Mở ngành “công nghệ kỹ thuật kiến trúc” là cơ hội và thách thức trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam

MTXD - Tóm tắt: Kỹ thuật thiết kế - xây dựng - vận hành các công trình xây dựng trên thế giới đã và đang phát triển nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại và phức tạp, để công trình đạt hiệu quả năng lượng và đảm bảo chất lượng môi trường sống trong nhà đòi hỏi một quy trình thiết kế tích hợp cũng như các kỹ năng vận hành được quản lý số hóa.

MTXD - Tóm tắt: Kỹ thuật thiết kế - xây dựng - vận hành các công trình xây dựng trên thế giới đã và đang phát triển nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại và phức tạp, để công trình đạt hiệu quả năng lượng và đảm bảo chất lượng môi trường sống trong nhà đòi hỏi một quy trình thiết kế tích hợp cũng như các kỹ năng vận hành được quản lý số hóa. Trước nhu cầu của thời đại, nhiều trường đại học trên thế giới đã chuyển hướng mở chương trình đào tạo về “Kỹ thuật Kiến trúc” hoặc tương tự.

Ở nước ta theo Thông tư số 24/2017/BGDĐT, ngành này được gọi là “Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc” (mã ngành 7510101). Mục tiêu là đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư kỹ thuật kiến trúc có kiến thức, kỹ năng tổng hợp về thiết kế, xây dựng và quản lý công trình trong thời đại công nghệ số, có tư duy sáng tạo và nhận thức tốt về các khía cạnh kỹ thuật tòa nhà trong phạm vi kiến trúc. Nhu cầu phát triển ngành xây dựng - kiến trúc ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên.

Vì vậy chương trình đào tạo ngành kiến trúc - xây dựng ở bậc đại học và sau đại học cần có sự đột phá mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc để thích ứng với sự thay đổi này.

Từ khóa: Kỹ thuật Kiến trúc; công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc; xây dựng bền vững; thiết kế tích hợp

1. Giới thiệu bối cảnh tác động đến yêu cầu mở ngành đào tạo kỹ thuật kiến trúc 

1.1. Định nghĩa ngành Kỹ thuật Kiến trúc

Trên thế giới, ngành “Kỹ thuật Kiến trúc” (Architectural Engineering) hay tương tự (có từ “architectural”, ví dụ Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc - Architectural Engineering Technology) đã được đặt nền móng tại các nước phát triển từ những năm 1930s (đặc biệt là ở Bắc Mỹ), và đến nay hầu hết các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật xây dựng trên thế giới đều có đào tạo ngành Kỹ thuật kiến trúc hay tương tự.

Ví dụ ở Mỹ có 43 trường đại học đang đào tạo ngành Kỹ thuật Kiến trúc (hoặc tương tự) theo chuẩn ABET, tại Hàn Quốc: trường Đại học Yonsei, Seoul đã đào tạo ngành Kỹ thuật kiến trúc từ đầu những năm 1990, trường Đại học Quốc gia Seoul đã đào tạo ngành này từ năm 2002.

Theo chuẩn ABET, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Kiến trúc và các ngành kỹ thuật tương tự thuộc về kiến trúc được mô tả như sau [1]:

“Chương trình cần đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể áp dụng toán học giải tích, vật lý và hóa học. Chương trình đào tạo bao gồm bốn lĩnh vực cơ bản về kỹ thuật kiến trúc: kết cấu công trình (building structures); hệ thống cơ khí trong công trình (building mechanical systems); hệ thống điện trong công trình (building electrical systems) và công trình/ quản lý xây dựng (construction/ construction management).

Sinh viên tốt nghiệp được kỳ vọng sẽ đạt cấp độ tổng hợp (thiết kế) của một trong bốn lĩnh vực, cấp độ ứng dụng trong lĩnh vực thứ hai và cấp độ hiểu biết trong hai lĩnh vực còn lại. Các chủ đề kỹ thuật theo yêu cầu của các tiêu chí chung sẽ hỗ trợ các nguyên tắc cơ bản về kỹ thuật của từng lĩnh vực trong số bốn lĩnh vực này ở mức độ cụ thể. Sinh viên tốt nghiệp yêu cầu có khả năng thảo luận về các khái niệm cơ bản của kiến trúc trong ngữ cảnh lịch sử và thiết kế kiến trúc.

Cấp độ tổng hợp (thiết kế) trong chương trình đào tạo phải phù hợp với bối cảnh:

(a) Xem xét các hệ thống hoặc quy trình từ các lĩnh vực kỹ thuật kiến trúc khác;

(b) Triển khai trong tổng thể thiết kế kiến trúc;

(c) Bao gồm giao tiếp và cộng tác với các thành viên khác trong nhóm thiết kế hoặc xây dựng;

(d) Bao gồm công nghệ máy tính và xem xét áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn;

(e) Xem xét các thuộc tính cơ bản về hiệu suất và tính bền vững của công trình”.

Ngày nay, ngành “Kỹ thuật Kiến trúc” được biết đến là ngành có kiến thức liên ngành, chuyên sâu về thiết kế tích hợp, xây dựng và vận hành các công trình thông minh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tạo ra môi trường sống chất lượng cao cho người sử dụng, giúp các công trình xây mới và hiện hữu phát thải ít carbon.

1.2. Nhận định về xu hướng phát triển của ngành Kỹ thuật Kiến trúc

Thế giới đang phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu và sự suy giảm nguồn năng lượng ngày càng nhanh, vì vậy, ngoài đảm bảo công năng và kết cấu thì các vấn đề kỹ thuật của tòa nhà để phục vụ con người một cách hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ có vai trò hết sức quan trọng. Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người đối với các công trình xây dựng cũng trở nên ngày một đa dạng. Bên cạnh đó, ngành kiến trúc - xây dựng đang có những thay đổi quan trọng dưới ảnh hưởng của những làn sóng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Những bối cảnh của thời đại nêu trên đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực thiết kế tổng hợp đối với các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng, đồng thời đòi hỏi chương trình đào tạo các ngành liên quan đến kiến trúc cần phát triển hơn nữa những nội dung về kỹ thuật - công nghệ phục vụ thiết kế và quản lý công trình. Tại nhiều quốc gia, các vấn đề cấp thiết này được nghiên cứu, giảng dạy trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Kiến trúc hoặc tương tự.

Khoảng hơn hai thập niên trở lại đây, các vấn đề xây dựng bền vững bắt đầu được du nhập và quan tâm ở Việt Nam. Các yêu cầu thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành công trình để đạt hiệu quả năng lượng và đảm bảo chất lượng sống của người sử dụng đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu theo xu hướng chung của thế giới nhằm chống lại biến đổi khí hậu, hướng đến cuộc sống đảm bảo sức khỏe.

Tại Hội nghị COP26 tháng 11/2021, Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Một thực tế hiện nay tại Việt Nam là thị trường lao động trong các lĩnh vực: (i) quản lý kỹ thuật liên ngành trong các sở, ban ngành, các công ty thiết kế - xây dựng; (ii) quản lý thiết kế và xây dựng các công trình hiện đại với đầy đủ kiến thức về thiết kế tích hợp và kỹ thuật theo công nghệ hiện đại và số hóa; (iii) quản lý vận hành tòa nhà với đầy đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu quản lý số hóa, hiểu biết về kỹ thuật và công nghệ điều khiển tòa nhà; (iv) tư vấn thiết kế và đánh giá công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đang rất cấp thiết.

Xã hội đang thiếu hụt một lượng lớn các cử nhân, các kỹ sư và các chuyên gia có khả năng thực hiện công việc thiết kế tích hợp, quản lý kỹ thuật liên ngành trong thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành công trình một cách chuyên nghiệp bài bản.

Điều này là bước cản trở lớn trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 cũng như thực hiện xu hướng xanh hóa toàn cầu trong phát triển xây dựng bền vững hướng tới bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc con người và môi trường.

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế đó, cơ hội mở ra cho các nhà nghiên cứu và nhà quản lý giáo dục để xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Kiến trúc là không hề nhỏ. Phát triển khoa học về Kỹ thuật Kiến trúc, bao hàm nội dung liên ngành về kỹ thuật xây dựng, môi trường, quản lý xây dựng là đi đúng xu hướng và nhu cầu tất yếu của xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đã bước sang các mức độ xây dựng khu ở, đô thị bền vững, công trình tiến đến giới hạn trung hòa các bon hay zero carbon.

Một khảo sát thực tế về nhu cầu nhân lực cử nhân/kỹ sư “Kỹ thuật Kiến trúc” được thực hiện bởi các giảng viên Bộ môn Kiến trúc môi trường, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội với 90 cán bộ quản lý dự án, quản lý vận hành công trình, tư vấn thiết kế và giảng dạy trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng cho thấy 100% phiếu khảo sát khẳng định thị trường hiện nay có nhu cầu đối với cử nhân “Kỹ thuật Kiến trúc”, ở mức “rất cần thiết” và “cần thiết” chiếm 92,1%; và vai trò của cử nhân “Kỹ thuật Kiến trúc” trong các cơ quan và doanh nghiệp về kiến trúc - xây dựng và quản lý bất động sản ở mức “quan trọng” và “rất quan trọng” là 96,7 %.

Hiện nay tại Việt Nam, chỉ có số ít trường đại học nắm bắt xu hướng và có các chương trình đào tạo bậc đại học theo dạng tích hợp kỹ thuật kiến trúc - xây dựng như Trường Đại học Văn Lang đã mở ngành “Thiết kế xanh” (mã 7589001) [2]; Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM kết hợp với trường Đại học Bắc Đan Mạch đã mở ngành “Công nghệ Kiến trúc và Quản lý xây dựng” [3].

Quan niệm phổ biến về Công nghệ, Kỹ thuật Kiến trúc ở Việt Nam là công nghệ kỹ thuật đơn thuần với các kỹ năng chuyên sâu về sử dụng các công cụ đồ họa và phần mềm thiết kế chuyên dụng cho thiết kế kiến trúc như ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng [4], hay là có kỹ năng chuyên sâu về thiết kế và liên kết, tương tác kỹ thuật số như chuyên ngành Kiến trúc Công nghệ ở Trường Đại học Xây dựng Hà Nội [5]; hoặc đào tạo các họa viên ở bậc Cao đẳng [6] [7], trong đó có các trường: Cao đẳng Ngoại ngữ [8], Trường Cao đẳng Miền Nam [9], Cao đẳng Xây dựng TP.HCM[10], Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương Mại Hà Nội [11]. Bảng 1 dưới đây phân biệt giữa ngành Kỹ thuật Kiến trúc theo chuẩn thế giới và ngành Kiến trúc công trình.

Những khó khăn, thách thức có thể nhận thấy trong việc xây dựng ngành học này tại Việt Nam là chưa có nghiên cứu toàn diện dưới góc độ liên ngành, việc định nghĩa về “Kỹ thuật Kiến trúc” hay “Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc” còn sơ sài, chưa theo đúng định nghĩa chuẩn của thế giới, thiếu và chưa hàm ý đủ để đạt mục tiêu hướng đến xây dựng công trình bền vững. Chuyên gia về ngành này chỉ có những người được đào tạo từ nước ngoài trong những năm gần đây nên còn rất thiếu.

Như vậy, để có kết quả đột phá theo đúng xu hướng tiếp cận hiện đại của Kiến trúc - xây dựng ở thế giới với các mục tiêu phát triển bền vững, cần xây dựng được một chương trình học với các khái niệm chính xác về mục tiêu ngành “Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc” dựa trên chuẩn quốc tế.

Dưới đây chúng tôi giới thiệu về nghiên cứu tiếp cận liên ngành trong xây dựng ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc theo chuẩn quốc tế. Các phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng là tổng hợp, phân tích và hệ thống để đề xuất định hướng xây dựng ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc ở Việt Nam.

Bảng 1. So sánh chương trình học Cử nhân “Kỹ thuật Kiến trúc - Architectural Engineering” với “Kiến trúc công trình - Architecture”

Mở ngành “công nghệ kỹ thuật kiến trúc” là cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển xây dựng bền vững tại Việt Nam

2. Nội dung - phương pháp xây dựng nghành công nghệ kỹ thuật kiến trúc ở Việt Nam 

2.1. Nghiên cứu hướng tiếp cận

Ngành Kỹ thuật Kiến trúc với đặc điểm liên ngành cao và có chương trình đào tạo phong phú, tùy thuộc ưu thế và mục đích đào tạo của các trường đại học mà chương trình có thể được xây dựng một cách linh hoạt. Theo thống kê của Edu Rank về phân hạng các trường đại học có các nghiên cứu liên quan chủ đề Kỹ thuật Kiến trúc tốt nhất dựa trên chỉ số lượt trích dẫn và số lượng bài báo, có 100 trường lọt vào top đánh giá trên tổng 496 trường trên thế giới.

Trong đó Đại học Bách khoa Hồng Công (Hong Kong Polytechnic University) dẫn đầu bảng xếp hạng [12]. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật Kiến trúc tại Hoa Kỳ là 56 trường, tại Anh có 15 trường, ngoài ra các nước như Canada, Malaysia, Singapore, Hồng Công, Pakistan, Ai Cập, Ả Rập thống nhất, Hà Lan... tổng số lượng các trường đại học trên toàn thế giới có chương trình này lên đến 96 trường [13].

Vì đây là ngành tích hợp nên các chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Kiến trúc (hoặc tương tự) theo chuẩn ABET hoặc không theo chuẩn ABET có thể có nhiều hướng tiếp cận, trong đó có ba hướng tiếp cận chính (hình 1):

Mở ngành “công nghệ kỹ thuật kiến trúc” là cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển xây dựng bền vững tại Việt Nam

Hình 1. Hướng tiếp cận chính trong đào tạo ngành Kỹ thuật Kiến trúc (hoặc tương tự) ở trên thế giới

Hướng tiếp cận (1) là các trường đào tạo chuyên sâu về “Building Structures” + “Built Environment”:

Mở ngành “công nghệ kỹ thuật kiến trúc” là cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển xây dựng bền vững tại Việt Nam

Hướng tiếp cận (2) là các trường đào tạo chuyên sâu về “Building Structures”+ “Built Environment” + “Digital Building/digital modeling tools”:

Mở ngành “công nghệ kỹ thuật kiến trúc” là cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển xây dựng bền vững tại Việt Nam

Hướng tiếp cận (3) là các trường đào tạo chuyên sâu về “Built Environment” + “Digital Building/digital modeling tools” (không theo chuẩn ABET):

Mở ngành “công nghệ kỹ thuật kiến trúc” là cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển xây dựng bền vững tại Việt Nam

Hướng tiếp cận (2) và (3) được nhiều trường lựa chọn và phát triển, chương trình đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ mô phỏng số tòa nhà với các tính toán kỹ thuật chuyên sâu về năng lượng và chất lượng môi trường. Chương trình đào tạo Kỹ thuật Kiến trúc ở Việt Nam nên lựa chọn theo hướng tiếp cận (2) và (3) này.

Các “Tuyên bố” về ngành Kỹ thuật Kiến trúc (hay tương tự) của các Trường Đại học trên thế giới theo hai hướng tiếp cận này như sau:

“Các kỹ sư kiến trúc đưa các tòa nhà đến với cuộc sống của con người. Họ thiết kế, xây dựng và bảo trì các tòa nhà ở trên thế giới, luôn luôn nỗ lực để làm cho các tòa nhà hiện hữu và xây mới trở nên bền vững hơn.

Được biết đến như là các kỹ sư và những người thiết kế theo xu hướng mới, họ quan tâm đến việc tạo nên các tòa nhà có khả năng phục hồi về mặt cấu trúc, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tạo ra môi trường lành mạnh cho người sử dụng” - University of Texas at Austin (Cử nhân khoa học Kỹ thuật Kiến trúc).

“Sinh viên tốt nghiệp chương trình Kỹ thuật Kiến trúc được đào tạo các nguyên tắc cần thiết cho thực hành nghề nghiệp trong phân tích, thiết kế, xây dựng và vận hành nhà dân dụng (nhà ở và nhà công cộng) và nhà công nghiệp. Các kỹ sư kiến trúc là những chuyên gia trong nhiều khía cạnh như: tính bền vững, công năng, kinh tế, cũng như các hoạt động xây dựng và phát triển có xem xét đến con người và việc sử dụng trong môi trường xây dựng”- Drexel University (Cử nhân khoa học Kỹ thuật kiến trúc).

“Kỹ thuật Kiến trúc (ArchE) nghiên cứu thiết kế tích hợp, xây dựng và vận hành tòa nhà. Lĩnh vực này bao trùm các nội dung liên quan đến môi trường xây dựng: vỏ bao che tòa nhà, hệ thống điều hòa - thông gió - cấp nhiệt (HVAC), hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng, thi công, chất lượng môi trường trong nhà và sự tiện nghi của con người - và do đó liên quan đến các nghiên cứu và chương trình đào tạo đa ngành” - Purdue University (Cử nhân khoa học Kỹ thuật Kiến trúc).

“Trở thành nhà thiết kế của tương lai bằng việc rèn luyện khả năng phân tích, sáng tạo cần thiết cho cả kiến trúc sư và kỹ sư, đồng thời có thể hành nghề trong cả hai lĩnh vực này. Tìm hiểu về kiến trúc, thiết kế thụ động, vật lý môi trường, hệ thống môi trường trong tòa nhà và sử dụng năng lượng, vật liệu hiệu quả.

Nắm được những kiến thức và kỹ năng hiếm có để sẵn sàng bước vào lĩnh vực thiết kế đang ngày càng mở rộng” - University of the West of England (Cử nhân kỹ thuật kiến trúc & môi trường)

“Tòa nhà xây dựng là đối tượng sử dụng nhiều năng lượng nhất trên thế giới. Vì vậy, cần có các kỹ sư môi trường kiến trúc để tiên phong làm nên tương lai phát thải carbon thấp trên toàn cầu. Sinh viên được học tất cả các kiến thức về sản xuất năng lượng tái tạo, điều khiển thông minh, tiện nghi nhiệt, thiết kế âm thanh và chiếu sáng.

Trở thành kỹ sư có trình độ cao, có kiến thức chuyên sâu về thiết kế công trình bền vững, phát thải ít carbon.” - University of Nottingham (Cử nhân Kỹ thuật môi trường kiến trúc).

Để nhận bằng cử nhân ngành Kỹ thuật Kiến trúc, sinh viên cần đảm bảo tích lũy số lượng tín chỉ nhất định. Chúng tôi đã khảo sát một số trường như sau:

- Đại học Texas at Austin: 126 tín chỉ

- Đại học Nebraska-Lincoln Durham: 129 tín chỉ

- Đại học Illinois Institute of Technology: 131 tín chỉ

- Chương trình theo chuẩn của Hội đồng Kỹ thuật Pakistan: 130-136 tín chỉ

- Đại học Rensselaer Polytechnic Institute; School of Architecture: 130 tín chỉ.

- Đại học Pennsylvania State: 160 tín chỉ

Tại Mỹ, trong năm học 2020-2021, Kỹ thuật Kiến trúc là ngành phổ biến thứ 239 trên toàn nước Mỹ với 1.012 người được cấp bằng. Điều này đã thể hiện mức tăng 7,3% số lượng người được cấp bằng Kỹ thuật kiến trúc so với số lượng 938 người của năm học 2019-2020.

Trong 25 trường đứng đầu đào tạo ngành này, số liệu thống kê cho thấy mức lương trung bình năm đối với vị trí Quản lý Kiến trúc và Kỹ thuật là $148.970, trong khi Kỹ sư là $99.410 và Kiến trúc sư là $99.320 [33]. Theo thống kê, mức lương trung bình năm của Kỹ sư kiến trúc tại Mỹ là $105.163 [34], trong khi Kiến trúc sư là $90.392 [35].

2.2. Nghiên cứu Chuẩn đầu ra

Tại Việt Nam, theo Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học [36], Việt Nam không có mã ngành Kỹ thuật Kiến trúc mà chỉ có mã ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc (7510101). Vì vậy tên gọi ngành Kỹ thuật Kiến trúc ở Việt Nam là Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc sẽ được cấp bằng Cử nhân kỹ thuật Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc và sẽ có cơ hội hoàn thành bằng Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc hoặc Thạc sỹ Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc/ Thạc sỹ Quản lý xây dựng/Thạc sĩ Kiến trúc/ Thạc sỹ Kỹ thuật xây dựng (hình 2).

Mở ngành “công nghệ kỹ thuật kiến trúc” là cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển xây dựng bền vững tại Việt Nam

Hình 2. Sơ đồ khung chương trình học.

Dựa trên yêu cầu chuẩn đầu ra ngành Kỹ thuật Kiến trúc của ABET và thực tiễn ngành kiến trúc - xây dựng ở Việt Nam, nhóm tác giả kiến nghị chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc như sau:

1. Có khả năng khái quát quá trình phát triển ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc; hiểu biết bao quát các yêu cầu và nguyên tắc làm việc, quy định của pháp luật và các cơ quan hữu quan về hành nghề, trách nhiệm, vai trò xã hội và đạo đức nghề nghiệp cũng như vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong lĩnh vực xây dựng nói chung và công nghệ kỹ thuật kiến trúc nói riêng, các yêu cầu và cơ hội công việc nghề Công nghệ kỹ thuật kiến trúc để vận dụng vào các hoạt động chuyên môn và phát triển nghề nghiệp.

2. Có khả năng xác định, xây dựng và giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp trong thiết kế, xây dựng và quản lý công trình bằng cách áp dụng các nguyên tắc của kỹ thuật, khoa học và tin học.

3. Có khả năng nhận diện và phân loại được các tác động của công nghệ kỹ thuật kiến trúc trong thiết kế, xây dựng và quản lý công trình đối với hiệu quả năng lượng, sức khỏe, an toàn, phúc lợi của người sử dụng, môi trường sinh thái, từ đó lựa chọn áp dụng giải pháp phù hợp đáp ứng các nhu cầu cụ thể có cân nhắc đến sức khỏe cộng đồng, an toàn và phúc lợi, cũng như các yếu tố toàn cầu, văn hóa, xã hội, môi trường và kinh tế.

4. Có khả năng phát triển và tiến hành thử nghiệm, phân tích và giải thích dữ liệu, và áp dụng đánh giá công nghệ kỹ thuật kiến trúc để đưa ra kết luận.

5. Có khả năng tiếp thu và áp dụng kiến thức mới khi cần thiết.

6. Có khả năng nhận thức các trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp của cử nhân Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc trong các tình huống và đưa ra các đánh giá đúng đắn, xem xét tác động của các giải pháp công nghệ kỹ thuật kiến trúc trong bối cảnh toàn cầu, kinh tế, môi trường và xã hội.

7. Có khả năng giao tiếp hiệu quả với cộng đồng cũng như khả năng hoạt động hiệu quả trong một nhóm. Biết tạo ra một môi trường hợp tác và hòa hợp, cùng thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch nhiệm vụ và đáp ứng các mục tiêu đề ra.

2.3. Vị trí nghề nghiệp

Với mục tiêu đào tạo được xác định rõ ràng, sau khi tốt nghiệp, các Cử nhân/Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc có thể đảm nhiệm các vị trí công việc:

- Thiết kế kiến trúc, quy hoạch

- Tư vấn, thiết kế bền vững, giúp công trình đảm bảo hiệu quả năng lượng, công trình xanh, kỹ thuật môi trường kiến trúc. Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc có thể đảm nhiệm vị trí Chủ trì thiết kế với các kiến thức và kỹ năng nâng cao về hiệu suất tổng thể của công trình, thiết kế tích hợp, quản lý kỹ thuật đa ngành và các phương pháp kỹ thuật số.

- Tư vấn, thiết kế cũng như quản lý tại các đơn vị thiết kế hay thi công công trình xây dựng. Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc có thể đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Dự án (Tổng công trình sư) với vai trò lãnh đạo các nhóm chuyên môn về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng trong giai đoạn thiết kế và xây dựng công trình để dự án được hoàn thành đồng bộ.

- Giám sát, kiểm toán năng lượng và mô phỏng phân tích năng lượng công trình;

- Công tác quản lý vận hành công trình;

- Công tác quản lý, nghiên cứu và phát triển (R&D) ở các tập đoàn xây dựng, phát triển bất động sản, kinh doanh thiết bị cơ điện công trình;

- Công tác quản lý, giám sát tại các cơ quan Nhà nước về quản lý kiến trúc, quản lý xây dựng tại Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình của các cơ quan, doanh nghiệp;

- Công tác nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về kiến trúc và công trình xây dựng;

- Tương tác học tập, nghiên cứu và làm việc với các lĩnh vực khác mang tính liên ngành như kinh tế, xây dựng, vật liệu, chính sách phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu,...

3. Kết luận và kiến nghị

Đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc là cơ sở quan trọng của ngành Xây dựng trong phát triển thiết kế, xây dựng và vận hành công trình bền vững, rộng hơn là nghiên cứu các quy mô ngoài công trình, hướng đến các đô thị bền vững.

Trước bối cảnh chống ô nhiễm và giảm khí thải carbon ở địa phương cũng như trên toàn cầu, cùng sự phát triển khoa học công nghệ và kỹ thuật, các vấn đề vật lý công trình được sự trợ giúp của kỹ thuật điều khiển, lập trình sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu xây dựng bền vững.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng như các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc - xây dựng ở Việt Nam cần xây dựng và mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc theo chuẩn thế giới, có tính liên ngành cao. Sinh viên cần được rèn luyện hệ thống tư duy tốt để trở thành những người có thể đóng góp hiệu quả cho môi trường xây dựng bền vững.

Các nội dung và hoạt động trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc có thể được xây dựng một cách linh hoạt tương ứng mục tiêu đầu ra, sự đi đôi của học chủ động với thực hành, chú trọng xây dựng năng lực, kỹ năng, và phương pháp sáng tạo cho sinh viên để có kiến thức và khả năng sử dụng các công cụ tin học trong tính toán thiết kế.

TS Phạm Thị Hải Hà, TS Nguyễn Thị Khánh Phương, THS Phạm Tiến Bình, THS Nguyễn Thị Hoa
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Tài liệu tham khảo 

[1] "abet.org," [Online]. Available: https://www.abet.org/accreditation/accreditation-criteria/criteria-for-accrediting-engineering-programs-2020-2021/.
[2] "tuyensinh.vanlanguni.edu.vn," [Online]. Available: https://tuyensinh.vanlanguni.edu.vn/nganh-thiet-ke-xanh/.
[3] "Uah.edu.vn," [Online]. Available: [http://uah.edu.vn/router/gioi-thieu-ve-nganh-cong-nghe-kien-truc-va-quan-ly-xay-dung-atcm-431.html].
[4] "tuyensinh.ute.udn.vn," [Online]. Available: https://tuyensinh.ute.udn.vn/ChuyenMuc/GIOI-THIEU-NGANH-CONG-NGHE-KY-THUAT-KIEN-TRUC_2284.html.
[5] "tuyensinh.huce.edu.vn," [Online]. Available: https://tuyensinh.huce.edu.vn
/nganh-kien-truc-chuyen-nganh-kien-truc-cong-nghe.
[6] "www.tuyen-sinh.com," [Online]. Available: https://www.tuyen-sinh.com
/nganh-cong-nghe-ky-thuat-kien-truc/.
[7] "reviewedu.ne," [Online]. Available: https://reviewedu.net/nganh-cong-nghe-ky-thuat-kien-truc#Nganh_cong_nghe_ky_thuat_kien_truc_la_gi.
[8] "trangtuyensinh.com.vn," [Online]. Available: https://trangtuyensinh.com.vn/nganh-cong-nghe-ky-thuat-kien-truc.htm.
[9] "cdmiennam.edu.vn," [Online]. Available: http://cdmiennam.edu.vn
/nganh-cong-nghe-ky-thuat-kien-truc-hoc-gi-ra-truong-lam-gi.html.
[10] "www.hcc2.edu.vn," [Online]. Available: https://www.hcc2.edu.vn/dao-tao/he-cao-dang/cong-nghe-ky-thuat-kien-truc.htm.
[11] "htt.edu.vn," [Online]. Available: https://htt.edu.vn/nganh-cong-nghe-ki-thuat-kien-truc-la-gi-nhung-to-chat-can-co-khi-hoc-nganh-nay/.
[12] "edurank," [Online]. Available: https://edurank.org/engineering/architectural/.
[13] "hotcoursesabroad," [Online]. Available: https://www.hotcoursesabroad.com/study/training-degrees/international/architectural-engineering-courses/cgory/tm.2-4/sin/ct/programs.html.
[14] "catalog.mst.edu," [Online]. Available: https://catalog.mst.edu/undergraduate
/degreeprogramsandcourses/architecturalengineering/.
[15] "tnstate.edu," [Online]. Available: https://www.tnstate.edu/cae/ae.aspx.
[16] "catalog.calpoly.edu," [Online]. Available: https://catalog.calpoly.edu/collegesandprograms/collegeofarchitectureandenvironmentaldesign/architecturalengineering/.
[17] "ceas.uc.edu," [Online]. Available: https://ceas.uc.edu/academics/departments/civil-architectural-engineering-construction-management/degrees-programs/architectural-engineering-bachelor-of-science.html.
[18] "drexel.edu," [Online]. Available: https://drexel.edu/engineering/academics/departments/civil-architectural-environmental-engineering/academic-programs/undergraduate/bs-architectural-engineering/.
[19] "lincoln.ac.uk," [Online]. Available: https://www.lincoln.ac.uk/home/course/arcmanub/.
[20] "lboro.ac.uk," [Online]. Available: https://www.lboro.ac.uk/study/undergraduate/courses/a-z/architectural-engineering-beng/.
[21] "bachelorstudies," [Online]. Available: https://www.bachelorstudies.com/BSc-in-Architectural-Engineering/Egypt/The-British-University-in-Egypt/.
[22] "bulletins.psu.edu," [Online]. Available: https://bulletins.psu.edu/undergraduate/colleges/engineering/architectural-engineering-bae/.
[23] "caee.utexas.edu," [Online]. Available: https://www.caee.utexas.edu/undergraduate/degrees/architectural-engineering.
[24] "pec.org.pk/," [Online]. Available: https://www.pec.org.pk/downloads
/Building%20&%20Architectural%20Engineering.pdf.
[25] "eng.snu.ac.kr," [Online]. Available: https://eng.snu.ac.kr/node/9291.
[26] "uaeu.ac.ae," [Online]. Available: https://www.uaeu.ac.ae/en/catalog/undergraduate/programs/bachelor-of-science-in-architectural-engineering.shtml.
[27] "engineering.purdue.edu," [Online]. Available: https://engineering.purdue.edu/CE/Academics/Groups/Architectural.
[28] "arch.rpi.edu," [Online]. Available: https://www.arch.rpi.edu/undergraduate-bldgscience/#.
[29] "courses.uwe.ac.uk," [Online]. Available: https://courses.uwe.ac.uk/KH12/architecture-and-environmental-engineering.
[30] "nottingham.ac.uk," [Online]. Available: https://www.nottingham.ac.uk/ugstudy/course/Architectural-Environment-Engineering-BEng.
[31] "utas.edu.au," [Online]. Available: https://www.utas.edu.au/study/architecture-and-built-environments.
[32] "umcced.edu.m," [Online]. Available: https://www.umcced.edu.my/programme/satu/bsa.
[33] "collegefactual," [Online]. Available: https://www.collegefactual.com/majors/engineering/architectural-engineering/
[34] "Zippia," [Online]. Available: https://www.zippia.com/architectural-engineer-jobs/salary/.
[35] "Indeed.com," [Online]. Available: https://www.indeed.com/career/architect/salaries.
[36] BGD&ĐT, "Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT," Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.