Kinh nghiệm quốc tế về quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển nông thôn ven đô

​MTXD - Đô thị hóa ven đô đang là một thách thức lớn đối với các nước châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Trên thế giới, rất nhiều nước đã khá thành công mô hình nông thôn mới. Các mô hình này diện tích đất nông nghiệp tuy không nhiều, nhân công ít nhưng sản phẩm tạo ra lại dư thừa nhu cầu trong nước và mang lại giá trị xuất khẩu cao.

MTXD - Đô thị hóa ven đô đang là một thách thức lớn đối với các nước châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Trên thế giới, rất nhiều nước đã khá thành công mô hình nông thôn mới. Các mô hình này diện tích đất nông nghiệp tuy không nhiều, nhân công ít nhưng sản phẩm tạo ra lại dư thừa nhu cầu trong nước và mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Đô thị hóa ven đô đang là một thách thức lớn đối với các nước châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Quá trình gia tăng dân số cơ học và tốc độ tập trung cao dân cư trong các đô thị lớn và siêu lớn đang tạo ra sức ép rất lớn đến khu vực ven các đô thị đó, nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn và tình trạng quản lý đất đai không được chặt chẽ như trong nội đô.

Đô thị hóa ven đô đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực xung quanh các đô thị lớn tại Đông Nam Á do quá trình chuyển đổi nhanh chóng về mặt kinh tế - xã hội trong các khu vực này, từ lối sống nông thôn sang lối sống thành thị. Quá trình đó cũng được đặc trưng bởi sự biến đổi không gian trộn lẫn giữa chức năng đô thị và nông thôn.

Khu vực ven đô và đô thị hóa ven đô đã được các nhà nghiên cứu quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào phân tích các hình thái không gian và quá trình chuyển đổi kinh tế-xã hội ẩn chứa sau đó.

Các tác động của quá trình này đối với không gian nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ yếu từ đất nông nghiệp sang các loại hình khác như: đất ở, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, hậu cần, hạ tầng kỹ thuật; Thay đổi không gian xây dựng với sự xuất hiện của các loại hình xây dựng đô thị như khu nhà ở tập trung, đô thị vệ tinh và các loại hình xây dựng khác; Gia tăng của dân số nhập cư; Chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm; Thay đổi tập quán lối sống từ nông thôn sang thành thị; Thay đổi về cảnh quan, môi trường; Các vấn đề phát sinh về thể chế quản lý.

Có thể thấy rõ những vấn đề trên đã được các nước châu Á và khu vực ĐNA giải quyết bằng thiết chế quản lý phù hợp và hiệu quả.

1. Kinh nghiệm Trung Quốc - phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quản lý vùng ven đô 

Xuất phát từ một nước nông nghiệp, đại bộ phận người lao động tại Trung Quốc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cải cách kinh tế ở nông thôn là một khâu đột phá quan trọng trong cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã chọn hướng phát triển mô hình nông thôn mới đặc biệt tại các vùng ven đô với tên gọi “Đô thị làng quê”.

Một góc nông thôn mới tại Trung Quốc. Ảnh: Nhân Dân Nhật báo

Bằng cách phát huy nội lực để cải tạo hạ tầng sống và hạ tầng sản xuất ở nông thôn hướng đến gắn kết và trở thành một bộ phận hữu cơ với đô thị, mô hình này thực sự hữu hiệu tại các làng ven đô và cũng có thể là một bài học tốt cho trường hợp ở Việt Nam.

Trung Quốc cũng là một quốc gia có tốc độ thành lập các đô thị mới tại nhiều cấp với tốc độ chóng mặt. Sự phân hóa mạnh giữa đô thị và các vùng nông thôn lân cận dẫn đến những vấn đề cấp thiết đồng bộ hóa toàn bộ diện tích của một đô thị bao gồm cả vùng nông thôn. Chính sách nhất quán của Trung Quốc coi khu vực nông thôn và ngoại thành là khu vực hỗ trợ không thể tách rời với đô thị.

Khu vực ven đô luôn được quy hoạch gìn giữ là khoảng xanh bao quanh đô thị, cung cấp các sản phẩm nông sản cho đô thị trung tâm, là nơi phát triển kinh tế sản xuất hộ gia đình mang lại các giá trị kinh tế xã hội cao.

Trong tương lai, mục tiêu chính sau khi hoàn thành xây dựng đô thị làng quê ở Trung Quốc tiến tới xây dựng chất lượng cuộc sống ở các vùng nông thôn sẽ không thua kém gì các khu vực nội đô, thậm chí có một số các tiêu chí vượt trội như mật độ xây dựng thấp, môi trường tốt cho sức khỏe.

Biết tận dụng một cách triệt để các lợi thế đã có là có một nền sản xuất hàng hóa trải rộng, trên cơ sở liên kết các xưởng sản xuất hộ gia đình nằm trong các khu dân cư, chính quyền các thành phố mới đã có những chính sách điều chỉnh về quy hoạch kiến trúc, quy hoạch kinh tế - xã hội rất cụ thể. Chính sách quy hoạch và quản lý mang tính mềm dẻo này đã phần nào khiến người dân yên tâm và sản xuất, tránh phải chuyển đổi nhiều, tránh được những xáo động mạnh trong phát triển kinh tế. 

Đối với những vùng nông thôn có các ngành nghề sản xuất hàng truyền thống cần bảo tồn và phát huy. Việc tái thiết và quy hoạch lại cũng được thực hiện trên tinh thần bảo tồn các giá trị sản xuất truyền thống nhưng vẫn hiện đại hóa nông thôn. Các làng nghề này cũng được quy hoạch. Các giá trị văn hóa truyền thống ở đây có những chính sách phát huy để đây sẽ trở thành những giá trị phi vật thể, là cái hồn và giá trị riêng cho mỗi cộng đồng. 

Các khu vực nông thôn thuần nông, chính sách quy hoạch nhắm đến việc tổ chức lại hệ thống sản xuất, quy hoạch gắn với đề xuất các mô hình canh tác mới, gắn với sản xuất nông nghiệp hiện đại kỹ thuật cao, trở thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản phục vụ trực tiếp cho bản thân đô thị tại chỗ. 

Nguyên tắc của Trung Quốc là quy hoạch đi trước, định ra các biện pháp thích hợp cho từng nơi, đột phá trọng điểm, làm mẫu đường. Chính phủ hỗ trợ, nông dân xây dựng. Với mục tiêu “ly nông bất ly hương”, Trung Quốc đã thực hiện đồng thời 3 chương trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Chương trình đốm lửa hướng đến trang bị cho hàng triệu nông dân các tư tưởng tiến bộ khoa học, tạo ra một động lực tiềm năng thúc đẩy nông thôn phát triển, theo kịp với thành thị.

- Chương trình được mùa giúp đại bộ phận nông dân áp dụng khoa học tiên tiến, phương thức quản lý hiện đại để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Chương trình giúp đỡ vùng nghèo với mục tiêu là nâng cao mức sống của các vùng nghèo, vùng miền núi, dân tộc ít người, tăng sản lượng lương thực và thu nhập của nông dân.

Xây dựng mô hình đô thị làng quê nông thôn mới. Đô thị hóa nông thôn hướng đến xây dựng cần phải trở thành nhận thức chung là không chỉ là sự mở rộng về quy mô, và tăng trưởng về dân số huyện lỵ, thị trấn mà còn là sự tăng trưởng phát triển cân đối phồn vinh về kinh tế, tiến bộ toàn diện về xã hội, môi trường và văn hóa.

Công cuộc xây dựng đô thị hóa nông thôn cần mang màu sắc riêng của Trung Quốc. Khi xây dựng các thị trấn nhỏ, cần phải áp dụng phương châm kết hợp cảnh quan cổ xưa của các điển hình kiến trúc và mở mang cảnh quan nhân văn, thể hiện bản sắc riêng của Trung Quốc. 

Quy hoạch xây dựng thị trấn nhỏ phải theo hướng đô thị hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa và cố gắng nâng cao chất lượng môi trường sinh thái. Để thích ứng với quá trình đô thị hóa bố cục xây dựng thị trấn cần phải tập trung môt cách khoa học hợp lý thể hiện đầy đủ tính kinh tế của đất xây dựng thị trấn cho đủ các loại công trình.
Hiện đại hóa chủ yếu thể hiện ở sự hiện đại hóa các công trình kết cấu hạ tầng, quan niệm hiện đại hóa trong đô thị hóa chú trọng cả 3 mặt: công trình hài hòa với thiên nhiên, môi trường tốt đẹp tỷ lệ cây xanh từ 30 - 40% và hiện đại hóa biện pháp quản lý ứng dụng công nghệ thông tin. Không rập khuôn các thành phố trung tâm là xây dựng nhiều nhà cao tầng biến mỗi thị trấn nông thôn thành một “tấm bê tông lớn”. Xã hội hóa mạnh mẽ ở 2 khía cạnh cụ thể là xã hội hóa các công trình phục vụ và xã hội hóa phương thức xây dựng. 

Tăng cường cải cách, hoàn thiện chính sách là sự bảo đảm cho công tác thí điểm đô thị hóa nông thôn. Cần triệt để phá bỏ sự ngăn cách về thể chế giữa thành thị và nông thôn, tạo môi trường thoáng rộng cho các thị trấn nhỏ phát triển. Đất đai là tài nguyên cho con người sinh tồn, nó không thể tái sinh. Tiết kiệm đất xây dựng, bảo vệ đất đai canh tác là trách nhiệm của chúng ta. Kinh doanh mở rộng đất đai là nguồn tiền vốn chủ yếu xây dựng các thị trấn nhỏ.

Trung Quốc đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng vẫn triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới với mục tiêu môi trường cảnh quan từng địa phương phải được đảm bảo truyền thống lịch sử văn hóa được giữ gìn nhưng có đời sống sinh hoạt ngang thành thị. Chính phủ sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng cần cấp thiết cho đời sống nông dân. 

Xét về khía cạnh phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. Đây chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để có thể áp dụng xây dựng một chính sách điều tiết quá trình đô thị hóa và phát triển nông thôn ven đô một cách toàn diện, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

2. Nhật Bản - “cái nôi” của mô hình mỗi làng một sản phẩm 

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) do GS Hiramatsu Morihiko - Chủ tịch tỉnh Oita khởi xướng từ năm 1979 tại Nhật Bản như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn, trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương đã mang lại hiệu quả lớn.

Phong trào “mỗi làng, một sản phẩm” khuyến khích nỗ lực của người dân địa phương trong việc tận dụng nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Nông thôn mới ở Nhật - mỗi làng một sản phẩm.

1. Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” là cách thức đưa nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng được coi là chìa khóa thành công của nhiều làng nghề ở Nhật Bản

Phong trào OVOP được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chính:

Một là, “Từ địa phương tiến ra toàn cầu”. Nguyên tắc này thể hiện mục tiêu cao nhất của sản xuất hàng hóa nông nghiệp Nhật Bản là chiếm lĩnh thị trường nông sản thế giới. Sản phẩm của OVOP được xác định ngay từ đầu là không những phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong nước mà còn để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác trên thị trường thế giới.

Do đó, chất lượng nông sản phải không ngừngđược nâng cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu và tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng được tăng cườngtại hầu khắp các nước trên thế giới.

Hai là, “Tự tin - Sáng tạo”. Phong trào OVOP quan tâm đến tất cả các khâu của chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm khuyến khích những cách làm sáng tạo bao gồm việc nghiên cứu mẫu mã, chất liệu, quy cách đóng gói bao bì; cách tiếp thị, quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường sao cho ấn tượng, thu hút khách hàng…

Chất lượng nông sản được đảm bảo cùng với nhiều cách thức bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng độc đáo đã giữ vững và mở rộngthị trường tiêu thụ nông sản Nhật Bản được, kinh tế của các hộ nông dân, của làng xã ở Nhật Bản ngày càng thịnh vượng.

Ba là, “Tập trung phát triển nguồn nhân lực”. Tại Nhật Bản, nông dân không những được đào tạo bài bản, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hiểu biết sâu về sản phẩm, ứng dụng thành thạo khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng hóa, họ còn được cung cấp những kiến thức về kinh doanh, về nghệ thuật marketing để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình.

Họ còn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương,các doanh nghiệp bằng những chính sách hiệu quả.Nhờ đó, họ tạo được những sản phẩm có thương hiệu như: Chanh Kobosu; thịt bò Bungo; nấm Oita (nấm shiitake) là loại nấm thượng hạng ở Nhật Bản, chiếm 28% thị trường nấm trên toàn quốc; hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin; cam, cá khô ở làng Yonouzu; chè và măng tre ở làng Natkatsu…

Trong 20 năm (1979 - 1999), phong trào OVOP đã tạo ra được 329 sản phẩm với tổng doanh thu là 141 tỷ yên/năm (1,1 tỷ USD).

Phong trào OVOP như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. Phong trào đã lan tỏa trên khắp đất nước Nhật Bản, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế Nhật Bản nói chung. 

Nhờ áp dụng từ kinh nghiệm OVOP của Nhật Bản, các nước đã tận dụng tốt các nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống… thu được những thành công nhất định trong phát triển nông nghiệp thôn.

Kinh nghiệm của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” - OVOP được những người sáng lập, các nhà nghiên cứu đúc rút để ngày càng có nhiều người, nhiều khu vực và quốc gia có thể áp dụng trong chiến lược phát triển nông thôn, nhất là phát triển nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa đất nước mình.

Tại Trung Quốc có các phong trào, như: “Mỗi nhà máy một sản phẩm”, “Mỗi thành phố một sản phẩm”, “Mỗi làng một báu vật”; Thái Lan có chương trình OTOP; Philippine có phong trào “Mỗi thị trấn một sản phẩm”; Malaysia có phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, "Mỗi làng một nghề”; Hàn Quốc có chương trình "Mỗi làng một nhãn hiệu”; Indonesia (Đông Java) có phong trào “Trở lại làng quê”.

Bản chất của OVOP nằm ở giá trị gia tăng cho các sản phẩm địa phương để tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương, cũng như trong việc chuyển đổi môi trường địa phương để làm cho chúng hấp dẫn cho cư dân địa phương và khách du lịch.

Về vấn đề vận hành nó phù hợp với các lực đẩy hướng tới phát triển kinh tế địa phương và việc bổ sung giá trị mới đang được thúc đẩy thông qua Chương trình. OVOP là một phương pháp đặc biệt để phát triển cộng đồng nông thôn, trong đó tiềm ẩn sự sáng tạo của cộng đồng địa phương và các tiềm năng này được kích hoạt, thông qua phát triển lãnh đạo địa phương và nguồn nhân lực có hiệu quả, và hướng vào phục hồi của cộng đồng thông qua phát triển các sản phẩm độc đáo có sức hấp dẫn thị trường mạnh mẽ.

Mục tiêu tổng thể của nó là phát triển và củng cố khả năng tự tổ chức địa phương cho phát triển bền vững của địa phương và xóa đói giảm nghèo.

Dựa trên 3 nguyên tắc: (i) tự lực và sáng tạo (ii) phát triển nguồn nhân lực, và (iii) tư duy địa phương nhưng hoạt động toàn cầu, người dân địa phương đi đầu, độc lập với các tác động từ bên ngoài vào sự sáng tạo của riêng mình và tự chủ để làm cho sản phẩm độc đáo từ các nguồn lực địa phương cho tốt của riêng mình và để nắm bắt thị trường bên ngoài để địa phương của họ.

Trong quá trình đó họ phát triển chuyên môn thông qua sản xuất các sản phẩm cạnh tranh, cải thiện đời sống của họ do thu nhập tăng, và cộng đồng phát triển gắn bó với nhau hơn thông qua các hoạt động này. Khái niệm phát triển cộng đồng nông thôn OVOP đã được thực hiện theo nhiều cách khác nhau tại từng địa phương cụ thể, tùy thuộc vào mục tiêu và hoàn cảnh riêng của mỗi nước.

3. Đài Loan - Tái thiết nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát triển môi trường cảnh quan sinh thái

Chương trình Tái thiết nông thôn lấy nông nghiệp sinh thái làm trụ cột chính của nội dung phát triển nông thôn. Tuy nhiên cách làm của họ khác của ta mặc dù cũng là do Nhà nước hỗ trợ cộng đồng phát triển. Mục tiêu của chương trình là để chăm sóc nông dân, ngư dân ở các làng nông nghiệp và nuôi cá trên khắp Đài Loan tạo ra các ngôi làng.

Nông thôn mới Đài Loan.

Chương trình thực hiện với 3 tiêu chí: Sức sống nhằm thu hút thanh niên từ thành phố về nông thôn, bằng môi trường sống tốt; Sức khỏe nhằm tạo một nền nông nghiệp sinh thái, an toàn, phát thải thấp tốt cho sức khỏe của mọi người và Hạnh phúc nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của các cộng đồng.

 Về phương thức thực hiện, họ tập trung vào điều quan trọng nhất trong việc tái thiết nông thôn là con người, cho rằng chỉ có thông qua sự gia tăng tự nhận thức của người dân, sau đó mới có thể thay đổi:

- Chương trình Trao quyền cho cộng đồng là bước đầu tiên của việc đào tạo con người của Tái thiết nông thôn, thông qua 4 khóa học thích hợp và để cho các cư dân phụ trách việc xây dựng của mình và rút ra một tầm nhìn cho các cộng đồng nông thôn. 

- Tiếp sau là xây dựng dự án Tái thiết nông thôn. Dự án Tái thiết nông thôn được các tổ chức và các nhóm địa phương lập kế hoạch dựa trên nhu cầu của cư dân trong cộng đồng nông thôn, sử dụng các cộng đồng nông thôn như phạm vi dự án và đạt được sự đồng thuận thông qua thảo luận chung, sau đó đề xuất các chiến lược phát triển cộng đồng và kế hoạch hành động. 

Ở Đài Loan, phong trào 4H (Head - Cái đầu, Heart - Trái tim, Hands - Bàn tay, Health - Sức khoẻ), một phong trào quốc tế với sự hưởng ứng của 70 nước nhằm thay đổi nông nghiệp với sự tham gia của giới trẻ được hưởng ứng rộng khắp 1.

Các thành viên của Câu lạc bộ 4H là đầu tàu trong chương trình tái thiết nông thôn. Mô hình nông thôn được chính quyền phổ biến gồm các mục tiêu chính:

Ngôi làng của sức sống: Để tạo cảm hứng cho cuộc cách mạng tinh thần của cộng đồng cư dân nông thôn; Để thu hút những người trẻ tuổi trở về nhà hoặc ở lại thị trấn nông thôn và tăng cường sản xuất nông nghiệp; Để tạo ra một môi trường sống tốt và an toàn.

Ngôi làng của sức khỏe: Để phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái; Để có sự cùng tồn tại hài hòa giữa con người và đất; Để triển khai xây dựng cộng đồng carbon thấp.

Ngôi làng của hạnh phúc: Để tăng cường chăm sóc con người; Để làm sống lại các tài sản nhân văn; Để thúc đẩy phổ biến và chia sẻ các giá trị của khu vực nông thôn.

Chiến lược tái thiết nông thôn dựa vào sức mạnh của cộng đồng, phục hồi các sản phẩm và ngành nghề truyền thống, phát triển sản phẩm nông sản hữu cơ sinh thái với các nguyên tắc chính như sau:

Phương pháp tiếp cận từ dưới lên: Coi các cư dân của cộng đồng nông thôn là cơ sở chính và thiết lập sự phát triển đồng thuận tương lai theo các nhu cầu phát triển và điều kiện các nguồn tài nguyên.

Kế hoạch - định hướng: Thông qua chương trình trao quyền, và sử dụng các khái niệm phát triển bền vững, hướng dẫn các cộng đồng để đề xuất tầm nhìn phát triển tổng thể. Dựa trên việc xây dựng chung của cộng đồng nông thôn để định dạng các kế hoạch tái thiết nông thôn và xây dựng một ngôi làng nông thôn với cả chất lượng của cuộc sống hiện đại và đặc điểm của làng nghề truyền thống.

Cộng đồng tự chủ: Khuyến khích cộng đồng để thiết lập một hành động liên kết, tự quản lý sự phát triển và thành tích của cộng đồng, duy trì các đặc tính và phong cách văn hóa địa phương.

Áp dụng cùng lúc hai chiến lược phần cứng và phần mềm: Nhấn mạnh vào con người và tái tạo tinh thần nông thôn, tập trung vào nền văn hóa địa phương và các di sản cũng như sự đổi mới của nghệ thuật bản địa, để tạo ra một không gian sống thích hợp và duy trì môi trường sinh thái.

Nhiều dự án của chương trình tái thiết nông thôn tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ 2. Mô hình thung lũng nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nông thôn là mô hình khá phổ biến và thành công ở Đài Loan. Nhiều dự án của chương trình tái thiết nông thôn tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ. Mô hình thung lũng nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nông thôn là mô hình khá phổ biến và thành công ở Đài Loan.

Một góc làng nông thôn mới Đài Loan.

4. Kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng cho Việt Nam trong công tác quy hoạch phát triển nông thôn ven đô

a. Áp dụng các mô hình nông thôn mới phù hợp với các khu vực

Trên thế giới, rất nhiều nước đã cho ra đời khá thành công mô hình nông thôn mới. Trong đó phải kể đến mô hình “Mỗi làng một nghề” của Nhật Bản, mô hình làng nông nghiệp ở Israel (Ki-bút và Mô-sáp) hay tại Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Hà Lan. Các mô hình này diện tích đất nông nghiệp tuy không nhiều, nhân công ít nhưng sản phẩm tạo ra lại dư thừa nhu cầu trong nước và mang lại giá trị xuất khẩu cao. 

Về lý thuyết, các nghiên cứu về Desakota (nông thôn - thành phố) cho khu vực châu Á (từ các nghiên cứu làng ở Indonesia, McGee 1991) đã được nhiều nhà nghiên cứu phát triển khá sâu rộng rất đáng để chúng ta học tập.

Các làng đô thị được nhìn nhận hữu cơ hơn với đô thị, nông thôn không tách rời sự phát triển của đô thị trên cả khía cạnh kinh tế, môi trường sinh thái, hạ tầng và đời sống xã hội. Điều này không phải không được nhận thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế các quy hoạch phát triển đô thị, kiểm soát, quy định các vấn đề nông thôn chưa được nhìn nhận song hành với vấn đề đô thị. 

b. Quản lý và kiểm soát vùng ven đô gắn với mở rộng đô thị 

Vùng ven đô là quỹ đất dự trữ cho mở rộng đô thị: Các quốc gia trải qua giai đoạn đô thị hóa nhanh đều đối mặt với vấn đề phát triển nóng ở vùng ven đô hay còn gọi là hiện tượng ‘đô thị hóa vùng ven’ (peri-urbanisation). Cùng với sự phát triển của xe hơi và phương tiện cá nhân cơ giới, cư dân có thể ở xa hơn nơi làm việc và các nhà phát triển đáp ứng bằng cách phát triển lan tỏa mang tính cơ hội. Kết quả là hình thành các khu định cư mới lỗ chỗ và sử dụng đất không liền khoảnh.

Đây là dấu hiệu của xu hướng phát triển phát triển tràn lan phân tán (urban sprawl) đã được chứng kiến từ đầu và giữa thế kỷ 20 ở các nước phát triển và gần đây là các nước đang phát triển. Xu hướng này được coi là thiếu tính bền vững, làm gia tăng chi phí đi lại và sử dụng năng lượng, tốn kém đầu tư và duy trì các tiện ích đô thị, khó bảo vệ đất nông nghiệp và không gian mở. 

Ranh giới đô thị và kiểm soát vùng ven đô. 

Sử dụng công cụ vành đai xanh nhằm kiểm soát phát triển theo ranh giới giữa khu vực ven đô và trung tâm.

c. Coi trọng phát triển khoa học - kỹ thuật nông nghiệp

Mục tiêu cao nhất của Chương trình nông thôn mới là xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống, để đời sống người dân thực sự được nâng lên. Cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn, xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, thiết thực hơn để cán bộ địa phương, người dân có các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, học đi đôi với hành, học bằng các mô hình cụ thể để triển khai nông thôn mới tốt hơn. Tầm quan trọng của nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh. Để đạt được mục tiêu này thì cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đặc thù, đáp ứng được sự đổi mới.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở nước ta đạt được những kết quả tích cực: Một là, nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh. Hai là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Ba là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được quan tâm xây dựng; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Bốn là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, còn những khó khăn, nghịch lý trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn: Một là, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn xảy ra do chúng ta chưa thực sự làm chủ thị trường đầu ra; số lượng và giá nông sản xuất khẩu không ổn định.

Hai là, khó tiếp cận vốn đầu tư đối với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ba là, thu nhập bình quân của người nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; nông nghiệp chiếm khoảng 47% số lao động, nhưng chỉ đóng góp 19% giá trị vào tổng sản phẩm nội địa, tức là năng suất lao động hay thu nhập bình quân của người nông dân chưa bằng 1/3 thu nhập bình quân của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

d. Phát huy tính tự chủ, năng động, trách nhiệm của người dân

Phát huy vai trò và sự tham gia của cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng có vai trò quan trọng, huy động được sự tham gia tự nguyện của cộng đồng vào việc thực hiện các nội dung khác nhau quyết định đến việc thực hiện thành công, đến khả năng triển khai trên diện rộng của chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở. Ngược lại để có thể triển khai trên diện rộng, cần thực hiện phân cấp và phải giao được quyền làm chủ cho cộng đồng.

e. Phát triển du lịch nông thôn

Xây dựng nông thôn mới là chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm làm thay đổi toàn diện nông thôn cả về chất và lượng. Trong đó phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Do đó, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thông trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, hoạt động sản xuất khó đạt được giá trị gia tăng cao, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn. Những khu vực ven đô chiếm nhiều lợi thế trong kết nối về hạ tầng và tiếp cận tới các điểm du lịch giữa nông thôn - thành thị.

Có thể có nhiều loại hình du lịch khác nhau (du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm…) gắn với tính đa dạng về môi trường, kinh tế và lịch sử của mỗi vùng nông thôn; Có tính liên ngành và liên vùng cao.

Từ những đặc điểm trên, phát triển du lịch nông thôn phải bảo đảm các nguyên tắc sau: (i) Bảo đảm tính công bằng cho các chủ thể tham gia; (ii) Đem lại lợi ích cho người dân địa phương và phát huy nội lực ở từng địa phương; (iii) Bảo tồn, phát huy vốn di sản và bảo vệ môi trường; (iv) Luôn đổi mới và tạo sự khác biệt; tăng cường mối liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để làm phong phú thêm sản phẩm; (v) phát triền bền vững và duy trì được các tính nông thôn đặc trưng.

Du lịch nông nghiệp (agri-tourism) là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra. 

Theo các chuyên gia, có bốn thành tố để được gọi là du lịch nông nghiệp: (i) Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; (ii) Thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; (iii) Tăng thu nhập cho nông dân; (iv) Tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn; kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành du lịch. Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.

Kinh nghiệm triển khai du lịch nông thôn trên thế giới cho thấy tùy thuộc vào bản chất và đặc trưng các loại hình tài nguyên hiện có mà các quốc gia lại lựa chọn phương thức phối hợp khác nhau giữa 3 nhóm sinh thái, lịch sử - văn hoá và sự tham gia của cộng đồng dựa trên nguyên tắc vận dụng lý thuyết và tham vấn cộng đồng.

TS Tạ Thị Hoàng Vân

Trưởng phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Kiến trúc Quốc gia

(Nguồn: xaydung.vn)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đề tài NCKH “Phát triển nông nghiệp đô thị ven đô, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân” do Quỹ Châu Á và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 31/8/2016).

2. Đề tài NCKH cấp Nhà nước thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015: Xây dựng mô hình quy hoạch kiến trúc làng xã nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du, miền núi phía Bắc do Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng). 

3. Hội thảo khoa học “Quy hoạch đô thị Hà Nội định hướng phát triển kiến trúc - Quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng”, Viện Kiến trúc Quốc gia và UBND huyện Đông Anh đồng tổ chức (2017).

4. Doãn Minh Khôi, Sức mạnh của làng ven đô, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.

5. Michael Leaf, Những biên giới đô thị mới: Quá trình đô thị hóa vùng ven đô và (tái) lãnh thổ hóa ở Đông Nam Á, VNH3.TB10. - Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba: Việt Nam hội nhập và phát triển, 2008.

6. Nguyễn Văn Sửu, Phân tích so sánh về tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đến sự chuyển đổi phương thức sống ở hai làng ven đô Hà Nội, Kỷ yếu diễn đàn kinh tế và tài chính Pháp - Việt lần thứ 9 “Phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam”, 2012.

7. Nguyễn Ðăng Sơn, Phát triển bền vững vùng ven đô TP.HCM,  Hội thảo chuyên đề "Đô thị hóa và cuộc sống đô thị trong tương lai ở Việt Nam - Bàn về không gian công cộng trong đô thị" IUSID, 2005.

8. Tạ Văn Thành (1994), Văn hóa nông thôn ngoại thành trong quá trình đô thị hóa, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 2. 

9. Terry Mc Gee (2009), Revisiting the urban fringe: reassessing the challenges of the mega-urbanization process in Southeast Asia, Hội thảo quốc tế Trends of Urbanization and Suburbanization in Southeast Asia, TP.HCM. 

10. Tạ thị Hoàng Vân (2021), Khai thác giá trị không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng trong xây dựng nông thôn mới bền vững. T/c Kiến trúc Việt Nam (12/2021).

11. Vũ Thị Vinh (2019), Tổng quan về sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quy hoạch xây dựng ở Việt Nam. Hội thảo giữa Viện FES & CHLB

12. Đức và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Hà Nội, 2019.

13. UN-Habitat (2008), Vietnam Country Programme Document 2008 - 2009, Nairobi: United Nations Human Settlements Programme.

1 (http://nongnghiep.vn/tai-thiet-nong-thon-dai-loan-post211341.html)
2 Năm 2014, đã có 6.071 ha đất sản xuất nông nghiệp do 3.038 hộ nông dân quản lý được chứng nhận là những khu ruộng sản xuất sản phẩm hữu cơ nông nghiệp. Trong đó có 642 ha đất sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ được quản lý bởi các nhóm doanh nghiệp nhà nước và trong khi 357 ha được quản lý bởi các nhóm hộ nông dân và doanh nghiệp tư nhân. Các sản phẩm hữu cơ được bán thông qua 103 cửa hàng, 18 trang trại. Việc sản xuất và bán các sản phẩm hữu cơ có thể giúp phát triển các loại rau, quả đặc sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ và các thực phẩm chế biến.

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.