Mối quan hệ giữa an ninh môi trường và an ninh quốc gia

​MTXD - Quan hệ giữa an ninh quốc gia và an ninh môi trường có tính chất hữu cơ chặt chẽ bởi vì về thực chất an ninh môi trường là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia bên cạnh an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa…

MTXD - Quan hệ giữa an ninh quốc gia và an ninh môi trường có tính chất hữu cơ chặt chẽ bởi vì về thực chất an ninh môi trường là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia bên cạnh an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa…

Một số vấn đề chung về mối quan hệ giữa an ninh môi trường và an ninh quốc gia

Quan hệ giữa an ninh quốc gia và an ninh môi trường có tính chất hữu cơ chặt chẽ bởi vì về thực chất an ninh môi trường là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia bên cạnh an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa… Tùy bối cảnh của từng nước và tùy từng giai đoạn phát triển của lịch sử, vị trí và vai trò của an ninh môi trường trong an ninh quốc gia có thay đổi. Nhưng nhìn chung ở thế giới và ở Việt Nam, vị trí và vai trò an ninh môi trường ngày càng quan trọng.

Ngay từ năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chỉ ra “nguồn gốc của sự bất ổn về kinh tế, xã hội, nhân văn và sinh thái đã trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định”. Theo số liệu của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 1996, trên thế giới có khoảng 25 triệu người tị nạn do môi trường và con số này lên đến ít nhất là 50 triệu trong những năm đầu thế kỷ 21 và chính Liên hợp quốc đã khởi xướng nhiều chương trình bảo vệ môi trường cấp độ toàn cầu mà gần đây nhất là vấn đề biến đổi khí hậu.
Một trong những xu thế phát triển từ lĩnh vực chuyên môn chuyển sang chính trị chính là từ các trào lưu bảo vệ môi trường chuyển thành đảng phái chính trị. Các đảng xanh được phát triển từ các phong trào xanh ngày càng tranh thủ được cử tri và chiếm lĩnh các vị trí lãnh đạo chính quyền, đặc biệt tại các nước Bắc Âu và Bắc Mỹ.

Mỹ là một trong những nước đầu tiên thay đổi quan điểm về an ninh quốc gia cách đây 20 năm, Chính phủ Mỹ đã thừa nhận an ninh sinh thái là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia. Từ năm 1994 Chính phủ Mỹ đã đưa an ninh sinh thái thành một bộ phận của an ninh quốc gia, coi vấn đề môi trường ảnh hưởng lâu dài tới lợi ích quốc gia, đe dọa trực tiếp sức khỏe, sự thịnh vượng, việc làm, sự ổn định chính trị, kinh tế và mục tiêu chiến lược của Mỹ.
Chính vì vậy mà chính phủ Mỹ, một mặt đóng cửa khai thác các giếng dầu trên thềm lục địa của Mỹ, mặt khác tìm mọi cách gây ảnh hưởng và chi phối đến các khu vực khai thác dầu trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông, mặc dù giá dầu biến động, leo thang tác động rất lớn đến đời sống của người dân Mỹ.
Khác với các lĩnh vực khác, môi trường không có biên giới và ô nhiễm môi trường cũng không có biên giới. An ninh môi trường không chỉ chính do chúng ta, vì chúng ta mà còn do người khác, từ nơi khác, một cách chủ ý hoặc không chủ ý. Vì vậy, xu hướng chung của các nước hiện nay là tìm cách liên kết khu vực và liên kết quốc tế.

Sự liên kết của các nước trong cộng đồng ASEAN về môi trường và gần đây mở rộng thêm các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand… có thể coi là một ví dụ khá điển hình, người ta tìm thấy ở đây những lợi ích chung và người ta cũng tìm thấy ở đây sự san sẻ trách nhiệm.

                                                                                  Ô nhiễm từ khói bụi công nghiệp 

An ninh môi trường Việt Nam, thực trạng và nguy cơ đối với đời sống kinh tế, chính trị và xã hội

1. Những vấn đề cơ bản về chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường
Sau hơn 30 năm chiến tranh từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chúng ta bắt tay vào công cuộc xây dựng lại đất nước với rất nhiều khó khăn. Chúng ta ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất cho nhân dân. Một phần do những điều kiện khách quan, một phần do nhận thức chung, có một thời gian khá dài vấn đề môi trường đã không được chú ý và đầu tư đúng mức.

Năm 1993 Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên ra đời và đến năm 2005 Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn, trở thành công cụ có ý nghĩa quyết định trong bảo vệ môi trường. Chúng ta cũng đã có chiến lược phát triển bền vững và chiến lược bảo vệ môi trường. Tháng 11 năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, chúng ta có nghị quyết 41-NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và gần đây là chỉ thị 19 của Ban Bí thư TW về đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Đây là những văn kiện cơ bản về đường lối chính sách và pháp luật của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Xuyên suốt trong các văn kiện đó là tư tưởng chỉ đạo “Phát triển nhanh hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Bảo vệ môi trường đã được coi là yếu tố gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện trong mọi chính sách, kế hoạch và hệ thống các giải pháp thực hiện.

Trong 15 năm, kể từ khi có Luật Bảo vệ môi trường, chúng ta đã đi được những bước khá dài và có những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức. Đó là tình trạng ô nhiễm có tính phổ biến trên cả nước, suy thoái môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khó lường, tài nguyên nước bị đe dọa v.v… Những vấn đề đó đang tác động mạnh đến đời sống vật chất, sức khỏe và tinh thần của nhân dân.

2. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Hiện nay trên toàn quốc, còn có hơn 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý; khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng trăm cụm công nghiệp khác chưa có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hầu hết 1.450 làng nghề không có hệ thống xử lý rác thải, khí thải và nước thải. Môi trường nước các lưu vực sông, đặc biệt là các sông Nhuệ-Đáy, sông Đồng Nai, sông Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Riêng lưu vực sông Nhuệ – Đáy có đến hơn 1400 cơ sở y tế với 26.300 giường bệnh, 4.113 doanh nghiệp, 458 làng nghề. Trong khi đó, chỉ mới có 20% chất thải rắn được thu gom và xử lý; chỉ có 10% nước thải của Hà Nội được xử lý. Số còn lại được xả thẳng vào môi trường xung quanh.

3. Đe dọa suy thoái đa dạng sinh học

Việt Nam được coi là một trong những nước có mức đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái trên cạn có hơn 13.200 loài thực vật, 10.000 loài động vật. Môi trường biển của chúng ta có 20 kiểu hệ sinh thái đặc thù với khoảng 11.000 loài sinh vật biển. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.
Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, đốt rừng để làm rãy, khai thác gỗ trái phép, cháy rừng vẫn diễn ra khá phổ biến và là nguyên nhân làm giảm diện tích rừng. Diện tích rừng bị thu hẹp, chất lượng rừng suy giảm là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện những trận lũ lụt, sạt lở với hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn.

Rừng bị hủy hoại cùng với việc buôn bán và săn bắt có tính chất hủy diệt, du nhập những giống loài mới khó kiểm soát dẫn tới sự suy giảm đa dạng sinh học Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, chỉ riêng năm 2002, có đến 3.050 tấn động vật hoang dã đã bị săn bắt, buôn bán. Đã có 09 loài động vật và 01 loài hoa lan đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Số lượng các loài động vật và thực vật quí hiếm khác cùng đã bị suy giảm.

4. Biến đổi khí hậu phức tạp và khó lường

Theo Ban liên chính phủ về khí hậu, số ngày và tần suất xuất hiện ngày nắng nóng trên lục địa tăng lên trong khi số ngày lạnh giảm đi trong thế kỷ XXI đã được khẳng định. Biển đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu đã dẫn đến một số hiện tượng thời tiết, khí hậu không bình thường ở Việt Nam trong thời gian qua.
Những năm gần đây, ngoài xu thế chung của sự tăng nhiệt độ ở mức độ khác nhau trên cả nước, sự giảm tần suất và cường độ của các dòng (front) lạnh và mưa phùn ở Bắc bộ, một số hiện tượng khí hậu, thời tiết dị thường và cực đoan đã xảy ra.

Hiện tượng ENSO (El Nino và La Nina) ảnh hưởng đến nước ta mạnh hơn trong các thập kỷ 1981 – 1990, đặc biệt là từ 1991 đến 2000 so với các thập kỷ trước đó, làm xuất hiện nhiều cực trị mới về nhiệt độ, lượng mưa, hạn hán, lũ lụt. Đợt mưa cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2008 với lượng mưa 24 giờ lớn nhất ở Hà Nội, Hà Đông là một trong những biểu hiện của mưa lớn trái mùa, gây hậu quả nghiêm trọng.


                                                                                      TS. LÊ KẾ SƠN.

 

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.

TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024

MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.

Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn

Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.

MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân

MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.