Không để làng, xã trở thành “phố làng”
MTXD - Hà Nội đang triển khai lập 14 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện song song với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô.
Làng La Phù (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Ảnh: Trương Hưng
Vấn đề đặt ra là cần xác định ngay những nội dung ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm để kịp thời quản lý, phát triển khu vực này một cách bền vững, hài hòa gắn với phát triển đô thị.
Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý
Sau hơn 10 năm thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (từ năm 2011), TP Hà Nội đã chỉ đạo, các huyện tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng huyện, phê duyệt các quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới (100% xã) và triển khai những quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/500 (727 đồ án).
Các quy hoạch xây dựng này đều đã xác định khá cụ thể về tổ chức không gian những khu chức năng để phục vụ yêu cầu quản lý, góp phần cụ thể hóa, xác định rõ định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực có liên quan ở khu vực nông thôn.
Theo đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống văn bản quy định về quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng còn thiếu, chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch thiếu và chậm.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với kinh tế phát triển, nhiều làng, xã trở thành “phố làng”, cấu trúc không gian bị thay đổi nhanh chóng và không có khả năng kiểm soát, tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, nguyên nhân của tình trạng này một phần do những bất cập, chồng chéo trong các quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch.
Cụ thể, theo Luật Xây dựng 2014, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thuộc đối tượng miễn phép xây dựng, trong khi trên địa bàn một số huyện thuộc khu vực đô thị trung tâm (theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô) đã cơ bản được phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. Lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại các huyện còn mỏng, chưa kiểm soát hết tình hình, dẫn đến nhiều hộ dân xây dựng sai quy hoạch.
Ngoài ra, do chưa có các quy định, hướng dẫn về thiết kế kiến trúc cảnh quan nên kiến trúc công trình ở nhiều khu vực phát triển lai tạp, mất dần bản sắc địa phương, phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…
Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, PGS.TS Phạm Hùng Cường nêu thực tế, do thiếu quy định quản lý nên nhiều huyện đang thiếu đi các đặc trưng về kiến trúc cảnh quan.
Nhiều khu vực bảo tồn như khu vực ven sông, kênh mương, hệ thống cây xanh thuần (cây xanh, công viên) không được quan tâm, chất lượng môi trường vì vậy cũng chưa được bảo đảm. Dọc trục đường quốc lộ, tỉnh lộ qua các huyện, cảnh quan hai bên đường nhiều nơi là nhà tạm, xưởng tạm, nơi để vật liệu xây dựng, thậm chí là phế liệu.
Sông ngòi, cánh đồng, kênh mương là đặc trưng của cảnh quan nông thôn, vốn thân thuộc với mọi người lại không lọt vào tầm nhìn. Hệ thống hành lang xanh đã có định hướng trong đồ án Quy hoạch chung Thủ đô nhưng chưa được cụ thể hóa thành các quy định quản lý trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện…
Cần có quy định để gìn giữ các giá trị
Từ những tồn tại, nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu cấp thiết trong quá trình lập các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô không chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu mà cần phải cần nghiên cứu đưa ra giải pháp hướng dẫn quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện theo hướng phát triển bền vững.
PGS.TS Phạm Hùng Cường cho biết, qua khảo sát đánh giá công tác quy hoạch vùng huyện và việc triển khai tại một số huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, cần bổ sung những quy định quản lý về phân bố điểm dân cư và khung cảnh quan trong các đồ án quy hoạch vùng huyện.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Lã Hồng Sơn cho rằng, cần phải xây dựng các hướng dẫn, quy định để gìn giữ giá trị văn hóa, bản sắc kiến trúc và cảnh quan tại các huyện. Khoanh vùng bảo vệ với khu vực có công trình tôn giáo, tín ngưỡng (cho cả loại hình đã xếp hạng và chưa xếp hạng). Đất ao làng, giếng làng, cổng làng, đền miếu, quán, cầu đá, cây cổ thụ và các loại hình nhà công cộng truyền thống khác… phải xác định là đất bảo tồn, không phải đất giao thông hoặc đất nông nghiệp.
Ngoài ra, cần hướng dẫn công tác quy hoạch các xã, điểm dân cư có định hướng phát triển mô hình làng nghề du lịch, làng du lịch dựa trên giá trị di sản.
“Đây là hướng dẫn riêng rất cần thiết, do hiện nay các định hướng phát triển mô hình làng nghề - du lịch, làng du lịch dựa trên di sản còn rất chung chung, mới chỉ dừng ở bước định hướng cho khai thác tiềm năng, coi tất cả các di tích, khu vực có di sản đều có thể phát triển du lịch. Thực tế còn cần rất nhiều yếu tố đánh giá, lập quy hoạch, lập mô hình quản lý mới có thể xây dựng được mô hình này” - KTS Lã Hồng Sơn cho hay.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần đưa ra hướng dẫn về định hướng phát triển xanh trên địa bàn các huyện nhằm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, phát triển hạ tầng xanh nông thôn và cụ thể hóa về định hướng xây dựng hành lang xanh Thủ đô.
Trong đó, tập trung đạt tiêu chí quan trọng như thoát nước thải, tăng diện tích mặt nước, cây xanh thuần, tạo sự đa dạng sinh học, khôi phục hệ sinh thái…
Đặc biệt, trong các đồ án quy hoạch cần đề xuất quản lý phân vùng và khung cảnh quan vùng huyện. Nội dung này nhằm xác định các vùng cảnh quan, đặc trưng cảnh quan của vùng huyện, xác định các trục, tuyến cảnh quan, khu vực tạo đặc trưng cảnh quan cần thiết lập.
Đây là nội dung nếu giải quyết được trong đồ án quy hoạch vùng huyện sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của Luật Kiến trúc với việc gìn giữ bản sắc kiến trúc, cảnh quan. Đồng thời đáp ứng Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc giữ gìn kiến trúc truyền thống.q
Trong quy hoạch, xây dựng nông thôn mới tại vùng huyện ở Hà Nội hiện nay xuất hiện một số xu hướng cần cảnh báo để các xã khắc phục. Đó là xu hướng bỏ cũ làm mới trong trùng tu, cải tạo. Việc này dễ dẫn đến hủy hoại công trình, cụm công trình có giá trị; Xu hướng bê tông hóa đường giao thông nhưng không có bờ cỏ mềm, cây xanh, nhất là khu vực cổng làng cần khôi phục các tổ hợp cảnh quan truyền thống như lũy tre, cây đa cạnh cổng làng; Xu hướng xây cổng làng như cổng chào đã xuất hiện ở một số nơi; xu hướng xây dựng thiếu tính hoạch định dẫn đến phải cải tạo xây dựng lại sau một thời gian ngắn sử dụng gây lãng phí. - KTS Lã Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội |
Theo Vũ Lê -kinhtedothi.vn
Link gốc: https://kinhtedothi.vn/khong-de-lang-xa-tro-thanh-pho-lang.html
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.