Kiến trúc nhà ở nông thôn trong quá trình đô thị hóa

​MTXD - Ngôi nhà từ xưa đến nay trong quan niệm của người Việt không chỉ là nơi che nắng che mưa, mà còn là mái ấm gìn giữ văn hóa truyền thống, nét đẹp của gia đình, nơi nuôi dưỡng tâm hồn Việt.

MTXD - Ngôi nhà từ xưa đến nay trong quan niệm của người Việt không chỉ là nơi che nắng che mưa, mà còn là mái ấm gìn giữ văn hóa truyền thống, nét đẹp của gia đình, nơi nuôi dưỡng tâm hồn Việt.

Khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn Việt Nam biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là nông thôn miền Bắc. Kiến trúc nhà ở nông thôn chuyển mình trong xu thế hội nhập, theo nông thôn mới với ảnh hưởng của đô thị hóa, công nghiệp hóa. Những ngôi nhà cao tầng với bê tông cốt thép mọc lên ngày càng nhiều, thay thế những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống.

Chưa có một đánh giá tổng thể thấu đáo về sự phát triển trong thời gian qua, song thực tế cho thấy, cùng với những thành tựu kinh tế, bộ mặt nông thôn thời gian qua có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng “đô thị hóa”, và đây là một thực tế đáng quan tâm. Nông thôn Việt Nam nói chung và kiến trúc nông thôn nói riêng đang gặp phải rất nhiều thách thức. Chúng ta cần nhìn nhận các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những bước chuyển hóa để có một cái nhìn toàn cảnh hơn về bức tranh nông thôn Việt Nam.

Khái quát quá trình biến đổi kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng qua từng thời kỳ

Nhà ở Thời kỳ nguyên thủy

Từ thời kỳ đồ đá cũ (khoảng 2,5 vạn năm – 1 vạn năm tr.CN) kéo dài đến thời kỳ đồ đá mới (khoảng 1 vạn năm – 3.000 năm tr.CN) vùng đồng bằng Bắc Bộ có nền văn hóa Tràng An là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất tại Việt Nam, lúc đầu cha ông chúng ta ở tản mạn trong các hang động đá vôi ven sông, suối, chưa biết tạo dựng không gian ở cho mình, sinh sống bằng hái lượm và săn bắt.

Đến trước thời kỳ đồ đồng (khoảng 3.000 năm tr.CN) nhà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã có những bước tiến vượt bậc trong cấu trúc làng, xã cũng như tổ chức không gian nhà ở. Căn cứ vào hình ảnh còn lưu lại trên mặt trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, chúng ta thấy có 2 loại hình kiến trúc là nhà sàn mái cong hình thuyền và nhà sàn mái hình tròn. Trong một thời gian dài nhà ở dân gian người Việt chủ yếu là loại nhà sàn tựa trên cột, đây là loại nhà phù hợp với môi trường tự nhiên vùng châu thổ.

Hình 1. Họa tiết trên mặt trống đồng Đông Sơn

Nhà ở nông thôn thời kỳ phòng kiến và Pháp thuộc

Nhà ở nông thôn đã biến đổi hoàn toàn từ nhà sàn chuyển sang nhà đất, từ đó về tổ chức không gian cũng đã thay đổi cho phù hợp với phương thức sản xuất mới, thân thiện, gắn kết với môi trường tự nhiên. Nhà ở nông thôn lúc này được chia làm 2 nhóm: Nhóm nhà ở trung lưu, giàu có như quan lại, địa chủ và nhóm nhà ở cho dân nghèo. Nhà ở của người dân nghèo thì chủ yếu sử dụng vật liệu tự nhiên như tre, nứa làm hệ kết cấu chính. Kết cấu bao che sử dụng mái lá và tường đất. Về tổ chức không gian thì nhà ở người nghèo từ 1-2 gian, kết hợp bếp nấu, tổ chức theo chiều ngang. Khuôn viên nhà ở người nghèo thường có diện tích nhỏ, dưới 1 sào (1 sào = 360m2).

Nhà ở dành cho giới trung lưu thường có khuôn viên rộng, hàng mẫu đất (1 mẫu = 3600m2), là tổ hợp giữa gian nhà chính và nhà phụ thông thường theo bốn hình thức: Hình chữ nhất, hình thước thợ, hình chữ đinh và hình chữ môn. Về vật liệu xây dựng, hệ kết cấu chính như cột, vì kèo được làm bằng gỗ, hệ kết cấu bao che bằng gạch gỗ hoặc gạch đất nung kết hợp mái lợp ngói. Về tổ chức không gian, nhà ở dành cho giới trung lưu là điển hình cho cấu trúc ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ với 3 không gian chính: Không gian bên trong (không gian thờ cúng, sinh hoạt), không gian chuyển tiếp (mái hiên), không gian bên ngoài (sân vườn, ao cá). Không gian nhà chính thường từ 3-5 gian, gian giữa là gian thờ cúng tổ tiên, các gian bên bố trí không gian tiếp khách và nơi ngủ cho đàn ông, gian buồng bố trí nơi ngủ cho đàn bà, con gái. Nhà phụ bố trí bếp nấu, phòng ăn, chỗ ngủ của ông bà, nơi để nông cụ sản xuất.

Thời kỳ người Pháp xâm chiếm và đặt ách đô hộ lên nước ta, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, không gian nhà ở nông thôn nhìn chung không có biến đổi nhiều. Tuy nhiên, hình thức kiến trúc và vật liệu đã có sự thay đổi. Về hình thức kiến trúc, do quan chức nghỉ hưu hoặc người giàu mang mẫu thiết biệt thự kiến trúc Pháp về làng xây dựng theo kiểu nhà vườn. Do không làm nông nghiệp nên khuôn viên ngôi nhà đã bỏ bớt một số không gian như chuồng chăn nuôi, bổ sung thêm gara ô tô, hồ bơi, sân chơi, vườn dạo. Ngoài ra, một số người dân lên thành phố buôn bán giàu có mang hình thức kiến trúc Pháp về phối với kiến trúc dân gian truyền thống tạo nên một số hình thức kiến trúc lai tạp. Về vật liệu đã có bê tông, sắt thép và các trang thiết bị nội thất nhà ở hiện đại, xuất hiện nhà ở nông thôn truyền thống kết hợp với hiên mái bằng (hiên Tây), lan can hiên có đắp phào bê tông hoặc đắp hoa văn bê tông, kết cấu trong nhà vẫn là vì kèo gỗ chỉ 2 cột, phần còn lại tựa trên tường xây chịu lực, mái nhà lợp ngói, cửa ra vào không sử dụng của bức bàn theo truyền thống mà cánh cửa treo trên khuôn gỗ hoặc tường chịu lực. Nhìn chung, mặc dù ảnh hưởng của kiến trúc Pháp nhưng nhà ở nông thôn giai đoạn này vẫn mang đậm cấu trúc không gian truyền thống, thân thiện với môi trường và đã mang lại những giá trị kiến trúc cho nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Hình 2: nhà ở nông thôn với kiến trúc Pháp

  • Nhà ở nông thôn thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp

Thời kì kinh tế tập trung bao cấp, vùng đồng bằng Bắc Bộ tập trung xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, xây dựng hợp tác xã sản xuất tập trung. Với chủ trương ngói hóa nông thôn, nhà ở nông thôn đã tiến một bước mới trong kết cấu và vật liệu xây dựng. những ngôi nhà tranh, tre, nứa, lá đã được thay thế bởi các ngôi nhà tường xây gạch, mái lợp ngói.

Về tổ chức khuôn viên cũng như không gian nhà ở, giai đoạn này không biến đổi nhiều. Tuy nhiên, diện tích khu đất nhỏ hơn, bình quân chỉ còn khoảng 1-2 sào đất/hộ gia đình nên ao nuôi cá cũng thu hẹp hoặc không còn, vườn trồng rau, cây ăn quả cũng nhỏ hẹp lại. Về vật liệu, kết cấu và hình thức kiến trúc thay đổi nhiều. Kết cấu vẫn sử dụng bộ vì gỗ nhưng đơn giản hơn, bộ vì kèo không còn cột mà tựa trực tiếp lên tường gạch chịu lực, cột hiên cũng xây bằng gạch. Nhờ có vật liệu bê tông và cốt thép nên nhà ở kiểu hiên Tây đã thịnh hành, ba gian giữa và gian buồng làm phòng ngủ đổ mái bằng thò ra ngoài tạo thành hiên cụt), phần mái bằng tại gian này có thể làm 2 tầng với cầu thang lên tầng được neo vào tường ngoài.

Hình 2: nhà ở nông thôn với kiến trúc Pháp

  • Nhà ở nông thôn thời kỳ sau đổi mới

Giai đoạn đất nước đã đổi mới từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nền kinh tế – xã hội nông thôn đã phát triển vượt bậc, kéo theo không gian nhà ở nông thôn biến đổi nhanh chóng. Một số tác động đến không gian nhà ở nông thôn như yếu tố kinh tế, phương thức sản xuất từ thuần nông đến kết hợp với sản xuất nghề thủ công, dịch vụ, thương mại và du lịch; yếu tố công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa; nhu cầu phát triển nhà ở do dân số tăng; nhu cầu tách hộ từ gia đình lớn “Đa thế hệ” thành gia đình nhỏ “hạt nhân”.

Không gian kiến trúc NONT đang biến đổi sang gia đình nhỏ với khuôn viên khu đất nhà ở ngày càng thu hẹp, diện tích tối đa chỉ còn 100m2/lô (chưa bằng 1/3 so với trước đây); diện tích chia lô để bán hoặc chia cho các con từ khu đất gia đình cũng chỉ bình quân từ 120-150m2/lô. Việc chia lô làm nhà ở tại nông thôn đang là trào lưu và xuất hiện các dãy nhà “Phố làng” tại nông thôn.

Về tổ chức không gian: Khuôn viên nhà ở nông thôn không còn mặt nước, sân vườn, nếu có thì diện tích cũng rất khiêm tốn; không còn không gian bốn phía như nhà ở truyền thống; hình thái ngôi nhà chỉ có duy nhất hình chữ nhất theo phương dọc. Về công năng: Đã bỏ bớt một số chức năng không phù hợp và sắp xếp theo phương dọc thay phương ngang như trước đây. Các không gian chăn nuôi gia súc gia cầm không còn nữa, chuyển ra chăn nuôi tập trung; khu vệ sinh, nhà tắm chuyển dần sát vào không gian ở; không gian hiên đón không còn được chú trọng. Về kết cấu: Kết cấu chủ yếu nhà khung bê tông cốt thép; vật liệu dùng gạch, bê tông, thép, nhôm, kính, tôn để xây dựng nhà ở; phương thức xây dựng bán cơ giới và thi công tại chỗ khác với nhà ở truyền thống có thể tháo lắp được và thi công thủ công. Về hình thức kiến trúc: Đã thay đổi hoàn toàn hình thức so với nhà ở truyền thống, giống với nhà lô phố trong các đô thị

Hình 4. Kiến trúc nhà ở nông thôn thời kỳ đổi mới

Những tác động lên việc biến đối Kiến trúc nhà ở nông thôn trong quá trình chuyển đổi.

  • Tác động từ quy định, chính sách quản lý

Sau năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa làm cho các vùng nông thôn có sự thay đổi đáng kể. Cùng với quá trình nông thôn mới thì hình thái kiến trúc các vùng nông thôn đã có sự chuyển hóa một cách đa dạng và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển mô hình nông thôn mới vẫn còn những tồn tại như quy hoạch nhiều nơi đánh mất đi các cảnh quan nông thôn địa phương, các làng xã truyền thống do quá trình hiện đại hóa, kiến trúc, không còn bóng dáng lũy tre, cây đa, giếng nước, vườn rau, ao cá… Làng nghề tự phát kiểu đô thị (cấu trúc đường phố và chia lô liền kề). Cấu trúc làng bị thay đổi, các công trình công cộng bị lấn chiếm, biến đổi…

Bắt đầu từ 1/1/2021, quy định về giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn khu vực chưa quy hoạch được miễn giấy phép xây dựng. Điều đó vô hình cũng tạo ra những thách thức trong quản lý và hướng dẫn người dân ở nông thôn trong việc xây dựng nhà cửa, đồng thời cũng tạo ra cơ hội sáng tạo trong kiến trúc nông thôn. Các cấp cơ quan quản lý, còn nhiều băn khoăn trong việc định hướng cho nông dân lựa chọn một vài mẫu nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng, thích dụng, tiện nghi, đồng thời không phá vỡ cảnh quan chung, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.

  • Tác động từ tập quán sống và thay đổi về nơi chốn

Từ xưa, tập quán sống của người Việt là nhiều thế hệ dưới cùng mái nhà. Kiến trúc chia theo chiều ngang cùng phần sân rộng, vườn cây, ao cá. Sự tăng trưởng tự nhiên của dân số cộng với sự di dân do quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi dần tập quán sống của người dân quê. Dân số tăng lên nhưng quỹ đất có hạn, từ một mảnh đất rộng nay được chia ra để phù hợp với số lượng người ở. Để tối đa diện tích những nhà 5 gian 2 trái được thay thế bằng nhà 2-3 tầng khang trang, tiên tiến.

Chuyển hóa bắt nguồn từ thay đổi phương thức sản xuất, kinh tế. Kiến trúc nhà ở nông thôn, làng xóm theo một không gian truyền thống phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và vùng miền mà ta có những kiến trúc làng nông nghiệp, làng chài ven biển và làng nghề thủ công. Từ đó hình thành các nét đặc trưng trong kiến trúc nhà ở nông thôn. Tới nay, cấu trúc ngôi nhà đã chuyển hóa bởi cơn lốc đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Người ta đã thích hơn một ngôi nhà hình ống nhiều tầng bám ra mặt ngói với khoảng sân đằng trước. Một khi nghề nông bị lãng quên thì khoảng sân cũng không còn nhiều ý nghĩa.

Đối với nhóm dân cư thuần nông giàu lên, có điều kiện để thay đổi môi trường sống của mình. Khi có tiền, người dân phá bỏ đi những ngôi nhà gỗ truyền thống, với đầy đủ chức năng của một không gian ở kết hợp với sản xuất nông nghiệp vô cùng thích dụng (được cho là không hiện đại và kém tiện nghi) để xây dựng một ngôi nhà bê tông nhiều tầng hình hộp giống nhà ở đô thị mà họ cho là văn minh, hiện đại – những ngôi nhà ở thế hệ mới với không gian phân chia theo chiều thẳng đứng.

Đối với nhóm dân cư buôn bán nhỏ, làm nghề phụ kết hợp với sản xuất nông nghiệp: Họ xây dựng nhà ở kết hợp với buôn bán nhỏ và làm nghề phụ. Không gian kiến trúc nhà ở của họ cũng cần thay đổi cho phù hợp với nhu cầu sản xuất mới. Không gian kiến trúc nhà ở nông thôn mà nhóm dân cư này lựa chọn xây dựng là loại nhà ở chia lô kiểu đô thị bám theo các trục đường làng hoặc các trung tâm thị tứ. Loại nhà này kết hợp chức năng ở với chức năng buôn bán, thương mại và dịch vụ.

  • Tác động từ công nghệ và vật liệu xây dựng

Với hệ thống tự cung, tự cấp về kinh tế, người nông dân trước đây vốn sống trong các ngôi làng khép kín. Vật liệu xây dựng cũng đều là thứ sẵn có: Gỗ, tre, gạch đất, vôi, rơm lợp nhà… Kỹ thuật xây dựng cũng đặc trưng. Hệ kết cấu được ngàm vào nhau bằng mộng. Tường được xây bằng gạch đất nung, có thể để trần hoặc trát.

Xã hội đã thay đổi, nhu cầu cuộc sống cũng thay đổi. Thông tin được đón nhận nhiều và đa dạng hơn, các loại vật liệu mới xuất hiện và người dân không còn mặn mà với nếp nhà cùng vật liệu truyền thống. Nhưng những vật liệu này dần biến mất và thay thế vào đó là các thiết kế mới theo lối nhà phố. Từ đó tạo điều kiện cho chuyển hóa về kiến trúc, hình thành khung cảnh những căn nhà 2-3 tầng hiện đại, nhấp nhô, thóat ly khỏi mặt đất. Khả năng thi công của thợ cũng tăng lên rất nhiều, đáp ứng được đa dạng những nhu cầu của người dân.

  • Những thay đổi về quan điểm thiết kế

Chuyển hóa về quan điểm thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn chủ yếu tập trung ở việc du nhập các văn hóa kiến trúc ngoại lai từ các đô thị. Công nghệ thông tin góp phần giúp người dân tiếp cận những xu hướng thiết kế không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Nhưng do tâm lý thích cái mới và tư tưởng bài trừ cái cũ, người dân thường lấy nguyên mẫu nhà ở đô thị. Bên cạnh đó là tư tưởng không cần thiết kế mà chỉ sao chép dẫn đến những chuyển biến dữ dội: Không quy hoạch, không quản lý, mạnh ai người ấy làm miễn là có tiền với đủ các kiểu nhà và các phong cách Đông, Tây, Trung Cận Đông… Người dân tiếp nhận những phong cách thiết kế nhà phố mà không có sàng lọc gây nên sự hỗn độn, chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn nền nã, nhuần nhị.

Các nguyên tắc trong thiết kế nhà ở nông thôn phù hợp với các điều kiện hiện nay

Nông thôn đang bị đô thị hóa một cách tự phát, thiếu kiểm soát… tạo nên một bức tranh lộn xộn của nhà ở nông thôn giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa. Từ những phân tích nêu trên có thể thấy: Sự thay đổi của nhà ở nông thôn truyền thống diễn ra mạnh mẽ. Khi người nông dân đã trở thành công nhân, hoặc ít nhất họ đang vừa làm nông, vừa làm các dịch vụ khác… thì họ đã thay đổi lối sống, cũng như đời sống xã hội của họ đã không giống như cha, ông trước đây. Liệu chúng ta có thể cứ bảo tồn các giá trị nhà ở truyền thống để buộc họ phải bảo vệ những kiến trúc đó? Bài học về Đường Lâm có lẽ đã cho chúng ta câu trả lời.

Một vấn đề đáng lưu tâm hơn nữa trong thiết kế nhà ở nông thôn liên quan đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự gia tăng bề mặt khối xây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời biến những ngôi nhà này thành khối trữ nhiệt rồi tỏa ra môi trường xung quanh làm bầu không khí làng quê ngày càng trở nên ngột ngạt, và khiến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng lên.

Trên cơ sở những thay đổi về kiến trúc nhà ở nông thôn cũng như những tìm hiểu về nguyên nhân trực tiếp gây nên những thay đổi đó, sơ bộ đề xuất các nguyên tắc thiết kế kiến trúc cho nhà ở nông thôn mới để phù hợp với điều kiện hiện nay:

  • Thứ nhất, kiến trúc nhà ở có tính hiện đại, tạo sự hấp dẫn nơi chốn cho lớp trẻ mong muốn về với quê hương nhiều hơn;
  • Thứ hai, kiến trúc nhà ở nông thôn mới cần kế thừa các nét, các chi tiết kiến trúc truyền thống như hệ mái lớn, tỷ lệ giữa các không gian kiến trúc, các không gian bán lộ thiên, các không gian tạo vi khí hậu…;
  • Thứ ba, tôn trọng tối đa điều kiện địa hình, tránh đào đắp khối lượng lớn gây tốn kém và ô nhiễm môi trường, khai thác ưu điểm và tìm các giải pháp giảm thiểu nhược điểm của điều kiện khí hậu và môi trường của khu vực xây dựng;
  • Thứ tư, thiết kế và thi công công trình nhằm tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng nước tuần hoàn và thân thiện với môi trường;
  • Thứ năm, sử dụng tối đa vật liệu và công nghệ xây dựng địa phương tạo ra các không gian ở gần gũi, quen thuộc đối với người dân nông thôn, khơi gọi lại những miền kí ức êm đẹp.

Hình 5. Nhà mái lớn gợi lại hàng hiên và những không gian truyền thống của nhà ở nông thôn
(Nguồn: Atelier Dubosc et Associes Vietnam)

Kết luận

Sự thay đổi về cấu trúc và hình thức kiến trúc nhà ở nông thôn là không thể tránh khỏi trong bối cảnh đất đai chật hẹp và dân số gia tăng. Nhưng thay đổi như thế nào thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các chuyên gia đóng vai trò rất lớn. Thay vì để cho người dân tự loay hoay tìm giải pháp cho ngôi nhà của mình, cần phải có những định hướng đi kèm với chỉ dẫn, các nguyên tắc thiết kế cụ thể.

Các nguyên tắc được đề ra ở đây bao gồm tính hiện đại của công trình đồng thời kế thừa các đặc điểm kiến trúc truyền thống như hệ mái lớn, các không gian bán lộ thiên như hiên nhà, bậc thềm kết hợp với việc sử dụng các vật liệu địa phương sẵn có. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản của việc hiện đại hóa kiến trúc bản địa. Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và thiết kế bền vững, trong công tác thiết kế cần tôn trọng tối đa địa hình, tránh việc san lấp hoặc đào đắp khối lượng lớn. Bên cạnh đó là áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng nước tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

ThS.KTS Trần Quốc Việt
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Vũ Tam Lang – “Kiến trúc cổ Việt Nam”. Nhà xuất bản Xây dựng – 1991.
2. TS.KTS Nguyễn Việt Huy, ThS. KTS. Trần Quốc Việt, ThS. KTS. Nguyễn Việt Tùng, Ths. KTS. Trần Tuấn Anh, Ths. KTS. Nguyễn Minh Việt (2022) – “Báo cáo nghiên cứu tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, nội thất làng Lại Yên – Hoài Đức – Hà Nội”.
3. Nguyễn Việt Huy – “Để ngôi nhà ‘là nơi ước đến, chốn mong về” – 2020.
4. Hội KTS Việt Nam – “Mô hình cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn”. Hà Nội – 2003.
5. Nguyễn Việt Huy – “Sự biến đổi của “Ngôi nhà nông thôn” truyền thống vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng” – 2019.
6. Đặng Thái Hoàng – “Vấn đề truyền thống và đổi mới trong nhà ở nông thôn Việt Nam” – Tạp chí kiến trúc số 4 – 1984.
7. Nguyễn Việt Huy – “Một vài suy nghĩ trong giải pháp thiết kế kiến trúc thích ứng với môi trường thiên nhiên” – 2014
8. Khuất Tân Hưng – “Sự biến đổi của kiến trúc nhà ở nông thôn” – 2021.
9. Wikipedia Tiếng Việt – “Trống đồng Đông Sơn”.

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.