Ngập lụt và sạt lở đất tại Đà Lạt- Lâm Đồng: Nguyên nhân và giải pháp nhìn từ góc độ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị

​MTXD - Khi đô thị phát triển, nhu cầu tăng dân số và mở rộng quỹ đất xây dựng ngày càng cao, thì những “khiếm khuyết” trong quản lý đô thị cũng tăng lên về “diện tích, quy mô và mức độ tác động”, với nhiều chủ thể cùng tham gia và lĩnh vực hoạt động cũng rất đa dạng (hiểu theo nghĩa tích cực và tiêu cực). Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp cân bằng giữa các nghịch lý: Quy luật “cung và cầu” trong sử dụng đất với lợi ích

MTXD - Khi đô thị phát triển, nhu cầu tăng dân số và mở rộng quỹ đất xây dựng ngày càng cao, thì những “khiếm khuyết” trong quản lý đô thị cũng tăng lên về “diện tích, quy mô và mức độ tác động”, với nhiều chủ thể cùng tham gia và lĩnh vực hoạt động cũng rất đa dạng (hiểu theo nghĩa tích cực và tiêu cực). Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp cân bằng giữa các nghịch lý: Quy luật “cung và cầu” trong sử dụng đất với lợi ích kinh tế từ đất; quy luật “quản lý và phát triển” trong việc kiến tạo môi trường sống với việc chuyển hóa của đất, nước và địa hình…

Hiện tượng ngập lụt đất tại Đà Lạt và tỉnh Đồng, đến nay đã  phổ biến tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. từ đồng bằng lên miền núi, từ đô thị đến nông thôn. Vấn đề ngập lụt và sạt lở đất, vốn dĩ là căn bệnh “trầm kha” của các đô thị và nông thôn trong quá trình hình thành và phát triển. Riêng đối với các đô thị và địa phương miền núi, việc san lấp đất, bạt mái ta luy, xây kè chắn đất trong các hoạt động xây dựng tại những khu vực có địa hình “chênh cốt” (nơi đỉnh đồi, sườn đồi, hay thung lũng), vốn được xem là “lẽ thường tình”. Do vậy, yếu tố kỹ thuật xây dựng và quản lý hành vi cần được phân tích (không chỉ trong mùa mưa, mà cả những ngày nắng hạn), để tìm hiểu căn nguyên trước khi đề xuất các giải pháp chống, chịu.
I.Nhận định tổng quan

1.1. Về hiện tượng ngập lụt:
Trong năm 2023, (theo thống kê từ Báo Người Đô Thị online, ngày 09/8/2023), tại 88 thành phố của cả nước có 9 thành phố ngập không đáng kể, 11 thành phố ngập theo quy luật triều cường, còn lại 68 thành phố, cứ mưa to là “ngập cục bộ” (ảnh bộ 1).

Ảnh bộ 1: Hình ảnh ngập lụt tại các đô thị và nông thôn trong cả nước (Nguồn: Internet)

Tại Đà Lạt đã từng có hiện tượng “ngập lụt cục bộ” trước và sau năm 1975. Có thể kể một vài trận ngập lụt điển hình, như: Trận lụt ngày 4/5/1932 phá vở đập ngăn nước sông Cam Ly, hình thành hồ Grand Lake – tức một phần hồ Xuân Hương – Giai đoạn đầu (gần nhà hàng Thủy Tạ), đến năm 1935 xây lại đập cầu ông Đạo tại vị trí như ngày nay; các trận ngập lụt tại khu “Xóm Sình” giữa đường Mạc Đĩnh Chi và Hoàng Diệu (phía đầu nguồn thác Cam Ly) trong các năm 1972 - 1973; trận lụt ngày 25/8/2014 nhấn chìm một phần khu dân cư phường 10 và phường 3 (từ thượng nguồn thác Prenn kéo dài đến xã Hiệp An – huyện Đức Trọng); các trận ngập lụt trong trung tâm thành phố Đà Lạt ngày 01/9/2022 tại khu vực đường Phan Đình Phùng, Hải Thượng, Tô Ngọc Vân, Phạm Hồng Thái (phía giáp hồ Xuân Hương) và Trần Quốc Toản (trước Vườn hoa Thành phố)… và tái diễn tình trạng này trong tháng 6/2023 (ảnh bộ 2).
 

Ảnh bộ 2: Hình ảnh ngập lụt tại Đà Lạt - Lâm Đồng (Nguồn: Internet)

Trước những trận mưa gây ngập lụt, phần lớn người dân Đà Lạt không hề bất ngờ khi gặp những cơn mưa lớn như thế! Theo số liệu thống kê: “Tổng lượng nước mưa ngày 01/9/2022 là 88 mm, ngày 23/6/2023 là 83 mm, ngày 12/7/2023 là 88 mm; thời gian mưa từ 30 - 45 phút, với cường độ mưa rất lớn”. Do vậy, không đầy một giờ sau cơn mưa, lượng nước ngập được rút cạn theo địa hình; trong đó đáng kể là các động thái “khai thông mương, suối” kịp thời từ phía chính quyền và nhân dân tại các khu vực nơi cuối dòng chảy trong đô thị. Nhưng đỉnh điểm” của các trận mưa “lịch sử” trong tỉnh Lâm Đồng (đến tháng 8/2023) Hai trận mưa vào rạng sáng ngày 29/6/2023 tại Đà Lạt và ngày 30/7/2023 tại Bảo Lộc, dẫn đến hiện tượng sạt lở đất đá kinh hoàng và gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng về công trình, tài sản và nhân mạng.
1.2. Về tình trạng sạt lở đất, sụt lún đất:
Thành phố Đà Lạt (nói riêng) và tỉnh Lâm Đồng (nói chung) đã từng xảy ra các vụ sạt lở đất (ảnh bộ 3). Tính riêng trong tháng 6/2023, trên địa bàn Đà Lạt đã xảy ra 13 vụ sạt lở đất (theo thống kê của Báo VNExpress) tại các khu vực đường 3 tháng 4, đèo Prenn, Nguyễn Văn Trỗi, Khe Sanh, Hoàng Hoa Thám… Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức khảo sát thực tế và thống kê các khu vực, công trình (gọi chung là “điểm”) có nguy cơ sạt lở. Cụ thể là: Thành phố Đà Lạt có 57 điểm – tính trên tổng số 157 điểm của toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 36,30 %; các địa phương còn lại, gồm: Thành phố Bảo Lộc 54 điểm, huyện Di linh 12 điểm, Đam Rông 10 điểm, Đức Trọng 8 điểm, Lâm Hà 6 điểm, Đạ Huoai 4 điểm, Đạ Tẻn 3 điểm, Lạc Dương 2 điểm, Đơn Dương 1 điểm, riêng huyện Cát Tiên không có nguy cơ này (theo tài liệu của Sở Xây dựng). Đối với thành phố Bảo Lộc, từ năm 2000 đến nay, cũng đã có nhiều trận mưa lớn, gây sạt lở đất / đá tại một vài điểm trên cung đường đèo Bảo Lộc, làm gián đoạn giao thông trên Quốc lộ 20 – đoạn đi ngang qua địa phận tỉnh Lâm Đồng. Mới đây nhất là trận mưa ngày 26/8/2023, làm ngập một phần đường B’Lao Srê, chia cắt hoàn toàn việc đi lại của nhân dân từ Thôn 6 đến Thôn 11 – thuộc xã Đại Lào…

Ngoài ra, trong tháng 7/2023, một hiện tượng đặc biệt đáng quan ngại:
Đó là tình trạng “sụt lún đất” với phạm vi rộng và tác hại lớn, tại 2 dự án: “Đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc” (tại phường Lộc Sơn) và “Hồ chứa nước Đông Thanh” (thuộc xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà). Theo nhận định ban đầu, đây là hiện tượng “đứt gãy về địa hình” – giống hiện tượng sạt lở đất, nhưng lại xảy ra trong những ngày khô ráo, không mưa (ảnh bộ 3).

Ảnh bộ 3: Hình ảnh sạt lở, sụp lún đất tại Đà Lạt - Lâm Đồng (Nguồn: Internet)
 

II. Xác định căn nguyên và những hệ lụy
Để có cơ sở nghiên cứu, phân tích, tôi chọn các vụ ngập lụt và sạt lở đất “điển hình” về tính nghiêm trọng và mức độ tổn thất lớn tại Đà Lạt và Bảo Lộc. Tuy nhiên, do không có điều kiện đi khảo sát thực tế, nên tôi sử dụng phương pháp “nghiên cứu gián tiếp” (từ tài liệu, hình ảnh, tin bài qua các trang mạng truyền thông chính thống, ý kiến một số chuyên gia trong và ngoài tỉnh đã đăng tải, nguồn tài liệu do Sở Xây dựng cung cấp…); kết hợp đối chiếu với các quy định Nhà nước đã ban hành.
Trên cơ sở xem xét về tính khoa học của các vấn đề (giữa tính kỹ thuật và thực tiễn, nhu cầu và khả năng, giải pháp và cơ chế chính sách…). Qua nhận định, tôi đưa ra các nguyên nhân chủ yếu sau:

Ảnh 4: Vòng tuần hoàn của mưa (Đồ họa của báo Người Đô Thị onlline)

Xem xét “Vòng tuần hoàn của mưa” (ảnh 4), như mọi người đều biết: Nguồn nước mưa khi rơi sẽ theo địa hình đồi núi, tạo thành sông, suối; sau đó được thu hứng vào các hồ chứa và chảy tràn thành dòng hướng về biễn. Một phần nước mưa thấm vào đất tạo thành nguồn nước ngầm; phần còn lại bốc hơi từ các nguồn nước mặt, để ngưng tụ hơi nước tạo thành mây và sau đó hơi nước nặng hạt rơi xuống thành mưa…
Đối với các đô thị miền núi, nếu nguồn nước mưa không được thu hứng, ngăn chặn từ 3 thế đất (trên cao, triền dốc và chân đồi), lượng nước mưa thường chảy tràn về chỗ trũng, nơi có cao trình thấp hơn, tạo thành dòng chảy lớn và sức công phá mạnh (tùy theo cường độ của sức nước, tốc độ dòng chảy và độ dốc của địa hình). Khi con người muốn “sống cùng thiên nhiên”, buộc phải thích nghi với quy luật tự nhiên của Đất - Trời. Thông qua các giải pháp QHXD tối ưu, con người sẽ tương tác và khắc phục dần các nghịch lý từ thiên nhiên, tạo được những hình ảnh tích cực. Đó là: Những hồ nước cảnh quan, các hồ điều hòa - thủy lợi trên núi, các hồ bơi “vô cực” nơi sườn đồi và những dòng kênh thoát lũ, sông, suối hiền hòa tại các vùng trũng, chân đồi, khe tụ thủy. Tất cả góp phần tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, hình thành “môi trường sống” an lành - sinh thái, phục vụ du lịch - nghỉ dưỡng, tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị…
Mặt khác, khi nguồn nước mưa thấm vào đất, tạo nên hệ nước ngầm dồi dào hơn, môi trường đất thuận lợi cho cây trái, mùa màng xanh tốt; đồng thời đây cũng là nguồn nước dự phòng, bổ sung cho nguồn nước mặt tại các nơi khan hiếm, để phục vụ nhu cầu sử dụng nước trong đời sống (khi cần thiết). Tuy nhiên, khi con người khai thác nguồn nước ngầm thái quá, dẫn đến mực nước ngầm trong đất bị hạ thấp, thậm chí khô cạn một cách “mất kiểm soát”, sẽ dẫn đến tình trạng “tầng đất mặt” bị “hỏng chân”, gây ra hiện tượng “sụt lún đất”, “đứt gãy địa hình”.

Tình trạng sụt lún đất luôn đe dọa sự bền vững cho các công trình xây dựng trên đất và sự an nguy cho con người sống trong vùng ảnh hưởng khi xảy ra sự cố (dù trời không mưa). Hình ảnh tại 2 dự án “Đường tránh Bảo Lộc” và “Hồ chứa nước Đông Thanh” là một minh họa (ảnh bộ 3), xác định đây là một trong những nguyên nhân rõ nét nhất…

Tình trạng “ngập lụt cục bộ” của Đà Lạt, Bảo Lộc (ảnh 5 & 6) và các đô thị miền núi (nói chung) có nguyên nhân do lượng nước mưa tại chỗ diễn ra cấp tập, lại không được thu hứng từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại chỗ, nên nguồn nước mưa chảy tràn tự nhiên trên bề mặt của địa hình. Một khi dòng nước chảy tự do, luôn mang theo lượng bùn đất được cuốn trôi và tìm hướng thoát về địa hình thấp, trũng.

Ảnh 5 & 6: Cảnh ngập lụt cục bộ tại Đà Lạt (trái) và Bảo Lộc (phải) – Nguồn: Internet

2.2. Nói về “Đất”

Về nguyên tắc: Đối với các đô thị miền núi, tại các vị trí “sườn đồi - dốc đứng” có độ chênh cao lớn, địa hình cách biệt đột ngột, khi nguồn nước mưa (trong mùa mưa bão và các ngày cao điểm) không được ngăn chặn từ trên cao, gặp phải thềm đất đã có những tác động nhất định của con người (do sản xuất nông nghiệp và nhu cầu xây dựng), sẽ thấm ngập vào đất và trôi tự do theo địa hình, tạo nên những xung lực rất lớn từ đất, nước và gây ra sự càn phá ghê gớm nơi vùng thấp trũng…

Ảnh 7 & 8: Đồ họa hiện trạng xây kè và sạt lở đất tại hẻm Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt & ảnh chụp tại thực địa (Nguồn: Internet)
 

Xét từ vụ việc cụ thể tại khu vực hẻm số 36, đường Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt (ảnh 7 & 8): Xuất phát từ nhu cầu sử dụng đất của gia chủ, đơn vị thiết kế - thi công đã sử dụng giải pháp san lấp đất với khối lượng đất đắp lớn (khoảng 6.000 m3), để tạo mặt bằng xây dựng bằng phẳng (diện tích khoảng 2.153 m2). Sau đó xây kè chắn đất bằng bê tông cốt thép, thành một khối thống nhất (để chắn đất cho 4 lô đất liền kề), với khối tích lớn (dài hơn 60 m, cao 13,4 m) vượt mức quy định…

Do vậy, khi lượng nước mưa quá lớn được chảy tràn trên bề mặt địa hình và từ công trình, cùng lúc với lượng đất đắp bên trong kè bị trương nở, tạo nên một lực công phá dữ dội, đạp bung một phần kè chắn (rộng khoảng 29 m) trượt ra khỏi kết cấu nguyên khối và trút đổ lượng đất bên trong kè, trôi chảy tự do xuống thềm đất phía dưới (cách khoảng 30 m), mang toàn bộ bùn đất vùi lấp mọi thứ, gây thảm họa kinh hoàng (vào rạng sáng ngày 29/6/2023).

Tương tự, tại khu vực đèo Bảo Lộc (ảnh 9): Hiện tượng đất trượt và đá tảng lăn, tràn ra một phần đường đèo Bảo Lôc làm ùn tắt giao thông thường xảy ra trong các ngày mưa bão. Nhưng với tình trạng thường xuyên tác động trên đất rừng tự nhiên, chuyển hóa một phần từ đất rừng nguyên trạng sang đất sản xuất, thì tính chất cơ lý của đất đã bị thay đổi (từ dạng “cứng” sang dạng “xốp”), nên khi đất bị “ngậm nước” làm ngập úng nhiều ngày do nước mưa, dẫn đến tình trạng trượt sạt lở đất / đá, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về tài sản và nhân mạng (vào ngày 30/7/2023).
Cả hai vụ sạt lở đất (tại Đà Lạt và Bảo Lộc) cho thấy: Đối với loại đất Bazan của Tây nguyên có đặc tính “khi khô thì cứng, khi thấm nước thì trơn trượt”. Một khi đất bị “ngậm nước” với tần suất lớn, nhiều ngày, sẽ không còn kết dính nguyên trạng như lúc ban đầu khô ráo. Nước ngấm lâu và ngập / úng làm gia tăng thể tích đất (ở trạng thái bùn và nhão), luôn tiềm ẩn nguy cơ trượt dài, sạt lở về phía địa hình thấp trũng. Tình trạng này không chỉ có ở Đà Lạt - Lâm Đồng, mà thường xảy ra tại các đô thị có địa hình miền núi – qua các trận “lũ quét”, “bùn trôi”, “sạt lở đất tự nhiên”…​

Ảnh 9: Hiện trường sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Nguồn: Internet)

 

2.3. Kiểm soát hành vi
Khi đã xác định nguyên nhân có vai trò tác động từ con người, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát mọi hành vi của các tổ chức và cá nhân trong quá trình quản lý và sử dụng đất (từ đất rừng, đất nông nghiệp và đất xây dựng), đến quản lý đầu tư – phát triển đô thị “sau quy hoạch” và quản lý trật tự xây dựng tại thực địa…

Nhà nước kiểm soát các hành vi của con người tác động lên đất, nước và địa hình bằng các định hướng và giải pháp quy hoạch chuyên ngành; cùng với các Quy chuẩn kỹ thuật và các quy định quản lý về trình tự, thủ tục hồ sơ (giao đất, hợp thửa / tách thửa, chuyển quyền / chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng, xử lý trật tự trong xây dựng…).

Về lĩnh vực quy hoạch đô thị, các chuyên gia tư vấn phải tích hợp các bản đồ quy hoạch đất, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch nông nghiệp vào bản đồ khảo sát hiện trạng địa hình - địa vật, làm cơ sở dữ liệu trước khi khởi đầu cho công việc nghiên cứu QHXD; đồng thời luôn tham chiếu số liệu về các hiện tượng tự nhiên của một vùng đất (ít nhất trong 5 năm liên tục và gần nhất), trước khi đưa ra các định hướng và giải pháp “chống / chịu”, thích ứng với môi trường, đảm bảo an toàn và bền vững lâu dài. Từ các định hướng của quy hoạch chung, các đồ án quy hoạch phân khu tiếp tục xác định, khoanh vùng các khu dân cư, “đơn vị ở” mới.

Trường hợp tại các thềm đất có cao trình chênh lệch lớn, địa hình phức tạp, nếu việc hình thành “khu dân cư” là xác đáng, cần thiết phải lập các đồ án quy hoạch chi tiết, hoặc thiết kế đô thị chuyên về kỹ thuật xử lý địa hình, san lấp đất và xây kè chắn, kết hợp giải pháp thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ…; đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật về QHXD, Tiêu chuẩn thiết kế loại công trình tương ứng; tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành và chủ trương chính sách áp dụng tại địa phương. Tại Đà Lạt, đối với các khu vực đã được quy hoạch định hình là “khu nhà ở” trên địa hình thềm đất dốc, có nhu cầu san lấp đất để tạo mặt bằng xây dựng ổn định, buộc phải có giải pháp thiết kế bạt mái ta luy đất hoặc xây kè chắn đất. Đối với các loại kè chắn có cấu trúc bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch đá, Nhà nước luôn yêu cầu và khuyến cáo: Chiều cao kè không quá 4 m, mặt kè có góc xiên từ 150 - 300, bề ngang tùy thuộc vào kích thước lô đất được quy hoạch chia lô (với “nhà phố liên kế” rộng từ 4 - 5m, “biệt lập có sân vườn” rộng từ 10 - 20 m)… Với các chỉ tiêu giới hạn (bề ngang, chiều cao và góc xiên), về mặt kỹ thuật và quản lý nhà nước đã có sự kiểm soát giải pháp san lấp và khối lượng đất; cùng với các giải pháp thiết kế kỹ thuật đồng bộ khác được thể hiện trong hồ sơ trình duyệt, như: Tính toán kết cấu chịu lực của kè; hệ thống mương, hố ga thu nước và các lỗ thoát nước trên bề mặt kè cứng; giải pháp thu nước mặt liên thông từ đầu kè xuống chân kè và hướng thoát ra mương cống chung tại khu vực (bên ngoài ranh đất)…

Ảnh bộ 10: Hình ảnh một số hiện tượng vi phạm Quy định quản lý đất, quy hoạch và xây dựng tại Đà Lạt - Lâm Đồng (Nguồn: Internet)
 

Cho dù giải pháp thiết kế có đạt chuẩn kỹ thuật và được cấp phép, thì chuỗi công việc trong hoạt động xây dựng (từ thiết kế, thi công, giám sát, vận hành và hậu kiểm), Nhà nước đều quy định rõ chức năng và trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan (gồm: Chủ công trình, đơn vị thiết kế, cán bộ thẩm định, nhà thầu thi công, người giám sát, cán bộ cấp phép và quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn…). Tuy nhiên, qua thông cáo báo chí từ Chính quyền cho biết: Công trình kè chắn đất (tại Đà Lạt) bị sạt lỡ đã có những vi phạm nghiêm trọng, không tuân thủ quy định quản lý nhà nước và hồ sơ thiết kế được duyệt, vi phạm hành lang lưới điện, xâm lấn ranh đất cấp, vi phạm quy trình tư vấn thiết kế, thi công và giám sát…

Như vậy, đã xuất hiện sự “bất tuân kỹ thuật và các quy định” (ảnh bộ 10) trong quá trình sử dụng đất và hành nghề xây dựng, có vai trò và sự tác động của các chủ thể sau: (1) Các chủ đầu tư là những tổ chức và cá nhân; (2) Lực lượng hành nghề xây dựng, từ thiết kế, thi công, giám sát kỹ thuật… (3) Đội ngũ Công chức / Viên chức thực hành chức năng quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch và xây dựng. Một khi các chủ thể này có những hành vi không được kiểm soát (dù vô tình hay cố ý), phá vỡ các quy luật tự nhiên, mất định hướng về quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng và QHXD), buông lỏng quản lý và thờ ơ với trách nhiệm công vụ, làm đảo lộn các trật tự trong quy trình hồ sơ (về đất đai và xây dựng)… sẽ tích hợp nhiều nguy cơ, dẫn đến những tác hại khó lường trong thực tế. Theo tôi, đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất!
III. Đề xuất các giải pháp
3.1 Về giải pháp ngắn hạn, cấp thiết:

(1) Ngành Xây dựng tỉnh cần tổ chức tọa đàm, trao đổi về những bài học kinh nghiệm từ sự cố công trình cho các tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng trong tỉnh; để qua đó nhận biết được các hành vi sai trái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, do không tuân thủ các quy định về hành nghề xây dựng,

Ảnh 11. Những con dốc trở thành những mương nước “khổng lồ” chảy tràn tự do xuống các con đường phía thấp hơn không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục xây dựng về cấp đất, cấp phép xây dựng.

(2) Chính quyền Đà Lạt cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến từng hệ thống chính trị, các Tổ dân phố, để Cán bộ và Nhân dân hiểu biết khái quát về Quy chuẩn, quy phạm, quy định đối với nhà ở và công trình riêng lẻ trong khu dân cư; nắm bắt các thủ tục thiết kế và xin phép xây dựng; nhất là các yếu tố kỹ thuật cơ bản (về thiết kế và thi công) khi có nhu cầu san lấp đất và xây kè chắn đất, để cùng kiểm tra (với tư cách chủ đầu tư) và giám sát cộng đồng (với tư cách người dân lân cận).
(3) Công bố các biển báo tại những khu vực thường xảy ra “ngập lụt cục bộ”, các điểm có khả năng “gây tắt nghẽn” mương, cống thoát nước, khu vực sông, suối, khe tụ thủy và các điểm có “nguy cơ sạt lở đất”. Hướng dẫn bà con ý thức giữ gìn vệ sinh - môi trường, không xả rác thải làm tắt nghẽn dòng chảy; vận động nhân dân hình thành phong trào tự quản “bảo vệ và khai thông mương, cống, khe suối, dòng chảy” trước - trong và sau những ngày mưa bão. Thực tế thời gian qua, tại kênh mương thoát nước giáp giữa đường Phan Đình Phùng và đường Hai Bà Trưng, không hiếm thấy tình trạng người dân xả rác thải xuống 2 bờ kênh mương thoát nước.

(4) Tổ chức hội thảo khoa học tầm quốc gia và quốc tế; thuê mời chuyên gia đa ngành (hợp tác giữa Trung ương và địa phương) nghiên cứu đề tài, lập đề án / dự án, tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất (về nguồn lực, điều kiện địa phương…) nhằm ứng phó với môi trường biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, xử lý triệt để tình trạng “ngập lụt cục bộ”, “sạt lở đất”, “bê tông hóa” và “kiến trúc ny lon” trong đô thị.

(5) Khi thẩm tra thiết kế để cấp phép, kiểm tra thực tế xây dựng tại hiện trường, cơ quan chức năng cần kiểm tra chứng chỉ hành nghề xây dựng của các tổ chức và cá nhân liên quan đến chuỗi hoạt động xây dựng. Quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng, ngành chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, chế tài đối với đội ngũ hành nghề xây dựng “bất tuân kỹ thuật và các quy định”. Cần rà soát, bổ sung các quy định, quy trình để kiểm soát quá trình thụ lý hồ sơ và trách nhiệm công vụ khi thực hành chức năng, nhiệm vụ được giao (liên quan đến kiểm tra hồ sơ nhà - đất, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, hậu kiểm và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị).

(6) Quy định chặt chẻ hồ sơ gộp / tách thửa đất; chuyển mục đích sử dụng đất (có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp và nông nghiệp sang xây dựng); thẩm tra giải pháp thiết kế san lấp đất và xây kè chắn (kể cả bạt mái taluy đất) đảm bảo tuân thủ các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đối với công trình kết cấu hạ tầng. Khi thẩm tra, cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi khu đất đã có hạng mục san lấp và xây kè chắn, cần có sự khảo sát, tính toán về số liệu địa chất đất giữa 2 công trình, tại 2 thời điểm thiết kế khác nhau; yêu cầu có những khuyến cáo cụ thể (trong hồ sơ xin phép) về biện pháp thi công phần ngầm đối với các công trình, hạ tầng trên nền đất đã có sự tác động trước đó.

(7) Rà soát, kiểm tra lại kiến thức chuyên môn, năng lực giải quyết và đạo đức công vụ của Cán bộ - Viên chức có chức năng quản lý kỹ thuật (như: thẩm định hồ sơ QHXD, kiến trúc công trình, đề xuất cấp phép xây dựng, quản lý nhà đất và trật tự xây dựng…) để có kế hoạch đào tạo lại và nâng cao trình độ; đồng thời có chính sách luân chuyển định kỳ, không để cán bộ quản lý nhà / đất làm lâu quá 10 năm cho một công việc, trên một địa bàn.

3.2. Về giải pháp dài hạn và bền vững:

(1) Đối với việc giải quyết “ngập lụt cục bộ”, ngành chức năng và Chính quyền Đà Lạt cần tổ chức kiểm tra lại hệ thống thoát nước của các cống trên suối Phan Đình Phùng và Hải Thượng, hồ lắng số 1, 2, 3 tại khu vực Vườn hoa Thành phố... đế nghiên cứu giải pháp mở rộng khả năng thoát nước tại những vị trí này. Chú trọng hệ thống thoát nước mưa (từ mái, máng xối) từ các công trình có vị trí điểm cao trong trung tâm thành phố (như khu Hòa Bình, đường Nguyễn Văn Trỗi…): Do không được thu gom nước, nên những con dốc trở thành những mương nước lộ thiên “khổng lồ” (ảnh 11), đưa nước chảy tràn tự do xuống các đường phía thấp hơn (như: Trương Công Định, Phan Đình Phùng, 3 tháng 2, Nguyễn Văn Cừ…). Do vậy, cần có giải pháp xây dựng, bố trí phân tán nhiều điểm “thu gom nước khu vực” bằng hệ thống mương, cống đô thị đủ sức chứa, không để chảy tràn lan như hiện tại, nhằm phòng tránh ngập lụt trong mùa mưa bão.

(2) Đối với các khu ở được hình thành mới, tại các thềm đất có cao trình chênh lệch lớn, địa hình phức tạp, cần thiết phải lập các đồ án quy hoạch chi tiết, hoặc thiết kế đô thị chuyên về kỹ thuật xử lý địa hình (san lấp đất và xây kè chắn), kết hợp giải pháp thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật về QHXD, Tiêu chuẩn thiết kế đối với loại công trình và hạ tầng tương ứng; phù hợp các quy định pháp luật chuyên ngành và chủ trương chính sách áp dụng tại địam phương. Từ đó, có cơ sở hình thành các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu vực được xác định “đơn vị ở” (theo quy định).

(3) Đề nghị Thành phố và Ngành Xây dựng cần phối hợp, rà soát lại các đồ án QHXD đã được phê duyệt; điều chỉnh và bổ sung các quy định về chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc đối với nhà ở và công trình riêng lẻ (được ban hành tại Quyết định số 36, năm 2015 và Quyết định sửa đổi số 41, năm 2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng) theo hướng:

a) Hạn chế quy hoạch chia lô đất ở dạng nhà liên kế, chuyển sang hình thức “nhà biệt lập” tại các thềm địa hình chênh cốt (dạng sườn đồi) và dưới thấp trũng so với mặt đường (kể cảđường hẻm); vì với dạng nhà liên kế thường có khối tích lớn, tải trọng nặng, tác động trên nền đất bazan sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đất. gãy đổ công trình… khi nền đất bị ngậm nước do mưa bão nhiều ngày.

b) Đối với các khu vực đường hẻm, giáp sông, suối và khe tụ thủy, cao trình đất có độ chênh cao tự nhiên giữa 2 tuyến đường chính hoặc hẻm:
Cần thống nhất khoảng lùi công trình cách mép chân taluy đất và kè chắn đất (khi thiết kế) tối thiểu 2 m và mép ngoài đỉnh kè phía giáp đường phải cách lộ giới tối thiểu 2 m; số tầng cao và chiều cao tối đa cho công trình biệt lập là 3 tầng (cho phần nổi); cho phép 1 tầng bán hầm tại vị Ảnh 12. Minh họa theo đề xuất của tác giả (TĐL) trí sườn đồi, đất dốc (phía taluy âm).

Hiện nay, quy định khoảng lùi nhà ở cách ranh đất 1 m (theo họa đồ đất) và tầng cao, chiều cao kiến trúc nhà ở trong hẻm cũng như ngoài đường
phố chính cho phép cao 19 m (tương đương 5 tầng) là không còn phù hợp


(ảnh 12).Minh họa theo đề xuất của tác giả (TĐL)

c) Khống chế phạm vi san lấp đất với tỷ lệ tối đa 60% trên diện tích lô đất; yêu cầu bố trí công trình phải bám sát địa hình tự nhiên; giảm chiều cao tối đa của mỗi cấp kè chắn đất và mái ta luy đất còn 3 m (thay vì 4 m), khoảng cách từ chân kè trên với đỉnh kè dưới cách nhau ít nhất 2 m. Vì với tỷ lệ chiều cao kè chắn / bạt mái taluy đất giảm, khối lượng đất san lấp ít, phần nền đất tự nhiên chiếm tối thiểu 40 % diện tích lô đất là “nguyên thổ”, sẽ hạn chế nguy cơ sạt kè, trụt lỡ đất, gây nguy hiểm cho thềm đất thấp phía chân kè.

(4) Trên cơ sở thực tế dự án đầu tư đã hoàn thành (gồm san lấp đất, xây kè chắn, hạ tầng kỹ thuật…) sẽ là “căn cứ gốc” cho việc giải quyết, cấp phép các hồ sơ về đất đai và xây dựng trong khu vực. Mục đích nhằm tránh tình trạng phê duyệt thiết kế san lấp và kết cấu kè chắn riêng lẻ cho từng lô đất, thiếu sự “liên kết cứng” tạo ổn định giữa các đoạn kè khi thi công không đồng bộ (như tình trạng đã xảy ra nêu trên).
(5) Kiên quyết thu hồi diện tích “đất rừng” bị lấn chiếm (ảnh 13 & 14); có kế hoạch từng bước giải quyết ổn thỏa việc tháo dỡ toàn bộ các “nhà lưới, nhà kính” hiện có trên “đất nông nghiệp”. Thông qua giải pháp QHXD cụ thể, cần hướng đến việc giữ được quỹ đất rừng trong đô thị; mở rộng dòng chảy tại các khe tụ thủy, tăng diện tích mặt nước và hệ thống thu nước, để cân bằng với lượng nước mưa và nước mặt… Có lộ trình cho phép chuyển dần chức năng sử dụng đất từ “đất nông nghiệp” sang “đất xây dựng hỗn hợp” với tỷ lệ phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả về môi trường, đất đai, kinh tế du lịch và phát triển bền vững đô thị.
(6) Tăng diện tích độ bao phủ rừng, tỷ lệ đất cây xanh đô thị (gồm: cây xanh công cộng, cây xanh trong khu đất xây dựng dự án, cây xanh trong kiến trúc công trình) và diện tích mặt nước (sông, suối, hồ cảnh quan)… trong các đồ án QHXD đô thị (từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết); đồng thời kiên quyết thực hiện chính sách quản lý và đầu tư để các chỉ tiêu về đất rừng, đất cây xanh, đất mặt nước đã được quy hoạch xác định và phê duyệt trở thành hiện thực. Cụ thể là: trồng thông tạo “cảnh quan rừng trong đô thị”; nạo vét, khôi phục và mở rộng (nếu có thể) các “hồ nước điều hòa - kết hợp cảnh quan” đã có, như các hồ: Than Thở, Mê Linh, Vạn Kiếp, Đội Có, Tống Lệ…; hình thành các công viên chuyên đề, các tiểu công viên, kết hợp mặt nước / hồ cảnh quan và các tượng mỹ thuật; kể cả các vườn nông nghiệp để trình diễn trong đô thị, với các loại cây-hoa-quả đặc hữu của Đà Lạt; nhằm góp phần cải thiện tích cực diện mạo và cảnh quan Đà Lạt – trong định hướng phát triển đô thị xanh, hiện đại, bản sắc và kinh tế du lịch đỉnh cao…

Ảnh 13 & 14. Cảnh lấn chiếm đất rừng làm nông nghiệp với hình thức “nhà kính, nhà lưới” tại vùng thấp trũng và cạnh hồ Than Thở (Ảnh: TĐL)

IV. Thay lời kết
Vẫn biết: Giải pháp nào cũng cần bắt nguồn từ quy định pháp luật, định hướng chiến lược và giải pháp quy hoạch (từ tổng thể đến chi tiết), nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng (công / tư), cơ chế - chính sách trong quản lý (về đất đai, quy hoạch, xây dựng và hành nghề), năng lực cán bộ cơ sở, phương pháp quản trị khoa học... Nhưng quan trọng hơn cả là biết chọn lựa Giải pháp đúng tầm và khả thi nhất, để Đà Lạt sớm có lộ trình đi dần đến đích hoàn thiện, trong điều kiện vừa đáp ứng được nhu cầu xây dựng của nhân dân, vừa thỏa mãn tính bền vững lâu dài trong chính sách phát triển đô thị Đà Lạt hướng đến “Thành phố Di sản - Sáng tạo - Thông minh và Bản sắc”

 Trên đây là những suy nghĩ chủ quan, với mong muốn hiến kế giúp Đà Lạt luôn phát triển bền vững và luôn đem lại sự an yên cho người dân và sự mến thương của du khách muôn nơi./.

THS. KTS. TRẦN ĐỨC LỘC*

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo Người Đô Thị online, ngày 09/8/2023;
- Thống kê của Báo VNExpress;
(*) Bài viết có sự góp ý của KTS. Trần Văn Việt và ThS.KS Lương Văn Ngự
 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.