Hoàn thiện công tác quy hoạch khu công nghệ cao góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KHCN quốc gia
MTXD - Trong bối cảnh chưa có đủ các quy định pháp luật cho công tác thiết kế quy hoạch, xây dựng khu công nghệ cao, việc xây dựng hướng dẫn thiết kế quy hoạch khu công nghệ cao là cần thiết và cấp bách.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau hơn 2 thập kỷ thành lập
Khu công nghệ cao (KCNC) được hình thành với mục tiêu góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao (CNC) của đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút vốn, CNC, nhân lực CNC trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng các ngành công nghiệp CNC làm động lực phát triển kinh tế; gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu - phát triển CNC với sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp CNC và thương mại hóa CNC; nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Hiện tại việc thiết kế quy hoạch các KCNC được thực hiện mà chưa có các hướng dẫn thống nhất trên phạm vi cả nước, gây nhiều khó khăn cho công tác lập và quản lý quy hoạch. Việc nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn quy hoạch KCNC nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch, quản lý KCNC, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KCNC nói riêng và phát triển KHCN đất nước nói chung.
I. Tổng quan văn bản pháp luật quy định về KCNC
KCNC bắt đầu được nghiên cứu, đầu tư xây dựng từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000.
Theo Điều 31 Luật CNC 2008: “KCNC là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; đào tạo nhân lực CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC”. Theo Điều 32: “Khu nông nghiệp ứng dụng CNC là KCNC tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển CNC vào lĩnh vực nông nghiệp”. Như vậy, có 2 loại hình KCNC là KCNC và khu nông nghiệp ứng dụng CNC; các KCNC do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Các KCNC được nhà nước ưu tiên đầu tư nhằm tạo dựng không gian, môi trường thuận lợi cho phát triển KHCN. KCNC Hòa Lạc được thành lập năm 1998, KCNC TP.HCM năm 2002 và KCNC Đà Nẵng năm 2010. 3 KCNC trên đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ và đi vào hoạt động với mức độ thành công khác nhau. KCNC sinh học Đồng Nai được thành lập năm 2016, đã có các hoạt động đầu tư, sản xuất; tuy nhiên gặp nhiều khó khăn và ít hiệu quả. Các khu nông nghiệp ứng dụng CNC được hình thành muộn hơn gồm Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang (2012), Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên (2013), Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu (2017), Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Thái Nguyên (2021), Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Quảng Ninh (2021). Các khu nông nghiệp ứng dụng CNC đều đang ở giai đoạn bắt đầu đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng công trình hành chính và một số ít các dự án thử nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Các quy định pháp lý cho công tác thiết kế quy hoạch KCNC được dựa chủ yếu từ quy định về phát triển KCNC và quy định về quy hoạch xây dựng khu chức năng.
(1).Về phát triển KCNC: Từ khái niệm và nhiệm vụ của KCNC trong Luật CNC có thể xác định các chức năng chính của KCNC bao gồm: Nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo, sản suất, trình diễn, kinh doanh, ngoài ra có thể có chức năng Hoàn thiện công tác quy hoạch khu công nghệ cao góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KHCN quốc gia ở, chế xuất, bảo thuế… Luật CNC cũng quy định các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong KCNC (gồm các công nghệ: Thông tin, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa); quy định tiêu chuẩn của doanh nghiệp CNC, cơ sở ươm tạo CNC. Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ban hành danh mục 99 CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục 107 sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển.
Các nội dung văn bản pháp luật trên xác định các thành phần chức năng cần và được phép bố trí trong KCNC. Đây cũng là thông tin ít ỏi tạo cơ sở cho công tác thiết kế quy hoạch KCNC. Thực tế này cho thấy có rất ít quy định về việc tổ chức không gian, chức năng hoạt động trong KCNC, cũng như chưa có yêu cầu cho việc thiết kế quy hoạch KCNC.
(2) Về quy trình, nội dung, sản phẩm, quy hoạch KCNC thực hiện theo nội dung quy hoạch khu chức năng của Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/ QH14), Nghị định 44/2015/NĐ-CP, Thông tư 04/2022/TT-BXD và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Nội dung quy hoạch khu chức năng (trước đây là khu chức năng đặc thù) ra đời năm 2014 là các quy định là chung cho các loại hình khu chức năng, nên khi áp dụng cụ thể cho thiết kế quy hoạch KCNC còn gặp nhiều khó khăn.
Thực tiễn phát triển KCNC cho thấy hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết kế quy hoạch KCNC còn chưa đầy đủ, các nhận thức về KCNC chưa rõ ràng. Do đó, việc lập quy hoạch KCNC chưa có sự thống nhất. Để xây dựng được các hướng dẫn quy hoạch KCNC cần đánh giá kỹ thực trạng quy hoạch, đầu tư phát triển, hiệu quả hoạt động các KCNC hiện có và nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm quốc tế.
II. Thực trạng phát triển các KCNC Việt Nam
2.1. Đánh giá thực trạng quy hoạch các KCNC hiện có
Cơ sở lập quy hoạch chung 3 KCNC Hoà Lạc, TP.HCM và Đà Nẵng dựa trên các căn cứ pháp lý gồm Quy chế KCNC, KCX, KCN (1997); Quy chế KCNC (2003); Luật CNC (2008). Các văn bản này chỉ quy định những nội dung hoạt động cần có và các yêu cầu, tiêu chuẩn của các tổ chức cá nhân cần đạt để được phép hoạt động tại KCNC; không có các quy định về quy hoạch, tổ chức không gian, đất đai, hạ tầng… Vì vậy, quy hoạch chung xây dựng các KCNC chủ yếu dựa trên các văn bản hướng dẫn về lập quy hoạch đô thị và việc học tập, chuyển hoá các kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Các nội dung chủ yếu của các đồ án quy hoạch chung xây dựng KCNC như sau:
a) Quy mô, vị trí: Quy mô: Các KCNC có quy mô tương đối giống nhau (913 - 1.586 ha), riêng KCNC sinh học Đồng Nai là KCNC đơn ngành nên quy mô nhỏ hơn (208 ha). Các khu nông nghiệp ứng dụng CNC (trừ khu nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang quy mô 5.200 ha) có diện tích nhỏ (106 - 460 ha) đến nay hầu như chưa triển khai được nhiều. Vị trí: KCNC Hoà Lạc là một bộ phận chức năng trong đô thị mới Hoà Lạc, nằm cách trung tâm Hà Nội 40 km, dẫn đến kết nối của KCNC Hoà Lạc với Hà Nội gặp nhiều khó khăn, gây trở ngại lớn cho sự phát triển của khu. Trong khi đó, KCNC TP.HCM nằm ngay tại TP Thủ Đức, có sẵn hạ tầng giao thông đối ngoại, kế cận Ðại học Quốc gia TP.HCM - nơi cung cấp nhân lực chất lượng cao cho thành phố và KCNC, bao quanh bởi 42 KCN và KCX của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; gần các khu dân cư và hạ tầng xã hội khá đầy đủ, giúp cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau hơn 2 thập kỷ thành lập khu CNC này có những điều kiện phát triển mạnh mẽ.
b) Dự báo quy mô dân số: Mỗi KCNC có cách tính toán dự báo dân số khác nhau tuỳ thuộc mục tiêu, định hướng tổng thể đô thị nói chung và với KCNC nói riêng. KCNC Hoà Lạc nằm trong đô thị Hoà Lạc nên việc tính toán phân bổ dân số KCNC Hoà Lạc do đồ án quy hoạch chung đô thị Hoà Lạc quyết định. Theo đó KCNC Hoà lạc được phân bổ quy mô dân số 100 nghìn người trên tổng dân số 500 nghìn người của đô thị mới Hoà Lạc, bao gồm dân cư của khu nhà ở chuyên gia, công nhân và nhà ở đô thị. Quy hoạch tổng thể KCNC TP.HCM không tính toán quy mô dân số nhưng có phân bổ chỉ tiêu gần 8% và điều chỉnh tăng lên 11% tổng diện tích đất KCNC dành cho đất khu ở, cho đối tượng chuyên gia và công nhân.
c) Các khu vực chức năng: Các KCNC có quy mô và cấu trúc các khu vực chức năng tương đối giống nhau, đáp ứng yêu cầu của Luật CNC. Các khu vực chức năng chính bao gồm: Khu trung tâm hành chính, quản lý, khu nghiên cứu - phát triển, khu giáo dục và đào tạo, ươm tạo, khu sản xuất, khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối và giao thông, khu nhà ở, cây xanh cảnh quan.
d) Cơ cấu sử dụng đất: Nghiên cứu, tổng hợp cơ cấu sử dụng đất của 3 KCNC cho thấy một số đặc điểm sau: Đất cây xanh cảnh quan được quan tâm, chiếm tỷ lệ cao tử 18 - 23% toàn khu; đất giao thông chiếm khoảng 18 - 22% đất xây dựng; đất dành cho khu sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 35 - 40%; đất nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo khoảng 20 - 30%; đất hành chính, dịch vụ và nhà ở 15 - 25%.
Đánh giá chung cho thấy, hiện nay các KCNC có tỷ lệ lấp đầy cao vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất công nghiệp. Các khu vực nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo có tỷ lệ lấp đầy thấp. Khu vực trung tâm hành chính còn nhiều đất bỏ trống.
e) Chỉ tiêu sử dụng đất: Các đồ án quy hoạch xác định chỉ tiêu sử dụng đất bao gồm: Mật độ xây dựng, tầng cao (tối đa, tối thiểu) và hệ số sử dụng đất. Về mật độ: Đối với khu sản xuất, thường quy định tối đa lấy theo quy chuẩn đối với KCN là 60%. Các khu vực khác dựa trên chỉ tiêu thông dụng của các khu văn phòng là tối đa 40 - 45%. Tuy nhiên, mật độ xây dựng như vậy thường không phù hợp với yêu cầu môi trường cảnh quan chất lượng cao của KCNC. Về tầng cao: Mỗi đồ án có cách quy định khác nhau và không đưa ra nguyên tắc. KCNC Hoà Lạc không quy định về chiều cao, KCNC TP.HCM ban đầu quy định chiều cao rất thấp (2 - 3 - 6 tầng đối với từng khu), sau đã điều chỉnh tăng lên (6
- 9 - 16 tầng). KCNC Đà Nẵng quy định các chỉ tiêu cao, thậm chí cao hơn KCNC TP.HCM (về mật độ xây dựng), tuy nhiên các công trình xây dựng thực tế có chỉ tiêu thấp hơn quy định rất nhiều.
f) Về định hướng phát triển không gian: Các chức năng nghiên cứu phát triển, vườn ươm, đào tạo nghiên cứu thường bố trí kết hợp với nhau. Khu vực sản xuất là một trong 3 khu chức năng chính của KCNC, thường được nhìn nhận như KCN thế hệ mới. Các KCN dịch vụ hỗ trợ, khu bảo thuế, khu ngoại quan, kho tàng, logistic, hậu cần thường được kết hợp cùng khu vực sản xuất để bổ trợ cho hoạt động sản xuất trong KCNC. Khu ở có thể gần kề khu vui chơi, giải trí và dịch vụ công cộng, cũng như các không gian mở quan trọng của KCNC.
g) Hạ tầng KCNC: Hạ tầng xã hội: Các công trình hạ tầng xã hội cơ bản được quy hoạch theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị. Hạ tầng kỹ thuật: Được tính toán theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đô thị và KCN. Nội dung cây xanh và giao thông được thiết kế với chỉ tiêu ở mức cao. Giao thông trục chính nội khu rộng 50 - 60 m; Các đường giao thông khác trong khu cũng rộng 15 - 30 m. Cấp điện được ưu tiên bố trí nhiều nguồn điện đảm bảo cấp điện liên tục. Hệ thống thông tin chất lượng đường truyền ổn định. San nền và thoát nước mưa hệ số an toàn cao. Thoát và xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến. Hệ thống cấp nước được quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn cao.
2.2. Đánh giá thực trạng đầu tư phát triển tại các KCNC
Thực trạng đầu tư phát triển phản ánh rõ nét mức độ hấp dẫn và nhu cầu đầu tư phát triển CNC tại các vùng khác nhau. KCNC Hòa Lạc được định hướng thành đô thị KHCN, tập trung đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của khu là phát triển công nghệ lõi với định hướng các trung tâm, viện nghiên cứu. KCNC Hòa Lạc được nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư, có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư lĩnh vực CNC. Hiện nay đã có các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam tập trung tại khu; đã có nhiều công trình, cơ sở nghiên cứu phát triển CNC do nhà nước đầu tư; đã hình thành liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, khu này vẫn đang ở tình trạng chậm phát triển, tỷ lệ lấp đầy thấp và nhiều công trình không hoạt động. Khác với Hòa Lạc, KCNC TP.HCM hướng nhiều đến công nghiệp CNC, có tỷ lệ lấp đầy nhanh, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn, thu hút nguồn nhân lực, góp phần thay đổi sự phát triển kinh tế của thành phố.
Đến tháng 11/2023, KCNC có 160 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 70 dự án sản xuất CNC; 18 dự án dịch vụ CNC; 21 dự án nghiên cứu phát triển (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 10 dự án phát triển hạ tầng. Nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp CNC như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc) TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)…
III. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển KCNC
Trên thế giới có nhiều thuật ngữ được hiểu với nội hàm KCNC. Các thuật ngữ ngày càng phong phú cùng với những biến đổi đa dạng về bản chất và chức năng. Trong đó, sử dụng phổ biến nhất là “Science Park” (ScP) của IAS hay cụ thể hơn là “Science and Technology Park” (STP) của UNESCO. Nghiên cứu một số STP điển hình trên thế giới để rút ra những kinh nghiệm phù hợp về thiết kế quy hoạch KCNC tại Việt Nam:
3.1. Stanford Research Park
Stanford Research Park là một trong những STP thế hệ đầu tiên được thành lập năm 1951 có diện tích 84,5 ha vào năm 1953 và mở rộng lên 311 ha vào năm 2016 với 23 nghìn người làm việc. Stanford Research Park nằm ở trung tâm cộng đồng doanh nghiệp Thung lũng Silicon và được coi là nhân tố chính trong sự hình thành và phát triển Thung lũng Silicon. Đại học Stanford đã cho thuê đất để phát triển các nghiên cứu về công nghiệp CNC như điện tử, công nghệ sinh học, phần cứng và phần mềm, không gian vũ trụ. Từ năm 1951, Stanford Research Park đã trở thành trụ sở và chi nhánh R&D của các công ty tiên phong: Varian Associates, VMware, Lockheed Martin, SAP, HP, Tesla... Hiện tại, với hơn 150 công ty hàng đầu đang thuê, khu này vẫn duy trì danh tiếng ở đẳng cấp thế giới. Về thiết kế quy hoạch, Stanford Research Park có một số điểm nổi bật:
Có vị trí thuận lợi: Nằm ở phía Nam của khu vực Vịnh San Francisco có điều kiện tự nhiên tuyệt đẹp với nhiều hoạt động kinh tế lớn; gần đại học Stanford và 3 sân bay. Nằm trên đường cao tốc liên kết các thành phố. Được bao quanh bởi các trung tâm nghiên cứu và công ty công nghệ. Tổ chức được các tuyến giao thông công cộng tạo kết nối tốt ở trong và ngoài khu. Có một công viên lớn và hệ thống cây xanh được nối kết liên hoàn. Mật độ xây dựng thấp khoảng 20 - 25% và cây xanh được chăm sóc tạo hình ảnh của một công viên lớn với các tòa nhà ẩn hiện. Các cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ cao được bố trí đan xen và bám theo khung giao thông và khung thiên nhiên, đảm bảo khả năng tiếp cận thuận lợi và môi trường cảnh quan tốt. Công trình kiến trúc thấp tầng (2 - 9 tầng), hiện đại, thân thiện môi trường. Mỗi khu vực/công trình là sản phẩm kiến trúc mang phong cách riêng biệt, tạo biểu tượng của các công ty công nghệ.
3.2. Công viên công nghệ cao Zhangjiang (ZJ - Zhangjiang High-Tech Park)
Công viên công nghệ cao Zhangjiang có diện tích 455 ha, thành lập năm 1992 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Nó được vận hành bởi công ty phát triển công viên CNC quốc gia Zhangjiang và biệt danh “Thung lũng Silicon Trung Quốc”. Công viên hiện đang phục vụ 110 viện nghiên cứu và phát triển, 3.600 doanh nghiệp và hơn 100 nghìn người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu. Ngành công nghiệp nổi bật nhất tại ZJ là ngành công nghiệp IC (các mạch tích hợp; điện tử vi mô, chất bán dẫn), tiếp đến là công nghệ phần mềm và vi sinh.
Với số lượng lớn các tài năng khoa học công nghệ có trình độ cao tăng dần, sự phát triển của ZJ như một đô thị công nghiệp đã không đủ để đáp ứng nhu cầu của thế hệ nhà khoa học mới tại Zhangjiang. Chính quyền TP Thượng Hải đã đưa ra sáng kiến phục hồi đô thị và công bố chiến lược phục hồi công viên sáng tạo Zhiangjinag (ZJ Inno-Park), nhằm mục đích nâng cấp đô thị và nâng cấp cảnh quan trong công viên CNC này. Công viên CNC đã được hoàn thiện từng bước, tạo cuộc sống chất lượng, sinh thái thu hút được các chuyên gia lành nghề.One-North nằm ngoại vi Queenstown, Singapore. Có 8 phân khu chính nằm giữa các tuyến giao thông và công viên cây xanh: Biopolis (công nghệ y sinh), Fusionopolis (công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học và kỹ thuật), MediaPolis (công nghệ thông tin), Vista (khu thương mại dịch vụ), Launchpad (khu ươm tạo và khởi nghiệp), Nepal Hill (khu phát triển tài năng), Rochester Park, Wessex (khu nhà ở) và Ayer Rajah (các ngành mới nổi).
Đây là một "trung tâm khoa học" với mục đích là tạo ra một cộng đồng có thể sống, làm việc và thư giãn cùng nhau. Quy hoạch tầm nhìn năm 2020 của One-North hướng đến sự kết nối, thúc đẩy sự hợp tác đa ngành trong công nghiệp mới. Quy hoạch với mật độ cao để tăng cường sự sống động, tính bền vững và sức mạnh tổng hợp trong khu vực. OneNorth được thiết kế như một mạng lưới xã hội dày đặc. Bên cạnh các viện nghiên cứu và phát triển công nghiệp là các nút thương mại và dân cư, khách sạn, trung tâm mua sắm, nhà hàng sang trọng và quán bar. Một công viên rộng 16 ha liên kết các cụm chức năng trong One-North.
IV. Để xuất khung hướng dẫn quy hoạch thiết kế KCNC
Với trình độ phát triển của Việt Nam, việc học tập kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới là cần thiết. Cần thu hút được các tập đoàn CNC đa quốc gia vào đầu tư sản xuất; qua đó, các tổ chức CNC trong nước có thể tiếp cận để từng bước phối hợp, học hỏi, nâng cao trình độ. Để làm được điều này, Quy hoạch KCNC cần ưu tiên tỷ trọng khu vực sản xuất và các khu phụ trợ hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt liên quan đến đầu tư nước ngoài. Nguyên tắc: Hướng dẫn thiết kế quy hoạch KCNC cần bám sát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tổng hợp, kế thừa và điều chỉnh nội dung quy hoạch các KCNC đã thực hiện, nhằm giải quyết các bất cập hiện tại. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Khái niệm, các loại hình, chức năng, mục tiêu nhiệm vụ phát triển khu CNC: Tuân thủ Luật CNC 2008 và các Luật liên quan. Quy trình, nội dung yêu cầu quy hoạch KCNC: Thực hiện theo Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14), Nghị định 44/2015/NĐ-CP, Thông tư 04/2022/ TT-BXD; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Các hoạt động, sản phẩm CNC được ưu tiên bố trí trong KCNC: Tuân thủ Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg về danh mục CNC và danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển. Hướng dẫn phương pháp tiếp cận và lập quy hoạch KCNC với các nội dung cụ thể sau:
a) Xác định quy mô, vị trí: Vị trí của KCNC là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong đầu tư phát triển KCNC. Cần xác định vị trí gần (hoặc có kết nối tốt với) các đô thị lớn, các đại học lớn, các KCN lớn.
b) Dự báo quy mô dân số: Việc dự báo dân số cần phải tính toán ở quy mô rộng lớn hơn quy mô của KCNC, nó liên quan tới định hướng phát triển vùng và đô thị, tới vị trí và mối liên hệ của KCNC đến các đô thị xung quanh.
c) Xác định các khu vực chức năng: Đáp ứng yêu cầu của Luật CNC. Các khu vực chức năng chính của một KCNC thường bao gồm: Khu trung tâm hành chính, quản lý, khu nghiên cứu - phát triển, khu giáo dục và đào tạo, ươm tạo, khu sản xuất, khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối và giao thông, khu nhà ở, cây xanh cảnh quan. Ngoài ra các KCNC khác nhau có thêm các khu chức năng như: Khu phần mềm, khu giải trí, thể thao, KCN hỗ trợ, khu hậu cần, khu bảo thuế, khu logistics và dịch vụ CNC, khu phụ trợ.
Trong đó các khu phần mềm, đào tạo, ươm tạo có thể được kết hợp với nghiên cứu phát triển; không gian các khu vực này nên được đầu tư hấp dẫn và sáng tạo để tạo nên sự thư giãn và cảm hứng cho các tài năng công nghệ. Các KCN hỗ trợ, khu hậu cần, khu bảo thuế, khu logistics và dịch vụ CNC có thể bố trí liền kề hoặc kết hợp trong khu sản xuất. Không gian cảnh quan tại khu vực chức năng ở, vui chơi giải trí và công cộng cần được quan tâm để tạo nên chất lượng môi trường sống, làm việc và nghỉ ngơi hài hòa - tạo đặc trưng và triết lý phát triển của KCNC.
d) Xác định cơ cấu sử dụng đất: Chức năng sản xuất công nghiệp nên chiếm tỷ trọng lớn, chức năng nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo tỷ trọng thấp hơn. Khu vực trung tâm hành chính nên bố trí diện tích nhỏ và tích hợp nhiều chức năng khác phù hợp với thực tế hoạt động của KCNC. Các khu không cần phân biệt chức năng quá chi tiết và cụ thể, có thể kết hợp các chức năng tương đồng, phù hợp để tổ chức các khu vực hỗn hợp, đa dạng hơn, vừa tạo được hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa hoạt động và tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch không cần thiết.
e) Tính toán chỉ tiêu sử dụng đất: Mật độ xây dựng của KCNC phụ thuộc vào địa hình cảnh quan, quy mô và vị trí của KCNC. Nếu KCNC nằm bên ngoài đô thị, có địa hình cảnh quan tự nhiên phong phú và quy mô KCNC lớn thì mật độ xây dựng có thể thấp. Nếu KCNC nằm trong đô thị, các công trình xung quanh có hệ số sử dụng đất cao, giá trị đất đai cao thì mật độ xây dựng cần cao hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thiết kế chiều cao công trình ngoài nhu cầu nâng cao hệ số sử dụng đất thì còn đáp ứng nhu cầu tạo cảnh quan, hình ảnh, ấn tượng của công trình kiến trúc. Quy định về tầng cao thường áp dụng vào từng trường hợp cụ thể liên quan đến bảo tồn, bảo vệ cảnh quan hoặc an toàn môi trường.
f) Định hướng phát triển không gian: Dựa trên khung thiên nhiên và tôn trọng điều kiện tự nhiên, cần phải phát huy cảnh quan tự nhiên để tạo nên không gian cảnh quan đặc sắc, đặc biệt là tại các khu nghiên cứu, đào tạo, giải trí và nhà ở. Xác định một khu trung tâm hành chính và dịch vụ ở giữa, các khu vực chức năng khác ở xung quanh khu trung tâm và liên kết với nhau một cách hợp lý về dây chuyền. Khu vực
trung tâm có thể kết hợp trình diễn, hội họp, hội thảo, hỗn hợp, các công trình công cộng và dịch vụ thiết yếu. Khu trung tâm có thể có quảng trường, kết hợp kiến trúc đặc sắc tạo ấn tượng và đặc trưng của KCNC.
g) Định hướng phát triển hạ tầng KCNC:Hạ tầng xã hội: Các công trình hạ tầng xã hội cần đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị. Bổ sung thêm một số loại hình công trình hạ tầng xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người làm việc tại KCNC. Hạ tầng kỹ thuật: Được tính toán theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đô thị và KCN. Nội dung cây xanh và giao thông cần được thiết kế với chỉ tiêu ở mức cao. Cấp điện được ưu tiên chất lượng dòng điện ở mức cao nhất, bố trí nguồn điện dự phòng để đảm bảo cấp điện 24/7. Hệ thống thông tin hiện đại, chất lượng đường truyền ổn định. San nền và thoát nước mưa hệ số an toàn cao, đảm bảo khả năng chống ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Thoát và xử lý nước thải đảm bảo sử dụng công nghệ tiên tiến. Hệ thống cấp nước được lấy từ nguồn đảm bảo, được quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn cao.
V. Kết luận
Trong bối cảnh chưa có đủ các quy định pháp luật cho công tác thiết kế quy hoạch, xây dựng KCNC, việc xây dựng hướng dẫn thiết kế quy hoạch KCNC là cần thiết và cấp bách. Hướng dẫn thiết kế quy hoạch KCNC sẽ góp phần hoàn thiện công tác xây dựng, phát triển các KCNC, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển CNC của đất nước trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Cao Lãnh (2020). KCN thế hệ mới - mô hình tất yếu cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.
2. Lê Hoàng Phương và nhóm đề tài. (2020). Đề tài nghiên cứu đề xuất giải pháp quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng CNC.
3. Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 08/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển KCNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
4. Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
5. Khu CNC TP.HCM: http://www.shtp.hochiminhcity.gov.vn/Pages/default.aspx
6. Khu CNC Hoà Lạc: http://hhtp.gov.vn/
7. Khu CNC Đà Nẵng: https://dhpiza.danang.gov.vn/khu-cong-nghe-cao-da-nang
8. UNIDO (2021). A New Generation of Science and Technology Parks - UNIDO’s strategic approach to fostering innovation and technology for inclusive and sustainable industrial development.
9. https://www.essec.edu/knowledge/bba/Exploring-One-North-in-Singapore/
THS.KTS NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN
(Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.