Nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, dự báo, chủ động điều hành ứng phó thiên tai

MTXD - Ngày 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị.

MTXD - Ngày 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19 nghìn người tham dự.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, quan trắc.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ yêu cầu các chủ đập thủy điện tổ chức quan trắc, thu thập thông tin khí tượng thủy văn để chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền; tham gia cắt, giảm, làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Đối với các hồ khu vực tỉnh Phú Yên trên lưu vực sông Ba, các hồ đã thực hiện giảm lưu lượng xả, mực nước hồ lớn hơn mực nước dâng bình thường nhưng thấp hơn mực nước lũ thiết kế. Hiện nay, việc vận hành, điều tiết lũ của các hồ chứa vẫn bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Công thương nhận thấy phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, một số nội dung quy định về quản lý an toàn đập, hồ chưa thủy điện tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP đến nay đã bộc lộ những bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Một số nội dung quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa rất khó triển khai thực hiện, không bảo đảm được các mục tiêu về an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và kém hiệu quả trong sử dụng tài nguyên nước quốc gia.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, với việc vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trong các năm vừa qua, các hồ trong quy trình đã tham gia cắt giảm đỉnh lũ từ 30-98% tùy từng cơn lũ, cắt giảm tổng lượng lũ từ 30-80% tổng lượng lũ (một số cơn lũ cắt được 85-92%). "Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục rà soát, dự kiến trước mắt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một quyết định điều chỉnh chung, trong đó sẽ sửa đổi một số điều của các quy trình vận hành liên hồ trên một số lưu vực sông để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, bất cập chung của các quy trình, đặc biệt là bổ sung cơ chế phối hợp vận hành, cung cấp thông tin, dữ liệu...", ông Trần Hồng Thái nói.

Bà Caitlin Wiesen, quyền điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) kiến nghị, "chúng ta cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) để hệ thống quản lý thông tin nhanh nhạy hơn".

Đại diện UNDP cam kết "sẽ tiếp tục giúp tăng cường năng lực quốc gia và cấp tỉnh trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ để cung cấp dữ liệu kịp thời và chất lượng cho việc ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả trong quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam".

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, năm 2021, những thiệt hại do thiên tai gây ra giảm đáng kể so với năm 2020. Số người chết, mất tích do thiên tai là 108 người, giảm 70% so với năm 2020. Thiệt hại về tài sản 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020. "Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, Phó Thủ tướng đã nêu rõ một số tồn tại lớn cần quan tâm trong giai đoạn tới. Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, "chúng ta phải xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân". Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Trước hết, phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ và nguồn lực đầu tư lớn. Phó Thủ tướng cho biết, ngày 21/4/2022, đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thứ hai, với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng đề nghị, cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn, giảm rủi ro khi xảy ra thiên tai. Ngay sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương để khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai năm 2022 để đánh giá mức độ an toàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những tồn tại, sự cố, hư hỏng của công trình đê điều, hồ đập, công trình giao thông,... bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố. Củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở (lực lượng trực tiếp nhất, có trách nhiệm xử lý theo phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra thiên tai, sự cố). Bên cạnh đó, cũng phải từng bước xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó các tình huống phức tạp.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Thứ năm, quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai. "Đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững", Phó Thủ tướng nói. Ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục sự cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt,...

Thứ sáu, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai.

Theo nhandan.vn

 

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.

TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024

MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.

Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn

Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.

MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân

MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.