Lý luận về khai thác giá trị nơi chốn trong tổ chức không gian đô thị

MTXD - Đô thị hoá là quá trình phát triển tất yếu của một đất nước trong thời đại mới. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực có được của những không gian hiện đại đáp ứng nhu cầu tiện nghi vật chất thì những khó khăn, thách thức kèm theo là việc gìn giữ hồn cốt đô thị, tạo lập đặc trưng thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của cộng đồng dân cư.

MTXD -  Đô thị hoá là quá trình phát triển tất yếu của một đất nước trong thời đại mới. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực có được của những không gian hiện đại đáp ứng nhu cầu tiện nghi vật chất thì những khó khăn, thách thức kèm theo là việc gìn giữ hồn cốt đô thị, tạo lập đặc trưng thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của cộng đồng dân cư. Điều đó đặt ra cho các nhà quy hoạch đô thị một chủ đề nghiên cứu khoa học cấp thiết và thực tiễn trong một thời gian dài. Bằng việc khai pháp lý thuyết nơi chốn, các nhà khoa học đã kích hoạt sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. Từ đó, những không gian di sản kiến trúc lịch sử có giá trị, những hoạt động văn hoá đặc sắc, các địa danh quan trọng của một vùng đất được phục hồi và thức tỉnh trong môi trường hiện tại. Tuy không thể đánh giá bằng định lượng nhưng hiệu lực của nó vô cùng mạnh mẽ. Nó giúp người dân hiểu và yêu mến không gian mà mình đang sinh sống, biết tôn trọng lịch sử, tôn trọng cội nguồn. Bên cạnh đó, nghiên cứu về nơi chốn còn giúp các nhà quy hoạch đô thị thiết lập được bản sắc trong hơi thở của những thành phố đẹp, văn minh và đáng sống.

Từ khóa: Nơi chốn; khai thác giá trị nơi chốn; không gian đô thị; lý luận; nguyên tắc khai thác.

Ảnh: Internet

1-Giới thiệu chung

Nơi chốn có lẽ đã xuất hiện từ xa xưa qua tín ngưỡng và văn hóa của người cổ đại, khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Ban đầu, nó liên quan đến tôn giáo, tinh thần và tư tưởng triết học. Theo đó, người La Mã cổ đại tin rằng mọi sự vật đều có một linh thần riêng (vạn vật hữu linh) được bảo hộ bởi những thế lực siêu nhiên mà con người không thể lý giải được bằng khoa học khi ấy. Tinh thần này được coi là nguồn động lực cho con người vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống, đồng hành với họ từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Nơi chốn có thể là nơi linh thiêng để tôn kính các vị thần hoặc một nơi ăn chốn ở nào đó, là một phần không thể thiếu của cuộc sống giúp duy trì sự cân bằng giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh. Nó tạo ra sức mạnh niềm tin nơi con người, bảo vệ và che chở con người. Rome của người La Mã hay Olympia của người Hy Lạp cổ đại là những ví dụ điển hình về nơi chốn linh thiêng, địa điểm diễn ra các không gian tế lễ tôn vinh các vị thần. Ngoài ra, trong văn hóa Ai Cập cổ đại, đền thờ các vị thần và các vị Pharaoh cũng được coi là nơi chốn linh thiêng, không gian để cầu nguyện. Tuy nhiên, khi nền văn minh thế giới phát triển, nơi chốn được nhìn nhận một cách khoa học hơn. Nó là không gian đặc trưng, nơi con người có khả năng tương tác với nhau và với môi trường xung quanh. Nơi chốn tồn tại các giá trị vật thể và phi vật thể. Giá trị vật thể là các yếu tố vật lý như các tòa nhà, công trình kiến trúc, cảnh quan, địa hình và các đặc điểm khác của môi trường và được ví như phần xác của đô thị. Còn phần hồn là các giá trị phi vật thể bao gồm văn hóa, xã hội, lịch sử và chu trình cuộc sống diễn ra từng thời điểm trong ngày, trong tháng, trong năm,v.v.. Một nơi chốn không thể tách rời hai phần thể xác và linh hồn ra khỏi nhau, bởi thiếu một trong số đó không làm nên nơi chốn.

2-Tổng hợp các quan điểm trong lý luận về giá trị nơi chốn

Nơi chốn giúp con người tìm thấy vị trí của mình trong thế giới quan và cảm nhận được sự kết nối giữa mình với môi trường xung quanh. Nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã tìm hiểu về nó và đưa ra các lý luận khác nhau về nơi chốn dựa trên cách nhìn nhận sự vật và hiện tượng theo quan điểm của riêng mình. Bằng cách phân tích các lý luận này, chúng ta tìm ra những điểm chung và xác định các yếu tố cốt lõi hình thành nên nơi chốn, đó cũng chính là cách thức đánh giá khách quan về các giá trị nơi chốn.

2.1. Quy hoạch - thiết kế đô thị và hình ảnh trong nơi chốn

Thiết kế đô thị (Urban design) có lẽ đã được ứng dụng từ xa xưa qua việc xây dựng các cụm công trình, quảng trường công cộng từ thời Ai Cập, Hy Lạp, La Mã cổ đại mà vẻ đẹp của nó đến nay vẫn thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Tuy nhiên, thuật ngữ thiết kế đô thị chỉ thật sự xuất hiện vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX. Nó giải quyết một thực trạng còn bỏ trống như là gạch nối giữa quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc trong thời kỳ hiện đại. Cách tiếp cận này đem lại hiệu quả khả quan nhất khi thiết lập đô thị một cách chủ động và khoa học ngay từ những bước đầu. Để tạo ra một hình ảnh đẹp cho đô thị, các kiến trúc sư và nhà thiết kế cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm địa hình, kiến trúc, màu sắc, ánh sáng, cây cối và không gian mở. Họ cũng cần tạo ra các khu vực công cộng và các cơ sở hạ tầng đẹp và tiện nghi, bao gồm đường phố, vỉa hè, công viên, sân vận động, trường học, bệnh viện và trung tâm thương mại,...Từ triết lý đó, Camillo Sitte cho rằng: Thiết kế đô thị nên tập trung vào nâng cao môi trường sống, phải linh hoạt và sống động, hạn chế sự cứng nhắc của các quy tắc chức năng đô thị đơn thuần [8]. Gordon Cullen cũng nghiên cứu về thiết kế đô thị, tuy nhiên ông sử dụng khái niệm chuỗi tầm nhìn (serial vision) để tiếp cận vấn đề. Theo đó, khi di chuyển trong đô thị, con người sẽ cảm nhận được nơi chốn thông qua sự tương tác giữa các không gian khác nhau, bao gồm những khoảng đóng mở với ngõ ngách chật hẹp, quảng trường rộng lớn, tượng đài cao vút hay hồ nước mênh mông. Tuy nhiên, quy hoạch có một thời gian khá dài bỏ quên khía cạnh cảm xúc của con người khi chỉ tập trung vào công năng của công trình, mạng lưới đường, quảng trường, công viên cây xanh. Vì vậy, ông cho rằng trong quy hoạch - thiết kế đô thị phải tập trung vào cảm xúc của con người đối với không gian nhằm kiến tạo các địa điểm thân thiện, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, thực tiễn và an toàn. Từ đó cho phép con người trải nghiệm cuộc sống tốt hơn bằng góc nhìn chuyển động từ mặt đất (street view) thay vì góc nhìn từ trên cao (fly bird) [12].

Không hoàn toàn dựa trên thông tin về địa lý như những tiền nhiệm, Emily Talen sử dụng cả thông tin về văn hóa, xã hội và kinh tế để thiết kế đô thị. Tập trung vào việc hiểu mối quan hệ giữa hình thái đô thị với các yếu tố ngoại vi tạo nên chúng; Phân tích từng không gian cụ thể của đô thị như quảng trường, đường phố, công trình công cộng,.... Từ đó kiến tạo các không gian đa dạng, hấp dẫn, thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng và tăng cường tính kết nối giữa các khu vực [9][10].

Có thể nói, thiết kế đô thị đã mở ra một trang mới đối với việc xây dựng hình ảnh đô thị, nó mang giá trị của cả đô thị hơn chỉ là mang giá trị từng khu vực. Chính vì thế mà nghiên cứu về hình ảnh đô thị luôn thu hút các nhà khoa học. Chúng ta biết rằng, đô thị được xác định và ghi nhớ chủ yếu thông qua hình ảnh. Và thị giác là yếu tố quan trọng nhất để cảm nhận vẻ đẹp để từ đó hình thành nên những hệ giá trị, hồn nơi chốn.

Không gian đô thị có hai tính chất quan trọng là tính dễ đọc và khả năng hình ảnh hóa. Để tạo nên một không gian đô thị tốt, các bộ phận của không gian đó phải được tổ chức một cách dễ nhận dạng và có khả năng tạo ra những hình ảnh mà người dân ghi nhớ sâu trong ký ức. Trên cơ sở đó, năm 1960, Kevin Lynch cho ra đời cuốn” The Image of the City”, nghiên cứu về việc con người làm thế nào nhận thức và tổ chức thông tin không gian khi họ đi lại trong thành phố. Và cuối cùng, ông kết luận rằng con người thực sự hiểu môi trường xung quanh khi di chuyển qua các không gian quen thuộc. Từ đó, ông hình thành năm nhân tố cơ bản gọi là bản đồ tinh thần địa điểm gồm: Tuyến (path), cạnh biên (edge), khu vực (district), nút (node) và cột mốc (landmark) [15].

Phương pháp của Kevin Lynch đã thúc đẩy nghiên cứu về việc nhận thức không gian trong đô thị. Nếu như Kevin Lynch nghiên cứu đô thị qua những không gian lớn, bao quát thì Christopher Alexander nghiên cứu đô thị qua những góc nhỏ theo hướng kiểu mẫu (pattern), tạo ra các giải pháp để xử lý các vấn đề thiếu sót của đô thị hiện đại, như sự không thân thiện và không nhân văn,...

Thay vì chỉ tập trung vào công năng sử dụng, Alexander tập trung vào việc tạo ra những môi trường bền vững, cảm thụ và có thể nhân bản. Bằng cách phân tích hàng loạt hiện tượng luận từ thực tế xây dựng của nhiều nền văn hóa, sau đó tạo ra 253 kiểu mẫu khác nhau. Những kiểu mẫu này được thiết kế nhằm gắn kết con người với tinh thần địa điểm, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng mà còn gợi lên cảm xúc và giúp con người tạo dựng cấu trúc không gian. Alexander ví von quá trình này như quá trình biến đổi của con sâu bướm, tuy trải qua những hình thức khác nhau của quá trình “lột xác” nhưng vẫn giữ được bản chất con bướm hoặc sâu bướm tuỳ vào giai đoạn biến đổi [7]. Từ đó, ông cho rằng, quá trình phát triển hoạt động xây dựng cần phải tôn trọng lịch sử và điều kiện hiện trạng cấu trúc đô thị. Tại mỗi bước thiết kế, người kiến trúc sư sẽ phải tìm ra nội dung phù hợp với hình thức đô thị, chú trọng tính vẹn toàn cấu trúc để cân bằng hình ảnh quá khứ trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.

2.2. Sự trải nghiệm các hoạt động và cảm xúc trong nơi chốn

Trong quy hoạch đô thị, các nhà quy hoạch hầu như chỉ chú trọng kiến tạo các không gian vật chất hay vỏ bọc, hình dáng cho đô thị. Họ quên mất việc làm thế nào để không gian đó sống, sôi động và mang ý nghĩa. Đa phần họ để nó tự phát, tự sinh, tự diệt. Nhiều đô thị mọc lên như một thành phố ma, không có những hoạt động lôi cuốn người dân tham gia. Nhà văn Mark Twain đã viết “Hai mươi năm sau, bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm”. Câu ấy khiến chúng ta giật mình suy nghĩ, phải chăng trải nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một đời người. Cuộc sống luôn vận động biện chứng theo quy luật khách quan. Con người cũng không ngừng vận động thông qua các trải nghiệm để khám phá cuộc sống, bổ sung năng lượng và tích luỹ kiến thức. Trải nghiệm các hoạt động cộng đồng nơi đô thị là cách để người dân hiểu hơn về thành phố mà mình đang sống, giúp gia tăng năng lượng tích cực. Trải nghiệm (experience) cũng là cách thiết lập cảm xúc và xây dựng ký ức trong chu trình kiến tạo nơi chốn. Lấy trải nghiệm làm mục tiêu cho nghiên cứu của mình phải kể đến Jane Jacobs, Jan Gehl, William H.Whyte, Edward Relph.

Phê phán tính duy lý của quy hoạch hiện đại và cho rằng: Đường phố không chỉ là một môi trường sống tốt của con người, mà còn là một không gian để trãi nghiệm và tương tác với cộng đồng. Jane Jacobs cho rằng: Đô thị cần phải được thiết kế lấy sự trãi nghiệm của người dân là trung tâm, với đường đi bộ và không gian công cộng hấp dẫn thị giác. Bà đưa ra bốn yếu tố để tạo nên một không gian đô thị sống tốt là chức năng hỗn hợp, quy mô nhỏ, khả năng tiếp nối và sự đa dạng. Bên cạnh đó, Jacobs nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và bảo tồn các khu phố đô thị truyền thống để duy trì tính đa dạng cũng như sự độc đáo của các khu vực này. Khuyến khích các hoạt động trải nghiệm an toàn bên ngoài tại các không gian công cộng hấp dẫn thị giác như công viên, vỉa hè, phố đi bộ - để tạo nên nơi chốn trong đô thị [14]. Giống Jane Jacobs, Jan Gehl lấy trải nghiệm các hoạt động cộng đồng ngoài trời làm lý luận cho mình. Ông cho rằng, đô thị cần đặt con người làm trung tâm và đáp ứng nhu cầu của họ, thay vì tập trung vào việc xây dựng công trình. Ba hoạt động ngoài trời trong lý luận của Jan Gehl gồm: Hoạt động thiết yếu, hoạt động tự chọn và hoạt động xã hội là một phần quan trọng trong việc tạo ra một đô thị sống động và gắn kết hơn. Các hoạt động này cần được đưa vào trong quy hoạch đô thị để đáp ứng nhu cầu của con người nhằm tạo ra một môi trường sống thoải mái và sáng tạo. Ông chú trọng đến các cơ hội tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tạo ra các cơ hội giao tiếp giữa con người với nhau. Để trãi nghiệm không gian phố phường hiệu quả và thấu đáo hơn, di chuyển với tốc độ chậm là tiêu chí được quan tâm hơn cả. Điều này thúc đẩy sự tương tác và kết nối cộng đồng, tạo ra môi trường sống thích ứng cho các cư dân đô thị [2].

William H.Whyte là một trong những nhà tiên phong nghiên cứu thuật ngữ kiến tạo nơi chốn bằng việc mô tả tiến trình tạo ra các không gian công cộng, đặc biệt là quảng trường, không gian xanh, đường phố và khu vực ven sông,… nhằm thu hút trãi nghiệm của mọi người dân đô thị. Ông đã quan sát và phân tích cách con người sử dụng và tương tác với những không gian này, từ đó đưa ra các khái niệm quan trọng như "nơi chốn", "nơi gặp gỡ", "nơi dừng chân" và "nơi sống động". Theo Whyte, nơi chốn là những không gian công cộng có tính sáng tạo và độc đáo, thu hút con người đến đó để tương tác. Những nơi chốn thường có các yếu tố thú vị như: Môi trường đa năng, phát triển tự nhiên, tiện ích cộng đồng và kiến trúc độc đáo. Whyte chú trọng vào những yếu tố giản đơn, cơ bản, thích ứng với đại đa số người dân. Ông cũng cho rằng, con người sẽ không sử dụng những không gian không tạo cảm giác thoải mái cho họ, bất kể có to lớn đến đâu. Do đó, việc tạo ra các không gian công cộng thân thiện và sử dụng được là điều cần thiết để tạo lập môi trường sống tốt, đó cũng là nơi chốn đô thị. Từ đây, ông đề ra bảy yếu tố chính tạo nên một không gian nơi chốn thành công là đường phố thuận tiện, có ánh sáng mặt trời, kết nối tiện nghi, có mặt nước, có chổ ngồi nghỉ, có cây xanh, đáp ứng nhu cầu ẩm thực [20]. Có chung quan điểm nghiên cứu, Edward Relph sử dụng thuật ngữ "placelessness", ngược với khái niệm (place) “nơi chốn” hay “lost of place” - tạm dịch là “phi nơi chốn”, chỉ những không gian không tạo được cảm xúc với cộng đồng, những địa điểm được tạo ra nhưng không có bất cứ liên hệ hay hoạt động nào gắn với giá trị cảnh quan không gian đô thị hay văn hóa địa phương. Đó là những không gian có thể thấy ở bất cứ đâu, tức là “không ở đâu cả” (lost of place). Edward Relph cho rằng một địa điểm tốt phải mang đến cho con người cảm giác ký ức của trãi nghiệm. Khi con người mất đi sợi dây liên kết này, tức là họ đã trãi qua cảm giác vô hình, cuộc sống thiếu hụt ý nghĩa và bất an. Ông đưa ra khái niệm về "tinh thần địa điểm" (sense of place) nhằm chỉ sự phát triển của một địa điểm qua thời gian. Theo đó, sự liên kết với lịch sử và văn hoá, sự đa dạng về kiến trúc và địa hình, cũng như sự tương tác giữa con người và địa điểm là nhân tố chính hình thành nên cảm xúc nơi chốn. Tuy nhiên, Relph nhấn mạnh rằng: Tinh thần địa điểm không phải là một khái niệm tĩnh, mà là một quá trình phát triển liên tục và có thể thay đổi theo thời gian. Việc duy trì và phát triển tinh thần địa điểm đòi hỏi sự quan tâm và tương tác từ cộng đồng, cũng như các chính sách và quyết định của các nhà quản lý đô thị. Những địa điểm có thể mang lại tinh thần địa điểm dễ dàng nhất là các khu phố cổ, các vùng đồng quê và các khu vực bảo tồn thiên nhiên. Do những địa điểm này dễ mang đến cho con người cảm giác thân thuộc với không gian mà họ đang sinh sống, đồng thời nó làm họ hiểu hơn về con người cũng như văn hoá địa phương [11].

Nhìn lại lịch sử đô thị ta thấy rằng, tôn giáo và tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành linh hồn của những đô thị đầu tiên trên thế giới. Tôn giáo liên kết các cá thể trong một cộng đồng thành một tập thể, trong khi đó tín ngưỡng là phần không thể thiếu của tôn giáo. Tín ngưỡng là món ăn tinh thần (psyche) giúp tạo ra một cộng đồng với những giá trị chung, đóng vai trò vô cùng quan trọng không thể thiếu khi con người biết xây dựng nơi ăn chốn ở cho chính mình. Chính vì vậy, khoảng những năm 50 của thế kỷ XX, Martin Heidegger cho rằng: "nơi chốn" không chỉ đơn thuần là một không gian vật lý mà còn là một khái niệm tinh thần, liên quan đến bản chất của sự tồn tại. Ông nhấn mạnh sự hiểu biết về nơi chốn là cần thiết để con người có thể hiểu được mình và cảm nhận được sự hiện diện của thế giới. Heidegger sử dụng cây cối làm ví dụ, ông cho rằng nơi chốn của cây không chỉ đơn thuần là vị trí của nó trên đất mà còn liên quan đến bản chất của nó, bao gồm cả quá trình sinh trưởng và tồn tại. Mỗi con người đều có một nơi chốn, một không gian vật lý với tinh thần mà họ cảm thấy mình thuộc về nó và có thể tồn tại trong đó một cách tự nhiên và đầy đủ nhất [17]. Liền sau đó, Christian Norberg Schulz cho rằng nơi chốn không đơn thuần chỉ là một vị trí vật lý, mà còn có một tinh thần riêng không thể mô tả bằng các phương pháp khoa học. Vì vậy, ông đề xuất sử dụng hiện tượng học để hiểu và mô tả tinh thần của một địa điểm thông qua việc mô tả các đặc trưng và giải thích cảm xúc của cư dân tại nơi đó. Phương pháp hiện tượng học nơi chốn đã trở thành một công cụ quan trọng để tăng cường nhận thức về không gian. Nó cho thấy rằng một không gian chỉ có giá trị khi mang lại giá trị tinh thần cho con người. Cảm xúc tinh thần là một phần không thể thiếu của cuộc sống và khi kết hợp với không gian, chúng tạo ra sợi dây kết nối đặc biệt giữa con người với môi trường. Ông cho rằng: “Thiết kế kiến trúc là kiến tạo một hoặc nhiều địa điểm thành nơi chốn có tinh thần và nhiệm vụ của kiến trúc sư là tạo ra những nơi chốn đầy ý nghĩa để giúp cho cuộc sống con người được hạnh phúc hơn” [6].

Bằng cách đánh giá lại lịch sử kiến trúc thế giới từ thời cổ đại, các nhà khoa học thấy tồn tại những giá trị phi vật thể tạo sự khác biệt nổi trội trong một số công trình kiến trúc làm tăng giá trị sống của con người. Từ đó khai phá ra vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan của các đô thị (như Prague, Khartoum, Roma) dưới cái nhìn của lý thuyết nơi chốn. Nghiên cứu sâu về nơi chốn, Yi-Fu Tuan - nhà địa lý người Mỹ gốc Hoa đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về cảm xúc của con người trước các vùng đất mà ông trãi nghiệm như sự yêu mến nơi chốn (gọi là topophilia), sự sợ hãi nơi chốn (gọi là topophobia), sự nhớ mong quê hương, cảm giác về không gian,… Theo Yi-Fu Tuan, chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của nơi chốn chính là cảm xúc và tinh thần mà một người thấy được từ nơi chốn đó hơn là chức năng và vị trí của nó. Người ta gọi đó là tinh thần nơi chốn, tâm hồn nơi chốn, ý thức nơi chốn, cảm giác nơi chốn (genius loci, spirit of place, sense of place). YiFu Tuan đề cao vai trò địa lý phong thuỷ với thuyết tam tài "thiên - địa - nhân" (trời - đất - người) và lấy nó làm gốc rễ của sự sống. Điều này cho thấy mối quan hệ quan trọng giữa con người và môi trường, giúp con người tạo ra một sự gắn bó mật thiết hơn với nơi mình sinh sống. Nơi chốn là không gian được hình thành từ thuộc đất mà con người định cư, trong khi địa lý phong thuỷ bao gồm các yếu tố như gió và nước, địa vật,... Do đó, nó đóng góp vào việc xác định các giá trị của nơi chốn. Từ đó, ông đúc kết ba nhân tố quan trọng trong luận điểm về nơi chốn của mình: “1) Thời gian như sự chuyển động và trôi chảy trong khi nơi chốn như một sự tạm dừng trong khoảnh khắc hiện tại, 2) Đặc tính của cuộc sống hiện đại là luôn chuyển động dẫn đến việc con người không có thời gian để lắng đọng, suy ngẫm và hiểu một không gian thực thụ. Họ có lẽ chỉ trải nghiệm và đánh giá nó ở vẻ bề ngoài của vật chất thông thường, 3) Nơi chốn cho ta một cảm giác về thời gian không chỉ trong hiện tại mà còn là một dấu ấn của quá khứ” [21]. Có thể thấy rằng, Yi-Fu Tuan tiếp cận vấn đề nơi chốn bằng cảm xúc và niềm tin hơn là dùng lý trí và khoa học như cách mà các tiền bối đã tiếp cận.

Đặt cảm xúc con người làm trọng tâm ý tưởng thiết kế kiến trúc, tập trung tìm hiểu và khám phá nhu cầu, mong muốn của người sử dụng để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất, đó là cách mà Peter Zumthor làm việc. Ông tin rằng, các không gian kiến trúc được môi trường xung quanh chấp nhận nếu chúng có khả năng thu hút cảm xúc và tâm trí của người dân theo nhiều cách khác nhau. Vì cảm xúc và sự hiểu biết là một quá trình bắt nguồn từ quá khứ. Mối liên hệ nhận thức của cộng đồng với một địa điểm xuất phát từ sự hình thành quá trình ghi nhớ trong não bộ dần chuyển thành nơi chốn. Từ đó, ông đề xuất các giải pháp kiến tạo không gian độc đáo và mang tính thần học dựa trên những ký ức và cảm xúc từ quá khứ để tạo ra không gian đem lại cho người sử dụng những trãi nghiệm ý nghĩa [19].

Nghiên cứu lý thuyết nơi chốn không chỉ có các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị mà còn có cả nhà thơ, nhà văn mà Lawrence Durell là một điển hình với tác phẩm “Spirit of place”. Với ông, nơi chốn là những giá trị độc đáo vật chất và tinh thần mà một cộng đồng tạo ra trong một khu vực địa lý nhất định qua thời gian, thông qua sự tương tác giữa con người với môi trường; nó được thể hiện qua kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa. Giá trị của nơi chốn khác nhau giữa các khu vực bởi sự khác biệt của các giai đoạn lịch sử và sự kiện. Để hiểu và đánh thức giá trị tiềm ẩn của nơi chốn, Durell khuyên chúng ta phải nhận ra tinh thần độc đáo của mỗi không gian thông qua quan sát và trải nghiệm [16]. Trong tác phẩm “Đô thị học nhập môn”, Trương Quang Thao cho rằng: “Con người khi đã sống lâu ở một nơi nào và gắn bó với nó, yêu thương nó thì nơi ấy trở thành nơi chốn” [3, tr.330]. Khái niệm "nơi chốn" trong lý luận của Trương Quang Thao đề cập đến một thực thể không gian được hình thành từ các yếu tố vật lý và tâm lý. Với ông, "nơi chốn" không chỉ là một địa điểm vật lý, mà bao gồm cả các khía cạnh tâm lý, văn hóa, xã hội và lịch sử. Nơi chốn là không gian đặc biệt, có tầm quan trọng và ý nghĩa đối với mọi người, bởi vì nó tạo ra cảm giác an toàn, tình cảm, kết nối, và nhận thức về bản thân. Nơi chốn cũng là nơi con người tham gia các hoạt động như sinh sống, chơi đùa, học tập và giao tiếp với nhau. Trương Quang Thao coi nơi chốn như một thuật ngữ tương tự như "nhà ở", "quê hương", "thuộc về", và "tổ quốc" [3]. Nơi chốn được xem là một phần của bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc và nó có thể được thể hiện thông qua kiến trúc, phong tục tập quán và các biểu tượng văn hóa.

Ảnh: Internet

2.3. Đặc trưng vật thể (hình ảnh) và phi vật thể (cảm xúc) trong việc tạo ra giá trị nơi chốn

Người Hy Lạp cổ đại tin rằng: Mỗi thành phố đều có những đặc trưng riêng về thể chế chính trị, văn hoá và lối sống. Dựa vào đó, họ đã xây dựng nên những thành phố vang danh đến tận ngàn năm sau. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện đại (modernism) thống lĩnh nền kiến trúc và đô thị thế giới với những giải pháp quy hoạch có tính mô hình hoá dẫn đến sự giống nhau giữa các đồ án, biến các đô thị trở nên đơn điệu và nhàm chán. Có một thời gian dài, các nền văn minh phương Tây đã ảnh hưởng đến các quốc gia thuộc thế giới thứ ba về nhiều mặt, từ ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật đến kiến trúc. Nhiều thành phố mới ở châu Á được xây dựng theo phong cách châu Âu mà không hề quan tâm đến những đặc trưng văn hoá bản địa. Theo thời gian, sự đồng hoá đã làm người dân cảm thấy lạc lõng và xa lạ với chính thành phố của mình. Họ không biết làm cách nào để tìm lại cảm giác quen thuộc, nơi mình sinh ra và lớn lên. Họ cảm thấy hụt hẫng và mất mát. Vậy mới thấy, đặc trưng (identity) đóng một vai trò to lớn trong tâm trí người dân đối với các đô thị. Nó giống như mã DNA của một vùng đất, tạo sự khác biệt, có sự di truyền và biến đổi. Trong lý thuyết xây dựng không gian, đặc trưng là yếu tố cần và đủ để thiết lập nơi chốn; nơi nào không có đặc trưng – nơi đó không có nơi chốn.

Một trong những nghiên cứu tiên phong về đặc trưng đô thị là Ian Bentley, khi ông cho rằng: Sự giống nhau trong kiến trúc đô thị trên thế giới là kết quả của áp lực kinh tế toàn cầu và quá trình xây dựng đô thị đã tạo ra những thành phố na ná nhau trong các bối cảnh khác nhau. Để tìm đến giá trị riêng biệt, Ian Bentley chỉ ra phương pháp kiến tạo môi trường sống theo hướng tiếp cận yếu tố đặc trưng của khu vực. Ông cho rằng đây là vấn đề mang tính tâm lý vì nhu cầu tinh thần ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Mỗi con người đều có nơi chốn riêng cho mình và muốn được làm chủ không gian mà mình sinh sống. Từ đó ông đề ra năm đặc trưng tạo nên thành công của nơi chốn: Sự thông suốt, an ninh, sức sống, đa dạng và rõ ràng [13]. Nghiên cứu đặc trưng nơi chốn có nhiều phương pháp tiếp cận, phân tích hình thái đô thị là phương pháp mà Mark David Major tiếp cận bằng cách làm rõ hai trạng thái của không gian, trạng thái tĩnh của vật chất và trạng thái động của sinh hoạt cộng đồng. Mark David Major cho rằng, nơi chốn của một thành phố giống như chuỗi DNA, có sự di truyền và biến dạng tùy thuộc vào quá trình phát triển. Tuy nhiên, cấu trúc chuỗi DNA sẽ không bị phá vỡ, đó là đặc trưng [18]. Góp phần thành công trong chuỗi lý thuyết đặc trưng nơi chốn, Nguyễn Văn Chương tìm đến những giá trị của thiên nhiên khi cho rằng: Môi trường tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển một vùng đất. Các yếu tố cần được vận dụng và khai thác bao gồm địa hình và mặt nước, cũng như tập trung khai thác các khoảng trống mở để tạo ra không gian phông nền, tăng cường sự tiếp cận của người dân với các yếu tố địa hình nổi bật [4].

3-Bàn luận các quan điểm trong lý luận về giá trị nơi chốn

Nơi chốn là một thuật ngữ đa nghĩa và hiện chưa có một khái niệm chung toàn diện về nó vì vai trò và ý nghĩa của nơi chốn phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người và mỗi lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học đã phân tích và đưa ra lý luận về giá trị nơi chốn. Theo đó, giá trị nơi chốn được xem như là mạch sống và hồn cốt của đô thị, tồn tại và chuyển biến theo thời gian. Để nhận diện giá trị nơi chốn, chúng ta có thể phân loại nó thành hai nhóm đặc trưng cơ bản: Vật thể và phi vật thể. Vật thể là hình ảnh của địa lý tự nhiên hay công trình nhân tạo được xây dựng bởi hoạt động kiến trúc hoặc thiết kế đô thị. Hình ảnh này đem đến sự trải nghiệm hiệu quả thông qua thị giác, do con người luôn cảm thấy hứng thú với cái đẹp, cái ấn tượng và cái khác lạ. Chính vì vậy, việc tạo ra hình ảnh đẹp, đặc trưng luôn là tiêu chí hàng đầu của các đồ án quy hoạch đô thị, không phân biệt bất kể thời kỳ nào.

Nhìn nhận khách quan, bên cạnh giá trị vật thể được các nhà khoa học đánh giá cao thì các giá trị phi vật thể gần như không được đề cập ở các đồ án quy hoạch nói chung và các dự án chỉnh trang đô thị nói riêng. Bởi những giá trị vật thể được đánh giá bằng định lượng, tức lượng và số, là cái có thể thấy được kết quả một cách nhanh chóng, đơn giản bằng những phép đo thông thường. Trong khi đó, giá trị phi vật thể được đánh giá bằng phương pháp định tính, tức liên quan đến cảm xúc của con người. Nó khó để có thể tạo lập và định hướng cho tương lai. Nhưng đô thị không có các hoạt động trãi nghiệm mang tính xúc cảm thì đô thị như cái xác không hồn, nhất là đối với các đô thị lịch sử.

Vì vậy, ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu tìm kiếm giải pháp cho giá trị này nhằm đem đến sự sống cho không gian đô thị. Bởi lẽ, các đô thị ngày nay chỉ đang tồn tại một cách thụ động không ý nghĩa, thiếu cảm xúc. Sứ mệnh đặt ra là kiến tạo cho đô thị sự sống chứ không phải đơn thuần chỉ là tồn tại. Việc đem đến sự sống cho đô thị sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đô thị. Vì vậy, có thể thấy: Nơi chốn là một quá trình hai chiều giữa quan sát và cảm nhận. Những gì con người nhìn thấy là dựa trên hình ảnh bên ngoài, nhưng nó ảnh hưởng đến ý thức như thế nào là một khía cạnh khác, thuộc phạm trù phi vật thể. Nó điều hướng sự cảm nhận sang ý nghĩa tinh thần và tạo vùng đặc trưng hình thành nên nơi chốn.

4. Kết luận  

Trong thời đại hiện nay, việc tìm kiếm và khai thác giá trị nơi chốn là một thách thức quan trọng đối với các đô thị. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và công nghiệp đã đẩy nhiều thành phố phải đánh đổi giá trị lịch sử và văn hóa để tạo ra các không gian mới hiện đại, tiện nghi. Việc tập trung quá nhiều vào giá trị thực tiễn và công năng thường làm mất đi các giá trị ngoại vi quan trọng, gây thiệt hại cho sự đa dạng và tính kết nối giữa các thế hệ. Vì vậy, việc tìm kiếm và khai thác giá trị nơi chốn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tôn trọng và bảo vệ các giá trị đặc trưng hiện trạng của mỗi địa phương. Nếu thực hiện đúng cách, khai thác giá trị nơi chốn là tạo ra những giá trị mới từ các tài nguyên có sẵn, đồng thời thiết lập môi trường sống ý nghĩa cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị nơi chốn đang gặp phải nhiều khó khăn khi các giá trị này thường không được công nhận hoặc bảo vệ đầy đủ từ chính quyền đô thị, dẫn đến việc bị xâm phạm, phá hủy hoặc thay đổi mất kiểm soát. Xét một cách toàn diện, có thể nói quá trình này vừa là kết quả hoạt động thực tiễn nhận thức, phương thức nhận thức, phương tiện phản ánh thế giới quan vừa tác động trở lại nâng cao cuộc sống cộng đồng. Do đó, khai thác giá trị nơi chốn đòi hỏi sự tôn trọng và bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hóa và môi trường của địa phương, đồng thời cũng cần phải kết hợp với việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân. Ngoài ra, tham vấn và tôn trọng ý kiến của cộng đồng địa phương cũng là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển giá trị nơi chốn, giúp tạo ra sự đồng thuận và cam kết của cộng đồng đối với giá trị này. Vì vậy, việc nhận diện và khai thác giá trị nơi chốn trong tổ chức không gian đô thị là từng bước tạo lập một đô thị đáng sống, bền vững và có bản sắc riêng.

THS.KTS PHÙ VĂN TOÀN *, PGS.TS.KTS LÊ ANH ĐỨC**

* Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng

** Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM

*Email: phuvantoan.bxd@gmail.com

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Edmund Husserl. Die Idee der Phänomenologi/Ý niệm hiện tượng học. Đức ngữ. Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: NNhà xuất bản Lao động. 2016.

[2] Jan Gehl. Life between Buildings/Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc. Anh ngữ. Lê Phục Quốc. Hà Nội: Nhà xuất bản Xây dựng. 2013.

 [3] Trương Quang Thao. Đô thị học nhập môn. Hà Nội: Nhà xuất bản Xây dựng. 2000.

[4] Nguyễn Văn Chương. “Khai thác yếu tố nơi chốn nhằm tạo lập bản sắc đô thị - Lấy thành phố Đà Nẵng làm địa bàn nghiên cứu”. Luận án tiến sĩ Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. 2011.

[5] Huệ Viên. Cảm nhận tinh thần của đô thị.(http://tapchisonghuong.com.vn/tapchi/c332/n20326/Cam-nhan-tinh-than-cua-do-thi.html), ngày 21/7/2015.

[6] Christian Norberg Schulz. Genius Loci, Towards a phenomenology of architecture. NewYork: Rizzoli. 1991.

 [7] Christopher Alexander. A Pattern language. NewYork: Oxford University Press. 1977.

 [8] Camillo Sitle. The birth of modern city planning. United States of America: Dover publications. 2006.

[9] Emily Talen. Design for social deversity. Routledge. 2018.

[10] Emily Talen. City Rules: How Regulations Affect Urban Form. Island Press. 2012.

[11] Edward Relph. Place and placelessness. SAGE Publications Ltd. 2022.

[12] Gordon Cullen. The Concise Townscape Theory. Architectural Press. 1995.

[13] Ian Bentley. Responsive Environments. Architectural Press. 1985.

[14] Jane Jacobs. The death and life of great American cities. NewYork: Vintage Books. 1993.

[15] Kenvin Lynch. The Image of the City. United States of America: The MIT Press. 1965.

[16] Lawrence Durrell. Spirit of place. Open Road Media. 2012.

[17] Martin Heidegger. Identity and Difference. United States of America: University of Chicago Press. 2002.

[18] Mark David Major. The Syntax of City Space: American Urban Grids. Routledge. 2018.

 [19] Peter Zumthor. Thinking architecture. Birkhauser. 2010.

 [20] William H.Whyte. The Social Life of Small Urban Spaces. Project for Public Spaces. 2001.

[21] Yi-Fu Tuan. Space and place. Univ Of Minnesota Press. 2001.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.