Hiện trạng và lộ trình áp dụng BIM tại Việt Nam
MTXD - Viện Kinh tế xây dựng đã triển khai nghiên cứu về BIM từ năm 2014 với đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu xây dựng lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng và quản lý công trình”.
I. Hiện trạng áp dụng BIM tại Việt Nam
1.1. Tổng thể một số chương trình, đề án có liên quan đến BIM và chuyển đổi số
Là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Xây dựng có chức năng nghiên cứu chiến lược, Viện Kinh tế xây dựng đã triển khai nghiên cứu về BIM từ năm 2014 với đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu xây dựng lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng và quản lý công trình”.
Đề tài sau khi được Bộ Xây dựng nghiệm thu đã được đề xuất để xây dựng thành Đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 (Đề án 2500).
Liên quan đến chủ trương chung về thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, Đề án 2500 chỉ là một phần trong số rất nhiều các đề án, chương trình có liên quan như: Đề án về đô thị thông minh bền vững (Cục Phát triển đô thị chủ trì triển khai); Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (Cục Kinh tế xây dựng chủ trì triển khai); Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng (Vụ KHCN&MT chủ trì tổng hợp); Chiến lược phát triển Chính phủ số; Đề án Kết cấu hạ tầng giao thông 4.0 (do Bộ GTVT triển khai); Lộ trình áp dụng BIM theo Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ...
Đề án 2500 đã triển khai thực hiện nhiều công việc, chia làm 4 nhóm chính: Chỉ đạo dẫn dắt, thông tin truyền thông, xây dựng năng lực, khung làm việc cộng tác.
Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án đã triển khai hình thành tổ chức bộ máy Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; Thành lập tổ chuyên gia giúp việc cho Ban chỉ đạo để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, phối hợp công tác giữa các thành viên Ban chỉ đạo, tổ chức và phối hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo nội dung, tiến độ trong Kế hoạch thực hiện Đề án đã được phê duyệt; Thành lập tổ chuyên gia tư vấn cho Ban chỉ đạo bao gồm các chuyên gia có khả năng, kinh nghiệm để hỗ trợ việc áp dụng BIM đối với các dự án, công trình được lựa chọn; Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án.
Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng cũng đã thành lập trang tin điện tử (tại địa chỉ www.bim.gov.vn) phục vụ việc cho việc tuyên truyền, tổ chức đào tạo trực tuyến, giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai BIM.
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để đưa tin các sự kiện, thực hiện các bài viết, các phóng sự, phim tài liệu về BIM.
Nhằm giới thiệu các lợi ích, kinh nghiệm trong việc ứng dụng BIM, Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị với sự tham gia rộng rãi của các nhà quản lý, nhà khoa học, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công trong lĩnh vực xây dựng.
Thông qua các hoạt động của Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng, nhận thức về BIM, kinh nghiệm ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng từng bước được tăng cường.
Công tác đào tạo, phổ biến các kiến thức áp dụng BIM có tầm quan trọng đối với thành công của việc triển khai áp dụng BIM. Công tác này liên quan trực tiếp đến việc phát triển nguồn nhân lực thực hiện BIM và giúp định hướng cho việc áp dụng một cách phù hợp, có hiệu quả.
Đề án đã lựa chọn được các dự án để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng BIM và qua tổng kết kết quả áp dụng BIM đã cho thấy các dự án đạt được những hiệu quả to lớn.
Trên cơ sở kinh nghiệm một số quốc gia trong việc ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến BIM, kết quả theo dõi, đánh giá quá trình áp dụng BIM tại một số dự án ở Việt Nam, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng đã có báo cáo đề xuất các chính sách để lồng ghép trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động quản lý dự án, chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, quản lý chi phí nhằm triển khai áp dụng và khai thác lợi thế của việc áp dụng BIM một cách hiệu quả nhất.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện các hệ thống hướng dẫn để phục vụ cho việc thực hiện Lộ trình BIM sau khi Quyết định 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 17/3/2023.
1.2. Khung chiến lược cho chuyển đổi BIM
Khung chiến lược BIM vẫn tiếp tục được sử dụng để đánh giá hiện trạng BIM hiện tại ở Việt Nam cũng như nhằm hoạch định những kế hoạch triển khai Lộ trình BIM trong thời gian tới.
Sau khi Quyết định số 258/QĐ-TTg được ban hành, để chuẩn bị báo cáo lãnh đạo Bộ về kế hoạch thực hiện Lộ trình BIM, Viện Kinh tế xây dựng đã có buổi làm việc cùng các chuyên gia trong và ngoài nước để đánh giá về hiện trạng triển khai thời gian qua nhằm hoạch định những công việc cần thiết để đạt được mục tiêu của Lộ trình BIM.
Về thông tin truyền thông
Các chuyên gia đánh giá trong thời gian vừa qua đã có nhiều sự kiện được tổ chức để nâng cao nhận thức các bên có liên quan về BIM. Tuy nhiên, nội dung một số sự kiện chưa đa dạng, chủ yếu tập trung ở thành phố lớn trong giai đoạn dịch Covid; giai đoạn hiện nay thúc đẩy nhiều hội thảo online cho phép các đơn vị ở xa có thể kết nối trao đổi thông tin như những buổi hội thảo về BIM do Tạp chí Xây dựng phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng tổ chức thu hút sự quan tâm rất lớn của các tỉnh, thành phố, không chỉ có Hà Nội hay TP.HCM.
Về dẫn dắt và thúc đẩy
Theo các chuyên gia, tầm nhìn chiến lược về dữ liệu số chưa được thể hiện rõ ràng. Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ dữ liệu số nhưng vấn đề quy trình thực hiện, sự đồng bộ giữa các bộ, ngành chưa được quy định rõ trong những chính sách do các bộ, ngành đã ban hành.
Về khung làm việc cộng tác
Chuyên gia đánh giá rằng cơ bản hệ thống hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đã được ban hành bao gồm hướng dẫn chung, hướng dẫn chi tiết cũng như những nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Luật, Nghị định và các Thông tư.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị vướng mắc trong tính toán chi phí áp dụng BIM đối với những dự án đang triển khai áp dụng BIM theo chính sách khuyến khích của Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định một số nội dung chi tiết về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, còn thiếu quy định về việc trình, nộp hồ sơ phục vụ thẩm định, phê duyệt, tính pháp lý của mô hình BIM.
Về xây dựng năng lực
Triển khai Đề án 2500, BIM được áp dụng cho nhiều các loại hình dự án: Dân dụng, giao thông, hạ tầng, năng lượng… Tuy nhiên, các loại hình dự án chưa thực sự đa dạng. Có những dự án dân dụng được áp dụng BIM trong nhiều giai đoạn nhưng những dự án giao thông thường mới chỉ áp dụng BIM trong giai đoạn thiết kế.
II. Lộ trình áp dụng BIM
2.1. Mục tiêu
Mô hình thông tin công trình BIM và môi trường dữ liệu chung CDE là 2 xương sống kết nối những công nghệ số với nhau. Chính vì thế, BIM có vai trò làm nền tảng nhưng bên cạnh đó cần phải có CDE để hiện đại hóa cách làm truyền thống, để khối thiết kế, khối thi công cũng như các bên tham gia dự án được trao đổi thông tin một cách thông suốt.
Khi áp dụng BIM và sử dụng CDE là nhằm mục tiêu tăng cường quá trình trao đổi thông tin. Hiện tại, việc trao đổi thông tin trong các dự án gặp nhiều bất cập, trở ngại. Dự án càng lớn thì việc trao đổi thông tin giữa các bên càng gặp nhiều bất cập.
Có những dự án cao tốc hay dự án đường lớn trao đổi thông tin dựa trên zalo. Việc này dẫn đến thông tin trao đổi không được thông suốt, việc xác định hồ sơ nào là hồ sơ cuối rất khó khăn, nhiều tình huống không nắm bắt kịp thông tin quan trọng vì có quá nhiều luồng thông tin chồng chéo nhau.
Việc áp dụng BIM và sử dụng CDE phải đi song hành với nhau, để có thể trong giai đoạn thiết kế biết thiết kế đến giai đoạn nào, bên dự toán nắm bắt được hồ sơ của giai đoạn đó để lập dự toán cho dự án, ban quản lý dự án có thể xem trước và có ý kiến…
Trong quá trình thi công sẽ có nhiều các bên tham gia hơn, nhiều người tham gia hơn, có thể xây dựng những phương án tổ chức thi công, tổ chức quản lý nguồn lực để thống nhất giữa các bên trước khi ra công trường thực hiện. Trong quá trình nghiệm thu, bàn giao có thể xây dựng những thông tin cần triển khai, bàn giao cho các bên khác.
Có thể thấy, mục tiêu đối với chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu là tăng cường quá trình trao đổi thông tin, đạt được lợi ích tiềm năng trong dự án như: Tiết kiệm chi phí, rút ngắn tiến độ. Những người tham gia dự án phải phối hợp với nhau theo quy trình BIM để đảm bảo đạt lợi ích này.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc có những thông tin, mô hình BIM của dự án là công cụ hỗ trợ rất tốt để thực hiện công tác thẩm định. Đặc biệt, sau này khi triển khai sẽ có những dữ liệu lớn để phục vụ cho những chủ trương lớn hơn như thành phố thông minh hay bản sao số mà các nước đang thúc đẩy mạnh việc xây dựng bản sao số của cả quốc gia.
2.2. Lộ trình áp dụng BIM
Giai đoạn 1: Từ 2023: Áp dụng đối với công trình cấp 1, cấp đặc biệt của các dự án vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn PPP. Từ 2024: Áp dụng đối với công trình cấp 1, cấp đặc biệt của các dự án vốn khác.
Giai đoạn 2: Từ 2025: Áp dụng đối với công trình cấp 2 của các dự án vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn PPP. Từ 2026: Áp dụng đối với công trình cấp 2 của các dự án vốn khác.
Giai đoạn 3: Xác định cụ thể sau khi theo dõi, đánh giá giai đoạn 1, giai đoạn 2.
2.3. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BIM
Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng có chủ trương khuyến khích ứng dụng mô hình thông tin công trình BIM cũng như các giải pháp công nghệ số cho các dự án đầu tư xây dựng.
Trong đó, người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng BIM, giải pháp công nghệ số khi quyết định dự án đầu tư xây dựng. Ví dụ, đối với Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, UBND TP. HCM nêu rất rõ chủ trương áp dụng BIM, là căn cứ để dự án áp dụng BIM.
Bắt đầu vào dự án, việc chuẩn bị nguồn lực đã được quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng, về trường hợp các dự án, công trình, gói thầu có yêu cầu áp dụng BIM.
Có thể chuẩn bị, dự trù một khoản chi phí không quá 50% chi phí thiết kế đưa ngay vào trong bước tổng mức đầu tư, để chuẩn bị cho toàn bộ quá trình lập dự án, thiết kế, giám sát thi công và quản lý dự án.
2.4. Áp dụng BIM
Thời gian vừa qua, có những dự án áp dụng BIM thành công, nhưng cũng có những dự án áp dụng BIM chưa thành công, lợi ích tiềm năng mang lại còn hạn chế. Tình trạng này cũng tương tự như tình trạng các dự án áp dụng BIM ở một số nước trên thế giới.
Việc triển khai áp dụng thành công phụ thuộc vào việc BIM cần phải được đưa vào trong thực tế công việc triển khai dự án. Do đó, cần có những quy định về mặt chính sách như: Đưa yêu cầu về BIM vào hợp đồng, đưa vào hồ sơ yêu cầu hoặc hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu hay làm rõ yêu cầu dữ liệu cần nộp là gì… Chủ đầu tư phải đưa ra đầu bài cho các bên về việc ứng dụng BIM giải quyết những vấn đề gì để phối hợp giải quyết xung đột, trích xuất khối lượng, tiến trình phối hợp như thế nào, bao lâu họp một lần, bao lâu nộp mô hình một lần, yêu cầu về năng lực con người…
Việc áp dụng BIM không chỉ là việc giao cho một đơn vị nào đó dựng mô hình BIM cho dự án là xong, mà cần phải đưa vào trong công việc hằng ngày của dự án.
Theo đó, quyết định số 258/QĐ-TTg đưa ra quy định, việc áp dụng BIM phải thể hiện được kiến trúc công trình, các kích thước chủ yếu, các bản vẽ khối lượng chủ yếu của công trình cần triết xuất từ tệp tin BIM… Tất cả những điều này đặt ra yêu cầu, triển khai áp dụng BIM phải đầy đủ 4 mặt: Chính sách, kỹ thuật, tiến trình, con người và kỹ năng.
III. Kết luận và kiến nghị
Về dẫn dắt và thúc đẩy: Cần khắc phục vấn đề tính đồng bộ giữa các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành để xây dựng một nhóm làm việc thống nhất, ví dụ như: Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT… Các bộ ngành cũng cần xây dựng kế hoạch chi tiết về việc thu nhận mô hình BIM.
Về thông tin truyền thông: Bên cạnh những hoạt động truyền thông qua website, báo chí, hội thảo, sự kiện… Cần thúc đẩy giữa khối nhà nước kết nối với doanh nghiệp và học thuật để xây dựng tiêu chuẩn, phổ biến kiến thức, nghiên cứu mô hình áp dụng BIM, thành lập cộng đồng chia sẻ kiến thức trong khu vực hoặc theo chuyên môn.
Ở Anh có những nhóm BIM cho nông nghiệp, BIM cho cầu đường, BIM cho dân dụng… nhằm trao đổi, thảo luận để rút ra những thông lệ triển khai, các cách triển khai tốt nhất và chia sẻ với nhau để thúc đẩy quá trình áp dụng BIM tại Việt Nam.
Đặc biệt, cần thúc đẩy cộng đồng BIM cho khối nhà nước vì hiện tại trong Quyết định số 258/QĐ-TTg quy định cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng mô hình BIM hỗ trợ cho công tác thẩm định. Nhưng về lâu về dài thì việc sử dụng BIM cần được thực hiện là chủ yếu, không xem theo hình thức truyền thống theo bản vẽ giấy.
Về xây dựng năng lực: Cần triển khai đào tạo sử dụng BIM cho cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ các dự án áp dụng BIM, các trường đại học, trung tâm đào tạo thực hiện đào tạo rộng rãi về BIM để có thể xây dựng nguồn lực BIM, nghiên cứu những nội dung về áp dụng BIM trong quản lý vận hành, bảo trì công trình.
Về khung làm việc hợp tác: Trong thời gian ngắn phải ban hành những nội dung hướng dẫn cụ thể để thực hiện lộ trình, đồng thời đưa ra quy trình hướng dẫn, biểu mẫu cho việc thẩm định trực tiếp trên mô hình BIM, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn hướng dẫn.
TS Tạ Ngọc Bình
Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.