Một vài bàn luận về việc lập Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn trong Luật Kiến trúc

​MTXD - Tác động từ quá trình đô thị hóa đang làm phai nhạt dần những giá trị cốt lõi của làng - đơn vị cơ bản của tổ chức nông thôn đã được tích tụ và lưu truyền qua bao thế hệ.

MTXD - Tác động từ quá trình đô thị hóa đang làm phai nhạt dần những giá trị cốt lõi của làng - đơn vị cơ bản của tổ chức nông thôn đã được tích tụ và lưu truyền qua bao thế hệ.

Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á có tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh nhất, tính đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40% và số lượng đô thị là 862 với nhiều quy mô. Những tác động từ quá trình đô thị hóa đang làm phai nhạt dần những giá trị cốt lõi của làng - đơn vị cơ bản của tổ chức nông thôn đã được tích tụ và lưu truyền qua bao thế hệ, cùng với quá trình hiện đại hoá nông thôn, sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở nhiều nơi ít nhiều đã bị mai một; việc trùng tu các công trình văn hoá, tín ngưỡng theo hướng hiện đại làm cho các công trình phần nào mất đi bản sắc; nhà ở nông thôn ở nhiều nơi cũng không còn giữ được bản sắc truyền thống trước đây

Nông thôn là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông thôn còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được. Trong đó có vấn đề bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người, các giá trị, truyền thống lịch sử…

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, chức năng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống chưa được thực hiện tốt. Tính gắn kết cộng đồng có xu hướng lỏng lẻo, không gian văn hóa truyền thống dần bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị xói mòn. Văn hóa chưa được chú trọng khai thác để trở thành động lực và nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Có những điểm dân cư nông thôn được quy hoạch xây dựng từ những năm 2008 có thống kê bình quân đất ở 255 m2/hộ, nhà một tầng, bán kiên cố với mái ngói xung quanh, có vườn chiếm 70%, nhà tạm chiếm 10%, công trình vệ sinh chủ yếu là loại hai ngăn.

Nhưng chỉ hơn 10 năm sau cơn lốc đô thị hóa ào về như một cơn bão, mọi thứ đã khác hẳn. Tỷ lệ nhà ở tăng ngược lại so với quy hoạch trước đó, 70% là nhà tầng còn nhà cấp bốn, mái ngói, mái tôn chỉ chiếm 30%. Dân số tăng lên nhanh chóng khiến diện tích đất bình quân của mỗi gia đình ít hơn nhiều so con số 255 m2 trước đây, các mảnh đất của ông cha phải xẻ ba, xẻ bốn, phần chia cho con cháu, phần để bán lấy tiền tiêu. 

Trong các văn bản từ trước đến nay, mảng kiến trúc nông thôn gần như không được quản lý cũng như định hướng phát triển cụ thể. Các làng xã phát triển tự phát, “làng lên phố, phố trong làng” đã là các cụm từ quen thuộc đối với các xã nông thôn mới. Các không gian cảnh quan làng quê không được kiểm soát phát triển, vì vậy, Luật Kiến trúc được thông qua trong đó kiến trúc nông thôn trở thành đối tượng quan trọng trong quản lý, phát triển kiến trúc Việt Nam.

Luật Kiến trúc được ban hành là một thay đổi lớn trong giới Kiến trúc Việt Nam, nó sẽ tạo điều kiện cho các kiến trúc sư có chỗ dựa về việc hành nghề, đạo đức nghề nghiệp và cũng là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo của kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển kiến trúc Việt Nam sang trang mới. Luật Kiến trúc không chỉ đáp ứng mong mỏi của kiến trúc sư, của xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước, góp phần xây dựng nền kiến trúc nước nhà hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Luật Kiến trúc đã nêu ra các vấn đề cấp thiết và nóng bỏng hiện nay về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc. Luật cũng làm rõ vai trò chức năng, tổ chức cá nhân hành nghề kiến trúc trong các lĩnh vực  sáng tác, thiết kế phục vụ xã hội như bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, đánh giá, thẩm định trình độ, năng lực, chất lượng hành nghề trong kiến trúc. 

Trong Luật Kiến trúc, Điều 11 “yêu cầu đối với kiến trúc đô thị và nông thôn” có 2 nội dung đô thị và nông thôn. Đối với kiến trúc đô thị có 7 yêu cầu, kiến trúc nông thôn có 4 yêu cầu a, b, c, e giống đô thị, có bổ sung 3 yêu cầu riêng cho kiến trúc nông thôn. Như vậy, kiến trúc đô thị có 7 yêu cầu và có 7 yêu cầu liên quan đến kiến trúc nông thôn, có thể thấy Luật Kiến trúc đã đưa kiến trúc nông thôn trở nên quan trọng trong thực thi và phát triển. 
Để thực thi Luật Kiến trúc, Nghị định 85/2020/NĐ-CP tại Điều 12 quy định “Nội dung Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn” trong đó cụ thể là các quy định: 

1. Quy định chung định hướng về kiến trúc đối với khu vực cải tạo, xây dựng mới:

a) Khu vực trung tâm xã, dọc tuyến đường liên xã, trục đường chính trong xã, đường liên thôn, dọc tuyến đường gắn với cảnh quan khu vực bảo tồn, danh thắng, đối với các vị trí thay đổi về địa hình tự nhiên và nhân tạo.

b) Các khu vực tập trung làm xóm, khu vực điểm dân cư rải rác, các khu vực phát triển dọc tuyến đường, tuyến sông, mặt nước.

2. Quy định cụ thể:

a) Đối với công trình công cộng: quy định cụ thể về kiến trúc công sở, cơ sở y tế, giáo dục, công trình văn hóa, thể thao;

b) Đối với công trình nhà ở: quy định về việc xây dựng theo các chỉ tiêu được quy định trong quy hoạch chung xã và quy hoạch điểm dân cư nông thôn;

c) Đối với cảnh quan: quy định về cải tạo cảnh quan cây xanh, mặt nước và các điều kiện tự nhiên khác.

3. Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc ở nông thôn:

a) Xác định theo đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán trên cơ sở kiến trúc truyền thống của địa phương; sử dụng vật liệu và kỹ thuật truyền thống.

b) Yêu cầu đối với công trình kiến trúc xây dựng mới, việc sử dụng kỹ thuật, vật liệu.

4. Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.

Trong quá trình thực thi Luật Kiến trúc vừa qua, các cơ quan và cá nhân cũng đang gặp nhiều trở ngại trong thực hiện. Cụ thể:

1. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước

Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc là cơ sở chính để lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Tuy nhiên, do chưa có Thông tư hướng dẫn, đã dẫn đến nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn:

Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP có quy định: UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện được phép lập quy chế quản lý kiến trúc. Tuy nhiên, lại không quy định cơ quan cấp nào phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí đối với quy chế quản lý kiến trúc. Trong khi đó, trong hệ thống văn bản chưa quy định và hướng dẫn cụ thể về cấu trúc của Đề án quy chế quản lý kiến trúc đô thị và Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

Hai văn bản trên mới chỉ đề cập đến nội dung cần có trong quy chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Tuy nhiên các nội dung này mới chỉ tập trung vào hệ thống công trình kiến trúc mà chưa đề cập đến phần không thể thiếu trong các đô thị, đó là hạ tầng kỹ thuật và không gian cảnh quan, dẫn đến sự lúng túng trong trình tự lập quy chế quản lý kiến trúc.

Việc thẩm định quy chế quản lý kiến trúc còn gặp nhiều khó khăn: Đối với quy chế quản lý kiến trúc đô thị do cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh, đối với quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, UBND cấp tỉnh có thể phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt, ban hành. Tuy nhiên để thẩm định và phê duyệt đúng theo quy định cần có chuyên môn cao và hiểu biết sâu về công tác quản lý kiến trúc.

Hiện nay, trong hệ thống các văn bản quy phạm chưa đề câu sâu đến việc quy định quản lý điểm dân cư công nghiệp. Trong tương lai các khu vực này được định hướng trở thành khu đô thị. Chính vì vậy, việc quy hoạch và có thiết kế và quy chế quản lý kiến trúc ngay từ đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý sau này.

2. Đối với các nhà tư vấn

Việc thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể về quy định nội dung chi tiết cho quy chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn dẫn đến việc khó khăn trong công tác lập quy chế kiến trúc.

Việc quy định năng lực đối với nhà tư vấn cũng cần đội ngũ các nhà tư vấn có chuyên môn cao trong lĩnh vực kiến trúc.


Khu vực nông thôn càng tiến dần đến nông thôn mới nâng cao đã đặt ra bài toán khó cần giải quyết khi phát triển nông thôn theo hướng hiện đại mà vẫn giữ được giá trị lịch sử, văn hóa của nông thôn.

3. Đối với người dân 

Tại Nghị định số 85/2020/NĐ-CP và Luật Kiến trúc không quy định việc lấy ý kiến của người dân, dẫn đến việc người dân ít có quyền hạn trong quy chế quản lý kiến trúc, trong khi người dân lại là những người trực tiếp thực hiện quy chế quản lý kiến trúc, dẫn đến tình trạng người dân khó có thể tiếp cận được các khoản c Điều 12.

Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn nhằm quản lý và thực hiện theo đồ án quy hoạch chung xã đã được phê duyệt. Trong đó, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đường làng ngõ xóm theo hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi làng xã. Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đối với UBND huyện xã và các cơ quan chuyên môn của xã.

Các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan của xã. Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn làm căn cứ để quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng mới hoặc cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong làng xã. Vì vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để các nhà tư vấn, các đơn vị quản lý và người dân thực thi Luật Kiến trúc một cách dễ dàng, thuận tiện.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận

Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.