Làm phân bón từ rác thải trong chế biến thực phẩm gia đình
MTXD - Thay vì sử dụng phân bón hóa học, các gia đình đều có thể tận dụng các loại rác thải nhà bếp như vỏ chuối, vỏ trứng, thức ăn thừa…, để làm phân bón tự nhiên cho cây.
Những phương pháp này không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn tiết kiệm và an toàn cho môi trường.
Phân bón từ vỏ chuối
Vỏ chuối là một loại phân bón cần thiết đối với nhiều cây trồng trong vườn nhà, bởi nó chứa nhiều phốt pho và kali – những chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của thực vật. Đối với cây sống trong không gian nhỏ như chậu, nếu bón vỏ chuối trực tiếp sẽ làm rễ bị thối. Do vậy, vỏ chuối cần phải sơ chế bằng cách xay nhuyễn với một nhúm muối hạt (hoặc nước vo gạo) và vài mảnh vỏ trứng để bổ sung canxi cho cây. Hỗn hợp này cho ra sản phẩm phân bón nhuyễn mịn, đặc sệt. Người dùng đem chúng trộn với đất và để đất nghỉ khoảng một tuần.
Đây là phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây nên chỉ dùng một lượng vừa đủ cho suốt cả mùa, không nên sử dụng quá nhiều.
Phân bón từ vỏ trứng
Trứng chứa khá nhiều chất bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng biết, vỏ trứng cũng có những tác dụng hữu ích trong việc trồng rau, làm vườn. Vỏ trứng được tạo thành từ hơn 95% khoáng chất, trong đó có đến 37% cacbonat canxi – chất thiết yếu trong việc tăng trưởng của thực vật cùng lượng lớn magie, kali, sắt và phốt pho.
Vỏ trứng cung cấp nguồn canxi dồi dào cho cây trồng. Để tận dụng nguyên liệu này, bà con có thể bóp vụn vỏ trứng hoặc xay nhỏ trước khi trộn vào đất để chúng phân hủy nhanh hơn, giúp đất hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng. Bên cạnh đó, vỏ trứng trung hòa độ pH còn giúp đất tơi xốp, cây sinh trưởng và phát triển nhanh hơn. Điều đặc biệt là vỏ trứng sống và vỏ trứng chín đều có thể sử dụng làm phân bón.
Phân bón từ tro bếp
Ngoài vỏ chuối, tro bếp cũng là phân bón vô cơ tự nhiên, cung cấp nguồn kali và phốt pho dồi dào cho cây. Bà con ở các vùng nông thôn có thể tận dụng tro sau khi đốt củi hoặc rơm trên bếp, lò sưởi để làm phân bón, kích thích cho cây nở hoa và ra nhiều quả.
Để điều chế loại phân bón từ nguyên liệu này, người dùng hòa một thìa tro bếp cùng 2 lít nước nóng, ngâm hỗn hợp trong vòng 24 giờ rồi tiến hành lọc bỏ phần nước và bón cho cây.
Lợi ích của tro sẽ tăng lên đáng kể nếu bà con kết hợp tro với phân ủ hữu cơ bởi chúng tăng độ màu mỡ cho đất. Tuy nhiên, người dùng cũng không nên lạm dụng nhiều tro bởi nó có thể gây hại cho vi sinh vật có lợi cho đất trồng.
Phân bón từ bã đậu nành và bã dừa
Các gia đình thường xuyên làm sữa đậu nành và dầu dừa có thể tận dụng bã nguyên liệu để bón cho cây trồng trong nhà. Cụ thể, bạn trộn bã đậu nành và bã dừa theo tỉ lệ 1:1 vào đất ủ mục khoảng một tháng, sau đó, đem đi bón cho cây. Phân bón này giúp đất tơi xốp và tăng thành phần hữu cơ cho đất.
Phân bón từ thực phẩm thừa
Sau khi sử dụng xong, các loại thực phẩm thừa như rau, vỏ trái cây, vỏ trứng, giấy, trà túi lọc, nước vo gạo… đều có thể giữ lại làm phân bón. Các nguyên liệu trên nên được đựng và ủ trong thùng xốp hoặc thùng nhựa có nắp đậy. Đối với thức ăn chiên xào có dầu mỡ, người dùng đổ một lớp nước chắt hết dầu mỡ đi rồi mới đổ vào thùng. Bà con nên để thùng phân xa nơi sinh hoạt để tránh mùi khó chịu, mỗi ngày dùng gậy khuấy đều một lần để hỗn hợp dễ phân hủy.
Hỗn hợp trên có thể ủ trong một vài tuần hoặc lâu hơn. Sau đó, bà con chắt lấy nước sang một thùng khác để tưới cho rau, phần bã đã ủ dùng để bón cho cây với liều lượng vừa đủ.
Phân bón từ bã chè, bã cà phê
Dùng bã chè, bã cà phê bón cho chậu hoa và cây cảnh không những giúp đất giữ được độ ẩm mà còn khiến cây tươi tốt hơn. Cách thực hiện này khá đơn giản, bà con chỉ cần rải bã chè hoặc bã cà phê lên bề mặt của đất. Chú ý, các nguyên liệu này phải bỏ hết nước, chỉ lấy phần bã bởi nước chè có thể làm đất mất đi độ tơi xốp. Ngoài ra, không nên đổ trực tiếp bã chè còn nóng lên cây mà phải để nguội rồi mới bón nhằm tránh làm tổn thương cho cây trồng.
Các loại cây ưa sống trong môi trường đất axit như hoa hồng, khoai lang, khoai tây, nha đam… rất chuộng loại phân bón từ bã cà phê. Tương tự như bã chè, nên bón bã cà phê khi đã nguội. Bên cạnh đó, bã cà phê còn giúp ngăn chặn sự tấn công của ốc sên và nhiều loại côn trùng khác.
THÁI TUẤN
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.