Hành lang xanh trong cấu trúc đô thị phát triển bền vững
MTXD - Hướng tới các đô thị xanh, có rất nhiều chỉ tiêu về hạ tầng đô thị xanh, công trình xanh, các sản phẩm đô thị … Hành lang xanh trong cấu trúc đô thị đóng góp một vai trò rất quan trọng cho mục đích phát triển bền vững của đô thị.
Bài viết sẽ đi sâu vào một số khái niệm về hành lang xanh (HLX), và đặc điểm HLX ở một số đô thị trên Thế giới và Việt Nam. Từ đó có một số đề xuất cho việc duy trì và phát triển HLX ở các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn.
Mở đầu
Các thành phố lớn trên thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ II, nhằm giải quyết tình trạng đô thị hoá lan tỏa đã coi vành đai xanh là một trong những giải pháp quy hoạch mang tầm vóc quốc tế. Khái niệm “vành đai xanh” là ý tưởng quy hoạch kế thừa từ mô hình thành phố Vườn, áp dụng lần đầu ở quy hoạch thủ đô London, sau này phổ biến rộng rãi trên thế giới với những tên gọi và ứng dụng khác nhau như: HLX, dải xanh, con đường xanh, trái tim xanh, không gian xanh, hạ tầng xanh. Hà Nội đã có lựa chọn giải pháp “HLX” trong QHC Thủ đô Hà Nội.
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, các quy hoạch chung ở Việt nam được rà soát điều sau 10 năm thực hiện. HLX Hà Nội là một trong những “đối tượng quy hoạch” có nhiều quan điểm khác nhau được thảo luận điều chỉnh trong kỳ quy hoạch tiếp theo.
Trong đó: Quan điểm ủng hộ và đồng thuận duy trì HLX chủ yếu là các nhà nghiên cứu về môi trường; họ cho rằng HLX cứu cánh cho Hà Nội đối mặt với BĐKH ngày càng thảm khốc. Quan điểm không ủng hộ chủ yếu là các nhà nghiên cứu kinh tế và phát triển BĐS; họ cho rằng HLX là duy ý trí và cản trở sự phát triển của Thủ đô.
Ảnh minh họa.- Internet
Nhiều vấn đề và câu hỏi được đặt ra: tính khả thi của HLX Hà Nội như thế nào khi mà ở đó có hàng ngàn làng xã nông thôn đang phát triển; ranh giới và chức năng của HLX không rõ ràng nên khó quản lý; thực tiễn vẫn có tình trạng xây dựng trong HLX.
Nhiều ý kiến cho rằng ý nghĩa của HLX chưa phù hợp với mục tiêu phát triển quốc gia và chiến lược đô thị hóa quốc gia bởi sự “phân cách” của HLX đã làm cản trở phát triển đô thị vệ tinh, và cản trở liên kết đô thị với nông thôn; diện tích HLX quá lớn không? khi Hà Nội là cực tăng trưởng quốc gia (theo NQ 81) cần phải sử dụng đất hiệu quả.
Một số khái niệm và lý thuyết liên quan
HLX hay vành đai xanh thế giới trong nhiều năm qua được giới học giả và nhà quản lý đô thị quan tâm; có nhiều nghiên cứu đề cập đến việc đổi mới tư duy về khái niệm này.
Hành lang xanh: Là các không gian mở, công viên cây xanh, đất nông nghiệp hoặc các khu vực tự nhiên được hình thành dưới dạng các dải đan xen bên trong hoặc bao bọc bên ngoài đô thị vì các mục đích bảo tồn môi trường và cảnh quan. Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011: “Bao gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị".
Cấu trúc HLX là cấu trúc dạng tuyến, lấy dòng chảy tự nhiên làm trục chủ đạo, gắn kết di sản văn hóa, khu vực phát triển dịch vụ, đất nông nghiệp, làng xã mật độ thấp bằng các liên kết xanh.
Không gian xanh: Trong quy hoạch sử dụng đất, không gian xanh là không gian mở dành cho công viên và các "không gian xanh” khác, bao gồm đời sống thực vật và các loại môi trường tự nhiên khác. Không gian xanh đô thị mở rộng bao gồm các dạng thức như vành đai xanh, HLX, tuyến xanh, mạng xanh, nêm xanh…
Cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX: Quy hoạch không gian xanh gắn với sự hình thành các trung tâm công nghiệp lớn và sự ra đời của chùm đô thị. Các giải pháp quy hoạch - kiến trúc của thành phố đều yêu cầu có hệ thống đất cây xanh dưới dạng cấu trúc vành đai xanh, dải xanh hướng tâm hoặc dải xanh dọc hành lang sông …
Trong giai đoạn này các nhà quy hoạch tập trung vào việc nghiên cứu tìm kiếm mối tương quan tối ưu giữa khu vực đất công trình và đất cây xanh. Hệ thống không gian xanh có vai trò quan trọng trong việc cách ly, tăng thẩm mỹ và bổ sung chức năng nghỉ ngơi thư giãn.
Trong các sơ đồ quy hoạch tổng thể phát triển của các thành phố đã bắt đầu xuất hiện các mảng xanh tự nhiên với diện tích lớn. Trong đó có thể đưa ra một số lý thuyết quy hoạch đô thị tiêu biểu như sau:
- Lý thuyết thành phố dải của Soria - Y - Mata (1884): Hệ thống cây xanh bao gồm khu nông nghiệp và khu nghỉ dưỡng được bố trí thành một dải hẹp chạy dọc các khu nhà chức năng của đô thị được xây dựng bám theo trục đường xa lộ.
- Lý thuyết thành phố vườn của Ebenezer Howard (1898 - 1902): Không gian xanh là vành đai xanh giữa thành phố trung tâm và thành phố vệ tinh.
- Lý thuyết đô thị của E.Enar (1904). Không gian xanh được phân bố đồng đều giữa trung tâm và vành đai.
- Lý thuyết đô thị của Rudolf Eberstadt (1910): Không gian xanh là các tuyến xanh hướng tâm kết nối với vành đai xanh bên ngoài.
- Lý thuyết đô thị của R.Envin (1922): Không gian xanh là hệ thống cây xanh liên hoàn.
- Lý thuyết đô thị của N.Baranov (1950): Dải cây xanh sẽ tách khu vực dân cư ra khỏi khu vực công nghiệp và sản xuất.
Nửa sau thế kỷ XX: Các thành phố cùng các khu vực lân cận có sự khác biệt so với thời kỳ trước bởi cách tiếp cận tổng thể trong thiết kế của các thành phố cùng các khu vực lân cận. Trong đó có thể đưa ra một số lý thuyết quy hoạch đô thị tiêu biểu như sau:
- Lý thuyết thành phố sinh thái của P. Xoleri (1960): Không gian xanh có dạng loại hình cấu trúc vành đai xanh mềm, liên kết các không gian xanh bên trong và bên ngoài đô thị thành một hệ thống.
- Lý thuyết thành phố phát triển theo các đường hướng tâm của R.Hillebreht (1961): Không gian xanh có dạng loại hình cấu trúc nêm xanh, hướng tâm nhằm đưa không gian xanh ngoại ô vào trong lòng đô thị.
- Lý thuyết thành phố của đường cao tốc của I.Gluza năm (1972): Không gian xanh có dạng loại hình cấu trúc vành đai xanh toàn bộ vùng ngoại thành, hạn chế đô thị phát triển lan tỏa theo trục đường cao tốc.
Vào cuối thế kỷ XX: đã xuất hiện những lý thuyết mới như phát triển bền vững (ESSD), Chủ nghĩa đô thị mới (New Urbanism) Tăng trưởng thông minh (Smart Growth)... đã đưa ra những định nghĩa mới về không gian xanh đô thị. [1]
Đầu thế kỷ XXI, sự phát triển nhanh chóng của thành phố cả về chiều cao lẫn bề rộng đã làm suy giảm diện tích các khu vui chơi giải trí, khu nghỉ ngơi có chưa đựng các yếu tố cảnh quan tự nhiên của đô thị. Do đó, đã xuất hiện xu hướng mới về quy hoạch không gian xanh đô thị gắn với các lý thuyết sau: Đô thị nén (Compact City); TND (Traditional Nighborhood Development); Underground Development, Waterfront Development, TOD, Mixed Landuse Development, MXD. Điểm chung của những xu hướng mới này là đưa ra quan điểm phải bảo tồn và duy trì hình thái khung tự nhiên của đô thị, thông qua việc quản lý hiệu quả sự biến động gia tăng của dân số thành thị và phát triển đô thị theo chiều cao.
Năm 1929, Kiến trúc sư trưởng của Hội đồng quy hoạch vùng Luân Đôn đề xuất cấu trúc vành đai xanh toàn bộ vùng ngoại thành. Năm 1935, quy hoạch vành đai xanh Luân Đôn được triển khai thực hiện. Hiện nay, Vương quốc Anh có 14 thành phố thiết lập quy hoạch vành đai xanh. Giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1960: cấu trúc vành đai xanh trở thành ngôn ngữ quy hoạch quốc tế, chức năng vành đai xanh là các vùng xanh thiên về khía cạnh môi trường, trong đó chủ yếu là đất rừng và đất nông nghiệp bao bọc ngoài đô thị trung tâm [2].
Ý tưởng về HLX (green corridor) với mục đích kết nối tạo ra tính liên tục cho không gian xanh đô thị được dựa trên khái niệm “Parkways” của Olmsted. Theo J.Ahern (1995) [5], HLX là sự kết nối của các tuyến không gian được lên kế hoạch, thiết kế và quản lý cho mục đích: sinh thái, giải trí, văn hóa, thẩm mỹ.
Theo Salici (2010) [6], HLX là các tuyến đường đẹp dọc theo các con sông, con suối hay các đường tuyến đường sắt cũ phục vụ cho các hoạt động ngoài trời như chạy bộ, leo núi, đi xe đạp dọc theo bờ sông. HLX không có ý nghĩa kiểm soát phát triển đô thị lan tỏa.
Cấu trúc xanh: Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1970, xuất hiện nhiều quan điểm mới về cấu trúc xanh không chỉ thuần về khía cạnh môi trường mà có sự tham ra của các chức năng phát triển kinh tế như nông nghiệp, du lịch và vui chơi giải trí.
Giai đoạn này đã hình thành nhiều cấu trúc xanh mới như: vành đai xanh một lớp hay nhiều lớp, mạng xanh, nêm xanh, tuyến xanh... Từ năm 1970 đến nay, các cấu trúc xanh đã được áp dụng phổ biến trong quy hoạch đô thị tại các quốc gia Châu Á.
Hành lang xanh, vành đai xanh, không gian xanh củamột số thành phố trên thế giới [2]
HLX trong cấu trúc Thủ đô Hà Nội
HLX Hà Nội đến nay đã có một số nghiên cứu giải đáp vấn đề khoa học và thực tiễn ứng dụng ở các đô thị tại Việt Nam. Nguyên tắc thiết lập HLX thành phố Hà Nội là quá trình thực hiện đồng thời 05 hành động chính, cụ thể như sau: (i) Khôi phục các dòng chảy tự nhiên, ao hồ và diện tích điền trũng nhằm tạo lập các trục không gian xanh chủ đạo;
(ii) Tạo lập các mảng xanh mới, gia tăng mật độ diện tích xanh trong HLX;
(iii) Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bám theo hành lang sông hồ và khu vực thoát lũ tạo thành hành lang văn hóa;
(iv) Khai thác phát triển kinh tế du lịch sinh thái - văn hóa, nông nghiệp công nghệ cao tạo lập hành lang kinh tế; Kiểm soát phát triển thành phần tiêu cực;
(v) Thiết lập các liên kết giữa khung tự nhiên với chức năng xanh (di sản văn hóa, nông nghiệp, dịch vụ, làng xã) trong khu vực thành hệ thống xanh hoàn chỉnh, liên hoàn và tương hỗ trong quá trình phát triển. Lồng ghép, cộng hưởng 05 hành động chính nhằm tạo lập HLX có tính chất: Tự nhiên - văn hóa - kinh tế xanh - kiểm soát phát triển đô thị, thúc đẩy tối đa vai trò HLX trong phát triển đô thị. [3]
HLX trong quy hoạch cấu trúc không gian Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 (QĐ. 2011)
Nước ta, tỷ lệ đô thị hóa tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 10 năm tới. Kiểm soát đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu đối với hệ thống đô thị toàn quốc, nhất là đối với thành phố lớn. Nhằm nâng cao vai trò vị thế của Thủ đô và kiểm soát đô thị hóa đảm bảo cấu trúc phát triển bền vững, quy hoạch Hà Nội năm 2011 (QĐ 1259) đã được Chính phủ phê duyệt là ý tưởng “Hành lang xanh”.
HLX giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và phát triển đô thị, nông thôn; đảm bảo cho Hà Nội mở rộng bền vững, phát triển “cân bằng” dựa trên bảo tồn. Đồng thời, HLX làm cho Hà Nội khác biệt với thủ đô khác trên thế giới; đó là trong không gian thủ đô HLX chứa đựng vùng nông thôn rộng lớn với những làng xóm nhỏ lẻ sinh thái.
HLX Hà Nội là không gian hỗn hợp các chức năng khác nhau như nông nghiệp, bảo tồn sinh thái, du lịch, làng nghề TTCN, làng xã, di sản văn hoá… Dưới tác động của đô thị hóa, HLX phía Tây Hà Nội đang trong quá trình chuyển đổi, phân hoá hình thái không gian cảnh quan nông thôn. Yêu cầu tổ chức không gian HLX Hà Nội: phục hồi cảnh quan sinh thái, bảo vệ môi trường sinh học dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh tự nhiên với khu vực nội đô tạo ra các đặc trưng môi trường về văn hóa, sinh thái, kiến trúc, mặt nước, cây xanh; giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch và vui chơi giải trí; thiết lập các tuyến hành lang bảo vệ cho các sông, hồ, đập thủy lợi, giảm nhẹ tác động lũ lụt, xử lý rác thải, nước thải, cải thiện ô nhiễm làng nghề, cải tạo sông Đáy, xây dựng các mô hình làng sinh thái.
Một trong những vấn đề nhức nhối trong HLX Hà Nội hiện nay là tình trạng môi trường nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sản xuất nông nghiệp đòi hỏi sử dụng nhiều máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu gây ra tiếng ồn và làm ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe và tiện nghi sống của người dân. Khu vực chuồng trại chỉ được xây tạm bợ, cơi nới gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khu vực ô nhiễm nhất phải kể đến môi trường tại các làng nghề. Do sự phát triển tự phát thiếu quy hoạch, cơ sở vật chất yếu kém, trình độ công nghệ lạc hậu, ý thức bảo vệ môi trường yếu kém nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang trở nên trầm trọng. Hầu hết các cơ sở sản xuất theo hộ đặt tại nhà và nằm trong khu dân cư nên việc thu gom và xử lý chất thải rất khó khăn. Hầu hết các làng nghề chưa đầu tư bất kỳ giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, bụi, chất thải rắn, nước thải sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt của làng.
Khung địa lý tự nhiên và cảnh quan nông nghiệp truyền thống của HLX phía Tây Hà Nội nằm trong lưu vực giữa hai con sông Đáy và sông Tích. Chúng bồi đắp phù sa cho các đồng bằng cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp truyền thống và không kém phần quan trọng, tạo cảnh quan môi trường. Do đó, sự biến đổi của hai con sông, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến diện mạo cảnh quan nông nghiệp truyền thống.
Trong HLX vùng ven đô phía Tây Hà Nội có cấu trúc và cảnh quan xuất phát từ làng Việt cổ truyền, với sinh kế chính là làm nông. Ở vùng đồng bằng, các làng nông nghiệp thường được xây dựng trên những triền đất cao, phía trên trong đê dọc theo các con sông như sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ.
Trong các làng đường làng, ngõ xóm được bố trí phân nhánh theo hình xương cá, cành cây hay răng lược. Tổ hợp kiến trúc cảnh quan, vì vậy, cũng đều mang đặc trưng biểu tượng làng Việt truyền thống như: Mái đình - cây đa - ao làng; Cây đa - cổng làng - ao làng; Lũy tre - cổng làng - đường vào làng; Đường làng - bờ ao - hàng rào duối - cây cau; Cây rơm - bụi chuối - ao bèo; Quán- Cây xanh cánh đồng lúa.
Đặc điểm không gian hỗn hợp trong HLX phía Tây Hà Nội là hình thái xuất hiện đan xen và chồng lấp trong HLX phía Tây Hà Nội, gồm vùng phát triển nông thôn: hỗn hợp (mix) giữa vùng công nghiệp, vùng nhà ở trên đất nông nghiệp năng suất thấp.
Hội tụ các điều kiện biên: tích tụ về hình thái hỗn hợp (mix) không gian, văn hóa tự chủ - tự quản của làng xã truyền thống, cộng sinh nông nghiệp - đô thị. Sở hữu tiềm năng kết hợp hài hòa giữa cả bốn yếu tố tự nhiên (cảnh quan), nông nghiệp (bao gồm cả di sản), công nghiệp (tiểu thủ công nghiệp, đô thị).
Đổi mới tư duy trong duy trì và phát triển HLX: Tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực trong HLX “phát triển bền vững”. Phương châm “tăng trưởng tích cực, tạo tiến bộ về kinh tế - xã hội - môi trường cho các thế hệ tương lai”. Tăng cường không gian xanh chất lượng cao ở nơi đông dân. Vận dụng ý tưởng hành lang xanh thông minh, phù hợp với điều kiện mỗi khu vực.
Bảo tồn đa dạng sinh học trong hành lang xanh
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 [4], sẽ có khoảng 64,3% diện tích HLX được bảo tồn cho mục đích lâm nghiệp, nông nghiệp, cây xanh mặt nước, theo đó, khu vực phát triển dựa trên bảo tồn sẽ chiếm tới 35,7%. Cần thiết quy hoạch bảo vệ nơi sống tiềm năng cho loài sinh vật cần bảo tồn, mặc dù có thể không có cá thể nào của loài này cư trú ở thời điểm quy hoạch.
Cần thiết phải quy hoạch/QH kiến trúc tăng độ kết nối trong cảnh quan để đảm bảo dòng chảy sinh vật vận động liên tục giữa các mảnh nơi sống: giải pháp thiết kế các hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) trong HLX. Bảo vệ mối tương tác giữa các quần thể phụ: ảnh hưởng đến động lực của toàn bộ quần thể cư trú trong một cảnh quan.
Về mặt không gian - sinh thái: Thiết lập trên khu vực lưu vực của sông Đáy, sông Tích. Phát triển nông thôn gắn với đặc trưng sinh thái của từng khu vực, tạo nên các hình thái dân cư nông thôn đặc trưng theo từng khu vực; hiện đại hóa nông thôn gắn với hiện đại hóa sản xuất, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đảm bảo có không gian đủ rộng để phát triển một mô hình nông nghiệp hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao như cây, con giống chất lượng cao; lúa gạo, bò sữa, thủy sản, rau an toàn, hoa, cây cảnh… với chất lượng đồng bộ, năng suất cao, công nghệ sau thu hoạch hiện đại bao gồm vận chuyển, phơi sấy, bảo quản, sơ chế.
Các hộ thuần nông trong các điểm dân cư có mật độ lớn được tổ chức thành hợp tác xã “nông nghiệp đô thị” (urban agriculture) để làm “kinh tế vườn”, áp dụng công nghệ cao, ít cần đất (như nhà kính trồng rau hoa quả hay hầm trồng nấm), có phương tiện chuyên chở ngay sau khi thu hái và sơ chế đến cửa hàng của hợp tác xã và các siêu thị trong nội thành.
Tóm Lại: HLX của Thủ đô Hà Nội có giá trị đặc biệt quan trọng trong cấu trúc của Thành phố, HLX có đặc điểm là một hệ sinh thái đa dạng cộng sinh với nhiều chức năng tồn tại theo lịch sử, với những không gian ruộng đồng, sông núi, làng xóm và thậm chí cả khu đô thị nhỏ, công nghiệp đan xen mật độ thấp. Việc tổ chức duy trì một hệ sinh thái đa dạng theo tư duy mới đối với HLX là vừa bảo tồn duy trì được đa dạng sinh học tự nhiên và vẫn phát triển kinh tế - xã hội hợp lý, cân bằng sinh thái phát triển bền vững.
KTS Phạm Thị Nhâm
Phó Viện trưởng Viện QHĐTNT Quốc gia - BXD
Tài liệu tham khảo:
1. Marco Amati (2016). Urban Green Belts in the Twenty-first Century, Ashgate Publishing Limited, ISBN-13: 9781317003816, England.
2. Nico Herz, Jutta Wolff. Analysing the Green Corridor Concept - Preliminary Results, Hamburg University of Technology Institute for Transport Planning and Logistics, Hamburg.
3. Nguyễn Văn Tuyên (năm 2017), Thiết lập cấu trúc quy hoạch HLX phía Tây Hà Nội của LATS.
4. Thủ tướng Chính phủ (2011). Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011, Hà Nội.
5. Ahern J. (1995), Greenways as a planning strategy. Landscape and urban planning, 1995. 33(1 - 3): p. 131 - 155.
6. Ståhle, A. & Caballero, L. (2010) Greening metropolitan growth: Integrating nature recreation, compactness and spaciousness in regional development planning. International Journal of Urban Sustainable Development, Vol. 2, Nos, 1 - 2, May - November 2010, 64 - 84.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.