Hệ thống hạ tầng xanh trong phát triển đô thị bền vững

Tóm tắt: Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị bền vững. Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Hệ thống hạ tầng xanh đóng góp phần không nhỏ vào việc phát triển đô thị bền vững nói chung và cho các đô thị của Việt Nam nói riêng.

MTXD - Tóm tắt: Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị bền vững. Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Hệ thống hạ tầng xanh đóng góp phần không nhỏ vào việc phát triển đô thị bền vững nói chung và cho các đô thị của Việt Nam nói riêng.

Từ khóa: hệ thống hạ tầng xanh, đô thị bền vững.

Summary: The current overloading and pollution in large cities of Vietnam necessitate the imperative for the formation and development of sustainable urban areas. In the process of building and developing cities in a sustainable direction, understanding and appropriately applying research on green infrastructure systems should be given due attention. The green infrastructure system contributes significantly to the development of sustainable cities in general, and specifically for the cities of Vietnam.

Keywords: green infrastructure system, sustainable urban.

1. Mở đầu

Phát triển đô thị bền vững trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là nhu cầu cấp bách hiện nay, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội; là một phần vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng những thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu và đảm bảo cho các đô thị có khả năng phục hồi trước áp lực toàn cầu ngày càng tăng.
Mục tiêu của phát triển đô thị bền vững là cân bằng giữa sự phát triển của con người và bảo vệ môi trường; khai thác đầy đủ tiềm năng lợi thế của tự nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong mọi lĩnh vực: sản xuất, quản lý, điều hành mà không tổn hại đến môi trường sinh thái…đảm bảo cho cộng đồng được khỏe mạnh, an toàn, công bằng và tạo ra các không gian đáng sống cho tất cả mọi người.

Phát triển đô thị bền vững dựa trên nguyên tắc hợp nhất các yếu tố: Kinh tế đô thị; văn hóa - xã hội đô thị; môi trường sinh thái đô thị; cơ sở hạ tầng đô thị; không gian đô thị và quản lý đô thị. Mỗi yếu tố đó đều cần mang trong mình tính “xanh” và có hướng phát triển chung đảm bảo được các yêu cầu: công bằng, sống tốt và bền vững.

2.Hệ thống hạ tầng xanh
2.1.Một số quan niệm về hệ thống hạ tầng xanh

Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - Khái niệm cơ sở hạ tầng xanh lần đầu tiên được đề xuất bởi hai nhà nghiên cứu Mark A. Benedict và Edward T. McMahon từ năm 2002. Theo đó, hạ tầng xanh là “…một mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang đến các lợi ích cho con người”.

- Khái niệm hạ tầng xanh giờ đây được mở rộng hơn, không chỉ bao gồm các không gian xanh mà còn là “các nguồn tài nguyên sinh vật trong đô thị được con người điều chỉnh để phục vụ các chức năng sinh thái và mang lại lợi ích cho con người” (Matthews và cộng sự, 2015).

- Hạ tầng xanh là mạng lưới các thành tố ‘xanh’ được bảo tồn, hoặc tăng cường, hoặc thiết lập nhằm giải quyết các tiêu cực của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận “xây dựng cùng thiên nhiên” nghĩa là đảm bảo sự hài hòa không đối kháng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn – tăng cường các giá trị của tự nhiên.

2.2. Quan điểm về hệ thống hạ tầng xanh trong quy hoạch xây dựng

- “Hạ tầng” trong quy hoạch xây dựng bao gồm các yếu tố như: giao thông, điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, xử lý chất thải rắn….

- Thuật ngữ “Xanh” bao gồm các yếu tố mang tính bền vững của môi trường, sinh thái, các yếu tố tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cây xanh, cảnh quan, không gian xanh…

=> “Hạ tầng xanh” là các lĩnh vực của hệ thống hạ tầng mang trong mình “yếu tố xanh” nhằm cân bằng các yếu tố tự nhiên, gìn giữ môi trường sinh thái, cân bằng và gìn giữ đa dạng sinh học… hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Bao gồm: hệ thống giao thông mang yếu tố “xanh”; tận dụng không gian cây xanh, mặt nước; khai thác, sử dụng nước mưa trong việc cung cấp nước sạch; các biện giáp thu gom và xử lý nước thải thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng sạch; các giải pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường; ứng dụng các khoa học công nghệ tiên tiến vào đời sống, sản xuất và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ…

- Hạ tầng xanh không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh hay tạo ra các không gian xanh đô thị mà còn gồm rất nhiều các giải pháp phải được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô (từ quy mô nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng).

2.3. Quan điểm về Hệ thống hạ tầng xanh ở Việt Nam

Theo đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, hạ tầng đô thị xanh là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, …) và các công trình hạ tầng xã hội (gồm các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên, mặt nước…) theo hướng xanh, an toàn và bền vững.

3.Vai trò và lợi ích của hệ thống hạ tầng xanh với phát triển đô thị bền vững

3.1-Vai trò của hệ thống hạ tầng xanh

Hệ thống hạ tầng xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển đô thị bền vững thông qua các chức năng của hạ tầng xanh như sau:

+ Tăng cường tính bền vững của môi trường: thu hồi và lưu trữ carbon, qua đó giảm thiểu phát thải carbon vào khí quyển; hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu, lũ lụt; lưu trữ nước, giảm thiểu xói mòn, điều chỉnh nhiệt độ môi trường và trở thành vành đai xanh giúp bảo vệ đô thị ven biển dưới tác động của nước biển dâng v.v.

+ Cải thiện phúc lợi cho cộng đồng: hỗ trợ cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần; tăng phúc lợi của cộng đồng bằng việc tạo ra các không gian xanh công cộng; cung cấp thực phẩm xanh, thực phẩm an toàn…

+ Tạo ra những thành phố xanh – thành phố đáng sống thông qua việc tích hợp các yếu tố tự nhiên, như công viên và không gian xanh ... vào cảnh quan đô thị, giảm thiểu những tác động bất lợi trong quá trình đô thị hóa. bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh thái và thân thiện với môi trường.

+ Ứng dụng theo nhiều phương thức khác nhau trong nông nghiệp, quy hoạch và quản lý đô thị, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị. Bên canh việc có thể cung cấp các loại rau củ và nông sản trực tiếp cho thành phố, còn giúp lưu trữ lượng nước mưa tự nhiên, giúp hạn chế lượng nước mưa đổ vào hệthống thoát nước của các thành phố.

3.2. Lợi ích của hệ thống hạ tầng xanh

Phát triển hạ tầng xanh mang lại rất nhiều các lợi ích cho đô thị thông qua
các dịch vụ hệ sinh thái của hạ tầng xanh.

3.2.1. Lợi ích về môi trường

- Hệ thống hạ tầng xanh giúp cho việc quản lý nước mưa một cách hiệu quả bằng cách tích tụ và phân tán nước mưa, qua đó làm giảm nguy cơ lũ lụt, ngăn ngừa ô nhiễm nước và giúp duy trì hệ sinh thái thủy sinh trong lành hơn.

- Hệ thống hạ tầng xanh mang lại nhiều không gian xanh hơn cho các thành phố, thúc đẩy đa dạng sinh học đô thị bằng cách tạo ra môi trường sống chất lượng hơn: Tăng tính đa dạng sinh học và mang lại màu xanh cho các khu dân cư và đô thị; Tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho các loài chim, thực vật bản địa và cư dân

- Hệ thống hạ tầng xanh góp phần ngăn chặn, thích ứng biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm mức tiêu thụ năng lượng.
- Hệ thống hạ tầng xanh giúp lưu giữ nước ngầm hiệu quả và cải thiện đáng kể chất lượng không khí.

3.2.2. Lợi ích về kinh tế

- Phát triển hệ thống hạ tầng xanh giúp giảm đáng kể các chi phí đầu tư cho các giải pháp chống ngập đô thị, nâng cao chất lượng và trữ lượng nước (đặc biệt là nước ngầm), và tiết kiệm năng lượng sử dụng thông qua việc giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị.

 - Các giải pháp như thay thế bo vỉa hè, rãnh nước bê tông và các cống thoát nước mưa bằng hệ thống mương lọc sinh học ven đường trong các khu dân cư có thể tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo dưỡng hàng năm.

 - Phát triển hệ thống hạ tầng xanh giúp làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí xử lý nước thải và tiêu thụ năng lượng.

 - Phát triển hạ tầng xanh còn làm tăng giá trị bất động sản, phát triển du lịch và tạo cơ hội việc làm tại các khu vực có các không gian xanh … góp phần phát triển kinh tế xã hội.

3.2.3. Lợi ích về xã hội và cộng đồng

- Hệ thống hạ tầng xanh có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận không gian xanh, công viên và môi trường tự nhiên. Sụ tiếp cận dễ dàng này có thể giúp giảm bớt cảm giác căng thẳng, mệt mỏi.

- Hệ thống hạ tầng xanh thúc đẩy sức khỏe thể chất bằng cách tạo cơ hội cho các hoạt động như: đi bộ, chạy bộ, không gian tập thể thao ngoài trời và các hoạt động giải trí trong không gian đô thị.

- Hệ thống hạ tầng xanh giúp tạo ra các khu vực cộng đồng nơi cư dân có thể tương tác, giao lưu và phát triển mối liên kết cộng đồng bền chặt hơn. Những không gian chung này thường là địa điểm tổ chức các cuộc tụ họp, sự kiện và hoạt động của khu dân cư, thúc đẩy sự đoàn kết giữa cư dân đô thị.

- Hệ thống hạ tầng xanh giúp cải thiện tình trạng đường phố và an toàn cho người đi xe đạp và người đi bộ.

4. Một số giải pháp ứng dụng để thấy rõ hệ thống hạ tầng xanh có đóng góp rất quan trọng cho công cuộc phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam

- Đối với các đô thị đã và đang phát triển, việc phục hồi hay xây dựng các không gian để phát triển hệ thống hạ tầng xanh là bài toán khó và là một quá trình vô cùng tốn kém do quỹ đất trống trong đô thị ngày một ít cùng với áp lực trong việc phát triển kinh tế và nhu cầu về mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ ngày một tăng. Các đô thị cần tận dụng tất cả các không gian dù là nhỏ nhất để phát triển các giải pháp hạ tầng xanh ở nhiều quy mô và diện tích khác nhau.

- Các giải pháp tồn tại dưới nhiều dạng:

+ Dạng những đặc trưng tự nhiên của đô thị (bảo tồn không gian xanh, không gian mặt nước: Sông, suối, ao hồ, rừng đô thị, đất ngập nước, nông nghiệp đô thị, vườn đô thị…)

+ Dạng nhân tạo được thực hiện bổ sung thêm vào môi trường đô thị (thiết kế sử dụng các mái xanh, tường xanh, trồng thêm cây xanh, nông nghiệp đô thị, vườn đô thị và các bề mặt thấm hút…).

+ Các đô thị bên các bờ biển cũng có thể sử dụng các đặc điểm thiên nhiên vốn có như một phần của thiết kế không gian. Các cảng, bến bãi, và các phần mở rộng khác của môi trường đô thị cũng có thể được cấy yếu tố hạ tầng xanh để thu được lợi ích liên quan đến môi trường biển.

- Một số giải pháp cụ thể có thể áp dụng triển khai như sau:

4.1. Hợp tác với thực vật và đất để làm chậm dòng chảy và làm sạch nước mưa

Cắt giảm dòng chảy của nước mưa bằng cách chuyển một số bề mặt lát đá cứng của đô thị như mái nhà, đường phố và bãi đậu xe… thành các “túi” có chức năng như bọt biển, thấm nước mưa, thay vì hoạt động như máng dẫn để thoát nước mưa. Giảm lưu lượng nước mưa cũng sẽ làm giảm lượng chất thải, chất dinh dưỡng dư thừa và trầm tích đến các vùng nước như mặt ao, hồ và sông trong đô thị.

Các giải pháp cụ thể bao gồm: Sử dụng vườn mưa, mái xanh, tường xanh, các bề mặt thấm hút hoặc mương lọc sinh học.

4.1.1. Vườn mưa

- Vườn mưa là một khu vườn trũng, trồng các thảm thực vật của địa phương. Là một mô hình mô phỏng lại các khu vườn trong tự nhiên.

- Vườn mưa là một trong nhiều giải pháp được thiết kế để xử lý nước mưa ô nhiễm chảy tràn, nó có thể thu và lọc dòng chảy của nước mưa từ trên mái nhà, ban công, đường đi, bãi đậu xe, … và những bề mặt khác xung quanh nhà.

- Nguyên lý thiết kế vườn mưa là tạo ra một vùng trũng có diện tích phù hợp và dựa vào thảm thực vật giữ nước mưa, đồng thời xử lý và lọc các chất bẩn gây ô nhiễm do dòng chảy mang theo. Vườn mưa tích trữ một lượng nước cung cấp cho cây giúp tiết kiệm việc tưới cây, gia tăng độ ẩm, làm giảm nhiệt độ môi trường xung quanh, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (Urban heat island).

- Cây trồng trong vườn mưa bao gồm thảm thực vật chịu ngập như: lan nước, dương xỉ, thủy trúc, lá dứa, sen, súng… Những loại cây này được lựa chọn có đặc tính trong quá trình phát triển sinh học sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng tự nhiên kéo xuống bởi dòng chảy của nước mưa, lọc các chất ô nhiễm đồng thời bộ rễ cây giữ đất giúp ngăn chặn sự xói mòn.

- Vườn mưa có thể cải thiện chất lượng nước và bổ sung vào nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, tạo cảnh quan tự nhiên và thúc đẩy sự đa dạng sinh học trong khu vườn.

- Vườn mưa hứng nước mưa chảy tràn từ đường phố, mái nhà và bãi đậu xe. Thực vật và đất hấp thụ nước đó, làm giảm lượng nước chảy tràn vào hệ thống cống rãnh.

- Trong các đô thị, vườn mưa có thể được bố trí linh hoạt trong công viên của thành phố hoặc sân vườn thuộc các tiểu khu nhà ở, khu công nghệ, khu công nghiệp…

- Tổ chức xây dựng các vườn mưa bậc thang trong các công viên của đô thị

4.1.2. Mái xanh

- Mái xanh là mái của công trình được bao phủ một phần hoặc toàn bộ bởi thực vật và môi trường phát triển của lớp thực vật đó. Mái xanh được trồng trên lớp màng chống thấm, ngoài ra cũng có thể bao gồm các lớp bổ sung khác như lớp ngăn rễ xâm thực, lớp thoát nước và hệ thống tưới tiêu.

(Việc dùng từ "xanh" liên quan đến xu hướng phát triển của môi trường và không đề cập đến mái chỉ đơn thuần là màu xanh như lợp ngói xanh hay phủ tấm lợp màu xanh). Những mái nhà có nhiều cây trồng trong chậu tạo thành khu vườn trên cao, nói chung không được coi là mái xanh thực sự, mặc dù đây là vấn đề đang được tranh luận. Hồ trên mái là một hình thức mái xanh được sử dụng để xử lý nước thải sinh hoạt.

- Mái xanh còn được gọi là "mái sống", phục vụ cho những mục đích khác nhau tùy theo công trình như: hấp thụ nước mưa, tạo sự cách nhiệt, tạo ra một môi trường sống cho động vật hoang dã, góp phần làm giảm nhiệt độ không khí đô thị và chống hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

- Có hai loại mái xanh:

+ Mái tăng cường, dày hơn và có thể gồm nhiều loại thực vật hơn, nhưng nặng hơn và đòi hỏi bảo dưỡng nhiều hơn;

+ Mái bao phủ: được phủ lên một lớp mỏng thực vật và nhẹ hơn
- Ưu điểm lớn của ‘mái nhà xanh’ là việc có thể thiết kế mái nhà loại này theo các hình dạng bất kì bởi các kỹ thuật hiện đại. Ví dụ có thể tận dụng địa hình của mái nhà để điều hòa không khí cho tòa nhà. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, mái “xanh” giúp bảo vệ mái nhà khỏi sức nóng mặt trời, tia cực tím... giảm thiểu tác động của sự thay đổi nhiệt độ giữa đêm và ngày tác động lên lớp chống thấm, giúp kéo dài tuổi thọ của mái.

- Mái “xanh” giúp giảm nhiệt lượng truyền từ mái vào bên trong công trình, giúp công trình mát mẻ hơn, giảm yêu cầu sử dụng máy lạnh trong công trình. Khi có mưa, lớp đất trồng sẽ hấp thu và giữ nước mưa, dùng nước mưa đó để giúp cây phát triển, giúp tiết kiệm nước tưới tiêu, đồng thời có thể tận dụng nước mưa mà không cần phải đầu tư nhiều vào hệ thống thu và lưu trữ nước mưa.

- Bên cạnh đó, các mái nhà phủ cây xanh sẽ đem lại vẻ đẹp cho cảnh quan đô thị, góp phần đưa thiên nhiên gần lại với con người. Các cây trồng trên mái giúp giảm nhiệt độ mái nhà, qua đó giảm nhiệt độ chung của thành phố. Các cây này còn có tác dụng làm trong sạch bầu không khí, hấp thu tiếng ồn, tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho cư dân đô thị.

4.1.3. Tường xanh

- Tường xanh còn được gọi là ‘tường sống’. Thiết kế tường xanh cho các tòa nhà trong một thành phố không chỉ làm nên diện mạo về mặt thẩm mỹ của đô thị đó mà còn có tiềm năng lớn giúp tiết kiệm mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà. Sẽ có nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật nhưng không phải là không thể. Các kỹ thuật mới đang tiếp tục được phát triển với chi phí ngày càng giảm.

- Các bức ‘tường sống’ có hiệu quả tương tự như ‘mái nhà xanh’ như giúp giảm hiện tượng ‘đảo nhiệt đô thị’.

- ‘Tường sống’ được sử dụng như một lớp lọc sinh học. Nước xám sẽ được dẫn từ tầng trên, chảy qua hệ thống, trở thành nước sạch và được dẫn xuống để tái sử dụng ở tầng bên dưới; quy trình có thể diễn ra như một dạng của ‘thác nước’. Các chất dinh dưỡng trong nước sẽ được hấp thụ bởi các cây trồng trên bức tường, làm cho nước chảy tràn xuống sạch sẽ hơn và có thể tái sử dụng nước đó.

4.1.4. Nền thấm

- Là các lớp lát nền thấm cho phép nước mưa ngấm xuống đất, ngược lại với các bề mặt cứng (như bê tông hoặc nhựa đường), nơi nước mưa chảy nhanh vào hệ thống cống rãnh.

      Gạch đất nung tự chèn có khe thấm nước                                                                 Gạch bê tông tự chèn có khe thấm nước

- Hệ thống lát nền thấm có thể cho phép nước mưa thấm xuống và lưu trữ tạm lại dưới đáy lớp lát mặt, để từ từ thấm vào nền đất bên dưới hoặc được dẫn ngang đến các vị trí trữ nước.

- Để làm lớp lát mặt thấm nước có thể sử dụng nhiều loại vật liệu: Bê tông nhựa rỗng, bê tông xi măng loại xốp thoát nước hoặc các vật liệu địa kỹ thuật bằng HDPE chèn bằng cốt liệu đá, sỏi đồng kích cỡ.

- Sử dụng lớp lát dễ thấm trên làn đậu xe nhằm làm giảm tổng lượng nước mưa đi vào hệ thống cống trong mùa mưa lũ.

4.1.5. Mương lọc sinh học

- Mương lọc sinh học là một kiểu cảnh quan được thiết kế nhằm thu gom, vận chuyển, tiêu thoát nguồn nước bề mặt, đồng thời loại bỏ các chất bùn, cặn lắng và các chất gây ô nhiễm môi trường.

- Mương lọc sinh học có độ dốc vừa phải, chỉ bằng 1 – 5 % độ dốc của các kênh mương bình thường và được bao phủ bởi các lớp cỏ cây, thảm thực vật hoặc phân hữu cơ. Dòng chảy của mương lọc sinh học được thiết kế khá nông và rộng, nhằm tối ưu hóa việc thẩm thấu nguồn nước bề mặt và làm giảm lượng cặn lắng cũng như các chất gây ô nhiễm từ nguồn nước tự nhiên như mưa, lũ…

- Dưới đáy của mỗi con mương sinh học cũng thường được thiết kế chứa nhiều đá và cát để tăng cường khả năng thấm hút. Đặc điểm này đặc biệt hữu ích đối với các trường hợp mương lọc sinh học nằm ở những vùng đất có khả năng thẩm thấu hạn chế như các bãi đỗ xe, lòng đường …

- Với khả năng giữ chất ỗ nhiễm, mương lọc sinh học góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái ở các sông hồ, giảm tác động ô nhiễm tới các loài cá và các loài thủy sinh khác. Loại mương này còn có thể làm giảm thiểu lượng khí các bon trong không khí bởi khả năng giữ lại các chất hữu cơ đã biến mương lọc thành một “kho” lưu trữ carbon.

Kết quả của giải pháp:

- Giải quyết được một phần thoát nước khi mưa lớn, vì không thể cứ tăng khẩu độ cống thoát nước lên; Tiết kiệm được kinh phí cho phần hệ thống thoát nước;

- Giữ được độ ẩm của nền đất và không khí trong khu vực, tạo sự mát mẻ, thuận lợi cho cây cỏ phát triển;

- Với kết cấu mặt đường bằng gạch tự chèn, nếu được thiết kế tối ưu sẽ rẻ hơn so với giải pháp bê tông nhựa, do tải trọng và lưu lượng xe trong khu dân cư không quá lớn và đa số phải dùng kết cấu phủ mặt bê tông nhựa với chiều dày tối thiểu theo quy trình thiết kế áo đường mềm

4.2. Xây dựng hệ thống giao thông xanh

Giao thông xanh là hệ thống giao thông đô thị đa dạng, tiện lợi, an toàn, hiệu quả và ít gây ô nhiễm. Giao thông xanh khuyến khích sử dụng xe đạp, đi bộ, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; Các phương tiện tham gia giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường; sử dụng năng lượng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... ; hạn chế sử dụng ô tô cá nhân. Đây là hệ thống vận tải tiết kiệm không gian, chi phí thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên sử dụng đất và không gian và phù hợp với tất cả nhu cầu vận tải.

Các giải pháp để phát triển hệ thống giao thông xanh, ngoài việc việc phát triển hạ tầng phục vụ cho hệ thống giao thông xanh còn cần đến sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển đổi từ “định hướng phương tiện” sang “định hướng cho người dân”; cần những chính sách có tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình giao thông xanh, tạo sự thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh nói riêng.

Một số giải pháp phát triển hạ tầng phục vụ cho hệ thống giao thông xanh:
Mở rộng vỉa hè: giúp giảm tốc độ giao thông và giảm khoảng cách sang đường, tăng khả năng quan sát và an toàn cho người đi bộ. Quy hoạch các tuyến đường dành riêng cho xe đạp: định hướng quy hoạch những tuyến đường riêng dành cho xe đạp kết nối với các tuyến xe buýt công cộng…từ đó mới thúc đẩy, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn, an toàn hơn. Trên tất cả các tuyến đường giao thông, cần phải tăng cường trồng cây xanh và thảm thực vật. Đối với các khu vực không thường xuyên có nước, cần phải lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, nhằm giúp tiết kiệm nước và có thể tái sử dụng nguồn nước mưa hoặc nước thải đã qua sử dụng để tưới cây, rửa đường…

4.3. Quy hoạch và tổ chức các hành lang xanh cho đô thị

- Hành lang xanh của các đô thị bao gồm các khu vực ngoại thành, các
vùng nông nghiệp, hệ thống sông ngòi, ao, hồ, đồi núi, rừng tự nhiên… và các vành đai xanh dọc các con sông của đô thị. Hành lang xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho đô thị, đảm bảo sự phát triển cân bằng với bảo tồn các tài nguyên sinh thái bao gồm thảm xanh, mặt nước đô thị, sông sinh thái, vùng ngập nước…

- Để tổ chức các hành lang xanh cho đô thị, ngoài việc lập quy hoạch tổng thể, cần tạo lập các không gian nhiều diện tích xanh, mật độ xây dựng thấp, cải tạo và phủ xanh hệ thống điểm dân cư nông thôn…

- Xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị với việc đầu tư công nghệ cao, sản xuất theo mô hình công nghiệp để tăng hiệu quả kinh tế. Một số mô hình cụ thể có thể xem xét áp dụng như:

+ Mô hình “hưu nhàn nông nghiệp” – cho phép người dân đô thị thuê đất làm nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu của nhiều người dân đô thị đã về hưu;
+ Mô hình du lịch sinh thái có thể khai thác đất đai có hiệu quả, thân thiện với môi trường và có sức hút đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của người dân đô thị.

+ Hình thành các chức năng phục vụ vui chơi giải trí khác như công viên rừng, khu thể thao ngoài trời phục vụ cho mục tiêu xanh, môi trường và hoạt động nghỉ ngơi cuối tuần của người dân đô thị.

4.4. Tăng cường hệ thống cây xanh đô thị

- Cây xanh là một hệ thống tự nhiên, đóng vai trò như các máy bơm hút nhiệ; hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước giúp không khí trong lành, mát mẻ hơn. Cây xanh đô thị giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều khí ôxi, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường…

- Để tăng cường hệ thống cây xanh cho đô thị, ngoài các giải pháp về mặt chính sách và xây dựng để tăng cường tạo thêm các công viên đô thị, trồng thêm cây xanh đường phố, cây xanh trong các nhóm nhà, cây xanh tập trung trong đơn vị ở... thì còn cần thêm các giải pháp để bổ trợ tạo thêm mảng xanh, tạo cảnh quan xanh cho đô thị như:

+ Phối hợp giữa việc xử lý ô nhiễm và phát triển mảng xanh cảnh quan dọc tuyến kênh rạch hiện hữu của đô thị;

+ Tạo các đảo nổi nhân tạo bằng vật liệu nhẹ - nổi kết hợp với thực vật nổi trên bề mặt ao hồ trong đô thị;

+ Phát triển các mảng xanh trên mái nhà (mái xanh)

+ Phát triển mảng xanh trên các mặt đứng công trình xây dựng (tường xanh)

- Nâng tầm các không gian xanh trong đô thị thành một hệ thống hạ tầng có vai trò quan trọng như các hệ thống hạ tầng thiết yếu khác của đô thị như năng lượng, nước, giao thông hay thông tin liên lạc. Theo đó, quy hoạch đô thị phải tạo ra các không gian xanh và kết nối các không gian xanh đó với nhau. Tỷ lệ đất dành cho không gian xanh của mỗi công trình phải đạt 25-40% tổng diện tích đất tùy khu vực, bao gồm: cây xanh công cộng, cây xanh trong khu nhà riêng, cây trồng vỉa hè… Đồng thời, mỗi đơn vị xây dựng phải có tối thiểu 1 công trình vườn hoa…

4.5- Xây dựng mô hình cung cấp đa lợi ích

- Làm đẹp đô thị, cải thiện cảnh quan đường phố;

- Làm dịu giao thông bằng việc sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng và cây xanh đường phố và bố trí làn đường cố định dành cho người đi bộ và làn đường riêng dành cho xe đạp;

- Tăng cường các không gian tụ họp cộng đồng kết hợp không gian cây xanh;

- Cung cấp các dịch vụ kết nối cho người đi bộ từ các đường giao thông chính đến với các công viên. 

5. Kết luận
Phát triển đô thị bền vững là giải pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề quá tải và ô nhiễm ở các đô thị của nước ta hiện nay. Áp dụng các giải pháp ứng dụng của hệ thống hạ tầng xanh là giải pháp hữu hiệu để bắt tay vào xây dựng phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, nâng cao nhận thức của toàn xã hội mới là vấn đề then chốt mang tính quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và phát triển đô thị bền vững.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị bèn vững, công tác quản lý đô thị cần được quan tâm một cách đúng mức. Vấn đề cơ bản nhất của công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị bền vững là việc xây dựng hệ thống hạ tầng xanh cần phải đi trước một bước với những việc làm cần thiết sau:

+ Cần nghiên cứu đề xuất khái niệm hệ thống hạ tầng xanh với giải pháp cơ bản ở cấp vĩ mô và cụ thể;

+ Cần lồng ghép hệ thống hạ tầng xanh vào trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị - nông thôn;

+ Triển khai thực hiện ở cấp vi mô trước, tạo những mô hình thí điểm với sự tham gia của cộng đồng sẽ đem lại hiệu quả nhanh nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư và cộng đồng doanh nghiệp đầu tư bất động sản vào hệ thống hạ tầng xanh đô thị. Con đường dẫn đến phát triển đô thị bền vững của mỗi đô thị sẽ không giống nhau, lợi thế về vai trò, vị trí, điều kiện tự nhiên, xã hội và sự sáng tạo của các nhà lãnh đạo, quản lý đô thị sẽ quyết định sự thành công nhanh hay chậm của mỗi đô thị. Thiên nhiên được tôn trọng và hài hòa với cuộc sống con người đó là điều quan trọng nhất cho việc tạo dựng giá trị bền vững cho Đô thị./.

ThS.KTS. Đào Thị Sơn

(Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 109+110/2021.
https://www.moitruongvadothi.vn https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/ha-tang-xanh-trong-phat-trien-ben vung-tinh-tat-yeu-cua-xu-the-phat-trien-do-thi-o-viet-nam.html

 

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon
Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Chiến thắng Điện Biên Phủ từ hiệu lệnh trên đồi A1
Chiến thắng Điện Biên Phủ từ hiệu lệnh trên đồi A1

MTXD - Tiếng bộc phá ngàn cân nổ trong đường hầm dưới đồi A1 (Điện Biên Phủ) như tiếng chuông báo hiệu giờ tàn cho tập đoàn cứ điểm của quân Pháp. Nếu chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, thì tiếng nổ trên đồi A1 thực sự là âm thanh đầu tiên của sự kiện ấy.

Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa
Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa

MTXD – Theo Quyết định số 1710/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, đến năm 2045, có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 1.535,59ha.

Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang
Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang

​MTXD - Biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi văn hóa làng và văn hóa làng nghề nói riêng...

Vì một Việt Nam khỏe mạnh
Vì một Việt Nam khỏe mạnh

MTXD - Ngày 3/5, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam. Chương trình do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) chủ trì, Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VietFair) phối hợp tổ chức.