Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Phúc
MTXD - Tóm tắt: Đô thị đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển hệ thống KCHTKT gắn với phát triển đô thị bền vững là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Bài viết phân tích thực trạng phát triển hệ thống KCHTKTĐT trong quá trình phát triển đô thị bền vững tỉnh Vĩnh Phúc từ khi tái lập tỉnh đến nay, qua đó chỉ ra những hạn chế và để xuất một số giải pháp phát triển hệ thống KCHTKTĐT gắn với phát triển đô thị bền vững tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới.
Từ khóa: Đô thị bền vững; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; Vĩnh Phúc.
1-Đặt vấn đề
Đô thị hóa, phát triển các đô thị bền vững là xu thế tất yếu của thế giới hiện đại, là một trong những thước đo trình độ phát triển của một quốc gia. Trải qua chặng đường hơn 30 năm thực hiện đường lối „đổi mới”, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh và nhanh, các đô thị đã có sự phát triển, trở thành động lực đặc biệt quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Sau gần một phần tư thế kỷ tái lập tỉnh, các đô thị Vĩnh Phúc đã có sự phát triển theo hướng bền vững, trong đó nổi lên là hệ thống KCHTKTĐT đã phát triển nhanh chóng. Nếu như khi mới tái lập, hệ thống KCHTKTĐT còn nghèo nàn, lạc hậu, thì đến nay hệ thống này dần dần phát triển hiện đại, trên phạm vi quy mô lớn, toàn diện hơn. Nhờ có hệ thống KCHTKTĐT, các đô thị đã phát triển một cách vững chắc, đáp ứng được mục tiêu phát triển đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm đầu thế kỷ 21. Chỉ có trên nền tảng hệ thống KCHTKTĐT hiện đại, bền vững thì sự phát triển của các đô thị mới thực sự bền vững. Nói cách khác, để đảm bảo quá trình phát triển các đô thị bền vững, vấn đề đặc biệt quan tâm là KCHTKTĐT phải được đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững và phải đi trước một bước.
2. Một số vấn đề chung về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và phát triển đô thị bền vững
2.1. Khái niệm
Theo nghĩa hẹp, KCHTĐT là tập hợp các công trình vật chất kỹ thuật phi vật chất và các tổ chức dịch vụ có chức năng bảo đảm những điều kiện chung cho sản xuất và phục vụ nhu cầu phổ biến của đời sống xã hội đô thị. Theo cách hiểu này, KCHTĐT chỉ bao gồm hệ thống các công trình giao thông, cấp thoát nước, cung ứng điện, hệ thống thông tin liên lạc... và các đơn vị sử dụng, vận hành, khai thác các công trình này.
Với cách hiểu như vậy, KCHTĐT là một thực thể độc lập, không phản ánh được mối quan hệ hữu cơ giữa các khu vực, các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo nghĩa rộng, KCHTKTĐT là một phạm trù rộng bao hàm các công trình vật chất kỹ thuật, có chức năng bảo đảm những điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của các tầng lớp dân cư, bảo vệ tài nguyên và môi trường đô thị.
Như vậy, KCHTKTĐT bao gồm các công trình vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển xã hội như: nhà ở, cơ sở y tế, trường học, văn hoá, khoa học kỹ thuật, các công trình phúc lợi công cộng, cây xanh, công viên, ... KCHTKTĐT là các công trình phục vụ trực tiếp cho cho sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, như: đường giao thông, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát, xử lý nước thải,...
KCHTKTĐT cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản, thiết yếu, bảo đảm cho sự liên tục của quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của dân cư đô thị. KCHTKTĐT phản ánh trình độ văn minh, trình độ phát triển của các đô thị và là nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội tại các đô thị. KCHTKTĐT mang những nét đặc trưng của đô thị và đảm bảo cho đô thị thực hiện các chức năng của mình.
Phát triển đô thị bền vững là quá trình phát triển đô thị hài hòa giữa ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, nhằm nâng đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng tới các nhu cầu phát triển đô thị của thế hệ tương lai.
2.2. Đặc điểm của kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị
Ngoài các đặc điểm giống như hệ thống các KCHTKT nói chung, KCHTKTĐT còn có một số đặc điểm nổi bật sau:
Một là, vốn đầu tư xây dựng các công trình KCHTKTĐT thường rất lớn, hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, KCHTKTĐT đòi hỏi các chi phí cho đầu tư, chi phí bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp thường lớn hơn so với đầu tư vào các loại hình KCHTKT chuyên ngành khác.
Hai là, quy mô của các công trình thuộc hệ thống KCHTKTĐT thường lớn hơn các công trình KCHTKT chuyên ngành khác nhằm đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đa dạng hơn của đô thị.
Ba là, KCHTKTĐT mang tính hiện đại, cho nên, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình KCHTKTĐT đòi hỏi phải xác định rõ xu thế phát triển, để đảm bảo các công trình KCHTKTĐT không bị lạc hậu, dễ hiện đại hóa, đảm bảo hiệu quả lâu dài của công trình và hình thành nên những đô thị bền vững.
Bốn là, các công trình KCHTKTĐT mang tính hệ thống đồng bộ cao và tính chất liên thông, liên kết giữa các khu vực rất chặt chẽ. Tính đồng bộ ở đây được thể hiện không chỉ ở nội dung đồng bộ về quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng và tính đồng bộ còn được thể hiện ở cách thức tổ chức quản lý, vận hành hệ thống nhằm phát huy hiệu quả công trình.
3. Thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị tỉnh Vĩnh Phúc
3.1. Tổng quan tình hình phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định chiến lược phát triển hài hòa trên cả ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường, lấy sự ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững là mục tiêu uyên suốt; trong đó phát triển công nghiệp là nền tảng, động lực của nền kinh tế; tập trung phát triển các ngành dch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhọn của tỉnh; phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện; phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2020). Đây là thời điểm, tỉnh xây dựng nhiều chương trình, dự án phát triển đô thị làm căn cứ để huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại và đồng bộ; nâng cao chất lượng môi trường sống, đảm bảo đô thị phát triển đô thị bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể là Chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020; Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Đề án chỉnh trang đô thị theo định hướng văn minh, hiện đại, mang bản sắc riêng, mở rộng không gian công cộng, phát triển công viên xanh.
Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh chóng, đến nay đã có 29 đô thị (tăng 15 đô thị so với 2012) gồm 1 đô thị loại II (thành phố Vĩnh Yên), 1 đô thị loại III (thành phố Phúc Yên) và 27 đô thị loại V thuộc huyện, trong đó có 16 thị trấn và 11 đô thị được công nhận loại V; thành lập 4 thị trấn mới gồm: Đại Đình, Hợp Châu, Bá Hiến, Đạo Đức; dân số đô thị của tỉnh chiếm 45 % dân số toàn tỉnh. (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2020).
Bảng 1. Tổng hợp hiện trạng các thành phố, thị trấn tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn: Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về điều chỉnh Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Trong nhưng năm gần đây đã nổi lên xu hướng hình thành các trung tâm đô thị chức năng, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cụm đô thị Vĩnh Phúc, hạt nhân là thành phố Vĩnh Yên, đây là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thương mại.... Chùm đô thị Phúc Yên là trung tâm giáo dục, y tế và dịch vụ của khu vực và của tỉnh; chùm đô thị Vĩnh Tường là trung tâm dịch vụ thương mại, công nghiệp và du lịch; chùm đô thị Lập Thạch là trung tâm dịch vụ, thương mại, tập trung các làng nghề và chùm đô thị Hợp Châu - Tây Thiên là trung tâm du lịch gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh. Các trung tâm đô thị đang phát huy thế mạnh, huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhìn chung, hệ thống đô thị Vĩnh Phúc đã phát triển khá nhanh chóng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các đô thị vẫn có xu hướng phát triển tự phát, thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên là hai đô thị lớn nhất của Vĩnh Phúc phát triển theo hướng vành đai đồng tâm, các đô thị còn lại phát triển theo hướng điểm, chuỗi, phân tán, manh mún. Tỷ lệ dân số đô thị tăng chậm; còn thiếu những khu đô thị chất lượng cao.
3.2. Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị
Hệ thống KCHTKT đô thị được đầu tư phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh huy động mọi nguồn lực, nhiều nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, phục vụ nhằm thúc đẩy tiến trình đô thị hóa bền vững.
Về hệ thống đường giao thông
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hệ thống giao thông khung của các đô thị đang được đầu tư xây dựng, theo Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020. Đến nay đã hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối hiệu quả giữa các đô thị với các tỉnh, thành phố lân cận, các vùng miền và nông thôn trong tỉnh tạo điều kiện giao lưu kinh tế - xã hội. Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến nay các tuyến đường giao thông liên kết các đô thị Vĩnh Phúc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận đã được đầu tư. Các tuyến đường hướng tâm trên quốc lộ 2, 2B, 2C; các đường vành đai 1,2,3 đô thị Vĩnh Phúc; các tuyến đường liên khu vực, đường chính cấp đô thị cũng đã và đang được đầu tư, dần hình thành khung giao thông. Các tuyến đường quan trọng được đầu tư, nâng cấp và mở rộng; toàn bộ hệ thống đường đô thị đã được cứng hóa. Tỉnh hoàn thành các tuyến đường nội thị, với tổng chiều dài là 181km, mặt đường rải nhựa 100%; đã khởi công và hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng như: Đường từ cầu Bì La đi Lập Thạch; Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; Hợp Châu - Đồng Tĩnh; Văn Quán đi Sông Lô; Tây Thiên -Tam Sơn; Đường nối từ Đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Tây Thiên; Đường Tây Thiên - Bến Tắm. Các tuyến đường hướng tâm cơ bản đã hoàn thành. Nhiều tuyến đường nội thị chính thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên và nhiều tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ,… đã được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2020). Hệ thống tuyến đường vành đai gồm đường vành đai 1, đường vành đai 2 và 3 có vai trò kết nối các đô thị với nhau và kết nối các đô thị với các địa phương, các vùng miền khác được đầu tư khá đồng bộ;… Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng hệ thống xe buýt liên huyện và 9 bến xe ô tô khách đạt tiêu chuẩn từ loại loại IV và V (về diện tích) đến loại I, II, III...
Nhìn chung, hệ thống giao thông đô thị tỉnh Vĩnh Phúc khá đồng bộ, có tính kết nối cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển các đô thị bền vững và của tỉnh. Hệ thống giao thông đô thị cơ bản đảm bảo lưu thông hàng hóa, lao động giữa các địa phường trên địa bàn tỉnh; một số tuyến giao thông quan trọng mới được hình thành tạo tiền đề cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giúp cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp có thể kết nối dễ dàng, tiếp cận với các hoạt động kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh.
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp điện
Tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Hệ thống điện tại các đô thị tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đảm bảo đúng quy hoạch và định hướng phát triển. Tại các đô thị, hệ thống lưới điện từ cao áp đến lưới trung áp, lưới hạ áp được đầu tư đồng bộ, hiệu quả đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức, đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Vĩnh Phúc triển khai dự án phát triển hệ thống truyền tải và phân phối điện, đầu tư xây dựng 2 trạm biến áp 220 KV, 8 trạm 110KV (Vĩnh Yên 2, Tam Đảo...); hệ thống truyền tải, phân phối gồm 2.011 trạm biến áp phân phối với tổng công suất đạt hơn 1 triệu kVA (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2020); đầu tư cải tạo hệ thống điện Vĩnh Yên và Phúc Yên bằng nguồn vốn JICA (thuộc DA Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc) đã hoàn thành tháng 3/2016. Việc cung cấp điện đảm bảo an toàn, ổn định, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế, xã hội của các đô thị, góp phần vào tăng trưởng điện năng thương phẩm ở mức cao, bình quân đạt 19%/năm giai đoạn 2016-2019 (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2020).
Hệ thống HTKT điện được đầu tư cơ bản đảm bảo thuận lợi, đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh cho các đô thị. Tuy nhiên, tại các đô thị tỷ lệ cáp ngầm hóa còn thấp ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; hiện tượng thiếu điện vẫn còn xảy ra nhất là vào những thời điểm mùa khô;…
Về hạ tầng cấp nước sạch đô thị
UBND tỉnh đã ban hành các quyết định số 3878/QĐ-UBND và 3879/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 về phê duyệt đồ án quy hoạch cấp, thoát nước đô thị theo đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sơ thu hút đầu tư triển khai các dự án cấp nước, thoát nước trên địa bàn; Kế hoạch số 5030/KH-UBND ngày 05/7/2017 về định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đên năm 2025, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch số 5973/KH-UBND ngày 08/8/2017 về phát triển hệ thống thoát nước đô thị và Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn 2050.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động các nguồn vốn nước ngoài nhằm nân cao công suất cấp nước sạch tại các đô thị, góp phần phát triển các đô thị bền vững. Các công trình cấp nước tiếp tục được đầu tư đảm bảo nhu cầu nước sạch cho tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh tập trung cải tạo và mở rộng mạng lưới cấp nước khu vực Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên, các thị trấn. Trong giai đoạn 2015 -2020 đã đầu tư hoàn thành dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Vĩnh Yên; triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch: nhà máy nước Đức Bác, nhà máy nước sông Hồng và nhà máy nước sông Lô. Hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế trên địa bàn. Đến nay, tổng công suất thiết kế cấp nước tại các đô thị là 115 nghìn m3/ngày đêm, tổng lượng nước cấp cho toàn đô thị khoảng 66,7 nghìn m3/ngày đêm, đạt 58% công suất thiết kế. Tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 90%. Nhìn chung, hệ thống cấp nước sạch tại các đô thị cơ bản đảm bảo cung cấp nước sạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của dân cư đô thị.
Về hạ tầng thoát và xử lý nước thải bảo vệ môi trường đô thị
Để giảm ngập úng vào mùa mưa và cải thiện môi trường sinh thái đô thị, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải được đầu tư xây dưng. Nhiều tuyến kênh tiêu đã được đầu tư nạo vét nhằm khả năng tiêu thoát nước tại các đô thị. Sông Phan đoạn từ cầu Vàng đến Cầu Thượng Lạp đã hoàn thành nạo vét từ năm 2014. Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên; dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được triển khai, từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường thành phố Vĩnh Yên, chủ động phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã hoàn thành dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên (giai đoạn 1) với công suất 5.000m3 /ngày đêm.
Về hạ tầng viễn thông, thông tin liên lạc đô thị
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3487/QĐ-CT ngày 08/12/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, hệ thống thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại các đô thị. Giai đoạn 2016-2020, hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Hiện nay, 100% các cơ quan nhà nước đã có mạng LAN, kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã xây dựng trục cáp quang và lắp đặt thiết bị đầu cuối tại 55 cơ quan, đơn vị; hệ thống mạng WAN của tỉnh đã kết nối 33 đơn vị, địa phương qua mạng truyền số liệu chuyên dùng. Mạng thông tin di động 3G đã phủ 100% địa bàn đô thị; có 3 doanh nghiệp viễn thông đã triển khai phủ sóng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mạng 4G tại thành phố Vĩnh Yên và trung tâm các huyện trong tỉnh. 100% thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh là Internet băng rộng (trong đó trên 80% là Internet cáp quang FTTH). Bên cạnh đó, mạng truyền dẫn của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã sử dụng cáp quang 100% do đó tốc độ không bị hạn chế. Truyền dẫn kết nối liên tỉnh đạt tốc độ hơn 100 Gbps, các vòng ring kết nối các trung tâm huyện đạt tốc độ 10 Gbps.
Nhìn chung, hạ tầng mạng viễn thông tại các đô thị khá hiện đại, có độ phủ tương đối tốt, có khả năng nâng cấp để đáp ứng nhu cầu dịch vụ xã hội. Mạng truyền dẫn quang đã phủ khắp các đô thị; 100% xã, phường thuộc các đô thị có cáp quang.
3.3. Tác động của kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với phát triển đô thị bền vững ở Vĩnh Phúc
Một là, KCHTKTĐT phát triển, đặc biệt là hệ thống đường giao thông đối ngoại kết nối các đô thị Vĩnh Phúc với vùng nông thôn; Hà Nội và các tỉnh, thành đã mở rộng không gian kinh tế, tạo ra lợi thế qui mô kinh tế đô thị trong đó bao gồm thị trường đầu vào và thị trường đầu ra; giúp tối thiểu hoá chi phí sản xuất, nhất là các loại các loại chi phí vận tải, chi phí truyền thông và chi phí giao dịch giảm đáng kể. Như vậy, KCHTKTĐT phát triển tạo điều kiện thúc đẩy phát triển đô thị bền vững thông qua tăng cường khả năng tập trung, chuyên môn hóa; thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao; phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch; thúc đẩy nhu cầu, sản xuất, công nghệ, đẩy mạnh tăng trưởng GRDP, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Ví dụ điển hình là thành phố Vĩnh Yên, trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khoảng 17,3%; các ngành dịch vụ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố và đóng góp hơn 20% vào giá trị sản xuất ngành dịch vụ của toàn tỉnh; giá trị gia tăng bình quân đầu người khoảng 221,4 triệu đồng/người.
Hai là, sự phát triển hệ thống KCHTKTĐT mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ… tạo điều kiện thuận lợi tăng năng suất lao động, là yếu tố quyết định để phát triển đô thị bền vững. Giai đoạn vừa qua, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn như: Piaggio VN, VPIC1; Partron Vina; Jahwa Vina; Haesung Vina, Exedy, Strong Way, Prime Group... sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, trong đó: các dự án FDI đã đóng góp hơn 2,8 tỷ USD vào giá trị tăng thêm của tỉnh, nộp ngân sách hơn 11,6 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 41 nghìn lao động, (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2020).
Ba là, hệ thống cấp nước sạch và hệ thống thoát nước thải, thu gom xử lý nước thải đô thị góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường sống cho dân cư.
3.4. Một số hạn chế Hệ thống KCHTĐT
Vĩnh Phúc, mặc dù đã được ưu tiên đầu tư1 nhưng chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là không đồng bộ, còn chênh lệch giữa các vùng và thiên lệch (KCHT thoát nước thải, xử lý nước thải chưa được quan tâm đúng mức); thiếu tính hiện đại; nhiều công trình lớn, trọng điểm không đạt tiến độ thi công, ảnh hưởng đến hệ thống KCHTĐT chung cả tỉnh.
Thiếu cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các lĩnh vực kết cấu hạ tầng khác trong xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình, còn hoạt đông theo cách “mạnh ai, ngưới ấy làm”, dẫn đến tình trạng chồng lấn, đào lên, lấp xuống nhiều lần, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, gây dư luận bức xúc. Các công trình thi công chậm đã ảnh hưởng mỹ quan đô thị, giảm hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tác động xấu đến tính bền vững của đô thị, gây khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu đô thị bền vững. Chất lượng một số tuyến giao thông đô thị còn hạn chế, đầu tư chưa được đồng bộ, quy mô còn nhỏ, nhất là các tuyến giao thông nội thị…
Hệ thống KCHT cấp nước sạch tại các đô thị tỉnh Vĩnh Phúc còn có những hạn chế, tồn tại: việc đầu tư xây dựng, bảo trì bảo dưỡng đôi khi chưa có sự phối hợp nhịp nhàng với các lĩnh vực khác; nguồn nước ngầm phục vụ cho đô thị có dấu hiệu bị ô nhiễm và trong tương lai chỉ có thể sử dụng nguồn nước mặt của sông Lô. Không chỉ chất lượng lượng nước sinh hoạt có lúc, có nơi không đảm bảo tiêu chuẩn, có dấu hiệu ô nhiễm mà còn thất thoát, lãng phí, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch là 16%.
Hệ thống thu gom và xử lý thoát nước thải chưa được đầu tư đồng bộ; chưa xây dựng được nhà máy xử lý rác thải tập trung của tỉnh; tiêu thoát nước mưa tại các đô thị chưa được giải quyết cơ bản, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế việc, vẫn còn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ mỗi khi trời mưa to, kéo dài. Mạng lưới cống thoát nước đô thị còn bất cập, mức độ bao phủ rất thấp, chủ yếu tập trung vào khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên; các địa bàn khác còn rất hạn chế. Hệ thống các tuyến cống, chủ yếu là các cống thu nước dọc các trục đường giao thông chưa tính đến khả năng thoát nước cho các lưu vực sông. Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom và chôn lấp thông thường, chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường. Tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý 100%, tuy nhiên, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường ở khu vực đô thị đạt 97% và khu vực nông thôn đạt 80%. Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%.
Mức độ sử dụng dịch vụ viễn thông của khách hàng còn nhiều hạn chế, khách hàng chủ yếu sử dụng các dịch vụ cơ bản; các hạng mục đầu tư xay dqwngj hạ tầng viễn thông, mới tập trung đáp ứng nhu cầu trước mắt nên còn bất cập khi mạng chuyển mạch và phát triển hạ tầng mạng nội hạt cũng như khó khăn trong việc thích ứng với những thay đổi, yêu cầu mới.
4. Một số giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2021 - 2025
Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng các chương trình hành động phát triển KCHTKTĐT thân thiện với môi trường gắn với phát triển đô thị bền vững là giải pháp then chốt nhằm khắc phục nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về phát triển CHTKTĐT gắn với phát triển đô thị bền vững. Phát triển hệ thống KCHTKTĐT gắn với đô thị bền vững không chỉ là môi trường, công viên, cây xanh, cung cấp nước sạch...mà còn là khai thác sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên (đất đai, nước, năng lượng...).
Thứ hai, đổi mới tư duy, phương pháp tích hợp đầu tư xây dựng KCHTKTĐT gắn với phát triển đô thị bền vững ngay từ khi lập quy hoạch, thiết kế, phân bổ vỗn đầu tư, thi công, duy tu bảo dưỡng công trình, mua sắm thiết bị, sử dụng năng lượng, đất đai... Phát triển hệ thống KCHTKTĐT gắn với phát triển đô thị bền vững trên địa bàn Vĩnh Phúc càn có tầm nhìn dài hạn, chiến lược để không rơi vào bị động, tụt hậu.
Thứ ba, xây dựng hệ thống KCHTKTĐT đồng bộ, hiện đai, có thứ tự ưu tiên, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, gắn với phát triển đô thị bền vững. Trong giai đoạn tới cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, đảm bảo đạt các mục tiêu đã đề ra, nhất là các công trình trọng tâm, trọng điểm bao gồm cả công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị; một số tuyến giao thông kết nối với bên ngoài, đáp ứng yêu cầu liên kết vùng.
Thứ tư, xây dựng chiến lược, kế hoạch kiến tạo hệ thống KCHTKTĐT gắn với phát triển đô thị bền vững trên địa bàn tỉnh dựa trên nền tảng CMCN 4.0. Cần phái xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế, chính sách, pháp luật để giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chiến lược, kế hoạch kiến tạo hệ thống KCHTKTĐT gắn với phát triển đô thị bền vững.
5. Kết luận
Phát triển hệ thống KCHTKTĐT gắn với phát triển đô thị bền vững là khâu then chốt, đột phá trong chiến lược phát triển bền vững của mỗi địa phương, vùng lãnh thổ và cả nước. Nâng cao nhận thức mới về phát triển hệ thống KCHTKTĐT trong quá trình HĐH, CNH và ĐTH là một đòi hỏi cấp bách và đi liền với nó là những hành động kịp thời, hiệu quả của chính quyền các đô thị, chính quyền các cấp, trong đó quan trọng vai trò điều phối của cơ quan có thẩm quyền để các đô thị tỉnh Vĩnh Phúc trở thành các đô thị bền vững.
LÊ ANH VŨ*
PHẠM VĂN HIẾU**
VŨ THỊ CHANH***
Tài liệu tham khảo
1. UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) ngày 29/12/2020
2. UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Đề án Đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025. 3. UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Vĩnh Phúc.
4. UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5. UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Quyết định số 2260/QĐ-CT ngày 22/8/2013 về Chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020.
6. UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Báo cáo về điều chỉnh Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
7. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2008): “Phát triển kết cấu hạ tầng để đảm bảo thúc đẩy phát triển bền vững”, Thông tin chuyên đề, số 2/2008
8. Nguyễn Thế Bá (2009), Quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, NXB Xây dựng
* Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng. ** Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. *** Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.