Hồi sinh công trình kiến trúc và không gian công cộng đô thị một số ví dụ thành công tại TP. Hồ Chí Minh
MTXD - Hoạt động bảo tồn và phát triển xuyên qua lịch sử phần nào khắc họa các chuyển biến trong quan niệm và cách thức ứng xử với kiến trúc cũ của đô thị. Ngày nay những thay đổi này dần tiến đến xu hướng “giới thiệu lại” các không gian vật chất và tinh thần cũ cho cuộc sống đương đại. Bằng một số ví dụ hồi sinh thành công công trình kiến trúc và không gian công cộng cũ tại TP. HCM, bài viết phân tích hiệu quả của giải pháp hồi sinh và ý nghĩa của nó trong việc thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đô thị.
Chung cư 42 Nguyễn Huệ năm 1963
Nguồn: Trung tâm lưu trữ Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ; xử lý màu bởi tác giả
Trong lịch sử kiến trúc, cách thức con người ứng xử với các đối tượng kiến trúc cũ ở từng thời kỳ đều phản ánh đặc trưng tư duy của chính thời kỳ đó. Thời kỳ Hiện đại, thế kỷ 20, khi mà tất cả các ngành khoa học, nghệ thuật đều mang trong nó ý niệm về một viễn cảnh lý tưởng tuyệt đối cho đời sống của nhân loại, kiến trúc cũng bắt đầu đặt ra ý niệm về một dáng hình hoàn mỹ không tì vết mà một đối tượng kiến trúc nên có để chứng minh cho chất lượng của nó. Những biểu hiện của sự dứt khóat trong ứng xử cũng được bộ lộc rõ nét bởi chính ảnh hưởng của tinh thần duy lý đang phủ trùm lấy thời đại. Sự tồn tại và dấu hiệu của thời gian trên “cơ thể” kiến trúc được cho là sự lão hóa và biểu thị cho sự xuống cấp của công trình. Các đối tượng kiến trúc cũ đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ ngày càng lớn khi năm tháng trôi qua ngày một nhiều thêm. “Chiến lược” chủ yếu của thời kỳ này là tác động triệt hạ và thay thế các đối tượng cũ bằng những kiến tạo “hoàn mỹ” và phù hợp hơn. Thay cho tư duy cải tạo và nhìn nhận tiến trình phát triển của thế giới như một cuộc cách mạng trường kỳ với những bước thay đổi đều đặn biên độ nhỏ, những đề xuất của Kiến trúc Hiện đại hình thành như một cuộc cải tổ tòan diện, như những phát minh đoạn tuyệt quá khứ.
Đúng với tinh thần mà chủ nghĩa Hiện đại đã thống trị và tồn tại, sự kết thúc của nó cũng đậm tính đoạn tuyệt, có thể được hình tượng hóa bằng sự sụp đổ bi tráng của “Giai thoại Pruitt-Igoe” – Kết thúc của một dự án nhà ở xã hội theo Chủ nghĩa Hiện đại cực đoan.
Giai đoạn Hậu Hiện đại mở ra với sự đa dạng trong việc tìm kiếm những mục đích và ý nghĩa lớn lao trong kiến trúc. Sau những nỗ lực kết nối và ôm ấp lấy “cái cũ” thông qua những kiểu thức mô tả motif lịch sử, hay những bước đi có phần táo bạo hơn trong việc bắt ép “cái cũ” và “cái mới” của thời đại vào cùng một trường nhìn hay trường cảm thụ để tạo hiệu ứng tương phản, các xu hướng ứng xử trên đều bộc lộ sự thiếu tự nhiên và thậm chí có phần cưỡng ép. Tiến trình thay đổi này đã tạo ra những dấu ấn thành công lẫn thất bại, nhưng mỗi những bước chuyển đều là cần thiết để dẫn đến những phản biện và mở ra góc nhìn có tính cởi mở và bền vững hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Xu hướng Chuyển hóa luận trong kiến trúc đã có những đóng góp chủ đạo trong việc giới thiệu và khẳng định cách nhìn nhận các thực thể kiến tạo vô cơ như một cơ thể hữu cơ có đời sống và quá trình sinh trưởng thực thụ. Các phân tích ở góc độ hiện sinh của xu hướng Hiện tượng cũng góp phần tạo nên ảnh hưởng làm thay đổi cái nhìn lạnh lùng và vô hồn áp lên các đối tượng kiến trúc cũ. Một loạt những thay đổi diễn ra trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20 đã thay đổi các tác động lên kiến trúc cũ từ vị thế là thách thức trở thành cơ hội. Trải nghiệm của con người trong không gian – thời gian được khai thác để tìm kiếm và làm rõ các giá trị vật chất lẫn phi vật chất của các đối tượng cũ, từ đó khám phá ra những phương cách để hồi sinh và tiếp tục vòng đời cho công trình kiến trúc và không gian công cộng của đô thị. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta không khó để nhận ra rằng: Cách thức ứng xử với kiến trúc cũ đã không còn bó buộc trong phạm vi thay thế hay phục hồi, trùng tu, mà đã mở rộng ra các hoạt động cải tạo, thích ứng để hồi sinh công trình vào thực tiễn sống động của đời sống đô thị hiện nay.
Hồi sinh Chung cư 42 Nguyễn Huệ
Không ít người đã từng bước đi trên đường Nguyễn Huệ và lưu giữ lại một bức ảnh chụp một tòa nhà “cũ mà mới” tọa lạc tại đoạn giữa của đại lộ. Trong mọi bức ảnh đó, bất kể là bằng ý đồ chuyên nghiệp hay ngẫu nhiên, mặt đứng tòa nhà hiện ra như một lưới phông nền lớn, với sự xuất hiện dày đặc và rực rỡ các “biển hiệu quảng cáo” của các thương hiệu. Mỗi “biển hiệu” mang dáng dấp và kích thước của một không gian kiến trúc, cụ thể hơn chính là ban công của các căn hộ cũ. Khung cảnh hiện ra là một tập hợp sống động những mảnh ghép của đời sống đô thị bình dị và đa dạng nhưng lại vô cùng đồng bộ về nhịp điệu. Tòa nhà này đã mang đời sống sôi nổi như thế từ bao giờ?
Mặt bằng tầng điển hình chung cư 42 Nguyễn Huệ. Nguồn: tác giả
Chung cư 42 Nguyễn Huệ năm 1964. Nguồn: Chụp bởi George Muccianti; xử lý màu bởi tác giả
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu lịch sử về công trình, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn vì số lượng hình ảnh và ghi chép còn lại hóa ra vô cùng ít ỏi. Trái ngược với hình ảnh hấp dẫn hôm nay, có lẽ trong quá khứ đã không có nhiều người tìm thấy niềm hứng thú đặc biệt nào với nó. Điều này cũng không hẳn là một bất ngờ, vì từ khóa duy nhất mà chúng tôi có thể dùng để tra cứu chính là thông tin bằng địa chỉ – “Tòa nhà 42 Nguyễn Huệ” – chứ không phải là một cái tên riêng đặc biệt nào.
Công trình có vị trí tại đoạn giữa đại lộ Nguyễn Huệ, một chung cư mười tầng với mặt đứng tinh giản, được phân chia phương vị ngang – dọc chính bằng các thành phần tường, sàn, cột của tòa nhà. Mang đặc điểm hình thức của xu hướng kiến trúc Hiện đại, công trình tồn tại với dáng vẻ vững chắc, tinh gọn và khúc chiết. Gặp gỡ hai trong số những chủ sở hữu căn hộ vẫn còn sinh sống tại tòa nhà, chúng tôi đã được nghe kể về giai đoạn trước 1975, khi mà công trình vẫn còn là cư xá của các công chức chính phủ. Căn hộ của các công chức cao cấp được đặt ở mặt ngoài với diện tích 120m2, không gian gồm hai bước cột có thể nhìn thấy trên mặt đứng và ba nhịp cột theo trọn chiều sâu của khối nhà này. Các căn hộ nhỏ hơn dành cho các công chức cấp trung có quy mô chưa bằng một nửa các căn lớn, được bố cục gọn gàng trong 50m2, với các ban công được xoay góc về hướng chính Nam. Dãy nhà sau với lối cầu thang riêng là dãy các phòng nhỏ làm nơi ở cho gia đình của người phục vụ. Về sau, một số căn hộ được cấp cho công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son. Tựu trung, công trình là tập hợp các căn hộ ở với quy mô và tiêu chuẩn phân cấp theo thứ bậc rõ ràng.
Chung cư 42 Nguyễn Huệ ngày nay. Nguồn: hires.vn và thegioicombo.vn
Sau năm 1975, cư dân lần lượt rời đi và số lượng các căn hộ bị bỏ hoang dần nhiều lên, công trình từ đó bước qua bên kia con dốc của chu kỳ thành – trụ – hoại – diệt. Tuy chất lượng công trình không giảm sút đáng kể, nhưng những chuyển biến trong đời sống xã hội đã làm cho tòa nhà bước vào giai đoạn suy tàn về công năng sử dụng. Đến những năm cuối thập niên 1980, khi tất cả căn hộ đều vắng chủ, tòa nhà chìm trong bóng đêm ảm đạm. Nó dường như đã trở thành một “công trình chết”.
Tuy nhiên, từ khi bước sang thế kỷ 21, và đặc biệt là khi đại lộ Nguyễn Huệ trở TP đi bộ đầu tiên của TP, “ngôi nhà hoang” 42 Nguyễn Huệ đã bắt đầu quá trình hồi sinh ngoạn mục.
Sự rời đi của các chủ sở hữu từng sinh sống đã nhường chỗ cho lớp cư dân mới, thổi hồn cho đời sống thương mại chưa từng có của tòa nhà, với các hoạt động thuê, mướn kinh doanh đa dạng. Bắt đầu nhỏ lẻ với một, hai chủ thương hiệu yêu thích không gian nhỏ gọn và tách biệt của các căn hộ đã nhuốm màu thời gian, làn sóng này đã trở thành một xu hướng kinh doanh mới và đem lại hiệu quả về mặt kinh tế: Mô hình kinh doanh dịch vụ trong chung cư cũ. Những căn hộ có thiết kế điển hình được cải tạo thành các không gian chức năng đa dạng mang cá tính và màu sắc riêng. Nhu cầu tách, nhập các đơn vị không gian cũng diễn ra thuận lợi nhờ vào nền lưới cấu trúc mặt bằng tối giản của tòa nhà. Như một khối rubic khổng lồ, tòa nhà sáng đèn những mảng màu rực rỡ vào ban đêm. Mỗi năm, mỗi tháng, khi các sắc thái hoạt động khác nhau lần lượt đến và đi, người ta chưa bao giờ thấy diện mạo của 42 Nguyễn Huệ hôm nay ngừng thay đổi.
Phức hợp thương mại này cho phép người dân đô thị được thuận tiện tiếp cận nhiều tiện ích dịch vụ khác nhau cùng một lúc. Lưu trú ngắn ngày, triển lãm và thực hành nghệ thuật sáng tạo, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng, dịch vụ…Danh sách các hoạt động diễn ra trong tòa nhà ngày càng đa dạng, liên tục được thay đổi và bổ sung. Điều duy nhất người ta có thể nhận định về 42 Nguyễn Huệ là sẽ không bao giờ dự đoán được những cập nhật tiếp theo sẽ diễn ra tại đây. Điều đặc biệt là các cư dân sinh sống lâu năm tại tòa nhà khi gặp chúng tôi đều bày tỏ sự ủng hộ và hài lòng với đời sống thương mại mới này. Một vài người nói vui, nhờ có họ (những chủ kinh doanh) mà cả chung cư giờ đây đã có thêm thang máy. Quả thật vậy, trước đây thang bộ là phương tiện giao thông duy nhất trong tòa nhà 10 tầng này. Quá trình cải tạo không chỉ diễn ra riêng lẻ mà còn đóng góp nhiều lợi ích chung được chia sẻ cho cộng đồng.
Lý giải cho sự thu hút của tổ hợp này, dường như chính tính đa dạng, cởi mở với các chức năng mới mẻ và khác lạ so với chức năng nguyên thủy của công trình kiến trúc ban đầu đã tạo nên sức sống cho nó. Đặc biệt hơn nữa, diễn tiến hoạt động ở đây có sức hấp dẫn lớn vì có sự vượt trội trong tính sáng tạo và thử nghiệm. Dù không có bất kỳ một chỉ dẫn định hướng thiết kế nào, tập thể cộng đồng đa dạng về độ tuổi, ngành nghề, sở thích đã thổi hồn cho đời sống của tòa nhà 42 Nguyễn Huệ bằng tinh thần tự do, tiên phong trong tư duy tổ chức các không gian công cộng phức hợp.
Câu chuyện thăng trầm của chung cư 42 Nguyễn Huệ đã bộc lộ một quá trình hồi sinh tự thân, bắt đầu nhỏ lẻ từ từng “tế bào” dần lan tỏa cả “cơ thể”. Tinh thần hòa hợp và cởi mở của mỗi cư dân cũ và mới đã tạo nên một tổng thể hài hòa cho đời sống tinh thần lẫn vật chất của công trình. Quá trình hồi sinh công trình này không được thực hiện bằng một giải pháp đồng bộ về thiết kế “từ trên xuống”, mà được thực hiện theo một lộ trình bền bỉ và đa dạng do cộng đồng tự thực hành với những sáng tạo bất ngờ “từ dưới lên”. Xuyên qua quá trình này, tòa nhà cũ được điều chỉnh thích nghi dần với nhu cầu của cuộc sống đô thị đương đại. Nó đã “tiến hóa” thành một không gian hấp dẫn không phải nhờ vào sự can thiệp làm mới đơn thuần về hình thức, mà nhờ vào sự vượt trội về tính sáng tạo được thử thách thông qua quá trình sử dụng và trải nghiệm của cộng đồng.
Đường sách Nguyễn Văn Bình – Hồi sinh không gian công cộng đô thị
Trước khi đường sách được khánh thành năm 2016 và chính thức trở thành một con phố đi bộ, chúng tôi hiếm khi đi qua con đường này. Một phần vì nó chỉ kéo dài vỏn vẹn chừng 150m, mặt khác vì nó là “mặt sau” buồn tẻ của các công trình công sở (là Bưu điện Trung tâm TP và Ủy ban Nhân dân Quận 1), dường như không có bất kỳ một không gian nào cho trải nghiệm, giao tiếp, gặp gỡ cộng đồng tại nơi đây.
Với những đặc điểm như vậy, con đường dường như vô danh trong ký ức đô thị, và không thể tránh khỏi tình trạng “chết” về ban đêm. Chưa từng đóng vai trò là tuyến đường chính, nên dù sau bao lần đổi tên từ Hong-Kong, Cardi, đến Nguyễn Hậu, và giờ đây là Nguyễn Văn Bình, thì con đường yên tĩnh này vẫn luôn là một “ẩn sĩ” bị lãng quên trong mạng lưới đường phố đô thị, dù nằm ở vị trí trung tâm quan trọng bậc nhất của TP.
Đường sách Nguyễn Văn Bình ngày nay. Nguồn: TA Landscape Architecture Vietnam
Nếu như hồi sinh chung cư 42 Nguyễn Huệ là một ví dụ cho giải pháp thích nghi “từ dưới lên”, thì quá trình hồi sinh con đường Nguyễn Văn Bình buồn tẻ thành đường sách sinh động như hiện nay lại là một ví dụ trực quan về thiết kế đô thị có sự tham dự của cộng đồng. Những cải tạo về không gian ở phố sách là thành tựu sáng tạo của các nhà kiến trúc và thiết kế cảnh quan, được thực hiện với sự đóng góp đầy tâm huyết của các đơn vị nhà sách, nhà xuất bản và cả cộng đồng người dân yêu sách.
Tưởng chừng như bất kỳ quá trình hồi sinh cải tạo nào cũng tạo ra những hiệu quả tương phản với cái cũ, nhưng đời sống mới của con phố này đã khéo léo chuyển hóa cái vắng lặng của quá khứ trở thành cái sống động nhưng thư thái trong bối cảnh nhộn nhịp của một trung tâm đô thị đầy năng động hôm nay. Phố sách mới với sự xuất hiện những tổ hợp mođun các khối tích lập phương bằng kết cấu lắp ghép khung thép, tấm ốp, sàn gỗ và những vật liệu nhẹ khác. Các kiến tạo theo kiểu mođun tạo điều kiện cho các hoạt động đa dạng của văn hóa đọc được diễn ra một cách tối ưu và linh hoạt.
Đường sách Nguyễn Văn Bình trở thành một không gian công cộng hấp dẫn không vì nơi đây chỉ có không gian cho sách, mà vì nó tích hợp rất nhiều hoạt động đa dạng cho cộng đồng trải nghiệm. Các gian hàng sách, quán cà phê sách, điểm trưng bày triển lãm và các sân chơi thiếu nhi, gia đình cho phép người tham gia được lựa chọn một “câu chuyện” cho riêng mình.
Không gian đường sách không có bất kỳ một đối tượng vật thể nào có quy mô quá lớn. Mà ngược lại, với kích thước vừa vặn, gắn liền với tỉ lệ con người, các kiến tạo trên con phố tạo cảm giác gần gũi ở đủ mọi giác quan, cho con người cảm giác được thuộc về khung cảnh nơi mình đang hiện diện. Sự lặp lại liên tục của các mođun tương đồng tạo nên vần điệu, cho cảm giác có thể dự đoán và tạo tâm lý an tòan, hơn là các kiểu thức có phần ấn tượng phô trương.
Đường sách Nguyễn Văn Bình ngày nay. Nguồn: TA Landscape Architecture Vietnam
Chủ đề của con phố thu hút và định hình một không khí thân thiện, sinh động nhưng cũng chậm rãi và thư thả. Vào cuối tuần, các sự kiện ngắn hạn như ra mắt sách, gặp gỡ tác giả diễn ra sôi nổi tại nhiều không gian sự kiện làm điểm nhấn cho nhịp độ đều đặn ở đây. Trong tầm mắt, bước chân len lỏi qua các gian hàng sách báo hiệu sự tồn tại âm thầm của thời gian. Con phố không hoàn tòan ngưng đọng như cách những bạn đọc yên vị hàng giờ liền với một quyển sách trên tay dưới bóng râm của cây cối và các mái che. Khung cảnh này gợi nhắc chúng tôi về những bàn luận của nhà quy hoạch đô thị người Mỹ Kevin Lynch, trong cuốn “Nơi đây đang lúc nào?”, xoay quanh các dấu hiệu chỉ báo thời gian trong đô thị. Bởi hình ảnh của thời gian chính là chìa khóa mở ra những ký ức đô thị và gợi nhắc cảm thức về nơi chốn cho cư dân, xây dựng cảm giác gắn bó giữa con người và môi trường sống. Trong các chỉ báo đó, “thời gian cá nhân” là một mắt xích quan trọng với đời sống tinh thần của con người. Không chỉ quan trọng trong các chiều không gian vật chất, tỉ lệ con người trong chiều thời gian cũng là một khía cạnh chất lượng của không gian, đặc biệt là không gian công cộng trong đô thị. Không gian phố sách như một vùng chậm rãi giữa bối cảnh hối hả của đô thị, ở đó mỗi cư dân được tạo điều kiện để lựa chọn một nhịp độ nhanh chậm cho riêng mình.
Cung cấp sự riêng tư và tự do về thời gian cho mỗi cá nhân là một trong những thành công đặc biệt của phố sách Nguyễn Văn Bình ở vai trò của một không gian công cộng đô thị.
Sự tự do dù ở khía cạnh tinh thần hay vật chất cũng đều là một tiền đề vững chắc của sáng tạo. Quá trình hồi sinh của con đường Nguyễn Văn Bình không chỉ vực dậy sức sống cho chính nó, mà còn góp phần khơi thông tinh thần say mê khám phá tri thức, đóng góp thêm một không gian công cộng, một môi trường sinh hoạt lành mạnh và hấp dẫn cho đời sống đô thị tại TP HCM.
Sơ đồ ý tưởng không gian đường sách Nguyễn Văn Bình. Nguồn: TA Landscape Architecture Vietnam
Bản vẽ các modun không gian đường sách Nguyễn Văn Bình. Nguồn: TA Landscape Architecture Vietnam
Kết luận
Công năng vật chất của công trình kiến trúc luôn bị lão hóa chậm hơn nhiều so với công năng sử dụng của nó. Vì vậy mà mỗi khoảnh khắc mà công trình kiến trúc trở nên “cũ” hơn theo thời gian lại chính là một cơ hội để nó chuyển mình tái tạo đời sống mới. Albert Einstein – nhà phát minh vĩ đại của nhân loại đã chiêm nghiệm “Sáng tạo chính là nhìn thấy điều thường được trông thấy và nghĩ đến thứ chưa từng được nghĩ đến”. Tưởng chừng như đối lập nhưng hai chủ đề này lại liên hệ chặt chẽ với nhau như cái cách mà quá khứ và tương lai liên tục chuyển hóa và trở thành nhau trên trục thời gian phi tuyến tính. Với góc nhìn cởi mở và chủ động, kiến trúc nói riêng và các ngành nghệ thuật gắn liền với đời sống nói chung có thể tìm thấy một kho tàng cảm hứng vô tận bằng cách nhìn vào những di sản cũ kỹ của thời gian và cách thức mà những di sản đó thích nghi trong đời sống muôn mặt của đô thị không ngừng biến đổi.
TS. KTS. Phạm Phú Cường – ThS. KTS. Lê Nguyễn Gia An
Đại học Kiến trúc TP HCM
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.