường dành cho người có thu nhập cao lại có 20% diện tích NƠXH dẫn đến tình trạng sản phẩm bị phân mảnh, tạo sự chênh lệch về hình thức và chất lượng, dễ dẫn đến phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó, trong dự án thuộc phân khúc cao cấp - trung cấp hoặc trong khu vực trung tâm đô thị, giá trị thực tế của NƠXH, chi phí sinh hoạt thường sẽ bị đẩy lên cao, dẫn đến người thu nhập thấp khó có điều kiện chi trả.

Mặt khác, đối với một số địa phương ít có nhu cầu phát triển NƠXH, việc quy định cứng quỹ đất 20% sẽ gây khó khăn cho việc phát triển nhà ở thương mại, nhất là đối với các dự án trung cấp và cao cấp tại khu vực trung tâm. Ví dụ, một dự án chỉ có 2 ha đất, ở vị trí “đất vàng” hoặc “đắc địa”, chủ đầu tư phải bồi thường giải phóng mặt bằng với giá cao, trong khi tiền đất được khấu trừ cho quỹ đất NƠXH lại tính theo đơn giá nhà nước, điều này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư, đồng thời cũng đẩy giá thành NƠXH lên cao.

Thứ ba, tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP không còn sử dụng cụm từ “không phân biệt quy mô diện tích đất” và quy định dự án nhà ở thương mại “nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% làm NƠXH”, điều này gây ra tình trạng không công bằng giữa các dự án nhà ở thương mại và không phù hợp với Luật Nhà ở.

Thứ tư, việc chỉ chú trọng vào 20% quỹ đất trong các dự án phát triển thương mại, khu đô thị mới dẫn đến hầu hết các địa phương không chú ý bố trí quỹ đất để phát triển dự án NƠXH độc lập. Việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị, dẫn đến quỹ đất để phát triển NƠXH trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.

Thứ năm, Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định “Đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”.

Việc cho phép hoán đổi quỹ đất 20% do có sự thay đổi quy hoạch chi tiết sẽ dẫn đến tình trạng rất nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ đề xuất hoán đổi quỹ đất 20% với lý do không phù hợp quy hoạch và việc quy định phải được Thủ tướng chính phủ xem xét chấp thuận sẽ kéo dài thời gian triển khai dự án.

Thứ sáu, việc không có quy định cụ thể về vị trí, thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH trong dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, nên các chủ đầu tư thường bố trí quỹ đất 20% ở vị trí không thuận lợi của dự án hoặc bố trí tại vị trí khó giải phóng mặt bằng, dẫn đến mặc dù đã có quy hoạch về quỹ đất NƠXH trong dự án nhà ở thương mại nhưng không được thực hiện.

Như vậy, để tháo gỡ các nút thắt trong phát triển NƠXH, Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính, ban hành những cơ chế, chính sách phát triển NƠXH đủ mạnh thay cho những quy định cứng nhắc, để cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay tham gia xây dựng NƠXH.

Khu nhà ở xã hội CT3, CT4 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Phát triển NƠXH là hướng đến sản phẩm bình dân để người nghèo, người thu  nhập thấp, công nhân dễ dàng tiếp cận và sở hữu. Vì vậy, dự án NƠXH nên là đầu tư công, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước cần phải tạo quỹ đất sạch cho các dự án phát triển NƠXH, hướng tới NƠXH có giá mua, thuê hoặc thuê mua thấp để phù hợp với khả năng tài chính của các đối tượng được thụ hưởng, để người mua hoặc thuê, thuê mua chỉ phải bỏ ra một khoản tiền ít hơn mà vẫn thỏa mãn về điều kiện ở của mình.

Điều này lại càng đúng khi Luật Nhà ở đã định nghĩa NƠXH là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đó cũng là lý do tại sao Luật lại quy định phải dành 20% quỹ đất trong các dự án phát triển nhà thương mại cho NƠXH. Điều này là để tạo cơ hội cho các đối tượng xã hội được thụ hưởng với chất lượng cao hơn khi được tiếp cận, sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của nhà ở thương mại.

Trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở lần này, Bộ Xây dựng đang đề xuất phương án, bỏ quy định dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; quy định việc bố trí quỹ đất phát triển NƠXH là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Trong khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… phải bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH. Hiện phương án này đang nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải cân nhắc kỹ việc sửa đổi này vì theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021), đã nêu “khi lập, phê duyệt quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm NƠXH”. Với quỹ đất 20% của hàng nghìn dự án nhà ở thương mại trên cả nước đang là con số cần quan tâm để tạo thêm quỹ NƠXH vốn đang rất thiếu và hiếm này. 

Khi giao cho các địa phương, thì phải quy định: Khi lập quy hoạch đô thị các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu đại học… phải quy hoạch quỹ đất để xây các khu NƠXH, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Cần dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư.

Tuân thủ Nghị định số 35/2022/NQ-CP quy định: Khi lập danh mục các khu công nghiệp phải dành tối thiểu 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp. 

Đối với quy định dành quỹ đất 20% của các dự án phát triển ở thương mại, khu đô thị, khi sửa đổi Luật Nhà ở, thay vì áp đặt, nên điều chỉnh quy định theo hướng phù hợp, linh hoạt, khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Việc bố trí quỹ đất cho các dự án NƠXH phải thuận nhất để mọi thành phần đều có thể chủ động tham gia vào phân khúc này. Có thể nghiên cứu cho phép chủ đầu tư lựa chọn một trong các hình thức sau: (i) được chọn làm chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH; (ii) hoán đổi quỹ đất xây NƠXH có giá trị tương đương tại vị trí khác (theo hệ số hoán đổi phù hợp); (iii) chọn việc thanh toán bằng tiền cho nhà nước theo giá thị trường, dùng vào việc xây dựng NƠXH, chứ không hòa chung vào vốn ngân sách như hiện nay.

Cần nghiên cứu bổ sung các quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn để xác định quỹ đất phát triển NƠXH trong các đồ án quy hoạch chung đô thị. Cụ thể, nghiên cứu các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng NƠXH trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị; bổ sung quy định về xác định quỹ đất xây dựng NƠXH ngay khi đề xuất chủ trương phát triển các khu công nghiệp; nghiên cứu mô hình cư trú, tổ chức các hệ thống hạ tầng xã hội thiết yếu, thuận lợi về giao thông kết nối giữa khu ở và khu sản xuất…

Các khu NƠXH phải được kết nối thuận tiện với khu vực trung tâm bằng các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng như hệ thống xe buýt nhanh, metro. 

Ban hành cơ chế riêng đối với trình tự, thủ tục thực hiện dự án phát triển NƠXH nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia. Có cơ chế khuyến khích (về đất đai, tài chính, xây dựng...) đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê (nhà trọ) theo mô hình NƠXH, để nâng cao chất lượng nhà ở cho thuê, phục vụ tốt hơn chất lượng sống của người lao động.

Cần thay đổi chính sách, cho phép chủ đầu tư được bán 20% diện tích NƠXH cho thuê trong dự án để sớm thu hồi được vốn, chống lãng phí và tăng sức hút đầu tư vào NƠXH. Rà soát quỹ đất công trong khu đô thị không có nhu cầu hoặc sử dụng kém hiệu quả để kêu gọi đầu tư làm NƠXH.

Nhà nước phải bố trí nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội thiết yếu như: trường học, bệnh viện, khu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi thể thao, chợ... trong và ngoài các dự án NƠXH, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Đồng thời, có riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trách nhiệm phát triển NƠXH là của toàn xã hội trên nguyên tắc bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên tham gia, khẳng định việc phát triển NƠXH là giải pháp phát triển xã hội bền vững, thúc đẩy thị trường NƠXH phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển xã hội theo hướng văn minh, hiện đại. 

Hy vọng rằng, với sự thay đổi của Luật Nhà ở bằng những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; quy định về quy hoạch, quỹ đất phát triển NƠXH; lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước và bãi bỏ những quy định chưa thực sự khuyến khích phát triển NƠXH sẽ là những công cụ hữu ích trong quản lý thị trường NƠXH. Giải quyết tốt NƠXH cho các đối tượng được điều tiết trong Luật Nhà ở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, điều mà Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

KTS TRẦN NGỌC CHÍNH

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

(nguồntapchixaydung.vn)

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.