Mô hình tái định cư tại chỗ cho các khu dân cư cũ tại khu vực nội đô Hà Nội
MTXD - Trong những năm gần đây, sự phát triển của thành phố (TP) Hà Nội đặt ra nhiều thách thức liên quan đến việc cải thiện môi trường sống cho người dân, đặc biệt là các khu vực dân cư cũ tại khu vực nội đô. Mặc dù Hà Nội đang hướng tới sự phát triển đô thị hoàn thiện hơn, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khu vực dân cư cũ với điều kiện sống không đảm bảo, chất lượng sống thấp.
Giải pháp tổ chức không gian cho một nhóm nhà tại phường Khâm Thiên
Theo thống kê Cục Cảnh sát Phòng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 443 vụ cháy khiến 21 người chết, 25 người bị thương và thiệt hại tài sản gần 58 tỷ đồng, trong đó các vụ cháy vẫn xảy ra chủ yếu tại nhà dân (173 vụ) với sự thiệt hại về người rất lớn, cũng một phần nguyên nhân do xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường kịp thời.
Thời kỳ đỉnh dịch Covid vừa qua, những khu dân cư cũ với mật độ xây dựng dày đặc, không gian bị đóng kín, chật hẹp đã khiến cho tốc độ lây lan dịch bệnh tăng nhanh và quận Đống Đa là một trong những quận nội đô bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Trong bối cảnh này, việc thiết lập mô hình tái định cư tại chỗ là một giải pháp được đặt ra với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Thông qua việc tái thiết mô hình ở, xây dựng mới các tiện ích công cộng, tạo ra môi trường sống xanh và sạch sẽ, mô hình tái định cư tại chỗ có thể tạo ra một sự thay đổi tích cực cho cộng đồng tại Hà Nội và các đô thị lớn.
Khái quát thực trạng
Địa điểm được lựa chọn nghiên cứu là khu vực dân cư cũ thuộc phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là khu vực còn nhiều không gian ở cũ với chất lượng và môi trường sống không đảm bảo cho sự phát triển cả thể chất và tinh thần của người dân.
Hình 1. Hiện trạng khu vực dân cư cũ tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa
Đánh giá thực trạng cho thấy tỷ lệ cơi nới trái phép do nhu cầu tăng thêm diện tích ở là rất lớn. Không gian cơi nới diễn ra ở các diện ngang cũng chiều thẳng đứng của công trình. Chính sự cơi nới đó khiến cho các khoảng trống giữa các nhà, hành lang không gian giao thông càng ngày trở nên chật hẹp, cắt đứt sự giao tiếp với ánh sáng và không khí tự nhiên bên ngoài. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông ngõ ngách quá nhỏ khiến cho các loại xe chữa cháy, cứu thương không thể tiếp cận. Hệ thống thoát nước thải thiếu đồng bộ cũng khiến cho khu vực luôn bị úng ngập sau những trận mưa lớn. Thiếu không gian xanh và không gian công cộng tạo ra sự thiếu hụt về cơ hội vui chơi, thể thao của người dân.
Kinh nghiệm trên thế giới
Qua nghiên cứu các trường hợp cụ thể trên thế giới, nhóm tác giả có thể rút ra một số kinh nghiệm tái định cư tại chỗ cho các khu vực nội đô như sau:
- Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình tạo lập phát triển không gian ở trong đô thị cũ;
- Tạo điều kiện cho người dân tham gia cung cấp các dịch vụ xã hội trong khu ở để gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống;
- Thiết kế không gian khu ở, cần chú trọng các không gian mở, không gian chung (bao gồm cả diện tích giao thông) để thúc đẩy giao tiếp xóm giềng;
- Không gian khu ở (bao gồm căn hộ và không gian chung của tòa nhà) có thể sử dụng cho mục tiêu hỗ trợ sinh kế của cư dân.
Mục tiêu phát triển mô hình tái định cư tại chỗ
Mục tiêu tái thiết lập tại chỗ cho khu dân cư cũ hướng tới lối sống văn minh, bền vững, trong đó nhấn mạnh đến tái cấu trúc không gian “Tự lập” và không gian “Xóm giềng”, tạo điều kiện phát triển “Sinh kế bền vững” và “Gắn kết cộng đồng” ở 3 cấp độ nhóm công trình – công trình – căn hộ.
Quan điểm, nguyên tắc thiết lập mô hình tái định cư tại chỗ
Quan điểm thiết lập:
- Mô hình tái định cư tại chỗ phải phù hợp với lối sống và văn hóa ở;
- Mô hình tái định cư tại chỗ phải gắn với sinh kế bền vững và gắn kết cộng đồng;
- Mô hình tái định cư tại chỗ có khả năng chuyển hóa, biến đổi nhằm cải thiện chất lượng không gian ở hiện đại – văn minh – thông minh, phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và Thế giới.
Nguyên tắc thiết lập:
- Tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa giá thành gắn với công nghiệp, khoa học, chi phí thấp, nhanh và thân thiện;
- Phù hợp với văn hóa và lối sống của người Việt Nam, phát huy giá trị của văn hóa ở truyền thống trong mô hình nhà ở tái định cư; bên cạnh đó, nhà ở tái định cư còn hướng đến lối sống tối giản theo xu hướng đương đại;
- Tạo lập cộng đồng thân ái, láng giềng chia sẻ, thúc đẩy sự tương tác, gắn kết chặt chẽ với nhau trong nội bộ nhóm nhà ở hay tòa nhà;
- Xây dựng đa dạng loại hình nhà ở và dịch vụ để tạo cơ hội nhiều hơn cho mọi người; linh hoạt và thích ứng trong việc tổ chức không gian.
“Giải pháp cốt lõi của mô hình tái định cư tại chỗ là tạo ra được “Vốn vật chất” và “Vốn xã hội” cho cộng đồng dân cư”
Định hướng mô hình tái định cư tại chỗ
Để tạo dựng cho cộng đồng có được “nguồn vốn” để phát triển năng lực sinh kế thì cần quan tâm đến phát triển mô hình tái định cư để họ có cơ hội tiếp cận nguồn “vốn vật chất” và “vốn xã hội”, đây là 2 trong 5 nguồn vốn quan trọng để phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng tại các đô thị lớn. Một cộng đồng bền vững là một cộng đồng mà người dân ở đó họ tin tưởng nhau, có được sự tương tác, hiểu biết lẫn nhau. Các không gian ở cần được đặc biệt quan tâm để hình thành nguồn “vốn xã hội” quan trọng và thúc đẩy các mối quan hệ xã hội mà thường bị mất đi trong quá trình tái định cư, kể cả việc tái định cư tại chỗ.
Mô hình tái định cư được định hướng nhằm tạo ra các không gian:
- Không gian “tự lập”: Mô hình không gian ở hướng tới tái thiết lập tại chỗ, trong đó nhấn mạnh vào việc tạo ra không gian “tự lập” cho cư dân. Đây là một không gian riêng tư và thoải mái để sinh hoạt và nghỉ ngơi của mỗi gia đình. Không gian “tự lập” có tính linh hoạt để phù hợp với nhu cầu đa dạng của các gia đình, từ các hộ gia đình nhỏ đến các hộ đa thế hệ.
- Không gian “xóm giềng”, tăng cường mối quan hệ cộng đồng: Ngoài không gian riêng tư, mô hình tái định cư tại chỗ cũng tập trung vào việc xây dựng không gian “xóm giềng” sôi động và tăng cường gắn kết cộng đồng. Điều này bao gồm các khu vực chung như vườn dạo, sân chơi và các điểm hẹn gặp gỡ khác. Không gian “xóm giềng” tạo điều kiện cho cư dân gặp gỡ, giao lưu và hỗ trợ lẫn nhau, từ việc chia sẻ kinh nghiệm sinh hoạt hàng ngày đến việc tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế.
- Không gian thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững: Mục tiêu của mô hình tái định cư tại chỗ là tạo ra điều kiện thuận lợi cho cư dân phát triển sinh kế bền vững. Mô hình hướng đến gia tăng không gian hạ tầng và tiện ích cần thiết như các cửa hàng, dịch vụ và không gian làm việc. Đây là không gian quan trọng để chuyển đổi và tạo lập sinh kế cho cộng đồng dân cư.
Mô hình cũng cần đảm bảo tính tiện ích và sự đa dạng trong lựa chọn sinh kế để tạo ra cơ hội công bằng cho tất cả các cư dân, bao gồm cả những người có thu nhập thấp và trung bình.
Nhóm tác giả đề xuất 3 mô hình tái định cư tại chỗ: Mô hình ở tái định cư mới (giải phóng hoàn toàn và xây mới); Mô hình tái định cư một phần (giải phóng một phần và giữ lại một phần); Mô hình tái định cư tại chỗ (không giải phóng và tái cấu trúc lại không gian đáp ứng mục tiêu đề ra). Mỗi mô hình có ưu điểm và nhược điểm khác nhau, tùy vào những trường hợp cụ thể để áp dụng.
Giải pháp tổ chức không gian cho mô hình ở tái định cư mới
Giải pháp hoàn lại cho người dân ở cũ đúng bằng diện tích đất ở mà họ đang được sở hữu. Giải pháp không gia tăng dân số, không chất tải dân số lên cơ sở hạ tầng hiện có.
Thiếp lập những module, khối nhà tầng cao từ 5-9 tầng, đảm bảo chiều cao được khống chế trong quy hoạch phân khu của 4 quận nội thành.
Các không gian dịch vụ hình thành ở tầng 1 và các tầng hầm, bố trí dọc theo các tuyến giao thông. Ngoài diện tích trả đủ cho hơn 20% hộ kinh doanh (dựa theo số liệu khảo sát) thì các hộ có điều kiện kinh doanh cũng có thể đăng ký khai thác không gian dịch vụ mới.
Các block nhà bố trí theo ô phố tạo ra những khoảng mở công cộng và bán công cộng cho cư dân trong nhóm nhà, nâng cao tính gắn kết cộng đồng.
Các căn hộ được thiết kế với diện tích từ 85-137m2, đầy đủ công năng từ 2 phòng ngủ trở lên. Trong mỗi căn hộ, ngoài không gian phục vụ các mục đích cố định còn có không gian riêng cho từng căn hộ, bố trí ban công lớn và vườn để có thêm không gian xanh. Cứ mỗi 2 tầng sẽ có không gian sinh hoạt chung cho các hộ dân.
Minh họa giải pháp không gian tái định cư tại chỗ
Kết luận
Việc tái thiết lập mô hình tái định cư tại chỗ cho các khu dân cư cũ tại các khu vực quận nội đô Hà Nội là việc cần làm và mang tính cách mạng nhằm tạo dựng không gian, bộ mặt đô thị văn minh, cuộc sống người dân được cải thiện toàn diện. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng tại khu vực cụ thể, nhóm tác giả đưa ra những giải pháp có tính hệ thống từ mục tiêu, quan điểm, mô hình đến giải pháp tổ chức không gian. Giải pháp cốt lõi của mô hình tái định cư tại chỗ là tạo ra được “Vốn vật chất” và “Vốn xã hội” cho cộng đồng dân cư. Bằng việc nắm giữ những nguồn lực này, cộng với sự đồng lòng của cộng đồng dân cư, sẽ là phương án bền vững để cải tạo các khu dân cư cũ tại khu vực nội đô Hà Nội. Từ đó, có thể nhân rộng mô hình này cho các đô thị tương tự tại Việt Nam.
Tái định cư tại chỗ sẽ đặt ra nhiều thách thức và tranh cãi, từ việc quản lý và phân phối tài nguyên đến việc đảm bảo sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình ra quyết định và thực hiện. Do đó, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, các nhà đầu tư và cộng đồng địa phương là rất cần thiết để đảm bảo rằng các biện pháp có tính “cân bằng” giữa các bên nhằm triển khai mô hình đề xuất một cách hiệu quả và bền vững.
TS.KTS. NGUYỄN THU HƯƠNG / Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
TS.KTS. NGUYỄN HOÀI THU/ Học viện Kỹ thuật Quân sự
(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)
Tài liệu tham khảo
1- Vũ Bảo Minh (2022) – “Quy hoạch cải tạo khu chung cư cũ ở Hà Nội” – Tạp chí Kiến trúc số 08-2022.
2- Nguyễn Thế Bá (1999) – “Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị” – NXB Xây dựng;
3- Nguyễn Thị Hạnh (2011) – “Đô thị hóa và các vấn đề cải tạo đô thị ở Việt Nam” – Kỷ yếu hội thảo “Xây dựng chính sách cải tạo các khu đô thị cũ” – Bộ Xây dựng, Tổng hội xây dựng Việt Nam, và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, ngày 15/10/2011 tại Phúc Yên;
4- Nguyễn Minh Đức (2023) – “Nghiên cứu giải pháp cải tạo ô phố ở Hà Nội” – Luận án Tiến sĩ, Viện Kiến trúc Quốc gia.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.