Một số yếu tố ảnh hưởng đến không gian kiến trúc nhà ở trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long
MTXD- Quá trình xây dựng nông thôn mới đã và đang được thực hiện trên cả nước nói chung và vùng nông thôn Vĩnh Long nói riêng. Đến nay, sau một khoảng thời gian thực hiện đã đạt được những kết quả tương đối khả quan, bộ mặt kiến trúc nhà ở nông thôn Vĩnh Long đã có những bước tiến nhất định.
Tuy nhiên việc phát triển nông thôn mới (NTM) hiện nay ở Vĩnh Long có thể nói chủ yếu chỉ tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng và quá trình "cứng hóa” nhà ở mà chưa chú trọng đến vấn đề lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống; chất lượng và thẩm mỹ của nhà ở. Vấn đề không gian kiến trúc nhà ở hiện nay chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều giá trị kiến trúc dân gian truyền thống bị phá hủy thay vào đó là những ngôi nhà ở được người dân sao chép ở đô thị, qua thực tế quan sát và các phương tiện thông tin truyền thông. Nghiên cứu này phân tích sự thay đổi của người nông dân bắt đầu từ những nguyên nhân nào, ảnh hưởng đến không gian kiến trúc nhà ở hiện nay ra sao, có phù hợp với cuộc sống người dân nông thôn Vĩnh Long hay không.
Hình ảnh quen thuộc ở nông thôn hiện nay
1.Quá trình đô thị hóa
Trước đây giao thông nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào đường thủy, từ đó hình thành nên các hình thức định cư theo các tuyến sông rạch với cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn phù sa này, là một nét đặc trưng của cả vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Ngày nay với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật, giao thông từ nông thôn đến đô thị phát triển tập trung phần lớn ở đường bộ, điều này đã khiến các hình thức định cư ở nông thôn có sự thay đổi rõ rệt. Các tuyến, điểm dân cư bắt đầu hình thành ở các trục đường lộ với mật độ ngày càng dày đặc. Song song với quá trình đó là hình thức định cư ở các tuyến sông rạch dần thưa thớt, người nông dân đặc biệt là lớp trẻ ngày càng có xu hướng lựa chọn định cư ở các mặt tiền đường lộ, phù hợp với mô hình làm kinh tế bằng kinh doanh, dịch vụ... Thật khó để áp đặt người nông dân phải bám trụ với con nước và đồng ruộng khi phần lớn sản xuất nông nghiệp hiện nay không thể theo kịp hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại về mặt kinh tế và tiết kiệm sức lao động.
Nhà chia lô ở khu vực ven trung tâm xã
Hiện nay trong chiến lược xây dựng NTM thì các không gian trung tâm xã là yếu tố tiên quyết hàng đầu, kế đến là hạ tầng kỹ thuật các khu tập trung đông dân cư (thị tứ, điểm dân cư.) và các tuyến giao thông nông thôn kết hợp đê bao khép kín. Các căn nhà tạm bợ ven sông rạch phần lớn đã được quy hoạch (QH), di dời đến các vị trí an toàn. Tuy nhiên vấn đề quản lý các hộ dân cư các tuyến sông rạch, gắn liền ruộng vườn chuyển ra sinh sống tại các khu vực điểm dân cư tập trung hay trung tâm xã, thị tứ,… chưa được chặt chẽ, làm mất cân đối giữa công tác QH hạ tầng và sự phát triển nhà ở nông thôn ở các khu vực này. Chính vì sự nới lỏng này dần dần làm mất đi sự kiểm soát đối với kiểu QH nông thôn tự phát, dẫn tới cấu trúc làng xóm nông thôn bị phá vỡ.
Các không gian phục vụ sinh hoạt dần thu hẹp
Về thực trạng hiện nay, bản chất đô thị hóa ở nông thôn là một sự sao chép một cách vô định hướng bộ mặt đô thị. Các hình thức kiến trúc nhà ở nông thôn hiện nay được người nông dân mang về với những “ngôi nhà chia lô” san sát ở đô thị một cách rập khuôn, làm xuất hiện hàng loạt hình thức kiến trúc hỗn hợp “tây - ta”, ảnh hưởng nặng nề tới yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc và cảnh quan vùng nông thôn. Người dân nông thôn không hiểu rằng đô thị với mật độ dân cư rất cao vốn khan hiếm đất đai nên cư dân ở đó buộc phải chọn hình thức nhà ở chia lô như là giải pháp tình thế trong tổ chức môi trường sống. Các ngôi nhà ở chia lô san sát này bị hạn chế rất nhiều về tiện nghi ở, sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên, thiếu các không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi...Các yếu tố này đã làm hạn chế chất lượng môi trường ở của người dân cư trú ở đô thị và quan trọng là hình thức cư trú kiểu đô thị không phù hợp với lối sống gắn liền với sản xuất nông nghiệp của người nông dân.
Ngôi nhà bố cục hình chữ L
2. Sự thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp là nhằm giúp người nông dân có thể tăng hiệu quả sản xuất, nhưng do nhiều bất cập hạn chế đã làm một bộ phận không nhỏ nông dân từ bỏ việc sản xuất nông nghiệp để chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Thêm nữa là quá trình đô thị hóa, nhu cầu về lĩnh vực thương mại hay phi nông nghiệp ở vùng nông thôn đang ngày càng có chiều hướng gia tăng. Do đó một bộ phận người nông dân đã từ bỏ ruộng đồng, sản xuất nông nghiệp để tìm đường ra mặt lộ với mong muốn đổi đời với các công việc vốn lạ lẫm với họ như kinh doanh, thương mại... Mô hình kinh tế gia đình thay đổi dẫn đến sự thay đổi về không gian kiến trúc nhà ở. Các không gian, diện tích phục vụ sinh hoạt chung (hàng hiên, sân, bãi.) bị thu hẹp, tận dụng phục vụ cho công việc kinh doanh, dịch vụ; ao hồ được san lấp thành sân, bãi cho thuê hay làm thương mại.
Nhà chia lô như đô thị
Ngày nay với việc phát triển của khoa học kỹ thuật, không chỉ công nghệ sinh học mà cơ giới hóa cũng được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công việc như làm đất, tưới tiêu, tuốt lúa ngày càng tăng; công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cũng được phát triển mạnh. Tuy nhiên cơ giới hóa nông nghiệp sẽ hạn chế việc làm lao động chân tay của người nông dân, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người dân từ bỏ ruộng đồng để tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn. Thêm vào đó là tình trạng di dân ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng đáng báo động, với mức tăng trưởng dân số toàn vùng là 0,0% từ 2009 - 2019 [4]. Nhân khẩu trong mỗi gia đình ngày càng suy giảm, các căn hộ 5-8 người (3-4 thế hệ) sinh sống dần trở nên khan hiếm. Vì thế những ngôi nhà mang dáng dấp đô thị với không gian sinh hoạt, quy mô nhỏ phục vụ từ 2-4 người (1-2 thế hệ) xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn. Thực tế
3. Sự thay đổi phương thức sống của người dân nông thôn
Trước hết là về điều kiện tự nhiên, có thể nói nhà mặt tiền sông nước ở nhiều vùng ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng bờ sông trái phép cùng với việc khai thác tài nguyên quá mức ở các lòng sông làm cho dòng chảy thay đổi dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. Các con sông lớn bị ăn sâu vào bờ hàng trăm mét, cuốn trôi hàng trăm căn nhà trong nhiều năm qua. Các yếu tố này khiến một số bộ phận người dân cảm thấy lối cư trú ven sông, rạch không còn phù hợp, an toàn nữa, cộng thêm với sự phát triển của hạ tầng giao thông đường bộ đã thúc đẩy việc vận chuyển giao thương hàng hóa đa dạng, dễ dàng hơn khiến cho nhu cầu tìm nơi cư trú mới an toàn, phù hợp hơn đang dần dần được hình thành.
Một nguyên nhân khác là sự ô nhiễm nguồn nước và môi trường do các khu công nghiệp, chế biến thủy sản thải ra các con sông hàng ngày. Đối với người dân nông thôn ĐBSCL thì sông rạch là nguồn sống chính, mọi sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, đều phụ thuộc vào con nước. Và với mức độ ô nhiễm ngày càng tăng như hiện nay thì thật khó để giữ người nông dân bám trụ lại với con nước đã gắn bó từ bao đời nay.
Ngoài sự thay đổi của điều kiện tự nhiên còn có một yếu tố nội tại tác động rất lớn đến lối sống của người dân là nhu cầu được thay đổi của chính họ. Ngày nay cùng với sự phát triển của đất nước, nông thôn cũng đã thay đổi, phát triển về nhiều mặt, cuộc sống người dân thay đổi rất nhiều. Cùng với đó quá trình xây dựng, phát triển nông thôn đã được nhà nước quan tâm rất nhiều với chương trình xây dựng NTM, nhằm xây dựng vùng nông thôn giàu đẹp hơn trên tiến trình phát triển đất nước. Vì thế bộ mặt, hình ảnh kiến trúc nông thôn cũng theo quy luật phát triển không thể giữ mãi như trước kia được.
Sạt lở ở vùng nông thôn
Đặc trưng văn hóa lối sống của vùng ĐBSCL nói chung và vùng nông thôn Vĩnh Long nói riêng là đặc tính "mở", tính năng động, tính linh hoạt... Các đặc tính này hình thành trong quá trình khai khẩn nhằm thích nghi với cuộc sống di cư, luôn thay đổi theo điều kiện tự nhiên và các yếu tố xã hội tác động, nên trong lối sống của người nông dân với bản chất tiếp nhận cái mới và tiếp nhận sự thay đổi để phát triển đã hình thành và định hình nên phong cách sống của người dân nông thôn từ thời xa xưa. Sự tiếp nhận, thay đổi vào buổi đầu khai hoang là phù hợp, vì lúc đó lối cư trú sinh sống chưa được định hình. Còn ngày nay trải qua nhiều năm thay đổi, lối sống và cư trú của người dân nông thôn vùng ĐBSCL nói chung và vùng nông thôn Vĩnh Long nói riêng đã được định hình và ổn định (lối cư trú gắn liền với sông nước) thì sự thay đổi cần phải được cân nhắc.
Với lối sống đặc trưng đó thì người nông dân ĐBSCL cũng có nhu cầu thay đổi về kiến trúc nhà ở khi cuộc sống đã thay đổi và phát triển hơn xưa. Xã hội thay đổi, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ngày càng được rút ngắn, các trào lưu, xu hướng, lối sống cũng như sự phát triển của đô thị dần dần tác động đến vùng nông thôn. Không khó để nhận thấy cuộc sống của người dân nông thôn bắt đầu chịu ảnh hưởng từ đô thị, nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần của vùng nông thôn cũng bị tác động từ đô thị. Người nông dân khi đã bỏ được cái đói, cái nghèo sẽ mong muốn tiếp cận với hiện đại, hướng cuộc sống về đô thị nhằm làm thay đổi chất lượng cuộc sống trước đây. Hệ quả của quá trình này là sự tiếp nhận các trào lưu, xu hướng từ đô thị một cách dễ dàng, rập khuôn mà không hề có sự hiểu biết hay tìm hiểu gì về các trào lưu hay xu hướng này. Rõ nhất là các trào lưu, xu hướng nhà ở được người dân nông thôn sao chép mà không có sự chọn lọc từ đô thị, từ đó dẫn tới một bộ mặt hoàn toàn thay đổi nhưng lại bị đánh giá kém về mặt thẩm mỹ và chất lượng môi trường sống.
Nông thôn ngày nay
Mặt khác nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt do sự gia tăng dân số hiện nay, nên các nhà ở vùng nông thôn không còn duy trì lối cư trú đại gia đình với nhiều thế hệ như trước đây. Các đại gia đình có xu hướng chia ra thành các gia đình nhỏ, nhằm đáp ứng cho nhu cầu lập gia đình, tách riêng của con cái khi lớn lên. Chính yếu tố này đã làm xuất hiện hai luồng cư trú mới, một là đất đai căn hộ hiện hữu của đại gia đình sẽ được chia ra cho con cháu, từ đó dẫn tới tình trạng san lấp ao hồ, vườn cây để đáp ứng nhu cầu đất ở và sinh hoạt, đồng nghĩa với việc đánh mất cảnh quan và giảm chất lượng môi trường ở khi các yếu tố cây xanh che mát, thông thoáng cho công trình như ao, hồ, sân vườn không còn nữa. Hai là xu hướng tiếp cận mặt tiền quốc lộ, một phần do sự tác động của làn sóng đô thị hóa, một phần do nhu cầu muốn tách khỏi cuộc sống ruộng đất, gắn liền với nông nghiệp để tìm một nơi phát triển mới.
4.Kết luận
Xây dựng NTM ở bất cứ địa phương nào, mục đích cuối cùng vẫn là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và điều kiện xã hội của các vùng nông thôn, để từng bước hòa nhập với tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là chúng ta phải bảo tồn hết tất cả những gì đã có ở vùng nông thôn. Bảo tồn phải đi đôi với lưu giữ và phát triển thì mới đáp ứng được nhu cầu thực tế của người nông dân. Không thể bắt người nông dân phải ở trong những ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái khi họ thật sự có nhu cầu về những ngôi nhà có phong cách hiện đại như ở đô thị ngày nay. Ví dụ như nhà chia lô là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển ở đô thị, và ở nông thôn nhu cầu về ngôi nhà này là thật sự không ít. Vì thế cần phải có những hướng dẫn, quy định hay những mô hình nhà ở cụ thể để đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của người dân nhưng không làm mất đi những giá trị về kiến trúc, văn hóa, bản sắc của vùng nông thôn đậm chất sông nước này.
HÀ XUÂN THANH TÂM
Giảng viên, Khoa Kiến Trúc, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây
Tài liệu tham khảo
[1] Hà Xuân Thanh Tâm (2016), “Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc nhà ở trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long”, Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, Luận văn thạc sĩ, TP.HCM
[2] Hà Xuân Thanh Tâm (2019), “Máu nhà ở nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”, Đề tài cấp trường, Mã số GV.02.16.02, Trường Đại học xây dựng Miền Tây
[3] http://www.baovinhlong.com.vn/nhip-song-dong-bang/202103/lien-ket- san-xuat-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-3046820/#.YEycVVUzapo
[4] https://www.vcci.com.vn/vcci-cong-bo-bao-cao-thuong-nien-dau-tien-ve- vung-dbscl.
Các tin khác
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Chính thức thông tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò (Nghệ An)
MTXD - Hôm qua 29/8, Sở Giao thông vận tải Nghệ An tổ chức thông xe khai thác Dự án Đường giao thông nối thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò (giai đoạn 2) sau 2 năm thi công.
Chấm dứt dự án Bệnh viện 700 tỷ của TTH Group ở Quảng Trị
MTXD - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, đã đề nghị Công ty Cổ phần TTH Group thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt đồng dự án Bệnh viện quốc tế TTH Đông Hà theo quy định.
Nghệ An: Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2-Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030
MTXD - Ngày 24/7/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2450/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030. Trung tâm điều hành thông minh IOC được ví như “bộ não số” với khả năng tích hợp dữ